Một
lần, ngồi ở quán cà phê, có nhà văn Cung Tích Biền và họa sĩ Trịnh Cung, tôi nhớ,
một người nói:
- Ở
đâu có Thành Tôn là có Trần Yên Hòa...
Câu
nói xác nhận là tôi và nhà thơ Thành Tôn thân thiết đến độ, đi cà phê hoặc
"lai rai rai ba sợi" ở đâu, cũng có nhau.
Câu nói này cũng chỉ đúng một nửa, vì, từ mấy năm nay, tôi sống khép mình, chỉ muốn ở nhà viết lách chút đỉnh, đọc và post bài trên Bạn Văn Nghệ, rồi đi tập thể dục ở Gym. Ít đi la cà cà phê với ai, trừ một số bạn văn thân, rất thân. Trong lúc anh Thành Tôn thì bạn bè nhiều, nhất là với các bạn học, bạn văn, xa, gần, trước, sau...Anh đều tiếp đãi cà phê, rất ngọt.
Nhưng,
nói gì thì nói, tôi với anh Thành Tôn đã kết thân từ hơn hai mươi năm qua, tôi
coi Thành Tôn như người anh, vì tôi biết những tính tốt của anh đối với bạn bè.
Và anh cũng coi tôi như một người em, vừa đồng môn, vì học cùng trường thời
trung học, dù khác lớp, vừa cùng quê Quảng Nam, vừa là bạn văn nghệ, nên nhiều
khi anh em tâm sự thật lòng.
Nên,
nhân đây, tôi cũng xin ghi lại một chút về tình thân của chúng tôi.
Tôi
"biết" anh Thành Tôn trước khi "quen", từ ngày anh học ở
Tam Kỳ, làm việc ở Tam Kỳ, làm rể ở Tam Kỳ, làm thơ ở Tam Kỳ. Nhưng chỉ biết
thôi. Thuở đó, anh đã có những "bài thơ" lẫm liệt, đăng ở các tạp chí
văn học danh giá Sài Gòn, lại xuất bản tập thơ Thắp Tình nữa, nên tên tuổi
Thành Tôn trong giới văn học, hay đọc sách, ai cũng biết.
Cho
đến mãi những tháng năm qua Mỹ, tôi mới gặp Thành Tôn bằng xương bằng thịt.
Nhà thơ Thành Tôn
Anh
trong nhóm 5 anh em "hội cà phê" chúng tôi: Trần Văn Nam, Đạm Thạch,
Phạm Phú Minh, Thành Tôn và Trần Yên Hòa...trong suốt nhiều năm...Đến khi Đạm
Thạch di chuyển sang sống với con ở Arizona, Trần Văn Nam mất, Phạm Phú Minh
hơi mệt, ít đi cà phê...nên chỉ còn tôi và Thành Tôn bám trụ, cầm cự hai tuần một
lần, đều chi.
Bây
giờ tôi viết về một Thành Tôn "khác", chứ không viết về Thanh Tôn
Thơ, hoặc Thành Tôn Sách nữa, vì (hình như) đã có 5, 6, nhà văn, nhà thơ thân hữu
viết về anh rồi. Một Thành Tôn "khác" của tôi ở đây là về một Thành
Tôn đời thường: Thành Tôn với bạn bè, gia đình...và tình yêu.
Tôi chỉ nhìn anh ở khía cạnh đó…
Với bạn văn
Với bạn văn
Với
Thành Tôn, ai cầm bút viết được, ở mọi lãnh vực, anh đều trân quý...Đã là người
viết, tác phẩm có giá trị hay không, nếu có Thư Mời anh tham dự Ra Mắt Sách,
anh đều đến tham dự, và mua sách ủng hộ. Anh nói, mua để giữ làm tài liệu,
nhưng thật ra thì anh mua ủng hộ thôi, để tác giả thu lại tiền in ấn.
