Wednesday, July 3, 2019

1181. TRỊNH Y THƯ Cái cười

Ảnh: Google image


1.

Nhà văn Võ Phiến, trong một tùy bút viết năm 1967, tỏ ý thắc mắc tại sao trong văn học của ta lẫn tàu đều thiếu vắng tiếng cười. Ông bảo nếu dựa trên sách vở mà nói thì đó là những dân tộc không biết cười. Ông viết như sau:

“Văn học Trung Hoa từ xưa tới nay phong phú vô kể: muốn tìm trong đó thơ văn lâm ly thống thiết, không thiếu gì; muốn tìm những truyện ly kỳ quái đản, cũng không thiếu gì; thậm chí muốn tìm những cái tục tĩu (tức cái phát kiến rất mới mẻ của Âu Tây) thì tưởng Kim Bình Mai cũng cống hiến được nhiều đoạn không hổ thẹn với các danh phẩm của Lawrence, Miller… Thế nhưng bị yêu cầu xuất trình một tác phẩm hoạt kê, trào lộng cho có giá trị, chắc chắn cả ta lẫn tàu đều lúng túng.
Những nhân vật nổi tiếng của chúng ta – xuất hiện từ trang sách mà ra – dù nghèo, dù giàu, dù khôn, dù dại, dù thiện, dù ác, đều không có gì đáng cười: Lục Vân Tiên, Thúy Kiều, Thôi Oanh Oanh, Tống Giang, v.v…”

Lạ chứ! Một dân tộc không biết cười? Nhưng có thật thế không?

Giở cuốn từ điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ ra xem, tôi thấy có cả thảy 91 từ mục về cái cười: cười ầm, cười ba ngoe, cười bao biếm, cười bả lả, cười bí hiểm, cười bỡn, cười cắm cắt, cười cợt, cười chê, cười chớt nhả, cười chúm chím, cười giã lã, cười dài, cười duyên, cười đùa, cười gay, cười gằn, cười gượng, cười giả dối, cười giòn, cười ghê rợn, cười hả hả, cười hả hê, cười hắt hắt, cười hề hà, cười hề hề, cười hì hì, cười hỉnh, cười hỏm hỉnh, cười hồn nhiên, cười hùn, cười huề, cười khà, cười khan, cười khảy, cười khanh khách, cười khì, cười khinh khỉnh, cười khoái trá, cười khúc khích, cười lả lơi, cười lanh lảnh, cười lạt, cười lão, cười lẳng, cười lén, cười lỏn lẻn, cười man rợ, cười mát, cười mỉa, cười miếng chi, cười mỉm, cười mơn, cười mũi, cười múm mím, cười nụ, cười ngặt nghẹo,  cười ngất, cười ngoại giao, cười ngỏn ngoẻn, cười nghiêng ngửa, cười nhạo, cười nhoẻn, cười phì, cười quỷ quyệt, cười ra nước mắt, cười ranh mãnh, cười rặc rặc, cười rộ, cười rúc rích, cười rùm, cười ruồi, cười sặc sụa, cười sằng sặc, cười sâu sắc, cười tích toát, cười tình, cười toe toét, cười tít mắt, cười tủm tỉm, cười thầm, cười thích thú, cười thỏa mãn, cười trây, cười trời, cười vang, cười vỡ bụng, cười xã giao, cười xều xào, cười xòa, cười xộ.

Gần một trăm kiểu cười khác nhau! Không chừng từ hơn nửa thế kỷ qua có thêm nhiều kiểu cười khác mà ông Lê không biết, hoặc chưa biết, để ghi vào cuốn từ điển của ông. Một dân tộc có nhiều kiểu cười như thế thì không thể bảo là không biết cười. Thơ văn ta (và cả tàu, theo lời ông Võ) không có tiếng cười, lỗi ấy ở các nhà làm văn, làm thơ, chứ dân ta thì chắc chắn biết cười và cười nhiều là đằng khác. Trong dân gian không lúc nào thiếu tiếng cười, ngay cả ở những giây phút, tình huống thống khổ, ngặt nghèo nhất. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Các cụ ta chẳng bảo thế ư? Laughter is the best medicine. Người Tây phương cũng có một câu tục ngữ tương tự.

