Sunday, April 21, 2019

1089. KHUẤT ĐẨU Đọc tập truyện TRÊN ĐỒI LÀ LÔ CỐT của Lữ Kiều



Tôi gặp anh giữa lúc cả hai đang ở rất gần bến bờ của “cõi trời quên”. Cho nên, những điều cần nói, muốn nói, chỉ có thể tìm thấy trên những trang viết mà thôi.

Tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt với 14 mẩu chuyện nho nhỏ, theo cách nói của anh, là quá thật, nhưng chẳng phải hồi ký, mà cũng không phải nhật ký. Đó là những thoáng hồi niệm rất mong manh, mỏng, nhẹ và đẹp như những phiến mây nhỏ trên nền trời ký ức.

Anh có lối viết cô đọng, nên mỗi chữ mỗi câu nhỏ xuống hồn ta như những giọt sương đêm. Trong tĩnh lặng tưởng chừng có thể “nghe được tiếng cỏ mọc”, tôi đọc anh thuở bốn mươi năm cũ và bồi hồi thấy mình trẻ lại một cách đau đớn.

1.Trên đồi là lô cốt


Chắc nhiều người cũng như tôi, buổi đầu rất dị ứng với cái lô cốt. Trên đồi là cỏ mượt, là nắng tháng giêng, là tóc gió ai bay, là cánh diều tuổi nhỏ…là gì gì cũng được, nhưng là lô cốt thì nản đến nỗi hết muốn đọc. Đã mấy lần mở sách ra rồi gập sách lại.

Nhưng bạn già còn lại mấy ai, có thù ghét cái lô cốt ấy bao nhiêu, rồi cũng phải đọc. Cũng như anh, biết là bên trong ấy nóng lắm, nhưng cũng thử chui vào. Hóa ra cái lô cốt ấy là chứng tích cho một cuộc tình của tuổi mới lớn. Chàng thuở ấy, có lẽ 15, lặng lẽ yêu nàng tuổi 17. Tình yêu tinh khôi và vô nhiễm. Yêu như hạt mầm nhú lên trong đất, như cỏ mọc trong đêm. Vậy mà nàng chết đi một cách tức tưởi, chết vì lạng quạng tránh bọn con trai thô lỗ để rồi húc phải một thứ còn thô lỗ hơn, đáng ghét hơn là chiếc xe nhà binh.

Vậy là đã rõ. Những thứ không mời mà đến, hết lô cốt đến xe nhà binh, cứ lù lù xuất hiện trên đất nước Việt Nam này, dù trên nguyên tắc đã hòa bình.

Cái chết của nàng thật phi lý. Cũng như cái chết của 6 con người trong lô cốt bị giết bằng dao rựa trong đêm tối trước giờ đình chiến. Chẳng những phi lý mà còn hạ tiện, thấp hèn. Đó là cuộc ám sát. Không chỉ 6 con người đang khấp khởi chờ đợi phút giây hòa bình, mà của nhiều triệu con người vô tội và rất yêu hòa bình của cả hai miền nam, bắc.

Phi lý, đúng, nhưng không phải thứ phi lý buồn nôn của Sartre. Một phi lý khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào. Tôi, thuở ấy từng viết: ôi máu me của cuộc tương tàn/ anh em hãy chia nhau mà uống. Nhưng làm sao mà uống cho nổi khi những chén máu ấy chẳng những tanh mà còn tởm lợm vì hiểm sâu nọc độc.

Thực ra tôi đã từng là người trong cuộc nên có hơi ầm ĩ, chứ những trang viết của anh rất lặng lẽ. Trước cái chết của người con gái mà anh yêu thầm kín, anh chỉ đặt môi lên tay o, muốn nói một lời mà không tìm ra lời nói. Chính vì không tìm ra lời mà mãi đến 50 năm sau, anh hãy còn thao thức vì nàng.