Còn
những quyển sách giá trị, bằng bất cứ giá nào, dù ở VN hay ở Pháp, Úc, anh đều
tìm mua cho bằng được, nếu khó quá, anh biết ai có sách, anh mượn về copy toàn
quyển sách để cất giữ, còn bản chính trả lại cho chủ nhân.
Đối
với các bạn văn lớn tuổi hơn, hiện sống ở Little Sài Gòn, như nhà văn Nguyễn
Đình Toàn, Viên Linh (trước đây), họa sĩ Hồ Thành Đức, Khánh Trường...anh thường
đến thăm và sẳn sàng giúp đỡ, như chở đi bác sĩ, hướng dẫn về việc xin phúc lợi
An Sinh Xã Hội, Ngân Hàng...hay đi cà phê. Đã nhờ anh giúp đỡ là anh không từ
chối...Dù bận bịu anh cũng dành thì giờ để đến giúp với lòng vui vẻ...
Còn
các bạn văn ở xa, đồng thời với anh như Song Thao, Trần Doãn Nho, Trần Hoài
Thư, Luân Hoán, Hoàng Lộc... thì anh điện thoại thăm hỏi thường xuyên, có thể
hàng tuần...Các bạn văn ở xa, nhiều khi xa Little SG, nam Cali, muốn biết sinh
hoạt văn học nghệ thuật ở thủ đô nhỏ này ra sao, anh đều vui vẻ kể cho bạn
nghe, hay nghe bạn kể, có lúc cuộc trò chuyện, tâm sự lên đến cả ba chục phút
hay cả tiếng đồng hồ.
Cho nên các bạn văn ở xa về thủ đô nhỏ, thường đều "hú" Thành Tôn, anh rất vui vẻ, hạnh phúc gặp lại bạn và thường hẹn nhau chiêu đãi cà phê hay "lai rai ba sợi" ở quán hay ở nhà anh. Anh rất hào phóng với tất cả anh em văn nghệ, dù có "hao".
Phan Xuân Sinh từ Houston qua gọi Thành Tôn, Đức Phổ từ Georgia qua gọi Thành Tôn, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Nam Dao... từ Canada qua gọi Thành Tôn, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Doãn Nho từ Dallas qua gọi Thành Tôn, Nguyễn Thanh Châu (nhờ tôi) gọi Thành Tôn, Đông Nghi (nhờ tôi) gọi Thành Tôn, Phan Nguyên, Từ Hoài Tấn, Lữ Kiều, Hạ Đình Thao, từ VN qua Mỹ, cũng gọi Thành Tôn.
Được ngồi cà phê hay "lai rai" với anh đều rất vui, đều nhận thấy cái thực lòng ở anh....Nghĩa là tiếng lành đồn xa...như ngày xưa bên Tàu, có ông Mạnh Thường Quân, ông là một người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách (theo wikipedia). Thành Tôn thì không giàu, anh đã về hưu, nhưng tấm lòng anh cũng na ná như vậy. Không biết Mạnh Thường Quân xưa có cầu cho được "tiếng" hay không, nhưng với Thành Tôn, tôi biết, anh chỉ mong mọi bạn bè "vui thôi mà" (lời Bùi Giáng).
Những
ngày trước, khi nhóm năm người chúng tôi còn sinh hoạt, trước khi cà phê, thường
lai rai ba sợi, ở quán Hợp hay đâu đó, rồi mới qua cà phê. Khi đã có
chút "hơi cay" vào, Thành Tôn ăn nói cũng "lớn tiếng" lắm.
Lớn tiếng chỉ thuần theo nghĩa đen, nghĩa là giọng anh còn rặt giọng Quảng Nam,
nên anh nói thường to hơn người khác. Những lúc đó, anh vui kể chuyện, những
giai thoại Bùi Giáng ở quê, ngày còn nhỏ. Bùi Giáng là lứa tuổi với cha anh,
nhưng lại muốn kết bạn với anh. Rồi những "tật" của Bùi Giáng, trong
đời thường và trong thơ văn, anh lại đọc mấy câu thơ của Bùi Giáng...Giọng
Thành Tôn to, lớn, câu chuyện kể khá hấp dẫn khiến ai cũng muốn nghe...Nhiều
người ngồi bàn bên, có thể không hiểu, tưởng là anh đang cải lộn. Nhưng không,
đó là anh thể hiện tính ăn to nói lớn của người Quảng Nam thôi.
