Friday, November 30, 2018

876. PHỎNG VẤN NHÀ VĂN TRẦN DOÃN NHO - Phạm Cao Hoàng thực hiện, tháng 10.2018



Tạp chi Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư chủ biên ra đời vào tháng 9 năm 2001. Ngoài việc sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm văn học miền nam 1954-1975, Thư Quán Bản Thảo còn thực hiện các số báo chủ đề nhằm vinh danh và ghi nhận tài năng của nhiều tác giả thuộc dòng văn học này và dòng văn học được hình thành từ sau 1975 ở hải ngoại. Số báo gần đây nhất, số 82, với chủ đề NHÀ VĂN TRẦN DOÃN NHO, được phát hành đầu tháng 11.2018 là một số báo được thực hiện công phu với nhiều bài viết giá trị. Bài phỏng vấn nhà văn Trần Doãn Nho dưới đây do Phạm Cao Hoàng thực hiện là một phần trong số báo chủ đề đó.  (PCH)



1.   Anh Trần Doãn Nho, anh là người đa tài: viết truyện ngắn, truyện dài, làm thơ, viết nhạc, viết tiểu luận, phê bình văn học và biên khảo. Tuy nhiên, viết tiểu luận, phê bình văn học và biên khảo là công việc anh đầu tư thời gian và công sức nhiều nhất. Vì sao anh lại đi vào con đường gai góc này?

TDN.
Chào anh Phạm Cao Hoàng. Tôi không dám nhận hai chữ “đa tài”. Tôi chỉ là người yêu văn chương, mê viết, mê đọc. Cũng như nhiều anh chị em viết lách khác, đã thích viết thì cái nào cũng muốn thử: văn, thơ, nhạc…Tôi thì chịu khó “thử”. Mỗi một thể loại mang tính cách riêng, và do đó, nó giúp người viết bày tỏ một cái gì đó mà thể loại kia không bày tỏ được. Cái quan trọng là chúng trông có chút giá trị nào không và có được độc/thính giả đọc/nghe không. Có lẽ vì “ham hố” hoặc có thể vì khả năng mình chỉ như thế, nên rốt cuộc, tôi chẳng luyện được “tay nghề” cho một thứ nào, thành thử ra, nói thật với anh, cái nào cũng đại khái. Nhưng nói chung, tôi tự cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có được.

Về mặt viết biên khảo hay nhận định văn học, anh nói đúng. Đó là lãnh vực đòi hỏi thời gian nhiều nhất: sưu tầm tài liệu, ghi chép, hệ thống hóa, suy nghĩ…Viết một bài như thế đôi khi mất cả vài tháng, có khi cả năm. Khác với làm thơ hay viết truyện, viết biên khảo hay nhận định không dựa vào cảm hứng, mà dựa vào tài liệu, và suy luận. Phải cẩn thận khi trích dẫn, hay phê phán, và ngay cả khi khen ngợi một ai đó. Nhìn lại, thấy những gì mình viết được còn quá khiêm tốn, về cả lượng lẫn chất.

Tôi đã tập tễnh viết biên khảo, nhận định từ hồi mới lên đại học. Vả lại, tôi học triết, mê triết, nên đã có thói quen này. Thành thật mà nói, khó thì khó, nhưng gai góc thì không hẳn là gai góc. Nghề nào nghiệp đó. Thời đi dạy, tôi phải soạn “cours” để dạy, nên dần dần, viết lách kiểu đó trở thành thói quen. Nhưng nói chung, viết được là một chuyện, viết cho ra trò lại là một chuyện khác. Tôi chỉ cố gẳng, nỗ lực trong khả năng của mình.


2.   Khi tiếp xúc với anh, tôi thấy anh là người rất hồn nhiên, khiêm tốn  và chân thật. Và quả thật anh là người đầy đam mê nghệ thuật. Sức làm việc của anh rất đáng nể và những đóng góp của anh cho văn học nghệ thuật rất đáng ghi nhận.

