Thursday, October 3, 2019

1258. NGUYÊN MINH Truyện ngắn QUÁN SIU SIU



Trước mặt tôi là một dĩa cơm gà trong một nhà hàng ở Nam Cali, mà sao tôi ngồi sững sờ, đến nỗi mấy người bạn phải lên tiếng:
- Ông sao vậy? Mới qua đây mà đã nhớ nhà rồi hả?
Tôi không trả lời nhưng tôi lại hỏi:
- Kể cũng lạ. Bao nhiêu năm từ ngày ấy hơn bốn mươi năm rồi tôi cứ lang thang đi tìm lại hương xưa về một quán cơm gà mang cái tên Siu Siu ở Sài Gòn mà vẫn bặt tăm.
- Ông đừng ngạc nhiên ở đất nước Mỹ này những hàng quán một thời vang bóng đều mọc lên. Nào Phở Tàu Bay, Bò bảy món Ánh Hồng… do con cháu họ qua đây kế nghiệp.
- Còn món cơm gà này có phải cũng như thế?
Các bạn tôi im lặng. Tôi hỏi cô thu ngân về lai lịch những người thân của người chủ quán cơm gà Siu Siu thời xa xưa ở Chợ Lớn. Cô lắc đầu không biết. Tôi hỏi tiếp giữa cơm gà Siu Siu ở đây có liên quan gì với cái gốc gác ngày xưa không. Cô lắc đầu.

Ra về, ngồi trên xe, trên đường đi tôi kể lại cho hai người bạn là nhà thơ nhà văn nổi tiếng một thời ở miền Nam và hiện tại ở hải ngoại về cái quán cơm gà Siu Siu, đặc biệt là về người chủ quán đó.
 
*
Thường thường vào chiều thứ Bảy hàng tuần tôi hay kéo mấy bạn trong tòa soạn báo Ý Thức vào Chợ Lớn đến quán cơm gà Siu Siu để thưởng thức hương vị đặc biệt của một ông Tàu. Bên hông chợ An Đông có một khoảng đất trống. Buổi chiều mặt trời nghiêng hẳn và khuất sau ngôi chợ cao và lớn. Bóng mát trải dài một khoảng rộng, vài chục chiếc bàn cùng nhiều chiếc ghế gỗ nhỏ nhắn đầy người ngồi. Khách thường là nghệ sĩ sân khấu, những nhà văn nhà báo. Họ gặp nhau như một chỗ hẹn, thỏa thích hàn huyên, kể chuyện đời, chuyện vui buồn sau bức màn sân khấu. Họ gặp nhau, hỏi thăm về những người ở xa còn hay mất trong cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, hay chia sẻ với nhau vài câu thơ hoặc những giai thoại về những nhà thơ ngông cuồng như Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện… Ngồi ngoài trời, gió mát, lai rai vài chai lade, bên dĩa mồi là mấy miếng thịt gà ươm màu vàng mướt, thơm mùi ướp gia vị đặc biệt mà không quán nào có được. Kèm theo là dĩa cơm trắng từng hạt rời cùng chén cải chua mùi vị vừa ngót vừa mằn mặn như một món gia truyền.