Anh
hiền, rất hiền. Anh chơi với ai cũng được, chưa bao giờ làm mất lòng ai. Đã nhiều
lần anh nói: "Chơi với bạn, mình chỉ nhìn vào cái tốt của bạn đó
thôi." Nên anh hoàn toàn là bạn của tất cả anh em văn nghệ.
Nhiều lúc ngồi với nhau cà phê hay "lai rai ba sợi", Thành Tôn kể về những ngày lính tráng của anh.
Tôi
đã nghe và xin ghi lại sau:
Tôi đã nghe và xin ghi lại sau:
Tôi đã nghe và xin ghi lại sau:
Chuyện
đi lính của anh cũng rất hấp dẫn, hồi hộp và mang tính giai thoại.
Hồi
đó khoảng những năm 1965, 66...Thành Tôn đang dạy học ở trường Phan Thanh Giản,
Đà Nẵng. Đi dạy nhưng anh cư trú không ổn định, thường thay đổi địa chỉ nên Giấy
Gọi Đi Thủ Đức theo lệnh Động Viên không đến tay anh. Một hôm xong buổi dạy ra
về, thì anh gặp một toán cảnh sát đang đón đường hỏi giấy tờ quân dịch của
thanh niên. Thành Tôn bị chận hỏi và bị "hốt" ngay, vì lứa tuổi anh
đúng ra là phải bị động viên vào Thủ Đức khóa trước, sao còn ở ngoài đi dạy tà
tà vậy. Anh bị đưa vào trại Nhập Ngũ số 1, để đi thụ huấn tân binh quân dịch,
vì anh thuộc diện không tuân hành lệnh Tổng Động Viên.
Anh
bị đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, thụ huấn 9 tuần để ra làm tân
binh, deuxieme cùi bắp (binh nhì). May nhờ có nhà văn Trần Phong Giao,
lúc này làm Tổng Thơ Ký Tạp chí Văn, khi biết tin Thành Tôn "bị nạn",
liền viết đơn lên Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, giải thích sự việc, là vì địa chỉ
anh thay đổi nên không nhận được lệnh gọi đi Thủ Đức, chứ không phải anh trốn
lính. Lúc này Nha Động Viên do Thiếu tướng Bùi Đình Đạm làm Tổng Giám Đốc, biết
được nỗi oan ức của Thành Tôn, nên ra lệnh chuyển anh qua tiếp tục Khóa 2... Thủ
Đức...Thế là Thành Tôn trở thành Sĩ Quan, và khi ra trường, xin về phục vụ tại
Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Tín. Thành Tôn làm ở đây đến tháng 3.1975.
Thành
Tôn làm ở Khối CTCT/TK Quảng Tín, sau đó vì tính cần mẫn, thật thà và uy tín, rất
được mọi người nễ phục.
Đại
tá tiểu khu trưởng kiêm tỉnh trưởng Quảng Tín, biết anh, nên bổ nhiệm anh làm
bí thư. Anh làm chức vụ này trong hai đời tỉnh trưởng...Với vị đại tá sau, có lần
Thành Tôn, đã đập bàn cải lộn với xếp vì khác ý kiến, và Thành Tôn tự xin phép
rời khỏi chức vụ bí thư, với đơn xin sẽ làm việc ở bất kỳ đơn vị nào…
Cuối
cùng Thành Tôn trở về lại Khối CTCT/TK Quảng Tín.
Thời gian này, ngoài công việc là sĩ quan quân đội, Thành Tôn còn là người đứng ra phát hành sách cho các nhà xuất bản như Lá Bối, An Tiêm, Giữ Thơm Quê Mẹ...
