Nhà văn Lê Văn Thiện (1947-2018)
Tôi và Lê Văn Thiện quen nhau đã lâu, không nhớ trong
trường hợp nào, vào lúc nào – có lẽ từ năm 1970. Thân tình, nhưng cần nhắc lại
những kỉ niệm thì không biết nói điều gì. Vì đối với nhau tự nhiên quá, có cảm tưởng
như tất cả là chuyện bình thường.
Cùng dân Khánh Hòa song Thiện có vẻ khác với Thế Vũ,
Nguyễn Sa Mạc (Nguyễn Hoàng Thu), cũng khác với Lê Ký Thương, Nguyễn Âu Hồng.
Có phần độc lập, cũng có phần cô đơn!
Trước 1975… hình như chúng tôi ít gặp nhau, bởi có thời
gian Thiện lặn lội mãi trong Nam. Một lần
Thiện về, tôi rủ qua trường trung học Bồ Đề Hiếu Xương -nơi tôi đang dạy- “nói
chuyện văn chương” với học sinh, nhưng Thiện không chịu “đăng đàn”, chỉ ngồi với
các em, nhân tiện điều gì thì nói điều ấy, không lý luận, không rao giảng bài bản,
kinh nghiệm.
Sau 1975 Thiện về quê, làm ruộng, có khi đi điệu tìm
trầm, cuộc sống trăm bề vất vả. Vậy mà gặp nhau vẫn vui vẻ, kể chuyện khổ như kể
chuyện vui, cười xòa. Nói thế chứ có khi Thiện cũng nổi giận trước những điều vớ
vẩn của “văn chương”, chửi thề, chửi tục, không phải chỉ nói bằng lời mà viết
trong thư hẳn hoi.
Cuộc sống riêng tư, hình như từ thời tuổi trẻ không
cho Thiện được nhiều phút giây nhàn tản, cứ phải vội vàng. Một lần Thiện ra Tuy
Hòa, tôi rủ nghỉ lại nhà, nhưng Thiện cứ nằng nặc bào là lỡ hẹn với một ông bạn
-không phải bạn văn- phải đến đó. Sau tôi mới biết là Thiện muốn sống lại một
đêm trong không khí khách sạn. Đêm ấy Thiện gặp một nhóm tứ chiến giang hồ vui
vẻ rủ nhậu, và Thiện viết được một truyện ngắn khá hay.
Vài năm trước, có lần Thiện nói: Một năm viết ba bốn truyện
ngắn là được rồi. Thời trước thì khác chứ! Tôi thích truyện của Thiện ở chỗ tưởng
như đơn giản, không có gì, nhưng phía đàng sau và trong sâu xa không đơn giản
chút nào, rất ngộ là khác. Truyện nào cũng có cái ngộ, rất độc đáo. Từ đó ta
suy ra một triết lý. Nhiều người nói rằng cũng nghĩ như Thiện nhưng không nhận
biết và không viết ra được. Cái tâm Thiện của Thiện là không đày đọa nhân vật
xuống hố thẳm, nhân vật nào cũng có một đôi chút dễ thương. Cái tâm Thiện của
Thiện có phần giống cái tâm Thiện của Bình-nguyên Lộc. Giống về mặt Thiện Tâm
chứ không phải cách sử dụng ngòi bút.
Đọc văn bạn bè, thì trao đổi với nhau rất chân tình.
Như Tiếng gà cơm cát của tôi, Thiện
nói: Nếu anh bỏ bớt một số chi tiết sẽ hay hơn. Nhớ về Sài Gòn thì: Anh viết ngắn quá, không cần dài dòng nhưng tôi
biết trong anh còn cốt lõi nữa.
Ngoài bút danh Văn Lệ Thiên, Thiện còn ký Văn Tánh dưới
các bài phỏng vấn, mạn đàm. Chắc ít người biết.
Tôi mới in một cuốn sách, định gởi tặng, nhưng trước
đây có lần gởi bảo đảm sách vẫn bị mất dọc đường vận chuyển, không đến, Thiện dặn:
Anh cứ để sách đấy, có dịp tôi sẽ ra. Bây giờ cái dịp ấy không còn! Chỉ còn một
nỗi buồn thương tiếc người bạn hiền, người bạn thật tình chơn chất./.
TRẦN HUIỀN ÂN