Quán chỉ là một chiếc xe đẩy di động, nhỏ nhắn, gọn gàng, sạch sẽ. Chữ Cơm Gà Siu Siu được viết ngay trên thành xe chỉ đủ khách đến gần mới thấy. Còn ông chủ, đầu đội chiếc nón bằng vải trắng, mặc chiếc áo màu vàng mỡ gà, môi lúc nào cũng tươi tắn nụ cười, mắt sáng rực. Dáng người ốm, gọn gàng. Giọng nói đặc sệt Sài Gòn, như một người Việt chính hiệu. Mãi đến giờ tôi chẳng biết tên thật của ông. Chỉ gọi ông là ông. Siu Siu. Thời ông nội ông là người Tàu chính gốc thời chống Thanh phục Minh, cùng một số người chạy qua Việt Nam lánh nạn. Rồi, đất lành chim đậu. Thế hệ tiếp theo, quên đi nỗi uất hận và sự trở về đất mẹ. Đời của ông Siu Siu chưa một lần về thăm quê hương. Ông chỉ theo dõi qua báo chí, sách vở hoặc nghe ông nội mình kể lại mà thôi. Nhà Minh đã mất qua tay nhà Thanh. Nhà Thanh bị diệt vong. Lịch sử là vậy. Bánh xe cứ quay mãi. Ông Siu Siu và người cùng thời vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa. Ông vẫn học trường Tàu. Vẫn thường vào khấn vái chùa Ông, thờ Quan Công. Khu Chợ Lớn biến thành lãnh địa kinh doanh của người Tàu. Các tiệm ăn mang sắc thái người Tàu như Vịt tiềm Bắc Kinh, Cơm gà Hải Nam. Cơm chiên Dương Châu… Món nào cũng đầy dầu mỡ nên tôi không hợp khẩu vị. Còn riêng Cơm gà Siu Siu lại hấp dẫn chúng tôi. Nơi người Tàu ở, quán ăn người Tàu nấu, nhưng hương vị món ăn này đầy hồn Việt. Tôi nghĩ có thể ông Siu Siu có dính dấp tình cảm gì với một cô gái Việt chăng? Những lần tôi kéo bạn bè đến cái quán lộ thiên này, khi ra về ai cũng muốn trở lại. Không phải chỉ vì món cơm gà đặc biệt này, mà còn nhìn tận mắt cách biểu diễn chặt từ con gà vừa vớt ra nồi nước sôi, ra từng miếng vuông vắn. Ông ta cầm hai con dao phây sắc bén chặt từng nhịp xuống tấm thớt, nghe như tiếng sóng vỗ vào bờ của một vùng biển trong trí nhớ. Mắt ông lại nhìn phía trước như đang mơ màng đến một nơi xa xôi nào đó. Mỗi lần nhớ đến tôi liên tưởng đến cuộc đời của ông bi thảm sau này.

*
Vài năm sau 1975, cả gia đình tôi bỏ Sài Gòn về sống ở cái thị xã nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Thỉnh thoảng tôi có vào Sài Gòn, mỗi lần như thế tôi tìm đến quán cơm gà Siu Siu, nhưng mọi cảnh vật đều thay đổi. Một cuộc đổi đời kinh khủng chưa từng có. Chiếc xe đẩy cơm gà Siu Siu đã mất tiêu cùng chủ nhân của nó. Còn những người khách thường xuyên như chúng tôi cũng như bầy chim lạc đàn trong cơn bão tố. Trong đợt đánh tư sản ông nằm trong danh sách Tư sản mại bản. Ngôi nhà lớn như một biệt thự ở trước con kênh đường Chương Dương cùng một nhà hàng đặc biệt chỉ một món cơm gà mang tên Siu Siu mà ngày xưa chúng tôi không để ý, bị tịch thu. Đó là kết quả mấy mươi năm, đơn giản kinh doanh, thành công của ông. Nhà hàng này ông giao cho vợ ông quản lý. Hằng ngày, nếu trời không mưa, ông vẫn đứng bám chặt chiếc xe cơm gà đã làm ông phất lên. Ông chỉ có mặt nhà hàng, nhưng chỉ để hướng dẫn thêm cho người con trai từ dưới nhà bếp mà thôi. Trong chiến dịch đưa những Hoa kiều ở Chợ Lớn về Trung Hoa đại lục, gia đình ông không chấp nhận chế độ ở cố quốc nên ra đi trong chuyến vượt biên hướng về Đài Loan. Thời gian cao điểm về những chuyến vượt biên, tin tức truyền miệng về biết bao người đã mất mạng làm mồi cho cá mập. Gia đình người chị tôi từng là thực khách của Cơm gà Siu Siu cũng mất tích trong một chuyến vượt biển. Bao lần tôi cố tìm tung tích chính xác ngày gia đình chị tôi ra đi, xem như đã chết, để lên bàn thờ nơi nhà từ đường mà làm giỗ chạp.