Trong kho tàng văn chương bình dân của ta có một số truyện cười, tuy không nhiều, như truyện Trạng Quỳnh, truyện Ba Giai Tú Xuất, với chủ đích trào lộng, châm biếm những thói hư tật xấu của vua quan hay các thành phần cường hào ác bá nhiễu lạm dân lành ở thôn quê. Có lẽ cũng có những chuyện tiếu lâm đem ra tiêu khiển những lúc thù tạc chén chú chén anh. Chính vì thế, sự hiện diện của hai nhà thơ kiệt xuất, Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương, trong văn chương Việt Nam đã đem lại cái tươi mai, hồn nhiên của bộ áo cánh nâu vải thô đơn sơ giữa rừng áo thụng lụa là nhiễu gấm trịnh trọng của dòng văn chương bác học suốt mấy thế kỷ từ Trung đại đến Cận đại.

Thế nhưng, vẫn theo lời ông Võ, thì nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương khi viết những câu thơ như “Thân em vừa trắng lại vừa tròn,” hoặc “Hòn đá xanh rì lún phún rêu,” hoặc “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không,” đâu có ý định chọc cười! Tự thân những câu thơ ấy không có giọng hài. Chúng ta cười chỉ vì đã “khám phá” ra cái hay ho, thú vị của sự liên tưởng, của ý nghĩa đằng sau ý nghĩa. Còn ông tú Vị Xuyên thì suốt đời làm thơ như uống rượu, chẳng màng để lại một thi tập nào cho hậu thế như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… và ông sinh sống ở buổi đất nước Việt Nam ít nhiều đã va chạm khá sâu sắc với văn hóa và chính trị phương Tây. Kỳ thực, thời đại của ông thường được mệnh danh là “giao thời,” một thời đại những giá trị mới cũ đan xen, pha trộn nhau đến chóng mặt, tuy những nhân tố cho một cuộc đổi thay khốc liệt vẫn còn đang lo le đâm chồi, chưa nảy nở toàn diện.

Nói chung đấy là một nền văn học thiếu vắng tiếng cười!

(Trong khi ở Tây phương cái hài ngay từ thời Cổ đại Hy Lạp đã được xem là một trong những phạm trù mỹ học cơ bản. Các triết gia từ Aristotle đến Hegel, Bergson… tuy mỗi người một ý, nhưng ai cũng xem cái hài là đặc tính vốn có của đời sống thực tại, mọi lúc mọi nơi đều đầy rẫy những cái có thể gây cười. Những nhà văn như Rabelais, Cervantes đều để lại cho nhân loại những tác phẩm văn học đầy chất hài. Ở đây cần nói thêm, cái hài trong mắt người Tây phương không phải sự pha trò mua vui, mà là tính mâu thuẫn nội tại giữa các hiện tượng tiêu cực không hoàn thiện và kinh nghiệm tích cực của nhân loại được ghi khắc ở các lý tưởng thẩm mỹ. Nói một cách nôm na, nó gay gắt phê phán cái lố bịch, giả trá của người đời, và là thứ vũ khí sắc bén dùng để công kích các thành phần thống trị trong xã hội.)

Nếu bảo chúng ta không được tiếp cận với văn hóa Tây phương sớm nên không biết cái hài nó như thế nào thì cũng không đúng nốt. Từ nhiều nghìn năm trước, ông thái sử công Tư Mã Thiên bên Trung quốc đã nói: “Đạo trời lồng lộng, to biết bao nhiêu! Lời nói bông đùa nếu hơi hợp chính đạo cũng đủ giải được những điều rắc rối.” (Sử Ký Tư Mã Thiên, Hoạt kê liệt truyện).

Vậy thì phải có lý do nào đó chúng ta né tránh cái cười trong văn chương. Nhà văn Võ Phiến nêu vấn đề và ông cho chúng ta luôn giải thích. Ông bảo: “Ta không pha trò là vì theo quan niệm văn hóa, trong bầu không khí sinh hoạt văn hóa của ta, nụ cười không tiện nở ra, không tự thấy thích hợp.”

Văn hóa ư? Một dân tộc có gần trăm kiểu cười khác nhau, liệu văn hóa ấy có thể cấm, tuyệt đối không cho cái cười chen vào được chăng? Hay văn hóa mà ông Võ nói đến là hệ quả của cái gì tàn bạo sâu kín hơn, như cái vòng kim cô bám chặt tâm thức người cầm bút Việt Nam khiến hắn không thể mở miệng buông tiếng cười sảng khoái bao giờ. Có lẽ chúng ta cứ việc đổ thừa lên ý thức hệ, từ ý thức hệ Khổng-Mạnh đến ý thức hệ Mác-Lênin. Vâng, với ý thức hệ “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình,” hoặc, ý thức hệ “văn học là hình thái phát ngôn ý thức của nhân dân, phải diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc,” thì thử hỏi ai là kẻ dám cả gan đem cái cười vào tác phẩm của mình? Xưa phong kiến, nhẹ: rơi đầu, nặng: tru di tam tộc; nay cộng sản, nhẹ: mất thẻ đảng, khốn đốn cả đời, nặng: tù cải tạo mút mùa.