Anh vốn cẩn thận và cân nhắc khi chọn đề tài để viết. Anh đã xuất bản ba cuốn sách về biên khảo: Viết và Đọc, Tác giả tác phẩm và sự kiện, Ẩn dụ cuộc phiêu lưu của chữ. Tôi đã đọc 3 cuốn sách này và học được nhiều điều từ những trang viết của anh. Xin anh vui lòng cho  biết mục đích của từng cuốn sách trong bộ biên khảo này.

TDN
Viết và Đọc” chỉ là tập hợp những bài viết rải rác của tôi đăng trên các báo văn học xuất bản ở hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21…trong thời gian đầu khi tôi sang định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi bài viết nhắm đến một chủ đề riêng biệt, hoặc là một tác giả nào đó hoặc là một đề tài văn học nào đó và do đó, ít liên hệ tới nhau. Chẳng hạn, có bài bàn về vấn đề “hư” và “thực” trong sáng tác văn chương hay cái “mới” trong văn chương trong lúc ở một bài khác, tôi viết về Bùi Giáng hay về văn chương Hoa Kỳ. Có đề tài tôi suy nghĩ từ lâu trước đó, nhưng có đề tài dựa trên chuyện thời sự văn chương.

Riêng cuốn “Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện” hơi đặc biệt một chút. Hồi đó, anh Nguyễn Mộng Giác đề nghị tôi giữ giùm mục Tin Văn cho tờ Văn Học, lúc đó, anh là chủ bút. Tôi hứa với anh là tháng nào cũng có một bài, một mặt, vừa để thông tin về văn học với độc giả, và mặt khác, nói thật, là để “trám trang”. Hồi đó, để có Văn Học phát hành một tháng một lần, bài vở là chuyện gay cấn, vì Văn Học chủ trương không đăng lại những bài đã đăng trên báo khác rồi, trừ trường hợp đặc biệt. Vừa lo xong một số, là lo sốt vó, không biết số tới có đủ bài vở mà đi không. Vì thế, khi tôi nhận phụ trách phần “Tin Văn”, mỗi số khoảng từ 10 đến gần 20 trang, là anh Giác yên tâm lo 140, 150 trang còn lại. Tin Văn, mỗi một kỳ, chiếm khá nhiều trang như vậy là vì, tôi không chỉ viết những “mẩu tin” chỉ để đưa một số tin tức về một sự kiện văn học nào đó, mà viết thành một bài ngắn về mẩu tin đó bằng cách tìm thêm tài liệu để giúp độc giả có đủ dữ kiện hiểu rõ hơn một tác giả nào đó, hoặc một sự kiện văn học nào đó.Cách viết này được độc giả tán thưởng, nên động viên tôi tiếp tục, kéo dài đến gần…ba năm, từ số 188 (12/2001) đến số 220(8/2004).Và do say sưa với Tin Văn, suốt một thời gian dài, tôi quên bẵng việc sáng tác (truyện), đến nỗi có một nhà văn thắc mắc hỏi tôi: chẳng lẽ anh bây giờ chỉ ngồi viết Tin Văn mà bỏ sáng tác, phí thế!

Thực ra, thì với tôi, không đến nỗi phí. Hầu hết những bài viết trong Tin Văn, về sau, giúp tôi hoàn thành tập biên khảo “Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện” bằng cách triển khai, mở rộng những gì mà tôi đã từng viêt. Thích nhất, là tôi có dịp được tìm hiểu và viết về James Joyce, một tác giả “khó nuốt”, để có dịp giới thiệu với độc giả Việt Nam. Bài này, nghĩ lại mà thấy buồn cười: nó, lúc đầu, chỉ xuất phát từ một mẩu tin ngắn gọn trên tờ Guardian (Anh) khoảng chừng hơn trăm chữ, đề cập đến ngày lễ hội tưởng niệm tác phẩm Ulysses của James Joyce! Một bài khác là về George Orwell, điểm hai tác phẩm nổi tiếng của ông này là “Animal Farm” và “1984”, cũng từ một mẩu tin đơn giản trên tờ New York Times đề cập đến sinh nhật thứ 100 của nhà văn này. “Animal Farm” vốn đã được phổ biến rộng rãi từ trước, nên ít có điều đáng nói, nhưng “1984” thì khác, hầu như chưa hề phổ biến với độc giả Việt. Tôi say sưa đọc đi đọc lại tác phẩm này, cảm thấy khiếp đảm về cái tài tiên tri của nhà văn này về chế độ Cộng Sản, nhất là khi mình đã từng sống 18 năm cay đắng dưới chế độ này ở Việt Nam.

