Tuesday, October 23, 2018

825. LƯƠNG THƯ TRUNG Vài ghi nhận trong truyện & ký của Phạm Văn Nhàn



Tác giả Phạm Văn Nhàn, là người viết văn khá lâu, từ những năm 1960-1961, với bài thơ đầu tiên có cái tựa “Nơi Quan Ải”, anh ký bút hiệu Từ Dạ Vũ, đăng trên báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Bút hiệu Từ Dạ Vũ theo anh cho đến khi anh theo học ở trường Bộ Binh Thủ Đức;  sau khi ra khỏi trường Thủ Đức, ở tác chiến một thời gian và đổi về Bình Định, anh bỏ bút hiệu Từ Dạ Vũ và ký tên thật từ đó và cũng nghỉ làm thơ và bắt đầu viết truyện. Năm 1969 anh cộng tác với nhật báo Quyết Tiến (Sài Gòn) viết nhiều phóng sự ở miền trung. Khi anh viết phóng sự thì lấy bút hiệu là Từ Vũ.

( Thẻ phóng viên nhựt báo Quyến Tiến - năm 1969 )

Như vậy tính ra, anh có tới gần 60 năm viết văn, thành ra, ở Phạm Văn Nhàn, qua Truyện và Ký của anh người đọc bắt gặp một bút pháp rất nhà nghề. Mà một trong những nét nhà nghề ấy là cách dùng chữ, cách ngắt câu đâu vào đấy rất mạch lạc, nhịp nhàng. Đặc biệt văn tả cảnh qua những Truyện & Ký của anh, người đọc mới thấy hết cái ưu điểm trong việc tả cảnh vừa rõ ràng mà gọn, thiết thực với những chữ dùng vừa đủ mà không cần nhiều hư từ. Chẳng hạn như truyện ngắn mở đầu trong tuyển tập Truyện & Ký này có tựa Mùa Xuân Trên Cao Nguyên, tác giả tả cảnh buổi chiều nơi vùng cao nguyên trong một lần đi huấn luyện lưu động cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh trên Non Nước (Kontum) và Hàm Rồng (Pleiku):

“ Buổi chiều, mới ba giờ mà trời như muốn ngã bóng nắng. Nhưng gió tháng Ba trên miền cao thổi mát lạnh. Hình như nơi đây chiều xuống nhanh hơn dưới đồng bằng, ánh nắng không gay gắt nhưng dìu dịu vì có hơi sương, phải mặc thêm cái jacket bên ngoài. Những ngọn núi về phía tây doanh trại cao vút, mờ mờ trong hơi sương, vướng chút mây trời. Có đỉnh bằng như mái nhà của người Thượng. Đứng từ doanh trại này, trong những ngày trời quang mây tạnh, có thể nhìn thấy Chư Bao. Con đường xuyên qua núi. Một trở ngại lớn cho những lần di chuyển, quân cũng như dân khi đi ngang qua con đường núi này. Có máu chảy và thây người” (Mùa Xuân Trên Cao Nguyên, Truyện & Ký, trang 8).

Bạn thấy chưa? Là một người lính với ngòi bút của một người viết truyện, tác giả không những chỉ tả cảnh để bạn thấy đó là cảnh rất thực với thiên nhiên trong trời đất mà anh còn đoán biết được nơi nào bình an và nơi nào nguy hiểm của chiến tranh . Cái đặc sắc là tính liên tưởng ở tác giả.

Tả cảnh muốn hay là phải có óc quan sát, đã đành, mà quan sát không thôi cũng chưa đủ; do vậy người viết văn nào muốn tả cảnh mà lôi cuốn được người đọc không thể nào bỏ nổi trang sách đang đọc, thì người ấy phải có thêm óc liên tưởng nữa mới phần nào đến gần được mục đính mà tác giả định đi đến. Cũng trong truyện Mùa Xuân Trên Cao Nguyên vừa dẫn, mời bạn nghe tác giả tả cảnh cao nguyên đang vào mùa hoa cúc dại với mối liên tưởng những mùa hoa cải trong vườn nhà chị Mân với cô bé Hân bên nhà cùng nhau đuổi hoa bắt bướm ngày nào:

“Tháng ba, những hoa dại mọc trên lối đi trong doanh trại vắng vẻ. Hoa cúc dại màu vàng tươi, xen kẽ với những đóa hoa màu trắng, nhỏ li ti mọc đầy trên những đám cỏ hoang, đong đưa trong gió. Những con bướm từ trong cánh rừng sau doanh trại hay một nơi nào đó bay tới đùa với hoa, với những đôi cánh màu sặc sỡ. Nhìn những con bướm với những đóa hoa cúc dại màu vàng như những hoa cải nhỏ li ti trong vườn nhà chị Mân dạo nào, mà nhớ đến cô bé Hân…”( Hoài Niệm, Truyện & Ký, trang 80)

Mời bạn nghe tiếp câu chuyện hoa cải vườn chị Mân với cô bé Hân, qua sự liên tưởng  của tác giả về sự chia cách của những ngày chinh chiến cũ:

“Tuổi trẻ đi qua rất nhanh, để rồi ai cũng phải lăn vào cuộc chiến, bằng hai lối đi, không bên này hay cũng bên kia. Cuộc chiến càng kéo dài lại càng kéo theo những sợi dây hệ lụy trong mỗi gia đình, nhất là trong những vùng quê. Một đêm nào đó, trong ngôi nhà chị Mân, người đàn ông lại trở về trong đêm khuya sau nhiều năm vắng mặt, rồi cũng âm thầm ra đi trong đêm tăm tối. Để sau này Hân cũng bỏ làng ra đi, theo chân người cha lên rừng. Cô bé bên cạnh nhà, chỉ cách nhau một khoảng vườn nhỏ, mỗi khi thấy tôi từ dưới phố về thăm nhà thường hay rủ tôi ra sau vườn nhà chị Mân để rình bắt những con bướm đang vờn trên những đóa hoa cải. Nhưng, những con bướm trong vườn nhà chị Mân không lớn bằng những con bướm ở đây, thật to và nhiều màu sắc. Hay trên miền cao có nhiều hoa dại, và nhiều rừng?” ((Mùa Xuân Trên Cao Nguyên, Truyện & Ký, trang 8).

Cái nét đáng nói ở đây là tác giả tả cảnh mùa hoa cúc dại trổ bông vùng cao nguyên để rồi nắm tay dắt người đọc đi về sân nhà chị Mân với những mùa hoa cải và cô bé Hân năm xưa rồi lại mở ra một cảnh đời bi thiết của cô gái nhỏ vùng quê ấy khi bỏ làng cũ để lên rừng: “Hay trên miền cao có nhiều hoa dại, và nhiều rừng?”

Trong một chỗ khác với truyện Người Bạn Cũ, tác giả tả cảnh xe lửa sắp ngừng ở một sân ga với tài quan sát cảnh vật xung quanh khá sắc sảo mà gần gũi, bao quát được một không gian xưa và nay cùng đời sống cả các loài cây cỏ cùng thú hoang nơi chốn ấy:

“Tiếng còi tàu lại vang lên… Những hành khách chuẩn bị quang gánh. Có người rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy làm một vài động tác cho thư giãn cơ bắp sau một đoạn đường dài tàu chạy ì-ạch ì-ạch như một ông già lụ khụ với tuổi đời chồng chất. Tôi vẫn ngồi bó gối trên hàng ghế gỗ dài kê dọc theo thành tàu, nhìn ra ô cửa. Tàu chạy chầm chậm, không nhanh. Những bụi cây, những thế đất lồi lõm, hoang phế khô cằn như chưa từng có ai đến khai phá trên vùng đất hoang dã này, mà lâu lắm, tôi đã một lần cũng theo con tàu cũ kỹ của đời Tây thuộc địa để lên thăm nhà bố mẹ anh. Đất hai bên đường rầy khô khốc, nứt nẻ, chỉ đủ cho những loại cây dại mọc không cao lắm làm chỗ núp mát cho những con chồn, con cáo.”( Người Bạn Cũ, Truyện & Ký, trang 45)

Ở truyện Hoài Niệm, tác giả tả cảnh một buổi sáng sau nhà với tách cà phê vừa mới pha còn nóng hổi để rồi từ đó nhớ đến anh Hồ, một người ơn, rồi nhớ đến Trần, một người bạn, qua những nét bút rất thâm trầm mà cảm động về một thứ tình bạn, tình người:

