TRỌNG NGHĨA
Nhà Thờ Đức Bà Paris,
biểu tượng của Pháp và nhân loại
Cảnh phía sau Nhà Thờ Đức Bà Paris,
Pháp,
lúc bị hỏa hoạn, ngày
15/04/2019REUTERS/Charles Platiau
Là
một thánh đường Công Giáo, nhưng ngay khi bị trận hỏa hoạn ngày 15/04/2019 tàn
phá đáng kể, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã nhận được những thông điệp yêu thương và
trân trọng từ khắp mọi giới, từ mọi nước trên thế giới, không phân biệt tôn
giáo, châu lục.
Đó
là vì Nhà Thờ Đức Bà Paris đã đi vào tâm thức mọi người như là một biểu tượng
văn hóa, không riêng gì của người Pháp, mà là của cả nhân loại.
Ngay
từ tối hôm qua, sau khi có hung tin về vụ hỏa hoạn, nước Pháp đã đột nhiên đoàn
kết hẳn lại. Người ta không thấy có bất kỳ một tiếng nói phê phán nào trong
giới chính khách. Chỉ trước đó ít lâu, phe đối lập sẵn sàng đả kích những gì bị
xem là không thỏa đáng trong bài đúc kết của tổng thống Pháp Macron về cuộc
Thảo Luận Toàn Quốc nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Cứ
như thể tai họa giáng xuống Nhà Thờ Đức Bà Paris đã giúp xã hội Pháp tạm thời
quên đi những tị hiềm, để toàn tâm toàn ý nghĩ đến việc làm sao khôi phục biểu
tượng của nước mình.
Từ
khi được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XII, Nhà Thờ Đức Bà đã dần dần trở thành
trái tim của nước Pháp, là chứng nhân của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Gọi
là trái tim của nước Pháp không ngoa, vì công trình này chính là mốc cây số
không (Km0) xuất phát điểm của mọi quốc lộ tỏa ra khắp nước. Chính tiếng chuông
của Nhà Thờ Đức Bà đã vang rền hôm 25/08/1944, báo hiệu ngày giải phóng Paris
khỏi tay Phát Xít Đức, hay gần đây hơn là ngày 15/11/2015, với hồi chuông tưởng
niệm nạn nhân của các vụ khủng bố trước đó hai hôm tại Paris.
Thế
nhưng, Nhà Thờ Đức Bà Paris không chỉ là riêng của người Pháp mà đã đi vào tâm
thức của tất cả mọi người trên thế giới như là một di sản văn hóa của nhân
loại, là một trong những biểu tượng mà khách đến thăm Pháp không thể nào bỏ
qua.
Theo
hãng tin Pháp AFP, Nhà Thờ Đức Bà Paris là di tích lịch sử được nhiều người
thăm viếng nhất châu Âu, với khoảng từ 12 đến 14 triệu lượt khách tham quan mỗi
năm, tức là hơn 30.000 lượt mỗi ngày.
Góp
phần nâng cao giá trị biểu tượng của Nhà Thờ Đức Bà Paris chính là tác phẩm văn
học cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, xuất bản năm 1831, đã đưa hai nhân
vật Esmaralda và chàng gù Quasimodo đi vào huyền thoại.
Ở
trên thế giới, không phải ai cũng có cơ hội ghé Paris tham quan Nhà Thờ Đức Bà,
nhưng có lẽ ai cũng đã biết đến công trình này nhờ tác phẩm của Victor Hugo,
được dịch ra hầu như mọi thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể thành phim,
kịch, nhạc kịch. Hai ví dụ điển hình : Bộ phim hoạt hình « Chàng Gù Nhà Thờ Đức
Bà – The Hunchback of Notre-Dame » của xưởng phim Mỹ Walt Disney, công chiếu
năm 1996, hay vở nhạc kịch Notre-Dame de Paris của soạn giả Canada Luc
Plamondon, ra mắt năm 1998.
Trong
những thông điệp chia buồn với nước Pháp sau vụ hỏa hoạn hầu như tất cả các
lãnh đạo thế giới đều công nhận rằng Nhà Thờ Đức Bà Paris là di sản của nhân
loại.
Donald
Trump, người chủ trương Nước Mỹ Trên Hết, đã thừa nhận rằng đây là một báu vật
rất quý giá của thế giới, vượt lên trên mọi khuôn khổ, kể cả khuôn khổ quốc
gia. Nhật Bản cũng nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà Paris « thực sự là một di sản của
thế giới ».
Ngay
cả với các nước Hồi Giáo như Iran, ngoại trưởng Javad Zarif cũng ghi nhận, Nhà
Thờ Đức Bà Paris là một công trình « biểu tượng » đã « liên kết chúng
ta qua kiệt tác văn học của Hugo », còn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng « việc
kiệt tác kiến trúc được công nhận là Di Sản Thế Giới bị phá hủy là một thảm họa
cho toàn thể nhân loại ».
Nguồn: RFI Tiếng Việt, 16.4.2019