Không hiểu sao mỗi lần tôi gặp mặt Elena Pucillo Truong
tôi cứ liên tưởng đến một cô gái tóc vàng của một thời rất xa. Thời của 300 năm
trước. Giữa hai con người của hai thời đại khác nhau. Giữa hai đất nước ngày ấy
rất xa lạ. Một phương Đông thời đại Tây Sơn. Một phương Tây hiện đại đã xa thời
đế chế La Mã. Với tôi, liệu giữa hai con người đó có gì dính liền nhau như hai
là một. Kiếp luân hồi. Tiền kiếp chăng?
Tôi có nói điều này với Elena. Và, cô ấy gật đầu, đôi mắt
xanh, nhìn về một phương trời xa xăm nào đó. Còn tôi, tôi nhớ lại ngày chúng
tôi quen nhau.
Cách đây, mười năm trước. Trong dịp khai mạc phòng triển
lãm tranh của những họa sĩ thân tình, Trương Văn Dân - một người bạn văn tôi
mới quen, giới thiệu với tôi cô vợ người Ý tóc vàng. Tôi nhìn cô ấy với thái độ
thờ ơ. Nhưng ngược lại với ánh mắt đầy thân thiện, cô nhìn tôi như bắt gặp một
khám phá gì lạ. Sau này trong một bài tản văn Elena viết về tôi, cô nhận ra tôi
có đôi mắt màu xanh.
Ban đầu tôi nhìn Elena đời thường. Một người đàn bà Ý,
từng là một tiến sĩ văn chương Pháp tốt nghiệp trường đại học ở Ý. Theo chồng,
đi đi về về. Việt Nam – Ý. Roma – Sài Gòn. Khi tôi bắt đầu làm tập san Quán Văn,
Trương Văn Dân là một trong những thành viên đầu tiên. Elena chỉ là cái bóng đi
theo chồng trong những buổi ra mắt báo mà thôi. Nhưng Quán Văn ra được mươi số
Trương Văn Dân chuyển cho tôi bài tản văn của Elena viết bằng tiếng Ý và Dân
dịch ra tiếng Việt. Ban đầu tôi còn nghi ngờ. Tôi cứ nghĩ Trương Văn Dân làm
phù thủy, nghiển chuyện, muốn tạo một huyền thoại về người vợ ngoại quốc của
mình. Nhưng tôi đã lầm thật sự, sau bao nhiêu năm. Từ sơ giao đến thâm tình, và
bao nhiêu bài tùy bút và truyện ngắn của Elena gởi cho Quán Văn tôi nhận ra chỉ
có Elena viết được mà thôi. Những suy nghĩ thấm thấu về cuộc đời cô đã trải
qua. Những xúc cảm về tình người, tình bạn, tình yêu, với tâm hồn Việt, rất
Việt, dù Elena rặc dòng người Ý.
Bao nhiêu năm chúng tôi đã “sống chung” trong một “gia
đình” Quán Văn, từ những buổi họp mặt trên căn gác nhỏ “chuồng cu”, tòa soạn
của tập san, từ những buổi cà phê lộ thiên Ngô Tất Tố, tới những buổi ra mắt
sách tại vài quán cà phê, bao giờ cũng rộn ràng tiếng cười, líu lo vài tiếng Việt
của Elena. Những chuyến đi ngắn ngày. Lúc thì lên cao nguyên. Lúc ra Huế. Khi
bay ra Hà Nội. Lại về miền Tây mùa nước nổi. Như một gia đình đông vui mà văn
chương là chất dính làm chúng tôi hòa mình, hồn nhiên, gần gũi nhau hơn, hiểu
nhau hơn. Hơn ba mươi người cùng sinh hoạt hằng ngày, chẳng ai nghĩ Elena là
người ngoại quốc. Vào quán ăn, bún bò Huế, Elena hỏi chủ quán sao lại thiếu
ruốc. Nếu không có thì không phải là bún bò Huế. Các loại mắm, đặc sản từng địa
phương Elena đều thưởng thức một cách ngon lành. Trong các bữa ăn ở các nhà
hàng bao giờ Elena cũng xin thêm vài trái ớt. Các bạn nữ phải thốt lên: “Ai ăn
ớt nhiều ghen dữ lắm đó.” Elena chỉ cười và nói: “Anh Dân, số một”. Phải thôi.
Một mối tình chung thủy của một cô gái Ý từ năm 16 tuổi với một anh sinh viên
du học người Việt, trải qua bao nhiêu sống gió, mãi đến 13 năm sau mới nên vợ
nên chồng. Sống ở quê vợ, trên đất người mấy mươi năm, bỗng dưng dắt nhau về
quê hương mình, lại bước vào con đường làm văn chương, như một định mệnh.
Ngay những chuyến đi xa, nửa vòng trái đất, tận trời Âu,
chúng tôi gồm có Chu Trầm Nguyên Minh, vợ chồng Cao Quảng Văn, Trương Văn Dân
và Elena cùng chung sống với nhau nơi nhà Bác sĩ Nguyễn Chí Thiện, Elena đã thể
hiện chu đáo, chăm lo từng bữa ăn. Elena hướng dẫn từng ly từng tí để chúng tôi
đi xe buýt ở Ý. Vào tòa Thánh Vatican nghe Đức Giáo hoàng giảng thuyết tôi
không hiểu nhưng nhìn những khuôn mặt hàng nghìn người đưa mắt nhìn về một
hướng, im lặng, lắng nghe. Tôi nghĩ những lời nói đó chắc cũng khuyên răn con chiên
tránh làm điều ác, nên làm việc thiện. Tôi nói với Elena như thế và Elena gật
đầu. Những ngày ở Roma đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp vô vàn. Những
thiếu nữ xinh đẹp, lịch sự trong sự giao tiếp với mọi người. Thuở còn trẻ, tôi
nghĩ Elena cũng thế.
Sau chuyến đi Pháp, vài tháng sau Chu Trầm Nguyên Minh đã
bỏ Quán Văn về nơi vĩnh hằng. Trong bạn bè chúng tôi, người đau buồn nhất lại
là Elena. Tình cảm giữa hai người thân thiết như anh em ruột thịt. Những giọt
nước mắt của người đàn bà tóc vàng rơi xuống, nhỏ lên ngôi mộ nhà thơ Chu Trầm
Nguyên Minh.
Hết trời Tây lại qua nước Mỹ. Hết nhà thơ Chu Trầm Nguyên
Minh lại đến họa sĩ Đinh Cường. Chuyến đi này chúng tôi gồm có tôi, Lữ Kiều,
Đoàn Văn Khánh và vợ chồng Trương Văn Dân – Elena. Trong chuyến đi này Elena là
người tháo vát nhất, từ giờ giấc ra sân bay, đến làm thủ tục hải quan, tìm nơi
ngồi chờ đợi, thành thạo. Có một kỷ niệm mà tôi không thể quên, tôi kể lại cho
các bạn văn ở Mỹ cũng như Việt Nam. Máy bay vừa đáp xuống phi trường Sant
Francico, Elena luống cuống lôi không ra chiếc va ly từ trên khoang hành lý,
một thanh niên người Mỹ, to cao, vạm vỡ, lấy hết sức lực mới kéo ra được nhưng
anh ta suýt bổ ngửa. Anh ta nhìn chúng tôi với đôi mắt ngạc nhiên, thắc mắc:
Cái gì trong đó mà nặng thế. Elena nhanh nhẩu thốt lên: Văn học Việt Nam. Thật
vậy cả chiếc va ly to tướng đó chứa đầy báo Quán Văn và tập sách hội họa Tôi về đứng ngẩn ngơ của Đinh Cường. Các
bạn văn của chúng tôi như Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Phạm Thành Châu,
Nguyễn Minh Nữu, vợ chồng Trần Dạ Từ, dù mới gặp Elena lần đầu, chỉ nhìn đôi
mắt cùng nụ cười thân thiện và cái bắt tay ấm áp của Elena, đều xem Elena như
một người bạn Việt Nam thân thiết xa lâu ngày giờ mới gặp lại. Elena và Đinh
Cường đã quen biết nhau từ mấy năm trước. Khi Đinh Cường về Việt Nam triển lãm
tranh tại Đà Lạt. Tôi rủ vợ chồng Dân – Elena từ Sài Gòn bay lên. Những buổi
tối tại điền trang Thân Trọng, quây quần quanh đống lửa cháy rực rỡ, chúng tôi
nói chuyện văn chương và hội họa. Elena ngồi cạnh bên Đinh Cường. Cả hai đều im
lặng. Sương mù lãng đãng. Qua Mỹ, Đinh Cường hay rủ chúng tôi đến một quán cà
phê Starbucks, bên cạnh ly cà phê bốc khói, Đinh Cường lấy bút vẽ chân dung
Elena. Rất xuất thần. Qua nhiều lần gặp gỡ, cả hai đều nhận ra có một điều rất
lạ, hình như họ đã thân thiết ruột thịt từ kiếp nào. Buổi cuối cùng, tiễn đưa
chúng tôi, Đinh Cường với cái đầu trọc lóc, đứng một mình ở hành lang, đưa tay
chào tiễn biệt, cả tôi và Elena rươm rướm nước mắt. Linh cảm về một sự chia lìa
vĩnh viễn đến với chúng tôi. Đinh Cường vật vã với căn bệnh ung thư giai đoạn
cuối. Elena mỗi lần nhìn tôi mặc chiếc áo thun đen – quà của Đinh Cường tặng
tôi trước khi lên máy bay, đôi mắt Elena chợt buồn bã. Làm sao tôi có thể nghĩ
trước mặt mình Elena là một người phương Tây.
*
Elena mang trong người một tâm hồn Việt, rất Việt. Elena
rất nhạy, biết cảm thông và an ủi bạn bè. Tôi thường bật khóc nức nở khi nghe
bản nhạc Anh còn nợ em. Elena biết và
thấu hiểu ngọn nguồn. Ngay cô em gái ruột của tôi đang cầm tay lái cũng không
hiểu vì sao, làm cô đâm hoảng định tấp xe vào lề. Tình cờ bản nhạc trên xe, tha
thiết tiếng hát Anh còn nợ em. Nụ hôn vội
vàng… Tôi cố dằn lòng, bậm chặt môi lại, nhưng những giọt nước mắt tuôn
rơi. Bàn tay Elena đặt lên vai tôi và bóp nhẹ, nói nhỏ: Sắp tới nơi rồi. Một
buổi hẹn gặp “Người tình muôn thuở” sau hơn năm mươi năm ở nhà Lữ Quỳnh trên
đất Mỹ. Ngồi trước mặt T. tim tôi như thắt lại. Anh còn nợ em. Cuộc tình đã lỡ. Trong vài lần ngồi uống cà phê kiểu
Mỹ, Trương Văn Dân cho biết Elena đã hiểu thấu tâm can cả tôi và T. từ cái nhìn
đắm đuối, ân hận. Elena còn nói: Kiếp này duyên không thành. Hẹn lại kiếp sau.
Cái suy nghĩ của Elena thấm nhuần Phật pháp. Đúng Elena là một Phật tử. Elena
thường lễ chùa và đã có pháp danh là Quảng Tiên.
Riêng tôi, Elena là nguồn cảm hứng cho tôi xây dựng một
nhân vật với cái tên Na, cô gái tóc vàng trong một truyện ngắn thời của 300 năm
trước dưới triều đại Tây Sơn. Chính lần anh em chúng tôi kéo nhau về Qui Nhơn
làm một buổi ra mắt Quán Văn chủ đề Bình
Định nỗi nhớ, Elena hối hả thúc chúng tôi phải tham quan nhà bảo tàng Quang
Trung. Như trở về quê hương bao nhiêu năm xa cách hằng mấy thế kỷ, tôi nhìn nét
mặt rạng rỡ của Elena cùng tiếng nói líu lo vui mừng như vừa bắt được điều vật
quý báu. Nhớ đến một lần ra Huế, vào thăm lăng Tự Đức, Elena phản kháng rất
nhanh khi người bán vé vào cổng buộc Elena phải mua vé thuộc diện người nước
ngoài. Tôi là người Tây Sơn mà.
Với tôi, những gì xảy ra tại Nhà bảo tàng Quang Trung,
tôi nhìn Elena thời hiện tại, tôi mường tượng về cô bé Na của 300 năm trước.
Cô gái tóc vàng cứ lẽo đẽo theo chú Huệ, chú đã la hoài,
cấm cô bé thôi đừng dang nắng, thôi đừng rong chơi nơi những cánh đồng trồng
đậu phụng. Cô bé khác hẳn với người bản xứ. Tóc cô vàng như râu bắp. Mũi cô
cao. Cô lạ hẳn với mọi người. Và cô là người mà chú Huệ thương nhất. Cô hay
nghịch ngợm, leo trèo, nhất là cây me sau nhà. Cô hái những trái me non, nhai
ngon lành. Mắt thì dõi nhìn mấy anh em nhà Tây Sơn luyện võ. Không hiểu vì sao
với cô thì chú Huệ lại cấm cầm đao kiếm. Có lần cô bé lén cầm đao múa võ học
lén phát vào góc cây vài mấy lát. Cạnh cây me sai trái lại có một giếng nước,
công lao của ba anh em nhà Tây Sơn tìm được long mạch, ngày đêm đào đất, xây
thành một cái giếng, lúc nào cũng đầy nước trong vắt. Như thuốc tiên, chính thứ
nước này đã từng cứu mạng sống cô bé, khi cô từ trên cây me rớt xuống, chú Huệ
nhỏ vào miệng cô cả chén nước. Vị nước giếng này lạ lùng vô cùng.
Cô bé lớn lên, từng chứng kiến thời vàng son của chú Huệ,
chú từ anh hùng áo vải Tây Sơn thành Hoàng đế Quang Trung, đại thắng quân
Thanh. Cô không theo con đường binh nghiệp như chú Huệ. Cô chăm chỉ luyện kinh
thư. Cô chỉ ước mơ làm thơ hay như hoàng hậu Ngọc Hân.
Cô Na ẩn dật sau khi tận mắt nhìn cảnh voi dày dã man lên
thân xác nữ tướng Bùi Thị Xuân, người mà cô Na thương mến. Giã từ cuộc đời ô
trọc, cô Na vào một ngôi chùa trên núi sâu. Qua bao nhiêu thăng trầm cô lén che
chở bảo tồn hai di sản nhà Tây Sơn.
Cô Na đã thành một nhà sư truyền dạy các đệ tử: Lịch sử
đừng bao giờ lập lại cảnh trả thù của một triều đại mới đối với một triều đại
đã qua như vua quan nhà Nguyễn tàn bạo dã man với con cháu nhà Tây Sơn.
Bây giờ, trước mặt chúng tôi, Elena tươi cười, đưa chiếc
gàu thả xuống cái giếng nước xưa cổ, Elena kéo dây lên từ từ, rồi lấy chiếc gáo
bỏ vào chiếc gàu, rồi múc ra, trước khi chuyển đến chúng tôi, Elena đưa lên
miệng, uống từng hớp, hít từng hơi thở, sảng khoái. Người đầu tiên là tôi, tay
tôi run run vì xúc động. Tôi nhìn Elena như nhận ra khuôn mặt của cô Na 300 năm
trước.
Đến gốc cây me cổ thụ từ ba thế kỷ mà vẫn còn sum sê
trái. Tôi ngồi trên ghế đá, hồn trôi dạt theo mây trời. Tiếng ai thốt lên một
niềm vui bất ngờ như vừa mới khám phá vật gì quí báu đang ở trước mặt mình. Lúc
bấy giờ tôi nhìn ra Elena đang đưa đôi bàn tay mò mẳn vào thân cây me. Chẳng lẽ
Elena đã chạm vào những vết chém vào thân cây me của cô bé Na 300 năm trước.
Một lần nữa, tôi gọi thầm: Na ơi!
8-2018