Wednesday, January 1, 2020

1388. LYDIA DAVIS (Nhà văn Hoa Kỳ) 20 truyện (cực) ngắn - THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Lydia Davis

Nhà văn / dịch giả / giáo sư đại học - Hoa Kỳ. Tước hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương ( Chevalier de l' ordre des Arts et des Lettres ), Bộ Văn hoá Pháp trao tặng. Giải thưởng The Man Booker International Prize, Anh quốc. Trước đó là nhiều giải thưởng khác của Mỹ: Guggenheim Fellowship, MacArthur Genius award for Writing...

Báo chí và những nhà phê bình thì hết lời ca ngợi:
"Một bậc kiệt xuất của Mỹ trong thể loại truyện ngắn" (an American virtuoso of the short story form)
" Một trong những người khổng lồ thầm lặng về văn chương hư cấu ở Mỹ " (one of the quiet giants of American fiction). " Bậc thầy của một thể loại văn học chủ yếu do bà phát minh " (the master of a literary form largely of her own invention).

Lydia Davis sinh năm 1947 tại  Northampton, Massachusetts, cha mẹ đều hoạt động trong ngành giáo dục, văn chương. Thuở nhỏ thích âm nhạc, có học đàn ( dương cầm, vĩ cầm ), thích làm thơ, học tiếng Pháp, tiếng Đức, sau học thêm nhiều ngôn ngữ khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà sang sống ở Pháp một thời gian. Một trong những cách kiếm tiền lúc này là dịch bất cứ thứ gì có trong tay, kịch bản phim, sách giới thiệu nghệ thuật ( catalogue ). " Tôi bắt đầu nhận thấy là mình thích việc đó, nó cũng là một dạng viết lách tôi có thể làm mà không cần phải có cảm hứng."

Với vốn liếng tiếng Pháp ngày càng nâng cao, bà bắt đầu chuyển sang dịch văn học. Không hiểu định hướng lựa chọn của bà ra sao, nhưng những tác giả Pháp bà dịch đều thuộc dạng " khó đọc " . Michel Leiris, với cuốn La règle du jeu ( bà dịch là Rules of the game ), Maurice Blanchot, với L' arrêt de mort ( dịch là Death Sentence ), rồi Michel Foucault nữa. Có vẻ như việc dịch những nhà văn / sử gia / triết gia này không làm cho bà được biết đến ( cũng như với cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của bà, The End of the Story ), mãi cho đến khi Lydia Davis khám phá ra Gustave Flaubert và dịch cuốn Madame Bovary ( bản dịch cũng dùng nhan đề đó ), nhất là khi bà bắt đầu dịch Marcel Proust. Đọc và hiểu Proust đã là một thử thách cho mọi người yêu mến văn chương, huống gì là dịch. Lydia Davis đã mất nhiều năm để dịch cuốn Du côté de chez Swann bản dịch Swann's Way ), vốn là tập 1 trong 7 tập của tác phẩm À la recherche du temps perdu ( Đi tìm thời gian đã mất ), tập 1 xuất bản năm 1913 và tập cuối mãi đến 1927 mới ra mắt, sau khi tác giả đã qua đời.

( Ở Việt Nam, cuốn này vừa mới được một nhóm 4 người gồm những dịch giả, nhà nghiên cứu lão luyện hợp tác dịch -  Phía bên nhà Swann, 471 trang, Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào ).

Không nghe nói đến giá trị bản Anh dịch này ra sao, nhưng quá trình làm công việc dịch cuốn này là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp văn chương của Lydia Davis: đồng thời với việc dịch, bà viết truyện ngắn, truyện rất ngắn, truyện cực ngắn, truyện kiểu Davis.

" Tôi bắt đầu viết những truyện dài chỉ một câu ( one- sentence story ) khi tôi dịch Swann' s Way. Có hai lý do: Tôi không có nhiều thời gian để sáng tác, và tôi không muốn bỏ việc sáng tác. Lý do thứ hai: đó là một phản ứng với những câu quá dài của Proust. Một ý tưởng dài ngoằn của ông thực sự không làm tôi chùn bước. Tôi thích tiếp tục - điều đó khiến tôi mong nhìn thấy một mẩu văn hư cấu có thể ngắn tới mức nào để có thể có ý nghĩa, chứ không phải chỉ là một chuyện cười bâng quơ."