Anh là người yêu sách, và là bạn với các chủ nhà xuất bản trên, anh đã đứng ra phát hành sách đến các tiệm sách ở Tam Kỳ, Quảng Tín, Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng...nhiều khi ra đến tận Huế. Những chủ nhà xuất bản này đều tin cậy Thành Tôn.
Sau này, qua Mỹ, anh có gặp lại các ông Thanh Tuệ (chủ nhà xuất bản An Tiêm...từ Pháp qua, và bị bịnh mất ở Mỹ), ông Võ Thắng Tiết, chủ nhà xuất bản Lá Bối trước 1975, và Văn Nghệ ở Mỹ (Nam Cali). Tình thân của anh với ông Võ Thắng Tiết rất đậm đà. Những buổi cà phê của chúng tôi, đôi khi Thành Tôn mời ông Võ Thắng Tiết cùng tham dự. Nhưng sau, ông Tiết vốn trước là một tu sĩ Phật giáo, nên ông ít cà phê, ít la cà, nên những buổi cà phê với ông cũng ít dần. Tuy nhiên, khi ông Võ Thắng Tiết bịnh nằm ở bịnh viện viện Fountain Valley, thì Thành Tôn cũng rủ tôi và anh Phạm Phú Minh đến thăm...tình cảm rất chân thành. Sự liên lạc, thăm hỏi nhau với ông Võ Thắng Tiết, Thành Tôn vẫn giữ đến tận bây giờ.
Đến
nhà Thành Tôn, một căn Apt nhỏ, 1 phòng, cho hai vợ chồng. Nhà anh đúng là một
thư viện sách. Ngoài sách ra, trên kệ cao, anh còn lập một bàn thờ, thờ ba người
bạn văn quá cố, đã có một thời gắn bó với Thành Tôn. Đó là nhà thơ Bùi Giáng,
nhà văn Võ Phiến và Họa sĩ Đinh Cường.
Chuyện
tình.
Phải nói là chuyện vợ chồng của Thành Tôn và chị Phan Thị Trinh đã hơn sáu mươi năm qua, một tình yêu, một người yêu...suốt trong thời gian dài như vậy, không suy suyển. Trung Thành và Duy Nhất. Một và chỉ Một mà thôi.
Phải nói là chuyện vợ chồng của Thành Tôn và chị Phan Thị Trinh đã hơn sáu mươi năm qua, một tình yêu, một người yêu...suốt trong thời gian dài như vậy, không suy suyển. Trung Thành và Duy Nhất. Một và chỉ Một mà thôi.
Chuyện
này, nói thì dễ, nhưng thực hành rất khó, nhất là đàn ông ở tuổi thanh niên,
trung niên...có chức có quyền một tí, lại là nhà thơ nổi tiếng nữa...ai cũng có
chút tình ngoài luồng...Nhưng với Thành Tôn và Phan Thị Trinh thì đúng
là một và chỉ một mà thôi.
Hai
người yêu nhau từ ngày còn là học sinh, cùng lớp, cùng trường. Yêu nhau rồi lấy
nhau và gắn bó với nhau suốt gần sáu mươi năm. Khi đi lính, chàng đóng ở một
phương, Tam Kỳ, nàng làm công chức ở Đà Nẵng, nên chỉ gặp nhau cuối tuần hay một,
hai tuần mới về thăm nhau một lần. Rồi đến ngày chàng đi cải tạo, chàng ở
tù ròng rả suốt gần chín năm ngoài Bắc, còn nàng ở nhà lo làm ăn, nuôi con,
nuôi chồng, cơm đùm cơm gói thăm nuôi. Mãi sau 9 năm xa cách, vợ chồng mới đoàn
tụ. (theo Thành Tôn, những ngày đi tù ngoài bắc, đi đốn gỗ, anh bị cây ngã đè bị
thương ở đầu và tay, nên bây giờ tay anh viết bị run, đầu anh không tập trung,
nhớ cái được cái mất, nên anh không làm thơ nữa là vì vậy).
