Auto portrait, Đinh Cường, 10.7.2015
Đinh Cường rất kỷ luật và nghiêm túc trong việc sáng tác. Điều mà ông cho là quan trọng nhất là phải ngồi trước giá vẽ, ngồi vào bàn viết. Còn vẽ cái gì, viết cái gì thì sẽ tính sau. Thậm chí, vẽ cái gì viết cái gì cũng được. Phải bắt tay vào công việc thì mới có tác phẩm. Thời ở Kado – một vùng nông thôn hẻo lánh của người dân tộc thiểu số thuộc quận Đơn Dương – vào những năm 1963, 1964, nhiều đêm ông và Trịnh Công Sơn mải mê sáng tác mà quên cả thời gian, đến khi nghe tiếng vượn hú ngoài khu rừng gần đó mới biết đêm đã tàn và trời sắp sáng. Trong số các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ông là người vẽ chân dung văn nghệ sĩ nhiều nhất. Có khi cùng một người nhưng ông đã vẽ hàng chục bức chân dung mà ông vẫn chưa thấy đủ. Đó là trường hợp của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn. Những bức tranh thiếu nữ do ông vẽ thì đẹp vô cùng.
Những năm tháng sống ở Virginia, tôi để ý thấy ông có bốn nơi để vẽ.
Một là ngồi vẽ ở nhà - trong garage khi trời không lạnh lắm.
Hai là vẽ ở nhà - trong studio dưới basement về mùa đông.
Ba là vẽ chân dung cho bạn bè trong các buổi gặp gỡ. Đây là một điều rất đặc biệt và thú vị. Trong các buổi gặp gỡ ông rất ít nói, lặng lẽ lấy giấy bút ra vẽ chân dung một người nào đó đang có mặt ở đó mà chính người đó không biết ông đang vẽ mình. Cuối buổi gặp gỡ ông cho mọi người xem và người được vẽ tất nhiên là vui không thể tả. Ông tận dụng thời gian và cơ hội gặp gỡ để phác thảo nhanh các bức chân dung.
Địa điểm thứ tư mà ông ngồi vẽ là quán cà phê Starbucks cách nhà ông khoảng 20 phút đi bộ. Nơi đây ông đã vẽ theo trí nhớ chân dung của rất nhiều văn nghệ sĩ.
Đinh Cường đang vẽ chân dung một người bạn
tại một buồi họp mặt ở Studio Trương Vũ, Vienna (VA) hôm 8 tháng 5.2014.
Photo by Phạm Cao Hoàng
Photo by Phạm Cao Hoàng
Vẽ đối với ông như hơi thở. Mười ngày trước khi qua đời, nằm trên giường bệnh ông viết bài thơ Trưa nằm nhìn lên kệ sách, trong đó có câu “xin cho tôi vẽ dâng trào. nhựa xưa”. Trong Bài nhìn lên kệ sách 5, ông nói đến nỗi buồn khi bệnh tật đã làm cho ông không còn được vẽ và niềm khao khát được vẽ: “mùa xuân với trận mưa rào/cho tôi xin. một tiếng gào. Picasso.”
Rất bận rộn với việc sáng tác nhưng ông vần dành nhiều thời gian cho các bài viết về hội họa. Cuốn Đi vào cõi tạo hình của Đinh Cường do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành tại California năm 2015 là một cuốn sách rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về hội họa Việt Nam. Cuốn sách này là kết quả của hơn 50 năm tìm hiểu, sưu tầm, tích lũy, trong đó có những tài liệu chỉ gia đình ông mới có. Tính ông cẩn thận và chân thật nên những thông tin, những tài liệu trong cuốn sách là rất đáng tin cậy. Đây mới chỉ là tập 1 trong bộ sách gồm 2 cuốn. Tập 1 viết về các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930 cho đến giai đoạn chuyển tiếp 1954. Tập 2 viết về những họa sĩ cùng thời với ông xuất hiện từ năm 1957 trở về sau. Tiếc là tập 2 chưa kịp in thì ông đã ra đi nhưng chắc chắn gia đình ông cùng nhà xuất bản Văn Mới sẽ ấn hành tập 2 trong thời gian sắp tới.