Trong một buổi chiều, trời se lạnh, sao thấy lòng mình buồn man mác, tôi lang thang đến phía sau chợ An Đông như tìm lại trong trí nhớ về những người bạn, người yêu cũ đã từng đến quán cơm gà Siu Siu này ngày xưa. Giờ họ lưu lạc nơi đâu? Cùng những người thân đã mất trong cuộc chiến hay bỏ xác dưới đại dương. Tôi ngỡ ngàng cứ tưởng mình còn trong giấc mơ. Trước mặt tôi, trong một góc phố ở hiên nhà hình ảnh một con người xác xơ, ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối bù, đôi mắt lạc hồn, hai cánh tay khẳng khiu, hai bàn tay gân guốc nắm chặt như đang cầm vật gì, cứ đưa lên đưa xuống như người đang đánh trống. Thôi rồi hình ảnh hai tay cầm hai chiếc dao phây cử động liên tiếp xuống từng nhịp mới làm tôi nhận ra ông Chệt Siu Siu. Nghe đâu chiếc tàu nhỏ trên đại dương mênh mông đã đâm vào đá ngầm làm tan nát từng mảnh. Vợ con ông mất xác. Không hiểu sao ông lại trở về được nơi này. Ông đã thành một người ngớ ngẩn. Hằng ngày ông lẩn quẩn quanh khu chợ An Đông, và thành kẻ ăn mày trên chính mảnh đất đã làm ông thành “tư sản mại bản”.

Tôi rùng mình, tim nhói lên, trí tưởng tượng đưa tôi đến một vùng xa xôi. Ở đó tôi nhận ra người mà tôi đang tìm. Trước mặt, chị tôi thành một người đàn bà thất tha thất thểu, điên dại sau cơn bão táp trong một chuyến vượt biên, mà cả các con gái chị bị bọn hải tặc hãm hiếp rồi vứt xuống biển.

Trong những lần bạn bè tôi từ Mỹ trở về thăm quê hương đã từng kể cho tôi những cảnh đau lòng hơn thế nữa. Có lẽ vì thế, cảnh tượng đó cứ ám ảnh trong tâm trí tôi.

Câu chuyện về ông chủ quán cơm gà Siu Siu chưa dứt hẳn nơi đây. Nó được kết thúc một cách bi đát hơn nữa. Về cái chết của một người ăn mày đang tìm lại ngôi nhà mình đã vào tay người khác. Tôi hiểu tâm trạng đau buồn của ông như tôi đã từng gặp phải. Trong một buổi trở về thăm lại quê nội, sau 50 năm xa cách. Trời mùa đông xứ Huế, mưa dầm lê thê, tôi vẫn cuốc bộ trên con đường ngày xưa hai bên sừng sững những cây đoát như những linh hồn đứng. Giờ trơ trọi. Những ngôi biệt thự ngói đỏ thời Pháp thuộc đã biến thành những ngôi nhà hai tầng, mái bằng hiện đại. Riêng, trước mặt tôi, vẫn còn một ngôi nhà dính dấp ngày cũ. Tôi reo lên: Đúng rồi. Mắt sáng rỡ như vừa tìm được một vật quí giá đã thất lạc từ lâu. Tôi bước vào cổng để trống từ từ tiến vào ngôi biệt thự. Vừa đặt chân lên thềm nhà thì thấy vài anh thanh niên bao quanh hỏi dồn dập: Ông là ai mà vào đây như nhà của mình vậy. Tôi ấp úng: Xin lỗi. Tôi quên. Đúng là ngôi nhà này tôi đã sống một thời tuổi trẻ. Một người tuổi trung niên đưa đôi mắt nhìn chúng tôi như đang dò xét, trả lời nhát gừng: Ông lầm nhà rồi. Tôi rảo mắt nhìn quanh, vẫn cái vòm hình cong trên các cửa sổ, vẫn cái cầu thang bậc gỗ, vẫn sàn nhà còn nguyên những miếng gạch hoa nhỏ vuông vắn dù có phai màu theo thời gian. Tôi khẳng định mình không lầm mà còn nói thêm: Trên lầu này còn có một cái lò sưởi đã mẻ một góc, phải thế không? Lúc này cả mấy chàng thanh niên hoảng hốt vặn hỏi: Ông muốn gì? Tôi phân bua: Tôi muốn tìm một chút kỷ niệm ngày xưa? Kỷ niệm gì? Tôi lấy chiếc điện thoại Iphone định chụp cánh cửa sổ thì người chủ nhà cương quyết: Cấm chụp hình. Ông đi ra. Tôi ngỡ ngàng vừa bước đi vừa ngoảng mặt nói nhỏ: Ngoài sân sau dãy nhà ngang còn một cái hầm. Cả bọn họ hoảng hốt, một anh thanh niên cao lớn nắm tay tôi kéo đi.

