DU TỬ LÊ
Đinh Trường Chinh,
niềm hãnh diện của Đinh Cường? (Nguồn: Báo NGƯỜI VIỆT, 29.6.2018)
Chân dung Đinh Trường Chinh, dinhcuong
Tôi cho Đinh Trường Chinh đã rất tinh tế
khi ghi nhận rằng, đôi khi “sự thân thiết có thể đến từ những thứ nhỏ nhặt…”
Thí dụ, những bữa ăn chung, những gặp
gỡ, mà sự chia sẻ đáng kể nhất lại là nơi chốn, và những ly cà phê – chiếc gạch
nối cần thiết của mọi thường xuyên gặp gỡ; chứ không phải là nội dung được trao
đổi qua những cuộc họp mặt có tính nhàn tản ấy.
Phải chăng, vì thế, trong loạt “nhật ký
thơ” của Đinh Cường, nơi chốn và những ly cà phê, luôn có một vị trí của riêng
nó?
Theo ghi nhận của Đinh Trường Chinh thì
tình bạn, những gặp gỡ kể trên, vốn là những ngọn lửa âm ỉ trong liên hệ giữa
của ba người bạn, xuyên qua tuyển tập “Truyện Tình.”
Nhưng cách gì, thì sự lạnh lùng, tính
“bất nhân” của thời gian, cũng khiến cho những ngọn lửa, nhỏ bé thôi, cũng
không thể tồn tại dài lâu, mãi mãi.
Đinh Trường Chinh viết tiếp trong phần
cũng được/ bị gọi là “Bạt” (!) của mình: “Một ngày đầu năm 2016, một ngọn
lửa tắt đi.”
Và: “Sau sự ra đi của Đinh Cường/ Bố
tôi, thỉnh thoảng, tôi được bác Nguyễn Mạnh Hùng gọi đến gặp.”
Chẳng biết có phải với bác Nguyễn Mạnh
Hùng thì người duy nhất có thể ngồi vào chiếc ghế Đinh Cường bỏ lại, không ai
khác hơn là Đinh Trường Chinh (?).
Chinh kể, bác Nguyễn Mạnh Hùng thật
tình cảm. Ông chở đứa con trai của người bạn đã vĩnh viễn đi xa, tới nhà hàng
“Le Chat Noir,” một quán ăn đặc trưng Pháp ở khu Georgetown, nơi thân phụ anh
và bác Hùng từng tìm đến để “có chút lề đường không khí Paris” theo cách nói
trong nhật ký thơ của Đinh Cường.
Đinh Trường Chinh cũng nói, thân phụ
anh rất “sính Tây” như hầu hết những người cùng thế hệ với người họa sĩ đặc
biệt này.
Tình yêu, lòng ngưỡng mộ dành cho người
cha đã khuất của Đinh Trường Chinh, không thể sâu sắc, ý nghĩa, cảm động hơn
khi Chinh viết: “…Cũng có lần bác Nguyễn Mạnh Hùng rủ tôi đến ăn sáng, ngồi
phía sau nhà. Một chỗ ngồi thanh bình, nhìn xuống vườn một bãi cỏ rất đẹp (…)
Chỗ ngồi đó, bố tôi đã ngồi nhiều lần, với bác Nguyễn Mạnh Hùng, bác Nguyễn
Tường Giang, và nhiều bạn bè khác. Khi tôi đến, dĩ nhiên câu chuyện phần nhiều
là về bố tôi. Tôi ngồi xuống cái ghế ấy, như ngồi xuống cái bóng của bố mình…”
Tình yêu dành cho người cha tài hoa nơi
Đinh Trường Chinh, tôi cho là một tình yêu vượt xa cái tình cảm bình thường của
một người con đối với một người cha. Trong tình yêu ấy, nó ẩn chứa một điều gì
vượt trên mọi tâm-cảnh của yêu thương: Có và không. Hiện hữu dài lâu và mất đi,
chốc lát.
Tôi cũng nhận ra điều đó, nơi những bức
tranh Đinh Trường Chinh chọn lựa trong “kho-tàng-tranh” của thân phụ anh.
Tôi rất vui khi không bắt gặp nhiều
những hình tượng, màu sắc quen thuộc từ nhiều chục năm trước của Đinh Cường –
những sáng tác làm nên tên tuổi, như một thứ thẻ nhận dạng thế giới nghệ thuật
của họ Đinh.
Đa số những bức tranh ấy, thường là
nhan sắc thiếu nữ; tựa như vừa bước ra từ thi ca, cổ tích với: Khăn áo, chim
muông, nóc nhà thờ, cây thánh giá,… Và, sắc màu đa phần xanh, tím, lấp lánh
chút vàng vương giả, và những vệt đỏ nóng hổi ẩn dụ… Chúng như những nét đặc
thù để người thưởng ngoạn có thể “nhận ra ngay”… Đinh Cường, dù cho ông có quên
không ký tên!…
Nhưng số tranh được chọn để in trong
tuyển tập “Truyện Tình” thì khác. Hầu hết là tranh trừu tượng, mà những game
màu chính phần nhiều là tím than, đen (mix), với những vệt đỏ như những nhát
chém của những đường dao bất ngờ, hiện diện đâu đó, trong bố cục âm âm nỗi buồn
bã, lạc lõng (ngơ ngác?) của kiếp người. Tôi cũng được chiêm ngưỡng một số
tranh “nude” vốn rất ít phổ biến, thuở sinh thời của Đinh Cường.
“Nude” (như tĩnh vật), theo tôi, luôn
là một trong những bước đến cuối cùng của một tài hoa hội họa. Nó như một thứ
lục bát trong thi ca.
Nhưng khác hơn lục bát, “nude” thường
được giữ riêng trong không gian tịch lặng, thanh khiết của họa giới. Nó không
như lục bát, được (bị) phổ biến một cách “suồng sã,” “đại trà,” qua những vung
tay, ngày càng lan tràn của một số thi sĩ!
Tôi cho “nude,” tự thân có một đời
riêng như phần tâm-thức u trầm của một họa sĩ mang tâm-thức riêng.
Từ đấy, tôi thấy Đinh Trường Chinh
không chỉ thay mặt thân phụ, lấp đầy khoảng trống cha anh để lại, mà Đinh
Trường Chinh còn là một ngọn lửa khác. Một ngọn lửa, bất đồ thắp sáng tình bạn
(qua sáng tác) của hai bạn, thân hữu của người đã quá cố.
Hơn thế, phần khác, tôi cũng rất thích
những bức tranh Đinh Trường Chinh góp vào cuộc chơi: Không chỉ như một góp mặt
cho vui, hay cho có, mà những sáng tác ký tên anh, cũng đã là một khoảng đất
trời độc lập, trong bối cảnh mà kỷ niệm, hồi ức là bước đến chung cuộc, tâm
điểm của tuyển tập.
Chỉ với sáu tranh sơn dầu, ba bức bút
sắt (đen/ trắng) Đinh Trường Chinh, ở tuyển tập này, đã sớm cho thấy sự trưởng
thành, hay một đường bay nghệ thuật riêng của cá nhân anh, nếu so sánh với thế
giới đường nét, và màu sắc của người cha. Đấy là bất ngờ đáng kể nơi tình yêu
lớn mà Đinh Trường Chinh, đau đáu, trước sau dành cho thân phụ của mình.
Chẳng những tôi không gặp lại nhiều
hình ảnh giáo đường, thiếu nữ… (những hồi chuông quá khứ hay tiền kiếp trong
tranh Đinh Cường), mà tôi còn rất hạnh phúc với những bức tranh cho thấy thiên
nhiên, cây cỏ, núi rừng “trổ” ra từ tim óc người trẻ hôm nay: Đinh Trường
Chinh.
Nếu tôi hiểu không sai thì rất nhiều
họa sĩ của thế giới đã chịu ảnh hưởng ít, nhiều những sáng tạo mang tính cách
mạng, phản ảnh mức độ tàn khốc của chiến tranh tàn phá tận gốc, tinh thần, cũng
như thể xác con người, của danh họa bậc nhất thế kỷ 20, Picasso. Ông đã mang
lại cho hội họa nhân loại một thay đổi lớn, dù cực kỳ đau đớn, bi thảm với
những hình nhân dị dạng. Những con người không nguyên vẹn hình hài. Con mắt
văng khỏi hốc mắt. Trái tim nằm ngoài lồng ngực. Óc não chỉ còn là khoảng trống
sâu hút. Vô nghĩa. Vô cảm. Chúng khiến người thưởng ngoạn liên tưởng tới những
quái thai thời đại. Những quái thai của một thời chiến tranh dài, lâu, rộng
khắp…
Dù hôm nay chiến tranh trên hành tinh
trái đất này, vẫn còn tiếp diễn ở cấp độ khác, hình thái khác! Nhưng cách
gì thì hai cuộc thế chiến cũng đã lùi xa. Những chiếc khăn tang đã được gỡ bỏ.
Những vết thương tưởng không bao giờ lành, cũng đã khép miệng. Và, đời sống vẫn
chảy trôi về phía trước: Phía ánh sáng. Hy vọng. Chân trời.
Do đấy, tôi càng thấy rõ hơn: Những bức
tranh trong “Truyện Tình” của Đinh Trường Chinh, là một có mặt mới. Lạ. Sự quân
bình sinh-thái giữa con người và vũ trụ sau quá nhiều nhân-tai. Phản ảnh
sinh-cảnh hôm nay của chúng ta.
Tôi không biết trước khi từ trần, Đinh
Cường có coi những bức tranh mang tính ẩn dụ về sự hiện diện của một lớp người
mới, thể hiện qua tranh Đinh Trường Chinh?
Tuy nhiên, trường hợp nào, tôi vẫn tin,
ngay khi ở cõi khác, bạn-tôi cũng hãnh diện biết bao với Đinh Trường Chinh, một
trong những “chủng tử” tốt đẹp mà, ông đã gửi lại nhân gian. Hôm nay.
|