Saturday, June 22, 2019

1171. HOÀNG NGỌC TUẤN Vài suy nghĩ về tuyển tập tiểu luận "ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN" của Trương Vũ



...
ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN là tuyển tập tiểu luận của nhà văn kiêm hoạ sĩ Trương Vũ, gồm 19 bài chọn ra từ những bài viết từ năm 1989 đến 2018. Tranh bìa của tác giả. Trình bày: Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp. Nhà xuất bản Nhân Ảnh (Hoa Kỳ) ấn hành vào tháng 5/2019.

Nhà văn kiêm hoạ sĩ Trương Vũ (tên thật là Trương Hồng Sơn) còn là một khoa học gia. Anh có bằng Cử Nhân Giáo Khoa Toán (Đại học Sài Gòn), Thạc Sĩ (MSc) về Vật Lý Hạt Nhân (Uni. of Pennsylvania), Thạc Sĩ Công Nghệ Điện (MSEE) và Tiến Sĩ Khoa Học (DSc) về Điện trong Kỹ Thuật Không Gian (George Washington Uni.). Trước 1975, anh dạy Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại Học Duyên Hải (Nha Trang). Năm 1976, anh vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ.

Anh là chuyên gia nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ 1980 cho đến khi nghỉ hưu năm 2005. Anh đã tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau, về khoa học và kỹ thuật. Đóng góp quan trọng nhất của anh thuộc về lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Anh đã đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian.

Trong cuốn ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ viết về nhiều đề tài khác nhau (giáo dục, văn chương, chính trị, quê hương, kỷ niệm…). Những bài viết của anh bao giờ cũng có tính khúc chiết và uyên bác của một nhà khoa học, hoà với cảm xúc thâm trầm của một nghệ sĩ.


Khi vừa nhận được ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, mình giở nhanh qua những trang sách để xem hình thức của cuốn sách, thì bất ngờ mình thấy ở trang 202, trong bài “Về lại Sorrento” (viết năm 2009), anh Trương Vũ có nhắc đến thầy Nguyễn Suyên (là anh ruột của mẹ mình, tức là cậu ruột của mình, và mình gọi là "cậu Dư"). Thế là mình dừng lại để đọc trang ấy. Anh Trương Vũ viết:

{{… Bài “J’accuse” tôi không học từ thầy Nhơn mà học từ thầy Nguyễn Suyên, một thầy dạy Văn rất giỏi về Đường thi. Thầy dạy bài này vào một thời gian ngắn thầy tạm phụ trách môn Lịch sử Thế giới thay người khác. Trong một chuyến về Houston cách đây hai năm, tôi đi ăn tối với vợ chồng Nguyễn Tấn Hường, một bạn thân, cùng với một một số bạn khác. Trong buổi tối đó chúng tôi có nhắc đến thầy Suyên. Hường là học trò giỏi của thầy, có kể lại một kỷ niệm. Khi chúng tôi còn học ở Sài Gòn, thầy Suyên mất. Hè năm đó, khi về lại Nha Trang, tôi và các bạn Hường, Phê, Thái có đến thăm mộ thầy, ở bên kia cầu Hà Ra. Đứng trước mộ, Hường bắt chước giọng ngâm của thầy, ngâm bốn câu đầu trong “Binh Xa Hành” của Đỗ Phủ:

Xa lân lân, mã tiêu tiêu,
Hành nhân cung tiễn các tại yêu.
Gia nương thê tử tẩu tương tống,
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều.

Nghe Hường kể lại kỷ niệm này, tôi giật mình. Tôi nhớ, thầy Suyên thường ngâm bốn câu này trong lớp, bằng cách ngâm theo giọng Bình Định rất đặc biệt của thầy. Về văn, tôi là một học trò loại trung bình và khá lười biếng nên ít khi thuộc thơ. Tuy nhiên, bốn câu đó tôi thuộc và thỉnh thoảng đọc lên mà thật sự không nhớ mình học được từ đâu. Bây giờ thì tôi nhớ. Ngày nay, cái nghĩa trang nơi chôn thầy Suyên đã bị san bằng, nhà cửa xây san sát trên đó. Trong chúng tôi, không ai biết nắm xương tàn của thầy hiện nằm đâu. Cũng như, chắc không mấy ai biết ngôi mộ của thầy Nhơn nằm đâu. Nhưng tôi tin rằng những bài học của các thầy vẫn còn nằm đâu đó trong tiềm thức rất nhiều học trò cũ.}}

Đọc xong trang 202, mình chợt ngẫm nghĩ lan man: Không biết bây giờ linh hồn của cậu Dư đang ở đâu? Nếu cậu Dư biết rằng, 60 năm sau khi cậu qua đời, vẫn có những người học trò của cậu còn nhớ đến cậu, còn kể lại kỷ niệm ngày xưa vào trang sách, thì chắc cậu rất vui lòng...

Nguồn: Facebook Hoàng Ngọc Tuấn