TRANG CHỦ

Friday, March 6, 2020

1471. CỔ THÀNH (1956-1993) NHÀ THƠ TRUNG QUỐC - THÂN TRỌNG SƠN DỊCH & GiỚI THIỆU



Sinh năm 1956, cha là Cố Công, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, phụ trách biên tập Giải Phóng Quân Báo, sống tại khu Bắc Hải, thành phố Bắc Kinh. Thuở nhỏ chỉ đi học được ba năm ( 1963 - 1966 ) thì phải bỏ học khi cuộc cách mạng văn hoá bùng nổ. Thời gian này, Cố Công bị đưa về một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Sơn Đông, mang theo gia đình, sinh sống bằng việc nuôi heo, kiếm củi.
   
Năm 1974, gia đình trở về Bắc Kinh. Cố Thành làm thợ mộc và những việc linh tinh khác.
  
Năm 1979, trên chuyến tàu từ Thượng Hải đi Bắc Kinh, Cố Thành gặp nhà thơ trẻ xinh đẹp Tạ Diệp, tiếng sét ái tình ập xuống hai người. Sau khi trở về, họ trao đổi thư từ với nhau trước khi quyết định kết hôn vào năm 1983, mặc dù gia đình cô gái không đồng ý.
  
Cố Thành tham gia nhóm nhà thơ chủ xướng phong trào " mông lông thi " của Bắc Đảo và Mang Khắc, xuất hiện trên tạp chí Thiên Kim của nhóm này. Các nhà thơ mông lung bắt đầu nổi tiếng. Cố Thành được mời dự nhiều cuộc hội họp, đọc thơ, ở trong nước và cả ở các thành phố châu Âu ( Bonn, Vienna, Paris, London... ), lúc nào cũng có Tạ Diệp đi cùng. Chẳng bao lâu, thơ mông lung bị các nhà bảo thủ công kích. Tạp chí Thiên Kim bị đóng cửa sau hai năm hoạt động. Năm 1986, Cố Thành tham gia một buổi sinh hoạt thơ tại Bắc Kinh và gặp phải những ý kiến chê trách nặng nề của các nhà thơ trung thành với thơ ca truyền thống. Một nữ sinh viên, Lý Anh, lên tiếng bênh vực, hai người thân nhau từ đây. Ban đầu, Cố Thành không có ý theo đuổi Lý Anh nhưng cô gái lại muốn tiến xa hơn. Năm 1987, vào đêm hôm trước lúc vợ chồng Cố Thành đi châu Âu, Lý Anh đến nhà và bày tỏ tình cảm của mình trước mặt Tạ Diệp.
 
Năm 1988 Cố Thành và Tạ Diệp sang sống tại New Zealand: Cố Thành được mời dạy đàm thoại tiếng Trung tại Đại học Auckland. Vào lớp, Cố Thành ngồi lặng lẽ nhìn sinh viên, chờ họ nói. Về phía sinh viên, họ cũng im lặng chờ thầy lên tiếng. Rốt cuộc sinh viên không học được gì nên không đến lớp nữa. Sự việc bị phát hiện và Cố Thành bị sa thải. Sau đó, cả hai chuyển đến một căn nhà tồi tàn không có điện nước tại Waiheke, một đảo nhỏ trong vịnh Auckland. Một cuộc sống khép kín, tách rời với xã hội, họ sinh đứa con trai đặt tên là Mộc Nhĩ, tên loài nấm mọc trên gỗ mục, sống qua ngày bằng cách nhặt sò hến, hái lượm trái cây, rau củ hoặc làm những vật dụng thô sơ bằng gốm để mang ra chợ bán.
  
Hầu như họ không giao tiếp với ai, Cố Thành không chịu học tiếng Anh hoặc bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Khó khăn lại càng tăng thêm khi Cố Thành bỗng nhiên muốn thuyết phục Tạ Diệp để đưa Lý Anh sang chung sống. Năm 1990, Lý Anh bay sang đảo Waiheke, với toàn bộ chi phí về thủ tục và di chuyển do Tạ Diệp đài thọ. 
  
