Thursday, December 13, 2018

894. PHAN TẤN HẢI Tưởng Niệm Đinh Cường: Một Danh Họa, Một Thi Tài

PHAN TẤN HẢI
Tưởng Niệm Đinh Cường:
Một Danh Họa, Một Thi Tài

Họa sĩ/thi sĩ Đinh Cường  (1939-2036)


Buổi tưởng niệm Họa sĩ Đinh Cường đã được tổ chức tang trọng hôm Thứ Bảy 30-1-2016 từ 2pm tại Việt Báo Gallery, thành phố Westminster, California.

Ban tổ chức lễ tưởng niệm là Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), một hội bất vụ lợi về nghệ thuật từng thực hiện những cuộc triển lãm tranh, trong đó có trưng bày tranh Đinh Cường, và theo lời cô Ysa Le, gần nhất la cuộc triển lãm “Thế Hệ: 40 Sắc Màu Giữa Đen và Trắng” tại phòng tranh OCCA ở Santa Ana từ cuối tháng 12-2015.

Tham dự lễ tưởng niệm Đinh Cường có nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhà phê bình mỹ thuật nhiều năm lui về một góc rừng để có thì giờ suy tư và viết như Huỳnh Hữu Ủy, cho tới họa sĩ Hoàng Vinh vốn đã lui về một góc chùa tụng kinh nhiều năm nay, cho tới các nghệ sĩ lái xe từ Los Angeles xuống như họa sĩ Rừng và nhà văn Trịnh Thanh Thủy, xa thật xa từ San Francisco tới là nhà thơ Lưu Hy Lạc, và những người thân tình từ ấu thời với người ra đi là họa sĩ Trịnh Cung, cũng như đặc biệt là họa sĩ Khánh Trường ngồi xe lăn được vợ đưa tới dự lễ.

Hiện diện còn có nhiều văn nghệ sĩ khác, trong đó có Kiều Chinh, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Hòa Bình, Thân Trọng Mẫn, Đặng Phú Phong, Phạm Phú Minh, Phan Nhật Nam, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Võ Thắng Tiết, Phạm Quốc Bảo, và nhiều vị khác… Trong đó có họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, một bạn thân thiết đã lập túc bay từ California lên Virginia dự tang lễ khi nghe tin họa sĩ Đinh Cường ra đi.

Người điều hợp chương trình là cô Ysa, thay mặt hội VAALA cảm ơn các tham dự viên, cảm ơn Nhật Báo Việt Báo đã bảo trợ lễ tưởng niệm, cảm ơn các nhà sưu tập đã cho mượn tranh Đinh Cường để treo cho buổi lễ, và cho biết hai nội dung chính là 2 bài nói chuyện của nhà thơ Du Tử Lễ và họa sĩ Ann Phong.

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, từ giây phút đầu tới cuối. Mọi người lặng lẽ, lắng nghe tất cả các diễn giả, và rồi xem tranh Đinh Cường, cả trên tường và cả trên màn chiếu từ máy do họa sĩ Ann Phong đưa ra minh họa theo các phân tích về nghệ thuật, trường phái và tâm trạng Đinh Cường từng thời kỳ.

Lễ tưởng niệm có hai phần chính:

- Tính Thi Ca Trong Nhật Ký Đinh Cường – diễn giả: Du Tử Lê

- Cõi Tạo Hình Của Đinh Cường – diễn giả: Ann Phong

Nhưng một phần cũng cảm động là những người yêu mến nghệ thuật của Đinh Cường đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về người họa sĩ tài hoa bằng cách viết vào giấy và dán lên một tấm bảng lớn sơn màu xanh. Sau buổi tưởng niệm, VAALA sẽ gửi những cảm nghĩ này cho gia đình của Họa sĩ quá cố.

Nhà thơ Du Tử Lê trong bài nói chuyện “Tính chất thi sĩ trong nhật ký thơ Đinh Cường” đã phân tích, trích như sau:

“Kính thưa quý vị và, các bạn

Hiện diện trong phòng sinh hoạt này, tôi thấy có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng. Trong số đó, có khá nhiều họa sĩ làm thơ. Có thể vì

- Thi trung hữu họa – và ngược lại Họa trung hữu thi.

Nên, việc họa sĩ Đinh Cường làm thơ, âu cũng là điều bình thường.

Sinh thời, ông làm thơ nhiều, cũng như có nhiều thơ hay, nên tính chất thi sĩ của ông, đã được văn giới biết tới và ghi nhận.

Tôi nhớ từ cuối thập niên 1950, tôi đã được đọc thơ Đinh Cường trong một số Tạp chí ở Saigon. Nhiều nhất là trên tạp chí Mai – Thuở đó, do nhà văn Bửu Ý phụ trách phần biên tập.

Sau này, ở hải ngoại, một số cơ quan truyền thông đã sưu tầm và đăng lại khá nhiều thơ Đinh Cường, trước tháng 4-1975.

Hơn thế nữa, cách đây gần hai năm, tức 2014, ông đã có 2 thi phẩm được ấn hành. Đó là tập “Cào lá ngoài sân đêm” do Thư Quán Bản Thảo, ở tiểu bang New Jersey xuất bản. Và, tập “Tôi về đứng ngẩn ngơ” do Quán Văn ở Saigon, ấn hành, cũng trong năm 2014.

CÀO LÁ NGOÀI SÂN ĐÊM, thơ Đinh Cường, nxb Thư Ấn Quán, 2014

TÔI VỀ ĐỨNG NGẨN NGƠ, thơ Đinh Cường, nxb Quán Văn, 2014

Tôi xin đọc hầu quý vị và các bạn một vài trích đoạn thơ Đinh Cường, trước tháng 4-1975. Bài “Nói Với Biển”:

“Không còn một con dã tràng nào đâu / em đừng tìm kiếm / bờ cát ướt và những vỏ sò trắng / loài cây hoang / không nói một lời / mưa rất nhiều trên núi đó / bóng người đi rất xa / bây giờ anh sợ hãi / nhiều lô cốt đen / (đừng ai bắn tôi và tôi sẽ ngã chết) / buổi sáng tôi nghe sóng lớn / biển động kia rồi / em hãy làm dấu thánh trên cát / bài hát rất buồn / như quê hương”…

Hoặc:

“Khi nàng mở mắt to nhìn lên / mây hãi hùng đổ xuống / và gíó, gió trên đồi cao / chàng và nàng chạy đuổi / bằng chân không / ngoài bờ sông những ngọn đèn sáng lên, vai cầu trắng / thành phố sương mù / nàng gầy như lau sậy / tóc nàng mắt nàng / với màu áo lụa đen chàng lẩn trốn / chàng quên hết / đó là siêu hình riêng của chàng / hạnh phúc dịu dàng như đồng cỏ / nàng hát buổi chiều như sao băng.”

Hoặc nữa:

“Những buổi chiều ta qua vùng Bình Long / buồn biết mấy / ôi những cánh rừng cao su trong tuổi nhỏ ta / mang đầy vết thương tàn nhẫn / làm sao ta lấy nhựa làm trái banh / những người phu không còn đi lấy mủ / bây giờ những xác người làm rừng cao su sợ hãi / bom đạn tha hồ rơi như mưa / những chiếc lá úa phủ đầy trên hố thẳm / ta bước đi buồn quá đỗi chiều nay / những chiều mặt trời không thấy ta lẻ loi…”

Không cần phải động não nhiều, chúng ta cũng thấy thơ Đinh Cường thơ mộng, lãng mạn, đẹp, như tranh của ông.

Nói cách khác thơ Đinh Cường là tranh, được ông vẽ bằng những con chữ đầy hình ảnh và, cảm xúc… Hai tố chất cần thiết cho một bài thơ.

Vì thế, với tôi, Đinh Cường đã có những bài thơ hay. Những bài thơ được viết bằng tâm-thái của một thi sĩ, đích thực.

Kính thưa quý vị và, các bạn

Vài năm trước khi từ trần, họa sĩ Đinh Cường làm thơ hầu như mỗi ngày. Có ngày ông làm được nhiều hơn một bài thơ. Như thể ông viết nhật ký, bằng thơ, liên tục mỗi ngày.

Tuy nhiên, tất cả những bài thơ có tính nhật ký của ông, với tôi đều có nhiều hình ảnh và đầy thi tính.

Tôi gọi đó là “Tính chất thi sĩ trong nhật ký thơ Đinh Cường

Qua hàng trăm bài nhật-ký-thơ của Đinh Cường, người ta thấy bất cứ điều gì ông thấy, ông gặp, ông nghe, ông nhớ trong ngày, cũng có thể thành thơ.

Những dòng thơ tự nhiên, nếu không muốn nói là hồn nhiên, như thẻ thơ- - Hiểu theo nghĩa:

Thấy gì ghi nấy, nhớ gì, nói nấy.

Từ chuyện gặp bạn, nhớ bạn hay xa bạn; từ một góc bếp hay khi ông nhớ những tách nước trà sớm mai, tới những cảnh tưởng khi ông ra đường, thấy và nhớ một hình ảnh, một ký ức nào đó, sống lại trong tâm trí ông, cũng có thể giúp ông viết xuống, ghi lại thành thơ. Thậm chí khi đau ốm, nằm một chỗ, nhìn thấy các kệ sách, cũng giúp ông có những bài thơ trong sáng.

Tôi thí dụ, một đoạn thơ ông viết cho một người bạn trẻ của ông, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần:

nhớ không Thuần cánh cửa sổ
khu chung cư ấy đêm về mở ra
bạn đứng phà hơi thuốc nhớ Nhã Hương
kêu điện thoại khó khăn bấm số thẻ dài dòng
có đêm nấu hai tô mì gói ghé mua ở chợ Tàu
thấy ngon, thêm mấy lon bia Heineken
bạn ưng uống bia hơn chát đỏ

Lê Tài Điển thì điểm tâm đã một chai La Fleur Pauillac…

Hoặc:

Khi người thi sĩ ấy vẽ
dưới giàn hoa ngoài sân
ôi sao mà ánh nắng
hòa cùng màu xanh trong
.
Khi người thi sĩ ấy vẽ
đeo găng tay, áo che
mới thấy là rất điệu
những nét vòng đen kia…

Hoặc nữa:

Sáng dậy sớm
nấu nước sôi pha ly trà xanh
chụm hai bàn tay ấm
tiếng xe sớm rộn, mất hút
ngoài trời chưa sáng tỏ
những ngày Cali trở lạnh
.
Giờ này trên ngọn đồi thông
bên chân cầu Đại Lào
người bạn đã trở về
căn gác tối
.
trong căn nhà gỗ nhỏ
có ống khóa to
luôn khóa chặt…

Thưa quý vị và, các bạn,

Hiển nhiên, đó là những lời nói bình thường, không trau chuốt, không cầu kỳ… Nhưng chúng vẫn là thơ. -Tại sao?

Vì đó là những dòng chữ đầy thi tính, đầy hình ảnh và, cũng không thiếu những liên tưởng đẹp hay những ẩn dụ mà, trong lãnh vực thi ca, thì đó là những kỹ thuật cần thiết, để được gọi là thơ.

Tôi nhớ đọc đâu đó, nhà thơ Đinh Trường Chinh, thứ nam của họa sĩ Đinh Cường, đã ghi lại rằng, nhiều người than phiền thơ nhật ký của thân phụ anh, mang tính kể chuyện, tầm thường, thậm chí lảm nhảm…

Nhưng thực tế, phong cách nhật lý thơ của Đinh Cường đã lan tỏa tới nhiều người khác.

Gần đây, tôi được đọc hai bài thơ làm theo phong cách nhật ký thơ kiểu Đinh Cường.

Đó là hai bài thơ mới nhất, một của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, ở Saigon và, một của nhà thơ Trần Yên Hòa, ở Hoa Kỳ.

Tôi không biết rồi đây, phong cách nhật ký thơ kiểu Đinh Cường sẽ lan tỏa đâu nữa?

Nhưng nhiều phần, theo tôi, tương lai, phong cách nhật ký thơ của Đinh Cường, sẽ trở nên phổ biến hơn - - Và khi ấy, có thể phong cách đó, sẽ trở thành một thứ “Trường phái nhật ký thơ” mà, Đinh Cường chính là người khai sáng vậy.

Kính thưa quý vị và, các bạn,

Cách đây hơn hai tuần, trước khi Việt Báo Xuân ra đời, có đăng bài “Tạ Ơn” – một trong những bài thơ cuối cùng của Đinh Cường thi sĩ - - Tôi đã được thi sĩ Trần Dạ Từ đọc cho nghe…

Nguyên văn bài thơ đó, như sau:

“Nghĩ là ta tạ ơn ai
tạ ơn Trời Đất một mai sớm chiều
kể từ chập chững liêu xiêu
đến khi già yếu phải dìu bước đi
.
Tạ ơn, còn nói năng chi
chắp tay mà vái, thầm thì niệm kinh
bàn tay Phật chỉ anh minh
tưởng trăng là bóng của mình là sai
.
Bóng ta từ lúc đổ dài
đường chiều qua mấy ngõ đầy lá thu
bóng ta từ sớm sương mù
tạ ơn Trời Đất đền bù, nắng lên…

Hai câu thơ cuối của bài thơ Tạ Ơn:

“bóng ta từ sớm sương mù / tạ ơn trời đất đền bù, nắng lên”

Theo tôi, như một dự báo, thi sĩ sẽ chia tay cuộc đời, chia tay chúng ta một cách êm ả, như chi tiết mà gia đình ông đã cho biết.

Họa sĩ / thi sĩ Đinh Cường cách gì, cũng đã… đi xa. Nhưng thơ cũng như họa của ông, chắc chắn sẽ còn ở lại với muôn sau. (toàn văn ở dutule.com)

Trong khi đó, họa sĩ Ann Phong – một người được cô Ysa giới thiệu là thế hệ 1.5, sinh ở Việt Nam và trưởng thành ở Hoa Kỳ -- vừa kể về Đinh Cường, vừa phân tích, vừa chiếu hình ảnh về đời sống Đinh Cường và tranh của ông.

Họa sĩ Ann Phong kể rằng họa sĩ Nguyễn Phươc cho biết là khi nghe câu nói “Đinh Cường đi rồi” là mất ngủ luôn mấy ngày, và đã vẽ một tấm tranh tưởng niệm – và Nguyễn Phước vốn ưa màu nóng, nhưng lần này sử dụng màu lạnh để ghi lại tấm lòng hương nhớ Đinh Cường.

Họa sĩ Ann Phong chiếu lên tấm tranh Đinh Trường Chinh (con trai Đinh Cường) vẽ bố, kèm mấy dòng thương nhớ: “Bố, người đã sống hiểu ra lẽ trời, lẽ đời, đạo trời, đạo người. Từ thế, an nhiên ra đi không nhiều lời dò dặn.” Hình ảnh Đinh Cường ngậm điếu thuốc trong tấm tranh đen trắng đỏ và phía sau là căn nhà cửa sổ khép… mang đầy sức mạnh ngậm ngùi.

Họa sĩ Ann Phong phân tích về màu xanh độc đáo của Đinh Cường, nhưng khi gần cuối đời đã vẽ một tấm tranh màu trắng, đỏ và đen với một đường cắt chéo, và nói chị linh cảm rằng họa sĩ Đinh Cường sắp ra đi, vì bố cục màu và đường nét rất là đinh mệnh. Họa sĩ Ann Phong nói, chị không bao giờ dám vẽ như thế, trừ phi khi biết mình sắp từ trần, và chị hy vọng khi chết sẽ được 2 tấm tranh tưởng niệm vẽ bởi 2 cô bạn thân là Ysa và Hòa Bình.

Trả lời phóng viên VB, nhà văn Phan Nhật Nam nói, “Tranh Đinh Cường đẹp tới cảm động.”

Trong khi đó, nhà văn Trịnh Thanh Thủy nói: “Là một người tài hoa, với một bản năng sáng tạo mạnh mẽ, hoạ sĩ Đinh Cường xuất sắc không những trong thế giới tạo hình mà cả trong phê bình nghệ thuật. Trong lãnh vực thi ca, thơ ông cũng rất sâu sắc và đầy thi vị. Bước vào tranh ông tôi như lạc vào một thế giới sắc màu linh động có đủ tiết tấu của thi ca, hợp âm của cung nhạc và sự chuyển động của cảm xúc tràn ngập trong tôi. Mất ông chúng ta mất đi một tài năng đáng qúy của nền mỹ thuật Việt Nam.”

PHAN TẤN HẢI
Nguồn: VIỆT BÁO, 3 tháng 2.2016