TRƯƠNG VŨ
Cộng đồng Việt Nam: Văn Hóa và Tuổi
Trẻ
Nhà văn/họa sĩ Trương Vũ, Woodbridge, 20.10.2019 - Photo by PCH
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại được xây dựng từ những thảm kịch, phát sinh từ một cuộc chiến tàn khốc trên quê hương và từ những cuộc vượt biển, vượt biên kinh hoàng suốt gần mười năm sau khi cuộc chiến chấm dứt. Thảm kịch không chỉ hiện diện trên các bãi chiến trường, trong các trại cải tạo, trên biển Đông nhuộm máu và nước mắt. Nó vào tận mỗi gia đình, len lỏi vào từng con người.
Dù được xây dựng từ những thảm kịch, dù phải chịu bao cam go về tinh thần lẫn vật chất, đây vẫn là một cộng đồng luôn hiện hữu những khuynh hướng bảo tồn truyền thống tốt đẹp và hướng đến những giá trị cao của đời sống. Trong những năm đầu tỵ nạn, hầu hết những thành viên của cộng đồng phải đương đầu với những trở lực vô cùng lớn từ những thay đổi quá nhanh về hoàn cảnh, văn hóa, ngôn ngữ, xã hội của đời sống lưu vong trong những đất nước mà chính người dân ở đó đang có những chia rẽ trầm trọng về các chính sách của chính phủ họ trong chiến tranh cùng cách kết thúc của nó. Thế nhưng, dù trong một hoàn cảnh như vậy, từ rất sớm, đã có nhiều nỗ lực tích cực trong cộng đồng Việt Nam, dấn mình vào những sinh hoạt nhằm mục tiêu lâu dài mà họ tin là thực sự cần thiết cho đời sống. Niềm tin của họ, là dù gì đi nữa, cuối cùng rồi, cộng đồng VN phải là một cộng đồng có văn hóa, của những thành viên có văn hóa, bao gồm cái văn hóa phát huy từ nguồn cội của mình. Khó ai dám nói, văn hóa Việt cao hơn các nền văn hóa khác hay cao hơn một nền văn hóa nào. Nhưng, nếu thiếu vắng phần văn hóa riêng của mình, chúng ta có thể tự hào về đời sống vật chất cao, về các thành tựu hội nhập, trong lãnh vực này lãnh vực nọ, nhưng sẽ rất khó để tự hào về các giá trị riêng của mình, như các cộng đồng Nhật Bản, Do Thái, và nhiều cộng đồng khác. Thành viên của các cộng đồng này, ngoài những giá trị phổ quát, như bao con người có gốc gác khác, họ đã và đang đóng góp những giá trị đặc thù của họ vào xứ sở mà họ đang sống, cho quê hương mới, và cho cả nhân loại.
Văn học là một phần bất khả phân của văn hóa, và biểu hiện rõ nét nhất cho trình độ văn hóa của một dân tộc, hay một cộng đồng. Văn học Việt Nam hải ngoại, ngay từ những năm đầu, đã tạo nên một thế giới riêng, một thế giới phong phú, đa dạng và thực sự của văn học. Người làm ra nó đam mê văn học và chất lượng đã đạt đến hoặc muốn đạt đến là chất lượng của văn học, không phải chỉ là một sinh hoạt chữ nghĩa nhằm đáp ứng những nhu cầu tâm lý ngắn hạn của một cộng đồng còn quá mới. Trong suốt hai thập niên tiếp theo, các tạp chí giấy như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, và sau này, các tạp chí mạng như Tiền Vệ, Da Màu, là nơi gặp gỡ của rất nhiều nhà văn và học giả để nuôi dưỡng lòng đam mê của họ cho văn chương và nghệ thuật Việt Nam. Những nỗ lực này cũng đã tạo cảm hứng cho giới trẻ Việt lớn lên trong các quốc gia Tây Phương phát triển năng khiếu của họ để trở thành nhà văn, nhà thơ, học giả của thế giới Việt ngữ. Người đọc sách Việt Nam, trong hay ngoài nước, bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện ở hải ngoại những tài năng của văn học Việt Nam thời hậu chiến. Nhiều người trong số này, khi bắt đầu nghiệp văn của họ, nói tiếng Anh hay tiếng Pháp trôi chảy hơn tiếng Việt.