Cuộc sống trên đảo của gia đình tay ba chẳng dễ chịu chút nào do thu nhập quá ít ỏi và do những cơn bốc đồng, giận dỗi, cãi vã của Cố Thành. Năm 1992, Cố Thành được mời sang Berlin ( Đức ) theo một chương trình trao đổi văn hoá, cả Tạ Diệp và Lý Anh đều cho đây là lối thoát cho mọi người. Hai vợ chồng quyết định bay sang Berlin, ( thật ra chỉ vì muốn kiếm ít tiền về sửa nhà ). Lý Anh vẫn ở lại Waiheke chờ đợi. Nhưng rồi Cố Thành ngày càng tỏ ra trầm uất và hoang tưởng.  Anh nói muốn mua súng, và có lần tìm cách bóp cổ Tạ Diệp. Lại có lúc anh nói sẽ rất vui nếu bị Tạ Diệp giết. Cuối cùng anh phải vào bệnh viện tâm thần nhưng mấy ngày sau phải trở ra vì Tạ Diệp tỏ ý không muốn trả viện phí và không chịu trách nhiệm về anh.    Một năm sau, đúng vào ngày sinh nhật thứ 37 của Cố Thành, hai vợ chồng trở về New Zealand thì Lý Anh đã bỏ đi. Ngày 8/10/1993, Cố Thành dùng rìu hạ sát vợ rồi treo cổ tự tử.
   
Cuộc đời ngắn ngủi của Cố Thành thật là ly kỳ, trang phục của anh cũng kỳ lạ không kém: ở đâu và lúc nào anh cũng đội chiếc mũ hình trụ, may từ ống quần jean cắt ra. Tại sao không chịu rời chiếc mũ ra? Anh giải thích đội như thế để ý tưởng không thoát ra khỏi đầu! Tạ Diệp cho biết thêm là ngay cả khi ngủ anh cũng không bỏ mũ ra, để những giấc mơ không bay ra ngoài được! Còn chuyện anh làm thơ chắc hẳn cũng khiến nhiều người ngạc nhiên: làm thơ ngay từ lúc chưa biết chữ. Khi mới lên sáu, một hôm cùng gia đình đi vào rừng, Cố Thành nhìn thấy một cành cây gãy vì bị mục rỗng mấy lỗ, anh bất ngờ bật lên hai " câu thơ ". Người chị là Cố Hương về nhà ghi lại, và đây được xem như bài thơ đầu tiên của Cố Thành còn được lưu giữ:

CÂY DƯƠNG

Mất một cánh tay
Tôi mở to con mắt.

Bài thơ TRĂNG SAO TỪ ĐÂU TỚI? cũng ra đời trong hoàn cảnh tương tự. Những năm khốn khó cùng gia đình chăn heo tại Sơn Đông là thời gian nguồn thi hứng của Cố Thành phát tiết mạnh mẽ."Ngẫu hứng cùng cuộc đời" và " Tụng ca thế giới " viết năm 1971 bộc lộ khuynh hướng thả trí tưởng tượng bay bổng theo vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên với bướm hoa, núi rừng, sông biển... Sự hồn nhiên, chân thật trong thơ của anh là một làn gió mới, tinh khôi, tươi mát, giữa không khí nặng nề, khốc liệt của thời cuộc. Cũng vào thời gian này, các nhà thơ trẻ như Bắc Đảo, Mang Khắc, Thư Đình bắt đầu sáng tác, báo hiệu cho trường phái " thơ mông lung " nổi đình nổi đám một thời gian.
    
