TRANG CHỦ

Tuesday, February 18, 2020

1460. TRẦN HUIỀN ÂN Một chuyến đi

Trần Huiền Ân - Photo by  Phạm Cao Hoàng, Tuy Hòa (2017)

  GỞI PHẠM CAO HOÀNG
         Có một việc phải đi Duy Xuyên (Quảng Nam), nhân tiện tôi làm một chuyến ngắn thăm bạn bè xưa.
         Chiều 14/2 ra Vĩnh Điện tìm Đynh Trầm Ca. Hồi giờ tôi chưa gặp ĐTC, chỉ nghe nói ĐTC về ở quê Vĩnh Điện. Thằng Út (Vũ Huyến) lái xe đưa đi, hỏi một chặp thì tìm ra quán Thạch Trúc Viên. Tôi rất mến phong cách điềm đạm, trầm tĩnh, rất trí thức của ĐTC. ĐTC nhắc đến hai từ La Qua nên tôi viết như vậy, chứ đúng ra nay có khác nhau. Không phải Hội An như PCH ghi dưới tấm ảnh.
         Trích lại một đoạn tôi đã viết:
         Đến Quảng Nam nghe câu ca dao:
                  Dù xa chỗ ngõ cũng xa
                  Dù gần Vĩnh Điện – La Qua cũng gần
         Vĩnh Điện, La Qua là những địa danh đã đi vào lịch sử, lưu giữ bao ký ức đẹp trong lòng nhiều người, tại địa phương và từ nơi khác đến đây. Thị trấn Vĩnh Điện huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điên Bàn) nằm trong trục tam giác Đà Nẵng - Hội An – Tam Kỳ, là trung tâm đầu mối giao thương khá phồn thịnh phía bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có dòng sông Vĩnh Điện, con đường thủy từng được vua Minh Mạng đốc thúc đào vét thêm để khai nối từ sông Thu Bồn ra Cửa Hàn. Làng La Qua thuộc xã Điện Minh huyện Điện Bàn, ngày xưa trong thành La Qua. Có câu nói vui: Qua qua La Qua, qua hôn qua hít qua vít qua véo qua chọc qua ghẹo, biểu em đừng la qua.
         Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh thành Quảng Nam xưa còn gọi là thành La Qua hay La Thành, năm Minh Mạng thứ 14 dời đến xã La Qua huyện Diên Phước, đắp bằng đất, năm Minh Mạng thứ 16 xây gạch. Thành có 4 cửa: Nam môn (cửa Tiền) có kỳ đài cao, Bắc môn (cửa Hậu) trông ra sông Vĩnh Điện, Tả môn nhìn về hướng đông, Hữu môn là nơi nhộn nhịp nhất vì dân chúng phần lớn đều đi qua đây. Khi đường bộ phát triển, con đường thiên lý bắc nam đi qua Vĩnh Điện cách tỉnh thành La Qua 500m hướng Hữu môn, đã tạo thêm sự sôi động cho vùng này.
         Tối đó về nghỉ ở ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên). Ngày 15/2 vào Thăng Bình ghé anh Xuân Tùng (có viết trên BK, tác giả tập Tiếng phèng la). Anh Tùng nay 92, khí sắc trên mặt còn tốt, nhưng yếu, mắt lòa, hơi lẫn, một việc hỏi đi hỏi lại vài lần.
         Vào Tam Kỳ, ghé Cao Quang Ân, giáo viên, trước dạy ở Phú Yên. Anh Ân hơn tôi một tuổi, còn khỏe và minh mẫn. Cũng tại Tam Kỳ, ghé anh Sơn Nhân (bạn văn nghệ), bất ngờ biết anh ấy mất trước tết âm lịch, vừa đúng ngày cúng tuần thứ sáu. Anh Nhân thua tôi vài tuổi, nguyên là cán sự y tế. Mọi lần các bạn ở đây mất (như Huỳnh Hoan – Ty Tiểu học Quảng Tín, Trần Ngọc Khuyến – văn nghệ) thì Sơn Nhân báo tin, nay Sơn Nhân mất không ai báo (Cao Quang Ân không quen Sơn Nhân). Thắp hương bái biệt hương linh Sơn Nhân xong, vào Núi Thành (quận Lý Tín cũ) ghé thăm Phạm Phú Bá (giáo viên, con ông Hoài Mai – PCH còn nhớ nhà thơ Hoài Mai, dạy Bồ Đề Tuy Hòa không?-, Bá là anh của Phạm Phú Thụy Khanh). Bá thua tôi một tuối, cũng bắt đầu lẫn. Vào Tuy Phước thăm Huỳnh Trung Khuê, giáo viên. Khuê thua tôi vài tuổi, còn tương đối khỏe mạnh. Xuống Quy Nhơn ghé Tô Trần Giám. Giám hơn tôi một tuối, những năm gần trước 75 dạy Cường Đễ. Giám làm phú rất hay, có trí nhớ tuyệt với, nay bị quên nhiều.
         Bạn cũ thì ngồi với nhau suốt ngày, thâu đêm, không nói hết chuyện, nhưng thời gian có hạn, tôi nghĩ: Còn được gặp nhau là vui vẻ, hạnh phúc. Chỉ tiếc như trường hợp Sơn Nhân.
         Tôi có quen hai vị Linh mục tại Tòa Giám mục Quy Nhơn. Nghĩ rằng sáng 16/2, chủ nhật, quý vị phải làm lễ, tối 15, thứ bảy, có dịp chuyện vãn, nhưng Lm Võ Tá Khánh đi Phan Rang, Lm Võ Đình Đệ 7 giờ tối ấy làm lễ, nên 7g30 cha con về Tuy Hòa liền.
         Một chuyến đi thời gian ngắn nhưng cũng tạm đủ để bằng lòng và thấy rất vui.
TRẦN HUIỀN ÂN
18.2.2020