“ Buổi sáng, ngồi một mình sau nhà, trong cái patio nhỏ bé nhìn ra khu vườn, bên tách cà phê vừa mới pha. Chiếc muỗng i-nox khuấy nhẹ trong ly va chạm vào thành ly kêu leng-keng. Một âm thanh khô khốc. Buổi sáng nắng vàng ươm trên những tàu lá với những cơn gió nhẹ mang theo hơi nước. Tiếng chim hót cùng với tiếng kêu leng-keng của hai cây phong linh tạo nên một âm thanh vui. Nhưng gió mang theo hơi nước báo hiệu cơn mưa chiều sẽ đến không biết lúc nào. Tôi sợ những cơn gió mạnh. Cơn gió mạnh thổi tới báo hiệu cơn mưa sẽ đổ về trong ngày, trưa nay hay chiều nay. Những cành lá chuối tả ngã nghiêng. Những chiếc lá chuối bị gió đánh rách tả tơi trong những cơn gió trước. Rủ xuống, trong buồn buồn. Tôi liên tưởng đến những cơn bão tháng 7 thổi vào quê tôi. Bầu trời như muốn tái lại một màu chì. Người người vội vã. Tôi bưng tách cà phê lên hớp nhẹ. Nghĩ đến Hồ.(…)

“Những người bạn một thời rồi cũng ra đi sau cái năm đó. Không liên lạc được. Anh hỏi tôi về Trần. Nghe nói Trần đổi vô Nam. Tụi mày ngày xưa là những người lính bụi. Bất chấp. Khác với những người lính làm ở thành phố. Áo quần bảnh bao, thẳng nếp. Mầy với Trần gần như bất cần đời. (…)

“Ngồi uống ly cà phê tự pha sau cái patio. Ngọn gió mang hơi nước về báo hiệu cơn mưa sắp đổ tới. Tôi nhớ đến anh Hồ. Đến Trần. Phải chi có hắn bên cạnh. Tách cà phê ấm biết bao!” (Hoài Niệm, Truyện & Ký, trang 80)

Còn nhiều lắm những trang văn tả cảnh của tác giả, mà cảnh nào cũng có sự liên tưởng dạt dào, chan chứa biết bao kỷ niệm, biết bao tình người trong ấy và chúng ta, những người đọc, cũng phải công nhận một điều là qua vài nét chấm phá trong bức tranh tả cảnh ấy, tác giả đã làm cho người đọc tự nhủ với lòng mình là chúng ta cảm thấu được phần nào nỗi niềm của tác giả dành cho cảnh, dành cho đời!

Có lẽ tôi sẽ mời bạn đọc lại một vài đoạn trong truyện “Sống Với Kỷ Niệm” để thấy cách tả cảnh, tả người của tác giả rất giản dị nhưng sao nghe lòng mình có chút gì bâng khuâng, và man mác buồn  như có hình bóng mình trong truyện ấy:

“Con hẻm vào nhà chị, hôm nay, tôi thấy như chật lại. Ngày xưa một chiếc xe lam chở khách có thể chạy vào bên trong con hẻm này dễ dàng, còn quay đầu xe lại được. Bây giờ loại xe lam này không còn nữa. Nhưng con hẻm vẫn là con hẻm dẫn vào nhà chị mà tôi nhớ như in. Nhà chị ở cuối con hẻm gần ngay mé sông. Dòng sông không rộng, nhưng vào mùa mưa, nước nguồn đổ xuống, chảy xiết. Cho nên, nhà chị mát quanh năm, và trong sự ồn ào náo nhiệt của những dãy phố bên ngoài, nhà chị có vẻ như trầm lắng.”

(…)

“Tôi vẫn bước đi thật chậm, để nhìn thấy tôi trên con hẻm này mấy mươi năm về trước. Để nhìn thấy lại những viên gạch bằng đất nung đỏ au dùng lót đường, nay thay bằng nhựa. Tôi đi thật chậm để nhìn thấy bóng tôi và Hạo, em trai của chị, mỗi lần tôi đến nhà chị chơi.”
(…)

“Tôi nhìn ra phía dòng sông. Sông vẫn một đời không thay đổi, mà sao chị đổi thay nhiều quá, sau một lần lên cơn sốt nặng? Bây giờ gần 40 năm trở lại, chị bảo chị sống nhờ vào những kỷ niệm ở cái tuổi gần đất xa trời. Những kỷ niệm chỉ ghi lại những câu nói, câu hỏi của bạn bè trên trang giấy vở học trò, những kỷ niệm với gian nhà thờ, những hình ảnh thân thương mà ngày tháng qua đã in đậm vào tâm. Như hôm nay, chị quay qua nhìn tôi, những vết nhăn trên khóe mắt chị thật rõ, hằn sâu nhưng lộ rõ nét vui trên mắt:
Có cậu về thăm, chị lại nhớ đến thằng Hạo. Phải chi nó còn sống, giờ này cũng bằng tuổi cậu.” (Sống Với Kỷ Niệm, Truyện & Ký, trang 35.)

Một ghi nhận nữa qua hơn bốn trăm trang sách Truyện & Ký của Phạm Văn Nhàn, chúng tôi thấy ở đấy chan chứa một thứ tình mà tôi ít thấy quyển sách nào có được. Đó là tình bạn trong lòng của tác giả.

Dẫn về điều này, chắc bạn cũng như tôi, chúng ta không gặp bất cứ trở ngại nào. Bạn mới chỉ nghe qua tên các cái tựa thôi thì cũng đã biết cái tình của tác giả đối với bạn bè chan chứa biết bao nhiêu trên những trang sách của tác giả. Chẳng hạn, tôi xin lướt qua vài cái tựa tiêu biểu trong phần Truyện  & Ký, có thể kể:

Người Bạn Cũ (từ trang 45- 54).
Hắn (từ trang 55- 60).
Nora, Và Những Người Bạn (từ trang 61- 70).
Xóm Cũ, Tình Người (từ trang 71- 75).
Hoài Niệm (từ trang 76- 80).
Đêm Gặp Bạn Bè (TQBT 4) (từ trang 82- 85).
Người Bạn Và Cuốn Sách Cũ (Nhà văn Mang Viên Long) (TQBT 7) (từ trang 92- 97).
Nói Chuyện Với Bạn Cũ, Ng(dấu ngã) (TQBT 8) (từ trang 98- 104).
Đọc Thơ Của Bạn Tôi: Trần Hoài Thư (TQBT 9) (từ trang 109- 119)
Nói Chuyện Với Ng (dấu ngã) Về Những Tấm Hình Cũ (TQBT 10) (từ trang 120- 126)
Làm Sống Lại Một Tạp Chí (TQBT 14) (từ trang 132- 136).
Thời Gian Và Con Người (TQBT 15) (từ trang 139- 144).
Ngược Dòng (TQBT 30) (từ trang 221- 226).
Viết Về Những Người Bạn (Ý Thức) (từ trang 238- 246).
Sài Gòn Và Những Người Bạn Cũ (từ trang 247- 250).
Những Người Bạn Muôn Năm Cũ (từ trang 251- 259).
Nhìn Mặt. Một tạp Chí Khó Quên (từ trang 260- 265).
Thư Quán Bản Thảo Mười Năm (từ trang 266- 269).
Một Kỷ Niệm Khó Quên Nhân Ngày Ra Mắt Sách Ở Việt Nam (từ trang 270- 276).
Thư Quán Bản Thảo Bước Qua Năm Thứ 11, Nghĩ Về Một Người Bạn (từ trang 277- 284).
Câu Chuyện Đã Qua Thời Gian Còn Lại (từ trang 306- 311).
Sống Lại Một Thời Dĩ Vãng (TQBT 62) (từ trang 319- 322).
Khởi Hành Trong Ký Ức  (từ trang 323- 327).
Chuyến Đi Về Quê Qua Những Chặng Đường Với Bạn Bè (từ trang 328- 347).
Vịn Vào Lục Bát Của Trần Hoài Thư (từ trang 348- 358).
Một Chuyến Đi (Trăm Lần Vui. Vạn Lần Buồn) (từ trang 359- 370).
Gặp Anh Đặng Tiến Và Đi Thăm Trần Hoài Thư (từ trang 371- 381).
Lang Thang Đùa Với Ông Đàn Bách Kiếm (từ trang 389- 392).
Đi Thăm Mộ Cao Đông Khánh (TQBT 80) (từ trang 394- 398).

Bìa sách “Truyện & Ký” của Phạm Văn Nhàn,
do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ)  ấn hành, tháng 7 năm 2018.