2.

Sách vở y học đã nói nhiều về lợi ích sức khỏe của cái cười. Bước ra ngoài lĩnh vực y khoa, chúng ta cũng bắt gặp nhiều tư tưởng tích cực về cái cười. Bà nhà văn Annie Leclerc – một trong những nhà văn nữ thuộc phong trào Nữ quyền, người được xem là đã để lại dấu ấn khá rõ rệt lên khí hậu thời đại chúng ta đang sống – xem cười là một triết lý sống. Viết cuốn sách nhan đề Parole de femme (Thế giới đàn bà), xuất bản năm 1976, bà bảo: “… cười là một cảm giác vô cùng vui thích, một thú vị tột độ…” Cười là “hạnh phúc ngất ngây, là đỉnh cao chót vót của mọi hoan lạc. Cười vì hoan lạc, hoan lạc vì cười.” Triết lý này nhuốm màu sắc hiện sinh khi bà nói, “Kẻ đau đớn nối kết tiếng rên la của hắn với thời khắc hiện tại (hoàn toàn tách biệt với quá khứ hay vị lai), kẻ cười là kẻ không có ký ức hoặc ham muốn, bởi tiếng cười từ miệng hắn rơi vào khoảnh khắc hiện tại của thế gian và hắn chỉ cần biết có thế.”

Milan Kundera là một nhà văn khác bị cái cười ám ảnh. Nhưng cách hiểu cái cười của ông nhà văn Pháp gốc Tiệp này khác xa bà Annie Leclerc. Ông ghép “cái cười” và “sự lãng quên” thành một cặp phạm trù trái ngoe (incongruous juxtaposition, một biện pháp tu từ các nhà thơ hay sử dụng để làm bật tính hài), và ông khai triển nó đến tột điểm trong cuốn tiểu thuyết đã đưa ông lên địa vị một nhà văn quốc tế nửa sau thế kỷ XX, cuốn Tập sách của cái cười và sự lãng quên, xuất bản năm 1978. Nó là cái cười hàm súc một ý nghĩa chính trị, hiển lộ trong đoạn văn dưới đây mà tôi rất tâm đắc:

“Lần đầu tiên nghe quỷ sứ cười, thiên sứ kinh ngạc tột độ. Chuyện đó xảy ra ngay giữa bữa tiệc trong một gian phòng đông người, tiếng cười của quỷ sứ dễ lây một cách đáng sợ và nó lan từ người này sang người kia. Thiên sứ biết rất rõ cười như thế là xúc phạm đến Thượng đế và công tác thiêng liêng của hắn. Hắn biết rằng bằng cách này hay cách khác, hắn phải phản ứng nhanh chóng, kẻo không kịp, nhưng hắn cảm thấy yếu đuối và không tìm ra cách chống đỡ. Vô kế khả thi, hắn nhại theo đối phương. Hắn mở miệng phát ra tràng thanh âm đứt quãng nghe chói lói, the thé, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: ý nghĩa tiếng cười của quỷ sứ là chỉ vào tính phi lý của sự vật, ngược lại, thiên sứ thì muốn ngợi khen mọi thứ sao mà trật tự, khéo sắp đặt, tốt lành, và ý nghĩa thế.”

