TRANG CHỦ

Tuesday, January 21, 2020

1420. TRỊNH Y THƯ Du Tử Lê, Con Người Cô Đơn



Trịnh Y Thư
DU TỬ LÊ,
CON NGƯỜI CÔ ĐƠN

Chân dung Du Tử Lê
sơn dầu trên giấy 18 x 20 in ,  đinhcường

Sinh sống trong cùng một khu vực, quanh quẩn gồm chỉ mươi dãy phố xúm xít hàng quán và chợ búa người Việt nên tôi hay gặp ông ngồi quán với những bằng hữu văn nghệ của ông. Cũng có khi tôi thấy ông ngồi một mình. Những lần gặp gỡ, tôi lại bắt tay từng người, ngồi nói dăm ba câu chuyện vãn rồi kiếu từ. Ông ít nói, chỉ hay cười, nụ cười rạng rỡ, lành, và khi cười thì khuôn mặt hơi đen sạm nhiều vết nhăn ấy bỗng nhiên như sáng hẳn lên, kéo theo đôi mắt cũng cười. Mặc dù biết tiếng ông và đọc thơ văn ông nhiều, từ thời còn là thanh niên, nhưng tôi chỉ thật sự thân thiết với ông quãng một năm trước ngày ông đột ngột ra đi, chính xác hơn là từ lúc tôi nhận in cho ông tập thơ em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình. (Hóa ra đó là thi phẩm cuối cùng của ông.)
   Tôi để ý, tuy có nhiều bằng hữu xung quanh, nhưng trông ông lúc nào cũng như xa vắng, cô đơn.
   Tôi biết tiếng ông từ lúc ông làm tờ Quê Hương tại vùng OC, thời gian cuối thập niên 70, khi cuộc sống tha hương vẫn chưa thật sự ổn định, và sau đó là tờ Tay Phải cùng quán cà phê Tay Trái. (Tay phải viết, còn tay trái pha cà phê kiếm tiền nuôi tay phải.) Ông năng nổ, quán xuyến một lúc nhiều việc. Ông có tài ăn nói trước công chúng, trí thức nhưng ấm áp, rành mạch, trôi chảy, vừa phải, nên được đám đông mến mộ. Thời gian gần đây, sức khỏe suy kém nhiều, nhưng ông vẫn nhiệt tình đi tham dự những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Triển lãm tranh họa  sĩ  Nguyễn Đình Thuần, triển lãm tranh họa sĩ Trịnh Cung, đêm nhạc Trần Dạ Từ, ra mắt tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, v.v… lúc nào cũng thấy ông thân ái chia sẻ điều gì đó với bằng hữu và mọi người xung quanh bằng những phát biểu ngắn gọn, hàm súc; và với giọng nói tuy không sang sảng nhưng chắc, ấm, tiếng ông vừa cất lên thì đám khách ồn ào thích đùa cợt vui nhộn giữa đám đông bên dưới phải hãm bớt thanh quản mình, nghe ông nói.
   Ông cũng đi nhiều, khắp nơi có cộng đồng người Việt, ra mắt sách, gặp gỡ bằng hữu, tiệc tùng, cà phê, không ngớt. Bản tính ôn nhu, hòa hoãn, ân cần, điềm đạm của ông làm người đối diện thấy thoải mái, dễ chịu khi tiếp xúc. Dạo sau này, vì có sách xuất bản và tái bản ở Việt Nam, nên ông cũng hay về thăm, kết thân với nhiều văn nghệ sĩ, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.
   Một người như vậy, làm sao có thể gọi là “cô đơn” được? 
   Từ lâu tôi tin rằng kẻ viết văn, làm thơ là kẻ bị chứng psychosis nhũng nhiễu, hắn sống trong thế giới tưởng tượng của riêng hắn, một thế giới chỉ hắn chứ không ai khác có thể nhận thức. Kỳ thực, hắn sống cùng lúc hai thế giới. Nơi thế giới ngoại tại có thể hắn là người không cô độc, nhưng bên trong thế giới nội tại của riêng hắn, hắn là kẻ cực kỳ cô đơn.
   Đây là một nghịch lý của văn chương. Viết là giao cảm với kẻ khác, với ngoại cảnh, nhưng viết cũng là đối diện với cái cô đơn cùng cực, khiếp hãi của chính mình. Vì cô đơn nên mới viết, và viết để “giao hòa” với thế giới bên ngoài; có nghĩa là, bạn phải “cách ly” mình ra khỏi thế giới để trong tương lai “hội nhập” vào nó qua một tương tác kỳ bí, kỳ diệu nào đó. Biện chứng của cô đơn được nhà thơ Octavio Paz gói ghém trong câu nói “… Con người là hữu thể duy nhất biết mình cô đơn, và chỉ con người mới đi tìm con người khác,” in trong cuốn tiểu luận danh tiếng The Labyrinth of Solitude.
   Tôi nghĩ ông là người như thế.
  Trọn đời ông sống trọn tình trọn nghĩa với chữ nghĩa của mình. Với ông, chữ nghĩa là tất cả. Câu nói cuối cùng ông phát biểu trước mặt bằng hữu văn nghệ hôm 5/10/2019 tại quán café Hạt Ngò (vỏn vẹn hai ngày trước khi ông qua đời), tôi nhớ mãi, “… Chữ nghĩa là nhan sắc của thơ…” Câu nói tuy đơn giản nhưng đầy hàm lượng, nó tóm gọn chủ đích và ý nghĩa tinh tuyền nhất cho toàn bộ sự nghiệp thi ca đồ sộ của ông. Thơ vì chữ nghĩa, chữ nghĩa vì thơ. Và, lúc cô đơn nhất, chỉ có “chữ nghĩa làm nhan sắc thơ,” tuyệt đối không một thứ gì khác xen vào, là những giây phút hạnh phúc nhất của ông.
   Tôi nghĩ ông là kẻ biết tìm hạnh phúc. Tìm cho đến hơi thở cuối cùng cuộc đời mình.
   Vì thời gian quen biết quá ít ỏi nên tôi không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với ông. Tuy vậy, ông cũng tặng tôi một bài thơ và viết một bài nhận định khá dài về tập thơ của tôi xuất bản năm 2017. (Ông là một trường hợp hiếm hoi của văn chương Việt Nam, nguồn lửa sáng tạo vẫn sung mãn ở tuổi xế bóng, và ngòi bút không ngừng tuôn ra những câu chữ diệu kỳ.)
   Một lần tôi đưa ông về nhà sau buổi cà phê sáng, xuống xe, thay vì bước vào nhà, ông giữ tôi lại đứng trước cánh cổng sắt dềnh dàng chắn ngang khoảng sân rộng, trời đang vào xuân, lá non hớn hở trên cành, nói chuyện khá lâu.
   Nói lan man nhiều chuyện, nhiều đề tài, văn chương cũng như phi văn chương. Về con người nghệ sĩ, ông bảo tôi xã hội có nới lỏng đường biên cho người nghệ sĩ, ưu đãi hắn hơn mức bình thường, cho phép hắn làm một số những điều bị xem là ta-bu, nhưng nếu hắn buông thả dây cương giẫm qua đường biên đã nới lỏng ấy, làm nhiều điều xằng bậy thì chính hắn sẽ tự đào hố chôn vùi tên tuổi hắn. Tôi nghĩ ông thật chí tình khi nói những điều này.
   Không ngờ đó là lần nói chuyện thân mật, tương đắc duy nhất giữa ông và tôi.

TRỊNH Y THƯ

– Trích Người về như bụi, Tuyển tập Tưởng niệm Thi sĩ Du Tử Lê.