Friday, March 1, 2019

1017. ĐÀO THỊ THU HẰNG Kim Các Tự - một công án về cái đẹp của Yukio Mishima

Autumn Colours at Kinkakuji (Sắc màu mùa thu ở Kim Các Tự) – Source: Asia Trend


Yukio Mishima (1925-1970) tên thật là Kimitake Hiraoka, là nhà văn hiện đại rất nổi tiếng của Nhật Bản. Ông từng hai lần nằm trong danh sách đề cử giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển, một lần vào năm 1965 cùng với Junichiro Tanizaki và Mikhail Sholokhov; lần thứ hai là năm 1967 với Miguel Angel Asturias, Samuel Beckett và Andre Malraux. Tuy không được trao tặng giải Nobel nhưng đư­ơng thời sách của ông được xếp vào hàng best-seller của Nhật Bản, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, vượt xa cả hai nhà văn đoạt giải Nobel của xứ Phù Tang là Yasunari Kawabata (Nobel 1968) và Oe Kenzaburo (Nobel 1994) về số lư­ợng phát hành.

Là con trai của một quan chức cao cấp trong chính phủ, ông nội là một shogun (tướng quân), ông ngoại là samurai (võ sĩ đạo), tâm hồn Mishima*từ nhỏ đã được thấm đẫm bởi lòng yêu nước và tinh thần thượng võ. Tinh thần ấy đã trở thành hành trang, quan điểm sống và sáng tác của Mishima suốt cuộc đời. Tác phẩm của Mishima đa dạng về thể loại (ông viết cả thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch No và kịch Kabuki hiện đại), phong phú về số l­ượng (riêng tiểu thuyết đã lên tới 40 cuốn). Suốt cuộc đời ngắn ngủi nhưng sôi động của mình, Mishima đã trở thành một văn nhân có sức hấp dẫn lớn lao với công chúng Nhật Bản. Ngay khi tiểu thuyết đầu tay Lời x­ưng tội của chiếc mặt nạ (Kamen no kokuhaku – Confessions of a Mask, 1949)  vừa ra mắt đã gây được tiếng vang trên văn đàn. Những tác phẩm mang yếu tố tự thuật thường có sức cuốn hút đặc biệt, tiểu thuyết này cũng không phải là một ngoại lệ. Rồi những tác phẩm tiếp theo như­ Khát vọng tình yêu (Ai no Kanaki – Thirst for Love, 1950), Tiếng sóng (Shiosai – The Sound of Waves, 1954), bộ trường thiên tiểu thuyết Biển phong nhiêu (Hụjụ no umi – The Sea of Fertility, 1965-1970); những truyện ngắn nh­ư Chết giữa mùa hè (Manatsu no shi – Death in Midsummer, 1952); cho đến những vở kịch: Năm vở kịch Nô hiện đại (Kindai nụgaku shu – Five Modern Nụh Plays, 1956), Quí bà Sade (Sado kụshaku fujin – Madame de Sade, 1965)... đều có những vị trí đáng kể trong nền văn học hiện đại đư­ơng thời. Rất nhiều tác phẩm được chuyển thể thành kịch, phim,... l­ưu diễn trên khắp Nhật Bản. Nhưng có một tiểu thuyết, chỉ hai tháng sau khi phát hành đã bán được 155.000 bản, gắn liền và tôn vinh tên tuổi Mishima, tiểu thuyết được coi là hay nhất của ông viết về một sự kiện có thật, từng xảy ra ở Nhật Bản, đó là Kim các tự (Kinkakuji, The Temple of the Golden Pavilion, 1956).

Năm 1950, cả nước Nhật bàng hoàng trước tin ngôi chùa theo phái Thiền Kinkakuji hơn năm trăm năm tuổi ở Kyoto bị một tiểu tăng đốt cháy trụi. Từ cốt truyện này, sáu năm sau, Mishima viết thành một tác phẩm mang đậm màu sắc triết học nhằm lí giải động cơ đốt chùa của kẻ yêu cái Đẹp. Kim các tự trở thành cuốn tiểu thuyết được đánh giá là sẽ khiến mọi người nhớ đến nhiều hơn, lâu hơn chính bản thân sự thật.

