Câu chuyện bắt đầu với ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 12 của
cậu bé Dickie. Trước đó, bố mẹ cậu chưa hề nói tới kỳ thi này, nhưng đúng vào
ngày hôm nay, cả hai đều tỏ ra lo lắng về kỳ thi sắp diễn ra. Cậu bé hoàn toàn
không hiểu chuyện gì sắp đến, còn bố mẹ dù lo lắng vô cùng nhưng không muốn cho
con biết sự thật, mà chỉ động viên con vì tin rằng thi cử thì con mình lâu nay
vẫn giỏi.
Thực vậy, Dickie là một đứa trẻ thông minh, luôn tìm tòi
giải đáp mọi chuyện xảy ra, và ở trường, kỳ thi nào cậu cũng đạt kết quả tốt.
Thế nhưng, kỳ thi cho trẻ 12 tuổi lại hoàn toàn khác. Đây là kiểu trắc nghiệm để
xác định chỉ số thông minh ( IQ, Intelligence Quotient ). Điều lạ là trước khi
thi, trẻ phải uống dung dịch nói thật, và chỉ trả lời với máy.
Người đọc không bất ngờ với kết quả Dickie đạt chỉ số thông
minh cao, nhưng chắc chắn sẽ kinh ngạc, bàng hoàng, hoảng hốt khi biết cái kết
lạ lùng dành cho em...
Truyện của Henry Slesar là vậy. Bất ngờ, khó đoán diễn tiến,
kinh dị và,
bởi vậy, thật thú vị.
Tên thật là Henry Schlosser, sinh tại New York City, gốc
người Do thái di cư từ Ukraine sang.
Học xong bậc trung học, ông bắt đầu làm “copywriter”, tức
là nghề sao chép văn bản cho mục đích quảng cáo hoặc tiếp thị một sản phẩm, giới
thiệu một ý tưởng...
Từ năm 1955, tuy vẫn tiếp tục công việc trên, ông bắt đầu
viết truyện ngắn, chủ yếu là truyện trinh thám, hình sự, tội phạm, ly kỳ, gay cấn.
Hàng trăm truyện được gởi đăng các báo Playboy, Imaginative Tales, và Alfred
Hitchcock's Mystery Magazine.
Ngòi bút của ông bắt đầu lọt mắt xanh của nhà đạo diễn
Alfred Hitchkock, từ đó Henry Slesar bắt đầu viết kịch bản truyền hình cho chương
trình Alfred Hitchkock Presents.
Thời gian tiếp theo, ông tham gia nhiều chuyên mục truyền
hình khác nữa, như Ruby Martinson và Twilight Zone.
( Truyện ngắn Ngày thi này được chuyển thể dựng thành
phim ngắn, chiếu trong chương trình Twilight Zone. )
Năm 1960, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông ( The Gray
Flannel Shroud, Tấm vải liệm fla - nen màu xám ) được trao Giải thưởng Edgar
Allan Poe.
Những năm sau, ông tiếp tục đảm nhiệm công việc biên kịch
ở các đài phát thanh truyền hình nổi tiếng ( CBS, NBC... )
Ông qua đời năm 2002.
Nhà văn Henry Slesar (1927-2002)
Gia đình Jordan không bao giờ nói đến kỳ thi cho tới khi
con trai họ là Dickie mười hai tuổi. Đúng vào dịp sinh nhật của cậu con, bà Jordan
mới nhắc đến chuyện này trước mặt thằng bé và cái cách đầy lo lắng khi bà nói
khiến ông chồng gạt phắt ngay:
“ Quên chuyện đó đi “, ông bảo, “ nó sẽ qua thôi.”
Cả nhà đang ngồi ăn sáng, cậu bé dời mắt khỏi dĩa thức ăn,
ngước nhìn lên với vẻ tò mò. Đó là một thiếu niên có đôi mắt lanh lợi, mái tóc
vàng mượt, bộ dạng nhanh nhạy, dứt khoát. Cậu không hiểu có chuyện rắc rối bất
ngờ gì xảy ra, chỉ biết hôm nay là sinh nhật mình và mong muốn hơn hết mọi điều
đều tốt đẹp. Đâu đó trong căn hộ nhỏ bé có những gói quà bọc giấy trang trí đang chờ mở ra, và trong gian bếp
chật hẹp với vách ngăn có thứ gì ngọt ngào ấm áp sắp được cho vào lò nướng tự động.
Cậu muốn ngày này phải là ngày hạnh phúc, và đôi mắt long lanh giọt lệ của mẹ và
nét cau có trên mặt cha đã phá mất sự hân hoan chờ đón buổi sáng của cậu.
Cậu thắc mắc: “ Kỳ thi gì vậy?”
Người mẹ nhìn xuống tấm khăn trải bàn. “ Đó là một loại
trắc nghiệm về trí thông minh Nhà nước tổ chức cho trẻ em mười hai tuổi. Con sẽ
thi vào tuần tới, chẳng có gì phải lo lắng.”
“ Ý mẹ nói là một kỳ thi trắc nghiệm giống ở trường?”
“ Kiểu như vậy thôi con”, ông bố đứng dậy rời khỏi bàn nói.
“ Con đi xem truyện tranh đi, Dickie.”
Cậu bé đứng dậy, đi quanh khu vực của phòng khách vốn là góc
quen thuộc “ của cậu “ từ khi còn bé. Cậu
với tay lấy cuốn trên cùng của chồng sách, nhưng tỏ ra không hào hứng lắm với
những khung truyện màu mè với những diễn tiến nhanh chóng đó.
Cậu thơ thẩn về phía cửa sổ, buồn bã nhìn qua lớp sương mù
bên ngoài cửa kính.
“ Tại sao lại phải mưa ngày hôm nay? Sao không, mưa vào
ngày mai?”
Ông bố ngồi thụp xuống cái ghế bành xem báo nhà nước, lật
mạnh những trang báo có vẻ bực dọc.
“ Mưa thì phải mưa, thế thôi. Mưa xuống khiến cho cỏ mọc.”
“ Tại sao vậy bố?”
“ Mưa thì cỏ mọc, thế thôi.”
Dickie nhăn trán. “ Thế thì cái gì làm cho cỏ xanh?”
“ Chả ai biết được.” Ông bố gắt lên, nhưng rồi lại thấy ân
hận vì giọng nói cộc cằn của mình.
Đến chiều, cả nhà lại trở về với chuyện sinh nhật. Mẹ cậu
tươi cười rạng rỡ khi trao những gói quà màu mè vui mắt, ngay cả cha cậu cũng nở
nụ cười và đùa vui luôn mồm.
Cậu hôn mẹ và trịnh trọng bắt tay bố. Thế rồi bánh sinh
nhật được dọn ra, các nghi thức chấm dứt.
Một giờ sau, ngồi bên cửa sổ, cậu ngắm nhìn mặt trời loé sáng
qua các đám mây.
“ Bố, cậu gọi, mặt trời ở xa bao nhiêu? “
Ông bố đáp:” Năm ngàn dặm.”
Dickie đến ngồi ở bàn ăn và lại thấy mắt mẹ ngấn lệ. Cậu
không thể ngờ là mẹ khóc vì kỳ thi đó cho đến khi bố cậu đột ngột nói rõ câu
chuyện ra.
.
“ Này Dickie, ông nói giọng nghiêm trang người lớn, hôm
nay con có hẹn đấy. “
“ Con biết mà bố. Con hy vọng.”
“ Không có gì đáng lo ngại cả. Mỗi ngày có hàng ngàn trẻ em
thi trắc nghiệm này. Nhà nước muốn biết con thông minh như thế nào, Dickie à. Tất
cả chỉ có thế thôi.”
“ Ở trường con vẫn được điểm cao”, cậu ngập ngừng nói.
“ Cái này khác. Đây là một ... loại trắc nghiệm đặc biệt.
Họ cho con uống một thứ nước, con ạ, sau đó con vào một căn phòng, trong đó có một
cỗ máy.”
“ Uống thứ gì vậy?” Dickie hỏi.
“ Không có gì. Vị nó giống bạc hà. Chỉ cốt để chắc chắn
con sẽ trả lời những câu hỏi một cách trung thực. Không phải Nhà nước cho rằng
con sẽ không nói thật, nhưng chỉ cho chắc chắn thôi. “
Mặt Dickie có vẻ bối rối, thoáng một chút sợ hãi. Cậu nhìn
sang mẹ, bà cố gượng nụ cười đẫm nước mắt.
“ Mọi sự sẽ tốt đẹp thôi.”
“ Tất nhiên là thế”, ông bố đồng tình. “ Con là đứa trẻ ngoan,
Dickie ạ, con sẽ làm tốt thôi. Rồi chúng ta lại trở về nhà và ăn mừng. Được không?”
“ Vâng, thưa bố.”
Hai cha con đi vào toà nhà Hội đồng Giáo dục Nhà nước trước
giờ hẹn mười lăm phút, họ băng qua tầng nhà rộng thênh thang lát đá hoa, đi qua
một lối đi có mái vòm rồi bước vào thang máy tự động dẫn lên tầng bốn.
Một thanh niên mặc áo đồng phục không ghi cấp bậc ngồi nơi cái bàn láng bóng phía trước Phòng 404. Anh
ta cầm trong tay một bìa kẹp hồ sơ, dò trong danh sách đến vần J và cho phép
cha con ông Jordan vào phòng.
Căn phòng lạnh lẽo và nghiêm trang như phòng xử án, có những
ghế băng dài xếp hai bên những chiếc bàn bằng sắt. Đã có vài ông bố với con
trai chờ sẵn ở đó, và một phụ nữ môi mỏng dính, tóc ngắn củn đang phát những tờ
giấy.
Ông Jordan điền vào tờ giấy rồi đưa trả cho người nhân viên.
Ông nói với con: “ Sẽ không còn lâu nữa đâu. Khi họ gọi tên, con đi vào cửa thẳng
tới cuối phòng!” Ông đưa tay chỉ cánh cửa.
Một loa phóng thanh giấu kín vang lách cách, gọi cái tên đầu
tiên. Cậu thấy một đứa trai miễn cưỡng rời ra từ phía bên bố cậu rồi chậm rãi đi
về phía cánh cửa.
Lúc mười một giờ kém năm, tên Jordan được xướng lên.
“ Chúc con may mắn, con trai. “, ông bố nói, mắt không
nhìn con.
” Khi nào xong bài trắc nghiệm, bố sẽ gọi con.”
Dickie đi tới cánh cửa, vặn tay nắm. Căn phòng bên trong
tối mờ, cậu lờ mờ nhìn ra hình dáng người nhân viên mặc đồng phục xám đang chào
cậu.
“ Ngồi xuống đây!”, ông ta chỉ cái ghế đẩu cao bên cạnh bàn
giấy. “Em tên Richard Jordan?”
“ Thưa vâng ạ.”
“ Số định danh của em là 600-115. Uống cái này đi,
Richard.”
Ông lấy một cái ly nhựa từ trên bàn và đưa cho cậu. Chất
lỏng trong ly có mùi sữa, thoáng chút vị bạc hà như lời bố trấn an. Cậu uống cạn
rồi đưa trả cái ly không cho người nhân viên.
Cậu ngồi yên lặng, hơi buồn ngủ, trong khi ông ta cặm cụi
viết gì đó trên tờ giấy. Rồi ông nhìn đồng hồ, cúi xuống sát mặt Dickie. Ông lấy
từ túi áo vật gì trông giống cây bút và rọi một tia sáng nhỏ li ti vào mắt cậu
bé.
“ Được rồi, Richard,” ông nói. “Đi theo tôi.”
Ông dẫn Dickie đến cuối phòng, nơi có một cái ghế dựa duy
nhất kê đối diện một cỗ máy tính có nhiều nút đồng hồ. Nơi tay ghế trái có một
máy vi âm, khi cậu ngồi vào ghế, cậu thấy cái đầu nhọn của nó vừa sát ngay miệng
cậu.
“ Bây giờ em cứ thư giãn đi. Em sẽ nghe nhiều câu hỏi, hãy
suy nghĩ cẩn thận và trả lời vào máy ghi âm. Máy sẽ lo mọi việc còn lại.”
“ Thưa vâng ạ.”
“ Em sẽ ngồi đây một mình. Lúc nào em muốn bắt đầu, chỉ cần
nói “Sẵn sàng” vào máy.”
“ Thưa vâng.”
Ông ta bóp chặt vai cậu rồi đi ra.
Dickie nói “ Sẵn sàng “.
Đèn bật sáng trên cỗ máy, bên trong nghe có tiếng u u. Có
tiếng nói vang lên: Hãy điền thêm vào dãy số: Một, bốn, bảy, mười ...
Ông bà Jordan đang ngồi ở phòng khách, không nói năng gì,
cũng không dám phỏng đoán.
Đến gần bốn giờ nghe chuông điện thoại reo. Bà cố chạy đến
cầm máy nhưng ông chồng nhanh chân hơn.
“ Ông Jordan?”
Giọng nói vang lên: giọng nhanh, ngắn, trịnh trọng.
“ Vâng, tôi nghe.”
“ Đây là Sở Giáo dục Nhà nước. Con trai ông, Richard M.
Jordan, số định danh 600-115, đã hoàn tất kỳ thi của nhà nước. Chúng tôi lấy làm
tiếc báo tin ông biết chỉ số thông minh của con ông cao hơn quy định của Nhà nước,
theo Điều 84 khoản 5 của Luật Mới.
Bên kia phòng, người phụ nữ kêu thét lên, không biết. gì ngoài
vẻ thảng thốt bà đọc thấy trên khuôn mặt chồng.
Giọng nói tiếp tục. “ Ông có thể xác nhận qua điện thoại
là ông muốn Nhà nước lo chuyện chôn cất thi thể, hay muốn tự lo liệu lấy. Nhà nước
chôn cất thì lệ phí là mười đô la.”
THÂN
TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
từ nguyên bản tiếng Anh: