TRỊNH Y THƯ
Thận Nhiên:
Những ghi chép trên tầng thứ 14
1.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp
chí văn học The Paris Review cách đây
khá lâu, nhà văn Nhật Hakuri Murakami có một phát biểu rất ý nhị, “Cái hay của
việc viết văn là bạn có thể mơ trong lúc thực sự đang tỉnh táo.” Tôi thấy điều
đó quá đúng, bởi nếu bạn không mơ mộng, không mơ ngày, không sống với không-thời-gian của tưởng tượng bay bổng
trong cõi huyền ảo, phi thực tại thì có lẽ bạn không nên chọn nghiệp văn. Đối với
những người cầm bút như Murakami, viết tức là mơ, là mộng du trong chốn phi thực.
Sự khác biệt với mộng du trong lúc ngủ là ý thức vẫn hiện hữu, mơ và thực bởi
thế hòa quyện nhau, trí tưởng tượng vượt ra ngoài kiểm soát của lí trí. Nhờ đó,
người viết không nhất thiết quan tâm nhiều đến cái giống thật, không phải bám
sát sự thật để có thể dễ dàng mạo hiểm vào những cảnh giới mới của sáng tạo. Tôi
đồ khi viết cuốn tiểu thuyết Những ghi
chép trên tầng thứ 14 [Văn Học Press xuất bản, 2019] nhà văn Thận Nhiên của
văn học Việt Nam hải ngoại cũng ở trong một tâm cảnh tương tự. Chính vì thế, mặc
dù cuốn tiểu thuyết phản ánh khá nhiều đời sống thật của tác giả ngoài đời – khiến
người đọc không ngớt thắc mắc phải chăng nhân vật chính diện ở ngôi thứ nhất ấy
chính là tác giả – nhưng thật sai lầm nếu chúng ta xem đây là cuốn tiểu thuyết tự
truyện, và càng sai lầm hơn nếu chúng ta đánh giá nó dưới góc độ hiện thực.
Ngay ở câu văn mở đầu cuốn tiểu thuyết,
“Sài Gòn là một thành phố có nhiều ma nhất
trên thế giới…” nhà văn đã ngầm báo hiệu cho chúng ta biết ngay những gì
anh viết trong cuốn sách chẳng có gì là “chân” mà phần nhiều có khả năng là “giả.”
(Nó khiến tôi liên tưởng đến câu văn mở đầu cuốn The Metamorphosis của Franz Kafka.) “Giả” ở đây không có nghĩa là fake, mặc dù chúng ta đang sống trong một
thời đại mà ngay cả tình yêu cũng fake,
không “thật” chút nào. “Giả,” hay hư cấu, hay dấn thêm bước nữa – siêu thực,
phi lí, phi thực – trong tiểu thuyết là cái gì khiến óc tưởng tượng nổ bùng như
trong giấc mơ khiến chúng ta có thể truy tìm một hay nhiều khả thể khác bên dưới
cái mặt bằng hiện thực phẳng lì, nhàm chán.
Kì thực, cái “giả” trong tiểu thuyết
khi được chiếc đũa thần của nhà văn gõ vào thì thật hơn cái “thật” ngoài đời.
Tính phi thực của tiểu thuyết nằm ở
ngôn ngữ và cấu trúc tác phẩm. Và cũng như Kafka, Thận Nhiên không hề có chủ ý viết
truyện thần kì, ma quỷ. Những vấn đề anh có tham vọng nêu ra trong cuốn tiểu
thuyết của anh – đời sống di dân, ám ảnh quá khứ, lòng khao khát muốn kiếm tìm
nguồn cội, sự cô đơn, sự thất vọng của cuộc sống nơi xứ người, tính nổi loạn của
tuổi trẻ, những va chạm văn hóa và giá trị đời sống, di sản tinh thần khốc hại từ
một cuộc nội chiến tàn bạo và dai dẳng, tình dục, tình yêu, lòng kì thị ghét bỏ
nhau của đồng loại, v.v… – tất cả đều là những chủ đề nghiêm túc của tiểu thuyết
nhằm truy xét ý nghĩa hiện tồn nào đó của kiếp người, và nơi đây chúng được
truy tìm bằng con mắt khác lạ để biết đâu từ cõi nhân gian mờ mịt ấy xuất hiện
vài tia sáng le lói chiếu xuống cái ẩn mật của nhân sinh.