Viết đối với ông cũng cần thiết như hơi thở. Ông làm thơ rất sớm và thơ ông xuất hiện đầu thập niên 1960 trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn. Từ năm 2010 trở đi ông bắt đầu viết nhật ký dưới dạng những bài thơ mà ông gọi là đoạn ghi hay còn gọi là bản tin văn nghệ và phổ biến trên mạng internet. Đây là những bài thơ ghi lại cảm xúc của ông về những sự kiện xung quanh ông, về tình cảm của ông đối với quê hương, gia đình, bạn bè… Cho đến nay ông đã viết cả ngàn bài thơ, trong đó có nhiều bài thơ rất hay, nhiều câu thơ xuất thần làm xao động lòng người.
Khoảng 200 bài thơ của ông đã được in thành 2 tập: Cào lá ngoài sân đêm (Thư Ấn Quán, 2014) và Tôi về đứng ngẩn ngơ (Quán Văn, 2014). Nếu in hết thơ của ông thành sách phải đến 10 tập.
Đinh Cường có 3 nơi để ngồi viết.
Nhiều nhất là ở quán cà phê Starbucks nằm trong một khu thương mại ở đường Burke Centre Parkway. Những nghệ sĩ lớn thường có những thói quen riêng, và thói quen của ông là ngồi ở Starbucks để viết. Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, nhưng thói quen của ông là mỗi ngày đến đó hai lần, khoảng 10 giờ sáng và 4 giờ chiều. Từ nhà ông sang đó rất gần nên ông thường đi bộ ; chỉ khi nào thời tiết xấu ông mới lái xe. Những lần chúng tôi đi ăn tối với ông, trên đường về bao giờ ông cũng ghé vào đó một mình để viết bài thơ trong ngày rồi mới về nhà.
Đinh Cường đang ngòi viết trong Starbucks Coffee
ở đường Burke Centre Parkway, thành phố Burke (VA)
ở đường Burke Centre Parkway, thành phố Burke (VA)
Photo by Đinh Trường Chinh (2014)
Nơi thứ hai ông ngồi để viết là trong basement ở nhà ông. Thường thường ông thức dậy vào khoảng ba giờ sáng để viết, tự đánh máy trên computer rồi gửi ngay trong đêm đến những nơi cần gửi. Bốn giờ sáng là giờ tôi thức dậy; bao giờ tôi cũng check email xem ông có gửi bài hay không, nếu có tôi đưa lên internet ngay để bạn bè và những người hâm mộ ông có thể đọc được khi họ thức dậy vào lúc sáng sớm. Từ năm 2015, sức khỏe ông sa sút dần, hai ba ngày không thấy có bài của ông là dấu hiệu của một điều gì đó không bình thường.
Nơi thứ ba mà ông ngồi để viết là trong các buổi họp mặt bạn bè văn nghệ. Đây cũng là điều rất đặc biệt đối với Đinh Cường. Có lẽ ông là người duy nhất có thể sáng tác trong những không gian kiểu như vậy. Lần đầu tiên tôi được “thưởng thức” kiểu sáng tác này là đêm 28.2.2011, tại buổi họp mặt khoảng 15 người tại nhà tôi ở Centreville nhân dịp họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, ca sĩ Nguyễn Ngọc Phong cùng nhóm bạn ở Boston và Canada sang chơi. Trong lúc mọi người đàn hát, trò chuyện rôm rả thì ông loay hoay ngồi viết một cái gì đó, đến khi mọi người đề nghị ông đọc thơ thì ông đọc ngay bài thơ vừa viết tại bàn tiệc: Đoạn ghi đêm Centreville. Bài thơ này ông viết tặng họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Tôi hết sức bất ngờ và ngạc nhiên, tự hỏi trong một không gian khá ồn ào làm sao ông có thể viết rất nhanh một bài thơ hay như vậy. Bài thơ này đã trở thành một kỷ niệm lớn đối với gia đình tôi.
