Để nhớ Lạc Lâm. sơn dầu trên canvas 14” x
16”, dinhcuong
Bữa
cơm trưa ở Saigon Quán vào ngày 20.12.2015 không ngờ là lần cuối cùng tôi
gặp Đinh Cường. Buổi trưa đó, khi cùng Phạm Cao Hoàng đưa Đinh Cường về nhà,
ông không còn xuống xe đi từng bước ngang qua khoảng sân cỏ vào nhà nữa, mà từ
bên hông nhà, Đinh Trường Giang đi nhanh ra đón ông, dìu ông đi từng bước chậm
theo con dốc để vào nhà bằng lối sau. Nhìn dáng đi liêu xiêu của ông xuống con
dốc nhỏ vào nhà, trước mặt là cánh rừng Natick mùa đông cây khô trụi lá, lòng
tôi buồn hiu hắt.
Sáu
ngày sau, 26.12.2015, tôi cùng gia đình về Việt Nam, đem theo trong hành lý hai
món quà Đinh Cường gửi về cho Hoàng Kim Oanh và Elena Trương, mang theo trong
lòng mình lời dặn dò của Đinh Cường: "Ông đi cuối tháng giêng về nhe,
giữa tháng hai ông đi với tôi về triển lãm tranh ở Saigon đó".
Mười
ngày sau, khi đang ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Đinh Cường qua đời.
Vậy là cái hẹn triển lãm tranh ở Vincom không làm được, vậy là khao khát
có những buổi thảnh thơi ngồi quán cà phê nhìn qua nhà thờ Đức Bà không làm được,
vậy là muốn "Tôi về đứng ngẩn ngơ" cũng không làm được...
Tháng cuối năm giáp tết Nguyên Đán ở Saigon trời nắng như thiêu đốt, tôi đứng
trên lầu cao nhìn dòng người như thác đổ di chuyển dưới đường mà mặt nhòe đi,
thèm quá và nhớ quá cơn gió hắt hiu của khu rừng Natick. Anh Đinh Cường ơi ,
anh không về được Đơn Dương trước ngày vĩnh biệt thì tôi sẽ về, anh không về
Lạc Lâm để "đứng ngẩn ngơ" thì tôi sẽ về, về như để nhớ
đến anh, "người thi sĩ của hoài niệm."
Tôi
lên đến Đà Lạt lúc ba giờ khuya. nghỉ tạm ngoài phố rồi sáng hôm sau ghé Nguyễn
Dương Quang. Khi tôi đến, Nguyễn Dương Quang vừa ngủ dậy, ân cần mời vào nhà.
Nguyễn Dương Quang có dáng dấp của một hào sĩ giang hồ một thời ngang dọc.
Tôi gặp Nguyễn Dương Quang lần này là lần thứ ba nhưng biết về nhau thì nhiều lắm
vì Quang là bạn thân của những người bạn thân của tôi. Nhớ đến Phạm Cao Hoàng
khi nói về Nguyễn Dương Quang với bài thơ nổi tiếng "Đêm cuối năm viết
cho Má" và mô tả đó là "một con người cương trực thẳng
thắn, nhanh nhẹn, tháo vác, sống đàng hoàng, và đặc biệt chơi với bạn rất tốt".
Trò
chuyện một lát, tôi cho Quang biết chỉ ghé thăm nhanh rồi tôi còn phải đi Đơn
Dương.
-Đi
Đơn Dương chi vậy, có người quen ở đó à?
-Không,
chỉ là muốn đến thị trấn đó để nhớ về một người.
-Đinh
Cường?
Tôi
gật đầu. Quang cho biết thời gian Đinh Cường nằm xuống thì bên này ông cũng chịu
một cái tang lớn, thân phụ của ông cũng vừa lìa trần Là con trai duy nhất của
dòng họ, tang lễ lại làm từ miền quê xa nên vợ chồng ông chạy tới chạy lui đuối
sức.
Khi
đó, chị Thái Hồng từ trong bước ra chào hỏi, Tôi ồ lên vui vẻ, hỏi Nguyễn Dương
Quang có phải đây là nguồn gốc của hai câu thơ:
"Vói
tay cao hết sức mình
Níu
cao nguyên xuống để nhìn thấy em." (1)
Quang
cười, quay lại hỏi chị Hồng , "Anh Nữu muốn đi Đơn Dương thăm lại vùng đất
thiêng của Đinh Cường, bà nghĩ coi chiều nay mình đi được không?" Chị
Hồng cười , "Ông hỏi vậy là ông cũng muốn đi phải không? Ông muốn đi thì
mình cùng đi."
Quyết
định của Nguyễn Dương Quang làm tôi bất ngờ. Tới thăm Quang và gửi Quang mấy cuốn
thơ mà ông mới in bên Mỹ là xong. Nhưng ngồi nói chuyện mới biết thêm cái giao
tình của ông với Đinh Cường đằm thắm hơn nhiều. Tuyển tập về Dran "Tự
Tình Cùng Sương Khói" mà Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba
làm vừa rồi chính là thực hiện ao ước của Đinh Cường. Cho nên cái ý tưởng đi
Đơn Dương như một cách tưởng nhớ tới Đinh Cường làm Quang quyết định
tham gia chuyến đi. Quả là con người hào sảng, chí tình và hết lòng vì bạn.
Người lái xe là con trai lớn của Nguyễn Dương Quang tên là Hòa. Hòa cao to,
khuôn mặt góc cạnh và hiền , ít nói, nhưng cách cư xử tỏ ra người tế nhị,
thương yêu Ba Mẹ và quý trọng bạn bè của Ba Mẹ. Hòa chọn một lộ trình đi
và về không giống nhau, nhằm giúp người phương xa có dịp nhìn Đơn Dương từ nhiều
phía. Cám ơn Hòa.
Đơn
Dương với tôi chẳng những xa mà còn lạ nữa. Chưa bao giờ đến Đơn Dương dù nghe
nói thật nhiều.
Đơn
Dương có tên từ năm 1958 khi thành lập tỉnh Tuyên Đức nhưng nhiều người vẫn
quen gọi theo tên cũ là Dran. Dran là một thị trấn nhỏ nằm ven hồ Đa Nhim. Khi
xe chạy quanh co trên đèo từ Đà Lạt xuống, Hòa dừng lại và chỉ cho chúng tôi
nhìn xuống thung lũng, nơi đó xanh ngắt mặt hồ Đa Nhim bên cạnh là những dãy
nhà nằm uốn theo sườn đồi thoai thoải, phong cảnh như một bức tranh. Đẹp
quá, chúng tôi xuống xe, đứng nhìn mê mải và nhớ:
Một
mình ta và trời đất rộng
Ôi
chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương
Những
trái su xanh trên giàn rẫy đó
Hãy
ngả mũ chào một bày két hoang
(Đinh
Cường - Cho những trái su xanh)
Nhìn
Dran từ trên cao, nhìn mê đắm không muốn rời đi. Nguyễn Dương Quang nhắc
tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi đi, còn phải ghé qua Trạm Hành, Cầu Đất, Lạc
Lâm, và cả con đường đi sâu vào Kado, nơi ngày xưa Đinh Cường và Trịnh Công Sơn
một thời lang bạt. Chúng tôi lên xe chạy ngang qua nhà thờ Lạc Lâm. Dừng
lại để nhìn thấy ngọn đồi phía sau nhà thờ, nơi dựng cây thánh giá trắng mà in
dấu nhiều lần trong tranh Đinh Cường, và cả trong thơ Đinh Cường nữa:
Đêm
trở lại Dran phố chợ lên đèn
rừng
thông đứng ngóng mây về che phủ
...
ngang
qua Lạc Lâm một thời rẫy bái
đồi
Golgotha thánh giá trắng trên cao
tháng
mười một gió từng cơn lạnh
trời
xanh đen ứng rạng mấy vì sao..
(Đinh
Cường - Đêm trờ lại Dran)
Quang
chỉ cho tôi một khu nhà làm bằng gỗ và nhắc:
Ví dụ
tôi đến căn nhà gỗ thông
ở Lạc
Lâm tìm dấu tich em
không
thấy bình trà đất nâu
mấy
ly vàng ố, cái tàn thuốc
lâu
ngày không đổ...
...
Ví dụ
tôi trở lại không còn giàn su xanh
chiều
Lạc lâm mưa buốt tháng mười hai.
...
Ví dụ
tôi về đứng ngẩn ngơ
mây
núi buổi chiều bay xuống thấp
mái
tóc em khuôn mặt em buồn
lâu
rồi chưa về lại Đơn Dương.
(Đinh
Cường - Bài nhớ Lạc Lâm )
Tôi
bước xuống xe và đi lên đồi, Nguyễn Dương Quang nhẹ nhàng kể về cuốn sách
vừa thực hiện, tuyển tập thơ văn Tự Tình cùng Sương Khói.
Dran
cách Đà lạt 36 km, một thị trấn quận lị nhỏ, núi bao quanh đầy sương và đẹp. hầu
hết những người góp mặt trong tập sách này đều đã xa Dran....là những cảm xúc
chân thật về một thời xa xưa của mình, một thời phủ quanh mình sương khói của
Dran....(2)
Đúng
vậy. Có người xa và nhớ về, rồi cũng sẽ về, nhưng cũng có những người xa Dran,
nhớ về Dran mà mãi mãi chẳng thể trở về. Tuần này là cái thất thứ ba của người
Họa Sĩ đã sống ở Dran một thời nhưng mang theo Dran suốt đời, đã biến sương
khói nơi đây thành màu sắc bất tử trong tranh và thơ của ông.
Tôi
nhìn qua thấy mắt của Nguyễn Dương Quang rơm rớm lệ và khoảng trời phía sau ông
ta cũng nhạt nhòa sũng nước.
Vì
sao nhớ hoài về Đơn Dương
vì
nơi ấy có phố rất buồn
nơi ấy
có nhà bưu điện nhỏ
gửi
bao nhiêu lá thư dễ thương....
...
Người
ra gửi ấy nay không còn nữa
còn
nghe những tiếng hát muôn trùng
còn
đây xanh mướt rừng dương xỉ
dưới
trăng mờ ôi trăng
Đơn Dương
(Đinh
Cường-Một lần về thăm lại nơi cũ)
Đứng ngơ ngẩn bên cạnh gốc thông già giữa núi đồi Dran,
tôi gọi thầm tên người họa sĩ tài hoa ở rừng Natick. Không cần phải ví dụ
nữa đâu anh Đinh Cường ơi! Tôi tin rằng từ nơi xa tít tắp đó anh đang về trên
miếu mạo đình đài rêu phong của Huế, anh đang về với ngôi trường mái đỏ của Thủ
Dầu Một, anh đang về quanh sân của nhà thờ màu hồng ở Tân Định và chắc chắn
đang về với rừng thông ngút ngàn sương khói, với mặt hồ xanh ngắt Đa Nhim,
về với giàn su xanh, về với bầy két hoang sau vườn nhà gỗ, về với
cổng nhà nhà thờ có tháp cao Cầu Đất, về với nhà bưu điện dìu hiu Đơn
Dương và về với muôn ngàn kỷ niệm bạn bè từng qua ở thị trấn Dran...
Mà có cần về nữa không khi toàn bộ núi đồi sương khói đó
anh đã mang theo và thường xuyên thể hiện bằng trí nhớ trên biết bao tranh và
thơ? Vĩnh biệt Đinh Cường là vĩnh biệt cái dáng đi chầm chậm và cặp mắt sáng ngời
trên khuôn mặt hiền từ. Nhưng lại hiện thực trong tôi hình bóng một Đinh Cường
của thời rực rỡ nhất khi sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, là hình ảnh cầm trên
tay cái ống píp nhả khói vào không gian, là cái nón nỉ, khăn quàng sọc cam, có
con két xanh, có hoa hồng đỏ, vầng trăng bạc trôi lênh đênh giữa núi đồi
Dran. Nhắc lại mà sao thương nhớ quá!
Trời
ngả về chiều, Chúng tôi còn nán lại uống tách cà phê trước chợ Dran. Anh Đinh
Cường ơi! Từ núi đồi Dran tôi đang nhớ về anh và khu rừng Natick.
NGUYỄN MINH NỮU
Tháng
2 /2016
(1) Thơ Nguyễn Dương Quang.
(2) Lời mở đầu tuyển tập Tự Tình Cùng Sương Khói.
Nguyễn Minh Nữu - Đinh Cường - Ảnh: Phạm Cao Hoàng, Saigon Quán, Virginia, 2013