Sau này, Cố Thành tiết lộ anh chịu ảnh hưởng nhiều từ Henry Fabre, nhà côn trùng học người Pháp với những bài viết và tranh vẽ, trong đó những sự vật nhỏ bé trong môi trường tự nhiên được quan sát và mô tả với cảm xúc của người chiêm ngưỡng, chứ không phải là nhà khoa học. Học theo thần tượng của mình, Cố Thành sưu tập côn trùng, ngắm nhìn chim chóc, và lấy cảm hứng để viết. " Tôi nghe thấy một tiếng động kỳ bí trong thiên nhiên. Tiếng động này biến thành thơ trong đời tôi."  " Điều gì đã đưa tôi đến với thơ? Một giọt mưa. Trên đường đi học hàng ngày, tôi thường đi ngang qua một cây thông. Một hôm, hẳn là sau cơn mưa, cảnh vật mát mẻ, trong lành. Và bỗng nhiên cây thông loé sáng với những giọt mưa lung linh bám vào cành và lá. Tôi thấy trong mỗi giọt mưa có vô số cầu vồng đang chuyển động, dưới bầu trời xanh tuyệt đẹp. Tôi nhận ra rằng mỗi giọt mưa bé nhỏ chứa cả vũ trụ. Cái thế giới chói loà trong mỗi giọt nước trong lành và xinh đẹp hơn cái thế giới ta đang sống. Thơ là một giọt nước mưa lấp lánh trên cành cây của lý tưởng." ( Ý tưởng này khiến ta liên tưởng tới câu thơ trong bài Tức hứng của Nguyễn Trãi: " Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn " - Sau mưa sắc núi làm trong trẻo mắt thơ ).
     
Nhà thơ càng thêm tuổi, tất nhiên thơ càng " người lớn " hơn, càng sâu sắc hơn, nhưng vẫn là tình yêu đối với cái đẹp:


CÁI ĐẸP

Cái đẹp mà tôi hằng khao khát
Là vĩnh hằng nếu so với cuộc sống
Cái đẹp của cuộc sống không ngừng biến đổi
Và cuối cùng cũng chỉ là tro bụi thôi.

Vẫn là tình yêu đối với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá:


SINH NHẬT

Vào ngày sinh nhật
Tôi nhận được chiếc ví sặc sỡ
Tôi chẳng có tiền
Và không thiết gì những đồng xu vô bổ.

Tôi chạy ra sau ngọn đồi xa lạ
Ngắm những bông hoa rực rỡ
Tôi tự nhủ: giờ mình đã có một nhà kho
Để chứa những hạt hoa trong đó.

Chiếc ví được nhét đầy hạt hoa
Vài hạt đen nhánh
Tựa như những con mắt ngộ nghĩnh dễ thương.

Và tôi bảo những hạt hoa: Đừng sợ
Tôi sẽ mang các em đến căn nhà mùa xuân
Và các em sẽ có được
Những áo khoác màu xanh
Và những chiếc mũ bông nhiều màu sắc trên vành.

Tôi có chiếc ví nhỏ
Tôi chẳng cần tiền
Chẳng cần những đồng xu tẻ nhạt
Không thể đâm chồi nẩy lộc
Tôi chỉ cần nhét vào ví những hạt hoa nhỏ xinh
Mà tôi biết từng ngày sinh.
  
Những năm tháng cuối đời của Cố Thành đã kết thúc như một bi kịch. Tuy thế, anh vẫn kịp để lại cho đời những bài thơ tuyệt đẹp. Cố Thành vẫn được nhắc đến như nhà thơ nhiều sáng tạo, một khuôn mặt lớn của nền thơ ca Trung quốc hiện đại. Thơ Cố Thành đã được dịch sang nhiều thứ tiếng ( Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch... ).
  
EM CÒN NHỚ CON SÔNG ẤY KHÔNG?
  
Em có còn nhớ con sông
Quanh co ngoằn ngoèo ấy không?
Lấy những chiếc lá nhỏ che mắt,
Cùng dạo bước đi thật lâu,
Ta chẳng nói gì với nhau,
Không hiểu sông từ đâu chảy đến
Rồi chỉ còn
Một chiếc đèn con dễ thương
Lặng lẽ đắm mình dưới dòng sông.

Giờ đây không còn bông hoa nào trên bờ
Chỉ có con đường nhỏ
Trắng xoá, trông như ai đó đã rút ra
Sợi chỉ từ một viên tuyết trắng.
Những thân cây vỏ đen
Cắm vào lớp đất phủ tuyết,
Dưới phù phép của mùa đông,
Cạnh dòng nước, cây không quên
Chê trách nhau.