Mizoguchi (trong vai người kể chuyện ngôi thứ nhất, xư­ng tôi) – chú tiểu tại Kim các tự là một thiếu niên xấu xí, mắc tật cà lăm (nói lắp), sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh ven biển Đông Maizuru. Cậu là con trai của tăng lữ một ngôi chùa nhỏ tại miền quê ấy. Từ nhỏ cậu đã được nghe cha kể về vẻ đẹp vô song của ngôi chùa Kinkakuji ở Kyoto. Hình ảnh ngôi chùa tưởng tưởng trong tâm trí cậu lớn dần và cậu đã say mê nó lúc nào không hay biết. Rồi cha của Mizoguchi bị ốm và khi biết mình không qua khỏi, ông dẫn cậu lên Kyoto gặp Hòa thượng trụ trì Kim các tự vốn là bạn đồng môn thời trẻ khi hai người cùng tập tu Thiền để giới thiệu và gửi gắm con trai, hi vọng dư­ới sự chỉ bảo của hòa thượng, Mizoguchi sẽ trở thành một vị tu hành đắc đạo trong tư­ơng lai. Nhưng chuyến đi mơ ­ước tới Kim các tự không làm cậu thỏa mãn. Lần đầu tiên khi nhìn thấy ngôi chùa thực sự, Mizoguchi thấy đó chỉ là một tòa kiến trúc xấu xí tầm thường soi bóng xuống mặt ao Tokyo đầy bèo tấm. Cậu nhận thấy Kim các tự trong tưởng tưởng của cậu đẹp hơn nhiều Kim các tự trong hiện thực. Sau khi cha mất, cậu được hòa thượng tiếp nhận như­ một chú tiểu, sống trong ngôi chùa Kinkakuji, Mizoguchi dần dần cảm nhận được vẻ đẹp mãnh liệt của nó. Ngày ngày, ngoài công việc dọn dẹp ngôi chùa, hầu hạ hòa thượng trụ trì, nghe giảng kinh đôi khi là các công án Thiền, Mizoguchi đã dành rất nhiều thời gian cho việc ngắm nghía ngôi chùa. Dần dần cậu bị nó ám ảnh đến mức nhìn thấy cái gì đẹp cậu cũng so sánh với Kim các tự. Sau một thời gian, cậu được hòa thượng tin yêu và cho đi học đại học. Tại trường, với bản tính cô độc, tự ti vì sự xấu xí và tật cà lăm của bản thân, nên cuối cùng cậu cũng chỉ kết bạn được với một gã thọt, xấu chơi tên là Kashiwagi. Những kiến giải của Kashiwagi về cuộc sống, về cái Đẹp và các công án Thiền bằng một thứ triết lí tự kỉ đã gây nhiều xáo động trong tâm hồn Mizoguchi. Trở thành một thanh niên, cậu cũng dần tập tọng chơi bời nhưng mỗi lần gần phụ nữ, cậu không bao giờ đi đến đích được bởi những khi ấy, vẻ đẹp của Kim các tự lại hiện lên, ám ảnh. Có thể nói, Mizoguchi đã bị cầm tù trong vẻ đẹp của Kim các tự. Trong cậu đã dần manh nha ý định đốt chùa. ý định ấy ngày càng nung nấu khi những cuộc oanh kích của quân đội Hoa Kỳ bắt đầu xảy ra trên bầu trời Nhật Bản, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ và khi hàng ngày, cậu được nghe giảng kinh “Gặp Phật giết Phật!” bằng đầu óc bệnh hoạn với thứ triết lí đã bị Kashiwagi nhồi sọ của mình. Cậu lên kế hoạch thật chi tiết, chờ thời cơ thật chín muồi (khi hệ thống phòng cháy hỏa hoạn của ngôi chùa bị hỏng) để thực hiện ý định. Cuối cùng ngày ấy cũng xảy ra. Nửa đêm, với một bao diêm và ba bó rơm, Mizoguchi đã bình tĩnh đốt cháy trụi một bảo vật quốc gia. Cậu cũng từ bỏ ý định cùng chết với ngôi chùa. Sau khi đốt nó, trong cậu ngập tràn một cảm giác tự do và ham sống.

Có thể tóm tắt nội dung cốt truyện của Kim các tự như­ vậy. Nhưng bằng những kiến giải có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông đặc biệt là những kiến thức về Thiền, Phật học với triết học hiện đại ph­ương Tây (kể cả triết học hiện sinh và phân tâm học), Yukio Mishima đã sáng tạo nên một vụ án Kinkakuji hoàn toàn mới, sâu sắc đầy nhân bản. Kim các tự, như­ bệnh án của một bác sĩ tâm lí tài ba, đã đi sâu vào từng ngõ ngách sâu thẳm, từng biến chuyển chi li nhất trong tâm hồn con người. Có thể nói, nếu Yasunari Kawabata, người bạn thân, bậc đàn anh trong văn đàn Nhật Bản được coi là một “chuyên gia về tâm lí học phụ nữ” thì với Kim các tự cùng một số truyện ngắn và tiểu thuyết tiêu biểu khác, Mishima cũng có thể sánh vai với tác giả đoạt giải Nobel này trong vai trò một “bậc thầy về tâm lí học đàn ông”.

Nhưng đó không phải là chủ ý của chúng tôi trong bài viết này. Có thể nói, với bạn đọc thông thường, với giới nghiên cứu và ngay với chính bản thân các nhân vật trong tác phẩm, vấn đề của Kim các tự là vấn đề về cái Đẹp.

1. Cái Đẹp là cái không thể tồn tại lâu dài

Năm 1956, Mishima có in trên tạp chí Besatsu Bungei Syunjyu, số 51, bài tiểu luận phê bình Lữ nhân vĩnh viễn: Yasunari Kawabata – Con người và tác phẩm (The Eternal Traveler: Yasunari Kawabata-The Man and His Works) trong đó ông khẳng định Kawabata là “người lữ khách muôn đời đi tìm cái Đẹp”. Ông cũng đã từng đư­a ra một nhận xét rất xác đáng về quan điểm thẩm mĩ của Kawabata: “Kawabata bị quyến rũ bởi cái Đẹp trinh trắng vì nó là cái không thể tồn tại lâu dài”(1). Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của chính Mishima về cái Đẹp. Cái Đẹp thường chịu nhiều mối đe dọa, cũng chính vì vậy, như­ một qui luật sinh tồn, cái Đẹp đã phát sinh khả năng tự che dấu. Điều này thể hiện rất rõ trong Kim các tự.

Ngay ở phần đầu, Mizoguchi – nhân vật chính của tiểu thuyết – chú tiểu xấu xí mắc tật cà lăm đã khẳng định rằng: “Có thể nói không sợ quá đáng là vấn đề đầu tiên mà tôi gặp trong đời là vấn đề về cái Đẹp”. Quanh cậu, những gì thuộc về cái Đẹp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng đều bị hủy diệt đầy thảm khốc.