Anh chị có ba người con, hai gái, một trai. Cô con gái đầu tốt nghiệp bác sĩ Nhi Khoa thuộc loại xuất sắc ở VN, và đi tu nghiệp ở Pháp, với những công trình nghiên cứu lâm sàng, được giới y khoa Pháp công nhận và được báo chí Pháp viết bài khen ngợi.
Hai
người con còn lại cũng tốt nghiệp đại học và hiện đang có công việc tốt, hiện
cư ngụ gần anh (nam CA).
Viết bài này tôi muốn không đề cập đến chuyện Thơ, nhưng khi nói đến tình yêu, thì cũng nên nói chuyện thơ của chàng một tí.
Bài
thơ Nói Với Cô Bé Ngồi Quán của Thành Tôn, trong tập Thắp Tình như sau:
Vào
đây, ghế quạnh, khuya người
Quán
như địa phủ, nhạc đời nhân gian
Quầy
trơ, mắt bé ngỡ ngàng
Thuyền
ai đổ bến, lòng nàng bâng khuâng
Hồn
ta trải gió đầy sân
Tình
ta, mây cũng mấy lần thu nao
Vào
đây bàn nhẵn, câu chào
Quen
như thân thể, lạ nào chén ly
Đời
nhau, khói thuốc quên đi
Bên
tai cổ nhạc lầm lỳ canh tân
Trên
kia dáng bé tần ngần
Lời
yêu chậm nói, tình gần tay trao
Vào
đây đèn đủ hanh hao
Bóng
ai theo đến kẻ nào quay lui
Cúi
đời trên chén ly, khuya
Mắt
nhau một hướng, tình chia mấy trùng
Ngồi
thầm, góc quán mông lung
Xa
nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai
Vào
đây nhạc đĩa đầy vai
Vòng
quay nhịp lặp, kim mài giọng quen
Mòn
hao sợi tóc trăm năm
Khuya,
mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau
Ngậm
lòng, quán vắng, ơn nhau
Ly
trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn
Vào
đây như một đức tin
Khói
tan đốm thuốc, đời vin tay nào
Miệng
cười kín nụ lao đao
Tình
chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai
Trách
gì ý lỡ, lời sai
Cho
nhau góc quán đêm dài dung thân
Thôi
em trả đó tình gần
Ta
xin bóng chiếc, đời cần nhau, đâu?
Vào
đây, ghế quạnh, khuya nhàu
Tình
như cổ tích đời sau kể thầm.
Bài
thơ này, theo như chị Phan Thị Trinh, (chị Thành Tôn) nói là, anh làm cho một
người con gái nữ sinh Tam Kỳ, sắc nước hương trời thời đó, là cô T. Cô vừa là nữ
sinh, vừa là con chủ quán cà phê và Mì LK. Cô này đẹp nổi tiếng ở TK. Cô có đôi
mắt đẹp như thuyền, đôi môi không thoa son mà luôn đỏ như son. Cô là "cây
đinh" ở đây, nên nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, sĩ quan quân đội đi hành
quân về Tam Kỳ, thường ghé quán cô ăn mì, uống cà phê, để được diện kiến dung
nhan cô.
Nhưng
theo Thành Tôn, là không phải, đây chỉ là hình ảnh cô bé bán quán cà phê ở gần
Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Tín, nơi anh làm việc thôi. Đó là những buổi trực
khuya cùng bạn lính, rủ nhau đi cà phê, vào ngồi quán này. Cái rung động với
cô bé ngồi quán trong bài thơ, chỉ là rung động tự nhiên về vẻ đẹp của thiếu
nữ...Chứ không phải cho một người con gái nào hiện thực cả...