Và dòng nước, vẫn cứ chảy
Vẫn cứ cất lên những điệu hát khó hiểu
Ngay khi không có ai ở gần.
Sông đến từ nơi ấm áp
Chẳng sợ giá lạnh,
Hít thở nhẹ nhàng,
Chừng như bầu trời, xuyên qua lá cây,
Là cửa kính bị đóng băng,
Trên đó sông muốn vẽ lên.

Tôi không vẽ được
Chỉ biết viết chữ lên tuyết
Viết những gì em muốn biết.
Em đến ngay đi, bởi chẳng bao lâu
Chữ sẽ tan đi hết
Những cánh hoa biết chuyện sẽ mang chúng đi
Cho những con ong gấu ghê gớm mà không có giọt mật nào,
Chỉ còn ngọn đèn nhỏ.



ĐƯỜNG HẺM

Đường hẻm
Chạy xiên, dài ngoằn.

Không cửa lớn
Chẳng cửa sổ
Chiếc chìa khoá cũ trong tay,
Anh gõ vào bức tường dày nhà em.

  
TRĂNG SAO TỪ ĐÂU TỚI?

Cây cối muốn chọc thủng bầu trời
Nhưng chỉ khoét được vài lỗ nhỏ
Ánh sáng xuyên qua được từ đó
Và mang tên gọi là trăng sao.


ĐỢI CHỜ EM ĐẾN

Bóng tối thôi không lay động
Mặt trăng thôi không mỉm cười
Sao trời thôi không nghi ngại
Nhưng tim anh vẫn cứ đi tìm
Mọi vật tĩnh lặng, không một âm thanh
Đợi chờ em đến.

Động cơ thôi không còn nổ
Tiếng còi thôi không còn rít
Dòng sông thôi không còn chảy
Nhưng tim anh vẫn cứ đập hoài
Mọi vật tĩnh lặng, không một âm thanh
Đợi chờ em đến.

Đèn lồng thôi không còn sáng
Lá vàng thôi không còn rụng
Thời gian thôi không còn trôi.
Nhưng tim anh vẫn cứ khao khát
Mọi vật tĩnh lặng, không một âm thanh
Đợi chờ em đến.


EM VÀ ANH

Em sẽ là giấc mộng dài
Anh sẽ là cơn gió thoảng.


GA CUỐI CÙNG

Trong giấc mơ
Trên xe buýt
Bỏ quên trạm dừng
Kết thúc ga cuối

Bầu trời tối đen như mực
Mặt đất dây điện giăng đầy
Tôi sẽ tìm kiếm ai đây
Khi mọi chuyện chỉ là ngày xưa.


TẠM BIỆT

Hôm nay
Em và anh
Sẽ bước qua cánh cửa xưa cũ đó
Không câu chúc tụng
Không lời giã từ
Toàn những thứ sáo rỗng
Tốt nhất là lặng thinh.
Điều giấu kín không hề lừa dối
Ta hãy dành kỷ niệm cho tương lai
Như dành giấc mơ cho đêm tối
Ngọn gió cho cánh buồm
Nước mắt cho biển khơi.


NHỮNG ĐOÁ HOA NHỎ KHÔNG TÊN

Viết khi cắt cỏ trở về, trời mưa nhẹ hạt, nhìn thấy những bông hoa nhỏ bên đường, cười cợt với những giọt nước.

Hoa dại
Nơi này, nơi kia,
Hé nụ rải rác
Bên vệ đường.

Chẳng là đoá cúc
Vòng tròn vàng rực
Chẳng là mẫu đơn
Lộng lẫy khoe sắc
Chỉ là những nụ hoa nhỏ bé
Cành lá mảnh mai
Mùi hương nhẹ thoảng
Trong sắc xuân.

Những bài thơ của tôi
Cũng giống như những loài hoa nhỏ đó
Thuận chiều gió, theo từng mùa,
Hé nở lặng lẽ
Trong thế giới hoang vu.


TÔI LÀ MỘT THÀNH PHỐ NHỎ

Tâm hồn tôi
Là một thành phố
Thành phố rất nhỏ
Không cửa hàng, không chợ búa,
Không đám đông, không dân cư,
Trơ trọi
Trơ trọi,
Chỉ có những lá úa,
Chỉ có những bụi hoa,
Và, rất thầm kín,
Những khát vọng của tuổi thơ.

