Dầu
bất cứ ở đâu, vào thời nào, ba độc tố “giả
- ác - đấu” dường như cũng có mặt, phát sinh, nẩy nở trong mỗi con người.
Đó là ba “hạt giống” xấu, bất thiện, luôn
ẩn tàng trong con người, như một loại virus nằm chờ cơ hội “cơ thể” suy yếu, môi
trường thuận lợi để tấn công.
Nhìn vào xã hội, vào đời sống con người thưở
xa xưa, sự gian dối xuất hiện ít hơn, mức độ nhẹ hơn, bởi sự giáo dục luôn được
mọi gia đình, học đường quan tâm nhắc nhở, rèn luyện ngay từ thời còn nhỏ. Con
người được sống trong một môi trường sinh hoạt xã hội trong lành, thuần khiết.
Tuy vậy, sự giả dối, ác độc và đấu
tranh cứ theo thời gian, và sự biến chuyển của thời đại, đã góp phần tạo môi
trường thuận lợi hơn để mỗi ngày ba độc tố ấy mỗi tăng cao, lan nhanh, có lúc
dữ dội (như một đại dịch), thâm nhập vào con người - đáng quan ngại nhất là ở
giới trẻ.
Giả dối - từ chuyện nhỏ là sống không thực
lòng, che đậy, gian dối - không trung thực trong lời nói và việc làm, để thủ
lợi, lừa gạt lẫn nhau; đến chuyện lớn hơn, phạm vi tác hại rộng hơn, là lừa gạt
cả cộng đồng, xã hội. Chuyện làm bằng cấp, giấy tờ, báo cáo giả (…), đến hàng
hóa, thực phẩm, thuốc uống giả (…), cho đến… tình yêu cũng giả; đã làm đảo lộn
mọi gía trị đích thực của đời sống! Xã hội ngày một rối ren cũng chính vì sự
hoành hành của độc tố nguy hại ấy gây nên.
Không biết ai đó trong xóm đã “chỉ điểm”, nên
một hôm tôi phải tiếp một học sinh lớp 8 bị nhà trường đuổi học, khi cậu ấy tìm
đến nhà nhờ tôi giúp. Hỏi ra, mới biết cậu ta đã “ký giả” cha mẹ trong sổ liên
lạc, rồi “ký giả” phụ huynh vào đơn để xin nghỉ học, đi chơi lêu lổng nhiều lần.
Tìm hiểu, biết thêm gia đình của cậu ta nghèo, cha mẹ đi làm quần quật suốt
ngày, nhà lại đông anh em; nên sau khi tôi đã khuyên nhủ, dặn dò kỹ, và được
nghe lời hứa hẹn của cậu ấy, tôi đã đến trường gặp người hiệu trưởng quen thân,
để xin cho vào học lại.
Sự giả dối đã xanh mầm trong tâm hồn
non trẻ ấy rồi, nếu không sớm được quan tâm giúp đỡ, hay tự cải hóa, thì không
biết sau nầy sẽ đi về đâu?. Không lo chăm chút, nuôi dưỡng cho “cái nhân” tốt, nhưng hễ gặp “cái quả” xấu, thì cứ thản nhiên loại
bỏ, không chút tiếc thương, không phải là một nền giáo dục văn minh, nhân bản.
“Ác” đi chung với “độc” - đã ác rồi,
thì chắc chắn sự nguy hiểm, ghê rợn, hung bạo (…) sẽ đi theo. Ví dụ “thiện” đi
với “lành” - thiện lành là điều tốt đẹp, như ý. Sở dĩ lòng người độc tố “ác”
phát triển nhanh và nhiều (hơn mầm thiện) - nhất là vào thời đại coi trọng, tôn
thờ vật chất ngày nay, thì “ác” như thứ
cỏ xấu không cần phân bón, cứ mặc nhiên sống mạnh khắp nơi trong thửa ruộng tâm
mỗi người, thì làm gì có hạt lúa (mầm thiện) tốt?!
Loại “phân bón” tốt của ác là lòng
tham không hề biết đủ, là sự mê đắm hưởng thụ không thể tự dừng, không kiềm giữ!
Một xã hội mà mỗi người không thể tự chế ngự lòng tham, sự ưa thích vô lý, quá
đáng của mình, thì độc tố “ác độc” tha hồ tàn phá tâm hồn, làm tàn lụi dần bao
ước mơ cao đẹp, và sau cùng sẽ “đốt cháy”, làm khô chết những mầm mống thiện
lành, như cỏ xấu “ăn” chết cây lúa, không cho lúa phát triển vậy.