Thưa bạn, trên đây chỉ là những cái tựa  ghỉ rõ chữ “bạn” một thời và còn nhiều lắm những cái tựa khác, dù không có chữ “bạn” ấy nhưng nội dung cũng bàng-bạc một thứ tình bạn gắn bó với tác giả dường như không bao giờ dứt. Nhớ có lần, cách nay vài ba năm, trong một lần trò chuyện, Phạm Văn Nhàn có thố lộ:

Trở lại thập niên 60 của thế kỷ trước. Phải nói đây là những năm tôi hạnh phúc nhất. Hạnh phúc trong cái thú cầm bút của tôi; vì tôi có rất nhiều người bạn cầm bút nổi tiếng trước 1975 trên văn đàn miền Nam. Từ nhà văn tới nhà thơ  Những người trong quân đội có. Những người ngoài quân đội cũng có. Những người bạn này quý mến tôi thật sự.

Các anh ấy chỉ cần nghe nói đến cái tên thôi, lần đầu gặp nhau là đã quý mến và gần gũi nhau rồi. Như đã quen nhau từ lâu. Văn chương chữ nghĩa là như thế. Tình bạn là như thế. Nhiều lắm. Nhiều bạn lắm. Mãi đến hôm nay vẫn còn liên lạc. Người trời Đông. Người trời Tây.” (Người Đọc & Người Viết, quyển 2, trang 489, của HT-LTT, Hoa Kỳ,năm 2017.)

Với một người đọc nhà quê già như tôi, khi gấp hơn bốn trăm trang sách dày này lại mà ở đó nó chan chứa biết bao những cảnh và tình của tác giả Phạm Văn Nhàn, như tôi vừa ghi lại được vài cảm tưởng như vừa rồi, tôi nghĩ là mình đã quá lời trong việc đọc sách rồi vậy.

LƯƠNG THƯ TRUNG
Houston, 16.10.2018
________________________________________
Phụ chú:

(*)

Tác giả Phạm Văn Nhàn, tuổi Nhâm Ngọ (1942).
Quê quán Phú Trinh, Phan Thiết.
Tác phẩm đã xuất bản:
Vùng Đồi (tái bản lần thứ ba, năm 2014)
Màu Thời Gian (tái bản lần thứ 3 năm 2016)
21 Khuôn Mặt Văn Nghệ Miền Nam (2015)
Truyện & Ký (2018)
Phạm Văn Nhàn cùng với Trần Hoài Thư chủ trương Thư Quán Bản Thảo từ năm 2001 cho đến nay.

Truyện & Ký của Phạm Văn Nhàn là một tuyển tập dày 404 trang, không có phần Mục Lục, do Thư Ấn Quán (Hoa Kỳ) ấn hành năm 2018. Ở đây tôi thấy tác giả chia làm hai phần gồm A: Truyện và B: Ký, xin được ghi lại các tựa bài theo thứ tự qua các trang sách:

Thay Lời Mở : In Sách Cho Bạn của Trần Hoài Thư (từ trang 3- 4).

A: Truyện: gồm 12 truyện:

Mùa Xuân Trên Cao Nguyên (từ trang 6- 17).
Dốc Mơ (từ trang 18- 23).
Cái Chết Lãng Xẹt (từ trang 24- 27).
Sống Với Kỷ Niệm (từ trang 28- 35).
Những Truyện Thật Ngắn Liên Hoàn (từ trang 36- 39).
Mảnh Đời (từ trang 40- 42).
Buổi Tối (từ trang 43- 44).
Người Bạn Cũ (từ trang 45- 54).
Hắn (từ trang 55- 60).
Nora, Và Những Người Bạn (từ trang 61- 70).
Xóm Cũ, Tình Người (từ trang 71- 75).
Hoài Niệm (từ trang 76- 80).
B: Ký:  gồm 50 bài ký trong mục Sống & Viết trên Thư Quán Bản Thảo từ số 4 đến số 80.
Đêm Gặp Bạn Bè (TQBT 4) (từ trang 82- 85).
Tản Mạn Tháng 5 (TQBT 6) (từ trang 86- 91)
Người Bạn Và Cuốn Sách Cũ (Nhà văn Mang Viên Long) (TQBT 7) (từ trang 92- 97).
Nói Chuyện Với Bạn Cũ, Ng(dấu ngã) (TQBT 8) (từ trang 98- 104).
Nói Chuyện Với Ng(dấu ngã) (TQBT 9) (từ trang 105- 108).
Đọc Thơ Của Bạn Tôi: Trần Hoài Thư (TQBT 9) (từ trang 109- 119)
Nói Chuyện Với Ng (dấu ngã) Về Những Tấm Hình Cũ (TQBT 10) (từ trang 120- 126)
Nói Chuyện Với Ng (dấu ngã) (TQBT 11) (từ trang 127- 131).
Làm Sống Lại Một Tạp Chí (TQBT 14) (từ trang 132- 136).
Vài Dòng Với Ng (dấu ngã) (từ trang 137-138)
Thời Gian Và Con Người (TQBT 15) (từ trang 139- 144).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 15) (từ trang 145- 149).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 16) (từ trang 150- 155).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 17) (từ trang 156- 163).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 18) (từ trang 164- 170).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 19) (từ 171- 177).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 20) (từ trang 178- 186).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 22) (từ trang 187- 194).
Câu Chuyện Tháng Ba… Năm 2006 (TQBT 23) (từ trang 195- 198).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 26) (từ trang 199- 202).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 27) (từ trang 203- 206).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 28) (từ trang 207- 213).
Tâm Sự Với Ng (dấu ngã) (TQBT 29) (từ trang 214- 220).
Ngược Dòng (TQBT 30) (từ trang 221- 226).
Về TQBT (TQBT 31) (từ trang 227- 231).
Nói Chuyện Với Ng(dấu ngã) Về Tập Thơ Tự Do Miền Nam (TQBT 32) (từ trang 232- 237).
Viết Về Những Người Bạn (Ý Thức) (từ trang 238- 246).
Sài Gòn Và Những Người Bạn Cũ (từ trang 247- 250).
Những Người Bạn Muôn Năm Cũ (từ trang 251- 259).
Nhìn Mặt. Một tạp Chí Khó Quên (từ trang 260- 265).
Thư Quán Bản Thảo Mười Năm (từ trang 266- 269).
Một Kỷ Niệm Khó Quên Nhân Ngày Ra Mắt Sách Ở Việt Nam (từ trang 270- 276).
Thư Quán Bản Thảo Bước Qua Năm Thứ 11, Nghĩ Về Một Người Bạn (từ trang 277- 284).
Độc Giả Thắc Mắc (TQBT 55) (từ trang 285- 288).
Một Tập Thơ Sau 54 Năm Tìm Lại (từ trang 289- 293).
Văn Chương Trên Blog (TQBT 57) (từ trang 294- 297).
Vài Suy Nghĩ: Có Phải Văn Học Miền Nam Trong Thời Chiến Là Một Loại Hình Văn Học Đích Thật? (TQBT 58) (từ trang 298- 305).
Câu Chuyện Đã Qua Thời Gian Còn Lại (từ trang 306- 311).
Tản Mạn Về Những Nhà Văn Nữ Miền Nam Trước 1975 (TQBT 61) (từ trang 312- 318).
Sống Lại Một Thời Dĩ Vãng (TQBT 62) (từ trang 319- 322).
Khởi Hành Trong Ký Ức  (từ trang 323- 327).
Chuyến Đi Về Quê Qua Những Chặng Đường Với Bạn Bè (từ trang 328- 347).
Vịn Vào Lục Bát Của Trần Hoài Thư (từ trang 348- 358).
Một Chuyến Đi (Trăm Lần Vui. Vạn Lần Buồn) (từ trang 359- 370).
Gặp Anh Đặng Tiến Và Đi Thăm Trần Hoài Thư (từ trang 371- 381).
Đi Tìm Tác Phẩm Kẻ Lạ Ở Thiên Đường Của Simone Weil Do Bà Phùng Thăng Dịch, An Tiêm Xuất Bản. (từ trang 382- 388).
Lang Thang Đùa Với Ông Đàn Bách Kiếm (từ trang 389- 392).
Đi Thăm Mộ Cao Đông Khánh (TQBT 80) (từ trang 394- 398).

Phụ Lục:
Phải Chăng Một Câu Chuyện Tình Thời Remarque của Lê Văn Trung (từ trang 399- 404)