Saturday, January 26, 2019

963. TRƯƠNG VŨ Những cơn mưa ngày cũ

Nha Trang, một ngày mưa - Ảnh: mytour.vn

Tôi sống ở Mỹ đã hơn 35 năm, hơn nửa đời người. Tôi yêu cây cỏ vùng tôi ở, miền đông bắc Hoa Kỳ, nhất là màu sắc của cây khi trời bắt đầu vào thu. Những năm sau này tôi thường vẽ cảnh thu ở đây. Cảnh nắng trên đồi, cảnh lá vàng trong rừng, cảnh thung lũng trong mù sương… Càng vẽ tôi càng khám phá những thay đổi của màu sắc, của tính cách, của ấn tượng, theo từng khoảnh khắc, như cỏ cây có linh hồn cuốn hút tôi vào đó. Vùng này thỉnh thoảng có mưa, nhưng mưa ở đây không để lại trong tôi những cảm giác đặc biệt để đi xa phải nhớ.

Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sài Gòn. Mưa Sài Gòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Ðôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học,… Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lớp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười dòn của các em khi cố lách mình tránh mưa. Tôi cũng nhớ những đêm mưa, lái xe chở các con trên một mini-truck có mui, chạy dọc theo đường Duy Tân. Vào những khúc vắng người và có nhiều vũng nước, tôi cho xe chạy nhanh làm nước bắn tung tóe, để nghe tiếng cười rú của mấy đứa nhỏ.

Ði xa, tôi nhớ những cơn mưa ngày cũ. Mỗi cơn mưa tồn tại trong tâm tưởng mang theo với nó một kỷ niệm, đánh dấu từng khoảng đời. Rất nhiều kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành. Không phải trưởng thành trong cái nghĩa chồng chất thêm tuổi tác, mà trong cái nghĩa hài hòa với cuộc đời. Dĩ nhiên không phải chỉ có kỷ niệm từ những cơn mưa giúp tôi trưởng thành. Cũng như với biết bao người khác, có rất nhiều thứ trong đời sống đã đóng góp vào đó. Có những tình nghĩa hay những cái chỉ vụt đến, chỉ trong một khoảnh khắc bất chợt, nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu đậm, giúp mình lớn khôn hơn. Tôi viết ra đây vài kinh nghiệm riêng tư, những kinh nghiệm mà mỗi lần nghĩ đến, luôn cảm thấy mát lạnh, như cảm giác có được từ những cơn mưa ngày nào. Tôi viết ra không như một hồi tưởng, mà như một lời cảm ơn những cái đẹp mà cuộc đời đã mang lại. Ðặc biệt, cuộc đời thầy giáo khi còn ở quê nhà.

Tôi dạy học từ rất sớm. Bắt đầu dạy trung học khi mới qua tuổi hai mươi. Chỉ là một anh nhóc con, từ kiến thức đến cung cách, thoải mái với cuộc sống và thương ghét một cách thường tình. Tuy nhiên, nghề dạy học, với thêm chút tự phụ, dần biến tôi thành một người “mô phạm” trong cái nghĩa “nghiêm túc và nghiêm khắc”. Sau này lên dạy đại học, tôi càng trở nên nghiêm khắc hơn với học trò mình, với nhiều người xung quanh nhưng lại ít nghiêm khắc với chính mình hơn. Cho đến khi, vào những giây phút thật bất ngờ, tôi  nhận ra và thấy thấm thía về những gì đã đánh mất hay đã không có.

Khoảng đầu năm 1974, tôi có mời nhà thơ Huy Tưởng đến thuyết trình về thi ca ở Trung tâm Sinh hoạt Sinh viên, số 4 Yersin. Một số sinh viên giúp tôi tổ chức buổi thuyết trình đó, đắc lực nhất là Trần Thị Thanh Thủy, Nguyễn Văn An, Nguyễn Ngọc Nam và Phan Công Chinh (PCC). Ðây là những sinh viên, xuất thân từ Võ Tánh và Nữ Trung Học, rất có khả năng tổ chức, thích hoạt động, yêu văn học, âm nhạc, nghệ thuật, mà nếu không có họ những sinh hoạt thường xuyên khác ở Duyên Hải trở nên tẻ nhạt. Buổi thuyết trình tối hôm đó có rất đông sinh viên tham dự. Khi được báo tin Viện trưởng  cùng một số giáo sư và quan khách cũng sẽ đến dự, như một phản ứng tự nhiên, tôi yêu cầu một số sinh viên đang đứng gần ra xếp hàng nghiêm chỉnh chào đón họ. Bất ngờ, PCC đến gần tôi, nói nhỏ, chậm rãi: “Thưa thầy, cái này không hợp với tinh thần thi ca”. Lúc đó, trời tốt và còn nóng, tôi vẫn cảm gíác như vừa hứng lấy những giọt mưa lạnh, thật lạnh. Tôi tỉnh người ra, bỏ chuyện đón tiếp đó. Hôm đó, bài nói chuyện mang tính hàn lâm chỉ chừng mực, nhưng phần đọc thơ, ngâm thơ của Huy Tưởng và một số sinh viên, hợp với sự đam mê về thi ca của họ, lôi cuốn mọi người.

Ngày tháng qua đi, chuyện học hành cùng những sinh hoạt tất bật tiếp tục chiếm hết thời giờ của cả thầy lẫn trò trong ngôi trường đại học nhỏ bé đó. Tất cả dồn vào chuyện tương lai của mình, của trường. Cho đến một ngày, những biến cố ngoài trường học bỗng bất ngờ ập đến, đập mạnh vào đời sống, vào tâm tư mỗi con người ở đó. Mạnh như bão táp. Những tính toán về tương lai của học trò tôi, của chính tôi, bỗng trở thành ảo tưởng. Phía trước mù mịt. Lúc đó tôi mới qua tuổi ba mươi không lâu, đang rất năng nổ bỗng trở nên mất tự tin, trở nên e dè, ngỡ ngàng, lúng túng. Và, cố gắng “khôn ngoan” như một người đã trải qua bao thăng trầm, bị vùi dập biết bao lần trong đời, để không dám sống thật với mình. Một hôm đang đứng lớ ngớ trong sân trường, một sinh viên lớp Sư phạm Toán của tôi, Nguyễn Văn Vinh (NVV), bước đến nhìn thẳng vào tôi một lúc rồi nói, đại khái là: “Tại sao trước đây thầy như vậy mà bây giờ thầy lại như vậy?” Hôm đó, cũng trời đẹp, cũng cái nóng thường tình của Nha Trang, tôi vẫn có cảm giác hứng những giọt mưa lạnh và lần này, là những giọt rất lạnh của những cơn mưa dầm dề vào tháng Mười ta.

Vài tháng sau, tôi dạy bài cuối cùng trong cuộc đời thầy giáo ở Việt Nam. Tôi nhớ rõ lắm. Ðó là một bài về giải tích số tạp (complex analysis), thuộc môn tôi phụ trách ở lớp Sư Phạm Toán. Lúc đó, tôi đã chuẩn bị rời Việt Nam nhưng cố gắng giữ thái độ bình thản như không có gì xảy ra. Học trò tôi, trong lòng đang rất chao đảo khi nghĩ về tương lai mình, cũng cố chăm chỉ ngồi nghe làm như không có gì khác quan trọng hơn. Mà ngoài kia, ngoài lớp học, những cái đang xảy ra, ảnh hưởng mạnh đến đời sống mỗi đứa thì nhiều vô kể. Lớp học lặng lẽ cho đến khi có một sinh viên, Vĩnh Như, đứng dạy đặt một câu hỏi khó. Ngày nay, mỗi lần nghĩ lại, tôi hãnh diện và thương các học trò tôi vô cùng.

Vài tuần sau, một buổi sáng mưa lất phất, ngồi trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ, tôi nhìn lại bờ biển Nha Trang, nhìn những nhà tranh dọc theo xóm Cồn. Tất cả nhỏ dần. Quê hương! Chỉ còn những bóng mờ.

Mười năm sau, tôi đoàn tụ với gia đình, ở Mỹ. Mười lăm năm sau nữa, vợ chồng tôi về thăm Việt Nam. Có hai người ra đón chúng tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Một đứa em vợ tôi và PCC. Chinh vẫn giữ cách nói năng và xưng hô với tôi như ngày nào. Về khách sạn, lúc đó đã nửa khuya, trời mưa nhè nhẹ, tôi với Chinh lên quán nước trên sân thượng ngồi uống bia, nhìn xuống những hoạt cảnh về đêm trên đường Nguyễn Huệ. Hai mươi lăm năm trước, dù học xong sư phạm nhưng vì ba đi cải tạo, Chinh không được đi dạy. Chinh đã làm rất nhiều nghề, kể cả làm rẫy, để sinh nhai. Lúc gia đình tôi còn ở lại Việt Nam, lâu lâu Chinh ghé thăm, ở vài hôm, chơi với các con tôi như một người anh cả trong nhà. Thỉnh thoảng, Chinh tụ tập một ít bạn bè cũ tại đó, vui đùa, ca hát. Sau vài năm ở Nha Trang, Chinh bỏ vào Sài Gòn. Từ tay không, từ một đời sống gần như không nhà không cửa, Chinh gầy dựng lại tương lai. Vừa làm, vừa học. Giờ đây, Chinh là một giãng viên đại học ở Sài Gòn. Hôm đó và mãi sau này, chúng tôi không nhắc gì đến câu nói của Chinh vào một tối năm xưa, trong buổi thuyết trình của Huy Tưởng. Chúng tôi hỏi thăm từng người thân trong gia đình rồi hẹn đến thăm nhà Chinh vào hôm sau. Chinh không biết câu nói đó đã ảnh hưởng đến niềm đam mê của tôi về thi ca như thế nào. Ngày nay, bên cạnh kiến thức, Chinh là một thầy giáo với những kinh nghiệm về đời sống, với ý chí phấn đấu, với tính nhẫn nại, tính thẳng thắn và lòng trung thực, rất cần có ở trường học. Với thầy giáo, khả năng chuyển giao tri thức chỉ quan trọng có một nửa thôi. Chinh đã tạo được cho mình, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn dễ khiến người ta bỏ cuộc, những thứ mà tôi có rất ít khi rời Việt Nam trong đời dạy học của mình.

Vài hôm sau, trong chuyến về thăm đó, chúng tôi ra Nha Trang. Một đồng nghiệp cũ của tôi, thầy Trần Ðăng Nhơn, tổ chức một buổi gặp gỡ với các cựu sinh viên Duyên Hải tại nhà hàng Ban Mê. Tối hôm đó, tôi gặp lại hơn một trăm học trò cũ, nhiều em tóc bạc hơn tôi. Sau một bài nói chuyện, có tính tâm tình, rất cảm động, của Nguyễn Thị Nga, tôi thấy NNV lên cầm micro. Em mở đầu bằng câu: “Hai mươi lăm năm trước, em có lỗi với thầy…” Tôi xúc động. Sau đó, tôi cũng cầm micro nói chuyện với các em. Về lời xin lỗi của Vinh, tôi có nói là thầy giáo phải có bổn phận khuyến khích học trò mình nói thật và hãnh diện khi các em làm điều đó . Phải nói lên những suy nghĩ rất thật của mình. đúng sai không quan trọng lắm. Riêng về câu nói của Vinh năm nào, tự thâm tâm, lúc đó và cả bây giờ, tôi biết em nói đúng, rất đúng. Ngày nay, Vinh cũng là một thầy giáo dạy môn Toán. Tôi mừng cho học trò của Vinh.

Trong chuyến về thăm đó, ngoài cuộc gặp gỡ ở Ban Mê, tôi cũng có gặp lại nhiều học trò khác, học tôi ở trung hay đại học. Tất cả đã giúp tôi cảm nhận sâu đậm niềm hạnh phúc tôi có được do những ngày tháng sống với trường học. Có những em đã trở thành thầy, cô giáo của các con tôi trước khi các cháu sang đoàn tự với tôi ở Mỹ. Như Liên Ba hay Nguyễn Thị Song. Liên Ba đã dạy dỗ các con tôi tận tình, và thường xuyên đến nhà, chia xẻ vui buồn với gia đình tôi trong những ngày lao đao nhất. Ở Mỹ, khi được tin tức bên nhà, cho biết về Liên Ba đang dạy mấy cháu, tôi nhớ đến một bài thơ trên hộp bánh LU ngày tôi còn bé. Bánh của Pháp nhưng lại có in một bài thơ tiếng Việt trên hợp, rất “vè” nhưng dễ thương:
                          
Năm xưa khi còn bé                           
Mua bánh LU tặng thầy                           
Năm nay được làm thầy                           
Con thầy tặng gấp đôi

Tôi liền kiếm mua ít bánh LU và viết vài dòng cho LB, kèm trong thùng quà gởi về gia đình nhờ đưa lại LB. Bánh LU ở Mỹ không có bài thơ Việt, trong thư tôi viết lại bài thơ trên cho LB đọc.

Viết đến đây, tôi không thể không nhắc đến một khuôn mặt rất trong sáng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nơi tôi. Tôi muốn nhắc đến Dương Thái Ðức (TÐ). Những ngày trước tháng Tư 75, rất nhiều đồng bào chạy nạn đổ dồn về Nha Trang. TÐ đã động viên cả gia đình tích cực giúp tôi trong các công tác cứu trơ. Sau này, TÐ lập gia đình với Trần Văn Ðiểu, sinh viên của tôi ở SP Toán. TÐ thường đến thăm gia đình tôi trong suốt thời gian gia đình còn ở Việt Nam. Trong chuyến về thăm nói trên, suốt gần hai tuần lễ ở Nha Trang, gần như ngày nào vợ chồng TÐ cũng đến thăm hoặc đi chơi với chúng tôi. Về lại Mỹ sau chuyến đi đó được vài năm, một hôm, tôi được tin TÐ qua đời trong một ca giải phẩu. Em được chôn trong vườn của gia đình, phía sau căn nhà nhỏ của hai vợ chồng. Tôi cảm giác như có một người thân trong gia đình ra đi.

Như đã nói ở trên, tôi sống ở Mỹ hơn nửa đời người. Rất khó để nói rằng nước Mỹ không là một quê hương mới. Mỗi lần đi xa, sau vài ngày là tôi bắt đầu nhớ đến căn nhà ở đó, nhớ màu sắc của cỏ cây khi trời vào thu, nhớ những con đường, những con người, nhớ cả thức ăn, … Tâm trạng của tôi chắc cũng giống với tâm trạng nhiều người Việt khác ở Mỹ. Cũng giống như tâm trạng của người khách trong bài thơ Ðộ Tang Càn (Qua sông Tang Càn) nổi tiếng của Giả Ðảo, một nhà thơ đời Ðường:
                          
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương                           
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương                           
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy                           
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương

Tạm dịch nghĩa: Khách từ Hàm Dương đến trọ ở Tinh Châu đã được mười năm, ngày đêm tưởng nhớ về Hàm Dương; ngày kia, ngẫu nhiên vượt sông Tang Càn, ngoảnh lại nhớ về Tinh Châu như đó mới là cố hương. Ý niệm về quê hương, không cố định mà thay đổi theo hoàn cảnh đổi thay của mình, theo trong bài thơ là như vậy. Tuy nhiên, tôi biết, chắc chắn phải có những hình ảnh, những kỷ niệm, những phút giây bất chợt, những vết son hay những vết hằn, đã đi theo người khách từ Hàm Dương đến Tinh Châu. Rồi từ Tinh Châu, theo khách, vượt sông Tang Càn. Chúng đã làm cho khách lớn hơn, và ở với khách cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.

Những cơn mưa ngày cũ, trong nghĩa thật hay ẩn dụ, với tôi cũng thế.

TRƯƠNG VŨ
Maryland, năm 2012