Monday, October 29, 2018

834. Truyên ngắn của nhà văn Hoa Kỳ ARNOLD FINE (1924-2014): BỨC THƯ TRONG CHIẾC VÍ - THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu



Truyện ngắn này được đăng trong tạp chí Reader’s Digest số tháng Chín, năm 1980. Trước đó, nó đã xuất hiện trong chuyên mục “ I Remember When “  của tuần báo The Jewish Press, do Arnold Fine phụ trách, đều đặn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong loạt bài này, tác giả khắc hoạ những nét  làm sống lại hình ảnh, âm thanh, hương vị của thành phố Nữu Ước thời kỳ hai, ba chục năm trước đó. Những chuyện đời thường, giản dị mà chân thật, tiếp tục làm say đắm độc giả mọi lứa tuổi. Nhiều bài ở đây sau đó được in trong loạt sách Chicken Soup for the Soul. “The Letter in the Wallet “ được in lại trong rất nhiều tuyển tập truyện ngắn khác nhau, có lúc dưới nhan đề rút gọn “ The Wallet “.

Ngoài việc cộng tác với tạp chí The Jewish Press, Arnold Fine còn là một nhiếp ảnh gia, nhạc công và nhà giáo dục.

Ông đã từng có thời gian phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, ông làm nhiếp ảnh gia, chuyên săn ảnh cho các báo địa phương. Muốn thăng tiến trong nghề viết báo, ông đi học lấy bằng BA rồi tiếp tục học MA về giáo dục, tham gia giảng dạy nhiều trường ở Nữu Ước. Ông chuyên giảng dậy các trẻ bị tổn thương não, được phụ huynh tin cậy, quý trọng.

Ông chơi được nhiều loại nhạc cụ ( clarinet, saxophone, piano ) .
Khi lớn tuổi, ông bị bệnh Parkingson nặng, phải di chuyển bằng xe lăn.

Ông qua đời ở tuổi chín mươi.

 

Một hôm, lúc đi dạo, tôi tình cờ nhặt được một cái ví trên hè phố. Bên trong chẳng có gì để nhận biết chủ nhân. Chỉ thấy ba đô la và một bức thư nhàu nát trông có vẻ như đã tồn tại từ nhiều năm rồi. Thứ duy nhất còn đọc được là địa chỉ người gửi. Tôi mở thư ra xem  mong tìm ra chút manh mối và thấy nó được viết vào năm 1924. Thư viết với nét chữ dịu dàng của con gái, trên giấy màu xanh lơ, với cánh hoa nhỏ nơi góc trái.

Thư kiểu «  Anh thân yêu “, nói với người nhận, tên là Michael, rằng mẹ cô gái không cho cô gặp anh nữa. Tuy nhiên, cô nói vẫn luôn yêu anh. Cô gái ký tên là Hannah.

Mong muốn xác định chủ nhân chiếc ví, tôi quyết định gọi cho tổng đài, hy vọng sẽ biết được số điện thoại khớp với địa chỉ. Nhân viên tổng đài cho tôi gặp người phụ trách, cô này nói là không thể cho tôi số điện thoại, nhưng cô sẽ trực tiếp gọi, để xem người trả lời có đồng ý nói chuyện với tôi không. Vài phút sau, tôi gặp được người phụ nữ đầu dây bên kia, tôi hỏi bà có biết ai tên Hannah không. Bà đáp bà đã mua căn nhà này của một gia đình có cô con gái tên Hannah, nhưng chuyện đã xảy ra ba mươi năm rồi. Tôi hỏi: « Bà có biết hiện nay gia đình đó đang ở đâu không ạ? ». Bà cho biết cô gái đã đưa bà mẹ vào ở một viện dưỡng lão, và cho tôi số điện thoại nơi này. Người phụ nữ trả lời  máy cho biết bà cụ đã qua đời, nhưng bà biết số điện thoại nơi có thể cô con gái đang sống. Tôi cám ơn và gọi tiếp theo số này. Thêm một phụ nữ khác trả lời là chính Hannah nay cũng đang vào viện dưỡng lão.

Tôi thầm nghĩ:

“ Thật là chuyện ngu ngốc. Sao ta lại nhọc công thế này để kiếm cho ra chủ nhân chiếc ví chỉ có ba đô la và một bức thư viết cách đây đã sáu mươi năm? »

Tuy vậy, tôi cũng gọi đến viện dưỡng lão, nơi có thể Hannah đang sống. Người đàn ông trả lời xác nhận đúng là Hannah đang ở đây. Tuy đã muộn, tôi vẫn lái xe đến. Cô y tá trực và người bảo vệ đón tôi ở cổng, đưa tôi lên tầng ba một toà nhà lớn. Trong căn phòng chung, cô y tá giới thiệu tôi với bà Hannah, một bà già tóc bạc trắng, nụ cười hiền hậu, ánh mắt ngời sáng.