Giấc mơ của tôi
Là một thành phố,
Thành phố rất nhỏ
Không đền đài khắc khổ,
Không huyệt mộ linh thiêng.
Lặng lẽ,
Lặng lẽ
Chỉ có chút sương mù,
Chỉ có làn gió nhẹ,
Và, rất dịu dàng,
Sự trong trắng của tuổi thanh xuân.

Ôi, tôi là thành phố nhỏ,
Thành phố rất nhỏ
Chỉ là một cư dân,
Chỉ là một cư dân,
Em trong giấc mơ của tôi
Em trong tâm hồn tôi
Em người tôi yêu quý!
Sao em không đến?
Sao em không đến?


GIƯỜNG MỒ

Tôi biết rằng cuộc viễn hành sắp tới
Nhưng tôi chẳng buồn gì
Trong khu rừng thông, bao ước vọng của tôi sẽ yên nghỉ
Ở dưới thấp, phía xa, biển cả trông như cái ao nhỏ
Và mặt trời ban trưa vẫn dõi theo từng bước tôi đi.

Một cuộc đời kết thúc, thế giới vẫn tiếp tục,
Tôi sẽ nằm dài ở nơi đây
Những người đã đi qua đó nói rằng nhiều cành lá rụng xuống
Những người đã đi qua đó nói rằng nhiều cành lá mọc lên.


NHÀ THƠ, CHẲNG LÀM VIỆC GÌ

Việc làm, chẳng phải việc làm, chỉ là hộp đựng thức ăn
Nhà thơ, chẳng làm việc gì,
Chẳng có lấy một con dao nhỏ
Để mỗi tháng cắt một khoanh mỏng
Từ cái bánh mì dân dã thật to,
Thế mà, thật lạ lùng, vẫn cứ sống,
Vẫn viết lách không ngừng, vẫn hạnh phúc.

Bao nhiêu người bảo anh ta
Đừng viết nhiều như thế
Nhiều quá, sẽ hoá thành bùn cả thôi.
Nhà thơ trả lời
Thì đúng là bùn đấy
Nhưng bùn sẽ khiến cho hoa đâm chồi.

Nhà thơ, vẫn cứ viết liên hồi
Nhà thơ, chẳng làm việc gì cả,
Chẳng có lấy một con dao nhỏ
Chỉ là hộp đựng thức ăn rỗng không.


XA VÀ GẦN

Em
Lúc nhìn anh
Lúc nhìn mây

Anh cảm thấy
Em rất xa khi em nhìn anh
Em rất gần khi em nhìn mây.


MỘT THẾ HỆ NGƯỜI

Đêm đen cho tôi đôi mắt đen
Nhưng tôi vẫn dùng mắt để tìm kiếm ánh sáng.


KHI

Khi giờ của tôi đã điểm
Xin hãy nhẹ nhàng chôn tôi
Dưới lớp lông tơ
Trong đêm đen
Tôi sẽ tạo cho mình
Đôi cánh rộng
Và trên quê hương yêu dấu
Tôi sẽ lại cất cánh bay.


TÔI LÀ ĐỨA TRẺ THẤT THƯỜNG

Có lẽ
Tôi là đứa trẻ được mẹ quá nuông chiều
Tôi thất thường.

Tôi ước mong
Mỗi khoảnh khắc
Đều đẹp như những bút chì nhiều màu sắc
Tôi ước mong
Có thể vẽ trên trang giấy tôi thích
Vẽ sự tự do dại dột
Vẽ con mắt
Không hề biết rơi lệ
Một khung trời
Với lông tơ và lá cây trên đó
Một buổi chiều xanh lục và quả táo hồng.

Tôi muốn vẽ buổi rạng đông
Vẽ giọt sương và những nụ cười thoáng hiện
Vẽ mọi cuộc tình
Non trẻ chưa từng biết khổ đau
Vẽ em trong mơ
Người tôi yêu dấu
Em chưa hề nhìn thấy những đám mây đen
Mắt em sáng như trời trong
Em mãi nhìn tôi
Mãi nhìn đăm đắm
Và chẳng quay đầu lại bao giờ.

Tôi muốn vẽ những đất nước xa xăm
Vẽ những chân trời sáng tỏ và sóng nước
Vẽ những con suối vui tươi
Vẽ những ngọn đồi
Phủ cỏ tơ nhợt nhạt.

Tôi sẽ xếp chúng sát gần lại
Để chúng yêu nhau
Để trao gởi nhau
Để mỗi chuyển mình lặng lẽ của mùa xuân
Trở thành
Ngày hội của một đoá hoa.

Tôi còn muốn vẽ tương lai
Tôi chưa từng nhìn thấy em, đó là điều không thể,
Nhưng tôi biết là em rất đẹp
Muốn vẽ chiếc áo khoác mùa thu em mặc
Vẽ những ngọn nến những lá phong đỏ rực
Vẽ nhiều trái tim
Tắt lịm vì yêu em
Vẽ những hôn lễ
Vẽ những hội hè tỉnh thức từ sớm tinh mơ
Dán lên trên những mảnh giấy gói kẹo
Và tranh minh hoạ các truyện trẻ thơ.

Tôi là đứa trẻ thất thường
Đã muốn xoá sạch trơn
Muốn vẽ những chiếc cửa sổ
Khắp nơi trên mặt đất
Để cho mắt trong bóng tối quen nhìn
Sẽ quen dần với ánh ngày
Tôi muốn vẽ cơn gió
Và những đỉnh núi lúc nào cũng cao hơn
Vẽ khát vọng các dân tộc phương Đông
Vẽ đại dương
Và tiếng ca miên man của hạnh phúc.

Cuối cùng, tôi muốn vẽ chính mình,
Nơi góc trang giấy
Vẽ con gấu trong đám cây
Nơi rừng sâu Victoria
Mơ màng,
Nó không có nhà,
Không có trái tim lưu lạc nơi xa
Chỉ có rất nhiều
Những giấc mơ như quả mọng
Và đôi mắt rất to.

Tôi vẫn ước mong
Ước mong
Nhưng không hiểu vì sao
Tôi chẳng có bút màu
Chưa có được phút giây rực rỡ
Tôi chỉ có mình tôi
Với ngón tay và nỗi khổ
Chỉ có những tờ giấy bị xé rách
Những tờ giấy trắng thân yêu
Bay đi đuổi bắt những cánh bướm
Biến mất trong hiện tại.

Tôi là đứa trẻ
Được mẹ mơ mộng quá nuông chiều
Tôi thất thường.



CHIẾC ÁO LEN ĐỎ

Hồi còn nhỏ
Có lần tôi khóc
Vì muốn mặc chiếc áo len đỏ.

Tôi đã từng thấy đứa con gái
Mặc chiếc áo đó
Trong cánh đồng mênh mông nóng nực, tung tăng,
Dưới ánh mặt trời hồng, tung tăng,
Như một ngọn đuốc.

Mà tôi, tôi không mặc được
Chỉ vì
Tôi là con trai.

Tôi có một cuộn len
Sắc đỏ mặt trời
Tôi không biết đan, thật ra tôi không dám
Tôi là con trai
Rất ngại bị bạn bè trêu chọc.

Chẳng bao giờ tôi được mặc chiếc áo len đó
Vậy là tôi khóc
Vì chẳng bao giờ.


( Dịch theo bản tiếng Pháp của François Charton )


GIÃ BIỆT

Em lặng lẽ quay sang một bên
Mặt em hướng về đêm.

Ở những nơi đêm chuyển dần tối thẫm nhất
Những ngọn đèn chụm lại bên nhau.

Chúng lúc nào cũng cận kề ở đấy
Sớm muộn gì ta cũng còn gặp lại.

Giờ này giã biệt
Để còn nhìn thấy nhau.


( Dịch theo bản tiếng Anh của Gordon T. Osing De-An Wu Swihart )


MÙA HÈ BÊN NGOÀI Ô CỬA KÍNH

Tiếng khóc dai dẳng suốt đêm
Khi mặt trời lên
Những giọt mưa lấp lánh
Trước khi bay hơi
Tôi không chùi cửa kính
Tôi biết bầu trời xanh
Và cây cối ngoài kia, đang khoe nhau mái tóc,
Khua những cặp phách
Vờ như mình là những côn trùng phá hại khổng lồ.

Mọi thứ đã quá xa.

Chúng ta từng yếu mềm như những con ve buổi sớm
Với đôi cánh ướt
Lá cây còn rậm, ta thì còn trẻ,
Không biết gì, cũng không muốn biết,
Chỉ biết rằng mộng mơ có thể trôi đi
Và đưa ta tới ban ngày
Mây có thể bước đi trong gió
Nước hồ có thể tụ hội ánh sáng
Thành một chiếc gương lấp loáng.

Chúng ta nhìn đám lá xanh thẳm
Tôi vẫn không muốn biết
Vẫn không chùi cửa kính
Những ngọn sóng xanh xám mùa hè nhấp nhô lên xuống
Những mái chèo gõ nhịp
Bầy cá rẽ dòng nước bạc
Tiếng cười áo tắm đỏ nhạt dần

Mọi thứ đã quá xa
Mùa hè vẫn còn vương
Tiếng khóc đã ngưng.


TRỞ VỀ

Đừng ngủ em, đừng,
Em yêu, con đường còn dài,
Đừng đến quá gần
Cám dỗ của rừng xanh, đừng mất hy vọng.

Hãy viết địa chỉ
Lên tuyết ướt trong tay
Hoặc hãy dựa vào vai anh
Khi ta đi qua mịt mù sương sớm.
Vén tấm màn bão giông trong suốt
Ta sẽ đến nơi từ đó ra đi
Một khoảnh đất tươi xanh
Bao quanh ngôi chùa cổ.

Ở đó anh sẽ canh giữ
Những giấc mơ mỏi mệt của em
Và xua đi lũ lượt đêm đen
Chỉ để lại những chiếc trống đồng, và mặt trời.

Khi bên kia ngôi chùa
Những đợt sóng nhỏ lặng lẽ
Bò lên bờ cát
Rồi run rẩy rút lui.


ĐẤY LÀ MỘT CON ĐƯỜNG HOÀNG THỔ VÀO MÙA ĐÔNG

Đấy là một con đường hoàng thổ vào mùa đông
Hai bên có nhiều tảng đá
Bụi đất nằm yên dưới mặt trời dửng dưng
Giữ hơi ấm trong giá rét mùa đông.

Dạo bước mỏi chân,
Em nói: " Anh đừng nhìn căn nhà trống ấy
Có thể nó không còn. Ta hãy ngồi lại một lúc
Trên bờ đê này."

Anh biết cỏ khô trên bờ đê này
Với những cọng lá gãy tặng hiến
Tất cả những gì chúng có, những gì chúng cảm thấy,
Chúng nói với anh:
" Ban đêm, mọi thứ có thể thay đổi
Làn gió nhẹ nhất có thể biến thành dã thú
Buông ra những tiếng hú man dại tiếp nối nhau"
Chúng nói: " Đừng ngồi quá lâu "
Nhưng em đang ngủ
Tựa nhẹ vào vai anh.

Mái tóc nâu của em phủ xuống ngực anh
Thật êm ả,
Mỏi mệt quá chẳng thể lay động trong làn gió nhẹ
Và mặt trời không thể đợi chờ
Khi con mắt thông cảm của nó đã mờ
Anh đã mất tiếng nói để đánh thức em,
Đấy là một con đường hoàng thổ vào mùa đông
Đêm lớn dần trong những chiếc bóng
Ngôi sao đầu tiên không khóc
Nó cầm lại những giọt nước mắt ánh vàng
Em tựa nhẹ vào vai anh
Trong hơi thở anh ấm áp
Môi em rung rung, nói trong mơ,
Anh biết em đang cầu xin mẹ thứ tha.

( Dịch theo bản tiếng Anh của Aaron Crippen )

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.