Desert Drive – Source:
Phillip Shane’s Blog
Truyện này được dịch
theo bản tiếng Pháp nên chọn nhan đề như trên ( Je ne voulais que téléphoner )
dù nó có vẻ chưa sát với nguyên bản tiếng Tây Ban Nha của tác giả ( Sole Vina a
Hablar por Teléfono ) - Tôi chỉ đến để gọi
điện thoại thôi.
Viết vào tháng 4/1978,
truyện kể về một ca sĩ trẻ đẹp trên đường lái xe giữa sa mạc phải dừng lại vì
xe hỏng. Cô quá giang một chiếc xe buýt để tìm nơi gọi điện thoại báo tin về
nhà. Số phận đẩy đưa cô vào một trại tâm thần, trở thành bệnh nhân bất đắc dĩ,
và ở mãi luôn nơi ấy. Truyện có nhiều tình tiết xen kẽ hư cấu với hiện thực, ly
kỳ, kinh dị, kiểu Edgar Allan Poe, bất ngờ, biến hoá, kiểu Guy de Maupassant.
Đây là một trong mười
hai truyện của tuyển tập “ Mười hai truyện ngắn phiêu lãng “ ( Doce cuentos
peregrinos ), bản dịch tiếng Pháp: Douze contes vagabonds, bản tiếng Anh:
Strange Pilgrims, Những người hành hương kỳ lạ.
Sách được xuất bản năm
1992, gồm những truyện tác giả đã sáng tác rải rác trong 18 năm trước đó, một
số là truyện kể đã in báo, có truyện vốn là kịch bản phim.
Hãy nghe Marquez chia sẻ quan niệm sáng tác của mình:
« Nỗ lực để viết một truyện ngắn cũng vất vả như cố gắng để khởi đầu
một tiểu thuyết. Bởi lẽ, trong chương đầu tiên của tiểu thuyết, mọi điều cần
được xác định ngay: cấu trúc, văn điệu, bút pháp, ngữ điệu, độ dài, và đôi khi
cả tính cách của nhân vật. Tất cả những gì tiếp theo chỉ là niềm vui được viết,
niềm vui thân thiện và cô đơn nhất của con người, và nếu không dành cả phần đời
còn lại để chữa đi chữa lại tác phẩm, chính là vì phải tự đặt cho mình sự câu
thúc khắt khe để kết thúc, chẳng kém gì sự đòi hỏi gắt gao phải bắt đầu nó.
Ngược lại, truyện ngắn chẳng có khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc, nó có vận
hành hay không, thế thôi. Và nếu nó không vận hành trót lọt thì kinh nghiệm bản
thân cũng như kinh nghiệm nhiều người khác chỉ ra rằng trong đa số trường hợp,
tốt hơn hết là viết lại từ đầu, hoặc ném truyện đó vào sọt rác. Có ai đó, tôi
không nhớ tên, đã diễn đạt ý trên bằng một câu an ủi: Người ta đánh giá một nhà
văn hay qua những gì họ đã xé bỏ hơn là qua những thứ họ in ra. » ( Trích lời tựa ).
Một số truyện đã viết,
Marquez để lạc hay bỏ quên đâu đó, sau viết lại, có thể đã khác đi so với bản
thảo đầu tiên, rồi gom góp lại đem in. Bằng cách này hay cách khác, tất cả tác
phẩm của Marquez đều trung thành với khuynh hướng “
hiện thực kỳ ảo “ làm nên tên tuổi cho nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính
trị người Colombia, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, được dịch, được đọc khắp các
châu lục.
Ngoài truyện ngắn, Marquez còn được nhắc tên với các tiểu thuyết nổi tiếng như Trăm năm
cô đơn, Tình yêu thời thổ tả... Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã trao tặng ông Giải
Nobel Văn học năm 1982, vì “ những tiểu thuyết và truyện ngắn, trong đó tưởng
tượng và hiện thực hoà vào nhau trong một vũ trụ thơ phong phú, phản ánh cuộc
sống và những xung đột của cả một châu lục.”
Gabriel Garcia Marquez (1928-2014)
Buổi
chiều có mưa xuân, Marcia de la Cruz Cervantes đang một mình lái chiếc xe thuê
được đi về Barcelone , xe bỗng bị hỏng hóc nơi sa mạc Monegros. Nàng lúc ấy hai
mươi bảy tuổi, một phụ nữ Mexico xinh đẹp và nghiêm túc, mấy năm trước đã từng
là một nghệ sĩ ca nhạc nổi tiếng.
Nàng kết hôn với một nhà
ảo thuật mà nàng gặp hôm đi thăm thân nhân ở Saragosse về. Sau cả tiếng đồng hồ
vẫy tay vô vọng đón các xe hơi xe tải đang vùn vụt lướt qua mãi cho
đến khi người tài xế một chiếc xe tải xơ xác thương tình dừng lại. Thế nhưng
anh ta báo ngay cho nàng biết là anh sẽ không đi xa lắm.
“ Vâng, không sao, Maria
nói, tôi chỉ cần đến nơi nào có thể gọi điện thoại thôi.”
Đúng
như vậy, bởi
nàng cần báo cho chồng biết là nàng không thể về nhà trước bảy giờ tối. Mặc một
chiếc áo khoác kiểu sinh viên, chân mang dép đi biển vào giữa tiết tháng tư,
nàng trông giống con chim nhỏ ướt nhẹp, và sự việc làm nàng bối rối đến độ quên
lấy chìa khoá xe mang theo.
Một phụ nữ vẻ dáng nhà
binh nhưng cử chỉ dịu dàng ngồi cạnh tài xế đưa cho nàng một khăn mặt và tấm
chăn, rồi thu xếp cho nàng đến ngồi bên cạnh. Lau mặt qua loa, Maria ngồi
xuống, quấn người trong chăn và cố gắng châm một điếu thuốc nhưng
diêm quẹt của nàng bị ướt.
Người phụ nữ ngồi bên
cạnh vội mồi lửa cho nàng và hỏi xin một điếu trong số những điếu thuốc còn
khô. Trong khi hai người hút thuốc, Maria bỗng thấy thèm chia sẻ tâm sự và lên
tiếng hơi cao giọng để át tiếng mưa và tiếng lọc cọc của chiếc xe. Người phụ nữ
đặt ngón tay lên môi ra dấu ngắt lời nàng:
“ Họ đang ngủ.” Bà thì
thầm.
Maria nhìn qua vai bà ta
và thấy xe buýt đầy nghẹt những những người đàn bà thuộc nhiều lứa tuổi và thân
phận không giống nhau, họ đang ngủ, trùm kín trong những chiếc chăn giống của
nàng. Vẻ yên tĩnh của họ lan sang nàng, Maria co người lại trên ghế, thả hồn
theo tiếng mưa rơi đều đặn. Khi nàng tỉnh giấc, trời đã tối, cơn bão đã dịu
lại, biến thành một cơn mưa bụi lạnh buốt. Nàng không có chút khái niệm nào về
thời gian thiếp ngủ bao lâu, cũng không rõ đang ở nơi đâu. Người bên cạnh thì
vẫn tỉnh táo.
“ Ta đang ở đâu vậy?”,
Maria hỏi.
“ Chúng ta đã đến nơi.”
Người bên cạnh trả lời.
Chiếc xe buýt đi vào cái
sân lát gạch của toà nhà to lớn âm u, trông giống như một tu viện cổ nằm trong
một khu rừng với những cây cổ thụ. Hành khách trên xe, được ngọn đèn trong sân
soi sáng lờ mờ, vẫn ngồi bất động cho đến khi người phụ nữ dáng vẻ nhà binh ra
lệnh đi xuống bằng cách nói thô lỗ như hay dùng ở trường mẫu giáo. Họ đều đã
luống tuổi, di chuyển trong sân tối chậm rãi, tưởng chừng như những hình ảnh
trong mơ. Maria xuống xe sau cùng, nàng nghĩ rằng mấy bà kia là
những nữ tu. Nàng đổi ý kiến ngay khi thoáng thấy nhiều người đàn bà khác mặc
đồng phục đến đón họ trước cửa xe buýt, trùm lên đầu họ những chiếc chăn cho
khỏi ướt, và cho họ xếp hàng một, không nói gì mà điều khiển ra lệnh cho họ
bằng cách vỗ tay đều đặn, kiên quyết. Maria chào từ biệt và xin gởi lại tấm
chăn cho người ngồi cạnh ban nãy, nhưng bà bảo nàng cứ giữ lại để trùm đầu khi
băng qua sân rồi hãy trả lại cho phòng trực.
“ Ở đây có điện thoại
không? “ Maria hỏi.
“ Tất nhiên là có. Họ sẽ
dẫn cô đến chỗ điện thoại . “ bà ta trả lời.
Bà hỏi xin Maria một
điếu thuốc nữa, nàng đưa hết cho bà tất cả số còn lại trong gói thuốc ẩm ướt. “
Đi đường chúng sẽ khô dần”, nàng nói. Đứng trên bậc lên xuống, bà ta vẫy tay
chào và nói lớn: “ Chúc may mắn.” Xe buýt chạy đi, không để nàng có thì giờ nói
thêm gì khác.
Maria chạy về hướng cửa
lớn của toà nhà. Một bà quản giáo vỗ tay cố ngăn nàng lại rồi hét lên đầy tức
giận: “ Dừng lại! Tao bảo dừng lại! “ Maria hé tấm chăn trùm đầu ra nhìn, thấy
đôi mắt lạnh như băng và ngón tay trỏ lạnh lùng chỉ nàng đi vào hàng. Nàng tuân
lệnh. Khi vào bên trong tiền sảnh, nàng tách ra khỏi nhóm và hỏi người gác cửa
điện thoại chỗ nào. Một trong những quản giáo vỗ nhẹ vào lưng bảo nàng trở vào
hàng và nhỏ nhẹ nói:
“ Phía này, cưng ạ, điện
thoại ở phía này.”
Maria đi cùng mấy người
đàn bà dọc theo một hành lang tối tăm rồi bước vào một phòng ngủ chung, nơi đây
các bà quản giáo thu lại chăn mền và chỉ giường nằm cho mỗi người. Có một bà
khác, Maria thấy có vẻ nhân đạo hơn và ở cấp cao hơn, quan sát hàng người, đối
chiếu danh sách với tên từng người ghi trên những miếng bìa đính vào vạt áo
những người mới tới. Khi dừng lại trước mặt Maria, bà tỏ vẻ ngạc nhiên thấy
nàng không mang bất kỳ thẻ nhận diện nhân dạng nào.
“ Tôi chỉ đến để gọi
điện thoại thôi”, Maria nói với bà.
Nàng giải thích vắn tắt
với bà là xe của nàng bị chết máy dọc đường. Chồng nàng, người làm trò ảo thuật
biểu diễn trong các tiệc liên hoan, đang chờ nàng ở Barcelone, nơi họ có ba
cuộc biểu diễn tối hôm đó. Nàng muốn báo cho chồng biết không đến kịp để đi
cùng. Đã gần bảy giờ tối. Giờ này chồng nàng chuẩn bị ra đi, nàng e rằng chồng
sẽ huỷ bỏ mọi chuyện vì nàng về trễ. Bà quản giáo tỏ vẻ chăm chú nghe nàng nói.
“ Tên cô là gì?” bà hỏi.
Maria nói tên nàng và
thở phào nhẹ nhõm, trong khi bà quản giáo dò đi dò lại nhiều lần trong danh
sách mà không thấy tên. Lo lắng, bà hỏi một bà quản giáo khác, bà ta cũng chẳng
nói gì, chỉ nhún vai.
“ Nhưng tôi đến chỉ để
gọi điện thoại thôi mà.” Maria biện bạch.
“Được
rồi, cưng ạ, bà bề trên bảo nàng trong khi đẩy nàng về giường bằng một sự dịu
dàng chẳng giấu vẻ dứt khoát. Nếu con ngoan, con sẽ được phép gọi điện thoại
cho bất cứ ai con muốn. Nhưng không phải ngay bây giờ mà ngày mai.”
Một ý tưởng vụt qua đầu
Maria, nàng chợt hiểu vì sao những người đàn bà trên xe buýt di chuyển như đang
lượn lờ dưới đáy hồ cá. Họ đã bị cho uống thuốc an thần, và toà nhà tăm tối
kia, với tường đá dày và cầu thang giá lạnh, thực tế là một bệnh viện dành cho
nữ bệnh nhân tâm thần. Nàng hoảng loạn chạy ra khỏi hành lang phòng ngủ, tuy
nhiên, trước khi chạy đến cửa, nàng bị một bà quản giáo khổng lồ mặc bộ đồ xanh
của thợ cơ khí ngáng chân chặn lại và giữ nàng nằm bất động trên sàn
bằng một đòn mãnh liệt. Maria hoảng sợ chết điếng người, dáo dác nhìn quanh.
“ Ôi, lạy Chúa”, nàng
nói. “Tôi thề có hương hồn mẹ tôi là tôi đến chỉ để gọi điện thoại thôi.”
Chỉ cần nhìn vào
nét mặt của mụ quỷ ám mặc đồ thợ máy kia, vốn được mệnh danh là Herculina vì thân hình quá khổ, Maria cũng đủ hiểu là mọi van nài đều vô
ích. Mụ ta được giao đảm nhận những ca khó khăn, và hai bệnh nhân bị nhốt đã bị
cánh tay gấu bắc cực của mụ ta siết cổ chết, cánh tay đã thành thạo trong việc
giết chết người do bất cẩn. Trường hợp thứ nhất đã được kết luận là do tai nạn.
Còn trường hợp thứ hai, sự việc lộ liễu hơn, mụ ta bị khiển trách và cảnh báo
rằng nếu việc tương tự xảy ra thì sẽ bị điều tra cặn kẽ hơn. Tuy nhiên dư luận
cho rằng con cừu lạc loài kia thuộc về một gia đình danh tiếng, sau lưng mụ là
một loạt những tai nạn đáng ngờ từng xảy ra tại các bệnh viện tâm thần ở Tây
Ban Nha.
Đêm đầu tiên, để nàng
ngủ yên, người ta đã tiêm một liều thuốc an thần. Khi cơn thèm thuốc lá đánh
thức nàng dậy trước khi trời sáng, nàng thấy cổ tay và khuỷu chân bị cột vào
thành giường. Nàng la hét, nhưng chẳng ai đến. Buổi sáng, trong khi ở Barcelone chồng nàng không tìm thấy dấu vết của nàng, thì ở đây nàng được
dẫn đến nhà thương vì bị phát hiện nằm bất tỉnh trong đống rác rưởi
bẩn thỉu.
Nàng không biết mất bao
lâu mới tỉnh lại. Thế giới bây giờ đối với nàng là thiên đường tình yêu, và nơi
chân giường nàng, một ông già to lớn với những bước đi trên lòng bàn chân, với
nụ cười tin cậy, đã mang lại cho nàng niềm vui sống chỉ bằng vài cử chỉ gọn
gàng. Đó là giám đốc bệnh viện.
Trước khi giải thích mọi
chuyện cho ông, trước cả khi lên tiếng chào hỏi, nàng xin ông điếu thuốc. Ông
trao cho nàng một điếu đã đốt và tặng nàng luôn cả gói còn đầy. Maria không cầm
được nước mắt.
“ Con cứ việc khóc đi,
ông nói, giọng vỗ về. Nước mắt là phương thuốc hiệu nghiệm nhất.”
Maria trút niềm tâm sự
không e dè, trước đây nàng chưa hề làm được điều đó với những người tình một
đêm trong khoảng thời gian trống rỗng sau khi làm tình. Vừa nghe nàng nói, vị
bác sĩ dùng mấy ngón tay vuốt nhẹ tóc nàng, xếp lại gối nàng nằm cho dễ thở
hơn, hướng dẫn nàng những bí quyết thoát khỏi hoang mang với sự khôn ngoan dịu
dàng từ trước đến nay nàng chưa hề mơ tới. Đó là lần đầu tiên trong đời nàng
biết được điều kỳ diệu là được một người đàn ông toàn tâm toàn ý thông cảm lắng
nghe mà không mong được đền bù là lên giường với nàng. Sau một tiếng nói hết
mọi điều, nàng xin phép ông được gọi điện thoại nói chuyện với chồng.
Bác sĩ đứng lên với tất
cả vẻ trịnh trọng đúng đẳng cấp. “ Chưa phải lúc, nữ hoàng của tôi ạ, ông nói,
tay vỗ nhẹ má nàng với vẻ âu yếm nàng chưa hề biết được, mọi việc phải đúng lúc
chứ.” Ra đến cửa, ông chúc phúc cho nàng với cung cách nhà tu hành trước khi
biến mất mãi mãi.
“ Hãy tin tưởng nơi tôi
“, ông bảo nàng.
Cùng chiều ngày hôm đó,
người ta ghi tên Maria ở bệnh viện tâm thần với số thẻ mang theo ghi chú ngắn
gọn về sự bí ẩn nơi nàng xuất phát và những hồ nghi về lai lịch. Bên lề còn
chua thêm nhận xét của bác sĩ giám đốc: hay quậy phá.
Đúng như Maria tiên liệu,
chồng nàng đã rời căn hộ khiêm tốn của họ ở khu Horta trễ nửa giờ để đi đến ba
buổi biểu diễn đã ấn định. Sau hai năm họ tự nguyện chung sống rất hoà hợp, đây
là lần đầu tiên nàng không đúng giờ, và anh nghĩ lý do là những cơn mưa dữ dội
đã đổ xuống cả vùng suốt những ngày cuối tuần. Trước khi ra khỏi nhà, anh ghim
một bức thư ngắn chỉ rõ lộ trình đêm đó.
Ở nơi biểu diễn thứ
nhất, mấy đứa trẻ cải trang thành những con kangourou, anh không thực hiện tiết
mục hay nhất với những con cá vô hình, vì không có nàng làm trợ diễn. Buổi diễn
thứ nhì tại nhà một bà già chín mươi ba tuổi ngồi xe lăn, bà tự hào đã ăn mừng
ba mươi sinh nhật sau cùng bằng cách mời ba mươi nhà ảo thuật khác nhau. Anh
quá bối rối vì sự vắng mặt của Maria nên không tập trung diễn những trò đơn
giản nhất được. Buổi diễn thứ ba, như thường lệ, tại một quán cà phê trên đường
Rambla, anh đã thực hiện chẳng hay ho gì trước một nhóm du khách người Pháp, họ
không thể tin những điều nhìn thấy vì họ vốn không tin ma thuật. Cứ sau mỗi
cuộc diễn anh lại gọi về nhà, với hy vọng nàng sẽ trả lời, nhưng chỉ hoài công.
Cuối cùng, anh không kìm được nỗi lo lắng là có điều gì bất trắc xảy đến cho
nàng.
Trên đường về nhà trên
chiếc xe tải nhỏ được trang bị để làm sàn diễn, anh nhìn thấy vẻ huy hoàng của
mùa xuân nơi những cây cọ dọc đường Gracia và rùng mình với hình ảnh thê lương
của thành phố nếu không có Maria. Hy vọng cuối cùng của anh vụt tắt khi nhìn
thấy bức thư nhỏ vẫn còn đính nơi cửa. Anh hoảng loạn đến nỗi quên cả việc cho
mèo ăn.
Giờ đây, khi viết lại
câu chuyện này, tôi chợt nhận ra là tôi chưa hề biết tên anh ta, bởi vì ở Barcelone, người ta chỉ biết anh ta qua nghệ danh: ảo thuật gia
Saturno. Anh là người tính bốc đồng, khó ưa trong giao tiếp xã hội, trong khi
Maria lại có những đặc điểm mà anh thiếu, nàng rất tinh tế và duyên dáng. Chính
nàng đã dẫn dắt anh trong cái cộng đồng khá bí hiểm kia, nơi không người đàn
ông nào lại có ý tưởng sau nửa đêm lại bật điện thoại hỏi bạn xem có biết vợ
mình ở nơi đâu không. Saturno đã làm thế ngay khi hai người mới về ở khu này,
và anh không muốn nhắc chuyện đó nữa. Và thế là đêm hôm đó anh gọi điện thoại
đến Saragosse và một bà ngoại còn ngái ngủ bình thản trả lời anh là Maria đã bỏ
đi ngay sau bữa ăn trưa. Anh chỉ chợp mắt được đâu khoảng một tiếng lúc rạng
sáng. Anh trải qua một giấc mơ lộn xộn, trong đó anh thấy Maria mặc áo cưới tả
tơi, lốm đốm vết máu, và anh bừng tỉnh với niềm tin thảm hại rằng nàng đã bỏ
anh lần nữa và vĩnh viễn để mặc anh giữa cuộc đời mênh mông này mà không có
nàng bên cạnh.
Trong vòng năm năm qua,
nàng đã bỏ ba người đàn ông, trong đó có anh. Nàng đã bỏ anh ở Mexico sáu tháng
sau khi hai người gặp nhau, giữa lúc cả hai đang ngập tràn hạnh phúc điên rồ
trong một căn phòng ở Colonia Anzures. Một sáng kia, sau một đêm hoan lạc ngông
cuồng, lúc thức dậy anh không còn thấy nàng bên cạnh. Nàng đã để lại tất cả
những gì mình có, kể cả chiếc nhẫn cưới của cuộc hôn nhân trước, cũng như một
bức thư trong đó nàng nói là không thể sống được với những dằn vặt của cuộc
tình phóng túng này. Saturno nghĩ là nàng trở về với người chồng đầu tiên, một
bạn học cũ thời trung học nàng đã lén gia đình kết hôn khi còn vị
thành niên, rồi bỏ rơi để đi theo người khác sau hai năm chung sống
không tình yêu. Nhưng không phải thế: nàng quay về nhà bố mẹ và Saturno đã tìm
gặp để đem nàng về bằng bất cứ giá nào. Anh đã năn nỉ nàng đủ điều, đã thề hứa
mọi thứ, nhưng vấp phải một sự quyết đoán không lay chuyển. Nàng bảo anh : “ Có
những tình yêu lâu bền, những cuộc tình khác thì không.”, rồi kết luận tàn nhẫn:
cuộc tình này không thể bền chặt được! “ Anh đành đầu hàng tính không khoan
nhượng của nàng. Ấy vậy mà, trong buổi sớm mai của ngày lễ Các Thánh, khi anh
trở về căn phòng đơn côi của mình sau một năm cố tìm quên lãng, anh lại thấy
nàng nằm ngủ trên chiếc ghế nơi phòng khách với vòng vương miện hoa cam trên
đầu và tà áo cưới dài thậm thượt của những cô dâu trinh trắng.
Maria kể anh nghe sự
thật. Vị hôn phu mới của nàng, một người goá vợ không con, có vị trí tốt, tuyên
bố sẵn sàng tổ chức kết hôn ở nhà thờ, nhưng lại bỏ nàng lẻ loi trong bộ áo
cưới trắng đứng chờ trước bàn thờ làm lễ. Bố mẹ nàng quyết định cứ tiến hành
cuộc lễ và nàng cũng diễn trò, nhảy múa, ca hát, uống rượu thật nhiều trong tâm
trạng hối hận đau xót muộn màng, rồi đến nửa đêm bỏ đi tìm Saturno.
Anh không có nhà nhưng
nàng cũng tìm được chìa khoá nơi chậu hoa ở hành lang, chỗ họ thường
cất giấu. Lần này, chính nàng là người đầu hàng vô điều kiện: “ Rồi sẽ kéo dài
bao lâu đây? “ , anh hỏi nàng. Thay lời đáp, nàng đọc câu thơ của Vinicius de
Moraes:
“Bao lâu ta vẫn chung
tình,
Cuộc tình đôi lứa sẽ
thành thiên thu.”
Hai năm sau, tình yêu
hai người vẫn mặn nồng.
Maria ngày càng chín
chắn hơn. Nàng khước từ giấc mộng thành diễn viên và phục tùng anh trọn vẹn,
trên giường ngủ cũng như trong công việc. Cuối năm ngoái, họ đã tham dự đại hội
ảo thuật gia ở Perpignan và lúc về ghé qua Barcelone. Họ rất thích thành phố này,
sống ở đó tám tháng, kiếm đủ tiền để mua một căn hộ trong khu vực mang đầy tính
cách xứ catalan của quận Horta. Căn hộ ở nơi ồn ào, không có người giúp việc
nhưng khá rộng đủ chỗ cho năm đứa trẻ. Họ sống hạnh phúc nơi này, cho đến cái
ngày cuối tuần nàng thuê chiếc xe để lái về Saragosse thăm gia đình, hứa là sẽ
quay lại vào bảy giờ tối thứ hai. Đến rạng sáng ngày thứ năm, nàng vẫn bặt vô
âm tín.
***
Ngày thứ hai sau đó,
hãng bảo hiểm chiếc xe được Maria thuê gọi điện thoại đến hỏi tin tức về nàng.
“ Tôi không hay biết gì hết, Saturno nói. Hãy tìm cô ấy ở Saragosse.” Rồi anh
gác máy. Một tuần sau, một nhân viên cảnh sát mặc thường phục đến nhà và cho
biết chiếc xe được tìm thấy chỉ còn khung sườn trên con đường mòn không xa
Cadix, cách nơi Maria bỏ lại nó chín trăm cây số. Viên cảnh sát muốn hỏi xem
nàng có thể cung cấp chi tiết về vụ trộm này không. Saturno đang bận cho mèo
ăn, anh chẳng buồn nhìn lên mà đáp thẳng thừng rằng đừng mất thì giờ vô ích, vợ
anh đã bỏ anh đi và anh hiện không rõ cô ấy đi với ai, hay đi đâu. Anh nói quả
quyết đến mức viên cảnh sát cảm thấy lúng túng và ngỏ lời xin lỗi. Vụ việc được
xếp lại.
Nỗi lo sợ có thể Maria
lại bỏ rơi anh lần nữa cứ ám ảnh Saturno vào dịp lễ Phục sinh, ở Cadaqués, nơi
Rosa Régas đã mời hai người đến chơi thuyền buồm. Trong quán Maritim, một quán
rượu ồn ào dơ bẩn, nơi lui tới của “ phái tả thiêng liêng “ trong buổi xế chiều
của chế độ độc tài Franco, chúng tôi gồm hai mươi người ngồi chen chúc nơi
chiếc bàn sắt chỉ đủ chỗ cho sáu người. Sau khi hút sạch gói thuốc thứ hai
trong ngày, Maria hết diêm quẹt. Một cánh tay khẳng khiu, rắn rỏi, mang vòng
đồng kiểu La Mã, vẹt lối qua đám đông ồn ào đến mồi lửa cho nàng. Nàng nói cảm
ơn mà không thèm nhìn, nhưng Saturno, ảo thuật gia thấy hắn ta. Đấy là một gã thiếu
niên xương xẩu, nhẵn nhụi, xanh mét, bím tóc đen đuôi ngựa buông thả xuống đến
ngực. Các cánh cửa của quán rượu cố che chắn ngọn gió bấc mùa xuân, hắn chỉ mặc
bộ đồ ngủ vải thô và mang guốc của nông dân.
Họ chỉ gặp lại gã đó vào
cuối mùa thu trong một tiệm ăn hải sản ở Barcelone, hắn vẫn mặc áo khoác bằng
sợi bông thô, tóc bện dài thay cho bím đuôi ngựa. Hắn chào cả hai người như thể
là bạn cố tri, và cái cách hắn ôm hôn Maria và cách nàng hôn đáp trả khiến
Saturno điếng người, tin rằng thế nào họ cũng đã gặp nhau mà anh không hề hay
biết. Vài hôm sau, anh tình cờ nhìn thấy một cái tên lạ và số điện thoại do tay
Maria ghi trong sổ điện thoại, và sự sáng suốt nghiệt ngã của lòng ghen tuông
đã cho anh thấy người đó là ai. Lai lịch của kẻ tiếm vị là đòn quyết định: hai
mươi hai tuổi, con trai duy nhất một gia đình giàu có, hoạ sĩ trang trí cho
những của hàng thời trang, nổi danh là dân lưỡng tính, mọi người đều biết rõ
trong giới trai bao của những phụ nữ có chồng. Tuy vậy, Saturno vẫn kềm chế cho
đến một tối Maria không về nhà. Rồi anh bắt đầu gọi điện thoại cho gã trai trẻ
kia, gọi mỗi ngày, hai, ba tiếng một lần, từ sáu giờ sáng cho đến rạng sáng hôm
sau, sau đó bất cứ lúc nào ở gần điện thoại là anh gọi. Không ai trả lời lại
càng khiến anh đau đớn dằn vặt hơn.
Ngày thứ tư, một bà
người Andalouse trả lời là bà chỉ đến đó làm việc nhà. “ Ông ấy đi rồi”, bà nói
thêm, kiểu mơ hồ khiến anh càng điên tiết. Saturno không cưỡng lại sự cám dỗ
muốn hỏi xem cô Maria có ở đó không.
“ Không có cô Maria nào
ở đây cả, ông ạ, bà kia trả lời. Ông ấy độc thân.”
“ Tôi biết rồi, anh nói.
Cô ấy không ở đó, nhưng thỉnh thoảng có đến, phải vậy không? “
Bà ta nổi cáu:
“ Mẹ kiếp. Ai ở đầu dây
vậy?”
Saturno gác máy.
Sự không thoải mái của bà đó có vẻ củng cố thêm lòng nghi ngờ của anh nay là sự
xác tín dứt khoát. Những ngày tiếp theo anh gọi cho tất cả những người quen ở
Barcelone, lần lượt theo thứ tự A B C trong danh bạ. Không ai cho anh thông tin
nào, nhưng mỗi cuộc điện thoại chỉ làm nỗi đau khổ của anh thêm trầm trọng bởi
vì sự ghen tuông điên loạn của anh đã nổi tiếng trong đám thức đêm xấu nết của
“ phái tả thiêng liêng “, bọn chúng đáp lời anh bằng mọi lời trêu chọc chỉ để
làm anh khổ sở. Lúc này anh mới thấy mình cô đơn biết nhường nào trong thành
phố xinh đẹp, bốc đồng và khó hiểu này, ở đây anh sẽ chẳng còn tìm lại được
hạnh phúc. Đến rạng sáng, anh cho mèo ăn, dằn lòng tránh ý định tìm cái chết và
cố quên Maria.
***
Hai tháng sau, Maria vẫn
chưa thích ứng được với cuộc sống ở bệnh viện tâm thần. Nàng sống sót nhờ cố
nhấm nháp phần ăn đựng trong khay gắn chặt với chiếc bàn to bằng gỗ thô, mắt
nhìn chăm chú vào phiến đá khắc hình tướng Franco đang trùm lên phòng ăn u ám
kiểu Trung cổ. Ban đầu, nàng từ chối tham dự những giờ khắc tôn giáo theo cái
thông lệ vô hồn, kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều, cũng như các lễ khác chiếm
hầu hết thời gian. Nàng khước từ chơi bóng trong sân, không chịu làm hoa giả
nơi xưởng thủ công, trong khi một nhóm người ẩn cư khác thích thú nhiệt tình.
Nhưng đến tuần lễ thứ ba, nàng bắt đầu làm quen với đời sống nơi nhà kín đó.
Các bác sĩ nói, ban đầu ai cũng thế, cuối cùng sớm hay muộn đều hoà
nhập vào cộng đồng cả thôi.
Việc thiếu thuốc lá ban
đầu nguôi ngoai nhờ có một quản giáo bán cho với giá đắt như vàng, rồi trở lại
hành hạ nàng khi số tiền ít ỏi mang theo vơi dần. Nàng tự an ủi bằng cách hút
những điếu thuốc quấn bằng giấy báo do những người nội trú khác tự chế ra bằng
những mẩu thuốc lượm trong thùng rác. Nỗi ám ảnh thuốc lá đối với nàng cũng tệ
hại như ám ảnh về chiếc điện thoại. Mấy đồng tiền lẻ nàng kiếm được bằng cách
làm hoa giả cũng chỉ mang lại mấy phút thoải mái ngắn ngủi.
Điều đau khổ nhất là nỗi
cô đơn lúc về đêm. Nhiều người cũng không ngủ được trong bóng tối lờ mờ như
nàng, nhưng chẳng ai dám làm gì bởi luôn có những quản giáo canh chừng nơi cửa
lớn khoá chặt và xích kỹ. Tuy thế, một đêm, buồn phiền quá mức, nàng lên tiếng
hỏi, giọng hơi to để người nằm giường bên nghe được:
“ Chúng ta đang ở đâu
đây? “
Người bên cạnh đáp,
giọng trầm, tỉnh táo:
“ Dưới đáy địa ngục.”
“ Họ bảo đây là xứ của
dân Maures “, giọng một người khác từ xa vang lên cả phòng ngủ. Điều đó có thể
đúng, vì mùa hè, khi trăng tròn, người ta có thể nghe tiếng chó tru về hướng biển.”
Có tiếng xiềng xích chạm
nhau nghe tiếng mỏ neo thuyền, cửa mở. Người gác cửa khắc nghiệt, sinh vật duy
nhất còn có vẻ sinh động trong cõi im lặng bao trùm, bắt đầu đi từ đầu
này đến đầu kia phòng ngủ. Maria run rẩy: chỉ nàng biết tại sao.
Ngay tuần đầu tiên khi
nàng vào dưỡng đường này, mụ quản giáo trực đêm đã trắng trợn đề nghị nàng đến
ngủ với mụ trong phòng trực. Mụ ta đi thẳng vào vấn đề với phương pháp cụ thể
đầy tính mua bán: đổi tình lấy thuốc lá, sô cô la, hay bất cứ thứ gì. Mụ hổn hển
nói: “ Cô em sẽ có mọi thứ. Em sẽ là bà hoàng của ta.” Trước sự khước từ của
Maria, mụ đổi chiến thuật, nhét những bức thư ngọt ngào dưới gối nàng, trong áo
nàng, ở cả những nơi bất ngờ nhất. Thư khẩn cầu thiết tha có thể làm xiêu lòng
cả sỏi đá. Cái đêm xảy ra biến cố nơi phòng ngủ, cách đây hơn một tháng, nàng
hầu như chấp nhận đầu hàng.
Khi biết chắc là những
người cùng phòng đã ngủ say, mụ quản giáo đã tiến đến gần
giường của Maria, thì thầm vào tai nàng mọi lời khiêu dâm êm ái, trong khi hôn
vào mặt nàng, cổ nàng tê cứng vì kinh hoàng, tay nàng co quắp lại, chân nàng rã
rời. Sau đó, cho là Maria tê liệt không phải vì sợ mà đó là sự thoả thuận kín
đáo, mụ cố làm tới. Maria lật tay đánh mụ ta bật sang giường bên cạnh. Mụ quản
giáo giận dữ ngồi dậy giữa đám đông nhốn nháo những người cùng phòng hoảng loạn.
“ Đồ chó cái, mụ gào
lên. Mày với tao sẽ mục rữa trong cái ổ bẩn thỉu này cho đến lúc mày phát điên
lên vì tao.”
Mùa hè đến đột ngột không báo
trước vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng sáu, nhiều biện pháp khẩn cấp được
áp dụng vì những người ở trong bệnh viện tâm thần ngột ngạt cởi bỏ các áo
choàng vải ngay giữa buổi lễ. Maria vui vẻ chứng kiến cảnh các người bệnh này
chổng mông bị đám quản giáo rượt đuổi trong gian giữa và các phía hai bên.
Trong đám lộn xộn đó, nàng cố tự bảo vệ khỏi những cú đánh vô tội vạ, rồi chẳng
biết do đâu nàng bỗng thấy một mình nơi một văn phòng bỏ trống có tiếng chuông
điện thoại reo liên tục. Maria nhấc máy không cần cảnh giác và nghe thấy một
giọng nói vui vẻ từ xa có vẻ nhại tiếng đồng hồ báo giờ:
“ Bây giờ là bốn mươi
lăm giờ, chín mươi hai phút và một trăm lẻ bảy giây.”
“ Nhảm nhí”, Maria nói.
Nàng mỉm cười gác lại
máy. Trước khi rời căn phòng, nàng chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có.
Nàng quay sáu chữ số, lo lắng, vội vàng đến độ không chắc là mình bấm đúng số.
Nàng chờ đợi, tim đập thình thịch, nghe âm thanh khao khát, buồn bã của
tiếng chuông đổ quen thuộc, một hồi, hai hồi, ba hồi, và cuối cùng là giọng nói
của người nàng yêu thương trong căn nhà của nàng nay vắng nàng.
“ Allô? “
Nàng phải chờ vài phút
cho ngấn nước mắt nơi cổ họng tan đi mới lên tiếng:
“ Anh ơi, anh yêu dấu
ơi”, nàng thở dài.
Nàng thổn thức. Ở đầu
dây bên kia, một thoáng im lặng bàng hoàng rồi một giọng nói cháy bỏng vì ghen
tuông vọt ra thành lời:
“ Đồ đĩ thoả!”
Và anh gác máy.
Cùng tối hôm đó, trong
cơn mê sảng cuồng loạn, Maria giật tấm bảng đá khắc hình tướng Franco ra khỏi
tường, cố hết sức ném mình vào cửa kính nơi khu vườn, ngã xuống, bê bết máu.
Nàng vẫn còn nổi giận chống chọi những người bảo vệ cố khống chế nàng, nhưng
không thành công, cho đến khi nhìn thấy mụ Herculina đứng nơi khung cửa, tay
khoanh lại, nhìn nàng trừng trừng. Maria buông vũ khí. Mặc dù vậy, bọn họ vẫn kéo
nàng đến khu dành cho bệnh nhân nguy hiểm, quật ngã nàng bằng một vòi nước lạnh
giá và chích vào chân nàng một mũi thuốc tê. Chân bị sưng nặng khiến nàng không
bước đi được, Maria nhận thức rằng giờ này không có gì mà nàng không dám làm để
thoát khỏi cảnh địa ngục này. Tuần kế tiếp, khi trở về phòng ngủ, nàng rón rén
đến gõ cửa phòng mụ quản giáo trực đêm.
Maria đưa trước cái giá
là mụ quản giáo phải đưa tin cho chồng nàng. Mụ ta đồng ý, với điều kiện là
chuyện trao đổi này phải được giữ kín. Mụ chỉ thẳng tay vào mặt nàng:
“ Nếu có ai biết chuyện
này, mày sẽ chết.”
Nhờ như vậy mà ngày thứ
bảy sau đó ảo thuật gia Saturno lái chiếc xe làm xiếc đến chỗ bệnh viện tâm
thần sửa soạn ăn mừng đón Maria trở về. Đích thân giám đốc bệnh viện đón anh
nơi văn phòng, một nơi sạch sẽ, ngăn nắp như một tàu chiến, và đưa cho anh bản
tường trình đầy tình cảm về tình trạng sức khoẻ của vợ anh. Không ai biết được
nàng đã từ đâu đến, bằng cách nào và lúc nào bởi vì thông tin đầu tiên
liên quan đến việc nàng đến ở nơi đây là giấy nhập viện chính thức
trong sổ sách mà chính ông đã đọc cho người khác ghi sau khi thăm khám nàng.
Một cuộc thẩm tra ngay trong ngày hôm đó cũng không đưa đến đâu. Dù sao, điều
làm cho ông giám đốc thắc mắc là làm sao Saturno biết được vợ mình đang ở đâu.
Saturno cố bảo vệ cho bà quản giáo.
“ Công ty bảo hiểm chiếc
xe cho tôi biết “ , anh nói.
Ông giám đốc hài lòng
nói:
“ Tôi không hiểu mấy
hãng bảo hiểm làm sao mà chuyện gì cũng biết.”
Ông liếc nhìn qua tập hồ
sơ trên bàn làm việc và kết luận:
“ Điều chắc
chắn là tình trạng cô ấy rất trầm trọng.”
Ông sẵn sàng chấp thuận,
với tất cả thận trọng cần thiết, cho anh được thăm viếng nàng với điều kiện là
ảo thuật gia Saturno hứa, vì lợi ích của vợ mình, sẽ tuân thủ cách ứng xử mà
ông sẽ báo cho anh. Nhất là cách đối xử với nàng để tránh cho nàng những cơn
cuồng nộ điên cuồng ngày càng thường xuyên và nguy hiểm hơn.
“ Thật kỳ lạ, Saturno
nói. Đúng là cô ta dễ nổi nóng nhưng cô biết kềm chế mà.”
Vị bác sĩ làm một động
tác thông thái: “ Có những lối cư xử vẫn tiềm tàng trong nhiều năm, và rồi bất
chợt bùng nổ lên một lúc nào đó.” May mắn là cô ấy đã đặt chân đến đây, bởi vì
chúng tôi chuyên trị những ca đòi hỏi sự điều trị cứng rắn.” Để kết thúc, ông
nêu nhận xét về chuyện Maria luôn ám ảnh kỳ lạ về chiếc điện thoại.
“ Anh nhớ canh chừng cô
ấy cẩn thận, “ ông nói.
“ Bác sĩ đừng lo,
Saturno vui vẻ trả lời. Việc này thì tôi rành lắm. “
Phòng thăm viếng, kiểu
nửa nhà tù nửa nhà nguyện, trước kia là của tu viện cũ. Việc Saturno vào đến
đây không gây ra một sự bùng nổ niềm vui mà cả hai trông đợi. Maria đang đứng
giữa phòng, cạnh chiếc bàn nhỏ với hai ghế và một lọ hoa trống rỗng không cắm
hoa. Với chiếc áo khoác tơi tả màu dâu và đôi giày bẩn thỉu ai đó thương tình
cho nàng, rõ ràng là nàng đang chờ đợi ra đi. Nơi góc tường. Herculina đang đứng khoanh tay, gần như vô hình. Maria vẫn bất động khi thấy chồng đi vào, thêm nữa, khuôn mặt
còn vết sẹo của mảnh kính khiến nàng chẳng lộ vẻ cảm xúc. Họ hôn nhau, nụ hôn
theo thói quen.
“ Em thấy sao? “, anh
hỏi nàng.
“ Em rất vui vì rốt cuộc
anh đã đến, anh yêu ạ. Ở đây, là chết chóc.”
Họ không kịp ngồi xuống.
Nghẹn ngào trong nước mắt, Maria kể cho anh nghe những khổ nhọc của cảnh giam
giữ, sự dã man của các quản giáo, thức ăn ghê tởm, những đêm dài vô tận với nỗi
kinh hoàng khiến nàng không chợp mắt được.
“ Em không biết đã ở đây
bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, nhưng mỗi ngày luôn tồi tệ hơn
hôm trước. Và, hắt tiếng thở dài với cõi lòng tan nát, nàng nói thêm, em tưởng
em sẽ không còn là mình nữa.”
“ Mọi chuyện qua rồi,
anh bảo nàng, ngón tay vuốt nhẹ những vết sẹo mới trên gương mặt nàng. Mỗi thứ
bảy anh lại sẽ đến. Thường xuyên hơn cũng được nếu giám đốc cho phép. Em thấy
đó, mọi việc sẽ tốt đẹp dần thôi.”
Nàng đưa đôi
mắt kinh hoàng chăm chú nhìn thẳng vào mắt anh. Saturno cố vận dụng tài năng
của ảo thuật gia. Bằng một giọng trẻ thơ của lời nói dối, anh nói lại, nhẹ
nhàng hơn, những dự đoán của vị bác sĩ. “ Tóm lại là vài hôm nữa em sẽ hoàn
toàn bình phục. “.
Maria hiểu hết mọi
chuyện.
“ Lạy Chúa, nàng kinh
hoàng thốt lên. Bộ anh cũng nghĩ là em điên sao? “
“ Sao em lại nghĩ đến
điều đó, anh nói, cười gượng. Nhưng sẽ tốt hơn cho mọi người nếu em ở lại đây
ít lâu nữa. Tất nhiên là trong những điều kiện tốt hơn.”
“ Nhưng em đã nói với
anh là em đến đây chỉ để gọi điện thoại thôi mà, ” Maria nói.
Anh không biết phản ứng
thế nào nỗi ám ảnh kinh hoàng của nàng. Anh nhìn mụ Herculina. Nhân tiện mụ ta
chỉ đồng hồ ra dấu giờ thăm viếng đã hết. Maria thoáng thấy dấu hiệu, trừng mắt
nhìn, mụ ta có vẻ sẵn sàng tấn công. Lúc đó, nàng bá cổ chồng, hét lên như một
người điên thực sự. Anh tìm cách tránh ra, với tất cả yêu thương sẵn có, và để
mặc nàng cho mụ Herculina đang nhảy xổ túm lấy nàng từ sau lưng. Không để nàng có
thì giờ chống cự, mụ tát mạnh bằng tay trái, rồi kẹp cổ nàng trong đôi tay rắn
như thép và hướng về ảo thuật gia Saturno mụ thét lớn:
“ Cút đi! “
Saturno hoảng hốt bỏ
chạy.
Tuy nhiên, thứ bảy sau
đó, hoàn hồn từ cú sốc của cuộc viếng thăm đầu tiên, anh vẫn đến bệnh viện tâm
thần, mang theo con mèo được cho mặc trang phục giống anh: bộ quần áo chẽn đỏ
vàng kiểu ảo thuật gia vĩ đại Leotardo, mũ nhọn, và áo khoác phồng lên như để
bay. Anh đỗ chiếc xe làm xiếc nơi sân nhà tu và thực hiện buổi diễn tuyệt vời
suốt ba tiếng đồng hồ, các bệnh nhân tâm thần, từ trên ban công, hào hứng xem
với những tiếng hò hét rộn rã và tràng vỗ tay cổ vũ không đúng
lúc. Tất cả họ đều ra xem, chỉ trừ Maria không chịu tiếp chồng, thậm chí không
ra ban công xem anh diễn. Điều đó đối với Saturno là nỗi đau xé lòng.
“ Đó là một phản ứng
thông thường, bác sĩ giám đốc nói. Mọi chuyện sẽ qua thôi.”
Nhưng không qua được.
Sau nhiều nỗ lực bất thành để gặp lại nàng, Saturno cố tìm cách để nàng chịu
nhận một bức thư, vậy mà vẫn không được. Nàng không thèm mở ra và trả lại thư
cả bốn lần, cũng không nói gì thêm. Saturno đầu hàng, nhưng vẫn tiếp tục gởi thuốc lá
đến phòng trực bệnh viện, chẳng cần biết chúng có đến tay nàng không, cho đến
khi thực tế đã khiến anh gục ngã.
Rồi, không ai có tin tức
gì về anh nữa, chỉ biết anh đã lấy vợ khác và về quê sinh sống. Trước khi giã
từ Barcelone, anh đã đem con mèo đói lả gởi cho một bạn gái, cô này hứa sẽ tiếp
tục mua thuốc lá gởi cho Maria. Nhưng rồi chính cô ta cũng biến mất.
Rosa Regas nhớ là đã gặp cô ấy ở cửa hàng Corte
Ingles khoảng
mười hai năm trước, cô ta mặc áo choàng màu cam theo kiểu một giáo
phái phương Đông nào đó, cạo trọc đầu, che mặt chỉ còn đôi mắt. Cô ta cho Rosa
biết cô vẫn gởi thuốc lá đến cho Maria chừng nào còn có thể, và đến thăm hai,
ba lần cần kíp đột xuất, cho đến khi cô chỉ nhìn thấy đống đổ nát, bệnh viện đã
bị phá huỷ, chỉ còn là chứng tích bi thảm của một thời kỳ đau thương. Lần đến
thăm sau cùng, cô thấy Maria rất tỉnh táo, có lẽ hơi mập ra và hài lòng với
cuộc sống yên bình nơi nhà tu kín. Lần đó cô ta mang con mèo theo vì cô đã tiêu
hết số tiền Saturno đã đưa cho cô để mua thức ăn cho mèo.
Tháng 4, 1978.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( 1/2019)
theo bản tiếng Pháp của
Annie Morvan ( Trong cuốn Douze Contes vagabonds, trang
66-81. NXB Grasset, 1995. )