Tôi kể cho bà nghe về chiếc ví và đưa bà xem bức thư. Ngay lúc nhìn thấy bức thư với chiếc phong bì màu xanh lơ và cánh hoa nhỏ, bà lặng đi: “ Này chàng trai, thư này là dịp cuối cùng tôi liên lạc với Michael. “ Bà nhìn xa vắng, rồi mơ màng nói “ Tôi yêu anh ấy lắm. Nhưng dạo đó tôi mới mười sáu, mẹ tôi nghĩ tôi còn quá trẻ. Michael Goldsteinlà một người tuyệt vời.  Nếu có dịp gặp ông ấy, hãy nói là tôi vẫn nghĩ đến ông luôn. Thực vậy đó, cứ nói là tôi vẫn còn yêu ông ấy. Anh biết không, bà nói tiếp, nước mắt cứ tuôn ra,  tôi đã không kết hôn.Tôi nghĩ là không ai khác phù hợp với Michael đâu.”

Tôi cám ơn, chào từ giã bà Hannah. Khi tôi ra đến cửa, người bảo vệ hỏi: “ Bà cụ có giúp gì cho ông không?” Tôi bảo bà đã cho tôi một manh mối.” Ít nhất nay tôi biết được họ tên chủ nhân chiếc ví. Nhưng tôi sẽ tạm ngưng theo đuổi vụ này ít lâu đã. “ Tôi giải thích là đã mất cả một ngày để truy tìm chủ nhân chiếc ví. Vừa nói chuyện, tôi vừa lấy chiếc ví da nâu có dây buộc đỏ đưa anh ta xem. “ Ồ, tôi biết cái này rồi. Ví của ông Goldstein đây mà! Ông ấy cứ làm mất mãi. Tôi đã nhặt được nơi sảnh nhiều lần rồi! “

Tay tôi run lên, tôi hỏi ông Goldstein là ai, đang ở đâu. Tôi cám ơn anh bảo vệ và chạy ngược lui phòng các y tá. Chúng tôi đi thang máy, hướng về tầng tám, cầu mong sao ông Goldstein hãy còn thức. Cô y tá đưa tôi đến căn phòng chung, nơi có ông lão đang ngồi đọc sách. Cô y tá đến gần hỏi có phải ông đánh mất ví không. Cô nói: “ Anh này tìm thấy chiếc ví và nghĩ có thể là của ông.” Cô đưa chiếc ví ra, vừa nhìn thấy, ông cười tin cậy.

 “ Có chuyện này cháu muốn kể bác nghe, tôi nói. Cháu đã đọc bức thư trong đó, mong sẽ tìm ra chủ nhân chiếc ví. Và cháu còn biết bà Hannah nay đang ở đâu nữa.”

Mặt ông cụ bỗng tái nhợt. “ Hannah à? Anh biết bà ấy ở đâu sao? Bà vẫn xinh đẹp như ngày xưa chứ? Làm ơn nói tôi biết đi. Anh biết chuyện gì hả chàng trai? Ngày ấy tôi yêu nàng lắm, nên khi nhận được bức thư này, cuộc sống tôi coi như kết thúc. Tôi đã không kết hôn. Tôi vẫn yêu nàng mãi.”

“ Bác Goldstein, xin đi theo cháu”. Chúng tôi cùng đi thang máy xuống tầng ba. Đèn chiếu sáng lối đi dẫn đến căn phòng chung, nơi Hannah đang ngồi xem TV một mình. Cô y tá  tới gần nhẹ nhàng hỏi:  “ Bà Hannah, bà biết người này không? “ Cô đưa tay chỉ ông Michael, khi ông đang đứng cạnh tôi nơi cửa vào.

Bà chỉnh lại mắt kiếng, nhìn một lát nhưng vẫn không nói gì. “ Hannah, Michael nói. Bà có nhận ra tôi không?”  Bà Hannah há hốc miệng kinh ngạc.“  Ông chậm rãi đến gần bà và hai người ôm nhau . Cô y tá cùng tôi bước ra ngoài, mắt đẫm lệ. “ Thật là Ơn trên sắp đặt, tôi nói, chuyện gì phải đến sẽ đến thôi! “

Ba tuần sau, tôi nhận được điện thoại từ viện dưỡng lão: “ Chủ nhật này anh có thể gác công việc để đi dự đám cưới không?”. “ Thì Michael và Hannah đã quyết định gắn kết với nhau!”

Đấy là một đám cưới thật dễ thương. Bà Hannah mặc chiếc áo đầm màu vàng nhạt, trông thật xinh đẹp. Michael mặc bộ lễ phục màu xanh sẫm, trông rất uy nghi.  Họ nhờ tôi làm phù rể.

Thật là một kết thúc tuyệt vời của một cuộc tình kéo dài gần sáu mươi năm!
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu