Trương Vũ
ĐÊM ĐẠI DƯƠNG
NHỮNG VẾT THƯƠNG TRONG HOÀI NIỆM, tranh Trương Vũ
sơn dầu trên bố 20” X 16”, thực hiện
tháng 12 năm 2016
Cách
đây 39 năm, tôi rời Việt Nam trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, cùng với bốn bạn
đồng hành khác. Chúng tôi thay phiên nhau lái ghe, từ Nha Trang vượt đại dương
nhắm hướng Manila, Phi Luật Tân. Không một ai trong chúng tôi có kinh nghiệm
hay hiểu biết về hải hành. Một đêm, không trăng, sóng lớn, đang lái ghe tôi
chợt nhớ đến một bài thơ của Victor Hugo, bài Oceano Nox (Đêm Đại Dương), mở
đầu bằng những câu tạm dịch như thế này: "Có biết bao thủy thủ, có biết
bao thuyền trưởng, vui vẻ hăm hở lao mình vào các chuyến viễn du, có biết bao
nhiêu người trong số đó, do định mệnh nghiệt ngã, mất hút theo chân trời mờ
nhạt, tan biến vào lòng đại dương không đáy, trong một đêm không trăng..."
Khi còn đi học, nét bi hùng của bài thơ gây cho tôi nhiều xúc động. Vào
lúc này, chơi vơi trên biển cả, không là thủy thủ, không là thuyền trưởng,
trong lo sợ, trong sự cảm nhận sâu sắc thân phận nhỏ nhoi mong manh của mình
giữa đại dương bao la, tôi càng xúc động hơn. May mắn, chúng tôi đến được
Manila an toàn. Ghe chúng tôi là một trong những chiếc đầu tiên đến được Manila
sau biến cố 1975.
Những
ngày kế tiếp, những năm tháng kế tiếp, hơn một triệu đồng bào lần lượt lao mình
vào đại dương. Từ hai trăm đến bốn trăm ngàn trong số đó không bao giờ đến nơi,
không bao giờ trở về. Nhớ lại bài Oceano Nox của Victor Hugo, tôi không còn
chút xúc động nào nữa. Cái bi hùng trong Oceano Nox không nghĩa lý gì với những
thảm kịch kinh hoàng đồng bào tôi đang trải qua trên đại dương. Đói khát, tuyệt
vọng, cướp bóc, hãm hiếp, giết người, bắt cóc, chìm tàu, và trong vài trường
hợp, phải ăn cả thịt người để tồn tại.
Như
đã kể trong một bài viết đã đăng vài năm trước đây, tôi có một người bạn trẻ,
vào giữa thập niên 1990 tình nguyện làm
việc trong một bệnh viện tâm thần
ở Boston và tại một số tư gia do cơ quan tỵ nạn địa phương bảo
trợ. Bệnh nhân của anh
thuộc nhiều thành phần người Việt khác nhau, tuổi từ 15
đến 70. Ở
đây, có những người đàn
bà điên
loạn sau khi trải qua những nỗi
đau kinh hoàng trên biển, mất
chồng, mất con, bị hãm hiếp, ... Ở
đây, có những đứa trẻ mới
trước đó sống êm ấm với gia đình bỗng chứng kiến những cảnh hãi hùng, rồi vụt cái, mất cha, mất mẹ, mất anh em,
rồi ngơ ngơ ngác ngác trong một xã hội hoàn toàn xa lạ. Ở
đây, có những người qua
tuổi trung niên hoàn toàn mất định hướng, không đương đầu nổi với những đổi thay
quá lớn, quá nhanh về hoàn cảnh, văn hóa, ngôn ngữ, xã hội. Ở
đây, có những thanh niên
mắc các loại bệnh về ảo giác, lúc nào cũng trông thấy những hình ảnh kỳ lạ,
nghe những âm thanh ma quái luôn thúc giục mình làm những điều không phải, v.v... Anh cho biết chỉ có khoảng 25% trong số bệnh nhân này hồi phục,
có thể tiếp tục đời sống
tương đối bình thường như nhiều đồng bào khác của họ. Những người còn lại, đa
số không chữa trị được. Đời sống của họ như thế nào qua từng tháng ngày trong
khu bệnh viện tâm thần, cho đến những giờ cuối cùng
của đời họ, ít ai biết.
Ngoài ra, còn biết bao thảm kịch khác, mà mỗi người trong chúng ta, hoặc đã
chứng kiến, hoặc nghe kể lại. Nhưng, cái thảm kịch lớn nhất vẫn là cái thảm
kịch của một dân tộc mà những người làm chính trị đã khiến người dân bình
thường sợ họ hơn sợ nỗi chết. Đó cũng là thảm kịch của một đất nước mà quân đội
luôn luôn vinh danh về sự hùng mạnh, về những chiến thắng trên trận mạc, nhưng
hoặc bất lực, hoặc cố tình làm ngơ trước những cướp bóc, hãm hiếp, giết người
man rợ của bọn cướp biển ngoại nhân chỉ có vũ khí thô sơ, dù rằng chiến tranh
đã chấm dứt, dù rằng nạn nhân là những con người vô tội hầu hết không hề cầm
súng, và họ cũng là những người được sinh ra từ trăm trứng của mẹ mình.
Bốn
mươi năm đã trôi qua từ ngày chiến tranh chấm dứt trên quê hương. Gần ba mươi
năm đã trôi qua từ lúc những chiếc ghe cuối cùng của thuyền nhân Việt Nam chìm
sâu trong lòng đại dương. Hồi tưởng lại thảm kịch đó để thắp một nén nhang cho
những người đã khuất, để nguyện cầu sự siêu thoát cho những oan hồn trên biển
Đông. Và, cũng là lúc để mỗi người Việt Nam tự chiêm nghiệm về chính mình, về
những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm. Quan
trọng hơn hết, để thực sự dấn mình vào những nỗ lực của cá nhân và tập thể cần
phải có cho thế hệ này, và cho những thế hệ kế tiếp. Để xã hội nhân bản hơn,
tôn trọng những quyền căn bản của con người hơn, và để người dân có tự do, có
cơ hội sống một đời có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác.
Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên biển đông sau 1975 sẽ không
còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa.
TRƯƠNG VŨ
California, tháng 4 năm 2015 |