Thế nhưng, mọi sự, tiếp theo đó không còn diễn tiến tốt đẹp như vậy nữa. Càng về sau, ảnh hưởng của văn học Việt Nam trong cộng đồng càng giảm dần. Số người viết hay ít đi, số người đọc sách càng ngày càng như lá mùa thu. Số trẻ em nói được tiếng Việt trôi chảy trong cộng đồng cũng không nhiều, ở một tỉ lệ báo động. Những tạp chí có tiếng tăm một thời như Văn Học, Hợp Lưu, Văn không còn nữa. Những nhà xuất bản tác phẩm có chất lượng có tiếng tăm một thời như nhà xuất bản Văn Nghệ cũng không còn nữa. Có nhiều lý do để giải thích hiện tượng ngoài mong ước này. Lý do chính vẫn là sự mâu thuẫn giữa hội nhập và bảo tồn. Khi dồn nỗ lực cho hội nhập với khả năng cao thì thông thường, khả năng để bảo tồn những giá trị văn hóa, truyền thống phải kém đi.
Trong một hoàn cảnh tiêu cực như vậy của văn hóa, của văn học Việt Nam ở hải ngoại, tôi thật sự ngưỡng mộ những con người như Lê Trọng Lộc. Lộc thuộc thế hệ sau tôi, một bác sĩ chuyên khoa, thành tựu trong nghề nghiệp, trong đời sống tinh thần lẫn vật chất, từ gia đình ra đến xã hội, nhưng vẫn luôn kiên trì sống với những đam mê riêng của mình, gìn giữ sự trong sáng của tiếng mẹ, và đi xa hơn, đóng góp cho văn học Việt Nam bằng những sáng tác từ tài năng của mình, về thơ, về truyện. Lê Trọng Lộc là một mẫu di dân sống cân bằng giữa những thành đạt về hội nhập vào quê hương mới với khả năng bảo tồn và phát huy những giá trị đặc thù từ nguồn cội. Chúng ta đang cần rất nhiều những Lê Trọng Lộc.
Những con đường đi vào văn học thường là những con đường khó đi. Có con đường dành cho người viết và con đường dành cho người đọc. Khó đi, vì người viết hay thường đòi hỏi người đọc nghiêm chỉnh và khó tính. Ngược lại, người đọc nghiêm chỉnh và khó tính đòi hỏi người viết phải hay và thật. Tuy nhiên, vẫn có những con ngõ dễ đi cho văn học, dành cho những bước chân chập chững với những mức đến dễ đạt nhưng rất quan trọng. Đó là, đến với ngôn ngữ Việt, với thơ, với văn, với sách vở Việt. Nó quan trọng, bởi vì, không có khả năng phá vỡ văn hóa Việt Nam nào tàn bạo hơn, hữu hiệu hơn là những thái độ lạnh nhạt mà chính thành viên của cộng đồng Việt Nam dành cho tiếng mẹ của mình.
Tuổi trẻ Việt Nam, chính mình, hay cha mẹ mình, hay ông bà mình, đã từng được nuôi dưỡng bằng tình yêu đằm thắm và tha thiết qua những tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi. Mình có thể nhớ, hay không nhớ, có thể biết hay không biết, nhưng âm vang những tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi đó luôn còn đó trong tâm khảm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tuổi trẻ Việt Nam, hãy lắng nghe những âm vang đó. Và, hãy từ những âm vang đó, làm đẹp cuộc đời.
TRƯƠNG VŨ
Virginia, 20.10.2019
Ghi chú:
Đây là bài nói chuyện của Trương Vũ tại buổi ra mắt tuyển tập thơ và truyện ngắn của Bác sĩ Lê Trọng Lộc tại Đại Học NOVA, Virginia ngày 20 tháng 10, 2019.