Sunday, September 16, 2018

777. TRẦN DOÃN NHO Vài suy nghĩ rời về chữ và nghĩa



Người ta nói bây giờ là thời kỳ bùng nổ thông tin, thời kỳ của truyền thông, tức là thời  Internet, báo chí. Nhưng đế có truyền thông, phải có “chữ”. Không có thông tin, không có Internet, không có media nếu không có chữ. Ở đâu cũng cần đến chữ. Hàng ngày, chúng ta sống với chữ. Mọi chuyện trên đời đến với ta đều phải băng qua ngưỡng chữ. Chữ vây hãm chúng ta. Tới trường, học chữ. Tới sở, đọc chữ. Ra phố, nhìn chữ. Vặn máy thu thanh, nghe chữ. Gặp bạn, nói chữ. Tỏ tình, chữ. Chia tay, chữ. Xin việc, chữ. Suy gẫm chuyện đời, chữ. Sáng tác, tìm chữ. Viết tiểu luận, nghĩ chữ. Lên mạng, chạm ngay từng rừng chữ. Trùng trùng điệp điệp chữ, mênh mông chữ!

Chữ chỉ là ký hiệu, hoặc bằng âm thanh (tiếng nói) hoặc bằng nét vẽ (chữ viết), nhưng cái quan trọng đi kèm với ký hiệu là cái “nghĩa” mà người ta gán cho chúng. Bởi thế mà người ta thường nói: chữ nghĩa hay thế giới chữ nghĩa. Muốn hiểu nghĩa của một chữ, chỉ có việc tra tự điển. Mỗi chữ thường thì gắn liền với một nghĩa. Nhưng khi ghép chữ thành câu, thì nghĩa biến đổi. Từng chữ có thể mất đi nghĩa thường có của nó để cấu tạo thành một nghĩa khác, nghĩa mới. Từ một nghĩa đi đến hai, ba nghĩa và nhiều nghĩa hơn. Do đó mà tự điển đã ghi lại những nghĩa khác nhau đó để ta tùy nghi sử dụng. Vài ví dụ:

- Cửa: một khoảng không gian giữa nhà và bên ngoài: cửa nhà. Từ đó, ta có cửa miệng, cửa động, cửa sông và xa hơn cửa quan, cửa quyền…
- Miệng: một bộ phận của thân thể dùng để ăn. Nhưng rồi ta có: miệng giếng, miệng chén, miệng mồm và xa hơn thế, miệng thế gian, miệng tiếng, độc mồm độc miệng…Miệng mà như không phải miệng. Nó chuyển nghĩa.
- Ăn: một động tác bỏ thực phẩm vào miệng. Nhưng rồi ta lại có: ăn tiền, ăn vóc học hay, ăn mặc, ăn trên ngồi trốc, ăn quỵt, ăn cướp, ăn nắng, ăn ảnh. Có nhiều chữ “ăn”, nhưng chẳng dính dáng gì đến chuyện “ăn” cả. Theo một người sưu tầm, chữ ăn hiện nay có đến 12 nghĩa khác nhau.
- Đưa: là lấy tay cầm một vật gì chuyền cho một người khác: đưa cái chén, đưa cuốn sách…Thế nhưng: đưa em đi học chẳng hạn, chữ “đưa” chuyển hẳn nghĩa. Đưa ởđây là “đi” cùng với sự bằng lòng (nếu đi cùng nhau mà em không bằng lòng cũng không thể gọi là đưa), chứ chẳng chuyền, chẳng cho ra cái gì cả. Xa hơn, “đưa em về dưới mưa”, “tôi đưa em sang sông”, đưa trở thành một hình ảnh bóng bẩy.

Như thế, do cách dùng, chữ biến đổi nghĩa. Chẳng thế mà, cũng một số chữ mà khi Cộng Sản dùng nghe ra khác, có khi hoàn toàn khác với chữ của người Quốc Gia. Cộng Sản nói: khẩn trương, lính thủy đánh bộ, giải phóng, giáo án, hộ khẩu, bao cấp, truy chụp, bức xúc, làm việc, tranh thủ, ổn định chỗ ngồi, sự cố, vân vân và vân vân. Nghe lạ, rất lạ. Lạ, không phải vì họ có chữ mới, mà họ dùng chữ theo một cách khác, khiến cho ý nghĩa khác hẳn đi. Thử nghe lại một đoạn: “Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền.” Đây là một đoạn ngắn trích từ bản “cương lĩnh” của đảng Cộng Sản. Nghe thì rất kêu, nhưng so với thực tế thì chúng không những không chứa đựng một ý nghĩa thực sự nào, nếu không muốn nói là vô nghĩa khi đối chiếu với thực tế.

Vậy, do cách sử dụng mà mỗi một chữ tự nó có thể có nhiều nghĩa. Những nhà ngữ học gọi đó là tính “đa nghĩa” (polysémie), không phải là đơn nghĩa (monosémie). Qua thời gian, theo giòng sinh hoạt của xã hội, của cộng đồng, chữ có thể mất đi một số nghĩa (vì không cần dùng nữa) và cũng có thể tích lũy nghĩa. Chữ chứa thêm nghĩa mới không hề xóa đi nghĩa cũ. Chẳng thế mà, cha ông ta có câu:

Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

“Lựa lời” tức là chọn chữ, chọn nghĩa. Xa hơn, văn chương là một nghệ thuật lựa lời. Đọc thử mấy câu thơ của Nguyên Sa:
  
Không có anh lấy ai đưa em đi học về ?
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học?
Ai lau mắt cho em ngồi khóc?
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa ?
Những lúc em cười trong đêm khuya,
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng?
          
Chắc chắn là ông nhà thơ chẳng “đưa”, chẳng “dìu”, mà chỉ đi bộ theo, hoặc là chở trên xe (xe hơi, xe honda, xe đạp). Còn “cười trong đêm khuya” và “nhìn những đường răng em trắng” thì thật không có cách gì để tin đó là chuyện thực. Chẳng ai, dù yêu đến cách mấy, mà lại chịu khó ngồi đâu đó mãi, đề chờ nhìn những đường răng của em cười trong đêm khuya. Vả lại, có ai làm thế thật, thì chẳng biết làm để làm gì! Ấy thế mà, chẳng ai thắc mắc (trừ…tôi!) cái nghĩa mà nhà thơ muốn nói. Ngược lại, người ta thưởng thức cả chữ và nghĩa mà nhà thơ đã sáng tạo ra. Thưởng thức cả cái nghĩa lẫn cái “vô nghĩa” của câu thơ. Khiến cho câu thơ tồn tại và không những thế, làm rung động và đồng thời cũng làm hành trang cho những người yêu nhau, yêu nhau da diết.

Điều đó cho thấy bằng cách tạo ra nghĩa mới, chữ có tác động vô cùng to lớn vào cuộc đời. Chúng làm biến dạng, thay đổi hay thậm chí tạo ra hiện thực. Một lý thuyết hay có thể chuyển đổi khuôn mặt xã hội và nếp sống hàng ngày.Một cuốn sách, một bản tuyên ngôn, đôi khi một câu khẩu hiệu, có thể huy động người ta lao vào chỗ chết.

Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau.

Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ.Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ.Ghét nhau thì ném chữ, bắn chữ, đôi chữ, mắng chữ (những chữ bẩn thỉu, tục tằn, xấu xa) vào mặt nhau. Thương nhau thì gửi chữ, tặng chữ, biếu chữ (những chữ thơm tho, đẹp đẽ) cho nhau.Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền. Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gỉ, ai mà biết.

Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự?

Câu trả lời là: không!

Biết thế, các nhà nước độc tài toàn trị, trị dân bằng chữ. Họ bắt người dân xài một số chữ và cấm xài một số chữ khác.Ở Việt Nam, chữ phải xếp hàng về một phía. Bước qua phía bên kia thì sẽ nhận ngay một chữ: tù. Chẳng lạ gì, khi mới chiếm được miền Nam, việc đầu tiên mà nhà cầm quyền Cộng Sản làm ngay, là phát động phong trào bài trừ văn hóa đồi trụy, mà thực chất là tiêu diệt toàn bộ sách vở báo chí miền Nam, tiêu diệt chữ nghĩa miền Nam. Nó nhắc ta nhớ đến chính sách “phần thư, khanh nho” (đốt sách chôn học trò) thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa.

Cuộc đấu tranh giữa hải ngoại và nhà nước Cộng Sản Việt Nam bây giờ là cuộc đấu chữ, đấu nghĩa. Nhà nước Cộng Sản cố bít chữ, chận chữ. Người hải ngoại cố chọc thủng bức tường “ô nhục” để tuồn chữ vào trong nước bằng tất cả những phương tiện có được.

Nghĩ cho cùng, từ thuở tạo thiên lập địa cho đến bây giờ thi tuyết vẫn thế mặt trời vẫn thế, đêm ngày, trăng sao cây cỏ vẫn thế. Riêng với con người, chữ cho con người chu du vào một thế giới khác, thể giới ảo. Ảo mà vẫn thực. Con người muợn chữ để bày tỏ những gì không thể sờ, nắm, nghe hay thấy.

Chữ không nhất thiết là nghĩa. Chữ và nghĩa không nhất thiết tạo thành văn chương. Và văn chương không nhất thiết phải giống như đúc cuộc đời. Bởi nếu có làm cho giống đúc thì làm để làm gì? Cho nên phải làm cho khác. Cô dâu phải khác một cô gái. Bài thơ thì phải khác cơm, áo, gạo, tiền. Bài văn phải khác đất trời mây nước.

Nói tóm lại, văn chương là sử dụng chữ để thêm ý nghĩa cho cuộc đời.

TRẦN DOÃN NHO 
 ____________________________________________________  

Tham khảo:

-       Chữ, nghĩa, văn chương và cuộc đời, Người Việt Boston 
-       Một số tài liệu về ngôn ngữ trên Internet.