Những truyện ngắn kiểu này về sau được tập hợp in vào cuốn Samuel Johnson is Indignant - (2001). Ngay cái nhan đề này cũng rút gọn rồi, đầy đủ sẽ là ... that Scotland has so few trees. (Samuel Johnson tức giận .... vì Tô Cách Lan có ít cây đến thế.)

Người đọc sẽ quen dần với những truyện như thế này:
" Mỗi con hải cẩu sử dụng nhiều lỗ phun nước và mỗi lỗ phun nước do nhiều con hải cẩu sử dụng."

Những truyện cực ngắn của Lydia Davis được in lại trong cuốn The Collected Stories of Lydia Davis ( Farrar, Straus and Giroux ) năm 2009, gồm tất cả những truyện đã in trong các tập Break it Down, Almost no Memory, Samuel is Indignant, Varieties of Disturbance. Sau đó còn có cuốn Can't and Won't in năm 2014.

Năm 2013, Lydia Davis được trao giải thưởng Man Booker International Prize. ( Đây là một giải thưởng văn chương có uy tín, được trao hai năm một lần, cho tác giả còn sống viết bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh, kể từ năm 2005. Các tác giả đạt giải trước đó là 2005 Ismail Kadare ( người Albania ), 2007 Chinua Achebe ( người Nigeria ), 2009 Alice Munro ( Canada ), Philip Roth ( Mỹ ). Hai năm sau 2015, là Laszio Krasnahorkai ( Hungary ). Đến năm 2016, quy chế giải thưởng thay đổi để " khuyến khích việc in và đọc tác phẩm dịch thuật và vinh danh công việc các dịch giả " , giải được trao mỗi năm một lần cho một sách dịch, với phần thưởng chia đều cho tác giả và dịch giả. Giải đầu tiên theo quy chế mới (2016) được tặng cho cuốn The Vegetarien của tác giả Hàn quốc Han Kiang và dịch giả Deborah Smith  .  Năm 2017, giải được trao cho cuốn  “A Horse Walks into a Bar " của nhà văn người Israel  David Grossman và nữ dịch giả Jessica Cohen. )

Lydia Davis có viết một truyện như vầy: " Tôi vừa mới bị từ chối một giải thưởng sáng tác vì người ta cho là tôi lười biếng " . Hội đồng Giám khảo giải thưởng lại thừa nhận những tác phẩm  độc  đáo và đầy tính triết lý của bà tuy ngắn nhưng chẳng phải do lười biếng mà đòi hỏi nhiều thời gian, tài năng và nỗ lực. Hội đồng nầy nhận định:  đó là truyện ngắn nhưng cũng có thể là tiểu phẩm, giai thoại, tiểu luận, truyện cười, ngụ ngôn, văn bản, cách ngôn, lời nguyện hoặc đơn giản chỉ là những nhận xét.

Truyện ngắn Lydia Davis dài nhất chỉ hai, ba trang, và phần lớn chỉ vài dòng, thậm chí một câu. Cho dù truyện của bà hình như không thuật lại bất kỳ một câu chuyện nào, thực ra là có đấy, thấp thoáng ở  đằng sau. " Ngay cả khi chỉ là một hay hai dòng, lúc nào cũng có một mảnh nhỏ chuyện kể ở trong đó, người đọc có thể tưởng tượng ra một chuyện kể dài hơn. Tôi nghĩ là chừng nào có một chút chuyện kể, hoặc chỉ là một tình huống, tôi có thể gọi đó là truyện ngắn được rồi."

Truyện của Lydia Davis  có khi vẫn có nhân vật, tuy ít khi có tên. Có khi như là thơ, có khi như truyện ngụ ngôn, thường mang hơi hướng triết lý, lúc nào cũng có khôi hài nhẹ nhàng...  Đọc " Những bà mẹ " thấy cay cay ở mắt. Đọc " Mẹ " lại thấy đắng chát. " Những cảm xúc tiêu cực " lại có màu thiền. Truyện thường bày ra những khoảng trống làm người đọc bối rối, sửng sốt trước những ý nghĩa hàm hồ hoặc bóng gió không bao giờ được soi rõ. Có con ruồi đã hợp tác với tác giả bằng cách thêm vào cái dấu móc sau khi nhà văn đặt một chữ lên trang giấy. Nên chăng người đọc cũng hợp tác bằng cách tự mình chiêm nghiệm, lý giải, thậm chí bay bổng, tưởng tượng, sau khi tác giả đặt dấu chấm hết ở cuối mỗi truyện?




MẤT TRÍ NHỚ

Bạn hỏi tôi về Edith Wharton.
Ờ, cái tên nghe rất quen.


HỢP TÁC VỚI RUỒI

Tôi đặt chữ đó trên trang giấy.
Và nó thêm vào dấu móc.


CHÓ VÀ TÔI

Con kiến có thể nhìn bạn, thậm chí còn đe doạ bạn với đôi càng của nó. Tất nhiên con chó của tôi không biết tôi là người, nó tưởng tôi là chó, dù tôi không nhảy qua hàng rào. Tôi là con chó mạnh mẽ. Nhưng tôi không há mồm khi đi dạo. Ngay cả vào ngày nóng bức tôi cũng không thè lưỡi ra. Nhưng tôi sủa với nó: " Không! không! "


CON CÁ

Con cá dành cho nàng - không có ai khác trong nhà. Nhưng cả ngày nàng thật bối rối. Nàng sẽ ăn con cá này thế nào đây, làm nguội trên phiến cẩm thạch chăng? Vậy mà, ngay con cá, đang nằm bất động kia, lóc hết xương rồi, và phủ lớp da bạc rồi, nó chưa bao giờ trơ trọi hoàn toàn như bây giờ đây.


CHUỘT

Lũ chuột sống trên tường nhà tôi mà không quấy phá căn bếp. Chúng tôi hài lòng nhưng không thể hiểu tại sao chúng không đến căn bếp của chúng tôi, nơi chúng tôi đã cài sẵn bẫy, như chúng đến bếp nhà hàng xóm. Tuy hài lòng, chúng tôi cũng thấy khó chịu, bởi vì lũ chuột cư xử như thể có gì không ổn nơi căn bếp nhà tôi. Điều càng khó hiểu hơn là nhà chúng tôi không ngăn nắp gọn gàng như nhiều nhà hàng xóm. Có nhiều thức ăn vương vãi trong bếp hơn, nhiều mảnh vụn bánh trên bàn hơn, và nhiều mẩu hành dơ bẩn dính vào đáy chạn đựng bát dĩa. Thực tế là trong căn bếp nhà tôi có quá nhiều thức ăn bừa bãi trong bếp đến nỗi tôi chỉ nghĩ chính lũ chuột sẽ bị tổn thất vì thức ăn thôi. Trong một căn bếp sạch sẽ, thách thức đối với chúng là mỗi đêm phải kiếm đủ thức ăn để sống sót cho đến mùa xuân. Chúng phải kiên nhẫn sục sạo, gặm nhấm hàng giờ cho đến khi no. Tuy nhiên, trong căn bếp nhà chúng tôi, chúng phải đương đầu với một thứ ngoài tầm kinh nghiệm đến nỗi chúng không thể giải quyết được. Chúng có thể liều vài bước nhưng rồi cảnh tượng và mùi vị nồng nặc sẽ đẩy chúng trở lui về hang, và thấy khó chịu, bối rối vì không thể nào kiếm ăn như chúng muốn.


DÃ NGOẠI

Một cơn giận gần bên đường đi, một sự từ chối lên tiếng nơi lối mòn, một sự im lặng nơi rừng thông, một sự im lặng ngang chiếc cầu đường sắt cũ, một toan tính tỏ vẻ thân thiện dưới nước, một sự từ chối kết thúc tranh luận về những tảng đá phẳng, một tiếng thét tức tối trên bờ rác dựng đứng, một tiếng khóc trong bụi cây.


