Sunday, November 11, 2018

852. TRẦN HUIỀN ÂN Thầy đã về đầu non



Từ sau tết này, nghe tin thầy Võ Hồng trở bệnh nặng, chúng tôi có chuẩn bị tinh thần để nhận tin “ra đi”, một việc sẽ đến, sắp đến, không thể nào tránh được. Nhưng chiều nay nhận tin, sự chuẩn bị ấy lập tức bị lung lay chao đảo. Thế là hết, từ nay tôi vĩnh viễn không được gặp thầy nữa, không được nghe ông nói chuyện với cách xưng hô “qua/em”, kèm theo nụ cười nửa miệng khó phân biệt khen chê.
        
Tôi được gần gũi với nhà văn Võ Hồng đến nay đã hơn 60 năm, từ thuở là một cậu học trò buổi đầu bậc trung học quần đùi chân đất. Ông thầy dạy môn quốc văn với bàn tay tài hoa vừa giảng giải vừa minh họa đã lôi cuốn cả thế hệ chúng tôi say mê văn chương, dù sau này không mấy đứa đi theo cái nghiệp ấy. Tính thầy khoan hòa mà nghiêm minh, không nặng lời nhưng những lời quở trách có một chút dí dỏm, một chút mỉa mai đủ làm cho học trò trong s kính mến có một phần sợ sệt không nhỏ.

Khi tôi đến tuổi trưởng thành, tập tễnh vào làng văn, cùng có bài trên một tạp chí, tất nhiên không còn sự sợ sệt ấu thời, nhưng khi ngồi đối diện với thầy, được thầy gọi là “em”, xưng “qua”, vẫn nhìn thầy là một thần tượng. Chúng tôi đón nhận tập truyện “Hoài cố nhân” tác phẩm đầu tiên của thầy được xuất bản như một tin mừng, cảm thấy mình như cũng được truyền  cho niềm hãnh diện. Chúng tôi sống với những làng xóm được thầy nhắc đến, cùng nhau đi tìm người mẫu thực của các nhân vật, và không ít những trang thư cho nhau nhắc mãi đến thầy. Những tác phẩm sau đó của thầy tôi đều được đọc, có lẽ không sót tập nào, cả tập thơ và những câu trầm tư ngắn gọn, không nhớ hết tên sách, nhẩm lại mấy quyển tâm đắc nhất, ngoài Hoài cố nhân có Lá vẫn xanh, Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Người về đầu non, Khoảng mát, Chúng tôi có mặt, Trầm tư v.v...

Một cách thật chí công thì cách nhìn như thế cũng có phần thiên lệch, bởi chúng tôi đã đọc nhà văn qua một ông thầy. Nhưng tiếp xúc với những độc giả hoàn toàn khách quan thì sự mến mộ nhà văn Võ Hồng còn hơn cả chúng tôi. Võ Hồng viết bằng cả tấm lòng nhân hậu, những vùng quê ông miêu tả nhiều nơi thật nghèo khó khô cằn, nhưng dưới ngòi bút của ông dàn trải sự bao dung trìu mến, những nhân vật của ông cho dẫu là “phản diện” vẫn được tha thứ, thông cảm. Một điều hơi “lạ” là những chàng trai của Võ Hồng luôn luôn nhút nhát trước tình cảm, luôn luôn tỏ ra mình là người “quân tử”, không dám “dấn thân” nên đa số đều “thất tình”, nhưng rất chung tình, ôm ấp những mối sầu cảm đơn phương.

Phải chăng đó là do cuộc sống của ông? Chịu cảnh gà trống nuôi con khá sớm, không dám tục huyền, vì lo sợ điều gì? Lo sợ không tìm lại được hạnh phúc đã mất, lo sợ cho tương lai các con, lo sợ một điều tiếng, hay lo sợ những chuyện có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra, cái kiểu lo sợ của những người ưa suy nghĩ? Chúng tôi chịu, không “khai thác” được điều gì ở thầy, nhiều lúc ông đang nói cười vui vẻ bỗng lim dim đôi mắt mơ màng như nhập định.

Có điều chúng tôi biết rõ là ông rất khắt khe trong cách viết, luôn luôn đòi hỏi s trong sáng trong văn phong để chuyển tải sự trong sáng của tâm hồn tác giả. Ông cũng rất khắt khe với các bản in, luôn luôn phàn nàn về những lỗi in sai, những lỗi biên tập ẩu. Ông dùng bút tự sửa hoặc làm bản đính chính đầy đủ trước khi tặng sách. Những lần như vậy tôi thấy ông nhăn nhó tỏ vẻ rất khó chịu.

Ai đến thăm ông vào những năm tháng cuối đời đều có chung một cảm nghĩ không dám nói ra. Các con ông ở xa, một mình lặng lẽ trên căn gác với sách vở và sách vở. Nhìn nét mặt rạng rỡ của thầy khi chúng tôi đến thăm, cách dẫn dắt khéo léo như níu kéo để có thời gian trò chuyện, thái độ bịn rịn không muốn tiễn khách, chúng tôi hiểu thấu sự cô đơn của thầy. Song, đâu dễ gì thầy để lộ ra. Thầy có nói về thầy Trần Sĩ là sư tử rừng Hóc Lá, thì thầy ít nhất cũng là một  cọp bạch dưới chân núi A-Man, dễ gì để cho chúng tôi bắt mạch. Có một người tự nguyện đến săn sóc thầy, liệu có an ủi được thầy, có lấp được những trống vắng để đem lại cho thầy một khoảng mát. Tôi thật tình cảm phục trước sự hi sinh lớn lao ấy.


Núi A-Man  Ảnh: Trần Huiền Ân

Với tôi, và nhiều bằng hữu, thầy Võ Hồng, nhà văn Võ Hồng tất nhiên không phải là một người “hoàn hảo” (đã là con người không ai hoàn hảo cả), không phải truyện ngắn nào, bài thơ nào của thầy chúng tôi cũng tán đồng, cũng thích, nhưng muốn học hỏi nhân cách thân ái, bao dung, khiêm tốn của ông, muốn noi theo gương ông cần cù, nhẫn nại, nghiêm cẩn trong sáng tác, là việc không thể nào chúng tôi mong làm được.

TRẦN HUIỀN ÂN
(31/3/2013)

Lê Công Minh  Đỗ Chu Thăng  Trần Huiền Ân  và nhà văn Võ Hồng (Tuy Hòa, 1970)