TRỊNH Y THƯ
Điểm sách
Butterfly Yellow/ Bướm Vàng
LẠI THANH HÀ
Nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà
(Thanhhà Lại) – từng đoạt giải thưởng National Book và giải Newbery-Danh dự,
thể loại Thiếu niên, với tác phẩm thơ xuôi Inside
Out & Back Again/ Trong ra ngoài & Ngược trở lại – mới đây đã được
nhà xuất bản HarperCollins xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Butterfly Yellow/ Bướm Vàng (284 trang,
giá bán $17.99) và đã được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm tiểu thuyết xuất
sắc. Phụ trang Văn Học của tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ, New York Times, có bài phê bình và đã gọi đây là một tác phẩm “đẹp
nhức nhối.” (Searingly beautiful.)
Hiển nhiên, một tác phẩm tiểu thuyết
lọt vào mắt xanh của NXB HarperCollins thì không phải tầm thường và đọc cuốn
sách này, tôi đã bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Cuốn hút bởi cốt truyện đã đành
mà còn thú vị với văn phong độc đáo thấm đẫm tính hài, và chữ nghĩa phong phú,
khác thường của tác giả.
Cuốn tiểu thuyết thuật chuyện một cô
gái tên Hằng thất lạc đứa em trai nhỏ tuổi lúc chiến tranh Việt Nam đang đến
hồi kết thúc, ai nấy giày xéo lên nhau để tìm đường thoát thân. Lại Thanhhà
không miêu tả tỉ mỉ cuộc chạy thoát khỏi Sài Gòn khi miền Nam thất thủ vào tay
quân đội cộng sản năm 1975, nhưng chúng ta hiểu ngầm đó là những giây phút cực
kỳ hoang mang, hỗn loạn khi Hằng bị bỏ rơi trong khi cậu em thì được bốc lên
phi cơ bay ra khỏi thành phố. Sáu năm sau cô một mình vượt biên sang Mỹ, bằng
mọi giá và mọi cách tìm cho bằng được cậu em trai.
Với mảnh giấy duy nhất có trong tay
lúc thất lạc, Hằng có địa chỉ cậu em và việc làm đầu tiên khi đặt chân đến nước
Mỹ là thực hiện một cuộc phiêu lưu đi tìm chỗ ở em mình tại vùng “cán chảo”
tiểu bang Texas nóng đổ lửa. Một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa vì Hằng mới chân ướt
chân ráo đến nơi, tiếng Anh ú ớ, phát âm ngọng nghịu chẳng ai hiểu, nhưng hình
như được ông bà phù hộ, Hằng gặp LeeRoy, một anh chàng sống nơi tỉnh thành nhưng
lại có ước mơ trở thành một anh cao-bồi Texas, và Hằng được anh chàng này tận
tình giúp đỡ đi tìm em. Hằng và LeeRoy là một cặp bạn trái ngoe vì hai người
chẳng có tí gì tương đồng, chưa kể hàng rào ngôn ngữ, nhưng sự thú vị khi đọc
cuốn sách này là ở đó. Hai người, hai thế giới trái ngược, hai cá tính đối chọi
đến buồn cười, nhưng do lòng tử tế và hiểu hoàn cảnh nhau, hai người đã giúp
nhau tìm kiếm được điều mong ước.
Sự thật là khi mới gặp lại Linh (tên
Mỹ là David), Hằng đã bị cậu em tránh mặt. Cậu lớn rồi, chẳng còn nhớ một câu
tiếng Việt nào nữa, và đang sống êm ấm bên trong ngôi nhà người mẹ nuôi người
Mỹ. Cậu chẳng hề muốn nhận Hằng làm chị mình. Cậu cũng chẳng nhớ gì về tuổi thơ
ấu mình ở mảnh đất nhiễu nhương kia. Hằng chưng hửng khi nhìn ra thế, nhưng với
lòng thương em vô tận, cô đã khắc phục tất cả những khó khăn, chướng ngại để
đánh thức tiềm thức của cậu trai.
Suốt mùa hè, Hằng và LeeRoy vào làm
công trong trang trại của ông Morgan để được gần David. Dưới cái nóng cháy da
cháy thịt của miền đồng cỏ Texas, Hằng quên mình lao động quần quật suốt ngày
nhưng đêm đêm vẫn thức khuya cố tìm ra cách gì đó để chinh phục lại cậu em. Nói
tiếng Việt với cậu chưa đủ, cô còn dùng lời ca, thủ thỉ tâm tình, hình ảnh do
chính tay cô vẽ vời… để trí óc cậu trai có lúc hồi nhớ lại quá khứ xa xăm.
Và cuối cùng Hằng thành công.
Trong một buổi đi chơi hội chợ đồng
quê, Hằng, LeeRoy và David đều vui tươi, tinh thần phấn chấn. Đó cũng là lúc
sắp xong công việc đồng áng trong trang trại ông Morgan. Đang vui chơi, bỗng có
một con bướm vàng từ đâu bay đến đậu trên bàn tay David. Thấy vậy Hằng cất
tiếng hát bài Kìa con bướm vàng bằng
tiếng Việt. Hằng hát đi hát lại và David cuối cùng hát theo cô, cũng bằng tiếng
Việt. Cuối cùng ký ức cậu trai như bung mở, cậu thấy Hằng chính là chị mình,
chứ chẳng ai khác. Cậu sung sướng hát vang. Với LeeRoy thì đó là bài “Frère
Jacques” quen thuộc từ thuở ấu thơ. Thế là cả ba người vừa đi vừa hát. Các em
bé khác tuy chẳng biết lý do tại sao ba người này hát cái bài ấy, nhưng chẳng
ai bảo ai, đồng thanh hát vang theo, đứa hát tiếng Anh, đứa tiếng Tây Ban Nha,
và thậm chí cả tiếng Pháp.
Đó là đoạn văn sống động và cảm động
nhất trong cuốn Butterfly Yellow của Lại
Thanhhà. Đọc, chúng ta có thể hiểu chị như muốn gửi gắm người đọc một thông
điệp: Tất cả con người chúng ta – người may mắn, kẻ bất hạnh, người thành đạt,
kẻ khốn cùng, người kiên cường, kẻ yếu đuối, người cao sang, kẻ thấp hèn – phải
chăng có lúc đều đồng ca bài ca hy vọng, tìm lại lòng can đảm, ca bài ca của
cứu chuộc và ơn nghĩa để tìm thấy tận cùng trong lòng mỗi con người chúng ta là
lòng yêu thương không thù hận. Một thông điệp hiền lành, nhỏ nhoi, thậm chí
bình dị chẳng có chi ghê gớm, nhưng hình như chúng ta có xu hướng quên bẵng nó
trong một kỷ nguyên hỗn loạn, đầy rẫy thù hận và thù ghét.
Cuốn tiểu thuyết có lẽ được viết nhắm
vào giới trẻ nhiều hơn là người lớn trí thức. (Tuyệt đối không có những băn
khoăn siêu hình trong tác phẩm.) Chủ đích của nó là “nâng tâm hồn lên,” và nếu
quả vậy thì nó đã thành công vượt bực. Hằng là một cô gái bất hạnh, quá khứ cô,
lớn lên trong một xã hội không có tương lai sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền
Nam Việt Nam. Cuộc vượt biên kinh hoàng, đầy bất trắc đã để lại vết thương đớn
đau chất ngất không biết bao giờ mới phai nhạt trong lòng cô. Nhưng cô không
ngả chí mà luôn luôn lạc quan loay hoay xoay trở con tạo tìm cho mình lối
thoát, đạt được ước nguyện, ước nguyện tìm được người mình thương yêu.
Lại Thanhhà đã chọn một văn phong dí
dỏm cho cuốn tiểu thuyết của chị. Đây là điểm mạnh đáng lưu ý của tác phẩm: Dùng
tính hài để thuật một câu chuyện buồn. Về điểm này chính tác giả đã thố lộ như
sau:
“Tôi luôn luôn tìm cách hòa nhập tính hài vào
những câu chuyện buồn thảm về những con người Việt Nam tị nạn. Tính hài mở ra
cánh cửa sau, một phương cách êm ái hơn để tiếp cận những cảnh huống thật sự bi
thảm.”
Đoạn kết, Hằng chia tay LeeRoy,
nhưng đấy là cuộc chia tay trong niềm vui, có hậu. Gấp cuốn sách, tôi muốn nghĩ
biết đâu Hằng sẽ gặp lại LeeRoy và biết đâu sẽ nảy nở một mối tình, một mối
tình đẹp trong sáng giữa hai con người tốt lành, tuy suốt ngày ngủng ngoẳng
nhau nhưng thật ra trong lòng yêu thương nhau rất mực, và đó chính là chất keo
gắn chặt những quan hệ tình người.
Tôi thích những cuốn sách có hậu như
thế. Nó khiến tôi cảm nhận được một điều, cuộc sống này tuy bất trắc nhưng vẫn
là đáng sống.
Trả
lời câu hỏi về sự nghiệp khởi đầu viết sách thiếu niên của mình, Thanhhà cho biết:
“Tôi tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí từ trường đại
học University of Texas ở Austin. Tôi cũng đã dọn về phía Tây và làm việc cho tờ
Orange County Register từ năm 1988 đến
1990. Sau đó, tôi ngứa tay thèm viết tiểu thuyết nên tôi dời về lại miền Đông đến
Boston, và sau đó dọn về New York City, nơi tôi tốt nghiệp cao học MFA chuyên về
Văn Chương Sáng Tạo từ Đại Học New York University. Tôi bỏ ra 15 năm để viết
truyện cho người lớn mà chẳng đi đến đâu. Bỗng một ngày tôi ôn lại các hình ảnh
những ngày cuối ở Sài Gòn, và những hình ảnh này chuyển biến trở thành hình thể
thực thụ của chúng, thành một thể thức thật đẹp mà người ta gọi là thơ. Tôi
không phải là một nhà thơ, nhưng tôi biết rằng văn bản chặt chẽ, hình ảnh nhanh
gọn có sức phát nổ thành những nguyên liệu, cảm xúc thật sự là cách duy nhất để
có thể bước vào tâm trí một bé gái 10 tuổi có suy nghĩ bằng tiếng Việt, không
suy nghĩ bằng tiếng Anh.”
TYT