Rừng Scibilia (VA), photo by PCH, 2014
Duềnh quyên? What the heck do you
mean by “duềnh quyên?”
Có anh bạn sau khi đọc Chùm lục bát
Lập Đông của tôi, nêu thắc mắc “duềnh quyên” là “cái quái gì vậy?” Bạn nói
tiếp, “Tôi chưa bao giờ nghe hay đọc cái chữ mà khi đọc muốn trẹo quai hàm đó,
cậu có bịa chữ thì cũng bịa vừa vừa thôi chứ, làm quá cậu ‘ngộ chữ’ thì khốn,
bởi vì từ ‘ngộ chữ’ đến tâm thần chỉ là khoảng cách cận kề… Cậu biết chửa?”
Anh bạn tôi còn nói nhiều nữa, nhưng
tôi từ tốn ngắt lời anh bảo anh đừng nóng nẩy, có mắng mỏ lên án thì chí ít cho
tôi biện bạch vài lời đã, và tôi nhỏ nhẹ bảo anh:
Bạn ạ, “duềnh” theo từ điển Việt Nam
của cụ Lê Ngọc Trụ nguyên nghĩa là vụng nước. “Duềnh quyên” là vụng nước có mặt
trăng soi vào lấp lánh. Cụ Nguyễn Du thích nhóm từ này lắm vì nó giàu hình ảnh.
Tả cảnh Kiều ngồi buồn bã trước lầu Ngưng Bích, cụ viết:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Và cụ Trần Trọng Kim chú giải
“duềnh” là vụng bể, vực sâu, bởi lầu Ngưng Bích trông ra cửa bể.
Từ “duềnh” còn được dùng để tả khúc
sông Tiền Đường nơi Kiều, trong tuyệt vọng, gieo mình tìm cái chết sau khi Từ Hải nghe lời Kiều về
hàng triều đình để rồi mắc lừa Hồ Tôn Hiến mà uất khí chết đứng giữa trận tiền.
Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,
Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.
Đoạn này trong truyện thì cụ Trần
Trọng Kim chú giải “duềnh ngân” là vũng nước.
Từ “duềnh” còn được Nguyễn Du sử
dụng một lần nữa, lúc Kiều tái hồi Kim Trọng. Như chúng ta đã biết, lúc gặp lại
gia đình sau 15 năm lưu lạc, Kiều không muốn theo người thân về nhà vì nghĩ tấm
thân mình hoen ố quá đỗi rồi, về nhà chỉ làm ô danh dòng tộc mà thôi. Nhưng bị
mọi người nài nỉ, Kiều khứng chịu về. Trong bữa tiệc đoàn viên trước mặt mọi người,
Thúy Vân đứng lên xin “tác hợp cơ trời” cho Kiều làm vợ Kim Trọng, “đem duyên
chị buộc vào duyên em.” (Kim Trọng nghe vợ mình nói thế, chắc mở cờ trong bụng,
sướng run. Mười lăm năm người yêu lưu lạc, đọa đày, mình lấy em gái người yêu
làm vợ, ra làm quan hưởng bao ân huệ cuộc đời, hạnh phúc ấm êm, bây giờ người
yêu trở về, mình được phép lấy luôn làm vợ! Trời! Chàng Kim này sao mà tốt số!)
Thế nhưng Kiều nào chịu vậy. Nàng
cảm kích nghĩa tình của Kim, “Chàng dù nghĩ đến tình xa,” nhưng thôi chàng ơi,
mình nên “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” đi chàng. Kiều miễn cưỡng làm lễ
thành hôn với Kim, nhưng nàng hổng chịu cho Kim make love. Lúc hai người ngồi riêng trong phòng hoa chúc, nàng chỉ
cầm đàn gảy cho chàng nghe.
Khúc
đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy
là hồ điệp hay là Trang Sinh?
Khúc
đâu êm ái xuân tình,
Ấy
hồn Thục đế hay mình đỗ quyên.
Trong
sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm
sao hạt ngọc Lam Điền mới đông.
Tiếng đàn của Kiều lần này là tiếng
đàn của hạnh phúc, lai láng tình xuân. Thật vậy, theo
nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử,
nếu dựa vào tinh thần mấy câu thơ trên thì Kiều chưa hết đường tình ái đâu. Mặc
dù ngoài mặt nàng từ chối việc gối chăn với Kim Trọng nhưng trong lòng nàng vẫn
còn deeply in love với chàng, và thịt
da nàng vẫn còn rạo rực, trái tim vẫn còn loạn nhịp, bởi không cháy bỏng tâm
can thì tiếng đàn không thể “nghe suốt năm cung” và cũng không thể “não nùng
xôn xao” được.
Sáu
câu thơ ấy, Nguyễn Du dịch ý từ bốn câu Cầm
Sắt của nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường:
Trang sinh hiểu rộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm hóa đỗ quyên
Thượng hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Vẫn
theo ông Trần thì sáu câu thơ Nguyễn Du diễn tả tiếng đàn vào lúc này của Kiều
có cái lạ. Nó thấm đẫm tình dục! Trang Chu mộng thấy mình hóa bướm, cả hai hòa
nhập vào nhau không tách ra được; Thục Đế hóa thành chim đỗ quyên, không biết
là thân chim quyên hay thân Thục Đế, hai thân cũng xoắn xuýt không rời. Tất cả
là ẩn dụ nói về hai thân xác nam nữ nhập vào nhau. Đắm đuối. Đắm đuối thì tiếng
đàn mới “đầm ấm dương hòa” và “êm ái xuân tình” chứ.
Nguyễn
Du kết khúc phân cảnh này bằng hai câu tuyệt tác có cụm từ “duềnh quyên,” mà
tôi xin mượn cách bình giải của ông Trần như sau:
“Châu
nhỏ duềnh quyên” là giọt ngọc nhỏ xuống duềnh nước có bóng trăng soi, một hình
ảnh gợi tình nam nữ. Còn nắng ấm (dương) làm cho hạt ngọc Lam Điền đông cứng
lại, cũng là một cảnh hòa hợp, sinh thành. Một người một bướm, một người một
chim, một giọt ngọc một vụng nước, một ánh dương soi một sự sinh thành, bốn hình
ảnh đều khêu gợi mối dục tình nam nữ một cách kín đáo, hàm ẩn. Nó dự báo mối
tình Kim-Kiều rồi sẽ còn có hậu. Khúc đàn tái hợp của Kiều đã nói lên lòng
nàng, vẫn một tấm lòng yêu đời thiết tha, trong sáng.
Anh
bạn tôi ơi, đến đây thì chắc bạn đã tạm bằng lòng với câu trả lời của tôi về
nguồn gốc cụm từ “duềnh quyên” mà tôi dùng trong bài thơ Nghìn thu từ độ. Tiện đây, tôi cũng xin nói luôn với bạn là, đối
với tôi, “duềnh” là cái gì rất thực, rất thân quen, không phải hình tượng văn
chương thơ phú.
Họa
sĩ thường bị ám ảnh bởi một màu sắc hay đường nét nào đó suốt khoảng thời gian
dài trong cuộc đời sáng tạo của mình, và họa sĩ có xu hướng phả hình tượng cùng
màu sắc đó lên mặt canvas. Picasso thời kì xanh, thời kì hồng, chẳng hạn. Những
kẻ làm thơ như tôi thì bị ám ảnh bởi những từ mà tôi không sao giải thích được.
Tuy thế, có một từ lúc nào cũng lởn vởn trong tâm trí tôi từ nhiều năm và tôi
có thể giải thích được tại sao, đó là từ “duềnh.”
Đằng
sau nhà tôi hiện nay ở miền Nam California là một con lạch nhỏ. Mở ứng dụng
Google Map, bạn sẽ thấy nó là một lằn chỉ màu xanh dương ngoằn ngoèo tên San
Diego Creek, chạy theo trục đông bắc – tây nam từ phía đông thành phố Irvine
qua Newport Beach rồi đổ vào Upper Newport Bay State Marine Conservation Area,
một vùng sinh thái hiếm hoi của miền đất này bởi đất đai ở đây đắt hơn vàng,
đất để xây nhà cao tầng và biệt thự, mỗi căn từ hai ba triệu đô la trở lên, chứ
chẳng ai quan tâm đến những vấn đề vớ vẩn như bầy chim di chớm đông bay từ
Canada xuống không có ao nước ngọt, hay mấy con ba ba từ biển xa về không tìm
ra bãi cát đẻ trứng, vân vân. Con lạch bé lắm, thật ra chỉ dùng vào việc thoát
nước của khu vực, lại ngắn ngủn như tôi vừa miêu tả, nhưng khúc chảy sau nhà
tôi lại có một cái duềnh. Mùa khô cạn nước, cỏ hoang và cây dại mọc lên um tùm,
nhưng sau một trận mưa thì nước dềnh lên thành một cái ao nhỏ. Và kì diệu thay
mầm sống! Ngay lập tức vài con cò bay đến thơ thẩn kiếm tôm cá ăn. Dọc theo con
lạch là lối đi bộ và chạy xe đạp. Gần như mỗi ngày, cơm nước xong, tôi đều ra
đi bộ đến khúc có cái duềnh, đứng trên cầu tìm con cò trắng, cổ dài ngoằng. Có
hôm nó đến kiếm ăn, có hôm không. Nhưng có hôm nó rủ thêm vài cò bạn, cả bầy
nhẩn nha đánh chén suốt buổi. Gần đó vài chú vịt trời bơi lội loăng quăng ra
chiều thư thái lắm. Nhìn bầy chim dưới duềnh, lòng tôi cũng thư thái không kém,
một cảm giác thật hiếm hoi, quý giá, trong cuộc sống tất bật hôm nay.
Những
hôm có trăng, trời quang mây tạnh, đợi lúc trăng lên cao gần đỉnh trời, mất
ngủ, tôi lại khoác áo bước vài bước ra xem cái “duềnh quyên.” Mấy mươi năm rồi,
tôi ở căn nhà này, bao nhiêu lần nhìn nó, riết rồi tôi xem nó là cái gì riêng
tư, của tôi, và cũng chẳng có ai tranh giành nó với tôi.
Chưa
hết. Tôi còn một cái duềnh thứ hai.
Cũng
con lạch San Diego Creek đó, qua đến địa phận Newport Beach, nó doãng ra thành
một hồ nước rộng trước khi đổ ra vụng nước sinh thái và cuối cùng là biển Thái
Bình. Một chút hoang sơ giữa lòng đô thị, duềnh nước lai láng dù là mùa khô
hạn, giữa duềnh nổi lên vài cồn cát, trên mọc hoang vài cây con và cỏ dại. Dọc
theo bờ vẫn con đường đi bộ và chạy xe đạp, hai bên đủ loại cây cối và bụi rậm
chen nhau rợp bóng. Vào một đêm trăng sáng, bạn hãy đưa người yêu đến đây thay
vì chui vào mấy cái vũ trường hay hộp đêm sặc sụa mùi rượu bia và son phấn rẻ
tiền, tôi bảo đảm người yêu bạn sẽ ôm hôn bạn đắm đuối.
Điều
may mắn cho tôi là suốt mấy mươi năm qua, cơ quan tôi làm việc chỉ quanh quẩn
xung quanh cái duềnh nước đó, dù tôi thay đổi khá nhiều công ti. Ít nhất mỗi
tuần một lần, sau những giờ phút căng thẳng với công việc, tôi hay lái xe lên
đây, giở cà men ra ăn trưa rồi ra ngoài đi bộ chừng nửa tiếng đồng hồ. Cái
duềnh lớn này theo năm tháng cũng ăn sâu vào tâm trí tôi như một cái gì rất
riêng tư bên cạnh cái duềnh nhỏ sau nhà.
Tôi
bị ám ảnh bởi nhóm từ “duềnh quyên” trong thơ tôi là phải thôi, nhất là từ khi
tôi đọc được bài thơ haiku của Thiền sư Choshu người Nhật Bản:
The moon in the water,
Broken & broken again,
Still it is there.
Không biết tiếng Nhật, tôi chỉ đọc
bản tiếng Anh, và mạo muội dịch ra tiếng Việt như sau (rất mong có bạn nào biết
tiếng Nhật giúp tôi hoàn chỉnh bản dịch):
Duềnh quyên,
Tan vỡ, rồi tan vỡ,
Trăng vẫn còn nguyên.
Hãy nghe Thiền sư Osho của thế kỉ XX
bình chú bài haiku này:
Bởi mỗi khi gió thổi đến, mặt hồ gợn
sóng, mặt trăng (trên mặt hồ) vỡ tan thành nghìn mảnh. Nhưng rồi hồ lại lặng
yên và tất cả những mảnh vỡ đó tụ lại thành mặt trăng. Bởi nó chỉ là cái bóng
phản chiếu mặt trăng nên cái bóng tan vỡ chứ không phải mặt trăng. Cho dù cái
bóng tan vỡ thành nghìn mảnh vụn, mặt trăng vẫn còn nguyên ở đó. Tất cả thân,
tâm, đời sống chúng ta là cái bóng phản chiếu trên mặt duềnh, vỡ tan thành nghìn
mảnh. Tuy vậy, nằm sâu trong hiện thể của ta, mặt trăng vẫn như cũ, muôn đời
đầy đặn và tuyệt hảo.
Tất
cả thân, tâm, đời sống chúng ta là cái bóng phản chiếu trên mặt duềnh, vỡ tan
thành nghìn mảnh,
bởi chúng ta hiện sống trong thế giới ảo, không có gì thật. Ngay cả những câu
chữ tôi đang viết cho bạn đây cũng không thật. Cái ảo có sức quyến rũ lạ kì,
như có ma lực, đẹp mê hồn, làm mê muội lòng người, nó cuốn hút tôi, bạn, tất cả
chúng ta, vào đó, tan vỡ như bóng trăng trên mặt duềnh. Con người sinh ra, để
lại những giấc mơ ảo, rồi biến mất. Hai câu thơ “Duềnh quyên bóng động hai hàng, Nghìn thu từ độ vẫn bàng hoàng trôi”
là lời tự thán biết vậy mà chẳng làm gì khác được.
Duềnh nhỏ sau nhà
Duềnh lớn, Newport Beach, CA