Nói/viết
về Thành Tôn, có rất nhiều điều để viết, và nói.
Là,
nói về một người làm thơ, từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước, đã có tác phẩm, xuất
hiện trên các tuần báo, tập san văn chương tại Miền Nam, như Văn, Bách Khoa, Khởi
Hành; đã tự xuất bản một tập thơ [1969], tựa sách là Thắp Tình. Là, về một
người đã tuân thủ đúng “luật chơi” vào dòng thời cuộc; học hành, đi làm giáo
sư, vào quân trường Thủ Đức, đi tù cải tạo, đi vào xứ Mỹ bằng con đường H.O.
Là,
về một người, ham đọc/yêu, nhiều năm dài rất chủ tâm sưu tầm đó đây những sách
quý/cũ/xưa. Nếu “bọn chúng” vì thời gian lẫn thời cuộc chính trị làm cho hư
hao, Thành Tôn mang về phục chế, làm cho “hình hài bọn chúng” không tinh khôi
như xưa, thì cũng vừa con mắt thẩm mỹ của người hôm nay.
Săn
lùng tung tích “bọn chúng”, gom nhặt, nhưng không có mục đích làm một thư phòng
cho riêng mình; mà, luôn dành tặng cho những ai “mê cái chữ”; trong ấy phần lớn
là các nhà nghiên cứu văn học, văn chương, lịch sử. Lạ lùng, Thành Tôn tặng một
người bạn thân, cả đôi người chưa quen biết, nhưng “Anh ạ, tôi cần quyển
sách ấy.” Nếu người được tặng sách quên lời cảm ơn, cũng chẳng sao, lần sau
gặp lại, nếu cần thêm, tặng thêm.
Chẳng
phải xuân thu nhị kỳ mới một lần “biểu diễn” cái hào sảng riêng mình; Thành Tôn
tặng khắp, tại ngay quán cà phê, qua bưu điện hao tốn tiền của, qua những địa
chỉ rất xa xôi. Thành tôn/thành tâm làm sự vụ này có tính trường kỳ, đã hơn nhiều
thập kỷ. Cha này chừng lâm cái bịnh “Ban phát” – không phải tôi chơi chữ xui
anh “phát bệnh ban/cúm” đâu.
THÀNH TÔN
(Ảnh:
Hoàng Thị Kim)
Tôi
với Thành Tôn có một tình bạn rủi may đã trên năm mươi năm. Đi trong một đường
đời rực rỡ những cuồng điên, thi sĩ Hoàng Trúc Ly, một Đệ nhất thơ mộng, vẫn phải
cảm thán phận người mỗi chúng ta trong dặm dài đã bước qua // Xác thân rã mục
lời thề / Mùa đi lá rụng đường về xuân thu //.
Một
hôm, đâu một ngày của tháng 7-2017, tôi và Hoàng Thị Kim có dịp ghé anh, qua điện
thoại một lời mời – vẫn cái giọng hiền hòa, chân tình bấy nay Thành Tôn vốn có.
Ngồi
với bạn, và rượu, và ngổn ngang thấp cao những tầng sách trong một thư phòng
không rộng mấy. Không máy lạnh. Tiếng quạt máy thì thầm như ai đang đọc một
trang kinh. Cảm động quá đi, vì “gặp và thấy” nơi đây rất nhiều văn nhân thi
sĩ, những tài hoa đáng kính một thời, nay đã ra người trăm năm cũ. Họ đang nơi
những trang bìa của sách. Là dung nhan mòn cũ, màu đen chữ, giấy xám màu, thâm
trầm, xa vắng. Sách ấy, là tĩnh vật. Chữ ấy nói Tiếng-Nói-từ-người-khuất-bóng.
Chỉ là Người Hôm Nay tìm đến. Cần cái Chữ, có khi hơn cái ăn cái uống.
Thành
Tôn đêm ngày ở trong ấy; luôn tìm kiếm dĩ vãng.
Chữ
nghĩa của tôi vốn cô đọng, không hoa lá cành, nhưng cái hồn tôi lúc này nó động
cỡn, nó say cái chữ như anh say rượu. Nên, nó thoát bay, của bên-lề-giấc-mộng,
nó khiến tôi phải dùng những câu những chữ sáo ngữ, là vầy:
Ngồi
trong thư phòng này, là trong “Trầm hương dĩ vãng”, là “Tiếng vọng xưa xa”, tưởng
đã biến bay cùng tháng ngày. Đây là chữ nghĩa, là hồn linh tinh anh, đâu đó
Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Tản Đà, Thế Lữ, Nhất Linh…Từ bước lui về
xa xăm, thời những bản văn cổ, được khắc gỗ, bản vỗ; thời của máy in cổ lổ, chữ
in phải sắp từng “chữ cái, chữ con”, được thợ thủ công móc ra từ mỗi hộc gỗ chứa
mỗi loại chữ, ráp thành câu thành bài; máy in là bàn đạp chân; những cliché khắc
gỗ, độc hai màu trắng đen.