Tôi vẫn thường nghĩ, những người chết tức tưởi, linh hồn của họ vẫn còn bập bềnh đâu đó. Họ không tan được trong nắng trong gió, không theo mưa rớt xuống đời, mà lay lắt trong biển trầm luân như những con sứa.

Nên, những trang viết của anh như một niềm an ủi hiển linh cho hồn sứa nọ, khi biết rằng trên bãi cát đời, có một người thực sự là đàn ông yêu nàng đến những 50 năm và còn hơn thế nữa.

2. Mưa qua thành phố

Những giọt mưa trên thành phố Sài Gòn ồn ào sao nghe thánh thót, buồn và đẹp như những giọt dương cầm. Tôi chưa từng được nghe bản Berceuse, nhưng qua những trang viết của anh tôi tin đó là một bản nhạc ngọt ngào, vì được tấu lên bởi một người thiếu phụ đẹp và buồn.

Có một điều gì đó cao thượng hơn, thắm thiết hơn là tình cảm của một đứa cháu trai đối với người thím. Bảo đó là tình yêu, cụ Đào Nguyên Phổ sẽ đánh cho gãy lưỡi. Nhưng bảo đó không phải là tình yêu thì Bùi Giáng cười mà rằng: mẫu thân ta vẫn cứ yêu/ huống gì o thím ít nhiều đơn sai. Vậy thì cứ bảo rằng cậu ta yêu người thím xinh đẹp của mình thì đã sao nào. Không phải yêu người em dâu của cha, mà là yêu vẻ đẹp kín đáo của người đàn bà đẹp trong vai người vợ của chú mình. Yêu từ lúc úp mặt vào lòng thím ngủ cho đến khi thấy thím gói tròn một cách duyên dáng trong chiếc áo mưa hai màu. Bên ngoài xám như nền trời, bên trong vàng rực như nắng chiều. Có một người thím như vậy, ta sẽ không ngạc nhiên khi biết tác giả, ngoài kịch tác gia còn là thi sĩ.

3. Đôi guốc trắng

Thuở ấy, tôi cũng từng viết: em mười bốn hay mười lăm tuổi nhẽ/môi rất hồng nhưng vẫn chửa dám hôn. Tuổi 14 hay 15 là tuổi khởi sự đẹp, tuổi của con bướm vừa thoát khỏi xác nhộng, tuổi của ngọc lan giữa đêm khuya hé nở cánh đầu. Tuổi của nhan sắc hứa hẹn đẹp dần lên của bất cứ người con gái nào. Viết về tuổi 14, 15 mong manh và tinh khiết như thế, ngòi bút của Lữ Kiều không điệu đà áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ áo nàng xanh anh mến lá sân trường như Nguyên Sa, không viết tóc em anh sẽ gọi là mây và áo em hai phần gió thổi một phần mây, không nón bài thơ, không ôm cặp vở mà chỉ viết về một đôi guốc trắng. Một đôi guốc mộc như tâm hồn mộc mạc của nàng.

Một cô bé nào đó trên bờ Cửu Long giang. Lần đầu tiên lén làm đẹp cho mình. Chỉ dám làm đẹp ở mỗi gót chân vậy mà vẫn bị chế là rất điệu. Nên cô phải đợi tới chiều tối mới dám đem guốc ra sông, rửa chân thật sạch trước khi mang vào chỉ để… đi ngủ. Bên sông nàng mơ mộng vẩn vơ như bao cô gái khác. Nàng tưởng chỉ có riêng mình một cõi với sông nước và đôi guốc. Không ngờ có người lính gọi nàng là cô bé, bảo thôi vô nhà kẻo lạnh. Và nàng mắc cỡ đi về chân không, bỏ lại đôi guốc. Truyện chỉ có vậy nhưng diễn tả  cực khéo tâm lý dễ thẹn dễ quên của lứa tuổi ô mai. Truyện ngọt như nước dừa Bến Tre, như đường phèn Quảng Ngãi. Đọc tới đâu là mát ngọt tới đó.

4. Nước mắt

Tôi rất thích những dòng mở đầu nhẹ như thơ. Ngày chị đi lấy chồng, chị khóc như mưa mùa đông. Trăng hôm ấy sáng mờ giống như mặt chị vừa mới khóc xong. Đúng là khấp như thiếu nữ vu quy nhật. Những giọt nước mắt cho dù như mưa mùa đông vẫn không làm hoen mờ khuôn mặt sáng trăng của chị. Những giọt nước mắt của hạnh phúc đang chờ đợi phía trước, ấm áp xiết bao, vui xiết bao.

Tôi không có chị để biết được thế nào là nỗi buồn của đứa em trai cảm thấy mất chị. Nhưng đọc anh, tôi biết nỗi vui nồng hậu của người con gái khi tìm được bến bờ của hạnh phúc. Cuộc sống lúc đó, cho dù là đang chiến tranh, cũng đâu đến nỗi tối tăm, là nhờ những giọt nước mắt vu quy nhật ấy.

5. Người chờ máy bay

Một phi công trinh sát quá dịu dàng, quá dễ thương. Một nữ sinh Đồng Khánh trước mặt “chú” quá vụng về, quá ngây ngô. Dù có quanh co che giấu, ai cũng biết cháu yêu chú. Không yêu sao cứ mỗi chiều thứ sáu lại thừ người đứng chờ chú bay qua sân trường. Chờ trong hờn dỗi. Và chờ trong tuyệt vọng, vì chú không bao giờ bay qua trường một lần nào nữa. Chú đã mất tích trong một phi vụ trinh sát.
Chỉ có vậy thôi mà sao câu chuyện buồn như trong phim Les dimanches de Ville d’Avray.

Cô bé đó 40 năm sau dù mặc áo cư sĩ, nhưng trong tiếng ì ầm của hàng trăm máy bay lên xuống không dứt ở phi trường Houston, cô vẫn mơ màng nghe như có tiếng động cơ rất đặc biệt của L.19.

Chiến tranh trong câu chuyện này mềm như nước, chỉ một khe nứt nhỏ của mái hồn là đã rỉ xuống rất nhiều những giọt buồn không mong đợi. Đọc xong nghe như có ai đó vừa siết nhẹ tim ta dù trái tim già nua giờ đã xơ cứng.

6. Giấc mơ của Thi

Một giấc mơ rất đơn giản. Mơ có một người bạn. Vậy mà sao khó khăn đến thế. Tám vị tiên đêm đêm với bao quyền phép vẫn không tìm được bạn cho nàng. Sau cùng, đành nhận nàng bạn, vị tiên thứ 9.
Có phải cùng em đi vượt biên là để đi tìm bạn? Cuộc hành trình không tới bến. Tác giả đọc lại truyện này đã không cầm được nước mắt. Vì đó là cháu kêu bằng cậu ruột. Còn tôi, nghe trong tiếng sóng trùng dương có tiếng kêu đắm đuối của một linh hồn cô độc.

7. Với một dòng sông

Tôi có cảm tưởng đây là một câu chuyện ẩn dụ. Ông già nọ rất già, có thể cùng thế hệ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Dòng sông nọ có thể là sông Bến Hải. Phải chăng tác giả muốn dùng hình tượng một ông già vẽ tranh để cảnh báo một cuộc tương tàn dài đến hơn 20 năm.

Dòng sông thì dữ dội với những tảng màu xanh, màu đen, màu đỏ bệt lên nhau. Còn bầu trời thì quang đãng và trong hiền như bầu trời ngày xuân. Và trên nền trời ấy, một đôi mắt đen huyền phớt chút màu trắng huyền ảo, đang đăm đăm ngó xuống dòng sông.