Đoạn văn này của Kundera có thể gây ngộ nhận tai hại nếu chúng ta không nắm rõ ý nghĩa của thuật ngữ và ẩn dụ. Trái với quan niệm thông thường vốn xem quỷ sứ là đại biểu cho cái Ác và thiên sứ là chiến sĩ của cái Thiện bên phía Thượng đế, chúng ta phải tạm thời xóa bỏ tư duy thông thường đó để hiểu theo cách ông nhà văn suy nghĩ, nghĩa là, “thiên sứ không đại biểu cho cái Thiện mà là một sáng tạo thánh hóa” và “quỷ sứ là kẻ chối từ, không chịu cấp bất cứ ý nghĩa hợp lý nào cho cái thế giới được thánh hóa tạo dựng đó.” Ở ngữ cảnh này, thế gian là một cảnh giới lưỡng cực, quyền thế được chia làm hai, một bên thiên sứ, bên kia quỷ sứ. Tuy nhiên, điều đó không ám chỉ thiên sứ ở vị thế cao hơn quỷ sứ, mà lực lượng đôi bên gần như cân bằng nhau. “Nếu thế gian có quá nhiều ý nghĩa không ai phản bác (sức mạnh của thiên sứ) thì con người sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của nó. Còn nếu thế gian mất đi tất cả mọi ý nghĩa (quỷ sứ lên ngôi) thì chúng ta cũng chẳng thể nào sống nổi.” Kundera nói thêm như vậy.

Nhưng lý do nào đã khiến quỷ sứ cười?

Quỷ sứ cười vì, vẫn theo Kundera, “ý nghĩa cố hữu của sự vật bỗng nhiên bị lấy đi, vị trí của nó trong một trật tự nào đó bị đảo lộn.”

Tôi nhớ năm học lớp 11 trung học tại quê nhà, cô giáo dạy Anh văn lớp chúng tôi hôm nào vào lớp cũng một cái áo dài trắng trên người. Cô đẹp nhưng dữ, và có tật hay đứng dựa bụng vào thành bàn trong khi giảng bài, đó là bàn đầu chỗ ngồi của thằng Thức, một học trò yêu của cô nhưng bị chúng tôi ghét thậm tệ vì cái tính kiêu mạn, phách tấu. Một hôm, cô vẫn đứng ở chỗ cô hay dựa thành bàn, và sau khi giảng hết một đoạn trong giáo trình, cô bước lên bục giảng, xoay người, hướng mặt về phía chúng tôi. Cô đứng trước lớp nói thêm điều gì đó và cả lớp đột nhiên im phăng phắc trong năm giây đồng hồ như thể đang quan sát một hiện tượng kỳ lạ, không thể tin được. Rồi, trong lúc cô đang nói, đột nhiên không ai bảo ai, tất cả gần bốn chục cái miệng cùng phá lên cười, cười ầm ĩ, cười sằng sặc, cười nghiêng ngửa, cười ra nước mắt, cười sặc sụa, cười khoái trá, cười rộ, cười ngặt nghẹo, cười ngất, cười vỡ bụng, cười như chưa bao giờ được cười. Tội nghiệp cô giáo, cô ngơ ngác không hiểu chuyện gì, nhưng như được trực giác sai khiến, cô cúi xuống nhìn tà áo dài của mình và cũng là chỗ gần bốn chục cặp mắt học trò quỷ sứ đang chằm chặp dán vào. Ngay hạ thể cô, hiện rõ trên màu áo trắng tinh một vết đỏ to bằng cái bánh dầy. Nhòe nhoẹt. Trơ trẽn. Nhơ nhuốc.

Cô rú lên một tiếng rồi ôm mặt chạy ra khỏi lớp học.

Thằng Thức bị gọi lên phòng tổng giám thị đầu tiên, những nó vô tội, thằng lấy mực đỏ bôi lên thành bàn – bàn học làm bằng gỗ tạp cũ xỉn đã ngả vàng đen, mực đỏ bôi lên không ai phát hiện được – trước giờ vào lớp là một trong nhóm những thằng phá phách nhất lớp, trong đó có tôi. Tôi nhớ hôm đó chúng tôi đã được một trận cười no say.

Vâng, chúng tôi cười vì, đúng như Kundera bảo, “ý nghĩa cố hữu của sự vật bỗng nhiên bị lấy đi, vị trí của nó trong một trật tự nào đó bị đảo lộn.”

Cùng một hiệu ứng nhân quả, chỉ khác tình huống, cái cười của lũ học trò chúng tôi thật ra vô hại (bất quá những thằng học trò quỷ sứ sau đó bị kỷ luật nhà trường trừng trị), trong khi cái cười của Kundera và những quỷ sứ đồng hành với ông đã khiến họ bị ném vào những số phận nghiệt ngã do bàn tay cai trị sắt thép của đảng cộng sản Tiệp. Cuộc “đấu cười” của trí thức văn nghệ sĩ Tiệp được Kundera miêu tả như sau:

“Thế là thiên sứ và quỷ sứ, hai bên giáp mặt nhau, hả họng thật lớn quang quác cùng một thanh âm, chỉ khác ở ý nghĩa tiếng cười mỗi bên tuyệt đối trái ngược nhau. Nhìn thiên sứ cười, quỷ sứ cười to hơn, nhiều hơn, sỗ sàng hơn, bởi thiên sứ mà cười thì hài hước không chịu nổi.”

