Monday, October 7, 2019

1264. Nguyễn Thị Thanh Bình: Trương Vũ - Những Chiêm Nghiệm Đuổi Bắt Chiếc Bóng Tuổi Trẻ Qua “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”


Nguyễn Thị Thanh Bình
Trương Vũ - Những Chiêm Nghiệm
Đuổi Bắt Chiếc Bóng Tuổi Trẻ
Qua “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”

Nhà văn / Họa sĩ Trương Vũ
Photo by Phạm Cao Hoàng, Woodbridge (VA), 6 October 2019

Đuổi Bóng Hoàng Hôn là tuyển tập tiểu luận do Nhân Ảnh xuất bản vừa mới ra mắt bạn đọc vào tháng 5/2019 đã được đón nhận nồng nhiệt của nhà văn Trương Vũ. Mới đó đã không thiếu những nhận định đầy ưu ái của nhà phê bình văn học nổi tiếng Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và cả những nhà phê bình tài tử như của nhà văn Trần Vũ, nhà thơ Du Tử Lê...
Cầm tác phẩm vừa vặn 200 trang không quá dày thú thật có nhiều lúc ở nhiều đoạn, tôi đã phải khựng lại đôi lần để thử lượng khả năng nhâm nhi của mình.
Hơn thế nữa, đây là tác phẩm đầu tay của tác giả đã được tuyển chọn và đánh dấu cả cuộc hành trình chữ nghĩa từ năm 1989 đến năm ngoái 2018.
Ở đây vì thế tôi chỉ xin ghi lại vài cảm nhận như một độc giả nhiều phần vì yêu thích một cuốn sách thú vị đến với mọi người thế thôi.
“Đuổi Bóng Hoàng Hôn”, tôi yêu tựa đề nghe như thơ này, và hẳn nhiên tôi cũng yêu những trang viết này của một cây viết tiểu luận điềm đạm, có khi thơ mộng và không kém phần sắc sảo của Trương Vũ.
Điều có lẽ nhiều người thắc mắc là sao lại chọn một cái tựa thật thơ cho một thể loại tiểu luận? Và tại sao tác giả của chúng ta lại muốn “Đuổi Bóng Hoàng Hôn”?
Trong phần “Thay Lời Tựa” ở đầu cuốn sách nhà văn Trương Vũ đã bộc bạch là “mượn hình ảnh từ hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu do Tản Đà dịch”.
À thì ra chính tác giả đã giúp chúng ta mở cánh cửa để bước vào thế giới của một nội dung đa dạng phong phú và hàm súc. Hai câu thơ “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” rõ ràng ít nhiều đã gói ghém được những hạt lân tinh lấp lánh trong cùng thẩm tâm hồn của một nhà văn tỵ nạn “ra đi mang cả quê hương theo” như Trương Vũ, và chính điều sâu đậm này đã làm xao xuyến tâm tư người đọc nhiều nhất. Ở đây phải nói là từ mọi đề tài mà tác giả Trương Vũ muốn gửi gấm, trong đó có cái nhìn, đề nghị tâm huyết của một nhà giáo như chính nhân thân tác giả trước những tệ trạng giáo dục Việt Nam, những phóng chiếu xã hội học, quan điểm chính trị, quê nhà quê người và những trăn trở, kỷ niệm với chuỗi ký ức trân quí bằng hữu văn nghệ sĩ, cũng như những tưởng niệm chia lìa mất mát... Nhưng trên hết phải nói là văn học văn chương, với những nhận định khách quan, tinh tế mà phải mấy chục năm sau vẫn chưa mất thời gian tính và xác đáng lạ lùng.
Bài viết để lại ấn tượng nhất, mà chính nhà văn Trương Vũ đã đề câu “Tặng những nhà văn Việt Nam” càng đọc càng thấm thía, khiến tôi ước gì những phép lạ thần kỳ trong “Mùa Đông Prague” sẽ được chia bớt cho những trí thức và văn nghệ sĩ đúng nghĩa của đất nước mình.