Đây
là một bài lục bát hay, rất hay, theo tôi. Thành Tôn dùng từ lạ, ý lạ (ghế
quạnh, khuya người, nhạc đời nhân gian, quày trơ, trải gió, đủ hanh hao, cúi đời,
mưng máu chậm, bừng tim gan, khuya nhàu...). Cách chấm câu, dấu phếch, rất
mới (vào những năm 1968 - 1969...mà dùng từ như thế này thì quá mới).
Tôi rất thích bài thơ này, và có thể nói rằng, đây là một trong những bài lục
bát hay nhất VN.
Dài
dòng quá cũng đến lúc dừng lại. Tôi xin kết ở đây.
Chúc
mừng nhà thơ Thành Tôn, nay là thời điểm cuối tháng 8 - 2019, anh suýt soát tám
mươi, qua một trận bịnh trầm kha, anh đã khỏe lại, da thịt anh hồng hào, lời
nói sang sảng, đi đứng vững vàng, tai còn nghe rất rõ, mắt còn nhìn rất tinh tường...
Anh lại (còn) làm việc chuyên cần, là hằng ngày, đọc các Web văn nghệ, tin tức, sách, và Facebook của bạn bè, (dù anh không có Fb), nên có tin gì của anh em văn nghệ, anh đều biết...Rồi anh bỏ thời gian scan, copy hàng chục ngàn trang sách. Tất cả những số của tạp chí Thế Kỷ 21, Hợp Lưu đều do một tay anh làm, rồi chuyển cho Nguyễn Vũ bỏ lên ebooks...
Anh lại (còn) làm việc chuyên cần, là hằng ngày, đọc các Web văn nghệ, tin tức, sách, và Facebook của bạn bè, (dù anh không có Fb), nên có tin gì của anh em văn nghệ, anh đều biết...Rồi anh bỏ thời gian scan, copy hàng chục ngàn trang sách. Tất cả những số của tạp chí Thế Kỷ 21, Hợp Lưu đều do một tay anh làm, rồi chuyển cho Nguyễn Vũ bỏ lên ebooks...
Anh
cũng vì thương bạn bè, nên anh đã tự thực hiện những tác phẩm về Thơ của bạn,
như tập thơ Con Cá Lưu Vong của Đạm Thạch, Thơ Trần Văn Nam...Những bạn văn ở
xa thích đọc sách, như Lưu Vỹ Bửu ở OH, bạn văn cùng quê, anh đã scan và đóng
thành tập cuốn "Những truyện ngắn hay nhất quê hương ta (cả trên 6, 7 trăm
trang)" do Nguyễn Đông Ngạc sưu tầm và xuất bản, gởi biếu Lưu Vỹ Bửu. Huy
Tưởng tận bên Úc cũng nhận được sách do Thành Tôn thực hiện và gởi biếu. (Rất nhiều bạn văn được anh biếu sách...không
kể hết được.)
Hay
là sách của tôi, tôi nhờ anh là anh gật đầu đồng ý giúp ngay, anh scan cả
5 tác phẩm, truyện ngắn, truyện dài, thơ, của tôi lên cả hơn ngàn trang...để
đưa lên ebooks, cực thế mà anh vẫn vui vẻ làm...
Xin
anh chân cứng đá mềm, sức khỏe mãi, để vui cùng với tình bạn văn, cùng sách vở,
và cùng với gia đình anh, vợ, con, cháu anh...
Xin
nói thêm chút xíu, là anh có những đứa con rất ngoan, rất hiếu thảo, nhất là có
cô con dâu rất tốt, rất thương anh. Cô con dâu thường đem đồ ăn, rượu,
bia, đến cho ba uống trong những buổi chiều. Nhiều buổi chiều, nhìn thấy anh ngồi
uống một mình, buồn, nên cô con dâu cũng xin cụng ly với ba, vài ngụm...để ba
vui.
Mong
anh sẽ còn thời gian...mười, hai mươi, ba mươi năm vui nữa, nhé anh.
TRẦN YÊN HÒA
Nguồn:
Trang VHNT Bạn Văn Nghệ, 4 tháng 9.2019