Sunday, September 29, 2019

1254. TRƯƠNG VŨ Bạn cũ

CẢM HỨNG ĐẦU THU, sơn dầu trên bố, 30" X 24",  Trương Vũ thực hiện tháng 9.2017

Cách đây khoảng 20 năm, họa sĩ Đinh Cường có triển lãm tranh ở Đại Học George Mason, Virginia. Đến dự triển lãm, đi một vòng xem tranh, tôi bỗng khựng lại khi bất ngờ trông thấy một bức chân dung của mình bằng sơn dầu do Đinh Cường vẽ. Tranh đề bán, với giá rẻ mạt. Tôi không hề biết là Cường đã vẽ chân dung tôi. Hỏi, Cường chỉ mĩm cười. Tôi biết, bạn tôi thường đùa rất tế nhị. Dĩ nhiên, tôi hãnh diện và vui lắm. Cho đến lúc đó, dù có nhiều bạn bè trong giới họa sĩ, ngoài những bức chân dung do chị tôi vẽ, tôi không có một bức chân dung sơn dầu nào của mình từ một họa sĩ khác. Bức chân dung này được mang về nhà, treo một thời gian, rồi không hiểu vì sao sau vài lần thay đổi chỗ ở, nó biến mất. Tôi lục lọi nhà kho và cùng khắp, vẫn không tìm ra. Tôi cũng không có hình chụp bức tranh đó. Tôi tiếc vô cùng, và vẫn tiếp tục tìm. Bài viết ngắn này chỉ sẽ được xem là hoàn tất khi nào tôi tìm thấy nó.

Ngược dòng thời gian, hơn bốn mươi năm trước, Đinh Cường có tặng tôi một bức tranh nhỏ, cỡ 8.5 “ x 11.5”. Tôi thích lắm. Tranh sơn dầu trên giấy nhôm, thực hiện theo một phối hợp tài tình của nghệ thuật Đông và Tây. Tôi đặt tên bức tranh là Tiếu Ngạo. Sau này, ở Mỹ, tôi sưu tập thêm một số tranh của Đinh Cường, từ nhiều cuộc triển lãm khác nhau. Tuy nhiên, Tiếu Ngạo vẫn là bức tranh tôi quý nhất. Với tôi và Đinh Cường, nó đánh dấu một điểm mốc của tình bạn. Với Đinh Cường, nó đánh dấu một giai đoạn nghệ thuật của tranh vẽ trên giấy nhôm, sau đó không trở lại nữa. Với riêng tôi, nó nhắc nhở đến khoảng thời gian tôi bắt đầu cảm nhận một sức hút từ nội tâm kéo tôi vào thế giới của nghệ thuật. Bức tranh vẫn để lại Việt Nam khi tôi rời quê hương hai năm sau đó.

Cuối năm 1985, gia đình tôi chuẩn bị sang Mỹ đoàn tụ. Tôi viết thơ đề nghị nhà tôi tìm cách mang bức tranh sang. Nhà tôi đã làm được. Tôi vui mừng như gặp lại một người bạn cũ. Nhưng rồi, sau đó, cũng vì chuyện dọn nhà, tôi không còn thấy lại bức tranh, tưởng chừng như đã mất đâu rồi. Không ngờ, cách đây vài tuần, trong lần dọn nhà sau cùng, tôi gặp lại nó, do các con tôi khui ra được từ kho đồ cũ, Tôi gọi điện thoại cho vài bạn bè báo tin vui. Tôi chụp lại, gởi kèm theo đây để chia sẻ với các bạn.

Đinh Cường, Tiếu Ngạo, sơn dầu trên giấy nhôm, 8.5” x 11.5 “, thực hiện năm 1974

Cũng trong đợt dọn nhà sau cùng này, tôi tìm lại được thêm hai phác thảo chân dung tôi bằng chì than do Đinh Cường và Nguyễn Trọng Khôi vẽ, trên giấy in thường. Chúng được kẹp nằm trong một cuốn sách hội họa lớn. Lâu lắm rồi tôi không đụng đến cuốn sách nên không ngờ chúng nằm trong đó.

Đinh Cường, Phác Thảo Chân Dung Trương Vũ (Tháng 4.2011)

Nguyễn Trọng Khôi, Phác Thảo Chân Dung Trương Vũ (Tháng 4.2011)

Những phác họa này gợi nhớ đến một buổi chiều của tháng 4 năm 2011trong ngôi nhà của Đinh Cường trên đường Natick ở Virginia. Ba anh em ngồi tán gẩu với nhau. Rồi, Đinh Cường đề nghị với Nguyễn Trọng Khôi cùng lấy bút chì phát thảo chân dung tôi. Gọi là phát thảo cho vui thôi. Thật ra, chỉ là những nguệch ngoạc từ cái chuếnh choáng do rượu vang. Thế nhưng, bây giờ, nhìn lại những cái nguệch ngoạc đó, tôi xúc động. Từ buổi chiều hôm đó, bao nhiêu buổi chiều đã đi qua. Từ buổi chiều hôm đó, bao nhiêu bạn bè đã ra đi, trong số đó có Đinh Cường.

Những bức tranh, những phác thảo, những nét vẽ vội vàng, không đơn thuần chỉ là những biểu hiện của nghệ thuật. Nó còn biểu hiện cho tình cảm. Nó đánh dấu một khoảng đời của người vẽ, một khoảng đời của người sở hữu. Và, nếu người sở hữu yêu tranh, nó như một người bạn. Thân lắm.

TRƯƠNG VŨ
Maryland, cuối tháng 9 năm 2019