Đôi mắt nào vậy? Bầu trời nào vậy? Bầu trời xanh bình yên, sao tác giả gọi là vô lý? Hay cả ba đều vô lý? Những câu hỏi phóng vào tương lai như những ngọn lao. Đôi mắt chứng nhân của thời đại ấy có khác gì đôi mắt của đứa bé đang thét gào sợ hãi khi nhìn chiếc máy bay đang lao vút xuống phía mình. Lại con mắt trong phim Les Dimanches de Ville d’Avray? Đôi mắt của Caiin ám ảnh cả Âu châu. Và đôi mắt Việt Nam vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ.

8. Người con gái và chiếc lồng chim trống

Một người con gái đất phương Nam. Đẹp, phúc hậu.

Một chàng trai miền Trung di cư năm 54. Câu chuyện của họ chỉ hỏi để mà hỏi, nói để mà nói, chung quanh một chiếc lồng chim bỏ trống. Nhưng ở đây thăm thẳm nỗi cô đơn và nhung nhớ của chàng trai xa xứ không hòa hợp được với sông nước miền Nam. Chiếc lồng chim vì thế trở nên tưởng chừng như có điều gì bí mật. Phải chăng con chim của tuổi ấu thời đã bay đi mất? Hay chiếc lồng ấy đựng một linh hồn nhỏ “mang mang thiên cổ sầu”? Tâm trạng này đã thêm một lần nữa làm nhói đau những trái tim Việt nơi xứ người.

9. Con chim đen

Đây là câu chuyện lạ lùng được viết ra bởi trí lực của chàng trai 22 tuổi. Một trí lực rất hùng hậu.

Một người mẹ với đứa bé bảo là rất ác với cha (vì nói dối và không cho cha vào nhà)

Một người cha có con đau nhưng ơ hờ nghĩ ngợi đâu đâu. Cứ như con ai chứ không phải con mình. Trong khi đó, một con chim đen được ông nâng niu như báu vật.

Một đứa bé xác trẻ con mà hồn người lớn, ăn nói trịnh trọng như một nhà quý tộc.

Đứa bé nói về một đứa bạn tên Hà đêm qua đã chết. Người đàn ông cũng bảo đứa nhỏ chết rồi trong đêm qua. Nói trong nước mắt. Còn người mẹ lại bảo: bây giờ tôi đã biết một đứa bé tên Hà. Nó đã bệnh và sắp khỏi. Sau cùng, dưới nấm đất mà đứa bé bới lên xác một con chim đen hiện ra. Đó là Hà, tên của bạn nó.

Vậy là sao? Hà là đứa bé. Hà cũng là bạn đứa bé. Và Hà cũng chính là con chim đen. Đúng là phân thân, không phải hai mà đến những ba. Lại nữa, đứa trẻ nghe được tiếng cỏ mọc. Ba nó bảo khi nào con nghe được tiếng cỏ mọc thì bạn con sẽ đến. Con sẽ không còn cô đơn.

Tác giả bảo đây là lúc anh ngập chìm trong triết học cổ Đông Tây. Thảo nào như trông thấy con sâu của Kafka, con bướm của Trang Chu. Đúng là đọc chỉ để cảm chứ không thể nghị. Bất khả tư nghị.

Một truyện chứng tỏ những suy tư sâu sắc của anh về thân phận, về tuổi trẻ, về chiến tranh mà anh viết rất hay ở những truyện tiếp theo.

10 &11. Buổi mai trắng & Cho chúng ta nhìn nhau

Hai truyện cùng một bối cảnh chiến tranh miền Nam đang giữa lúc khốc liệt nhất. Và cùng một giọng văn u uất đậm chất suy tư. Những câu văn ở hai truyện này như có con mắt. Chúng lom lom nhìn ta đến nỗi rơi rụng giật mình.

Những người trẻ tuổi chưa uống được cốc rượu nồng say của cuộc đời đã bị ném một cách không thương tiếc vào cuộc chiến. Cho dù có cầm súng hay cầm phấn thì cũng tan tác mỗi người một ngả. Họ gặp nhau trong men rượu đắng chát, trong dục tình bải hoải, nhạt nhòa. Gặp nhau không tiếng cười.  Gặp nhau để thấy ngày mai là ngút trời bủa vây tuyệt vọng. Trong đêm đen và buổi mai trắng, họ ngật ngừ bềnh bồng để rồi một ai đó yên lặng đứng lên kề súng vào đầu bóp cò. Cái chết của họ không bi tráng như Kinh Kha, Hamlet. Nhưng họ chẳng đáng trách. Mà cũng chẳng đáng thương.

Thuở ấy họ còn được tự do với niềm đau và nỗi tuyệt vọng tận cùng của họ. Biết mình đau, biết mình chán. Tức là biết mình giống khỉ mà không phải khỉ. Vẫn còn là con người.

Cả một thế hệ ấy hôm nay ai đầu cũng đã bạc. Họ âm thầm vác tấm bia mộ của chính mình, đi tới tận cùng huyệt cũng của chính mình. Vậy thôi, cỗ xe tám ngựa của lịch sử ào ào băng qua, họ chỉ là hòn đá vô tội dù rất yêu hòa bình thì cũng không làm sao ngăn được.

Nhớ lại một thuở đất trời nổi cơn gió bụi mà rơi nước mắt. Nhưng ngẫm ra vẫn còn may. Thế hệ bây giờ không biết khóc. Chỉ có rống lên như sói tru trên cao nguyên lạnh buốt. Những con sói lạc bầy.

12. Sợi dây điện

Đây là một truyện tác giả thử viết theo giọng điệu miền Tây. Tôi nghĩ là có thể xếp sau Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc.

Một ông già nhặt được sợi dây điện. Đang vẩn vơ suy nghĩ thì gặp thằng con đi… ỉa. Rồi hai cha con cùng về. Người cha đem rượu ra uống một mình. Thử thằng nhỏ có biết uống không nào ngờ tửu lượng của nó cũng khá. Lại càng khá hơn nữa khi nó đòi đi lính nghĩa quân. Hỏi: ngon à! Chừng nào đi? Nó bảo còn để cưới vợ đã. Hỏi sao cưới sớm thế, nó bảo con nhỏ chửa đã ba tháng…

Cứ thế, câu chuyện về xóm làng, cha con, chồng vợ theo cái dây điện từ thời Tây mà phăng ra. Ông già đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Còn người đọc như thấy tác giả đang bóc từng lớp vỏ như bóc củ hành để sau cùng lộ ra cái lõi dục tình của đồng quê nội cỏ.

Hãy xem tác giả viết một cách bóng bẩy rất bất ngờ: Thằng con lão, con Huệ cũng chao qua chao lại dưới ánh đèn hỏa châu, một đêm nào đó cách đây ba tháng. Cái ánh sáng vàng khè trên những tàn lá ổi, lá chuối nồng nực đẫm mồ hôi.

Một ông già chịu chơi, có thằng con chịu chơi, được gặp một tác giả cũng chịu chơi, nên câu chuyện hết sức phóng túng nhưng không một chút gì thô tục. Chính vì những kẻ yêu nhau dưới ánh hỏa châu đã cứu lấy dân tộc và lịch sử. Sự sống bát ngát dưới bom đạn và thù hận vẫn cứ tươi trẻ và tiếp tục nẩy mầm.

13. Vác gỗ rừng sâu

Đây là truyện buồn nhất, cô đọng nhất. Ba năm trong địa ngục trần gian mà những người trí thức thứ thiệt không hề kêu than một tiếng nào. Sáng chiều, họ vẫn lặng lẽ đi vào rừng sâu vác gỗ về. Rồi tối đến, nửa đêm bị dựng dậy, điểm danh. Có mặt! Có mặt! Như thế là hiện hữu. Cần gì phải tra vấn to be or not to be.

Nhưng làm sao để có thể “to be” giữa nhục nhằn, đói khát? Làm sao sống chung với với ngụy trí thức và bất cận trí thức!?

Thật bất ngờ! Người kỹ sư bảo: tôi suy nghĩ. Vâng, tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu, cho dù cách cải tạo tàn độc chỉ muốn anh gục chết trên đường đi vác gỗ.

Đẹp làm sao người trí thức. Dũng cảm làm sao một người trói gà không chặt!

Tôi đã đọc cả ngàn trang viết về những trại cải tạo, nhưng chưa có trang nào xúc động như những trang viết của Lữ Kiều. Ba năm chỉ để hoàn thành một truyện cực ngắn. Và  nung nấu từ ngần ấy năm từ lúc ra trại mới viết được. Viết xong là ném bút.

Thực ra anh không viết. anh chỉ kêu lên ba tiếng: Tôi suy nghĩ. Đó là ba tiếng bi thống làm rạng ngời trí thức (thứ thiệt).

14. Cuộc đi dạo tình cảm

Bởi vì, như tác giả đã thú nhận trong phần ghi chú: thay vì sống, tôi suy nghĩ về tình yêu của mình, nên xúc cảm của tôi ở đây có ít nhiều lợn cợn, rất tiếc là không đáng có. Phải chi anh đừng ghi chú thì có lẽ tôi đã cảm nhận được một chút buồn nhẹ rất đáng yêu.

Theo bước chân của hai người tình cũ đi dạo, tôi chỉ nghe họ độc thoại, cố chống chế để đừng ngã vào nhau, thực khác xa một trời một vực với cái tiêu đề rất lãng mạn: cuộc đi dạo tình cảm.

Không, phải nói là đi dạo của lý trí thì đúng hơn.

Hãy nghe họ thổ lộ những điều thầm kín:

Làm sao chú hiểu được tình yêu của người khác là tiếng động khỏa lấp của mình. Một sự đàn áp, phải không? Chỉ tình yêu đơn phương mới cho ta cái ngất ngây của sự sáng suốt mê muội. Chú cười? Chú không tin? Nhưng dù thế nào cũng đừng tìm cách hôn Nhị làm chi…

Và chàng: Bàn tay rời ra. Bàn tay chợt bần thần bối rối. Những ngón tay kỳ cục, chơ vơ. Cô bé, cô bé còn quá trẻ. Còn ta, có phải sự già nua làm ta ngại ngùng?

Theo như cách độc thoại của hai người, thì họ yêu nhau mãnh liệt như hai con tuấn mã lồng lên. Ghìm cương lại không cho nó phóng tới quả thực là rất khó. Nhưng họ làm được. Ba mươi năm sau, trên phi trường miền đông nước Mỹ, chàng gặp lại nàng, cả hai ôm lấy nhau trong vòng tay nghẹn ngào thương mến nhưng cực kỳ tinh khiết.

Như thế, quả thực hai người đã sáng suốt một cách rất mê muội. Đi dạo tình cảm là để cho con tim lên tiếng, chứ không phải cái đầu. Bởi vậy, ba mươi năm sau mới ôm nhau nghẹn ngào. Phải chi cả hai cứ việc lấm một chút, bụi một chút, nghĩa là đừng tinh khiết quá thì đã không đến nỗi phải nghẹn ngào như thế.

Gấp sách lại, mười bốn truyện của anh như mười bốn cái chuông nhỏ trong chùm lục lạc. Cho dù được viết ra từ hơn ba mươi năm trước, nay vẫn còn nghe những âm vang ngọt ngào. Để kết một lời, xin mượn câu thơ của Huy Cận:  Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu.

KHUẤT ĐẨU
Tháng 4, 2019
Đọc lại và chỉnh sửa đôi chỗ