Trong lúc dịch cuốn tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera, tôi tìm hiểu thêm về lịch sử nước Tiệp và thấy đó quả là một quốc gia đặc biệt. Dân Tiệp có một nền văn hóa rất cao. Trước khi tách ra thành hai quốc gia như hiện nay, dân số Tiệp có chừng 11 triệu nhưng kinh đô Praha từ thế kỷ XIX đã là một tụ điểm văn hóa châu Âu chẳng kém gì Paris, London hay Vienna. Bởi thế chẳng có gì ngạc nhiên cuộc cách mạng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Tiệp (thường được mệnh danh là cuộc Cách mạng Nhung vì hoàn toàn bất bạo động) là do giới trí thức văn nghệ sĩ chủ động lãnh đạo và đưa đến thành công. Cuộc Cách mạng Nhung tuy nằm trong chuỗi sụp đổ của đế quốc Xô Viết nhưng thực chất đã bắt rễ từ những hoạt động chống đối của trí thức văn nghệ sĩ từ thập kỷ 50 với lòng can trường hiếm thấy ở giới cầm bút như trường hợp thi sĩ siêu thực Zavis Kalandra bị nhà nước cộng sản tuyên án tử hình. Vụ này nổ lớn khi André Breton chính thức viết thư ngỏ can thiệp (nhưng không có kết quả và Kalandra sau đó bị treo cổ). Cao trào lên đỉnh điểm vào nửa sau thập kỷ 60 khi lãnh tụ Alexandre Dubček đưa ra những cải cách xã hội và kinh tế với khẩu hiệu “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản” nhằm “dân chủ hóa” một số thiết chế nhà nước, cải cách chế độ bầu cử, xác nhận quyền tự do hội họp và phát biểu, nới lỏng tình trạng bóp nghẹt sinh hoạt sáng tác văn nghệ, v.v… Dubček chủ trương cải cách chứ không đặt quốc gia Tiệp ra ngoài ảnh hưởng của liên bang Xô Viết, cũng không từ bỏ theo đuổi mục tiêu cộng sản, và vẫn chấp nhận nằm trong liên minh quân sự Warszawa. Mặc dù vậy Moskva đã không thể chấp nhận thái độ thách thức đó của Praha, và một ngày mùa thu năm 1968 họ xua nửa triệu quân và hàng nghìn chiến xa sang chiếm đóng xứ Tiệp, áp đặt một thể chế công an trị tàn bạo hơn bao giờ.

Đó là thời điểm sau này được lịch sử mệnh danh là Mùa Xuân Praha. Nó cũng là lúc xảy ra những trận “đấu cười” giữa thiên sứ và quỷ sứ mà Kundera nói đến. Và dĩ nhiên, với họng súng đen ngòm của nửa triệu quân chiếm đóng, quỷ sứ phải câm họng để thiên sứ làm nốt nhiệm vụ thiêng liêng của họ.

Tiếng cười của quỷ sứ tắt ngúm.


3.

Trước đó hơn thập kỷ tại Việt Nam, đúng hơn tại miền bắc Việt Nam, cũng có một vụ “đấu cười” tương tự. Đó là vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” mà sách vở báo chí đã nói đến rất nhiều, thiết tưởng tôi không nên nói gì thêm ở đây. Lấy ra từ thơ văn vài số báo Nhân Văn - Giai Phẩm và dựa vào thuật ngữ Kundera, bài viết ngắn Ông bình vôi của Phan Khôi (hàm ẩn tính hài) và bài thơ dài Nhất định thắng của thi sĩ Trần Dần (không hàm ẩn tính hài) cả hai đều là tiếng cười của quỷ sứ. Đó là một cuộc “đấu cười” ngắn ngủi bởi thiên sứ chỉ cười gằn vài tiếng rồi đem súng đạn và nhà tù ra chặn họng, không cho quỷ sứ cười nữa. Bạn đừng bao giờ yêu cầu phải có fair-play ở đây. Cuộc “đấu cười” này, nhìn từ phía ngoài, chỉ củng cố thêm tinh thần chống cộng của cánh hữu, và tuy được thổi phồng, ảnh hưởng của nó không sâu, không xa. Lúc đó trí thức thiên tả phần nhiều tảng lờ, xem nó như sự bất mãn cục bộ, chẳng có gì đáng quan ngại, chính nghĩa chống ngoại xâm cứu nước vẫn sáng ngời, họ vẫn tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng cộng sản và hy sinh cho cuộc chiến, họ chỉ thật sự tỉnh ngộ sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền nam năm 1975 với tất cả những bề trái đen tối của chủ nghĩa cộng sản phơi bày ra trước mắt họ sau đó.