Tôi đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Thận
Nhiên với cảm nghĩ và cảm nhận như thế.
2.
Mặc dù cốt truyện không là cái gì quan
trọng nhất trong tác phẩm, cuốn tiểu thuyết thuật chuyện một cậu thanh niên,
con trai một cặp vợ chồng bỏ nước ra đi sau ngày miền Nam thất thủ, sinh ra và
trưởng thành trên nước Mỹ, nhưng lại muốn sang Việt Nam sinh sống một thời gian
dài. Để làm gì thì chúng ta chỉ có thể hiểu một cách lờ mờ, vì chính bản thân “hắn”
cũng không rõ. Đi tìm một cuộc phiêu lưu đầy hứng thú với những cảm giác mới, mạnh,
lạ? Đi tìm nguồn cội của mình qua những câu chuyện nặng phần huyền thoại về tổ
tiên, dòng họ “hắn” nghe được từ cha mẹ, ông bà? Quá chán chường, thậm chí
hoang mang với cái căn cước “trái chuối” của mình, bên ngoài vàng nhưng bên
trong trắng, và muốn làm cái gì hầu phá tan mặc cảm đó? Vân vân. Có thể tất cả
những lí do đó đã là động lực cho “hắn” từ bỏ đời sống mình đang có để lần mò
sang cái mảnh đất xa xôi, nhiễu nhương, lắm chuyện, có tên gọi Việt Nam.
Thận Nhiên hiểu rõ tâm trạng khủng hoảng
căn cước của những “trái chuối.” “Hắn” và cô gái tên Cathy trong truyện là hai
“trái chuối.”
Khủng hoảng căn cước là trạng thái tâm
lí, ý thức tự thân của một con người, biểu hiện bởi tâm trạng hoang mang, lo lắng,
không biết xử trí ra sao trong mọi cảnh huống khi tâm thức hắn trở nên bất an,
mà nguyên do thông thường là sự đổi thay trong mục đích sống và vai trò xã hội.
Hắn không còn cảm thấy là một phần của cộng đồng xã hội nữa, hắn như ở thế giới
khác, kẻ đứng ngoài lề chẳng hề can dự gì vào tiến trình và an sinh của nhóm
người bên trong, hắn cảm thấy mình là kẻ bị chối bỏ, kẻ không được chấp nhận
trong ngôi nhà chung của mọi người. Hắn nghĩ thế và hắn không ngớt loay hoay
trong chiếc rọ, cuối cùng dẫn đến tình trạng hắn không còn biết mình là ai, phải
làm gì.
Thận Nhiên khi xây dựng nhân vật chính
diện trong cuốn tiểu thuyết đã dụng công tạo những tình huống từ tuổi ấu thơ của
“hắn” dẫn đến “con người hắn ngày nay.” Tình bạn thân thiết với cô gái Lucia thời
trẻ nít chẳng mấy chốc biến thành lòng ghét bỏ, cô gái xem “hắn” như kẻ bần tiện
dơ dáng, không xứng đáng đứng cùng hàng. Ý thức vong thân từ đó nhen nhúm và rồi
bùng nổ dữ dội sau những va chạm đau đớn với cuộc sống tuổi thiếu niên đang trưởng
thành trong một gia đình đổ vỡ và giữa một xã hội đầy thành kiến, kì thị.
Kẻ khủng hoảng căn cước là kẻ lúc nào
cũng muốn thoát li ra khỏi môi trường đang là của hắn, và “hắn” phải ra đi
thôi, đi bất cứ nơi đâu.
Và “hắn” đã phạm phải một sai lầm chết
người, đó là “hắn” chọn đi sang cái xứ sở mà cha mẹ ông bà “hắn” đêm ngày vọng
tưởng, nhớ thương. Bởi tại đó, “hắn” chỉ gặp toàn ma, hoặc khá lắm là người-ma.
“Hắn” nào biết trạng thái vong thân (nếu hiểu vong thân là chết, là bỏ mình trong
lúc quả tim vẫn đập) đâu chỉ xảy ra ở những nơi như nước Mỹ mà còn có thể xảy
ra tại Việt Nam, thậm chí nhiều hơn gấp bội, mặc dù những con người trên miền đất
đó đều có chung một Huyết thống và Lịch sử.
Nhìn từ góc độ nào thì đó cũng là điều
phi lí hết sức, mà nơi đây tôi thấy nhà văn Thận Nhiên đã chia sẻ cái nhìn của Kafka.
Ngay lúc đặt chân vào thế giới của ma
và người-ma , “hắn” đã bó tay bất lực, y như lúc gã nhân viên trắc địa K. đứng
trước Tòa lâu đài mà không biết làm cách
nào bước chân vào. Bởi cả hai người, K. và “hắn,” đều không thể nào hiểu nổi
quyền lực vô biên của cái thiết chế họ đang cố chui đầu vào. Nó là cái mê cung
không có bất cứ một quy luật hay định chế nào, điều nó quan tâm hàng đầu là sự
tồn tại của chính nó, và nó tuyệt đối không mảy may đếm xỉa gì đến con người,
hoặc bất cứ vật thể nào không cần thiết cho sự tồn tại của nó.
3.
Xuyên qua cuốn tiểu thuyết này, nhà văn
Thận Nhiên va chạm nhiều đến thân phận con người Việt Nam, một thảm cảnh ở cuối
thế kỉ XX khi văn minh nhân loại đã có những bước tiến bộ vượt bực chẳng những ở
bình diện khoa học, kĩ thuật mà cả tri thức, tư tưởng, học thuật. Anh viết:
Khi còn ở trong nước, thì một thằng tù
không được nhìn nhận là một con người, gã là một con thú bị khước từ và săn đuổi.
Khi ở trại tị nạn, con thú khốn khổ đó
đang trong quá trình nhận lại, ý thức lại, cái nhân phẩm mà gã ngỡ rằng đã mất,
để trở lại thành một con người.
Còn lúc này, gã đến được quốc gia chấp
nhận thân phận tị nạn của gã. Gã đang rị mọ, va vấp, học từng chút một cung
cách của đời sống văn minh, và hiểu rằng mình vẫn chưa là một con người hoàn chỉnh
trong nhận thức của đồng loại.
Nghe thật chua xót. Và nguyên do của thảm
cảnh chính là cuộc chiến tàn khốc kéo dài mà trong đó những kẻ đồng loại, đồng
hương đối xử với nhau tệ hơn ác thú. Tiểu thuyết Việt Nam trong vòng nhiều chục
năm qua hiếm khi thoát khỏi những ám ảnh về cuộc chiến, Thận Nhiên cũng thế, và
anh đã viết cực hay, mặc dù anh chỉ dành cho nó vỏn vẹn hai chương sách. Cuộc
chiến được nhìn từ mắt một cô gái trẻ, rất trẻ, mà sau này chính là mẹ “hắn.”
Tiểu thuyết gia, nhất là những cây bút bị/được soi giọi bởi “bóng ma” Hiện thực
Xã hội chủ nghĩa, khi viết về chiến tranh, phần nhiều vẫn có sự phân định “ta-địch.”
Quán tính này dù được ngụy trang khéo léo, người đọc tinh ý vẫn nhận ra. Thận Nhiên
không thế. Anh viết với tất cả lòng đau xót của một nhà văn nhìn cuộc chiến như
một tai họa khủng khiếp của dân tộc với biết bao chết chóc, đổ vỡ, điêu tàn, di
họa kéo dài đến tận ngày nay, và chưa biết bao giờ mới được hàn gắn trọn vẹn.
“Bấy
nhiêu năm chiến tranh chỉ còn lại những hình ảnh lộn xộn trong kí ức…” Anh
viết. Biết đến bao giờ? Biết đến bao giờ con người Việt Nam mới tìm lại sự bình
ổn trong tâm hồn?
4.
Điểm đáng chú ý trong văn phong nhà văn
Thận Nhiên là tính hài. Nói cho rõ hơn, tính hài ở đây tuyệt đối không phải sự pha
trò trào lộng hiểu theo nghĩa bình dân thông thường. Tuy anh có những câu văn
dí dỏm, đôi lúc như giễu cợt, nhưng tính hài ở đây là cảm xúc chủ quan về tính
phi lí của đối tượng, một đối tượng không có gì đáng cười bởi tính cách bi thảm
của nó. Đối tượng càng phi lí, tính hài càng đậm đặc. Chương “Thi sĩ” là một
thí dụ điển hình. Pha làm tình giữa “hắn” và cô gái Cathy là thí dụ khác. Phải
bật cười khi đọc, nhưng tiếng cười ở đây nghiêng hẳn về mặt tích cực. Nó khác
xa cái trào phúng mỉa mai, nhạo báng, bỉ báng, bởi bản chất của mỉa mai là châm
chọc, lăng mạ, xúc phạm một cách cay độc, cố ý gây thương tổn cho đối tượng,
trong khi hài bênh vực đối tượng bởi nó chứng tỏ sự khoan dung trước bản chất
nghịch lí của sự vật. Tính hài và tính phi thực trong tiểu thuyết hình như đi
liền với nhau như hình và bóng. (Những gì Kafka viết đều có tính hài. Những cuộc
phiêu lưu kì thú của Don Quixote đều buồn cười.) Đọc cuốn tiểu thuyết của nhà
văn Thận Nhiên, người ta dễ dàng nhận biết hai thành tố đó, một điều thú vị đặc
biệt cho người đọc.
5.
Những
ghi chép trên tầng thứ 14
là cuốn tiểu thuyết được viết theo cấu trúc phá hủy, một thủ pháp khá phổ biến ở
những nhà văn Hậu Hiện đại. Phần tự sự, trần thuật tuy không thiếu, cốt truyện có
thể xem là có, nhưng trọng lượng câu chữ trong cuốn sách nằm ở phần tư duy nội
tại và ý thức, cảm xúc tự thân nhiều hơn là một câu chuyện được kể theo văn thức
biên niên đầy kịch tính. Cách viết này cho phép tác giả “lăng ba vi bộ” giữa
suy nghiệm và trần thuật, giữa bàn luận và kể chuyện, không ngừng lại ở nơi nào
quá lâu. Cấu trúc “khối” (có thể xem mỗi chương là một “khối” tương đối độc lập)
khiến người đọc có thể hú họa giở bất kì chương nào trong sách ra đọc như một
truyện ngắn. Sự thành công của cuốn tiểu thuyết nằm ở chỗ các chương tưởng như
tách biệt ấy vẫn liền lạc với nhau bằng những chủ đề chung, và những chủ đề này
chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, quyện vào nhau, cho người đọc một cảm
nhận nhất quán và chặt chẽ.
(Kết cấu “khối” phải chăng là quy luật
mới cho văn chương thời đại Internet?
Văn chương thời nay hiếm ai viết một cuốn tiểu thuyết dài cả nghìn trang, nhẩn
nha kể lể như Chiến tranh và hòa bình
hay Những kẻ khốn khổ, mà phải “nắm cổ
người đọc, lôi đầu họ vào” như nhà văn Murakami từng phát biểu.)
Được Văn Đoàn Độc Lập trao tặng giải tiểu thuyết hay nhất năm 2018, Những ghi chép trên tầng thứ 14 của nhà
văn Thận Nhiên – một luồng gió mát trong cơn nắng khô hạn của tiểu thuyết viết
bằng tiếng Việt ở hải ngoại – là cuộc hành trình cảm xúc của một cá nhân đi tìm
kiếm tình thương và ý nghĩa nhân sinh bất kể đường biên địa lí và ngăn cách thế
hệ. Cá nhân ấy có tìm thấy điều mình mong ước không? Dĩ nhiên là không, bởi đây
là một trong vô vàn nghịch lí hết thuốc chữa của đời sống.
Thất vọng, “hắn” gào thét vào khoảng
không. Từ cửa sổ căn phòng tầng thứ 14, “hắn” ném tấm ra giường vào không trung
để nhìn ra sự cô đơn lạc lõng đến tội nghiệp của mình, bởi cuộc sống hiện đại
cho phép “hắn” đặt chân khắp nơi trên mặt hành tinh, nhưng đồng thời “hắn” cũng
chua xót nhận ra rằng không nơi chốn nào là nhà. Khi con người luôn luôn phải
chiến đấu với con quái thú ẩn sâu trong tâm hồn mình trong một cuộc chiến mười
mươi nắm phần chiến bại thì hắn chẳng còn chọn lựa nào ngoài tiếp tục cất bước
lên đường.
– Trịnh
Y Thư (5/2019)