Đỗ Hồng Ngọc - Đinh Cường vẽ theo trí nhớ (2014)
Thư gởi bạn (2.4.2020)
Cảm ơn bạn đã hỏi thêm câu
mình nói hôm trước: Thời buổi “Cô-Vi 19” hoành hành khắp thế giới này, thì với
những người đã có “tuổi hơi cứng” như tụi mình nên thực hành các hạnh Độc
Cư, Thiền Định, Kham Nhẫn, Tri Túc mà Phật đã dạy từ hơn hai ngàn sáu
trăm năm trước để có một nếp sống An Lạc và Hạnh Phúc. Thực ra không chỉ với bọn
mình mà cả những người bạn trẻ cũng nên học để có một cuốc sống an vui, mạnh khỏe,
không mắc phải những thứ bệnh “thời đại” là những bệnh như S.A.D (Stress:
căng thẳng; Anxiety: Lo âu, sợ hãi; Depression: Trầm cảm), hay “3 cao 1
thấp” (3 cao là Cao đường, Cao mỡ, Cao máu và 1 thấp là… Thấp khớp)
cùng rất nhiều các thứ bệnh khác do hành vi lối sống gây ra…
Độc Cư
là “Ở một mình” “sống một
mình”. Lúc dịch bệnh tràn lan như vầy thì lời khuyên tốt nhất là nên “ở nhà một
mình” (Home Alone, nhớ không?). Mọi người nên Stayhome trong “Homestay” của
mình. Bất đắc dĩ mới phải ra đường khi cần thiết, và phải luôn đeo khẩu trang để
tránh lây bệnh cho người khác và cũng để nhắc nhở mình đang mùa có dịch. Độc cư
nhiều khi dễ căng thẳng, buồn chán, dễ gây lộn, dễ “phá thành sầu” bằng chai
alcool (không phải để sát khuẩn) mà để sinh sự cho sự sinh.
Phật giảng một bài rất hay
trong kinh “Người biết sống một mình” nhớ không? Đó là người sống với cái Tâm
tĩnh lặng, trong sáng, không bị “trôi lăn” (cuốn) vào dĩ vãng hay tương lai bởi
“dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới”. Họ an nhiên tự tại với “ở đây và
bây giờ” (here and now).
Một người chui vào phòng
kín, nhập thất, hoặc lên núi cao cất cái chòi nhỏ… để sống mười năm chưa chắc
đã là “độc cư” bởi trong lòng còn mang mang : quân tử trả thù mười năm
chưa muộn… nhớ không?
Thiền định
một người bạn phương xa vừa
gởi mình tấm hình này, rất dễ thương. Tự nó đã nói lên nhiều điều. Xin được
chia sẻ:
Internet
“Nếu anh không thể đi ra
ngoài được thì hãy đi… vào trong”
Dĩ nhiên đây là nói về thời
“Cô-Vi 19” với lời khuyên phải “cách ly”, người cách ly người, nhà cách ly nhà,
phố cách ly phố…
Chớ còn hồi xưa, thời Xuân
Diệu:
Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Còn Trịnh Công Sơn thì
khéo hơn:
Xin em ngồi yên đấy
Tôi tìm cuộc tình cho…
Ngồi yên, đi vào trong (go
inside)… dĩ nhiên không phải là Thiền định rồi.
Lục tổ Huệ Năng bảo: Ngoài
không dính mắc là Thiền/ Trong không lay động là Định.
Vậy thì đi đứng nằm ngồi
gì cũng thiền cũng định. Đi ra ngoài đi vào trong gì cũng thiền cũng định.
Còn Trần Nhân Tông thì bảo:
Đối cảnh vô tâm mạc vấn
thiền
Trước cảnh mà tâm vẫn an,
vẫn tịnh, thì chẳng cần hỏi tới Thiền làm chi!
Chẳng qua vì tâm ta như khỉ
như vượn (tâm viên ý mã), dính mắc tùm lum nên mới vất vả lao đao bao điều.
Cho nên để có thể có tâm
an tịnh, thiền là một cách thế trong rất nhiều cách thế. Tụng kinh niệm Phật mà
đạt đến “nhất tâm bất loạn” thì cũng là Thiền. Tĩnh tâm cầu nguyện với lòng từ
bi rộng mở thì cũng là thiền. Và tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, cũng
là thiền, một cách căn cơ nhất. Chánh niệm (Mindfulness) dẫn đến chánh định
(Samadhi), từ đó mà có Chánh kiến, chánh Tư duy… trong Bát chánh đạo vậy.
Ngày nay, y học và tâm lý
trị liệu, phân tâm học, cũng nghiên cứu ứng dụng Thiền để chữa trị những thứ bệnh
thời đại. S.A.D, nghiện ngập, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật,
rối loạn hành vi… đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Dĩ nhiên, đó chỉ mới là
phần ứng dụng của Thiền, chưa phải là thiền Phật giáo, được hướng dẫn kỹ trong
Tứ niệm xứ (Satipatthana).
