Sunday, June 2, 2019

1148. DU TỬ LÊ Trịnh Y Thư, thơ ở quảng trường Siêu thực,

DU TỬ LÊ

Trịnh Y Thư, thơ ở quảng trường Siêu thực,



Trường phái Siêu thực xuất hiện trong sinh hoạt thi ca và hội họa, đã có hàng trăm năm trước. Nó khởi đầu từ thủ đô Paris, Pháp quốc. Tới nay, trong Bách Khoa Toàn Thư, Wikipedia – Mở vẫn còn ghi nhận sự thành hình của trường phái này:

“Trường phái Siêu thực (Surrealism) là khuynh hướng nghệ thuật bắt nguồn từ chủ nghĩa Tượng trưng và Phân tâm học, đặt phi lý tính lên trên lý tính. Theo chủ trương, khuynh hướng nầy nhằm giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, lôgic, luân lý, mỹ học, kinh tế, tôn giáo. Những sáng tác phẩm của những nghệ sĩ Siêu thực ghi chép tất cả những trạng thái tâm lý luôn luôn chuyển biến trong tiềm thức, không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai.”

“Với trường phái hội họa, những chủ thể rất bình dị được đặt trong một phông màn hoặc bí ẩn, hoặc hùng vĩ, khiến cho bức tranh mang một sức sống mới, ý nghĩa mới, như tồn tại trong mơ cùng những sự vật hiện thực trong trạng thái không thực. (Theo Bách Khoa Từ Điển Triết Học.)”

Ở Việt Nam, người sớm nhất bước vào trường phái thơ Siêu thực là cố thi sĩ Bích Khê / Lê Quang Lương (1916-1946) với thi phẩm Tinh Huyết xuất bản năm 1939.

Người viết tựa cho thi phẩm này là cố thi sĩ Hàn Mặc Tử / Nguyễn Trọng Trí (1912-1940), với lời ngợi ca không thể nồng nhiệt hơn. Mặc dù trước đấy, có một giai thoại rất nghĩa trong tình bạn của hai nhà thơ, đã được ghi lại rằng:

Trước khi có thi phẩm Tinh Huyết, Bích Khê đã gửi rất nhiều thơ cho Hàn Mặc Tử, nhưng bị bạn trả lại, với lời chê bai rất nặng… Bị chạm tự ái, Bích Khê tuyên bố “Trong vòng 6 tháng, nếu không trở thành một nhà thơ phi thường, ông sẽ bỏ làm thơ…” Và, chỉ trong vòng ba tháng thôi, Tinh Huyết ra đời. Tạo thành cơn “bão thi ca” lớn (Nđd).

Trong lời tựa cho thi phẩm Tinh Huyết, khi được Bích Khê yêu cầu, Hàn Mặc Tử viết: “… Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc... Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự ‘Đau khổ’”.

Kế tiếp, theo hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân, trong tác phẩm Thi Nhân Việt Nam cũng ghi nhận rằng: “… Bích Khê là người có những  câu thơ hay nhất Việt Nam, như:

Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông…

Hay:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương...

Nhưng liền sau đó hai tác giả này lại thú nhận:

… Tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân. Tôi thấy trong đó những câu thơ thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa... Còn các bài khác hoặc chưa xem hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc... (Nđd)

Mặc dù hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân từng nhấn mạnh rằng, “… Bích Khê là người có những câu thơ hay nhất Việt Namvì tác giả Tinh Huyết chọn hiến mình cho thể loại thơ Siêu thực, là thể thơ xóa bỏ những “biên cương” mà các thể cũ như Lãng mạn, Tượng trưng, hoặc Thi sơn… nhưng không vì thế mà lịch sử thi ca Việt Nam, ghi nhận được nhiều thi sĩ tìm vào thể loại thơ này.

Ghi nhận chung, cho thấy sự hiến cho trường phái thơ Siêu thực là một khó khăn, thử thách lớn. Cụ thể là phải nỗ lực “phi lý trí”. Do đấy, nó đòi hỏi nơi nhà thơ một bản lãnh hơn người và, một óc tưởng tượng không chỉ phong phú mà, hoàn toàn khác biệt. Mọi non tay, thiếu tự tin, đều bị loại khỏi trường phái thơ Siêu thực.

