Saturday, August 4, 2018

702. NGÔ THẾ VINH Từ Dấu Binh Lửa Tới Tù Binh Hòa Bình – Phan Nhật Nam và Những Chấn Thương Không Chảy Máu



“Tôi là kẻ sống sót sau một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ.”
                                                                      Phan Nhật Nam

Hình 1: Tới thăm Phan Nhật Nam 21.07.2017, đi tìm những vật chứng.
[tư liệu Ngô Thế Vinh]

TIỂU SỬ

Phan Nhật Nam cũng là bút hiệu, Rốc là tên gọi ở nhà; sinh ngày 9/9/1943, tại Phú Cát, Hương Trà, Thừa Thiên, Huế; nhưng ngày ghi trên khai sinh 28/12/1942, chánh quán Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị.

1954-1960 tiểu học Mai Khôi Huế; Saint Joseph Đà Nẵng; trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng.


1963-1975 tốt nghiệp Khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, gia nhập binh chủng Nhảy Dù, qua các đơn vị Tiểu Đoàn 7, 9, 2, và Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù; Tiểu Khu Bà Rịa Long An; Biệt Động Quân; Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương 4 và 2 Bên.

Hình 2: giữa, Hướng đạo sinh Phan Nhật Nam và Trưởng Tô Phạm Liệu. Sau này cả hai đều chọn vào Binh chủng Nhảy Dù; trái, Phan Nhật Nam, thiếu úy Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù 1964; phải, Tô Phạm Liệu là một bác sĩ can trường của Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù sống sót sau trận đánh ác liệt trên đồi Charlie, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 trên vùng cực bắc Tây Nguyên, nhưng người bạn thân thiết của Tô Phạm Liệu là Trung tá Tiểu Đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo thì hy sinh ở lại Charlie. Tô Phạm Liệu mất ở Mỹ ngày 29.09.1997 ở tuổi 56.[tư liệu Phan Nhật Nam]

1975-1989  tù cải tạo 14 năm qua các trại giam miền Bắc với 2 đợt kiên giam (2/1979 đến 8/1980; 9/1981 đến 5/1988).

1990-1993 ra tù bị quản chế và chỉ định cư trú tại Lái Thiêu, Bình Dương miền Nam, cũng là thời gian Nam được gần gũi với nhà báo Như Phong.

1993 sang Mỹ định cư, thời gian đầu ở San Jose, rồi qua Washington D.C, Houston, Minnesota, Colorado…

Thời gian đầu tới Mỹ, có cả một chiến dịch báo chí truyền thông lên án Phan Nhật Nam là Việt Cộng nằm vùng, phủ nhận cờ vàng… Giữa những ngộ nhận oan khiên, câu nói của Tô Phạm Liệu đủ làm Nam ấm lòng: “Tao biết thằng Nam từ hồi còn nhỏ, hai đứa tao cùng ở một nhà, đi học chung một trường. Nó làm sao là Việt Cộng được.”

2005-2018 hiện vẫn làm việc ở tuổi 76 và sống ở Nam California.

TÁC PHẨM

Trước 1975

Dấu Binh Lửa (Nxb Đại Ngã, Sài Gòn 1969)
Tường trình về người và chiến tranh nơi miền Nam 1960-1968.
Dọc Đường Số 1 (Nxb Đại Ngã, Sài Gòn 1970)
Trên quê hương, dọc con lộ, địa ngục có thật hằng ngày mở ra.
Ải Trần Gian (Nxb Đại Ngã, Sài Gòn 1970)
Tự sự hóa qua biến cố chính trị, quân sự ở Huế, Đà Nẵng, miền Trung 1966.
Dựa Lưng Nỗi Chết (Nxb Đại Ngã, Sài Gòn 1971)
Thảm họa Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế được viết với khung cảnh tiểu thuyết.
Mùa Hè Đỏ Lửa (Nxb Sáng Tạo, Sài Gòn 1972)
Thiên hùng ca Mùa Hè của miền Nam trong trận chiến giữ đất, bảo vệ dân.
Tù Binh và Hòa Bình (Nxb Hiện Đại, Sài Gòn 1974)
Lời báo động khẩn thiết sau Hòa bình ngụy danh từ Hiệp định Paris 1973.