Bài tiểu luận này Trương Vũ viết năm 1989, và cho đăng lần đầu trên một tạp chí văn chương là Văn Học thời nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút, và cách đây vài năm khi đọc lại, chính Trương Vũ đã phải hiệu đính thêm một vài cảm xúc khoảng hai trang, nhân chuyến đi nghỉ hè ở Âu Châu tạt ngang thủ đô Prague của Cộng Hòa Tiệp Khắc, và tôi đồng cảm nhất là mấy câu này: “Nhìn lại một số đổi thay chính trị lớn, tôi nghiệm ra một điều: nơi nào có sự tham dự tích cực của giới trí thức và văn nghệ sĩ  yêu nước, yêu sự sống, tôn trọng sự khác biệt, và can đảm đứng lên tranh đấu quyết liệt cho điều mình tin, cho những quyền căn bản của con người thì ở nơi đó, sự đổi thay mang lại ít bạo lực nhất, những quyền căn bản được phục hồi và xã hội phát triển nhanh nhất.”
Có lẽ cũng chưa trễ lắm để “Mùa Đông Prague” được phổ biến ở trong nước, để chí ít những nhà văn chân chính Việt Nam cũng muốn mình chiếm lãnh một chỗ đứng đặc biệt không những trong lòng độc giả, mà còn đóng góp được nhiều tiếng nói cho lương tâm của thời  đại chúng ta đang sống, như những nhà văn Tiệp Khắc dưới thời toàn trị.
Một thiên tiểu luận đáng được chú ý khác là “Chiến Tranh Việt Nam, Văn Học V.N.H.N và Phía Bên Kia Thiên Đường”. Ở đây không ngờ chúng ta lại cùng bắt gặp với những “hâm nóng” của báo chí lề phải trong nước về vấn nạn hòa hợp hòa giải dân tộc hiện nay.
Điểm nhấn là từ một bài viết khá nổi bật của nhà văn Tạ Duy Anh vào tháng 7/2019 mang tên: “Văn Học Và Sứ Mệnh Hòa Giải Dân Tộc”, trong đó tôi nhớ không lầm là Tạ Duy Anh có liệt kê một vài cuốn sách của nhà văn hải ngoại được xuất bản trong nước cũng như những tác giả trong nước được in ấn ở hải ngoại, và dường như Tạ Duy Anh có vẻ muốn giao vai trò gánh vác “công cuộc hòa giải” cho những văn nghệ sĩ trước hết.
Với nhà văn Trường Vũ thì rõ ràng nếu chỉ bàn đến ở mức độ văn chương thì “vẫn chưa có tạp chí trong nước đón nhận bài vở của nhà văn hải ngoại như Hợp Lưu, Đối Thoại (tờ này do Trương Vũ làm chủ bút 1993-1994).
Quả thật tôi nghĩ cũng có khá nhiều người đồng tình với nhà văn Trương Vũ ở khoản này: “... Dẫu sao, càng ngày càng có nhiều người ở hải ngoại tin vào khả năng hàn gắn của văn chương. Đối với họ, văn chương là nơi ẩn náu đẹp nhất cho những người có quá khứ khác nhau nhưng cũng muốn nhìn tới trước có thể hòa hợp với nhau...”
Với một tâm thức như thế, và chúng ta thấy Trương Vũ đã dàn trải hết lòng, và như rút ruột, chúng ta chắc chắn mỗi người sẽ tìm và gặp, sẽ đọc và cảm nhận từng hạt lân tinh khác nhau nhưng điều lấp lánh trong mớ chữ nghĩa dày dặn của Trương Vũ với tôi vẫn là hình ảnh đậm nét của một người không còn trẻ nữa nhưng không bao giờ già.
Cũng bởi Trương Vũ là người luôn muốn với bắt thứ tuổi trẻ thần thánh mà mình vừa vụt qua. Tôi chắc tác giả sẽ không mấy hụt hơi để trở về và bắt gặp chính những nét sinh động và tươi mới mà mình hằng tôn vinh, như thần trí sáng tạo: “một cái gì mới và đẹp cho đời sống”.
Nguyễn Thị Thanh Bình