NHỮNG BẠN BÈ TẺ NHẠT

Chúng tôi chỉ biết bốn người tẻ nhạt. Số còn lại trong đám bạn, chúng tôi thấy đều thú vị. Tuy nhiên, phần lớn những người bạn chúng tôi thấy thú vị lại thấy chúng tôi tẻ nhạt: những người thú vị nhất thấy chúng tôi tẻ nhạt nhất. Số ít ở lưng chừng, họ quan tâm lẫn nhau, chúng tôi không tin cậy: bất kỳ lúc nào, chúng tôi cảm thấy, họ có thể trở thành quá thú vị  đối với chúng tôi, hoặc là chúng tôi quá thú vị  đối với họ.


NGƯỜI ĐÀN ÔNG TỪ QUÁ KHỨ CỦA MẸ

Tôi nghĩ mẹ đang ve vãn một người đàn ông từ quá khứ của mẹ mà không phải là cha. Tôi tự nhủ: mẹ không nên có quan hệ không phù hợp với người đàn ông tên “Franz” này! “Franz” là người châu Âu. Tôi nói mẹ không nên gặp người đàn ông này một cách không phù hợp trong khi cha “đi vắng”! Nhưng tôi đang nhầm lẫn một thực tại cũ với một thực tại mới. Cha sẽ không trở về. Cha sẽ nằm lại trên đồi Vernon. Còn mẹ thì nay mẹ đã 94tuổi rồi. Có thể nào có mối quan hệ không phù hợp với một phụ nữ ở tuổi 94? Tuy nhiên sự nhầm lẫn của tôi là thế này: dầu thân thể mẹ đã già, khả năng phản bội của mẹ vẫn còn trẻ trung và tươi mát.


HÀNH VI KỲ QUẶC

Bạn thấy nhiều tình huống đáng chê trách biết bao. Tôi thực sự không phải là con người kỳ quặc nếu tôi nhét vào tai càng lúc càng nhiều mẩu nhỏ khăn giấy bị xé vụn và thắt cà vạt quanh qua đầu: khi sống một mình tôi có được tất cả sự yên lặng tôi cần đến.


VẬT ĐÁNH MẤT

Chúng đã mất, nhưng cũng không mất mà còn đâu đó trên thế giới này. Hầu hết chúng chỉ nhỏ thôi, tuy nhiên có hai vật lớn hơn, một là chiếc áo choàng, hai là con chó. Trong số những vật nhỏ, một là chiếc nhẫn, một là hột nút. Chúng bị tôi đánh mất, từ nơi chỗ tôi, nhưng chúng không mất đi. Chúng đang ở đâu đó, chúng vẫn còn cho ai đó, biết đâu. Nhưng nếu chúng  vẫn còn với ai khác, thì chiếc nhẫn tự nó vẫn không mất, chỉ không có nơi chỗ tôi, và hột nút, cũng vậy, chỉ không có nơi chỗ tôi.


TRÊN TÀU LỬA

Hắn và tôi tuy là hai người xa lạ nhưng cùng đồng tình phản đối hai người phụ nữ trước mặt chúng tôi cứ nói chuyện liên tục và ồn ào, từ dãy ghế này vói sang dãy bên kia. Hành vi thiếu lịch sự.

Tiếp tục hành trình thêm ít lâu, tôi nhìn sang hắn ( qua dãy ghế bên kia ) và hắn đang ngoáy mũi. Còn tôi, tôi đang làm rơi vãi cà chua từ chiếc bánh sandwich lên trên tờ báo. Thói quen tệ hại.

Tôi sẽ không tường thuật chuyện này nếu người ngoáy mũi là tôi. Tôi nhìn lại và hắn vẫn làm thế. Còn hai người phụ nữ, bây giờ họ ngồi cạnh nhau, và lặng lẽ, người đọc báo, người đọc sách, sạch sẽ, ngăn nắp. Không thể chê gì được.


TRONG CĂN NHÀ BỊ BAO VÂY


Người đàn ông và người đàn bà sống trong căn nhà bị bao vây. Từ chỗ ngồi thu mình trong căn bếp, họ nghe những tiếng nổ nhỏ. " Gió đấy! ", người đàn bà nói. " Thợ săn.", người đàn ông nói. " Mưa đấy! , người đàn bà nói. " Bọn lính ", người đàn ông nói. Người đàn bà muốn về quê nhà, nhưng cô đang ở quê nhà đây rồi, ở giữa một xứ sở trong căn nhà bị bao vây. 