Tuy nhiên, gần đây, ở hải ngoại, những người yêu thơ đã được chào đón thi phẩm mới nhất của nhà thơ và cũng là một dịch giả tên tuổi, Trịnh Y Thư, với thi phẩm Phế tích của ảo ảnh. Khi chọn tựa sách này, chung cho cả tuyển tập thơ của mình, họ Trịnh đã dứt khoát cho thấy cõi-giới thi ca của ông mang tính siêu thực hoàn toàn. Nó không hề là sự tổng hợp hay còn dựa dẫm, liên hệ gần, xa tới thể loại thơ Tượng trưng, như định nghĩa căn bản về thể loại thơ Siêu thực ở trên.

Ngay phần thứ nhất, trong ba phần của Phế tích của ảo ảnh cũng đã chọn tiêu đề Phế tích của ảo ảnh để khẳng định bản lãnh của họ Trịnh với những câu thơ mới, lạ, gần như chưa hề có trong chiều dài thi ca Việt Nam, như:
                                                                                                                                                                       ban mai hừng rỡ như mang dấu ấn của tội đồ
phát vãng từ thần kỳ huyền sử.

Hay:

nỉ non bờ giậu ao chuôm duềnh dọc
hay róc rách con trổ vắt ngang
(trang 11)

Ngoài hình ảnh, ẩn dụ, liên tưởng như những cú đánh thình lình, bất ngờ, thẳng vào não bộ người đọc, Trịnh Y Thư còn đem vào thơ ông hai từ ghép rất mới là: “hừng rỡ” – Chiết tự 2 tính từ này, chúng ta có: “hừng” bởi từ kép “hừng hực” và “rỡ” bởi từ kép “rạng rỡ” trong ngôn ngữ Việt.

Thi phẩm Phế tích của ảo ảnh không chỉ có hai từ ghép vừa kể mà, chúng đã xuất hiện khá nhiều trong thơ của ông. Vì thế, tôi cho chiết tự là bước đi cần thiết để chia sẻ những cảm nhận, rung động rất mới, lạ trong thơ của tác giả này.

Ngay ở trang thơ kế tiếp của Phế tích của ảo ảnh, Trịnh Y Thư đã mang đến cho người hai câu thơ đẹp, phản ảnh thực trạng chiến tranh, đang đưa nhân loại tới vực thẳm:

như thứ ngôn ngữ chiến tranh
đóng đinh vào tận thế
(trang 12)

Và:

Chỉ còn sự cô độc
ôi tôi yêu nó biết bao
vang váng một linh hồn cô độc

(Ở câu thơ trên, người đọc lại được gặp hai tính từ kép là: vang = chỉ sức dội; váng = chỉ lớp màng mỏng trên mặt nước).

Rồi:

Nơi tôi đứng chiều nay
những mái nhà nâu
những chiếc cầu lung linh bóng nước
sẽ tan biến cả và còn lại
chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi
(trang 13)

Và, nhiều câu thơ sau đó, theo tôi, chúng đã được tác giả cố tình cho chúng gánh trên vai những hình ảnh mang ẩn dụ lạ lẫm:

Chiều đã xuống quảng trường nhức nhối lói
(trang 15)

(Ở câu thơ này, tác giả dùng cùng một lúc hai tính từ là “nhức nhối” và “lói”. Diễn giải một cách đơn giản thì đó là “sự nhức nhối lở, lói” – Hay “nhức nhối khủng khiếp tới mức lở lói [?])