Ra ngoài đường nhìn lại ngôi nhà cũ, tôi ngỡ ngàng trước thái độ xua đuổi này. Thật ra, khi nhận email của một người bạn văn từ Mỹ muốn tôi trở về Huế tìm lại dãy nhà ngang nơi mà thời tuổi trẻ chúng tôi tựu họp làm nên một tập san Gió Mai. Như một dấu tích để lại tư liệu văn học. Khi tôi tâm sự với một người anh họ sống cả đời ở xứ Huế này mới biết họ đang hóa giá nhà. Họ tưởng chúng tôi là chủ nhà cũ từ hải ngoại trở về. Với họ người chủ nhà này đã chết từ lâu rồi. Rất lâu. Rất lâu.

Còn ông Siu Siu lại vừa mới chết. Chết tức tưởi trong một đêm mưa dầm. Xác của ông từ con kênh bến Chương Dương trôi dạt vào bờ. Trên đầu có vết bầm rướm máu. Từ đó trong tôi chập chờn những hình ảnh rời rạc được ghép lại thành một đoạn phim.

Từ khu chợ An Đông đến bến Chương Dương một quãng đường dài, nhất là đối với người thân tàn ma dại như ông Siu Siu; làm thế nào mà ông biết đường về ngôi nhà cũ của mình. Ngôi nhà sang trọng đó đã thay ngôi đổi chủ sau chiến dịch giải tỏa người Hoa nằm trong diện là tư sản mại bản. Chủ mới là người phương xa mới đến. Không biết một tí gì về gia đình người chủ cũ. Mà họ cần biết làm gì cho mệt óc.

Mỗi buổi sáng, như thường ngày, người đàn ông bệ vệ trong bộ trang phục từ trong nhà bước ra, chuẩn bị lên xe hơi thì ở đâu lù lù ra một kẻ thất hồn, miệng ú ớ: Cho tôi vào nhà mang theo con búp bê đã bỏ lại. Người đàn ông chưng hửng: Cái gì? – Con búp bê. Người đàn ông hất bàn tay ông Siu Siu đang nắm chặt quát lên: Đồ điên. Rồi ông ta ung dung lên xe.