Người bạn cùng đường phố kể lại với
tôi: Hễ đến 4 - 5 giờ chiều là bầy trẻ con ở khu phố phía dưới, trạc 8 đến 14
tuổi, cả đám gần 20 đứa, tụ tập nơi con đường rộng hai chiều trước mặt nhà ông,
để đá banh, đến gần 10 giờ khuya mới giải tán. Nhiều hôm chúng đá trái banh bay
thẳng vào những căn nhà chung quanh; nhiều lần chạy nhảy, gây tại nạn khi xe
honda đi qua đoạn đường nầy. Nhưng, mấy gia đình ở trên đoạn đường, không ai
dám can ngăn, khuyên bảo chúng cả! Ông có vài lần ôn tồn khuyên chúng, nên đi
dần lên khu đất trống, để không gây ồn ào, mất trật tự đường phố, và tránh tai
nạn cho người đi xe honda - nhưng chúng không để ý; cứ thản nhiên đá banh ào ào
trên đường, như cũ. Hôm qua, ông ta đã ngăn cản chúng, bằng lời răn đe cứng rắn
hơn. Sau đó, lúc ông phải đóng cửa để đi ngủ vào khoảng 9 giờ, chúng tụ lại,
thi nhau đá banh vào cửa sắt nhà ông ầm ầm. Tệ hơn, lại ném đá vào cửa, rồi bỏ
chạy. Ông im lặng, nghĩ: “Có lẽ từ nay, không nên nói thêm lời nào với chúng
nữa cả!”; nhưng lòng rất buồn.
Cái “ác” đã căng tràn trong lòng những
đứa trẻ còn quá non nớt như vậy, thì khi lớn lên, chúng sẽ ra sao, sẽ làm gì?
Nghe ông kể, tôi nhớ lại lời dạy trong một câu kinh Pháp cú: “Những người lấy lời lẽ tốt đẹp khuyên ngăn
cái xấu ác, được người thiện lành yêu quý bao nhiêu, thì bị kẻ ác ghét hận bấy
nhiêu!”. Những gia đình quanh dãy phố tuy nhìn thấy, nhưng chẳng hề lên
tiếng can ngăn - kẻ xấu ác không nhiều, không đáng sợ, nhưng sự vô cảm, cầu an
của nhiều người mới đáng quan ngại, đáng buồn thay! Im lặng, đôi khi, cũng là
một sự đồng lõa hay tiếp tay cho cái xấu ác nẩy nở, hoành hành!
Cuộc sống là một chuối dài phấn đấu,
tranh đấu, để nâng cao chất lượng, để được sống có ý nghĩa, để có tương lai
ngày một tươi đẹp hơn, nhưng phải dựa trên nền tảng yêu thương, công bình, và
luôn vì lợi ích số đông. “Đấu tranh”, không có nghĩa là “đấu đá”, để giành (tranh) quyền lợi riêng cho cá nhân, cho gia đình,
cho phe nhóm mình. Độc tố “đấu” ở đây là hiện tượng giành giựt, không loại bỏ
hành vi xấu ác nào, để đạt được ham muốn vô lý, ích kỷ, bất kể đến quyền lợi tập thể, cộng đồng. Nhìn vào đời sống, chúng ta dễ dành nhận ra “độc
tố” nầy đang có mặt ở nhiều nơi, nhiều môi trường - từ gia đình, học đường, đến
ngoài xã hội!
Trong xóm tôi, có một gia đình nọ,
chỉ đủ tiền mua một chiếc xe đạp cho cậu con trai lớn vừa lên lớp 10 đi học, vì
trường xa. Cậu con nhỏ, đang học lớp 8, cũng đòi cha mẹ mua một chiếc xe như
anh. Mặc dù cha mẹ đã giải thích, khuyên nhủ, hứa hẹn - nhưng cậu ta luôn tìm
cách “gây lộn” (đấu tranh) với người anh. Thậm chí rất cộc cằn, vô lễ, và nếu cần, có thể đánh nhau. Cậu
ta “đấu” với anh suốt ngày, làm cha
mẹ luôn buồn phiền! Mới 13 tuổi, mà đã “đấu” cỡ đó, thì khi lớn lên, sẽ “đấu”
ra sao nữa? Đây là một độc tố rất nguy hại, đã thâm nhập vào trong từng gia
đình (anh chị em tranh giành gia tài, nhà cửa), vào xã hội (người láng giềng giành nhau
từng tất đất, bạn đồng nghiệp, đồng ngành, tranh giành địa vị, quyền thế…) tạo
nhiều thảm cảnh rất đau lòng mà báo chí đã từng đưa tin!
Hằng năm, chúng ta đều có nghe nhiều
chương trình cải tiến, phát triển xã hội; nhiều “dự án. công trình” cải cách
giáo dục nầy nọ (có khi quá quắt, phản khoa học, không tưởng) - nhưng yếu tố
chính của các “cải cách” to tát ấy, là nhân cách và đạo đức con Người, thì
không đếm xỉa đến, nên chẳng có chuyển biến tốt đẹp gì hơn?
Hãy nên cùng nhau xây dựng Con Người,
trước khi xây dựng những cái gì khác!
Quê
nhà, tháng 9.2018
MANG VIÊN LONG