Sunday, March 10, 2019

1039. PHẠM CAO HOÀNG Quê nhà

Mương dẫn thủy bắt nguồn từ đập Đồng Cam (Phú Yên) - Photo by Phạm Cao Hoàng

...
Đêm trước ngày lên đường, chúng tôi thức trắng. Cả nhà rộn ràng như đêm giao thừa. Sau những tháng năm chờ đợi, hôm nay chúng tôi trở lại quê nhà.

Chúng  tôi  đi  máy  bay  của  hãng hàng không Korean Air, lộ trình Virginia – Seoul và  Seoul – Sài Gòn.  Từ Virginia đến Seoul mất 13 tiếng  và từ  Seoul về Sài Gòn thêm 5 tiếng nữa. Korean Air để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp vì đội ngũ tiếp viên rất  lịch sự và chu đáo. Đường xa tưởng là mệt lắm nhưng chẳng mệt gì cả. Định lên máy bay sẽ ngủ bù nhưng rồi cũng không ngủ được. Cứ dán mắt vào màn hình trước mặt theo dõi lộ trình chuyến bay xem đã  đến đâu, còn bao lâu nữa thì tới. Khoảng cách cứ thu lại dần, cho đến khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Incheon, Nam Hàn, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm. Đoạn đường xa nhất đã vượt qua. Còn 5 tiếng nữa thôi, sắp về tới  nhà rồi.

9.1.2012, gần nửa đêm, chúng tôi về tới Tân Sơn Nhất. Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi tìm đến chỗ nhận hành lý. Đồ đạc chúng tôi mang theo khá nhiều nên cũng hơi lo không biết có cái nào bị thất lạc hay không. May quá, không có cái nào bị thất lạc. Chúng tôi nghỉ qua đêm tại một khách sạn nhỏ ở Sài Gòn và chiều hôm sau  đã có mặt ở Tuy Hòa.

Tuy Hòa là một thành phố biển nằm giữa Nha Trang và Qui Nhơn, nơi tôi sống suốt thời gian theo học bậc trung học. Rời phi trường Đông Tác, chúng tôi đi nhanh một vòng trong thành phố. Tôi muốn thấy lại chiếc cầu 21 nhịp mà hồi đó tôi gọi là những nhịp cầu đen buồn bã. Tôi muốn nhìn lại ngôi trường Nguyễn Huệ, nơi đầy ắp những kỷ niệm của tuổi học trò.

Chúng tôi chỉ có một tuần ở Tuy Hòa. Tôi dành hết khoảng thời gian này để về Phú Thứ thăm mồ mả ông bà, thắp mấy nén nhang cho cha mẹ tôi và ở lại trong căn nhà thời thơ ấu. Xe chạy về Phú Thứ trên con đường quen thuộc dọc theo mương dẫn thủy của đập Đồng Cam, dọc theo những cánh đồng thơm ngát mùi hương của đất.

mùi hương của đất làm con nhớ
những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn
cha đã vì con mà nhỏ xuống
cho giấc mơ đời con thêm xanh

mùi hương của đất làm con tiếc
những ngày hoa mộng, thuở bình yên
nồi cá rô thơm mùa lúa mới
và tiếng cười vui của mẹ hiền

Tôi mơ hồ thấy bóng cha tôi đang cúi xuống trên đồng ruộng,  mồ hôi nhễ nhại,  thấy bóng mẹ tôi thấp thoáng sau bếp,  loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều.

Cũng như nhiều gia đình  ở miền nam, sau 1975 anh em tôi sống tản mác  nhiều nơi, người sang Pháp, người qua Mỹ, người ở lại quê nhà. Chị Ba, chị Bốn, Tâm và Bảo là những người ở lại.  Suốt những ngày ở đó, mấy chị em cứ quấn quít bên nhau. Chúng tôi có những bữa ăn nơi chiếc bàn mà ngày xưa cả nhà thường quây quần trong bữa cơm chiều. Chúng tôi có những buổi tối ngồi trước hiên nhà chuyện vãn đến hai ba giờ sáng.

Tôi ra dòng sông Ba phía sau nhà, ngồi bên bờ sông mà lòng bồi hồi xúc động. Dù sao tôi vẫn còn may mắn có một quê nhà  để mà trở lại, có một dòng sông để ngồi nhớ tuổi thơ mình.


Sông Ba, đoạn chảy ngang cầu Đà Rằng - Photo by Phạm Cao Hoàng

Không về thì thôi, đã về thì phải gặp người này một chút, người kia một chút cho vui. Đất lề quê thói mà. Do vậy, Bảo đưa tôi đi chào hỏi bà con. Trời mưa lai rai cả ngày nhưng đi thì cứ phải đi. Phước Bình, Phước Mỹ, Phú Nhiêu, Hòa Mỹ, Phú Thứ, Mỹ Lệ… Bà con nội ngoại chằng chịt, thật tình tôi không nhớ hết. Tôi đùa với Bảo, “ Chú đưa  đi đâu thì anh đi đó, bảo chào ai thì anh chào”.

Một tuần qua thật nhanh. Chưa kịp gì cả thì lại đến ngày phải ra đi. Không biết đây là lần thứ mấy tôi phải từ giã nơi này.  Cứ mỗi lần ra đi, tôi lại nhớ đến đôi mắt của mẹ tôi. Lần nào cũng vậy,  bà cứ cầm lấy bàn tay tôi,  “Đi đâu thì đi, nhưng lâu lâu nhớ về nghe con”. Ngày cuối cùng, tôi cứ nhìn đi nhìn lại căn nhà thời thơ ấu của mình, nhìn đi nhìn lại khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình. Chỉ lát nữa đây thôi, tất cả chỉ còn trong trí nhớ, chưa biết bao giờ mới gặp lại nhau. 

PHẠM CAO HOÀNG
(Trích phần 1 bút ký/truyện VỀ CHỐN CŨ, 3.2012)