Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu...
(TCS)Trả nợ một đời không hết tình đâu...
"Bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày chiến tranh chấm dứt trên quê hương. Gần ba mươi năm đã trôi qua từ lúc những chiếc ghe cuối cùng của thuyền nhân Việt Nam chìm sâu trong lòng đại dương. Hồi tưởng lại thảm kịch đó để thắp một nén nhang cho những người đã khuất, để nguyện cầu sự siêu thoát cho những oan hồn trên biển Đông. Và, cũng là để mỗi người Việt Nam tự chiêm nghiệm về chính mình, về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm. Quan trọng hơn hết, để thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể cần phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp. Để xã hội nhân bản hơn, tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn, và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác. Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên biển Đông sau 1975 sẽ không còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa."
(Trương Vũ, Đuổi bóng hoàng hôn, tr.11)
Trang đầu tiên là những dòng quá quen thuộc từ cái tựa "Đêm đại dương" "Oceano Nox" của Victor Hugo mà không biết bao nhiêu lần trong 18 năm dạy cấp 3 và những năm đại học sau này tôi từng xúc động xót xa mỗi lần đọc giảng bài thơ dịch này trên lớp... đã mở ra một không gian đồng cảm lạ lùng cho tôi đi vào tập tiểu luận xuất bản tháng 7 năm nay từ bên kia đại dương: "Đuổi bóng hoàng hôn" của nhà văn - hoạ sĩ Trương Vũ - chân dung văn học Quán Văn số 67- vừa được "cho mượn đem về đọc trước" chiều muộn ẩm ướt chập tối nay.
Anh là ai? Tôi chưa một lần gặp mặt. Chỉ thoáng một cái tên như nhiều tên bằng hữu văn chương xa gần anh chị em Quán Văn vẫn đôi khi nhắc nhân một câu chuyện nào đó có liên quan... Nhưng những dòng kết "Đêm đại dương" của anh giữa đêm mưa Sài Gòn tôi và tôi lặng lẽ một mình, từng chữ từng chữ cứ làm lòng tôi nức nở...
Và tôi khóc.
Với tôi.
Vết thương quá đớn đau của dân tộc.
Những trang viết không chút hằn học mà lắng sâu đau đáu tưởng như người viết cũng đang cố kìm nén, điềm tĩnh vượt lên cái nức nở cõi lòng chính anh với độ nén tối đa cho tản văn gói chặt cả quá khứ hiện tại lẫn tương lai trong chưa đầy 3 trang giấy này.
Sao dân tộc mình buồn đau chất chồng tang thương uất nghẹn đến vậy? Bao nhiêu năm qua rồi, biển Đông vẫn ngày đêm hãi hùng ngập tràn nước mắt như một lời nguyền truyền kiếp...Phép giải nào cho từng mảnh đời giông bão xé tả tơi?
Có một hiện thực mà không ai có thể quên cho dù không được biết, không được nhớ tới, không muốn nhớ tới. Hiện thực là hiện thực. Người chép sử nào có thể giấu che dưới ánh mặt trời một đoạn đường tột cùng bi thảm, đau thương, tuyệt vọng của người dân Việt nếu thật sự còn chút lương tri...
Trời ơi. đó là sự thật. Tôi đọc. Tôi nghe. Tôi biết. "Đói khát, tuyệt vọng, cướp bóc, hãm hiếp, giết người, bắt cóc, chìm tàu, và vài trường hợp, phải ăn cả thịt người để tồn tại." (tr.10)
Đêm Sài Gòn yên ắng quá. Nhưng 'Đêm đại dương" của Trương Vũ sao cứ dậy sóng... Tôi khóc ngon lành như lần đọc "Tội ngu" của anh Chu Trầm Nguyên Minh trên art2all mà suốt nửa năm cuối đời trên giường bệnh giằng co cùng bệnh dữ anh cứ băn khoăn sửa đi sửa lại mỗi cái kết. Hai anh em email qua lại tranh cãi mấy bận. Thư ngày 31.12.2013 anh viết về 3 lần sửa đoạn 7 kết thúc của 'Tội ngu":
"Từ đó đến nay cũng gần nửa năm..., thú thật lòng anh nặng trĩu. Nhất là khi đọc tài liệu Vuợt Biển (nguyên văn không có dấu-hko). Họ hy sinh nhiều quá trong cuộc hành trình tìm tự do. Lòng anh như có đá đè nhiều lần viết lại rồi bỏ...cho đến khi đọc thư Em. Có cái gì trong bức thư đánh thức anh...và anh sửa - như đã sửa [em vào đọc nhé]. Điều mừng hơn là anh hạnh phúc khi sửa như vậy."
(Có thể đọc 'Tội ngu" ở đây: http://www.art2all.net/…/chutramnguyenmi…/toingu/toingu.html)
Những hy sinh mất mát không phải một ngày một buổi, một người, một đời...và những di chứng tâm lý không thể tả thành lời...
Chiến tranh. chiến tranh. chiến tranh.
Tất cả những gì bi thảm đớn đau khủng khiếp nhất trên đất nước này đều có thể đổ hết cho chiến tranh. chiến tranh. Yes. Of course.
Nhưng, đại bác đêm đêm đã thôi dội về thành phố gần nửa thế kỷ nay rồi mà đất nước tôi có bao giờ vết thương thôi mưng mủ lở loét...?
Tôi từng ngợi ca hoà bình.
Tôi từng trao đi hết tuổi thanh xuân tưởng mình có thể góp chút yêu thương nhỏ nhoi hàn gắn...
Và, tôi cũng từng nhận ra lòng mình những vụn vỡ tan hoang.
Đoạn kết tiểu luận đầu tiên trong tập "Đuổi bóng hoàng hôn" của anh Trương Vũ đẹp quá. Đẹp như một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp của người trí thức lãng mạn bậc nhất có trách nhiệm và nặng lòng với tương lai của đất nước, của dân tộc cho dù đất nước và dân tộc của anh hôm nay gần như chỉ còn là hoài niệm...
"Đi xa, tôi nhớ những cơn mưa ngày cũ. Mỗi cơn mưa tồn tại trong tâm tưởng mang theo với nó một kỷ niệm, đánh dấu từng khoảng đời. Rất nhiều kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành…” (ĐBHH, tr.14).
Đó là những cơn mưa Việt Nam. Những cơn mưa Nha Trang, Sài Gòn. Có tên đất, tên miền... Rồi 35 năm trên đất Mỹ, ngắm một dòng sông con suối...quê hương ấy vẫn trở về "tôi nhớ đến cái thành phố tôi đã sống suốt tuổi thơ" (ĐBHH, tr.117).
Giấc mơ vẫn thường khó thể trở thành hiện thực. Nhưng riêng đoạn kết mà tôi chép lại ở đầu bài viết đột xuất trong đêm khi cầm trên tay cuốn tiểu luận rất trang nhã "Đuổi bắt hoàng hôn" này đây lại là một giấc -mơ- thật -của -một- nhà- văn được "sáng tạo từ chất liệu của đời sống, bao gồm tất cả những thảm kịch" Nhưng cảm ơn nhà văn đã không dừng lại chìm đắm trong bi thương tuyệt vọng của vòng xoáy thảm kịch, hiềm khích, chia lìa đó, mà 'nhìn thẳng vào" và "tự mình tiễn đưa chúng vào với lịch sử" (tr.87), vượt lên tất cả đau thương bi đát kiếp vô thường, Trương Vũ còn hướng người đọc hôm nay đến "một cái gì mới và đẹp cho cuộc sống" (ĐBHH, ). Có lẽ vì thế mà những giấc mơ của anh mang phép mầu không thể không với được nếu mỗi người chúng ta hôm nay biết tự lắng lòng chiêm nghiệm bản thân mình, "thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể cần phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp" (ĐBHH, tr.11), để "xã hội nhân bản hơn, tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn", và con em cháu chắt tương lai của chúng ta có cơ hội sống một đời có phẩm cách"...
Sống Tự Do và Có Phẩm Cách.
Ôi, đơn giản thế thôi song có phải là quá xa xỉ xa vời với hiện thực đất nước tôi?
Không. Thật trân quý tấm lòng anh Trương Vũ. Mỗi chúng ta làm sao có thể thờ ơ, hèn yếu, tước đi cơ hội được sống Tự Do và Có Phẩm Cách ấy của trăm trứng thế hệ tuơng lai Việt Nam.
Xin thành tâm cùng một nén hương nguyện cầu an yên cho nước mắt biển Đông giải lời nguyền quá khứ đau thương...
Cánh cửa đầu tiên đi vào thế giới Trương Vũ trong "Đuổi bóng hoàng hôn" đã mở cùng tôi.
Chạnh nhớ ca từ bài hát Trịnh Công Sơn... đâu chỉ nợ lứa đôi trong cuộc đời này, mở mắt chào đời ta đã nợ trần gian...
và quê hương bao nhiêu năm nước mắt lầm than
Trả nợ ân tình sao hết tình tôi...
Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu