Đọc
xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi
còn đương xuân, đương ở những năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và
trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng
tôi.
Trầm
mặc, bùi ngùi, thương xót, đau khổ, nhỏ lệ là một phản xạ nhân bản,
hoặc, tệ hơn, một biểu hiện bề ngoài, rất đỗi tự nhiên của con
người trước cái chết của con người. Cái tự nhiên đó dường như đã
khiến chúng ta quên mất một điều, đối với con người sự hệ trọng
nhất không phải sống hay chết mà là đã sống ra sao và được chết như
thế nào. “Đã sống ra sao” là sự nỗ lực hay thiếu nỗ lực để sống cho
xứng với tên gọi Con Người. “Được chết như thế nào” là “tử bất kỳ”,
là điều không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Nhưng tư thế của
người chết, tinh thần của người chết, bi tráng, lẫm liệt hay vật vã,
bi lụy, luôn luôn khiến những kẻ đang sống phải suy nghĩ. Một con
người có tầm vóc hiếm có, chỉ được sống một cuộc sống ngắn ngủi
so với tha nhân, đã luôn trăn trở, nỗ lực, chịu đựng trong âm thầm cho
tới tận lúc chết để bước và vươn cao hơn trên những bậc thang về cả
trí tuệ lẫn nhân phẩm, được biết một Con Người như thế trong một cuộc
đời còn nhiều ô trọc tại sao ta không hạnh phúc?
Nhưng
cuốn sách không chỉ khiến ta phải ưu tư về đời người, không chỉ làm
ta ngưỡng mộ, rung cảm về một cá nhân, một Con Người, một đồng bào
máu thịt, cuốn sách còn cho ta những cảm nhận vô cùng sống động tới
mức như được sống hoặc được sống lại với một thế hệ thanh niên của
dân tộc Việt Nam trong một không gian, một giai đoạn đặc biệt. Đó là
phần lãnh thổ phía Nam của Việt Nam trong thời hậu thuộc địa với
một chính thể phi cộng sản. Đối với những người đã từng sống trong
không gian đó, chế độ đó, cố nhiên cuốn sách sẽ làm hiện lại những
ký ức vui buồn, những kỷ niệm sôi nổi, thân thương của một thời -
thời Việt Nam Cộng Hòa.
Đối
với những người, do tuổi tác hoặc do biến cố chính trị, chưa có cái
may mắn được sống trong chế độ đó sẽ thấy cuốn sách là một tư liệu
trung thực, nghiêm cẩn để hiểu thêm, hiểu đúng về một xã hội, một
chế độ chính trị do chính người Việt Nam chúng ta đã tự tìm tòi,
xây dựng và bồi đắp hướng theo nhân bản, dân chủ đích thực bất chấp
nghịch cảnh. Cái chế độ đó, xã hội đó, đương nhiên, không hoàn hảo,
nhưng những gì, chỉ những gì được các tác giả kể lại, ghi lại một
cách đa chiều, chân thành, chừng mực, cũng cho tất cả mọi người Việt
Nam có lòng thành thật phải thấy ngay rằng rất nhiều điều quý giá,
quý giá một cách cơ bản lẽ ra chúng ta đã phải có vẫn không có.
Đối
với những người đã từng đọc nhiều về ký ức chiến tranh, về văn
chương Việt Nam đương đại qua ngả phi chính thống sẽ được gặp lại
những chứng nhân có những bút lực thâm hậu như Phan Tấn Hải, Phan
Nhật Nam, Trần Mộng Tú, Trần Hoài Thư, cùng nhiều nhân chứng lịch sử
khác. Đặc biệt, đối với một số thanh niên Việt Nam hôm nay – những người vẫn giữ được sự bén nhạy
của lương tri – có thể
thấy những gợi mở, cảm hứng, sức mạnh đặc biệt không bao giờ có
thể tìm thấy trong học đường, trong sách vở của chế độ hiện hành;
hoặc chỉ đơn giản họ sẽ có thêm nghị lực cho một vài khó khăn, lúng
túng thường có của tuổi trẻ, rồi để đến một ngày, một ngày nào
đó, sẽ cũng ra đi – chia tay cuộc đời trần thế. Đương nhiên, một
cuốn sách được thai nghén từ sự trăn trở bởi Con Người, của Con
Người, cho Con Người, và riêng tư hơn, vì sự tồn vong của một Dân Tộc
sẽ phải mang lại nhiều suy tư, hệ quả hơn rất nhiều những gì vừa
được chia sẻ.
Đó
là cuốn sách Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm
Sỹ Tuấn – Người Đi Tìm Mùa Xuân của một nhóm tác giả do Ngô Thế
Vinh chủ biên, được ra mắt vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 2019. Đối với
riêng tôi, cái nhan đề mộc mạc, bình dị này hoàn toàn tương hợp với
tinh thần, nội dung cao cả của cuốn sách và nhân vật của cuốn sách.
Sự cao cả luôn bình dị.
PHẠM
HỒNG SƠN
07/07/2019