Họ Trịnh nhấn mạnh thêm:

Vẫn biết sự thật là tiếng vọng thiên thu
 nhưng hãy cho tôi hòa giải
bởi cuộc chiến với ký ức
là cuộc chiến với sự lãng quên
.
Ký ức như mộ phần người chết
hãy để nó vĩnh viễn nằm dưới đáy ngục sâu
đào lên chỉ thấy toàn hồn ma và xương xẩu kinh người
(trang 16)

Thi ca như tình yêu, nếu cảm nhận được bởi trái tim (vì tất cả sự phi lý của nó), chứ không phải từ bộ óc, chúng ta sẽ nhận được nhiều thú vị hay hoan lạc tinh thần từ cõi giới siêu thực mà họ Trịnh đã trân trọng mang lại cho người đọc.

*

Trong một tham luận công phu, sâu sắc về trường phái thơ Siêu thực của Tiến sĩ Đào Duy Hiệp, nơi tiểu đề Hình ảnh trong thơ Siêu thực, họ Đào đã đề cập tới 3 đặc tính của thơ Siêu thực, như thể đó là 3 yếu tính căn bản của thể thơ này, như sau:

Trong Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Siêu thực (1924), André Bréton (1896-1966) đã coi Pierre Reverdy (1889-1960) là người đã đặt ra tiêu chí về hình ảnh, ưu tiên cho cái đột nhiên của cảm hứng chống lại định hướng mang tính phương pháp của suy tưởng. Reverdy đã định nghĩa về hình ảnh trong tạp chí Bắc-Nam của mình như sau: ‘Hình ảnh là một sáng tạo thuần túy tâm linh. Nó không thể sinh ra từ so sánh, mà từ sự sáp vào nhau của hai thực tại ít hay nhiều xa nhau. Những quan hệ của hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng, thì hình ảnh sẽ càng mạnh mẽ – nó sẽ càng có sức mạnh xúc cảm và sức mạnh về thực tại thơ...’

1./ Thơ Siêu thực được sinh ra từ hai phát hiện lớn: cái viết tự động và hình ảnh. Khi thơ thiếu vắng vần luật thì hình ảnh quyết định cho bài thơ. Hình ảnh trong thơ Siêu thực là ‘những va đập chói lòa của từ ngữ’ (J. Vaché) thường mang tính chất mộng mị, chiêm bao (onirique). Các nhà thơ Siêu thực đều là những người xây dựng hình ảnh lạ và bất ngờ. Trong cuốn Chủ Nghĩa Siêu Thực (Robert Bréchon) đã thấy có ba cấp độ xây dựng hình ảnh cơ bản của Siêu thực:

A/ Từ “như” (comme) so sánh.
B/ (Cũng vẫn là liên tự “như”):

– Những chủ nhật đã đi qua như rắn nước đang đi qua (Leiris)
– Những bông hoa này của núi rừng đã vàng đi như những giọt lệ của chúng ta (Shéhadé)
– Bão tố của mùa màng tốt tươi như bàn tay không ngón (Eluard) …

Mấy thí dụ vừa kể trên của tác giả Đào Duy Hiệp cho thấy liên tự “như”, theo phân tích của ông, có tính đơn giản và phổ cập quát, thường thấy, ngay trong ca dao cũng có: “Thân em như hạt mưa sa...”

Tuy nhiên, vế B của Siêu thực thường gây sửng sốt, “chói lòa”, bất ngờ, bởi tính chất mộng mị, “siêu thực” của nó.

2./ Cấp độ thứ hai, thay vì được kết hợp bởi liên từ “như” (hoặc từ tương đương) thì A và B lại được đặt cạnh nhau:

Cây đậu tía áo dài hun khói
Cây dương địa hoàng pha lê mịn
Cây hoa đinh những đôi môi sản sinh
Em duy nhất và anh nghe thấy cỏ từ tiếng em cười (Eluard)

“Cỏ” và “tiếng em cười” là hai “thực tại” xa nhau được sáp nhập vào nhau cho tri giác về âm thanh vang lên của tiếng cười vui vẻ với cái nhìn đồng cỏ xanh rờn đã trở thành biểu tượng cho sự trẻ trung đầy hi vọng. Tại đây làm thay cả nhiệm vụ của mắt: “nghe thấy cỏ”.

Malcolm de Chazal làm ra những câu thơ giống như những châm ngôn ngây thơ qua hệ từ (copule) – sử dụng động từ “là” để nối A với B:

Những thung lũng là những chiếc nịt vú của gió
Hoa hồng, đó chính là những chiếc răng sữa của mặt trời.
Màu sắc là cái xỏ giày của mắt

Những hình thái này, theo Bréchon, là trung gian giữa so sánh và ẩn dụ: một lối so sánh cụt (comparaison tronquée) thông qua cú pháp mà một trong hai vế làm chức năng xác định đã trở thành thuộc ngữ.

Ngoài ra, các nhà Siêu thực còn tạo cho giới từ de một quan hệ so sánh gần như đặc biệt. Do phải chuyển dịch sang ngôn ngữ của chúng ta, nên vị trí của giới từ de theo nghĩa quan hệ so sánh mà các nhà Siêu thực ước định, tôi để gạch chéo để chúng ta thấy được sự phân cách giữa A và B:

Đôi mắt vợ tôi / đồng cỏ lớn
Đôi mắt vợ tôi / nước uống trong tù
Đôi mắt vợ tôi / cây luôn dưới lưỡi rìu
Đôi mắt / mực nước mực không khí đất đai và lửa (Bréton) …

3./ Bréchon cho rằng còn một loại so sánh thứ ba rất đặc thù của Siêu thực: đó là ẩn dụ cụt (métaphore tronquée), nghĩa là không còn sự đặt gần nhau của hai phần được so sánh nữa mà là sự thay thế từ vế này sang vế kia. Đây là loại hình ảnh được kết hợp phức tạp nhất của Siêu thực. Ví dụ hai câu thơ của Bréton sau đây rất hay được dẫn:

Trên cây cầu, vào cùng một giờ
Cũng vậy hạt sương trên đầu con mèo cái đang tự dối mình

Rõ ràng ở đây không thể biết được chắc chắn những vế nào dùng để so sánh. “Hạt sương” gợi nhắc đến “mèo cái” hay ngược lại? Sự sáp lại gần nhau của hai “thực tại” trên không mang chức năng gợi ý đến sự tương đồng giữa chúng mà lại giống như một thực thể siêu nhiên. Ta thấy những ví dụ 2. ở bên trên ít ra là còn có mối dây liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó, nhưng ở đây rất khó “nối” chúng lại với nhau.

Tác giả nhấn mạnh rằng sự so sánh “như” trong thơ Siêu thực luôn phải đạt được vài đòi hỏi như “...gây sửng sốt, chói lòa, bất ngờ, bởi tính chất mộng mị, ‘Siêu thực’ của nó”. (Nđd)

Nhiều độc giả sau khi đọc trích dẫn trên, trong bài của TS Đào Duy Hiệp, cho rằng liên tự như không hẳn là đặc thù riêng của trường phái thơ Siêu thực, mặc dù tác giả đã nhấn mạnh: So sánh đó, phải đạt được mấy đòi hỏi như: “bất ngờ”, tính “mộng mị siêu thực”… mà nó là một trong vài chìa khóa căn bản của bất cứ thể thơ nào. Thí dụ mấy câu thơ sau đây của cố thi sĩ Nguyên Sa, không thể nói là thiếu tính bất ngờ hay “mộng mị”, mặc dù thơ ông không thuộc khuynh hướng Siêu thực:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm / như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Và, hai câu thơ kế tiếp của Nguyên Sa cũng mang tính ẩn dụ:

Đôi mắt cá ươn sắp sửa se mình / Để anh giận sao không là nước biển (Trích “Nga”)

Về cái mà tác giả Đào Duy Hiệp đề cập tới tính “nghe” không chỉ bằng thính giác mà còn bằng thị giác, một số độc giả đã liên tưởng tới 4 câu thơ của Huy Cận, trong bài “Buồn đêm mưa”.
Câu thơ đầu tiên trong bài thơ vừa kể, rõ ràng là vai trò của thính giác thuần túy:

Tai nương nước giọt mái nhà

Nhưng 4 câu kế tiếp thì nó lại vượt khỏi phạm trù của thính giác để chuyển sang cảm nhận của tâm hồn và thị giác:

Nghe trời nằng nặng / Nghe ta buồn buồn /
Nghe đi rời rạc trong hồn /
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

Cũng thế, khi tác giả Đào Duy Hiệp đề cập tới yếu tính “ẩn dụ cụt” thì ẩn dụ dù cụt hay không, vẫn là yếu tính của mọi thể thơ cũ hay mới, theo một số độc giả.

Vẫn lấy thí dụ thơ Nguyên Sa (vì tính phổ biến sâu rộng) của nó:

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao /
Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào…
(Trích “Bây giờ” của Nguyên Sa”)



Trở lại với Phế tích của ảo ảnh, thơ Trịnh Y Thư, trong suốt trên dưới 150 trang thơ, ở bất cứ khổ thơ ngắn dài nào của thi phẩm này, người đọc cũng gặp được rất nhiều những yếu tính của trường phái thơ Siêu thực; tới độ, không ít người đã phải thốt lên rằng thơ họ Trịnh có nhiều bài khó hiểu?!?

Tôi vẫn nghĩ, thi ca như tình yêu, cần phải được cảm bằng trái tim chứ không hoàn toàn bằng bộ óc. Việc phân tích những ẩn ngữ, hình ảnh tương tác gần, xa trong một bài thơ là công việc của nhà phê bình – tựa như chúng ta đứng trước một bức tranh. Cảm nhận của người xem tranh là sự mách bảo chính xác nhất, dẫn người thưởng ngoạn tới kết luận đẹp / xấu, hay / dở, chứ không phải là sự phân tích bức tranh từ kỹ thuật, đường nét, tới màu sắc.

Nếu chấp nhận được quan niệm ghi trên thì chúng ta sẽ có được khá nhiều thích thú bất ngờ, khi đọc thơ Trịnh Y Thư – nhất là khi đi tới những dòng chữ cuối mỗi bài thơ của ông:

Bởi tôi không thể dừng lại nơi đây
để đợi chờ Thượng đế
như ba lão già ngớ ngẩn ấy (…)
.
Hãy phó thác linh hồn
vào những đốm lửa vô âm
để biết mình vẫn sống
(Trích “Em hãy cùng tôi”)
.
Trong giấc mơ những năm tháng lưu đày
tôi nhận ra nỗi đau tủi nhục
của kẻ sống trọn kiếp trong bóng đêm
(Trích “Có chốn nào cho ta”)
.
Tôi muốn mặc cả với đêm yên
hãy cho tôi đầu thai
làm hòn cuội
nằm yên dưới lòng suối này
đến thiên thu
(Trích “Đêm Yên”)

Tôi mặc cả với thiên nhiên
cho tôi chén đắng
nhưng đừng bao giờ
có một ngày như buổi sáng hôm nay
(Trích “Buổi sáng hồi tỉnh trong lúc mưa”)

Tôi muốn cười vào mặt thần chết
có gì đâu ngoài cái vuốt vô biên
thân lạnh trở về ấm cũng về
ngoảnh mặt nhìn từ vô hạn
không bóng người lai vãng
(Trích “Tôi muốn cười vào mặt thần chết.”)

Nói cách khác, thơ Siêu thực của họ Trịnh là một thứ lãng mạn mới mà, cốt lỗi là mối ràng buộc giữa con người, thiên nhiên, siêu hình… vốn ẩn tàng trong tiềm thức và những giấc mơ thoát khỏi sự trì kéo thô kệch của ý thức (mang tính chung của lý trí).

Phải chăng vì thế, họ Trịnh đã có một câu thơ mang tính định đề [2] mà tôi rất thích trong số khá nhiều câu như thế của ông:
 
Chẳng ai nhảy qua được cái bóng của chính mình

Du Tử Lê
5/2019 
 ________
Chú thích:

[1] Thi phẩm Phế tích của ảo ảnh của Trịnh Y Thư do nhà Văn Học Press ấn hành năm 2017.
[2] Theo toán học, định đề là một thứ định lý không cần phải chứng minh; vì nó đương nhiên là như thế.