Sâu
hút hơn kia, những Thơ văn Lý Trần, kinh điển, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Đặng
Trần Côn, Đoàn thị Điểm… Những tác phẩm của thời chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp,
sang thời chữ Quốc ngữ, một nền văn học tôi đặt tên cho nó là “Khởi từ”,
là “Đúng tuổi để Lên Đường”, mở nguồn dòng Chữ Viết chính thức của chúng
ta hôm nay. Có/Của/từ Gia Định Báo, Đông Dương Tạp chí, Nam Phong, Tự Lực Văn
đoàn, Tri Tân, Tiếng Dân…Cả những bản sách những nhà xuất bản cuối của thề kỷ
19, đến các nhà in của tiền bán thế kỳ 20. Thuở sách in trên giấy dó, có trước
1945. Ba muươi năm văn học [1941] Cuộc Tiến hóa Văn học Việt Nam [1941]
[Kiều Thanh Quế], và…và…
Gặp mỗi tác phẩm, nhìn tên tuổi một tác giả, đôi mắt qua vài trang, thậm chí đôi dòng, là ta lãng đãng trôi theo, để trở về một không gian đâu đó, trở lại một tháng ngày đã phai.
Tôi
đang ngồi. Và, tôi đang thở. Dưới một bầu trời vẫn thế, nhưng là trên đất lạ, xứ
Mỹ, đọc những chữ nghĩa viết về Sài Gòn, hồn bảng lảng gặp lại một thành đô cũ.
Hình hài cái sơ khai của một quê nhà bên kia nửa vòng tối sáng. Hiện ra cái
tinh khôi, cái huy hoàng nay đã mất. Qua các hồi ký, tường trình, các tạp văn,
tùy bút của nhiều tác gia; Sài Gòn, những đại lộ nhà nhà hôm nay, xưa là những
vườn tre trúc, là khu Đa Kao trên nền thành lũy cũ của nhà Nguyễn; kinh Bến
Nghé thuở còn cá sấu, cọp rảo vài vòng chơi chỗ Chợ Lớn sầm uất hôm nay. Là, cơ
hồ nhớ con đường Lê Văn Duyệt, chiếc xe ngựa từ góc chợ Bến Thành, một chiều
hôm, qua Ngã Ba ÔngTạ, trở về Hóc Môn Vườn Trầu. Người xà ích quê mùa Nam kỳ, đầu
tóc bới, vành nón lá, tay cây roi mây, con ngựa gầy.
Qua
cái chữ, cái hình, nhớ chiếc taxi hai màu xanh trắng thời Cộng Hòa. Nhớ khu chợ
Hoa, ngày xáp Tết, đường Nguyễn Huệ. Những mùa qua lửa đạn. Những hàng cây ca
dao. Nhớ tà áo mộng. Nhớ con đường mưa chiều nắng sớm. Ngồi đây, với rừng sách,
chúng ta đã hóa màu. Dĩ vãng cho mùi hương. Tôi đi nghìn dặm. Tôi ngày xưa bước
về. Mỗi dặm đường có thật, đã biến là một dăm dài sương khói kỷ niệm. Vậy, mà
có người vẫn than thở “Sách vở ích gì cho buổi ấy.” Lại đóng đinh lên
thân phận mình cái nghiệp trời đày, “Lập thân tối hạ thị văn chương.”
Theo
lời Thành Tôn, anh có gần như đầy đủ các bộ tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi,
Bách Khoa, Văn, Văn Học, Nghệ Thuật, Giữ Thơm Quê Mẹ, Trình Bày, Khởi Hành, Tư
Tưởng. Nếu thiếu, chỉ thiếu vài số.
Thành
Tôn ký tặng tôi nhiều số tạp chí có tác phẩm của tôi. Số tuần báo Nghệ Thuật
bìa màu rất đẹp, số tháng 3-1966, có đăng truyện ngắn đầu tiên ký bút hiệu Cung
Tích Biền, Ngoại Ô Dĩ An và Linh hồn Tôi. Khá cảm động, khi đây là một
“bản photo” anh ra công làm y hệt, mới nhìn màu sắc, tưởng là nguyên bản.
