Friday, January 17, 2020

1411. VÕ CHÂN CỬU Gìn vàng giữ ngọc

ĐẦU GIÓ, tuyển tập thơ nhiều tác giả do Du Tử Lê chủ biên, Sài Gòn, 1973


Dùng nguyên thành ngữ 4 từ trên làm tên cho một nhà xuất bản xuất hiện vào  những năm cuối của cuộc chiến 1954-1975, chắc hẳn người sáng lập-nhà thơ Du Tử Lê-đã gửi gắm vào đó nhiều ước vọng!

Đó là một nhà xuất bản chuyên in các sáng tác văn chương (thơ, truyện). “Vàng”, và “Ngọc” ở đây là những gì,  có đúng là “thứ thiệt” hay không?

Các ấn phẩm đầu tiên của Gìn Vàng Giữ Ngọc trong đầu năm 1974 lại là những…tập thơ (thường khó bán chạy như trào lưu sách diễn tình thời thượng). Đó là “Đời Mãi Ở Phương Đông” của chính “ông chủ” NXB, và Thơ Kim Tuấn của Kim Tuấn-một nhà thơ đã sống và đang là quân nhân ở tận chiến trường cao nguyên (Pleiku).

Trên tạp chí Tiền Phong của Quân đội VNCH cuối năm đó, dưới bút danh Lê Thụy Du, trong bài điểm sách “Thơ Kim Tuấn”, Du Tử Lê đã viết : “Tôi vẫn nghĩ văn chương của chúng ta, nhất là thi ca, thiếu hụt hẳn cái mầm xanh của trời, cái óng ả của cây cỏ, cái tươi mát, hùng vĩ của rừng núi. Bởi thế, Thơ Kim Tuấn đến với chúng ta, như một cơn mưa hiếm muộn đến với vườn đời khô nẻ. Thơ Kim Tuấn đến với chúng ta, như một phiến trời xanh, giữa không gian xám, úa”…

Những năm này ở miền Nam, do các biến động về mặt tinh thẩn xã hội sau những “hoá thân” , “sống vội” hoặc “nghi ngờ”, “phủ định tất cả” mà chủ nghĩa hiện sinh và các trào lưu tư tưởng triết học mang lại, giới cầm bút  đang có khuynh hướng “về nguồn”.

Bốn chữ “Gìn Vàng Giữ Ngọc” mà thi sĩ Du Tử Lê dùng, hình như cũng nằm trong xu hướng đó? Nhưng nếu thật sự đó chỉ là khát vọng trở về với thiên nhiên, về với :tình tự dân tộc”, thì …đơn giản quá. Ai cũng có thể làm được!

Mãi đến gần đây, sau nỗi bàng hoàng và tiếc nhớ khi anh Du Tử Lê  xa rời cõi tạm, ngồi  đọc lại những tàng thư liên quan, tôi mới hiểu hơn những gì ở phía sau 4 chữ của thành ngữ mà anh đã dùng làm tên gọi nhà xuất bản!

Ở Việt Nam trước đây cũng như hiện nay, các nhà văn nhà thơ thường có thu nhập chính từ một nghề nghiệp  không phải là sáng tác. Đa phần là nhà báo, đi dạy học, hoặc là công chức, quân nhân. Người làm nghề báo, tức cũng sống bằng nghề cầm bút, nhưng không phải để làm văn chương mà là chạy theo thời sự, cái viết ra phải theo ý kiến của người cầm chịch-tức chủ báo hoặc nhóm quyền lực sáng lập ra tờ báo. Nhà văn mà đi làm báo thời sự thì sau đó thường rất khó viết văn-vì dễ “đá lộn sân”!

Thi sĩ Du Tử lê cũng đã từng nhiều năm làm báo, là phóng viên chiến trường do Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính Trị quản lý. Khoảng năm 1973, anh được cử về làm Thư ký Toà soạn tạp chí Tiền Phong. Tạp chí ra hàng tháng; đứng tên chủ nhiệm là Đại tá Hoàng Ngọc Tiêu (tức nhà thơ Cao Tiêu). Anh đã không “đá lộn sân”!

Vừa về nhậm chức “nồi niêu soong chảo” cho tờ tạp chí này, Du Tử Lê đã “trình diện” trên đó hai bài thơ mới sáng tác (ghi sáng tác ngày 25-7-1973) của mình:
                                                                                          
Lạ lùng thay, trên tờ tạp chí văn nghệ “chính thống” của quân lực VNCH, vẫn là một Du Tử Lê  trong thay đổi nhịp điệu thơ lục bát; và cách chấm, phẩy theo hình tượng ý và chữ (ví dụ trong bài trích dẫn: …gió đi, tôi động, lòng rào rạt, xưa). Thơ không mang mệnh lệnh, cổ vũ, hô hào ra trận…đáng lẽ phải có ở một tờ tạp chí văn nghệ dành cho các chiến sĩ.

Tạp chí Tiền Phong từ đó không chỉ “khác lạ” với hơi thơ Du Tử Lê. Những quân nhân là các nhà thơ thời danh như Cao Tiêu, Hà Huyền Chi, Tạ Tỵ, Y Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bắc Sơn, Thái Tú Hạp, Vũ Hoàng, Hạ Quốc Huy, Phạm Lê Phan, Phan Lạc Giang Đông; lớp mặc áo lính trẻ hơn như Trần Dạ Lữ, Lê Nguyên Ngữ, Bùi Đức Long, Chu Ngạn Thư… xuất hiện thường xuyên ở đây. Báo mời được  cả các “lão thành văn nghệ” như Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đản, Song Hồ, Mai Trung Tĩnh..; cả những người không mặc áo lính vẫn có bài đăng, như Đỗ Nghê, Lê Phổ Đức, hay mới xuất hiện như Hoàng Trần từ Pleiku. Thơ đăng trên tờ Tiền Phong lúc này đa phần có chủ đề về tình yêu (thậm chí là tình phụ) và những cảm xúc về thiên nhiên, tình người…

Năm 2014, trong chuyến du lịch đến Mỹ, tôi được gặp lại thi sĩ Du Tử Lê. Và  anh đã xác nhận: Du Tử Lê  là chủ biên của tuyển tập thơ Đầu Gió xuất bản năm 1973. Sách dày 570 trang, bìa ghi rõ: tuyển tập những bài thơ thép; và “dành để tặng các chiến sĩ”. Tập hợp hơn 160 nhà thơ hiện thời của miền Nam, đa phần in lại những bài thơ hay, đã được nhiều người biết. “Tuyển tập những bài thơ thép” này, có mặt cả những nhà thơ không ở trong quân đội, như Nguyễn Đức Sơn, Lê Văn Ngăn, Phạm Ngọc Lư, Võ Chân Cửu, Hà Nguyên Thạch, Phạm Cao Hoàng…

Qua những gì thi sĩ Du Tử Lê ứng xử, tôi hiểu thêm rằng: những sáng tác hay chính là vàng, là  ngọc, cần phải gìn giữ cho đời. Và sau 1975 ở Hoa Kỳ, anh lại tự nguyện dành thời gian làm công việc đó.

VÕ CHÂN CỬU
Nguồn: Bạn Văn Nghệ, 17.1.2019