MBSR (Mindfulness-Based
Stress Reduction) và MBCT (Mindfulness-Based Cognitive Therapy) là những ứng
dụng thiền học tốt.
Dù sao, thiền cũng là cách
giúp mình được an nhiên, tự tại… ít nhiều trong tình hình đầy hoang mang căng
thẳng lúc dịch bệnh đang hoành hành.
Thiền còn giúp ta “quay về
nương tựa chính mình”, nhìn lại mình xem đã bao lâu rồi tất tả ngược xuôi, rượt
đuổi với bao “tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, kiêu mạn…”
Cho nên “If you can’t go
outside, go inside”, cũng là một nhắc nhở tốt phải không?
Kham nhẫn
Kham là chịu, nhẫn là nhịn.
Tục ngữ ta có câu: một sự
nhịn chín sự lành.
Trong các yếu tố khiến
“kham không nổi” thì “khẩu” (Lời nói) là yếu tố quan trọng nhất. Đã đành “ý dẫn
các pháp”, nhưng ý chưa thể hiện thành hành vi. Khẩu mới ầm ỉ, náo nhiệt, là đầu
mối sinh sự, gây chiến! Cho nên Phật dạy con mình là La Hầu La rất kỹ về “khẩu
nghiệp”: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời
hung ác… Rồi dạy con phải học hạnh của Đất để “nhẫn”: ném một thỏi vàng hay một
đống rác xuống đất, đất vẫn « như như bất động »…
Nhưng nhẫn đến như Phật đối
với Đề Bà Đạt Đa thì quá khó! Đề Bà Đạt Đa là em chú bác của Phật, cũng tu hành
đàng hoàng nhưng lòng tham quá lớn, muốn thay Phật lãnh đạo tăng đoàn, từng ném
đá giết Phật, từng khiến voi giày Phật, còn xúi giục con vua giết vua, chiếm
ngôi v.v…
Vậy mà Đề Bà Đạt Đa được
Phật ca ngợi hết lời. Hãy nghe Phật kể « công đức » của Đề Bà Đạt
Đa : « Do nhờ ông Thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa này làm cho ta đầy đủ
sáu pháp ba-la-mật, từ bi hỷ xả, mười trí lực, bốn món vô sở úy, bốn món nhiếp
pháp, mười tám món bất cộng… và nhờ đó mà ta thành bực Chánh đẳng Chánh giác… ».
Nói khác đi, nhờ có sự “đối nghịch” như vậy mà Phật mới nhẫn nhục, tinh tấn, để
trở thành vị Chánh đẳng Chánh giác. Đề Bà Đạt Đa xứng đáng là một Thiện tri thức,
một vị Bồ tát “nghịch” bên cạnh Phật đó chứ! Và ngày nay ta cũng cần những vị Bồ-tát
“nghịch” như thế.
Nhưng “kham nhẫn” trong lời
khuyên của Phật thì không chỉ là sự chịu đựng, “nhịn nhục” với cái đáng giận, đáng
ghét mà còn phải “kham nhẫn” cả với những đường mật, mê say vì dễ dẫn ta tới
tham ái, chấp thủ.
“Kham nhẫn” với giận với hờn
còn dễ hơn kham nhẫn với nhớ, với thương, phải không?
Tri túc
Tri túc là Biết đủ. Nhưng
thế nào là đủ? Làm sao để biết đủ?
Lòng tham vốn không đáy.
Lúc nào cũng muốn muốn muốn. Nào vạn tuế vạn vạn tuế, nào muôn năm trường trị,
nhất thống giang hồ, trường sanh bất tử…
Mà càng tham thì càng thấy
thiếu. Người đẹp muốn đẹp hơn. Người giàu muốn giàu nữa. Người quyền chức thì
muốn càng cao thêm mãi.
Nguyễn Công Trứ bảo: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Biết
đủ thì đủ! Đợi đủ bao giờ mới đủ? Bao giờ nghĩa là… còn lâu!
Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì
bảo trên con đường hoạn lộ:
Biết
đủ dầu không chi cũng đủ
Nên lui đã có dịp thì lui…
Cho nên Tri túc luôn đi
đôi với Thiểu dục. Thiểu dục Tri túc. Bởi người it ham muốn thì may
ra mới thấy là đã đủ, nghĩa là thôi, đủ rồi đó!
Có một cách “tri túc” hay
là đừng bao giờ so sánh. Đã có so sánh thì có hơn thua. Hơn cũng khổ mà thua
cũng khổ. Ngang bằng càng… khổ!
Thiểu dục Tri túc không
có nghĩa ngăn cản sự tiến bộ của xã hội, của con người. Dĩ nhiên là tiến bộ
theo hướng thiện, không làm khổ mình, khổ người, mà chỉ là để ngăn ngừa lòng
tham không đáy, “ích kỷ hại nhân”, để có được một đời sống an lạc, hạnh phúc.
Nhưng, nói thì dễ, mà làm
thì không dễ chút nào bạn ơi!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
2.4.2020