Tưởng một lần rồi thôi. Cảnh tượng này cứ lập lại. Người đàn ông mơ hồ về thân thế ông Siu Siu. Nên ông ta đã căn dặn người vợ trẻ và đứa con gái lên năm tuổi: cửa đóng kín khi ông vắng nhà, nhưng người vợ vì tính tò mò, bà ngồi bên cửa sổ theo dõi diễn tiến người ăn mày đang nói nhảm. Ông biết lỗi rồi mà. Ông sẽ vớt nó từ cái giếng sâu hun hút lên cho cháu mà ngày xưa ông đã quăng nó xuống đó. Người đàn bà tự hỏi: Chẳng lẽ cái giếng cạnh nhà bếp. Khi dọn nhà đến, bọn nào đã gở cái máy bơm nước rồi. Ông Siu Siu vẫn lải nhải: Mạch Long thủy đó con. Máy bơm nước lên suốt ngày vẫn không cạn giếng để ông leo xuống bế nó lên cho con. Nín đi con. Người đàn bà bỗng ôm đứa con gái vào lòng. Hình như bà đã nghe tiếng trẻ con khóc văng vẳng từ đâu trong ngôi nhà này. Mười ngày sau đó, chồng bà cho mấy cái xe chở đất đá đến lấp cái giếng sâu hoắc đó. Như một phi tang.

Hết cái giếng, ông Siu Siu lại nói đến cái hồ cá. Ông nói chính xác vị trí cái hồ. Chính vợ chồng người chủ mới cũng thắc mắc: Ai lại xây hồ cá chình ình giữa khoảng trống giữa phòng khách với phòng ngủ bao giờ. Đâu biết ông Siu Siu phải làm theo ông thầy phong thủy căn dặn. Đó là tài lộc của ông. Đó là mạng của ông.

Lỗi của ông là để cá nuôi trong hồ phải chết ngộp. Từ ngày ông vượt biển hồ cá chỉ còn trơ đáy, cá đã chết cạn.

Người chủ nhà mới phải một lần nữa đập phá nó đi, bằng phẳng rồi lát gạch hoa mới tinh.

Một buổi chiều vào ngày sinh nhật cô bé lên sáu tuổi. Khách khứa không dính dấp gì đến cô bé mà họ toàn là nhân viên cơ quan đến mang theo quà cáp biếu xén. Mùi thức ăn từ nhà hàng mang đến, thoang thoảng phả vào mũi rất thính của ông Siu Siu đang đứng núp người bên cạnh bụi cây trước nhà. Thoáng thấy những dĩa chưng bày con gà xối mỡ bóng láng ông Siu Siu bỗng kêu lên: Thiếu những gia vị đặc biệt cho một món gà. Ông lều phều từ trong trí nhớ: Cơm gà Siu Siu.

Đến lúc này người chủ nhà không dằn được nỗi sợ hãi, ngại ông Siu Siu sẽ tuôn ra về chủ nhà thật sự còn sống.

Để khỏi rắc rối ông sai người đem ra dúi vào tay ông Siu Siu một gói cơm và một miếng đùi gà rồi đuổi ông đi.

Nước mắt ông Siu Siu tuôn ra. Nuốt xuống, nghẹn họng. Rồi lấy hơi lớn giọng: - Còn chiếc xe đẩy mang chữ Cơm gà Siu Siu tôi đặt ở nhà kho đâu rồi.

Đúng như thế. Khi người chủ mới đến ngạc nhiên sao ngôi biệt thự sang trọng này ai đó tống vào kho một chiếc quầy xe đẩy cũ kỹ mốp méo mà trên đó chỉ còn chữ S mà thôi.

Lão ăn mày Siu Siu bỗng quì xuống:
- Cho tôi xin lại.

Còn đâu nữa. Ông chủ nhà mới đã phá nát và bán cho người  lượm ve chai rồi.

Những năm tháng sau đó. Sau cái chết đột ngột của ông Siu Siu, ngôi biệt thự cũ phá đi để xây lại một ngôi biệt thự mới, hoàn toàn không còn dấu tích ngày xưa.

Nhưng oan hồn của ông Siu Siu vẫn vương vất đâu đó trong căn nhà mới này.

NGUYÊN MINH
9.2019
(Nguồn: QUÁN VĂN số 67)