Thursday, July 25, 2019

1203. DU TỬ LÊ Trương Vũ, nhà văn nặng lòng với Văn Học Nghệ Thuật đất nước

DU TỬ LÊ
Trương Vũ, nhà văn nặng lòng
với Văn Học Nghệ Thuật đất nước

Chân dung nhà văn/họa sĩ Trương Vũ, photo by Phạm Cao Hoàng, 2016

Tôi trộm nghĩ, độc giả của nhà văn Trương Vũ ít ai ngạc nhiên khi nhận ra ông vốn nặng lòng với quê hương, nhất là ở lãnh vực văn học, nghệ thuật của đất nước. Xu hướng này thể hiện rất rõ qua nhiều trang sách ở tác phẩm “Đuổi bóng hoàng hôn”. Cụ thể những chương như “Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”; “Chiến tranh Việt Nam, văn học Việt Nam hải ngoại và phía bên kia thiên đường” hoặc “Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển văn học miền Nam sau 1954”; vân vân…

Mối quan tâm của họ Trương không chỉ giới hạn ở cõi-giới văn chương miền Nam, nơi ông lớn lên, trưởng thành, hay những năm tháng ông phải bỏ nước ra đi, mà tác giả “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” (ĐBHH) còn theo dõi sát sao những biến động của dòng văn chương miền Bắc trong 20 năm chia cắt nữa. Điều này cho thấy, trái tim, tấm lòng đau đáu với chữ, nghĩa của ông, đã vượt khỏi sự “khoanh vùng” bởi chia cắt hay, vạch phấn chính trị. Nơi bất cứ tiểu luận nào, ở lãnh vực này, cũng được họ Trương ghi nhận với tất cả trầm tĩnh, khách quan có được…

Cụ thể, trong tiểu luận tựa đề “Nhìn lại phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”, Trương Vũ viết:

“… Trong một tiểu luận tựa đề “Viết về chiến tranh” (Văn Nghệ Quân Đội, tháng 11 / 1978), Nguyễn Minh Châu đả kích tác phẩm của hầu hết những nhà văn thời kỳ đó là họ chỉ viết về ‘những hiện thực mơ ước’ chứ không phải viết về những ‘hiện thực đang tồn tại’. Tán đồng với nhận định của Nguyễn Minh Châu, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến viết bài nhan đề ‘Về một đặc điểm văn nghệ ở ta trong giai đoạn vừa qua’, trong đó ông đề nghị nên gọi nền văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam là một nền văn học nghệ thuật ‘phải đạo’, có nghĩa là ‘quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn là tính chân thật’. Cũng trong tháng đó, Nguyên Ngọc đề nghị một đề cương về sáng tác văn học trong đó ông kịch liệt đả kích chất lượng yếu kém của những tác phẩm văn học hiện đại. Đề cương này mãi chín năm sau mới được phổ biến, nhưng chỉ phổ biến một phần trên tạp chí Langbian ở Đà Lạt…” (ĐBHH, trang 22, 23)

Không nương vào những lên tiếng minh bạch của một số nhà văn trong cuộc, để đưa trình bày quan điểm của riêng mình, họ Trương chỉ tiếp tục ghi nhận phản ứng của thành phần bảo thủ, của những “dư luận viên”, theo cách nói hôm nay của những cây bút ủng hộ chế độ. Nhà văn Trương Vũ đề cập tới một bài viết trên tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật (Tháng 1/1980) của tác giả Kiều Vân:

“Kiều Vân biểu lộ một cách khá hằn học, dùng trường hợp của Lucas để ngụ ý những người này đã ‘đòi hỏi một kiểu tự do vô lối trong sáng tác đối với xã hội chủ nghĩa, tấn công một cách kiên trì vào nền văn học mang tính đảng và tính có khuynh hướng’. Thế nhưng, từ phía đông đảo nhà văn, nghệ sĩ và trí thức, có một sự yên lặng đáng ngạc nhiên, không giống như vào thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đa số đã nhẩy vào đánh hùa theo với đảng…” (ĐBHH, trang 23).

Dõi theo biến động bất ngờ, đáng kể của những nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, họ Trương ghi nhận tiếp:

“… Hai tháng sau, dưới áp lực của chính sách đổi mới ở Liên Xô và Đông Âu, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố sẽ đổi mới chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 12/1987, nghị quyết số 5 về đổi mới trong văn học và nghệ thuật được ban hành…” (ĐBHH, trang 24)

Vẫn theo ghi nhận của tác giả ĐBHH thì, khởi từ nghị quyết vừa kể mà lãnh vực phê bình, lý luận ở miền Bắc, có nhiều tác giả nổi bật như Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà… Ở lãnh vực kịch nghệ, điển ảnh, người ta thấy họ Trương nhắc đến những tên tuổi, như Lưu Quang Vũ, Tất Đạt, Trần Văn Thủy, Việt Linh. Về thơ, Trương Vũ nói, phải kể tới Nguyễn Duy, Trần Vàng Sao… 

Nhưng theo họ Trương thì những tên tuổi được dư luận ghi nhận là sôi động, sáng rỡ nhất phải là Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, v.v… 

Vẫn theo nhà văn Trương Vũ thì, Nguyễn Huy Thiệp được coi là tài năng hàng đầu của giai đoạn “cởi trói văn nghệ” này: 

Nguyễn Huy Thiệp “… nhìn xoáy vào từng điểm đen tối nhất của đời sống. Ông lôi ra ánh sáng để đùa bỡn với những khúc mắc ghê rợn của một xã hội trong đó ông sống và làm việc. Phong cách này được nhìn thấy rõ nhất trong các truyện ngắn như ‘Tướng về hưu’ và ‘Không có vua’…” (ĐBHH, trang 25)

So sánh nội dung tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương, nhà văn Trương Vũ cho rằng truyện dài “Thiên đường Mù” của Dương Thu Hương “bao phủ một không khí hoài niệm, tăm tối, sầu thảm. Cái thiên đường mà Dương Thu Hương ngụ ý ở đây chỉ là một thiên đường của những kẻ đã đánh mất nhân tính hay của những kẻ bị chà đạp, bóc lột, bị xem khinh. Một thứ thiên đường của nghèo đói, lạnh lẽo và cô đơn. Một thứ thiên đường mù lòa.

Ở phần trích dẫn tác phẩm “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương, họ Trương chọn một nhân vật trẻ, đầy tính người, Cậu Chính đại diện cho lớp người trẻ có “trí khôn ngắn ngủi”: 

“… Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không không đủ hiểu thiên đường đó ra sao và con đường nào đưa tới nó. Vì thế, khi biết công việc đó hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy. Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào… Họ là tấn thảm kịch cho chính họ, là tấn thảm kịch cho chúng ta.” (ĐBHH, trang 26)

Đề cập tới nhà thơ Nguyễn Duy, Trương Vũ viết:

“Trong một bài thơ gây nhiều phản ứng sôi nổi, Nguyễn Duy biểu lộ một thái độ khinh miệt tận cùng về việc xây dựng thần tượng mà ông coi như chẳng khác gì xào nấu các món ăn, trong bài thơ tựa đề “Nhìn từ xa… tổ quốc”:

“Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
Ợ lên thùm thủm cả tim gan”

“Và ông cũng biểu lộ sự hoài nghi về thiện chí đổi mới của Đảng qua sự hoài nghi về chính bản chất của Đảng

“Đổi mới thật chăng hay giả vờ đổi mới?
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”

“Những gì xẩy ra vài năm sau đó chứng tỏ sự hoài nghi của Nguyễn Duy quả thật có cơ sở. Đến khoảng cuối năm 1989, phong trào Văn Nghệ Phản Kháng bắt đầu gặp phản ứng mạnh từ phía nhà cầm quyền và từ phía một số văn nghệ sĩ thuộc cấp lãnh đạo chính trị, kể cả một số người lúc đầu có cảm tình với phong trào này…” (ĐBHH, trang 26, 27)

Chỉ căn cứ vào một số những trang viết của chính các tác giả xuất thân từ miền Bắc, Trương Vũ đã ghi những nét đậm nơi bài “Phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam 1986-1989” trong cuốn ĐBHH của mình.

*
Sau khi đọc hết ĐBHH, theo tôi, điều đáng kể nhất nơi nhà văn Trương Vũ vẫn là tinh thần nhân bản của ông, trước mọi biến động hay bi kịch của hai dòng văn học, nghệ thuật hải ngoại và trong nước sau tháng 4-1975. 

Tinh thần này dường là mẫu chung của đa số nhà văn, nhà thơ miền Nam trước đây.

Tinh thần ấy, với những người từng giao tiếp với họ Trương, có thể đã “đọc” được qua nụ cười đôn hậu và, ánh nhìn ân cần, thường trực xuất hiện trên gương mặt hiền hòa của ông.

DTL,

(Garden Grove, July 2019)
Nguồn: dutule.com, 24.7.2019