Saturday, November 24, 2018

869. MANG VIÊN LONG: Đọc “Khi nhớ về Bà Gi” của Trần Hoài Thư



Cầu Bà Gi nằm trên Quốc lộ 1A thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước - Bình Định, ngay ngã ba rẽ lên Quốc lộ 19. Cầu Bà Gi cách đèo Cù Mông khoảng 5 km. Cầu Bà Gi hướng về phía đông, xa xa trên vùng biển xã Cát Hải, huyện Phù Cát, có hòn Vọng Phu cao cách mặt biển khoảng 700 mét, đứng trơ trọi, sừng sững đã bao năm.
        
Nhìn về hướng Đông Băc khoảng gần một cây số là cụm tháp Bánh Ít trên những ngọn đồi thoai thoải, thoáng rộng, thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp - Tuy Phước. Bên tháp là chùa Nguyên Thiều được xây dựng năm 1956, chiếm một góc trên những sườn đồi bằng phẳng, yên vắng,. xanh bóng cây. Trên vùng đất rộng nhiều hecta cạnh tháp, doanh trại của sư đoàn 22 bộ binh được thiết lập trong thời chiến tranh. Từ nơi này, ra hướng Bắc, lên thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn - nay là thị xã An Nhơn) khoảng 3 km, xuôi hướng đông là thị trấn Tuy Phước, vào nam là thị trấn Phú Tài không xa.
         
Nhà văn - nhà thơ Trần Hoài Thư đã có thời gian dài sống ở đây…
          
Bài thơ “Khi Nhớ Về Cầu Bà Gi” là đoản khúc thứ 9 trong hơn 10 đoản khúc nhà thơ “nhớ” về địa danh này, về chiếc cầu kỷ niệm một thời khói lửa, binh đao, trong quãng đời xuôi ngược, lận đận của minh và của những người tuổi trẻ quanh ông!
          
“Trên kia khói lửa mù trời,         
Buồn che lên cả núi đồi Cù Mông”
            
Trên những vùng núi đồi xa xa trong tầm mắt, mờ mờ trong trí nhớ, và ẩn hiện trong nỗi ám ảnh bàng hoàng về những năm tháng dài chiến tranh, chết chóc, hận thù, đang vây phủ quê nhà; nỗi buồn đau trong tâm hồn nhà thơ đã lên cao, đã “che lên cả núi đồi” trùng điệp Cù Mông, là một hiện thực chua xót cho tất cả - nhất là những người trẻ tuổi!  
          
“Dưới kia sóng biển rì rầm,            
Buồn leo lên cả chân Hòn Vọng Phu”.
              
“Trên kia” là nỗi buồn, “dưới kia” cũng lại là nỗi buồn - nỗi buồn đang vây kín đất trời, đang vây kín tuổi thanh xuân, từ dạo ấy! “Buồn che” (núi rừng) rồi “buồn leo” (đảo xa) - nỗi buồn đã thâm nhập vào hằng chục triệu trái tim người Việt Nam đang hứng chịu tai mọi  ương của cuộc chiến chính tàn khốc nhất trong lịch sử. “Buồn leo lên cả chân Hòn Vọng Phu” đụng vào trái tim của những bà mẹ ngày đêm vịn ngõ trông con, chạm vào nỗi đau của những người vợ mỏi mòn tựa cửa đợi chồng, và làm tan nát trái tim của  những người đang yêu thương nhau!
               
Trên kia khói lửa mù trời,            
Buồn che lên cả núi đồi Cù Mông               
Dưới kia sóng biển rì rầm,            
Buồn leo lên cả chân Hòn Vọng Phu”..
        
Qua bốn câu sáu tám - hai mươi tám chữ ngắn ngủi, Nhà thơ Trần Hoài Thư đã chắt lọc được từ cuộc đời gian khổ của chính ộng và của tuổi trẻ, từ tâm sự sâu kín trong nhiều năm lao dao chinh chiến, tha hương, để hiến dâng cho đời những mầm xanh hy vọng…

Tháng 11. 2018
MANG VIÊN LONG