Nơi thứ ba mà ông ngồi để viết là trong các buổi họp mặt bạn bè văn nghệ. Đây cũng là điều rất đặc biệt đối với Đinh Cường. Có lẽ ông là người duy nhất có thể sáng tác trong những không gian kiểu như vậy. Lần đầu tiên tôi được “thưởng thức” kiểu sáng tác này là đêm 28.2.2011, tại buổi họp mặt khoảng 15 người tại nhà tôi ở Centreville nhân dịp họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, ca sĩ Nguyễn Ngọc Phong cùng nhóm bạn ở Boston và Canada sang chơi. Trong lúc mọi người đàn hát, trò chuyện rôm rả thì ông loay hoay ngồi viết một cái gì đó, đến khi mọi người đề nghị ông đọc thơ thì ông đọc ngay bài thơ vừa viết tại bàn tiệc: Đoạn ghi đêm Centreville. Bài thơ này ông viết tặng họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Tôi hết sức bất ngờ và ngạc nhiên, tự hỏi trong một không gian khá ồn ào làm sao ông có thể viết rất nhanh một bài thơ hay như vậy. Bài thơ này đã trở thành một kỷ niệm lớn đối với gia đình tôi.
ĐOẠN GHI ĐÊM CENTREVILLE
Thơ Đinh Cường
“Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ “
Quang Dũng
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
sao chiều nay gặp nhau nhà Phạm Cao Hoàng
Centreville mà như ngồi ở Harvard Square
tiếng chim báo mùa xuân đã về
bình hoa tulipe màu vàng chanh
giọng ca Phong một thời Đà Lạt
những cánh hoa phù dung buồn
ru người con gái ngủ yên bên Hồ Than Thở
mây trên núi đôi buổi chiều bay thấp xuống
không có bước chân ai về trên đồi thơm (1)
đánh thức những vì sao
đánh thức vầng trăng khuya
trên những mái nhà nguyện cổ Domaine de Marie
hay chuông ban trưa nhà thờ con gà
đôi má ửng hồng áo len xanh
nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
viên cuội trắng của tôi thời trẻ dại
thuỷ tinh buồn thoáng hiện bóng ai xưa …
đôi má ửng hồng áo len xanh/nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa. Đây là những câu thơ xuất thần, hình ảnh người con gái trong hai câu thơ rất là Đà Lạt, và lòng người Đà Lạt chắc phải xao xuyến khi đọc những câu thơ này.
Đinh Cường (bên phải) đang đọc bài thơ ĐOẠN GHI ĐÊM CENTREVILLE
tại buổi họp mặt ở Centreville hôm 28.2.2011.
Bên trái là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Photo by Phạm Cao Hoàng
Bên trái là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Photo by Phạm Cao Hoàng
Trong nhiều buổi họp mặt khác ông cũng viết như vậy rồi giao bản thảo cho tôi về nhà đánh máy để đưa lên internet. Buổi chiều họp mặt, buổi tối đã thấy thơ Đinh Cường trên internet. Và ông vẫn thường nhắc lại lời của Bùi Giáng: vui thôi mà.
PHẠM CAO HOÀNG
(Trích bài viết ĐINH CƯỜNG, THƠ VÀ TRANH CHO ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG. Viết lần đầu: 2016 - Sửa chữa bổ sung: 2019.)
(1) ĐÀ LẠT, GiẤC MỘNG TRÊN ĐỒI THƠM
Ca khúc Nguyễn Trọng Khôi viết tặng Đinh Cường.
(1) ĐÀ LẠT, GiẤC MỘNG TRÊN ĐỒI THƠM
Ca khúc Nguyễn Trọng Khôi viết tặng Đinh Cường.