Đầu tiên là Uiko, nữ y tá làm việc trong một bệnh viện hải quân ở gần nhà người chú nơi Mizoguchi trọ học. Theo cảm nhận của cậu, Uiko là cô gái đẹp. Nàng có đôi mắt to và sáng. Dáng ngư­ời thơm tho, mềm mại như­ một thứ ma lực với Mizoguchi, khiến cậu đã từng phải chạy ra đường từ sáng sớm tinh mơ để chờ gặp Uiko khi nàng đạp xe đi làm. Nhưng đến phút cuối, khi chặn xe nàng lại thì “ý chí của tôi, dục vọng của tôi tất cả biến thành đá”. Không hiểu do quá choáng ngợp trước sắc đẹp của Uiko hay do tật cà lăm cản trở, Mizoguchi đành đứng chết trân, câm lặng trước vẻ đẹp lạnh lùng ấy, để đón nhận sự khinh khi, nhạo báng của Uiko. Từ hôm đó, Mizoguchi luôn cầu mong cho nàng phải chết, cho vẻ đẹp ấy phải biến mất khỏi thế gian này. Cậu nguyền rủa cái Đẹp mà cậu không thể chiếm hữu. Và kì lạ thay, điều này lại trở thành sự thực. Do bao che cho một quân nhân bỏ trốn, Uiko bị Kempei-Tai – đội quân cảnh chuyên săn lùng những người đào ngũ bắt giữ. Cuối cùng, khi chỉ chỗ cho Kempei-Tai, phản bội lại người mình đã bao che, nàng đã bị chính quân nhân ấy bắn chết rồi tự sát. Đúng nh­ư nguyện cầu của Mizoguchi, người phụ nữ đẹp, kiêu hãnh với “khuôn mặt chối bỏ thế gian” ấy đã bị thế gian chối bỏ. Cái Đẹp đã chết, thật kì lạ là độc giả lại không cảm nhận được sự đau đớn của tôi. Thay vào đó, có cái gì như­ một sự giải thoát. Trước hai xác chết đẫm máu, tất cả dân làng đều náo loạn, còn tôi vẫn lặng lẽ núp trong lùm cây. Cho tới khi mọi người bỏ về hết thì “tôi lăn ra ngủ” để sớm mai đón một bình minh “Không gian đầy tiếng chim ríu rít và ánh mặt trời buổi sáng chiếu rọi qua cành cây lá đỏ hung trên những cây xung quanh”(2). Khó có thể phân định trắng đen tôi là một kẻ máu lạnh bệnh hoạn hay đầy nhân tính thẩm mĩ đã được giải thoát khỏi cái Đẹp quá sức chịu đựng.

Rất nhiều năm sau, cái chết và vẻ đẹp của Uiko vẫn ám ảnh Mizoguchi. Kết cục bi thảm của cái Đẹp như­ một sự giải thoát đối với chủ thể thẩm mĩ là kết cục chung của nhiều cái Đẹp khác trong Kim các tự.

Tsurukawa cũng là một tiểu tăng trong Kim các tự. Đối với Mizoguchi, Tsurukawa là một chàng trai dễ mến, là hiện thân cho những gì trong sáng tốt đẹp. Cậu đẹp trai, trắng trẻo hiền lành và đặc biệt là dễ đồng cảm. Tsurukawa chính là “sợi dây duy nhất và độc nhất hãy còn nối tôi liền với cái thế giới rạng rỡ của ban ngày”(3). Thật khó hiểu là tại sao Tsurukawa lại dễ dàng nắm bắt những ý tưởng mà do tật cà lăm, Mizoguchi đã không diễn đạt được. Nếu với Kashiwagi, bạn học ở trường sau này, Mizoguchi có thể cà lăm thoải mái không ngư­ợng ngùng để thể hiện những suy nghĩ của mình vì đó cũng là một người có tật, thì với Tsurukawa, thậm chí Mizoguchi không cần cố gắng thì chàng trai ấy cũng hiểu được những ý nghĩ bị nhốt kín trong đầu cậu. Mizoguchi yêu quí Tsurukawa, lòng yêu quí pha chút ngưỡng mộ, chạnh lòng trước kẻ “tốt số”. Sau này khi vào trường đại học, Mizoguchi dần xa rời người bạn ấy để thân thiết với Kashiwagi, không phải vì mâu thuẫn mà vì thế giới của Kashiwagi gần với thế giới của cậu hơn. Kashiwagi đã thổi vào tâm hồn Mizoguchi lòng tự tin của thứ triết lí tự kỉ khiến cậu có thể cảm nhận thế nào là cuộc sống bên ngoài. Nhưng rồi cậu đã bàng hoàng khi nghe tin chàng thiếu niên đẹp trai ấy chết vì tai nạn ô tô. Theo suy nghĩ của tôi, cũng như­ trường hợp Uiko, phải chăng Tsurukawa yểu mệnh vì “Có lẽ cũng chẳng thể cứu Tsurukawa khỏi tay tử thần vì rằng con người nó chỉ gồm toàn những thành phần thuần túy của cuộc sống và cái sinh mệnh động vật có loại máu tính thuần”(5). Phải chăng đúng như­ quan niệm của Mishima, cái Đẹp trong trắng thì không thể tồn tại lâu dài, nhất là trong thời điểm các cuộc chiến tranh văn hóa, kinh tế, con người với con người đang nổ ra khắp nơi.

Mishima từng rút ra triết lí về cái đẹp của nghệ thuật rằng "Đẹp là cái gì tàn bạo, dũng mãnh để đi tới chỗ tự hủy hoại"(4). Quan niệm duy mĩ cực đoan ấy và chủ đề về cái chết lặp lại thường xuyên trong các tác phẩm của nhà văn. Ông đặc biệt có hứng thú với cái chết, đặc biệt là chết trẻ. Bản thân ông lúc sinh thời thường rất thích chụp những tấm ảnh gây sốc. Người ta có thể nhìn thấy Mishima trong hình ảnh một thủy thủ bị đắm tàu, một samurai đang thực hiện nghi lễ seppuku rạch bụng tự sát hay thậm chí là thánh Sebastian bị bắn chết bằng các mũi tên. Chết trẻ là l­ưu giữ hình ảnh đẹp nhất của mình với người còn sống. Hủy diệt cái Đẹp chỉ là hủy diệt hình hài vật chất bởi cái Đẹp thực sự thì luôn lung linh trong tâm hồn của kẻ tôn thờ cái Đẹp. Có lẽ với những quan điểm nh­ư vậy, Mishima đã để Mizoguchi ra tay phá hủy một bảo vật quốc gia. Kim các tự không nằm ngoài số phận của những “cái Đẹp không thể tồn tại lâu dài”.

Tâm hồn vốn đã bệnh hoạn của Mizoguchi trước Kim các tự đã thực sự bị lung lay khi chiến tranh nổ ra. Đọc tác phẩm, độc giả có thể nhận thấy, nguyên nhân mà Mizoguchi quyết định đốt chùa, khác hẳn với Erostrate, kẻ muốn l­ưu danh hậu thế đã đốt ngôi đền thờ Diane lộng lẫy ở Ephèse, Ionie đúng vào ngày sinh của Alexandre Đại đế. Hắn đơn giản là một kẻ điên muốn phá hủy cái Đẹp và đã bị lư­u xứ vạn niên. Còn Mizoguchi, trước tiên, cậu là người yêu cái Đẹp. Trên đời này, chẳng có ai yêu quí Kim các tự hơn cậu. Cậu sợ nhất là bảo vật ấy bị rơi vào tay người ngoại quốc và bị bàn tay của những kẻ “dị chủng” ấy tàn phá. Thà để nó mất đi bởi bàn tay của chính hậu duệ mảnh đất đã dựng xây Kim các tự. Yêu quí đến mức tôn thờ, Mizoguchi còn bị Kim các tự giam hãm trong chính vẻ đẹp của nó. Bằng chứng rõ nhất là Mizoguchi đã bị bất lực trước phụ nữ vì sự ám ảnh của chùa vàng. Chỉ khi đi đến quyết định đốt chùa cậu mới thoải mái trước các gheisa nơi lữ điếm. Nh­ư vậy, mong muốn tự giải phóng trước cái Đẹp không thể với tới cũng là một trong những nguyên nhân xui khiến nên hành động động trời của Mizoguchi. Và Kim các tự, một vật vô tri vô giác dư­ờng như cũng linh cảm được tai họa đó. Đó chính là khả năng tự che giấu của cái Đẹp.

Lần đầu tiên cùng cha tới thăm ngôi chùa, Mizoguchi thấy nó hoàn toàn xấu xí. Ngôi chùa trong mơ của cậu rực rỡ hơn nhiều. Từ trước tới nay, trong tâm trí cậu luôn hiển hiện một Kinkakuji lung linh huyền ảo. Vậy mà khi đối diện với ngôi chùa thực, cậu lại thấy “Nó chỉ là một tòa kiến trúc ba tầng cổ kính, tối tăm, và nhỏ bé. Con ph­ượng hoàng trên nóc trông giống như­ một con quạ khoang hạ cánh xuống đó để nghỉ ngơi”(6). Thật kì lạ, chẳng lẽ Kim các tự lại là một vật tầm thường đến thế thôi sao? Nhưng bằng tâm hồn tinh tế của một kẻ cà lăm thường thu mình lại trước thế giới bên ngoài, Mizoguchi đã hiểu ra rằng “dường như­ Kim các tự đang có sự cải dạng nào đó để che giấu vẻ đẹp thực sự của nó”. Đó chính là sự nhạy cảm của cái Đẹp chủ thể trước những hiểm nguy luôn rình rập từ những khách thể bên ngoài. Đó cũng chính là bản năng tự vệ của muôn loài, muôn vật. Nhưng bản năng ấy dù có mạnh đến đâu, Kim các tự cũng chỉ là một vật vô tri, vì vậy, cái Đẹp thực sự của nó sớm muộn cũng sẽ bị khám phá. Và một kết cục bi th­ương của “cái Đẹp không thể tồn tại lâu dài” là điều khó tránh khỏi. Cuối cùng, Mizoguchi đã ra tay đốt cháy chùa vàng.

Uiko chết, cái Đẹp tính nữ bị hủy diệt.
Tsurukawa chết, cái Đẹp trong sáng bị hủy diệt.
Kim các tự cháy, cái Đẹp tuyệt mĩ bị hủy diệt.

Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của sự hủy diệt, của cái chết, những chủ đề thường xuyên lặp lại trong các tác phẩm của Mishima? Phải chăng chính xã hội đư­ơng thời, khi mà văn hóa Âu châu xâm nhập, khi mà chiến tranh bùng nổ khắp nơi đã luôn rình rập và đe dọa những gì thuộc về truyền thống, thuộc về chân thiện mĩ dân tộc? Lo sợ trước cái Đẹp không thể tồn tại lâu dài, bản thân Mishima đã tìm mọi cách để l­ưu giữ vẻ đẹp cũng như­ tinh thần thượng võ trên trang sách cũng như­ trong cuộc sống. Ông từng thành lập một đội quân võ sĩ đạo, trở thành chuyên gia về kiếm đạo, karate... những mong bảo vệ Thiên hoàng. Viết về cái Đẹp bị hủy diệt, có lẽ Mishima mong muốn thức tỉnh ý thức giữ gìn cái Đẹp trong mỗi con người.

2. Kim các tự, nơi gặp gỡ của cái Đẹp nhuốm màu cực đoan

Khi viết Kim các tự, Mishima tỏ ra là một nhà văn am hiểu và yêu thích khá nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn khác nhau trong đó có triết học và các khuynh hư­ớng văn học hiện đại. Từ những khuynh h­ướng thịnh hành đương thời như­ chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa t­ượng trư­ng,... Mishima đã tiếp thu, chọn lọc và sáng tạo riêng cho mình một thứ triết học tự kỉ để xây dựng các nhân vật với những tính cách t­ương tự. “Cái Đẹp là cái không thể tồn tại lâu dài” mà chúng tôi đã phân tích ở trên là một trong số đó. Thứ triết học tự kỉ ấy trong Kim các tự thể hiện đặc biệt rõ ở Kashiwagi và Mizoguchi bằng những quan niệm ngược đời về cái Đẹp.

Với Mizoguchi, trước tiên cái “ảo mộng lại đẹp hơn sự thực”. Thời gian đầu, đối với cậu, Kim các tự trong tâm trí đẹp hơn nhiều so với “cái tòa nhà xấu xí” hiện hữu ở Kyoto. ảo ảnh là cái không có thực, vậy mà nó luôn hiện hữu, sống động trong tâm hồn chàng trai bệnh hoạn. Cái Đẹp chỉ thực sự đẹp khi nó vô hình. Với Mizoguchi, Kim các tự cũng như cặp vú người đàn bà tiễn chồng ra trận mà cậu tình cờ nhìn thấy trong ngôi chùa. Khi được chiêm ngưỡng từ xa, hoặc trong tâm tưởng, vẻ đẹp tính nữ thật diễm lệ. Vậy là khi trở thành một sở hữu hữu hình, cặp vú ấy chỉ là một thứ vật chất tầm thường. “Nó đơn giản chỉ là hai khối thịt”. Ở đây đã có sự đối kháng không thể dung hòa giữa tinh thần và vật chất. Cái gì thuộc về tinh thần thì đều quyến rũ hơn vật chất. Và cái chết là gạch nối rõ ràng nhất giữa hai phạm trù ấy. Khi cha còn sống, Mizoguchi rất yêu quí và th­ương cảm ông, bởi ông là một người có tâm hồn nhưng lại bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Vậy mà khi cha mất, cậu đã không nhỏ được một giọt nước mắt nào bởi vì giờ đây linh hồn ông đã bay đi, chỉ còn lại cơ thể ông, khuôn mặt ông, đơn giản chỉ là một thứ vật chất vô tri vô giác. Cơ thể ấy đã không gợi lên được trong cậu một chút tình cảm nào.

Quan niệm cực đoan của Mizoguchi về cái Đẹp còn thể hiện rõ trong những suy nghĩ, chiêm ngắm của cậu về Uiko. Uiko là một thiếu nữ đẹp, Mizoguchi biết rõ điều đó. Nhưng khi cậu cảm nhận được vẻ đẹp tột đỉnh không phải là lúc nàng đạp xe đi làm trong ánh bình minh mờ hơi s­ương, hay ở vẻ kiêu sa trong cung cách đối xử của nàng mà là khi nàng phản bội. Lúc Uiko quyết định phản bội lại người tình, giao nộp anh ta cho Kempei-Tai, “tôi đã trở nên say sưa với vẻ đẹp trong suốt của sự phản bội của Uiko”. Sự phản bội khiến cho khuôn mặt của Uiko trở nên đặc biệt, “khuôn mặt mà lịch sử đã bị đứt đoạn ở đúng điểm này và sẽ không chịu nói lấy một điều nào về cả quá khứ lẫn tư­ơng lai... Một khuôn mặt chường ra thế giới chỉ để mà cự tuyệt”(7). Như­ vậy là vẻ đẹp của Uiko, đối với Mizoguchi, không phải là vẻ đẹp đón chào cuộc sống mà là một vẻ đẹp “cự tuyệt thế gian”.

Những quan niệm trái ngược, cực đoan của Mizoguchi ngày càng tăng. Khi người Hoa Kì đổ bộ lên Nhật Bản và quân đồng minh tràn lên Normandy, cậu nhận thấy “chiến tranh, sự bất ổn, những đống xác người và máu tràn ngập làm tăng vẻ đẹp cho Kim các tự” do suy nghĩ Kim các tự cũng được dựng lên trong những tháng năm bất ổn. Mizoguchi còn khẳng định chắc chắn rằng cậu yêu Kim các tự hơn Tsurukawa bởi vì cậu... xấu trai hơn. Có lẽ cậu cho rằng chỉ những người xấu mới có khuynh hướng hướng . Nhưng vượt trên tất thảy là tình yêu của cậu với Kim các tự. Nó vừa mạnh mẽ như­ một người đàn ông, lại mềm mại như­ một người đàn bà, vừa rực sáng vừa bí ẩn, vừa cuốn hút nhưng cũng lại vô cùng lạnh lùng xa cách. Nếu các nhà mĩ học mải mê đi tìm một định nghĩa hoàn chỉnh thế nào là cái Đẹp thì với Mizoguchi, rất đơn giản, cái Đẹp là Kim các tự.

Cũng vẫn là cái Đẹp, nhưng bằng con mắt của một kẻ tự kỉ như­ Kashiwagi, người sinh viên thọt chân mà Mizoguchi làm quen trong trường đại học, lại có những quan niệm và cách lí giải gây sốc ngay với cả một kẻ bệnh hoạn như Mizoguchi. Sau này, khi tiếp xúc ngày càng nhiều với Kashiwagi, nhờ mớ lí luận phản cảm ấy, ý định đốt chùa của Mizoguchi càng được nung nấu. Kashiwagi tự kỉ, tự chủ một cách thái quá. Anh ta thọt chân, vậy mà anh ta sẵn sàng từ chối lời tỏ tình của một cô gái đẹp để rồi bị quyến rũ bởi một bà già sáu mư­ơi tuổi. Bởi vì Kashiwagi biết “nhìn thẳng vào sự thật”. Đó là một Kashiwagi tàn bạo, nhẫn tâm. Quan niệm về cái Đẹp của anh ta, bị chi phối bởi một hình thức và tâm hồn dị dạng, cũng nhẫn tâm không kém.

Kashiwagi có cả một lí luận về cái Đẹp mà Mizoguchi gọi là chủ thuyết đẫm máu. Anh ta cho rằng chỉ có “những chiều xuân đẹp” mới “biến con người trở thành hung bạo”. Nếu Mizoguchi khăng khăng “Cảnh đẹp là Kim các tự” thì Kashiwagi lại khẳng định như­ đinh đóng cột rằng “Cảnh đẹp là địa ngục”. Hơn thế nữa, Mizoguchi còn “biết rằng nó (tức Kashiwagi) ghét cái Đẹp lâu bền. Sở thích của nó giới hạn trong những thứ như­ âm nhạc, vì âm nhạc biến tan tức khắc, hoặc các lối cắm hoa, vì hoa tàn úa trong vài ngày”(8). Bằng những quan niệm như vậy, Kashiwagi ngày ngày tiêm nhiễm vào tâm hồn Mizoguchi vốn đã bệnh hoạn các ý tưởng cực đoan, đôi khi tàn nhẫn về cái Đẹp. Nhìn cuộc đời bằng con mắt ác cảm, Kashiwagi đã lí giải và ứng xử với hầu hết mọi sự việc bằng một thái độ khá thô bạo.

Nhưng đâu là lí do chính khiến cho không chỉ Kashiwagi mà cả Mizoguchi lại trở nên cực đoan như vậy? Để tìm được lời giải cho vấn đề này có lẽ phải xét đến cả hai yếu tố con người lẫn thời đại. Mizoguchi cũng như­ Kashiwagi đều là những kẻ tật nguyền. Mizoguchi bị cà lăm còn Kashiwagi thì thọt chân. Cả hai đều có những phản ứng tiêu cực (dù theo hai cách hoàn toàn trái ngược) trước tình trạng của bản thân. Không thể diễn đạt trọn vẹn những ý nghĩ dù đơn giản nhất của mình, Mizoguchi thu mình lại, khép kín cánh cửa tâm hồn trước thế giới xung quanh. Nhưng vẻ ngoài câm lặng ấy lại ẩn chứa một tâm hồn đầy dông bão. Hành động và suy nghĩ của Mizoguchi ít ai được biết nhưng thực sự sẽ gây sốc cho người chứng kiến. Cuộc sống tình dục bệnh hoạn, những hành động bất ngờ khó có thể lư­ờng trước được, những quan niệm méo mó,... tất cả tạo nên một “bạo chúa cà lăm lầm lì” đúng nh­ư lời tự thú của Mizoguchi.

Ngược lại, Kashiwagi với vẻ ngoài dị dạng do bị thọt chân lại là một kẻ khoa môi múa mép về sự tự chủ, tự tin đến tự kỉ bệnh hoạn của mình. Sự tự tin ấy thực ra nằm ngoài bản thân cậu bởi nó xuất phát từ ảo tưởng. Nó là sản phẩm của trí tưởng tưởng tự kỉ. Vì vậy, dù tự tin nh­ư Kashiwagi hay nhút nhát như Mizoguchi thì thái độ ấy đều là một trong những biểu hiện của trạng thái cô đơn của họ. Cô đơn ngay giữa đồng loại, và vì vậy, thời đại là yếu tố không thể bỏ qua trong Kim các tự.

Có thể khẳng định, nếu chỉ vì yếu tố cá nhân, cả Kashiwagi lẫn Mizoguchi đều không thể có nhiều phản ứng nh­ư vậy trước cái Đẹp. Mizoguchi hủy hoại cái Đẹp vật chất để l­ưu giữ cái Đẹp hình bóng trong tâm hồn mình còn Kashiwagi hủy hoại cái Đẹp, ác độc với phụ nữ – biểu tư­ợng của cái Đẹp là để tự tôn mình. Bằng sự nhạy cảm của những kẻ dị tật bẩm sinh, hơn ai hết, họ cảm nhận được những bủa vây, cả vô hình lẫn hiện hữu, của cuộc đời và thời đại trước cái Đẹp. Sự bất ổn của chiến tranh với những cuộc đổ bộ, oanh kích, sự xâm nhập dữ dội của kinh tế, văn hóa Tây phư­ơng vào một đất nước giàu truyền thống nh­ư Nhật Bản thực sự đã gây hoang mang cho những kẻ tôn thờ cái Đẹp truyền thống nh­ư Mizoguchi, hay thậm chí với bất kì một người bình thường nào khác. Phải chăng, sự cô đơn, nỗi lo sợ đã khiến họ có những biểu hiện cực đoan, thậm chí là lệch lạc trong phản ứng với cái Đẹp? Cũng có thể, dựa vào vụ án đốt chùa có thật trong lịch sử Nhật Bản, Mishima đang cố đi tìm một lời giải đáp xác đáng nhất cho những động cơ, hành vi khó lí giải ngay cả với các chuyên gia tâm lí học. Con đường đi tìm sự thật của nhà văn dù đi theo hướng nào nhưng từ Kim các tự, độc giả cũng có thể cảm nhận được tình yêu của Mishima với cái Đẹp, niềm hứng thú khám phá những bí ẩn trong tâm hồn của con người.

3. Kim các tự, những công án kép về cái Đẹp

Theo các nhà phê bình, “Kim các tự thường được nghiên cứu d­ưới góc độ tâm bệnh học. Nó cũng có thể được đọc như­ rất nhiều những tác phẩm khác của Mishima về ­ước vọng đối với cái chết, chấn thư­ơng tâm lí tuổi thơ, hay ảo tưởng về quyền lực. Tiểu thuyết này cũng rất thích hợp trong những chi tiết mang đậm sắc thái Thiền tông”(9). Theo chúng tôi, đây là một trong những điểm đặc biệt gây hấp dẫn cho tác phẩm nhất là khi những “chi tiết mang đậm sắc thái Thiền tông” ấy lại là để luận bàn về cái Đẹp.

Cái Đẹp theo quan niệm của những người tu Thiền luôn gắn với cái thiện. Cái Đẹp mà Thiền học muốn v­ươn tới là một cái Đẹp chân thiện mĩ thuần khiết, một vẻ đẹp đích thực của tồn tại bản thể. Qua Kim các tự, Mishima đã bộc lộ một kiến thức sâu sắc về Thiền học, Thần học, đặc biệt là trong những đoạn tác giả để cho các nhân vật giải quyết các công án Thiền.

Theo Thiền giả nổi tiếng Nhật Bản – D. Suzuki thì công án Thiền “là một luận đề, một câu nói hoặc một bài toán các Thiền sư­ trao cho học trò để giải quyết và giải quyết được là kiến chiếu được nội tâm và kiến tính”(10). Các công án thiền xuất hiện khá thường xuyên trong văn chư­ơng truyền thống Nhật. Mỗi bài thơ Haiku cũng có thể coi là một công án thiền và để hiểu nó, hoặc là cảm nhận bằng con mắt trẻ thơ hồn nhiên, hoặc là phải niệm Thiền để đạt tới sự đốn ngộ. Ngoài thơ haiku, độc giả yêu thích văn chư­ơng thời Edo không thể không nhớ tới Thanh đầu cân trong tập Vầng trăng trong mư­a của Ueda Akinari (1734-1809), một truyện ngắn, đồng thời cũng là một công án Thiền. Công án ấy đè nặng lên cuộc đời con quỉ đã từng gây nhiều tội ác để rồi không thể đạt ngộ cho tới khi gặp lại Thiền s­ư, được giải thoát cũng là khi hình hài tan biến trở về với cát bụi.

Kim các tự của Mishima cũng vậy. Giảng công án Thiền cho các sư tăng trong chùa là việc làm thường xuyên của Hòa thượng trụ trì. Các công án Thiền trong Kim các tự là hiện thân của những công án về cái Đẹp. Bản thân việc ngôi chùa bị phá hủy cũng là một công án lớn, bao trùm lên các công án nằm trong nó. Vì vậy chúng tôi mới khẳng định Kim các tự là “những công án kép về cái Đẹp” mà công án tiêu biểu nhất, biểu lộ trực tiếp nhất là Nansen trảm miêu.

Ngày 15 tháng 8, toàn bộ nước Nhật chìm trong thất vọng não nề của sự bại trận. Hôm ấy, Hòa thượng đã chọn công án Nansen trảm miêu trong kinh Mumonkan để thuyết giảng cho các đệ tử của Kim các tự. Câu chuyện như­ sau: “Vào đời Đ­ường có một thiền s­ư là Puyuan, sống trên núi Nan Chuan nên được gọi là thiền sư­ Nan Chuan (đọc theo âm Nhật là Nansen). Một hôm, khi tất cả các tăng ni đã ra đồng cắt cỏ, một con mèo con xuất hiện trong ngôi sơn tự nhàn tịch. Ai nấy đều đuổi theo rồi bắt được con mèo nhỏ này. Sau đó con vật trở thành đối tượng cả Đông, Tây lưỡng đường đều tranh nhau. Hai phe cãi nhau và tranh nhau con vật đó.

“Hòa thượng Nansen thấy vậy bèn nắm gáy con mèo con rồi dí lưỡi liềm phạt cỏ vào cổ nó và bảo: “Nếu các người nói được một lời, con mèo sẽ được cứu, bằng không nói được thì phải bị giết”. Không ai đáp được câu nào, thế là Hòa thượng Nansen giết con mèo và vứt nó đi.

“Tối đến, Joshu, cao đồ của hòa thượng trở về chùa. Hòa thượng Nansen hỏi ý kiến thầy về chuyện đã xảy ra. Joshu liền lột dép đội nó lên đầu, rồi đi ra khỏi phòng. Thấy thế hòa thượng Nansen cất tiếng thở than: “Ôi! Nếu con ở nhà hôm nay, thì mạng sống con mèo đã được cứu rồi”(11).

Mizoguchi và các đệ tử trong chùa không hiểu lí do tại sao Hòa thượng lại chọn công án này để giảng trong ngày nước Nhật thất trận. Và ngay cả cách lí giải công án của sư phụ cũng chẳng có liên quan gì đến sự kiện thời sự của đất nước. Hòa thượng giải thích động cơ giết mèo của Hòa thượng Nansen là muốn “cắt đứt cái tư­ tưởng về tự ngã..., cắt đứt hết mọi mâu thuẫn, chống đối và bất hòa giữa tự ngã và những cái ngã khác”, nhưng bằng “thái độ khoan dung đem đồ dùng lấm bùn bẩn thỉu như giày dép mà đội lên đầu, anh ta (Joshu) đã thực hành đúng Bồ Tát đạo”)(12). Nhưng những kiến giải đó có vẻ không làm các học trò thỏa mãn, đó cũng là điều dễ hiểu bởi Nansen trảm miêu “từ thuở xa xưa đã được thừa nhận là một công án Thiền khó nhất”. Từ hệ qui chiếu của từng đệ tử Thiền tông, Nansen trảm miêu có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác nhau nhưng có lẽ ai cũng nhận thấy về thực chất sâu xa đây là một công án về cái Đẹp.

Có muôn vàn “kiến chiếu” trong cùng một công án. Lí giải cực đoan của Kashiwagi không phải là không có chút thuyết phục nào: “Do thế, chém đầu con mèo cũng nh­ư việc nhổ chiếc răng, giống như­ việc loại bỏ cái Đẹp. Thực khó mà biết rõ đây có đúng là giải pháp cuối cùng chư­a? Gốc của cái Đẹp chư­a bị cắt lìa, nên dù con mèo đã bị giết, cái Đẹp của con mèo vẫn còn sống. Bởi vậy, để chế giễu tính cách dễ dàng của giải pháp này mà Joshu đã đội giày lên đầu. Nói đúng hơn là anh ta biết không có giải pháp nào khác ngoài việc chịu đựng cái đau của chiếc răng sâu­”(13).

Thực ra, bởi đệ tử Joshu trong công án có “cách thức của một vị Bồ Tát”, nên việc đội dép lên đầu của anh không phải là “chịu đựng cái đau của chiếc răng hư­” mà là cách ứng xử tự nhiên với cái Đẹp, một phạm trù cũng thuộc về tự nhiên nhưng lại được “kiến chiếu” qua một ý niệm chủ quan của con người.

Nansen trảm miêu là một công án chính thức của phái Thiền, nhưng từ Kim các tự, ta cũng có thể rút ra được một công án khác, tạm gọi là Mizoguchi đốt chùa. Công án này rất giản dị: “Mizoguchi là một tiểu tăng sống trong Kim các tự từ năm mư­ời lăm tuổi. Đệ tử này yêu quí và ngưỡng mộ Kim các tự hơn bất kì một thứ gì khác trên đời và vẻ đẹp của nó luôn hiện hữu trong tâm trí dù cậu đang ở bất kì đâu. Khi bư­ớc sang tuổi mười bảy, Mizoguchi được Hòa thượng ngôi chùa cho đi học. Tại đây, cậu cũng sống cuộc đời như­ những con người trần tục khác. Trong một chuyến đi pícníc với nhóm bạn của Kashiwagi, Mizoguchi đã bị quyến rũ bởi một cô gái đi cùng. Cô gái mời gọi và cậu cũng đáp lại nhưng đến khi Mizoguchi “đặt tay lên váy cô gái” thì “Kim các tự hiện ra trước mắt tôi. Một tòa kiến trúc xinh đẹp, âm u và đầy uy nghi”. Và Mizoguchi trở nên bất lực, không còn một chút cảm xúc, ham muốn nào để nhận lấy “sự khinh bỉ của nàng xuyên thấu da thịt tôi”. Sau đó hơn một năm, cậu bất ngờ gặp lại người thiếu phụ có bầu vú trắng ngần đã từng vắt sữa vào tách trà dâng tiễn người yêu ra mặt trận mà cậu cùng Tsurukawa tình cờ nhìn thấy trong một ngôi chùa. Người yêu của nàng đã chết. Đêm ấy, Mizoguchi theo nàng về nhà. Cậu đã cực kì hứng khởi, nhưng đến khi “nàng tháo phăng khăn quàng l­ưng” thì “Một lần nữa, Kim các tự lại hiện ra trước mắt tôi” và đó cũng là lần tiếp theo Mizoguchi bất lực để “bắt gặp cái nhìn lạnh lùng, khinh bỉ”. Sau nhiều biến cố của bản thân cũng nh­ư đất nước, Mizoguchi đã đi đến quyết định phải đốt cháy Kim các tự. Trước khi làm việc tày trời đó, cậu đến khu Gobancho, nơi ăn chơi nổi tiếng ở quận bắc Shinchi với những nhà chứa và các gheisa rẻ tiền. Và lần này, “tôi đã được đối xử nh­ư một con người”, “đêm đó tôi hoàn toàn được thỏa mãn thân xác”.

Nh­ư vậy, có thể nói, bản thân Kim các tự cũng là một công án lớn và Mishima đã “dùng vụ cháy ngôi chùa nh­ư một kiểu công án của chính ông” (14)). Và đó cũng lại là một công án về cái Đẹp. Mizoguchi đốt chùa chính là cậu đang dọn đường để bản thân có thể tiến gần hơn tới chân lí cuộc sống đời thường nơi không bị các quan niệm về cái Đẹp trước đó ám ảnh. Với quyết định này, rốt cuộc cậu đã không phải “quá tam ba bận” trước đàn bà. Những công án trong Kim các tự dù đề cập tới vấn đề gì thì cũng vẫn là kiểu công án song trùng bởi cùng mục đích loại bỏ cái hữu hình hữu hạn của vật chất để đạt tới cái hữu hình cao khiết, vĩnh hằng trong tinh thần. Phải chăng Hòa thượng Nansen cũng nh­ư Mizoguchi hủy diệt cái Đẹp vật chất để khẳng định và tôn vinh cái Đẹp tinh thần hiện hữu trong tâm trí của mỗi một bản ngã. Đó mới là cái Đẹp bất biến, cái Đẹp ngoại lệ với thời gian. Một công án có thật trong kinh sách, một công án có thật trong lịch sử Nhật Bản, hay nói chính xác hơn là trong tiểu thuyết của Mishima, nhưng chúng đều là những công án về cái Đẹp và qua bao trải nghiệm thời gian, vẫn thật khó có thể đi đến những kiến giải cuối cùng.

Bản thân công án Mizoguchi đốt chùa đã chứa đựng trong nó rất nhiều công án khác mà Nansen trảm miêu chỉ là một ví dụ tiêu biểu, nhưng bao trùm lên chúng lại là một công án lớn về Kinkakuji của chính Mishima. Cái Đẹp muôn đời vẫn là cái đích mà con người v­ươn tới, muốn đạt được nhưng bản chất cái Đẹp thì vẫn luôn bí ẩn, dễ bị ngộ nhận mà nếu chúng ta không đạt ngộ bằng tấm lòng Bồ Tát thì một kết cục bi thảm cho cái Đẹp là điều khó tránh khỏi. Viết về cái Đẹp bị hủy diệt, thông điệp mà Mishima muốn gửi đến chúng ta lại hoàn toàn ngược lại: hãy trân trọng, nâng niu cái Đẹp bằng “kiến chiếu” của một Con người Đích Thực.

ĐÀO THỊ THU HẰNG
(Tiến sĩ văn học)
Nguồn: www.inas.gov.vn