Xin
mở một dấu ngoặc. Khi còn ở Việt Nam, hơn một lần làm đơn xin rất khó khăn, tôi
vào được thư viện Tổng Hợp trên đường Gia Long – nay là Lý Tự Trọng – để sao lục
tác phẩm của mình. Nhưng tay trắng về không. Tôi đã gặp đúng số báo Nghệ Thuật
này, nhưng không được sao chép, thậm chí xin được chụp hình cái bìa báo làm tài
liệu cho chính tác giả. Vẫn, “Không được. Sách báo bị cấm in ấn, lưu hành.”
Với
tôi, Thành Tôn cũng làm một việc khác, quá khổ công, là anh tự tay cắt xén từ
các báo có những bài đã đăng của tôi, viết về Bùi Giáng, Nguyễn Thụy
Long, Dương Nghiễm Mậu, Hữu Loan… anh đóng thành mỗi tập riêng cho mỗi bài. Anh
trình bày rất thẩm mỹ, chữ in đề bài, phóng lớn, bìa màu, được ép/bọc nhựa khá
hoàn mỹ. Việc làm này không phải do tôi yêu cầu. Là, anh tự động thực hiện
từ bao năm nay. Khi lần đầu tiên gặp nhau, anh đã có, tự tay lôi ra, từ chỗ
trùng điệp sách vở, cười, rồi hạ bút ký tặng. Tôi hỏi “Sử chi chuyện cực vậy!”
Anh bảo “Thấy hay thì làm. Cũng là của hiếm rồi.”
Hoàng
Thị Kim, vào cuối năm Đệ Nhất Ban C [văn chương] trường Đồng Khánh Huế, đã có
viết một ít truyện ngắn đăng trên một số tạp chí tại Sàigòn. Trong số đó có
truyện ngắn tựa đề Ngoài Nỗi Ước Mơ, đăng trên tạp chí Đất Nước, số 18,
Tháng Hai & Ba năm 1970. May mắn, nhiều chục năm qua, anh H.Nh.Ph., nhà
nghiên cứu văn học, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Nhân văn Tp.HCM,
nhân một hôm vào thư viện, đọc phải truyện ngắn này; do chỗ thân tình với chúng
tôi anh sao gởi, tặng cho Hoàng. Thành Tôn đọc, và có thiện cảm, anh ra công
photo lại từng trang cái truyện ngắn, trình bày bìa, như một tập sách nhỏ. Với
Kim, cô bảo: “Đây là một quà tặng hiếm hoi.” Những dòng chữ lưu lạc nhiều
chục năm, nay có duyên may “Châu về Hợp Phố”, với chính tác giả.
Tôi
kể câu chuyện nhỏ nhoi trên, là không riêng cho một người, mà để hiểu thêm thiện
chí của những người như H.Nh. Ph., Thành Tôn, như bao nhiêu nhà nghiên cứu, sưu
tầm khác, ở Hải ngoại. Họ đã dành tấm lòng chữ nghĩa cho rất nhiều tác giả,
trong cũng như ngoài nước, bằng một công tâm sáng tỏ. Chỉ với mục đích phục
hưng nền văn học hai mươi mốt năm của Miền Nam, mà Kẻ thù đã tận lòng man dã hủy
diệt, kể từ ngày Quốc nạn, tháng Tư 1975.
Những
người nặng lòng với nền văn học Miền Nam, từ ngày bỏ nước ra đi, đã cùng làm
công việc Phục dựng và Nối tiếp dòng văn học này, là với một tâm lượng cao cả,
một chí thành, mong cho một Tập đại thành.
Từ trái qua,
Thành Tôn, Cung Tích Biền,
tại thư
phòng của Thành Tôn
(Ảnh: Hoàng Thị Kim)
Thơ
ca, hà cớ chi phải phân biệt thơ Hà Nội, Sài Gòn, thơ Xứ Quảng. Thơ nào cũng đậm
dấu vết hồn vía, tin gan phèo phổi, mỗi con người mần ra nó. Nhưng Thành Tôn
chính gốc người Đại Lộc, Quảng Nam. Tôi thu nhỏ, khoanh vùng, chỉ bạo gan bàn về
những thơ của cái xứ, thay vì nói, “Anh chàng tào lao” được phát âm thành: “Anh
choàng tồ lô”, mà thôi.
Quảng
Nam, nơi chào đời của “Rừng thi sĩ”. Ngay các nhà chí sĩ, khoa bảng, quan lại,
như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn
Thành, Nguyễn Thuật, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc
Kháng, Phan Khôi… cũng đều có những bài thơ lưu đời, khi các tiền nhân ấy
lên đoạn đầu đài, tuẫn tiết, hoặc khi tù ngục Côn Đảo, lúc gặp phải những tháng
ngày gian nan khốn khó do lịch sử, do vận mệnh nước nhà bày ra.
Lại
đến những Tú Quỳ, Phạm Hầu, Nam Trân, Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh…Là đến, một
thế hệ “sung túc người mần thơ Xứ Quảng” vào thời Cộng Hòa. Họ chênh lệch nhau
dăm ba tuổi, là những Phan Duy Nhân, Luân Hoán, Nguyễn Nho Sa Mạc, Vũ Hữu Định,
Tần Hoài Dạ Vũ, Huy Giang, Hà Nguyên Thạch, Đinh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức, Thái
Tú Hạp, Phương Tấn, Hoàng Thị Bích Ni, Đinh Trầm Ca, Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Cao
Vũ Huy Miên, Nguyễn Đông Nhật…
Trong
thế hệ hậu sinh tiếp nối đó, có Thành Tôn.
Thơ
của “Những người cùng quê, Xứ Quảng” ấy, theo dòng thế cuộc khi tỉnh khi say, một
sử lịch trào máu và thừa mứa thù hận, trù phú những lưu đày, họ đã tạo được một
Cõi Riêng. Cõi riêng ấy là Tiếng Nói có đầy đủ sắc màu, có nắng mưa lửa máu, là
rực rỡ đỏ vàng xanh lam chàm tím, cầu vồng trùng sinh ánh sáng. Họ cùng tỏa những
biên cương. Lập dựng cõi miền cho riêng/mỗi. Nguồn thơ ấy, đã nói thay một phần,
những gì Đời và Người muốn nói.
Thế
giới thơ ấy, là mưa độ lượng, là của nắng ấm, đậm đà và chân quê. Nó là cái
bình thường của mùi rơm rạ nhưng rộng tỏa cánh đồng, là những thân tre trúc mộc
mạc nhưng thân ái của tịch mịch xóm làng. Nó đưa lòng người trở về một cõi nhẹ
nhàng, êm ấm, bình thản hơn, khi ngọn lửa nội chiến đỏ ói những máu mặt trời.
Về
tác phẩm, Thành Tôn duy nhất một “Thắp Tình”. Nhưng nó cũng bày ra những điều
đáng ghi lại. Đó là tập thơ do chính Thành Tôn tự xuất bản vào năm 1969, trước
khi anh từ giã bục giảng một ngôi trường trung học để bước vào đời lính. Thắp
Tình, tác giả tự xuất bản, tự trình bày bìa, dàn trang, chạy máy in, đóng sách,
tự phát hành qua bưu điện. Hình bìa độc một màu đen trên nền trắng, cliché gỗ.
Cũng
là cực khổ, theo lời anh, tỉnh lẽ thiếu mọi điều kiện, thiếu cả chữ chì để sắp
chữ. Anh gởi thư nhờ Trần Phong Giao, ở Sài Gòn, mua dùm. Không thể mua được,
vì cửa hàng bán, là bán từng tạ [một trăm] ký chữ. Chỉ có ai mở nhà in mới mua tới
ngần ấy.
Bàn
về thơ của một người ư? Một bài chăng? Bùi Giáng, Người Điên giữa kinh thành,
đã từng căn dặn, “Thơ, chẳng có chi để bàn ra tán vào. Muốn, hãy cứ làm một
bài thơ tương phùng nọ để đáp vào trận địa một bài thơ kia.”
Tôi
xin trích một bài thơ, mà tôi cho là tiêu biểu trong Cõi thơ Thành Tôn, để bá
tánh đọc chơi.
Quán
trưa ghế một ta ngồi
Ly bia cũng nhạt cảnh đời tiêu sơ
Vào ra quen mặt nghi ngờ
Vòng quay đã lặp đĩa mờ âm thanh
Buồn buồn thổi khói lên nhanh
Mờ hơi ẩm quán lạnh tanh hồn người
Ngoài trời vồi vội mưa rơi
Phố quen nhàn nhạt cảnh đời bay bay…
Co ro hồn tỉnh chân say
Thân ta ướt át quên ngày nồng cơn
Nhớ em trăm sợi chờn vờn
Nhạc hâm nóng máu dập dờn da gai
Bia lưng. Ghế nóng. Mưa mài.