MẸ

Cô gái viết một câu chuyện. Mẹ cô nói: " Phải chi con viết một cuốn tiểu thuyết thì tốt hơn biết mấy".

Cô gái xây một căn nhà búp bê. Mẹ cô nói: " Phải chi đó là căn nhà thật thì tốt hơn biết mấy".

Cô gái làm một chiếc gối nhỏ cho cha. Mẹ cô nói: " Nếu là cái mền có phải thực tế hơn không?"

Cô gái đào một hố nhỏ trong vườn. Mẹ cô nói: " Phải chi con đào cái hố to hơn thì tốt hơn biết mấy".

Cô gái đào cái hố và chui vô ngủ trong đó. Mẹ cô nói: " Phải chi con ngủ luôn đi thì tốt hơn biết mấy! "


 ĐIỀU CÔ ẤY BIẾT

Mọi người không biếtđiều cô ấy biết, rằng cô ấy thực sự không phải phụ nữ mà là đàn ông, thường là một người đàn ông mập, nhưng, thường hơn nữa, có lẽ, là một ông già.

Việc cô ấy là một ông già làm cho cô khó mà làm một cô gái trẻ. Chẳng hạn, khó cho cô để nói chuyện với một chàng trai, dù chàng trai rõ ràng là thích cô.

Cô ấy phải tự hỏi, " Tại sao chàng trai này lại đi tán tỉnh một ông già? "


SỢ HÃI

Hầu như sáng nào cũng vậy, một phụ nữ trong khu phố tôi ở chạy ra khỏi nhà, mặt mày trắng dã, áo choàng thả rối tung luộm thuộm. Bà kêu lớn: " Cấp cứu, cấp cứu ", có người trong chúng tôi chạy đến, giữ lấy bà cho đến khi bà nguôi sợ. Chúng tôi biết bà bày trò thế thôi, thực sự bà chẳng có chuyện gì hết. Nhưng chúng tôi hiểu, vì hầu như không có ai trong chúng tôi, vào lúc nào đó, không bị thúc đẩy để làm đúng như bà ta đã làm, và, mỗi lần như thế, phải lấy hết sức lực của mình, kể cả sức lực bạn bè và gia đình nữa, để trấn an mình.


XƯA CÓ NGƯỜI ĐÀN ÔNG RẤT NGU

Cô thấy mệt và chớm bệnh và đầu óc không thư thái và khi đang cố mặc quần áo cô liên hồi hỏi anh đồ đoàn của cô để đâu và anh kiên nhẫn trả lời mỗi thứ để chỗ nào - trước hết là quần dài của cô, rồi sơ mi của cô, rồi đôi vớ của cô, rồi cặp kính của cô. Anh gợi ý cô mang kính vào và cô mang, nhưng điều đó cũng chẳng giúp được gì.  Không có nhiều ánh sáng chiếu vào phòng .

Trong thời gian vừa tìm kiếm vừa mặc quần áo cô vẫn nằm trên giường hầu như đã mặc đồ xong trong khi anh nằm đắp chăn sau khi đã dậy trước để cho mèo ăn, mở cái hộp thức ăn gây tiếng động khiến cô khó chịu vì nó kêu giống tiếng sữa chảy từ núm vú bò xuống cái xô.

Trong khi cô mặc đồ gần xong nằm đấy bên cạnh anh anh nói với cô dai dẳng đủ thứ chuyện, và một lát sau, vì cô lắng nghe anh nói với nhiều phản ứng khác nhau, mới đầu tức giận, rồi chăm chú, rồi vui thích, rồi bối rối, rồi tức giận trở lại, rồi vui thích trở lại, anh hi cô có thấy phiền vì anh nói nhiều thế và cô muốn anh ngng hay tiếp tục. Cô nói đã tới giờ cô phải sẵn sàng để đi và cô ra khỏi giường.


CÂU CHUYỆN

Tôi đi làm về và nhận được tin nhắn của anh ấy: anh không đến được, anh bận. Anh sẽ gọi lại, tôi chờ nghe tin anh, rồi, lúc chín giờ, tôi đến chỗ anh ở, thấy chiếc xe của anh, nhưng anh không có nhà. Tôi gõ cửa căn hộ của anh và tất cả cửa các ga ra, chẳng biết cái nào của anh - không có tiếng trả lời. Tôi viết mảnh giấy nhỏ, đọc lại, viết cái khác rồi dán lên cửa nhà anh. Về nhà, tôi không nghỉ được, và mọi việc tôi có thể làm, tuy tôi cần làm nhiều việc lắm, vì sáng sớm mai phải ra đi, chỉ là chơi đàn dương cầm. Tôi gọi lại cho anh lúc mười giờ bốn mươi lăm, anh có nhà, anh vừa đi xem phim với bạn gái cũ, cô ấy còn ở chỗ anh. Tôi đợi. Cuối cùng tôi ngồi xuống và viết trong sổ tay rằng khi anh gọi hoặc là anh sẽ đến tôi, hoặc anh không đến và tôi sẽ giận, vậy là tôi sẽ có hoặc anh hoặc là cơn giận của tôi, điều đó cũng tốt thôi, vì giận bao giờ cũng là nguồn an ủi lớn, như tôi từng khám phá với chồng tôi. Và rồi tôi tiếp tục viết, ở ngôi thứ ba và thì quá khứ, rằng rõ ràng là cô ta lúc nào cũng cần tình yêu ngay cả một tình yêu rắc rối. Anh gọi lại trước khi tôi kịp viết ra hết những thứ đó. Khi anh gọi, đã quá mười một rưỡi một tí. Chúng tôi tranh luận mãi đến gần nửa khuya.  Điều anh nói toàn mâu thuẫn: chẳng hạn anh nói anh không muốn gặp tôi vì anh cần làm việc và hơn nữa anh muốn ở một mình, mà anh đâu có làm việc, đâu có một mình. Không cách gì tôi có thể thuyết phục anh để hoà giải bất cứ điều mâu thuẫn nào của anh, và khi cuộc nói chuyện này xem chừng rất giống với những lần tôi nói chuyện với chồng thì tôi chào và gác máy. Tôi viết xong những gì tôi đã bắt đầu viết cho dù đến lúc này cơn giận là niềm an ủi lớn không còn đúng nữa.


NHỮNG BÀ MẸ

Mỗi người đều có một bà mẹ ở đâu đó. Bà mẹ ăn tối với chúng ta. Người phụ nữ nhỏ nhắn đeo kính một mắt dày đến nỗi dường như biến thành màu đen khi bà quay đầu đi. Và, bà mẹ của người chủ nhà gọi điện thoại tới khi chúng ta đang ăn. Điều này khiến cho chủ nhà phải rời khỏi bàn lâu hơn mọi người mong muốn. Bà mẹ này có thể đang ở New York. Trong câu chuyện, bà mẹ của một vị khách được nhắc tới: bà mẹ này đang ở Oregon, tiểu bang mà ít người trong chúng ta biết đến, tuy có chuyện là trước đây có người bà con sống ở đó. Một biên đạo múa được nhắc tới sau đó, khi ở trên xe. Ông ta sẽ ở đêm nay tại thành phố này, thực ra, cũng trên đường ông đi thăm mẹ, lại ở một tiểu bang khác.
Những bà mẹ, khi là khách được mời ăn tối, thường ăn khoẻ, giống trẻ con vậy, nhưng trông như không có mặt. Thường thì họ không theo kịp chúng ta đang làm gì hay nói gì. Cũng thường là họ chỉ bắt chuyện khi câu chuyện chuyển sang thời chúng ta trẻ, hoặc là họ lo sắp xếp chỗ nghỉ khi điều đó không cần, họ mỉm cười và bị hiểu lầm. Tuy nhiên các bà mẹ lúc nào cũng được nhìn thấy, được nói đến, dù chỉ vào những kỳ nghỉ. Mẹ đã chịu khổ vì chúng ta, và hầu như là ở một nơi mà chúng ta không nhìn thấy được.


NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

Một thầy giáo có ý tốt,thôi thúc bởi một bản văn vừa đọc, cùng lúc gởi cho tất cả giáo sư trong trườngmột tin nhắn về những cảm xúc tiêu cực. Tin nhắn này bao gồm hoàn toàn lời khuyên của một vị thiền sư Việt Nam.

Vị sư nói: cảm xúc cũng như cơn bão: dừng lại một lát rồi đi tiếp. Khi nhận ra cảm xúc ( giống như khi bão đến ), ta nên đặt mình vào vị thế ổn định. Nên ngồi hoặc nằm. Nên tập trung vào bụng . Đặc biệt là nên tập trung vào khu vực dưới lỗ rốn, và thực hành hít thở theo chánh niệm. Nếu ta có thể nhận biết cảm xúc như là một cảm xúc, sẽ dễ dàng hơn để điều khiển.

Những thầy giáo khác đều bối rối. Họ không hiểu vì sao đồng nghiệp của họ gởi cho họ tin nhắn về cảm xúc tiêu cực. Họ bất bình về tin nhắn, và bất bình đồng nghiệp của mình. Họ nghĩ là vị này kết tội họ đang có những cảm xúc tiêu cực và cần lời khuyên làm sao để chế ngự chúng. Vài người trong số họ thực sự đang nổi giận.

Các thầy giáo không quyết định để nhìn nhận cơn giận của họ như cơn bão đang tới. Họ không tập trung vào bụng. Họ không tập trung vào khu vực ngay dưới rốn. Thay vào đó, họ viết trả lời ngay, tuyên bố rằng vì họ không hiểutại sao vị kia đã gởi, tin nhắn đã khiến họ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực. Họ bảo ông ta là họ cần phải thực hành nhiều để vượt qua những cảm xúc tiêu cực do tin nhn mang lại. Nhưng, họ nói tiếp, họ không muốn thực hành như thế này. Chẳng những không bị phiền toái vì những cảm xúc tiêu cực, họ nói, họ thực sự thích có những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là về ông ta và về tin nhắn của ông.


MỘT CÂU CHUYỆN TÔI NGHE BẠN KỂ

Ngày kia, một người bạn kể tôi nghe một câu chuyện buồn về ông hàng xóm của chị ấy. Ông bắt đầu liên lạc với một người lạ thông qua dịch vụ tìm bạn trên mạng. Người bạn này sống cách xa cả trăm dặm, ở North Carolina. Hai người đàn ông trao đổi tin nhắn rồi hình ảnh, rồi chẳng bao lâu họ đàm luận với nhau, mới đầu bằng thư tín, sau qua điện thoại. Họ nhận thấy có nhiều điều cùng quan tâm giống nhau, hoà hợp nhau về cảm xúc và trí tuệ, tin cậy nhau và có ngoại hình hấp dẫn nhau, theo như những gì họ có thể nói ra qua internet. Và sự quan tâm về nghề nghiệp của họ cũng tương đồng nữa, ông hàng xóm của bạn tôi là kế toán, còn người bạn mới ở miền Nam kia là giáo sư kinh tế tại một trường đại học nhỏ. Sau vài tháng, có vẻ như họ đã yêu thương nhau trọn vẹn và thực lòng rồi, ông hàng xóm của bạn tôi tin rằng "đúng là vậy " khi nhắc đến chuyện này. Đến lúc có kỳ nghỉ, ông sắp xếp bay xuống miền Nam để gặp mối tình internet của mình.

Suốt ngày đi đường, ông gọi cho bạn hai, ba lần và nói chuyện với nhau. Rồi ông ngạc nhiên không thấy trả lời nữa. Mà bạn ông cũng không ra phi trường đón ông. Sau khi chờ đợi ở đó và thêm nhiều cuộc gọi nữa, người hàng xóm của bạn tôi rời phi trường và đi đến địa chỉ người bạn đã cho. Ông gõ cửa, bấm chuông, không ai trả lời. Trong đầu ông nghĩ tới mọi chuyện có thể xảy ra.

Đến đây, vài phần của câu chuyện bị bỏ sót, nhưng bạn tôi kể là ông hàng xóm biết được rằng đúng ngày hôm đó, thậm chí là khi ông ấy đang trên đường bay về miền Nam thì người bạn của ông đã chết vì đột quỵ khi đang điện thoại cho bác sĩ. Khi nghe tin này, hoặc từ hàng xóm của người bạn, hoặc từ cảnh sát, ông đã đi tới nhà xác địa phương và được phép viếng người bạn internet, và chính nơi này, lần đầu tiên ông tận mắt nhìn thấy người mà ông tin là bạn đời của mình.

THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu