Saturday, July 20, 2019

1200. DU TỬ LÊ Trương Vũ: Bằng hữu, những gam màu đẹp

DU TỬ LÊ
Trương Vũ: Bằng hữu, những gam màu đẹp

Từ trái, Phan Anh Dũng và ba họa sĩ, Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Trương Vũ.
Hình chụp năm 2011. (Hình: Nguyễn Quốc Khải)

Trong phần “Phụ chú” bài viết về cố giáo sư, nhà văn Cung Giũ Nguyên (từ trần ngày 7 Tháng Giêng, 2008, ở Nha Trang, thọ gần một trăm tuổi); tác giả “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” cho biết, ông thay mặt “Trung Tâm Cung Giũ Nguyên” ở hải ngoại, đọc điếu văn người thầy cũ của mình, có đoạn:
“…Học trò thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi, hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học ‘ngoài môn học,’ hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới rộng lớn hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái không gian hạn hẹp của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó
Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học… Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi vĩnh biệt thầy:
‘Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.’
Thời gian mấy mươi năm qua, học trò thầy và cả chính thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 150, 151)
Cũng ở phần “Phụ chú,” nhà văn Trương Vũ ghi:
“…Hiện diện trong tang lễ có một thiếu phụ cầm lư nhang đi trước quan tài. Thiếu phụ này là con gái ông với nhà văn NTH, kết quả một mối tình lãng mạn và đầy sóng gió vào cuối thập niên 1950…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 150)
Họ Trương không chỉ trân trọng người thầy cũ, mà ông còn cho thấy tính ân cần, trân quý một số bằng hữu, ở những năm, tháng sau 1975 của ông, nơi quê người.
Thí dụ tình bạn giữa ông và họa sĩ Đinh Cường. Trong bài “Lá Mùa Thu,” họ Trương viết:
“Lần đầu tiên tôi gặp Đinh Cường là một buổi xế trưa đầu Hè 1974. Tôi và Lê Thành Nhơn ra phi trường Nha Trang đón Cường về nhà, chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân do Đại Học Duyên Hải tổ chức. Chúng tôi trở thành bạn thân từ đó (…)
Sau 1975, Đại Học Duyên Hải không còn nữa. Lê Thành Nhơn đi tị nạn ở Úc, sau đó tôi đi Mỹ. Hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp lại Cường, chị Tuyết Nhung và các cháu sang định cư ở Virginia. Từ đó, chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên. Tôi ngờ rằng đời sống ở Mỹ có thể tốt cho các cháu nhưng không chắc nó hợp với Đinh Cường, vốn sống nặng về nội tâm, quen gần gũi với bạn bè thân tình từ thời còn trẻ. Tuy vậy, tôi vẫn thấy được nơi Cường một thái độ nhẫn nại, thâm trầm trong cố gắng giữ cân bằng giữa đời sống một con người bằng xương, thịt phải đương đầu với những vấn đề rất thực tế của xã hội Mỹ với đời sống của một nghệ sĩ có một thế giới rất riêng tư. Một thế giới của nghệ thuật, của tình bạn, của những nơi chốn luôn gắn liền với cuộc đời mình, như Huế, như Sài Gòn, như Dran, như Bình Dương… và của hồi tưởng, nói chung. Thỉnh thoảng, tôi vẫn cảm nhận được nơi Cường ít nhiều chao đảo trong nỗ lực cân bằng đó.
Đinh Cường là một tài danh lớn của hội họa Việt Nam và là bạn hiền, bạn tốt của hầu hết họa sĩ, văn thi sĩ được biết đến, thuộc nhiều thế hệ khác nhau…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 181, 182)
Nếu không có tiết lộ của nhà văn Trương Vũ về họa sĩ Đinh Cường, có dễ ít người biết rằng, tinh thần họ Đinh có phần “chao đảo” trong những năm, tháng tị nạn ở xứ người; vì Đinh Cường là người rất kín đáo. Dường như hiếm khi ông cho bằng hữu biết những cảm nghĩ thực của ông trong giai đoạn sống xa quê hương này.
Cũng qua họ Trương, người ta biết rõ hơn, những ngày cuối cùng, trước khi từ trần của họa sĩ Đinh Cường (1939-2016):
“…Chấp nhận những đau đớn của Chemo như điều không thể tránh. Cho đến khi, cơ thể yếu hẳn dần. Lúc đó, theo dõi những bài thơ trên blog Phạm Cao Hoàng, những bài thơ được viết ra như viết nhật ký, tôi có cảm tưởng nửa khuya nào bạn tôi cũng thức dậy. Ngó qua khung cửa sổ, nhìn bóng đêm, nhìn vầng trăng. Rồi, nhìn lên kệ sách. Rồi đi tìm những cuốn sách, những bài thơ của bạn bè. Rồi viết cho người này, người nọ, cho những người còn sống, cho những người đã chết. Thi thoảng còn từ ký ức phác họa vài chân dung của bạn bè. Tôi cảm phục sức làm việc phi thường, ý chí cống hiến thanh thoát, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm nhận được nỗi cô đơn cùng cực của bạn. Nói như Đinh Trường Chinh, ‘cô đơn đi vào bóng tối.’
Chỉ trong ba năm sau cùng, Đinh Cường đã đăng 875 bài thơ cùng với một số lượng tranh tương tự, theo ghi nhận trên blog của Phạm Cao Hoàng.
…Họa sĩ Đinh Cường đã cống hiến cho hội họa Việt Nam một tài sản lớn. Nhà thơ Đinh Cường đã làm thơ rất nhiều, như một cách thể hiện cái vi tế và phong phú của đời sống, rất đặc thù.
Tôi nhớ một câu nói đâu đó, ‘nhân tài như lá mùa thu.’
Một chiếc lá mùa thu rất đẹp vừa rơi xuống!” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 184).
Về tình thân với nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả “Tháng Ba Gãy Súng,” họ Trương ghi:
“Tôi gặp Cao Xuân Huy (1947-2010) đầu tiên cách đây khoảng 40 năm, khi Huy phục vụ tại một căn cứ huấn luyện quân nhân gốc Thượng ở Pleiku. Tôi còn nhớ vóc dáng và nét mặt Huy lúc đó. Cao, gầy, phảng phất chút thư sinh, chút buồn, và ít nói.
Hơn 15 năm sau, gặp lại ở hải ngoại, Huy vẫn ít nói nhưng bề ngoài thay đổi nhiều. Phong sương, dày dạn, ngang tàng. Tác phẩm ‘Tháng Ba Gãy Súng’ đến với tôi như một bất ngờ thú vị. Cho tới lúc đó tôi vẫn chỉ nghĩ đến Huy như một người lính thứ thiệt, hơn là một nhà văn. Huy viết ít, ‘Tháng Ba Gãy Súng’ không nhiều chữ nhưng đủ để tạo cho nó một chỗ đứng riêng biệt và quan trọng trong văn học Việt Nam. Huy yêu quân đội, yêu binh chủng, yêu đồng đội vô cùng. Gần Huy ai cũng thấy rõ. Đọc ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ càng thấy rõ hơn. Thế nhưng, cũng trong ‘Tháng Ba Gãy Súng’ chúng ta thấy Huy yêu sự thật và trân trọng với ngòi bút đến như thế nào.” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 171)
Vào sâu thêm bên trong con người nhà văn của Cao Xuân Huy, Trương Vũ đã cho người đọc thấy được những nét đặc thù, như những lớp cắt tiêu biểu của Cao Xuân Huy, đời thường:
“…Những ai gần gũi với Huy đều biết Huy không hề hưởng ân sủng của may mắn nhưng lại được tình thân đặc biệt của nhiều người. Gia đình, bạn bè, đồng đội cũ (…)
Dù ít ai nghe Huy nói về vợ con nhưng những bạn bè rất thân đều biết Huy thương yêu vợ con vô cùng. Dù Huy không sống với cha mẹ từ bé nhưng Huy yêu cha mẹ cũng vô cùng. Đặc biệt là với cha. Tình cảm đó sâu đậm, mãnh liệt. Thế nhưng, những vết hằn của thân phận vẫn rõ nét trong tâm tư, khiến những biểu lộ tình cảm thường lững lờ (…) Thật ra không phải.” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 173)

Tuy được gia đình, bằng hữu rất mực thương, yêu, nhưng sự kiện ấy, vốn nằm ngoài “tiêu chí” của định mệnh. Tôi muốn nói, điều gì phải tới, cũng đã tới, dù cho người đó là tác giả “Tháng Ba Gãy Súng.”

Ghi lại những ngày, giờ cuối cùng của Cao Xuân Huy, Trương Vũ viết:

“Cách đây vài tuần, sau một chuyến đi xa về, tôi được tin Huy bệnh nặng, nặng lắm, y học bó tay rồi. Tôi liền gọi điện thoại cho Huy, chỉ nghe giọng thều thào. Tôi lặng người. Có bao giờ trong đời tôi nghe Huy thều thào. Tôi tìm cách thu xếp ngay những việc riêng cần thiết để bay về Quận Cam. Hai ngày trước khi tôi lên đường, nhận được điện thoại của Trịnh Y Thư cho biết đúng 4 giờ 53 phút chiều Thứ Sáu, 12/11/2010, Cao Xuân Huy đã từ biệt vợ con và vài bạn bè thân nhất đang ở bên cạnh, bình thản đi vào nơi vô tận…” (“Đuổi Bóng Hoàng Hôn,” trang 172, 173). (Du Tử Lê)

Nguồn: Báo Người Việt, California, 19.7.2019