Riêng về tác phẩm biên khảo mới nhất, “Ẩn dụ, cuộc phiêu lưu của chữ” là tôi hoàn toàn chủ động. Đây là một đề tài đòi hỏi sự tập trung, cả về tài liệu lẫn suy nghĩ và lý luận. Tất nhiên là nó “khó” hơn là hai tập kia nhiều. Tôi quan tâm đến ẩn dụ chỉ vì nó liên hệ trực tiếp đến việc sáng tác cũng như tìm hiểu ngôn ngữ văn chương. Như anh biết, văn chương là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và đỉnh cao của việc sử dụng ngôn ngữ là ẩn dụ, nhất là trong thơ. Tôi nuôi dưỡng ý định viết một cái gì đó về ẩn dụ từ khi đặt chân ra hải ngoại. Có cơ hội học hỏi và trau dồi thêm ngoại ngữ và với số lượng sách, báo dồi dào ở các thư viện Hoa Kỳ, cùng lúc với sự phát triển của Internet, tôi bắt đầu đọc, tra cứu về đề tài này. Thú nhất là tôi còn dễ dàng tìm kiếm được những cuốn sách tưởng như không thể nào kiếm được qua hệ thống bán lẻ online của Amazon, Barnes and Noble (anh thử tưởng tượng: cuốn “La nausée” của Jean Paul Sartre mới tinh tôi chỉ mua với giá 4 dollars + bưu phí).

Hiện tôi còn nuôi ý định viết thêm một cuốn biên khảo nữa, nhưng không biết có thực hiện được không.


3.   Mong rằng anh sẽ thực hiện được. Câu hỏi tiếp theo, tôi nghĩ không chỉ là câu hỏi của riêng tôi, mà là câu hỏi của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước. Văn học hải ngoại được hình thành và phát triển đã hơn 40 năm (1975-2018) và anh đã có một thời gian dài gắn bó với dòng văn học này. Theo anh, những thành tựu đáng ghi nhận nhất của dòng văn học này là gì?

TDN
Tôi bắt đầu định cư ở Hoa Kỳ năm 1993 và đúng như anh nói, tham gia ngay vào sinh hoạt văn chương hải ngoại, gắn bó với nó từ đó đến nay. Bàn về chuyện thành tựu, tôi có vài nhận xét sau:

1.Trong một phát biểu ngắn về văn học hải ngoại trong cuộc hội thảo về Văn Học Hải Ngoại đuợc tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 ở California, tôi có nhấn mạnh: chính sự hiện diện là thành tựu. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến này. Với tôi, nội sự có mặt của một sinh hoạt văn học ngoài Việt Nam và khác với văn học Cộng Sản trong nước - bất kể dưới hình thức nào và bất kể yếu hay mạnh - tự bản thân, đã mang một ý nghĩa tích cực. Nói thế nghe có vẻ như “huề vốn”, thực ra, đến giờ nhìn lại, tôi vẫn ngạc nhiên về sự hình thành và kéo dài, tiếp tục kéo dài của văn học hải ngoại và những ảnh hưởng tích cực của nó đối với văn học Việt Nam nói chung.

Năm 1975, khi tất tả rời bỏ đất nước, ai cũng chỉ có một mong ước duy nhất: sống còn. Người viết vừa ít ỏi, lại vừa ở tản mác khắp nơi, ngôn ngữ thì mất dần, người đọc thì không có. Làm sao để sống còn trên xứ người cũng là quá khó khăn rồi, nói gì đến việc hình thành một nền văn học, vừa hoàn toàn thiếu thực tế vừa nằm ngoài khả năng. Thế mà rồi “nó” đã hình thành, đã hiện diện. Cái đáng ngạc nhiên là “nó” hình thành một cách tự nhiên như nhiên, không do một sự chỉ đạo nào, không cần một “nghị quyết” nào, không cần một nguồn tài trợ nào. “Nó” trải dài, trải rộng từ đông sang tây, từ nước này qua nước nọ, kể cả trong nước (một số nhà văn trong nước đã góp một phần với văn học hải ngoại). Không những hình thành, hiện diện mà “nó” còn phát triển để chúng ta có quyền nói đến tiềm năng, triển vọng hay cả những bế tắc của nó thì tự điều đó quả đáng cho ta …gọi là thành tựu. Có nhà xuất bản, có tác giả, tác phẩm, có báo văn học, có các sinh hoạt, hội thảo văn học đều đặn ở nơi này nơi khác, có đổi mới, phát triển. Có những cây bút cũ, có những cây bút mới, hoàn toàn mới, xuất hiện từ những điều kiện không mấy bình thường tại hải ngoại.Đó là một “nền” văn học đa dạng với nhiều xu hướng văn chương khác nhau. Văn Học Hải ngoại không những đã phục hồi những tác giả cũ của văn học miền Nam 1954-1975, mà còn sản sinh ra một thế hệ nhà văn, nhà thơ cũng như nhà biên khảo hoàn toàn mới với những tác phẩm và công trình biên soạn có giá trị cho văn học Việt Nam. Đó là một nền văn học đúng nghĩa, có thể đối sánh với nền văn học trong nước hay bất cứ một nền văn học nào khác, dù quy mô nhỏ hơn và bị hạn chế nhiều mặt.

Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm, văn học hải ngoại vẫn hiện diện và được nhìn nhận như một điều hiển nhiên. Với sinh hoạt đều đặn ở những nơi có tập trung đông người Việt qua các buổi ra mắt sách, thuyết trình hay hội thảo về các đề tài khác nhau, và rồi với các báo văn học mạng, các sáng tác và các công trình biên khảo hải ngoại đã đi thẳng vào độc giả trong nước. Trang mạng Văn Việt, xuất phát từ trong nước, ngoài mục Văn Học Miền Nam, có thêm chuyên mục giới thiệu các khuôn mặt cũng như nhiều sáng tác mới khác của những cây bút của Văn Học Hải Ngoại.

Văn Học Hải Ngoại đã dựng nên hình ảnh một Việt Nam khác, sau 1975, mà nhà nước Cộng Sản Việt Nam tìm cách che giấu. Đó là một Việt Nam tan nát, tuyệt vọng, tù đày, thất lạc, khốn khổ và đồng thời cũng là một Việt Nam tự do, nhân bản và tràn đầy hy vọng về tương lai. Không có văn học hải ngoại, lịch sử sau này sẽ mất đi một phần quan trọng ghi lại những khổ đau, những phấn đấu của người chiến bại cũng như thành quả và sức sống của người Việt Nam lưu vong trên chiều dài lịch sử.

2.Văn Học Hải Ngoại là một môi trường thuận tiện để cho tác phẩm “có vấn đề” của một số nhà văn trong nước xuất hiện. Ngoài ra, một số tác giả ở trong nước cũng cộng tác thường xuyên với các báo hải ngoại. Những sự kiện đó cho thấy: nếu gạt bỏ đi thái độ kẻ cả, ngạo mạn của một số thành phần nào đó trong hàng ngũ viết lách trong nước, thì Văn Học Hải Ngoại vẫn còn là cánh cửa mở, nếu không muốn nói là lối thoát cho bản thân nền văn học trong nước. Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu về văn học cũng như các tác phẩm ở hải ngoại đã được xuất bản, nghiên cứu hay được sử dụng cách này hay cách khác ở Việt Nam.

3.Và thành tựu quan trọng nhất là Văn Học Hải Ngoại đã bảo tồn - và bảo tồn một cách tích cực - một nền văn học bị bức tử, Văn Học Miền Nam 1954-1975. Trong giai đoạn đầu, sự bảo tồn đó chỉ có tính cách thụ động: in lại (sao chép lại) những tác phẩm cũ của miền Nam như một món ăn tinh thần cho những người vừa bỏ nước ra đi trong lúc họ đang chật vật kiếm sống nơi quê người. Sau đó, nhà văn Võ Phiến đã viết bộ “Văn học miền Nam” gồm 7 tập, dù chưa thật đầy đủ, nhưng cũng phác họa được sự phong phú, đa dạng của một nền văn học bị nhà cầm quyền Cộng Sản tìm cách tiêu diệt. Trong lúc đó, một vài tạp chí, như Khởi Hành chẳng hạn, tìm cách dựng lại từng khuôn mặt văn chương và các sinh hoạt văn chương khác miền Nam. Nhưng liên tục nhất, lâu bền nhất và đạt được nhiều thành quả nhất là Thư Quán Bản Thảo. Với Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán, có thể nói cả một nền văn học phong phú của miền Nam như được vực dậy. Tôi đã từng đề cập đến Thư Quán Bản Thảo, Thư Ấn Quán cũng như cá nhân nhà văn Trần Hoài Thư qua một bài Phỏng Vấn đi trên trang mạng Da Màu tháng 4/2010:


và một bài viết khác đi trên tờ Người Việt:



4.   Hơn 40 năm rồi, đã đến lúc cần nhìn lại một đường dài  đã đi qua để rút ra những thành tựu của  Văn Học Hải Ngoại. Do vậy, tôi đã đặt câu hỏi số 3 trên đây – một câu hỏi không dễ trả lời nếu như không gắn bó với dòng văn học này trong nhiều năm qua. Và câu trả lời của anh theo tôi là khá thỏa đáng. Ở thời điểm này, tháng 10.2018, có lẽ anh là một trong những người đầu tiên chính thức lên tiếng và ghi nhận những thành tựu của Văn Học Hải Ngoại. Hy vọng sẽ có thêm nhiều tiếng nói khác, ghi nhận, khái quát, và tổng hợp những thành tựu của dòng Văn Học Hải Ngoại.

Bây giờ xin có một câu hỏi về lĩnh vực sáng tác của anh. Nhận xét về truyện ngắn của anh, nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết: “Eudora Welty một nhà văn nữ nổi tiếng của Mỹ bảo rằng bà thích kể về đời sống bên trong của người ta, và kể với tất cả lòng yêu thương. Văn nghiệp của bà dựng trên những trang sách kể chuyện đời với tất cả tấm lòng thân ái. Trần Doãn Nho cũng đang làm một công việc tương tự”.  Anh nghĩ sao về nhận xét này?

TDN
Là một nhà văn thành danh từ trước 1975 và sau này, trở thành một trong những trụ cột của văn học hải ngoại, lại chủ biên một tờ báo văn học, anh Nguyễn Mộng Giác thường hay khuyến khích và nâng đỡ những nhà văn thuộc thế hệ sau anh, nhất là những người viết mới. Anh đã viết lời tựa cho nhiều tác phẩm đầu tay của một số cây bút hải ngoại, trong số đó có tôi. Nhận xét trên là lời tựa viết cho tác phẩm đầu tay của tôi xuất bản ở hải ngoại vào năm 1995, “Vết xước đầu đời”, khoảng chừng hai năm sau khi tôi định cư ở Hoa Kỳ. Những nhận xét cũng như những lời động viên như lời dẫn trên của Nguyễn Mộng Giác là một trong những động lực khiến tôi thêm tự tin thêm trong việc viết lách sau này.


5.   Theo anh, thế nào là một truyện ngắn hay?
Trong những truyện ngắn anh đã viết, truyện nào anh hài lòng nhất?

TDN
Đối với một tác phẩm nghệ thuật, “hay” là một khái niệm phi-tiêu chuẩn. Nó phất phơ, trôi nổi tùy theo thời gian/thời điểm, trình độ, hoàn cảnh văn hóa, quan niệm/xu hướng nghệ thuật của từng người đọc. Khó có một cái “hay” vĩnh viễn, ổn định.Rút ra từ kinh nghiệm đọc của mình, theo tôi, một truyện ngắn hay phải có ít ra là một trong những yếu tố sau:

-       Tạo được một “hơi văn” đặc thù. Tôi đã từng đề cập đến cái gọi là “hơi văn”, hay “hơi chữ” rải rác trong một vài bài viết ngắn. Nhà văn tạo được một cấu trúc câu, chữ khiến văn phong “bốc” lên một thứ hơi làm cho người đọc cảm thấy bị lôi cuốn trước khi kịp theo dõi câu chuyện hay nhân vật.Đọc lên, dù là diễn tả cái gì, ta có cảm giác những dòng chữ mang theo một cái gì đó rất riêng, hoặc là lành lạnh, âm ấm, hoặc là nghèn nghẹn, bứt rứt, phẫn nộ, hoặc là xốn xang, mỉa mai…Một truyện ngắn hay, theo tôi, một nửa nằm ở chỗ tạo được hơi văn.

-       Thứ đến là cấu trúc câu chuyện. Điều này đòi hỏi kỹ thuật dựng truyện: cách bố trí sự kiện và nhân vật. Tức là cách kể chuyện. Cùng một câu chuyện, nhưng do cách xếp đặt, mỗi một tác giả cho ra đời một tác phẩm khác nhau. Cái hay của một câu chuyện nằm ở cách kể hơn là câu chuyện kể.

-       Và cuối cùng, phần đối thoại phải cô đọng, sắc nét, đầy gợi ý và có khả năng    dựng nên một khung cảnh nào đó.

Kinh nghiệm là kinh nghiệm, đôi khi,chỉ là cảm nhận, khó tìm thấy trong sách vở. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, tôi thử “nghiên cứu” cách viết của những truyện ngắn mà tôi thích và cho là hay, những tưởng mình có thể tìm ra bí quyết của nó, để, nói anh đừng cười, bắt chước. Nhưng rốt cuộc, không cách gì tìm ra được (mà có hỏi tác giả, tôi đoán chừng tác giả cũng không nói được). Họ viết ra y như không thể viết khác được. Cái hay của văn, “hơi văn” chẳng hạn, rốt cuộc, dường như vẫn là điều bí ẩn. Bẩm sinh chăng? Có thể.

Riêng cá nhân tôi, để có một đánh giá khách quan về các tác phẩm của mình, nhiều lần, tôi cố đọc lại chúng như một độc giả thuần túy. Và không mấy hài lòng với một số tác phẩm mình đã viết ra, thậm chí có truyện, tôi muốn quên hẳn đi. Một vài truyện tôi cho là tạm được, cảm thấy hài lòng về mặt này hay mặt khác,trong số đó, là “Vết xước đầu đời”, “Ngơ ngác và trẻ thơ”, “Bữa ăn”…Anh Phạm Cao Hoàng hay bạn đọc nào quan tâm, xin tìm đọc thử.


6.   Nhà văn Mai Thảo cũng có ý kiến tương tự như anh: ông không hài lòng lắm về những gì ông đã viết. Có phải đây là một cách nói khiêm tốn không? Ý kiến của anh về THẾ NÀO LÀ MỘT TRUYỆN NGẮN HAY làm tôi liên tưởng đến truyện ngắn ĐÊM MƠ của Trần Hoài Thư. ĐÊM MƠ đạt được cả 3 tiêu chuẩn mà anh đề cập.

Anh làm cùng một lúc hai việc: sáng tác và biên khảo/phê bình văn học.. Liệu hai việc này có ảnh hưởng hay chi phối lẫn nhau mỗi khi anh ngồi trước bàn viết không?

TDN
Thành thật mà nói, sáng tác và viết biên khảo hay nhận định và lý luận về văn học là hai công việc hoàn toàn khác nhau, thậm chí có phần mâu thuẫn nhau. Trong khi sáng tác phần lờn dựa vào cảm hứng và óc tưởng tượng thì viết biên khảo dựa vào lý trí và nguồn tài liệu. Biết như thế, cho nên, trong thời gian viết biên khảo, tôi thường tránh không sáng tác hoặc ngược lại. Sợ rằng cái này sẽ ảnh hưởng đến cái kia. Dẫu vậy, nhìn kỹ lại, tôi vẫn tìm thấy cái này có chịu ảnh hưởng của cái kia ở một vài khía cạnh nào đó. Phải chăng điều này khiến cho các sáng tác của mình thiếu đi sự hấp dẫn? Có một bạn văn nhận xét rằng trong các sáng tác của tôi vẫn có cái gì phảng phất tính “lý sự”, do đó, khiến chúng thiếu đi cái chất lảng đãng, tự do của óc tưởng tượng. Có bạn văn nhận định rằng, tôi viết nhận định văn học trông có vẻ “tới” hơn là các sáng tác. Tôi chỉ biết ghi nhận. Riêng tôi, viết loại này hay loại kia, và có khi còn làm thơ, viết nhạc, tôi đều cố gắng. Tất cả chỉ vì một cái tật khó bỏ: yêu thích văn chương.

Chính điều này làm tôi tiếp tục viết, chứ không phải vì một “giấc mộng văn chương” màu mè và  hư áo nào cả.


7.   Độc giả nên gọi anh là nhà văn hay nhà biên khảo/phê bình văn học?

TDN
Thỉnh thoảng có người gọi tôi là nhà biên khảo hay nhà phê bình văn học. Viết một vài bài biên khảo hay nhận định văn học, theo tôi, không đương nhiên làtrở thành nhà phê bình văn học hay nhà biên khảo. Hầu hết bằng hữu đều gọi tôi là nhà văn. Tôi thích hai chữ “nhà văn”, thưa anh Phạm Cao Hoàng. Nói chung, dù biên khảo hay sáng tác, tôi thấy cái nào mình cũng phải viết văn (xuôi), nên gọi là nhà văn, nghe gọn hơn và thích hơn.

PCH
Rất cám ơn anh Trần Doãn Nho đã vui lòng trả lời các câu hỏi của tôi. Cám ơn những đóng góp bền bỉ của anh cho văn học Việt Nam thời trong nước trước 1975 và thời ở hải ngoại sau 1975. Rất mong các tác phẩm của anh sẽ có dịp phổ biến rộng rãi ở trong nước. Chúc anh sớm thực hiện được các dự định của mình. Và chúc anh nhiều sức khỏe để thực hiện các projects đó.



Nhà văn Trần Doãn Nho
ảnh chụp ở Boston, tháng 10.2018

Trần Doãn Nho, bút hiệu, sử dụng khi sáng tác; Trần Hữu Thục, tên thật, sử dụng khi viết tiểu luận. Sinh trưởng tại Huế. Theo học đại học Huế và Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết. Trước 1975, dạy học: Phụ khảo Triết Đại Học Văn Khoa Huế; đi lính: sĩ quan quân đội VNCH; viết: cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Đối Diện. Sau 1975, ở tù đến 1981. Định cư ở Hoa Kỳ 1993, làm việc cho Sở Giáo Dục Công Lập Thành Phố Worcester, bang Massachusetts. Cộng tác với các tạp chí văn học giấy hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng: Da Màu, Gió-O, Talawas, Diễn Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn Forum, Bauxite Việt Nam, Văn Việt. Đã xuất bản 8 tác phẩm: 2 tập truyện ngắn (Vết xước đầu đời, Căn phòng thao thức), 1 tập ký và tùy bút (Loanh quanh những nẻo đường), 1 tạp bút (Từ ảo đến thực), 1 truyện dài (Dặm trường), 3 tập biên khảo văn học (Viết và Đọc, Tác giả tác phẩm và sự kiện, Ẩn dụ cuộc phiêu lưu của chữ); Bút ký Một đêm (One Night) trong tập Loanh quanh những nẻo đường được dịch đăng ở tạp chí văn học Meanjin, Melbourne University, số 2, 2015, dịch giả: Tôn Thất Quỳnh Du.Hiện  cư ngụ tại Dallas, bang Texas.