Quanh ta cảnh tượng nhạt phai tình người.
Ngồi đây trông thật thảnh thơi
Tủy xương dậm dật trăm lời nôn nao
Cảnh ta kẻ lạ trông vào
Dài đuôi mắt liếc đủ xao dòng tình.
Ly bia cũng nhạt cảnh đời tiêu sơ
Vào ra quen mặt nghi ngờ
Vòng quay đã lặp đĩa mờ âm thanh
Buồn buồn thổi khói lên nhanh
Mờ hơi ẩm quán lạnh tanh hồn người
Ngoài trời vồi vội mưa rơi
Phố quen nhàn nhạt cảnh đời bay bay…
Co ro hồn tỉnh chân say
Thân ta ướt át quên ngày nồng cơn
Nhớ em trăm sợi chờn vờn
Nhạc hâm nóng máu dập dờn da gai
Bia lưng. Ghế nóng. Mưa mài.
Quanh ta cảnh tượng nhạt phai tình người.
Ngồi đây trông thật thảnh thơi
Tủy xương dậm dật trăm lời nôn nao
Cảnh ta kẻ lạ trông vào
Dài đuôi mắt liếc đủ xao dòng tình.
(Kẻ
Lãng Tử)
Đứng
trên bục giảng cùng bầy học trò, một người lính, một viên chức chính quyền, rút
lại Thành Tôn vẫn ở chuẩn mực một vị thầy giáo. Trung thực, khiêm tốn, mẫu mực.
Quen biết nhau, có thời xa cách nhau vài mươi năm, gặp lại nhau, Thành Tôn vẫn
vậy. Chưa bao giờ thấy Thành Tôn than phiền, hay nói không tốt về một ai khi họ
vắng mặt.
Khí
sắc một nông dân, mạnh mẽ, đơn giản; một khuôn mặt thuần hậu, luôn nụ cười, nói
năng thân thiện, nhưng chẳng nịnh nọt ai; đùa vui có giới hạn, chẳng tự khoe
khoang; gặp bạn bè thì đối xử hết mình, không so bì, nhỏ nhặt; trường kỳ lưu giữ
tình bạn, bảo vệ cái tốt; ấy là Thành Tôn.
Ly
tách chén đĩa còn có đồ cổ, huống chi là thơ. Gần đây tôi có đọc nhiều trang mạng,
nhứt là “Phây”, rất nhiều thi sĩ trưng ra đồ cổ của mình. Hít thở đầy đủ tự do
khí trời, những bốn, năm mươi năm sau chẳng mần ra một bài thơ mới mẻ nào, cứ “Vịn
câu thơ cổ của mình mà đi.”
Thấy
thi nhân giàu tính bảo tồn, một hôm ngồi ở cà phê Factory, tôi bạo miệng đề nghị
Thành Tôn:
–
Sao không tìm lục thơ của mình mà in một tập.
Chẳng
ngờ, chừng như sẵn câu trả lời ở ngay chót lưỡi, chờ cho mau phọt ra, anh trả lời
nhanh:
–
Dỡ lắm, mà xưa rồi. In mần chi.
Lạ
kinh. Tay này bước ra ngoài cái thói đời, “Văn mình vợ người”. Thành Tôn
ạ! Cứ xem mình như Lý Bạch, Đỗ Phủ đi. Thơ của ta càng hóa cổ, bao trăm năm sau
hãy còn mê hoặc nhiều người.
Biết
đâu vài thế kỷ sau, trên dòng sông Thu Bồn, nguồn nước từ vùng Đại Lược xinh đẹp
làng quê của anh, chảy về Giao Thủy nhập nguồn, đêm trăng tỏ, gió nồm vi vút, một
bọn mê thơ, ngâm rồi đọc, rồi nhảy tỏm như Lý Bạch tìm trăng trong đáy nước.
Lại
mừng, hôm kia tôi nhắc lại việc in tập thơ, Thành Tôn lẩm bẩm, “Sẽ in, in chung
với nhiều bài viết của anh em.” Mừng vậy.
Thành
Tôn ạ, ta tuổi đã quá tám bó, anh cũng ngấp nghé vậy rồi. Ngỏm. Ta có cái va li
gỗ. Không thể cho “Bọn chữ” cùng xuống lỗ.
Chúng phải ở lại
với đời.
Thân
ái.
CUNG TÍCH BIỀN
Bolsa,
Little Saigon,
Mậu
Tuất, 2018
(Nguồn: Da Màu, 23.10.2018)