Saturday, August 31, 2019

1239. LỮ QUỲNH Hoàng hôn đuổi bóng tôi

Photo by Phạm Cao Hoàng, Fox Valley, 2017

Đoạn cuối trong bài Những Cơn Mưa Ngày Cũ, Trương Vũ có trích bốn câu thơ nổi tiếng của Giả Đảo, một nhà thơ Đường, mà anh tạm dịch nghĩa: Khách từ Hàm Dương đến trọ ở Tinh Châu đã được mười năm, ngày đêm tưởng nhớ về Hàm Dương; ngày kia ngẫu nhiên vượt sông Tang Càn, ngoảnh lại nhớ về Tinh Châu như đó mới là cố hương.(1)

Đọc đoạn này tôi ngẫm lại một trải nghiệm về quê hương của mình. Ý niệm về quê hương không cố định mà thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian mình sống. Tôi có một thời tuổi trẻ lang bạt, không vui và ngốc dại, nay đây mai đó; rồi như nhà thơ Giả Đảo, tôi đến trọ Quy Nhơn mười năm, về trọ Sài Gòn hai mươi năm; và đến lúc định cư ở Mỹ dài hơn nhiều thời gian trước. Cứ nghĩ thời gian ở nơi sau ít hơn chốn cũ, nhưng rồi ngược lại. Bây giờ mỗi lần đi xa vài tuần, ngay cả về quê cũ, vẫn nhớ nơi ở hiện tại, nhớ con đường vòng quanh, nhớ tủ sách, nhớ bàn viết cửa sổ mở ra ngọn đồi cỏ xanh; trở về ngôi nhà quen thuộc, với tâm hồn nhẹ nhõm.Những ngày mới đi làm trong một hãng điện tử, giờ nghỉ ca, thường ra đứng ở thềm hiên nhìn mây trôi trên nền trời, hay đón cơn mưa nặng hạt đầu tiên trên đất khách mà nhớ mưa dầm Huế, rồi nhớ mông lung. Để nhiều lần tự hỏi, không biết nơi đâu là chốn quê nhà.

Trương Vũ đã sống ở Mỹ hơn bốn mươi năm, hơn nửa đời người. Anh yêu vùng đất anh định cư, miền đông bắc Hoa Kỳ. Anh đã vẽ cảnh mùa thu ở đây. Cảnh nắng trên đồi,cảnh lá vàng trong rừng, cảnh thung lũng mù sương.Vùng này thỉnh thoảng có mưa, nhưng mưa ở đây không để lại trong tôi những cảm giác đặc biệt để đi xa phải nhớ. Anh chỉ nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, như mưa Nha Trang hay Sài Gòn.(2)


Hoàng hôn đuổi bóng tôi vào đêm mênh mông
Cảnh u trầm mộng mị những hồn ma vất vưởng
Tôi gọi tên người mà nghe lòng như xát muối
Lúc điểm danh con ma giơ tay rồi biến vào đại dương
Tôi gọi tiếp gọi tiếp gọi tiếp sợ oan hồn rượt đuổi
Biển đêm mênh mông mênh mông nuốt bóng tôi(3)

Trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, Trương Vũ cùng với bốn bạn đồng hành khác đã rời Việt Nam, vượt đại dương. May mắn anh đến Phi Luật Tân. Những năm tháng tiếp theo, nối bước anh, hơn một triệu đồng bào lần lượt vượt biển. Từ hai trăm đến bốn trăm ngàn người trong số đó không bao giờ đến bến bờ. Con số hai trăm ngàn người là bao nhiêu; tưởng tượng ra, kinh khủng quá. Trong những oan hồn lang thang ngoài biển khơi, có rất nhiều người thân, đồng nghiệp, bạn bè tôi. Những người cha, người mẹ, vợ chồng, em bé đã trải qua nỗi hãi hùng đau đớn bởi cướp biển, đói khát, tuyệt vọng.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày chiến tranh chấm dứt trên quê hương. Hơn ba mươi năm đã trôi qua từ lúc chiếc ghe cuối cùng của thuyền nhân Việt Nam chìm sâu trong lòng đại dương. Hồi tưởng lại thảm kịch đó để thắp một nén nhang cho những người đã khuất, để nguyện cầu sự siêu thoát cho những oan hồn trên biển Đông. Và, cũng là lúc để mỗi người Việt Nam tự chiêm nghiệm về chính mình, về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm. Quan trọng hơn hết, để thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể cần phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp. (2)

em đứng dưới tàn cây
ngoài kia trời dậy sóng
bão nổi và mưa tuôn
lòng em mùa biển động

nước mưa hòa nước mắt
gió níu cành khăn tang
em bám bờ cát lạnh
một ngày mà trăm năm.(3)

Đoạn thơ là bối cảnh tuyệt vọng của người con gái nức nở vào một buổi hoàng hôn trên bãi biển Nha Trang. Mưa bão ở thành phố biển này thật dữ dội và đẹp, cái đẹp của sự hãi hùng. Tôi nghĩ thời gian sẽ làm phai mờ hết cả, nhất là vào những tháng năm đầy xáo trộn, lo toan sau năm 1975.

Khi viết Về Lại Sorrento, Trương Vũ có so sánh Sorrento với Nha Trang. Mỗi người trong chúng ta đều có một Sorrento cho riêng mình. Với nhiều người trong chúng tôi, Nha Trang có thể cũng là một Sorrento, nhưng Nha Trang trong nghĩa này chắc không phải chỉ là biển, chỉ là thành phố. Biển thì ở đâu lại không có, và có rất nhiều bãi biển đẹp hơn. Thành phố cũng thế. Nhưng cái gì khiến mỗi lần nghe Back to Sorrento, tôi thắt ruột và nhớ đến Nha Trang? Có lẽ vì Nha Trang liên hệ chặt chẽ đến một thế giới của tuổi trẻ…Và đặc biệt đó là một thế giới mang đầy dấu vết sâu đậm từ những liên hệ con người.(2)

Người con gái trên bờ biển Nha Trang vào một hoàng hôn mưa bão năm nào, sau mấy mươi năm bặt tin, tôi mong nàng bình yên, vẫn xinh tươi,hạnh phúc như những đóa hồng trong một buổi sáng nào.

thức giấc với bình minh hoa hồng
tiếng sóng biển báo tin anh đến
lòng bao la hạnh phúc
em đếm từng bông hoa
không phải triệu đóa
mà nhiều vô cùng với em(3)

Nhưng không như điều mong ước của tôi, năm mươi năm sau, vật đổi sao dời, đúng nghĩa, thật bất ngờ tôi được tin người con gái ấy, không phải tin mừng mà là một tin buồn rất lạnh, nàng mất lúc tuổi mới ngoài hai mươi.  Biển là quê nhà đã đón em vào mênh mông.
Come Back to Sorrento, Trở Về Mái Nhà Xưa. Tôi Trở Về, hay những hồn ma trở về trong những giấc mơ tôi?

San Jose, July 3,  2019
LỮ QUỲNH

(1) Bài  thơ của Giả Đảo:
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương
(2) Trích đoạn trong Đuổi Bóng Hoàng Hôn
(3) Thơ Lữ Quỳnh