Cuộc “đấu cười” lần thứ hai xảy ra sau lần đầu gần ba thập kỷ. Đó là những năm đế quốc Xô Viết đang trên đà tan rã. Năm 1986, được thúc đẩy bởi chính sách “cởi trói văn nghệ” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đảng lúc đó, một đội ngũ người viết mới xông xáo ra trận tiền với lòng phẫn nộ nung nấu bấy lâu và họ đã cống hiến nhiều tác phẩm xuất sắc bẻ ngược lại những gì Hiện thực Xã hội chủ nghĩa xưa nay “trói tay” họ. Dọn đường trước đó là những phản biện của vài trí thức già tuổi đảng như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… Nhưng phong trào chỉ thật sự bùng nổ với sự xuất hiện ồ ạt của những cây bút ở thế hệ ít tuổi đảng hơn hoặc không ở trong đảng như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp,  Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Bảo Ninh, v.v…

Xuất sắc nhất có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp. Họ đã tạo được một khí thế hào hứng khá vững mạnh vì tiếng nói của họ mới mẻ, bạo dạn, họ dám nói lên sự thật. Dư luận cả trong lẫn ngoài nước đều tốt đẹp đứng về phía họ, và trận “đấu cười” giữa thiên sứ và quỷ sứ, lần đầu tiên trong lịch sử cộng sản Việt Nam phần thắng thế dường như nghiêng về phe quỷ sứ. (Một phần có lẽ vì các thiên sứ có chỉ thị tạm ngưng cười). Thế nhưng, chỉ ba năm sau, 1989, đế quốc Xô Viết sụp đổ tan tành, ông Nguyễn Văn Linh không muốn hoặc không đủ khả năng làm một Gorbachev Việt Nam và thế là văn nghệ lại bị “trói” như cũ, thậm chí chặt hơn cũ, để giúp đảng và chế độ tồn tại.

Một lần nữa cho thấy trước bạo quyền, ngòi bút thất thế. Văn nghệ sĩ “nhập cuộc” ai nấy hăm hở ở thuở ban đầu tưởng có thể đem tài năng mình ra làm đẹp xã hội, giúp ích nhân quần, nhưng họ thường mau chóng thất chí trước bạo lực chính trị cực quyền, trước quy luật kinh tế và thậm chí trước quán tính xã hội.

Từ đó đến nay, ba mươi năm trôi qua, không thấy một trận “đấu cười” ngoạn mục như lần năm 1986 diễn ra nữa. Thiên sứ đã trở nên khôn ngoan hơn, họ không mở đấu trường thì làm sao quỷ sứ thi thố cái cười của mình được. Họ ngồi trong bóng tối cười nhưng chỉ cười khảy, khinh thị, và tung ra những đòn âm binh, âm tướng. Quỷ sứ đôi khi cũng hả họng ra cười, nhưng chỉ cười khan, và tiếng cười khản đục của họ bị át bởi tiếng còi xe inh ỏi trên đường phố, tiếng nhạc dâm dật cuồng loạn trong các vũ trường ánh đèn màu, tiếng la ó huyên náo tại các trận bóng đá. Quỷ sứ buồn bã, lầm lũi bỏ ra về. Ngồi nhà, lâu lâu hắn đưa tay lên sờ râu cười gằn một tiếng, và mặc dù chỉ là cái cười không chút trọng lượng, nó cũng bị cái hố đen huyền tẫn hút mất tăm mất tích.

Chẳng gì bi thảm hơn cho quỷ sứ khi tiếng cười của hắn không ai nghe, không ai đấu lại.


4.

Cái cười quý lắm, trong một thế giới có 33 triệu chủng loại khác nhau, con người là sinh vật duy nhất biết cười.

7/2019
  
Chú thích:

Những trích đoạn trong bài viết lấy từ cuốn tiểu thuyết Le livre du rire et de l’oubli của Milan Kundera, xb 1978.