Mỗi tựa sách chỉ với tên nhà xuất bản đầu tiên. Bút ký chiến tranh Phan Nhật Nam được tái bản nhiều lần ở miền Nam trước 1975 và cả ở hải ngoại sau này, riêng cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa được tái bản tới lần thứ 30 do nhiều nhà xuất bản khác nhau và cũng hiếm khi tác giả được các nhà xuất bản thanh toán nhuận bút.

Sau 1975

Những Chuyện Cần Được Kể Lại (Nxb Tú Quỳnh, California 1995)
Đường Trường Xa Xăm (Nxb Tú Quỳnh, California 1995)
Đêm Tận Thất Thanh (Tác giả xuất bản, Houston 1997)
Mùa Đông Giữ Lửa (Tác giả xuất bản, Houston 1997)
Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương (Tổ hợp xuất bản Nắng Mới Miền Nam, California 2003)
Chuyện Dọc Đường (Nxb Sống, California 2013)
Phận Người, Vận Nước (Nxb Sống, California 2014)


Hình 3: Bìa các sách Phan Nhật Nam xuất bản trước 1975,
riêng bìa cuốn Tù Binh và Hòa Bình là sách tái bản ở hải ngoại 1987. 
[tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hình 4: Bìa các sách Phan Nhật Nam xuất bản sau 1975 tại hải ngoại, 
thực sự là từ sau 1993, thời gian Phan Nhật Nam thoát ra khỏi Việt Nam. 
[tư liệu Ngô Thế Vinh]

Tiếng Anh 

Peace and Prisoner of War (Nxb Kháng Chiến, Hoa Kỳ 1987)
The Stories Must Be Told (Nxb Nắng Mới, Westminster 2002)
A Vietnam War Epilogue (Nxb Thư viện Toàn Cầu, California 2013)

Hình 5: từ trái, bìa bản tiếng Việt cuốn Tù Binh và Hòa Bình
Nxb Kháng Chiến 1987;
bản tiếng Anh Peace and Prisoners of War,1989 
[tư liệu Ngô Thế Vinh].

Tiếng Pháp

Stigmates de Guerre (Nxb Sống, California 2016)
Un Été Embrasé (Nxb L’ Harmattan 2018)

Hình 6: từ trái, bìa tác phẩm Mùa Hè Đỏ Lửa; bìa Un Été Embrasé, bản dịch tiếng Pháp của Liễu Trương, do Nxb L’Harmattan, série Asie 2018. (dịch giả Liễu Trương đã làm luận án tiến sĩ Sorbonne với đề tài: Võ Phiến, Culture Nationale, Lectures Occidentales 2001). [tư liệu Ngô Thế Vinh]

PHAN NHẬT NAM  VÀ VÕ PHIẾN

Vào tháng 7 năm 1993 cũng là năm Phan Nhật Nam tới Mỹ, trong bộ sách Văn Học Miền Nam – cuốn Ký,  Võ Phiến viết:

“Phan Nhật Nam, viết liên tiếp sáu cuốn ký về chiến tranh. Đọc những điều ông kể, người dân nghe chuyện lính cũng lây luôn cái phẫn nộ, cái uất hận của ông. Lòng nào nghĩ đến cái “văn” trong những tác phẩm như thế. 

Mười lăm năm* của một người lính Nhảy Dù, ông làm lính xứng đáng. Mười lăm năm trong lao tù cộng sản, ông làm một tù nhân can trường… Văn nghiệp mười năm của ông phản ảnh chỗ nhiệt tâm dũng mãnh, can trường, trong cuộc sống ấy. Cái “văn” của ông là ở đó. (6)

[* theo Phan Nhật Nam, con số đúng là 14 năm lính, 14 năm tù / ghi chú của người viết]

Phan Nhật Nam khi viết cuốn Dọc Đường Số 1, cũng có tâm sự của riêng ông:“Viết vì sau 8 năm lính, chính cảnh đời vừa qua kích thích và ảnh hưởng trên tôi quá đỗi. Thôi thì viết bút ký: Viết bút ký hay là một thứ cầu kinh trong một niềm cô đơn đen đặc, viết bút ký để thấy những giọt nước mắt vô hình tuôn chảy sau bao nhiêu lần nín kín, viết bút ký như một tiếng nức nở được thoát hơi sau hàm răng nghiến chặt thấm ướt máu tươi từ đôi môi khô héo. Tôi viết bút ký như một tiếng thở dài trong đêm.” (5)

Hình 7: Phan Nhật Nam tại nhà Võ Phiến Los Angeles tháng 11.1995
[tư liệu Viễn Phố]

Dấu Binh Lửa, của Phan Nhật Nam ra mắt 1969 đã gây ngay nơi người đọc những chấn động sâu xa. Là một bút ký chiến tranh đầu tay nhưng đã cho thấy ngay bút lực của một văn tài. Coup d’essai, coup de maître.

Một trích đoạn, câu chuyện chị Lai ở Kiến Hòa trên vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong cuộc hành quân truy lùng VC, mấy Tiểu đoàn Dù đã đánh tan địch quân, khi ấy Phan Nhật Nam chỉ là thiếu úy mới ra trường Võ Bị Đà Lạt, chỉ huy một trung đội trong một trận đánh lớn đầu đời:

“Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám… Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây chết với đôi mắt không cảm giác… Tôi đi đến trước chị đàn bà… 

– Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?

Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần, chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi dây chuyền vàng, một đôi bông tai…

Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.


– Chị kia quay lại đây tôi trả cái này… – Tôi nói vọng theo.

Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng, trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hoảng thảm hại làm răn rúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khoảng trên dưới hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét mặt thêm thanh tú. Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy, cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẵng rơi xuống đất, hai cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:

– Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ… – Im lặng, chỉ có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực… Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi… Không lấy vàng và bắt đứng lại! Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này. Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này… Tôi muốn đưa tay lên gài những chiếc nút áo bật tung, muốn lau nước mắt trên mặt chị nhưng chân tay cứng ngắc hổ thẹn. Và chị nữa, người đàn bà quê thật tội nghiệp, cảnh sống nào đã đưa chị vào cơn sợ hãi mê muội để dẫn dắt những ngón tay cởi tung hàng nút áo, sẵn sàng hiến thân cho một tên lính trẻ, tuổi chỉ bằng em út, trong khi nước mắt chan hòa trên khuôn mặt đôn hậu tràn kinh hãi.


Quân rút ra khỏi làng, chị đàn bà đi theo chúng tôi, vẫn với những bước đi ngượng ngập cứng nhắc, vẫn đôi mắt nhìn vào khoảng trống không cảm giác… Quân rút ra gần đến quốc lộ, con sông bên trái đầy thuyền, hỗn độn dòng người chen chúc. Dân của vùng hành quân trốn ra từ ngày trước, tiếng người kêu la vang dội một khoảng sông, họ hỏi thăm tình trạng nhà cửa, người thân thích, người kẹt trong vùng hành quân. Tiếng khóc vang rân… 

– Lai! Mày đó Lai ơi! – Bà già dưới sông mồm kêu tay ngoắt chị đàn bà theo chúng tôi. Chị ta dừng lại như để nhớ một dĩ vãng, như nhớ một khoảng sống đã đi qua… – Lai! Lai ơi, má đây con…- Chị đàn bà đứng lại xoay người về phía dòng sông… Má! Má!

Tôi thấy đôi môi run rẩy thì thầm: Nhà cháy rồi! Nhà cháy rồi! Chị ta đi lần ra phía bờ sông, cũng với những bước chân của người mất hồn, bóng áo trắng nổi hằn trên đám dừa xanh.”
 [Hết trích dẫn, Người Chết Dưới Chân Chúa, Dấu Binh Lửa]


Nhân có một bản dịch cuốn Dấu Binh Lửa sang tiếng Pháp: Stigmates de Guerre, Phan Nhật Nam xúc cảm viết một thư ngỏ gửi bằng hữu:

Dấu Binh Lửa sống đến nay được 48 năm (1968-2016) và người viết vượt quá tuổi 70… Quả thật là một phép lạ qua chiến tranh, khổ nạn Việt Nam từ sự tồn tại của cuốn sách đến người lính viết nên những giòng chữ đầu đời nầy trong lửa đạn Mậu Thân Huế, 1968. Nay cuốn sách được thành hình với một chữ, nghĩa  khác – Pháp Ngữ, ngôn ngữ mà bản thân tôi và các bạn hằng thấm sâu từ tuổi thơ ấu ở quê nhà, mỗi người mỗi cách, mỗi cường độ vì vẻ mỹ lệ, cao quý qua âm sắc, cấu trúc, văn phong, văn ý. Quả thật bản thân tôi không hề nghĩ ra phép lạ thứ hai nầy hiện thực; và nay chuyện thần kỳ trở thành sự thật từ những giòng chữ đầu tiên của anh Phan Văn Quan, tiếp nên chuyện ở Tòa Báo Sống có sự tham dự ngẫu nhiên / một cách cố ý của Nguyễn Xuân Nghĩa, và dần hoàn chỉnh với Bồ Đại Kỳ, qua hợp tác của cô TT Tôn Nữ Phan.
      
Tôi không quá lời vì quả thật bản thân đang ở trong hoàn cảnh không thiết tha với bất cứ điều gì… Cho dù đây là cuốn sách viết bởi máu, nước mắt, nỗi đau có thật.

Thủy Tiên sắp có mặt ở Pháp, sẽ tiếp xúc với các bạn ở bên ấy và chắc sẽ có một bản in trong năm nay – Một năm Thân như lần ra đời của nó 48 năm trước. Có một điều kỳ thú là cuốn sách có liên hệ rất cụ thể với những người gốc xứ Huế, họ Phan!

Phan Nhật Nam (1943-2016) với Mỗi Người Bạn ở Huế-Đà Nẵng-Sàigòn-Paris… và nơi nước Mỹ.

Tôi quen Phan Nhật Nam và Vũ Ngự Chiêu từ Việt Nam, nhưng có lẽ gần gũi và thân thiết hơn với Nam là trong thời gian sống ở Mỹ. Với không chút dè dặt, tôi vẫn nói với Nam: “Bút ký viết về Chiến Tranh Việt Nam trước 1975 của Phan Nhật Nam là hay nhất đối với cả hai miền Nam Bắc”.

Với một chút dư vị cay đắng, Nam nói: “Chỉ có bác nghĩ về tôi như vậy, nhưng đó không phải cái nhìn của văn giới và ngay cả với những bạn Võ Bị của tôi nữa.” Bản thân Nam đã bị đối xử khá bất công, không phải chỉ với trong nước mà kể cả với các cộng đồng ở hải ngoại.

PHAN NHẬT NAM VÀ HỮU THỈNH

Ngày đầu tháng 9 năm 2017 Phan Nhật Nam phone cho tôi, cho biết anh mới nhận được một thư của Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mời về tham dự cuộc họp mặt sẽ diễn ra ở Hà Nội và một số địa phương miền Bắc, từ ngày 20 đến 25 tháng 10 năm 2017. Rồi qua eMail, Nam chuyển cho tôi đọc nguyên văn bức điện thư của Hữu Thỉnh.

Thư gửi nhà văn Phan Nhật Nam

Thưa Anh,

1/ Để đỡ đường đột, xin giới thiệu. Tôi là Hữu Thỉnh, người từng đọc anh đã lâu, hiện nay đang làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi mới gặp Thụy Kha vừa ở bên ấy về, cho biết có gặp anh và hai người đã từng cùng nhau uống bia vui vẻ. Đây quả là một sự kiện bất ngờ thú vị. Với dư âm của các cuộc gặp ấy, tôi viết thư này thăm anh và bày tỏ nguyện vọng “tái bản” cuộc gặp ấy, và di chuyển nó về quê nhà với quy mô rộng hơn, thời gian dài hơn trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài. Đây là một cuộc hội ngộ mà chúng tôi mong mỏi từ lâu, nay mới có thể thực hiện được. Với ý nghĩa cao cả, góp phần vào làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp. Tôi chờ đợi được anh chia xẻ điều đó và chân thành mời anh tham gia sự kiện nói trên.

Anh Nam ơi, tôi muốn nói thêm rằng, chúng ta đều không còn trẻ nữa. Tôi hình dung cuộc gặp gỡ này là rất có ý nghĩa cho những năm tháng còn lại của mỗi chúng ta. Tôi cũng dự đoán rằng, có thể có những khó khăn. Nhưng từ trong sâu thẳm thiên chức nhà văn, chúng ta cùng chọn Dân Tộc làm mẫu số chung để vượt qua tất cả.

2/ Cuộc gặp mặt này dự kiến sẽ diễn ra từ 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 tại Hà Nội và một số địa phương ở phía Bắc. Trường hợp anh Nam, Ban tổ chức sẽ lo chi phí toàn bộ đi về và thời gian tham gia Cuộc gặp mặt. Vì đây là lần đầu, còn nhiều bỡ ngỡ, xin anh vui lòng lấy vé giúp và cho biết thời gian chuyến bay để chúng tôi ra đón anh tại sân bay Nội Bài. Quá trình chuẩn bị có gì cần trao đổi, xin anh cho chúng tôi biết sớm.

3/ Ngay sau khi được hồi âm của anh, tôi sẽ gửi giấy mời chính thức cùng chương trình của Cuộc gặp mặt. Mùa Thu Hà Nội cùng những giá trị bền vững của tâm hồn Việt đang chờ đón cuộc gặp mặt của chúng ta. 

Chúc anh sức khỏe, may mắn, gia đình hạnh phúc và mong sớm nhận tin tốt lành.

Hữu Thỉnh, Hà Nội 1/9/2017
Tôi có cảm tưởng Nam khá xúc động với “mixed feelings” khi nhận được bức thư của Hữu Thỉnh. Nhiều câu hỏi đặt ra cho Nam: trả lời hay không thư Hữu Thỉnh, có nên công khai hóa bức thư, trả lời với tư cách một người lính của Miền Nam hay một Nhà Văn. Tôi chỉ có một gợi ý với Nam: cho dù Nam chưa bao giờ nhận mình là một nhà văn mà chỉ là một người lính-viết văn, nhưng Hữu Thỉnh mời Nam với tính cách một Nhà Văn chứ không phải một người lính của Miền Nam. Thư trả lời của bạn nếu có, thì vẫn với tư cách của một người cầm bút. Và bạn có tất cả lý lẽ để trả lời Hữu Thỉnh với những dòng chữ thật cô đọng – theo một văn phong mà tôi gọi là style télégraphique / đánh điện tín. Và rồi Phan Nhật Nam cũng cho tôi đọc bản thảo bức điện thư gửi Hữu Thỉnh trước khi gửi đi. Tôi chỉ nói với Nam: “Dù bạn muốn hay không, thì những dòng chữ này đã trở thành một phần của lịch sử.”
Thư gửi ông Hữu Thỉnh
Hội Nhà Văn Hà Nội
[Qua địa chỉ điện thư cô Đào Kim Hoa
Phụ tá Ngoại vụ Hội Nhà văn]


Tôi, Phan Nhật Nam, nguyên là một sĩ quan cấp Đại Úy Hiện Dịch Thực Thụ thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực VNCH gởi đến ông Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội để trả lời thư ngày 1 tháng 9, 2017 qua điện thư của cô Đào Kim Hoa.

1/ Từ vị thế một quân nhân thuộc đơn vị tác chiến của Quân lực Miền Nam như trên vừa kể ra, với tính khách quan, độc lập của người không liên hệ đối với sinh hoạt của giới văn hóa, học thuật trong nước, ở Hà Nội trước, sau 1975. Tôi có thư này để trả lời mời gọi của ông Hữu Thỉnh đã trực tiếp gửi tới cá nhân tôi nhằm thực hiện tiến trình gọi là “Hòa Hợp Hòa Giải”. Câu trả lời trước tiên, dứt khoát là: Tôi xin được hoàn toàn từ chối sự mời gọi vì những lẽ…

2/ Là một người sinh trưởng từ thập niên 1940, tiếp sống qua hai cuộc chiến 1945-1954; 1960-1975, thực tế lịch sử, chiến tranh, xã hội Việt Nam trước, sau 1975 đã cho người lính chúng tôi xác chứng: không hề có chủ trương hòa hợp hòa giải từ người / chủ nghĩa / chế độ cộng sản trong lý thuyết cũng như qua sách lược hành động.

3/ Từ thực tiễn của # 2 thêm kinh nghiệm mà bản thân cá nhân là một đối tượng thụ nạn của thành phần gọi là “Ngụy Quân – Ngụy Quyền” thuộc chế độ Quốc Gia Việt Nam (1948-1954); Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) đến hôm nay vẫn tiếp tục bị miệt thị, xuyên tạc và triệt hạ dẫu chiến tranh đã chấm dứt từ 1975.

4/ Trong tình thế chung nhất của # 2, # 3, chắc chắn rằng không thể nào thực hiện được “Hòa Hợp Hòa Giải” như ông Hữu Thỉnh đề nghị! Cũng bởi, giới Nhà Văn chính là đối tượng hàng đầu bị bách hại đối với tất cả chế độ cộng sản Đông-Tây. Lịch sử đẫm máu của 100 năm chế độ cộng sản từ 1917 đến  nay như một vũng tối ghê rợn phủ chụp lên lương tri nhân loại. Hỏi thử cuộc họp mặt tháng 10 tại Hà Nội (cho dẫu thực lòng đi nữa) sẽ gây được tác dụng gì? Nhà Văn? Nhà Văn Việt Nam đích thực là những ai? Nhưng đây không phải là vấn đề của cá nhân tôi – Trước sau chỉ là một Người Lính-Viết Văn. Cũng bởi tôi chưa hề nhận Chứng Chỉ Giải Ngũ của Bộ Quốc Phòng / VNCH cho dù đã không mặc quân phục từ 1975.

5/ Hãy nhìn lại… Thương phế binh VNCH là những lão nhân phế binh, thương trận đã không được sống với dạng Con Người từ 30 Tháng 4, 1975. Hãy để cho Người Lính VNCH còn sống sót và gia đình được trở lại Miền Nam sửa sang phần mộ Chiến Hữu nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nơi giới cầm quyền Hà Nội chủ trương phá bỏ một cách có hệ thống, dẫu người chết gần nửa thế kỷ qua không thể nào đe dọa đối với Chế độ XHCN!

Xin hãy “Hòa Hợp Hòa Giải” với những người đã chết. Với những người đang sống sau thảm họa Formosa, Nghệ An. Hãy hòa hợp hòa giải với “Khúc ruột ở trong nước” trước. Khi ấy không cần mời, chúng tôi “Khúc ruột ngàn dặm” sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn – Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ về. Tất cả cùng về Việt Nam.

Kính thư,
Người Lính – Viết Văn
Công Dân Mỹ gốc Việt
Phan Nhật Nam
Washington DC, 9 tháng 9, 2017

Hình 8: Tranh hí họa của Babui Mamburao 9/2017 nhân sự kiện Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh mời nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa về tham dự cuộc họp mặt ở Hà Nội và một số địa phương miền Bắc từ ngày 20 đến 25 tháng 10 năm 2017. [nguồn: Đàn Chim Việt]

Bức thư của Phan Nhật Nam trả lời ông Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh, đã gây nhiều phản ứng khác nhau kể cả nhiều chỉ trích. Nhưng từ lâu như đã được “miễn nhiễm” và Nam thì rất “lì đòn”.

Một bà cô của Nam tuổi gần 90 từ Canada, có chồng là Đại tá VNCH chết trong trận Lam Sơn 719 Hạ Lào, không rõ thực hư bà cũng nghi hoặc hỏi Nam: “O nghe con đi Hà Nội phải không?” Nam trả lời là không, nhưng bà vẫn nói tiếp: “Nếu quả thật con đi thì làm sao dượng con chết nhắm mắt cho được.”

Nhưng có lẽ, hạnh phúc đầy đủ nhất với Phan Nhật Nam là coup phone nhận được từ một đệ tử cũ, trung sĩ vác máy truyền tin theo Nam khi còn ở Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, có biệt danh là Hiền rỗ hiện còn sống ở Hố Nai Biên Hòa: “Tụi em vô cùng ấm lòng với câu trả lời không của đích thân.” Người lính Nhảy Dù vẫn quen gọi cấp chỉ huy của mình là đích thân. Hiền muốn nói tới bức thư Phan Nhật Nam trả lời Chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh từ chối lời mời về Hà Nội. Những người lính miền Nam cho dù có bị đầy đọa khổ cực từ bao năm nhưng như từ bao giờ, ngọn lửa ấm kiêu hãnh vẫn chưa bao giờ tắt trong lòng họ.

VẪN NHỮNG CON SỐ LUÔN ÁM ẢNH

Phan Nhật Nam có một trí nhớ kỳ lạ về các sự kiện và những con số, và mỗi con số đều có riêng một ý nghĩa trong cuộc đời Nam. Phải chăng đó là hậu chứng của những ngày tháng dài đẵng đếm lịch trong tù của Phan Nhật Nam?

Chỉ riêng tháng 6 thôi, Nam nhớ như in các sự kiện với những con số: 11.06.1963 ngày Thích Quảng Đức tự thiêu; ngày 11.06.1965 kết thúc trận đánh Đồng Xoài; rồi 19.06.1965 ngày Quân Lực.

Sắp tới Ngày Quân Lực 19 tháng 06, Nam viết eMail cho một người bạn bên TQLC:

Bác TV Cấp ơi, Quả thật tôi viết không nổi, đọc không xuống trong những ngày nầy, lại thêm nhớ Ngày Quân Lực, 19/6/2018 sắp tới – Ngày ấy, năm 1965, tôi và bác (mấy ông K.19) mới qua tuổi 20. Tôi chưa hoàn hồn về lần Trần Trí Dũng chết (cùng các Anh Trần Văn Ký, Á Khoa 17;  TTrg Hợp Khóa 14), Đoàn Phương Hải bị thương, Lâm Văn Rớt bị bắt… Tiểu đoàn 7 ND chết bị thương 14 sĩ quan, từ tiểu đoàn trưởng đến trung đội trưởng chỉ mấy tiếng đồng hồ Trận Đồng Xoài (11/6/65)

Tôi chỉ biết ngồi ôm mấy trẻ con lính ra khóc ở văn phòng đại đội (là viên thiếu úy còn sống sót của ĐĐ72). Ra Biên Hòa thấy thêm cảnh vợ con lính của Tiểu Đoàn 52 BĐQ; Tiểu Đoàn 2/7/SĐ5BB (Sư Đoàn 5 của Đại tá Thiệu) trước 1964 cũng đóng ở Biên Hòa.

Tình cảnh đau thương của TĐ7ND; 52 BĐQ; 2/7/SĐ5BB… năm 1965 so với nguy nan tan nát của đất nước ngày nay đâu thấm vào đâu?!

Người Lính VNCH làm gì? Tôi chỉ muốn cầm một trái lựu đạn về Sài Gòn thôi!

Thiếu úy Phan Nhật Nam K.18/TVBQGVN/Tiểu Đoàn 7 ND, KBC 4919

Như một chu kỳ của con số 14, ngay cả tên Nam – mẫu tự N cũng ở thứ tự số 14. Trong bức thư chuẩn bị chia tay với các bạn đồng sự trong đài SBTN, có đoạn Nam viết: “Tôi đi lính 14 năm (1961-1975), tôi đi tù 14 năm (1975-1989) và nay cũng đã 14 năm, tôi rời SBTN. Đời sống chỉ là màn hợp tan không ai có thể lường được. Vậy chúng ta tạm chia tay.”

Như bỗng chốc, trong thời gian gần đây Phan Nhật Nam chợt thấy những ngày tháng bonus còn lại cho dù có kéo dài thêm nữa cũng không còn mang một ý nghĩa nào. Và rồi từng bước, từng bước Phan Nhật Nam thản nhiên chuẩn bị một kết thúc ý nghĩa cho cuộc đời mình.

11.06.1963 ngày Thích Quảng Đức tự thiêu như một ám ảnh với Nam. Nam vẫn nghĩ rằng, chưa bao giờ anh có ý tưởng tự vẫn / suicide mà Nam cho là một trốn chạy. Không có nỗi sợ hãi nào khiến anh phải trốn chạy. Nhưng anh cũng không nhận đó là một tự thiêu / self-immolation… và anh khẳng định đó cũng không phải là một tự vẫn chính trị / political suicide mà là một nghi thức/ ritualistic của sự hóa thân / metamorphose trong ngọn lửa để đánh động cái mà Nam muốn gọi là lương tâm của thời đại. Bước hóa thân đó cần tới hùng tâm và một quyết định đương đầu can đảm. Vẫn theo Nam, với quan điểm của Nhà Phật, đời sống không phải chỉ giới hạn trong sự tồn tại của nhục thân… Phan Nhật Nam đã thảo một tâm thư như một di bút, gửi tới Đức Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả hai thủ lãnh chính trị thế giới là Tổng Thống Mỹ và Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa…

MỘT CHUẨN BỊ BÌNH THẢN VÀ CHU ĐÁO

Bây giờ thì Phan Nhật Nam đang ở Arizona. Nói chuyện qua phone, giữa lúc đang diễn ra trận chung kết World Cup bóng đá 15.07.2018 giữa hai đội Croatia và Pháp. Nam hầu như hoàn toàn không biết và cũng không quan tâm gì tới sự kiện thể thao hành tinh này. Hình như trong nhà chỉ có một mình Nam,  anh đang tĩnh tâm trong một căn phòng im vắng. Các con đều đi làm, ra khỏi nhà.

Hầu như không ai biết, chỉ mới hai tuần trước đây thôi, Phan Nhật Nam đã tới rất gần đường ranh của con dốc tử sinh. Nam đã rất chu đáo và thản nhiên chuẩn bị cho một kết thúc tự nguyện.

Một ngày sau ngày Quân Lực 19.06.2018, sáng nay Nam vẫn lái xe tới đài SBTN. Thường thì anh làm việc ở nhà, gửi bài qua internet và chỉ vào đài khi có một chương trình thu hình hay Talk show với Kim Nhung. Hôm nay không có một chương trình thu hình như vậy, không có hẹn nhưng anh vẫn tới. Đi một vòng, như mọi lần Nam tươi cười chào hỏi mọi người. Và rồi anh tìm gặp được một cậu đàn em cũng tên Nam. Anh nhờ Nam cùng đi tới Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, trên đường All American Way, với lý do “thực hiện một video clip ngắn về sinh hoạt cộng đồng” . Hồn nhiên, cậu đàn em đem theo một video camera gọn nhẹ đi với Phan Nhật Nam.

Tới nơi, thấy ông anh xuống xe, ra mở cốp sau xe lấy ra một lá cờ VNCH, một bình nhựa đỏ 5 gallons bốc mùi xăng. Hiểu ngay điều gì sắp xảy ra, thất sắc, cậu ấy nói lớn tiếng với Phan Nhật Nam  “Anh ơi, đâu có được. Em là người Công giáo, sống chết là do tay Chúa, em đâu có thể để anh làm chuyện này. Anh không ngưng ngay là em la lên, bót Cảnh sát ở phía trước.”

Trước tình huống này, biết dự định đã không thành, Nam không có phản ứng gì và lại bình thản lên xe đưa cậu em trở về đài. Sau đó, như không có chuyện gì xảy ra, Nam tự lái xe trên đường về nhà. Nam nẩy ý muốn tìm nhiếp ảnh viên Trương Tuấn, một cậu em giang hồ khác mà Nam biết chắc là Tuấn sẵn sàng nghe Nam làm bất cứ chuyện gì, nhưng rồi không kiếm đâu ra cái cell phone mà từ sáng anh mang sẵn bên mình với lời dặn cuối cùng cho hai con ở Arizona.

Ngày 30.06.2018, Nam vẫn đi dự đại hội cựu học sinh Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Gặp lại các bạn cũ, Nam đã không có nhiều cảm xúc.

Trở về nơi căn chung cư trên lầu 8, cũng trên Đường Số 1 như một flashback khiến Nam lại nhớ tới Dọc Đường Số 1 ngày nào.

Và rồi hai ngày sau đó, ngày 2 tháng 7,  chuẩn bị lái xe đưa bạn đi thăm thầy cũ ở San Diego, Nam chợt thấy trên bảng đồng hồ xe / dashboard có báo hiệu đèn vàng, không biết chuyện gì, Nam rẽ qua một garage đàn em. Cậu ấy cho biết, đèn báo hiệu có thể là do một bánh xe bị xẹp. Lại thấy có mùi xăng bốc ra, cậu ấy mở cốp sau và la Nam: “Trời nóng cả trăm độ, chú để bình xăng sau xe có thể cháy nổ bất cứ lúc nào, như vậy đâu có được!” Nam lấy cớ sắp đi xa xuống San Diego, sợ thiếu xăng nên đem theo xăng “secours”. Cậu ấy vừa vá lốp xe và vừa giúp Nam đổ cả 5 gallons xăng-super vào bình xăng xe.

Dự định không thành, lần này Nam chỉ đổ tại ý Chúa Thánh Linh chưa cho phép anh được bước ra khỏi ải trần gian này.

Rồi bỗng cơ thể Nam bắt đầu có những biểu hiện bất thường, người anh như bị cứng lại, đau ran bên ngực trái và tim gần như nghẽn lại không đập nổi nữa. Nam tới phòng mạch Bs Nguyễn Ngọc Kỳ, là một đàn anh bên Không quân và cũng là bác sĩ gia đình của Nam trong nhiều năm. Anh Kỳ cho Nam nhập viện khẩn cấp. Hai ngày nằm viện, với mọi thử nghiệm về tim mạch và tổng trạng đều rất tốt. Và Nam được xuất viện. Nam nhớ rất rõ, từ ngày sang Mỹ có lẽ đây là lần thứ tư anh bị một hội chứng tim mạch như vậy. Sau đó, để có một không khí gia đình, Nam bay sang Arizona sống với hai con và cũng để có mấy ngày tĩnh tâm.

Qua phone, Nam kể lại là đêm qua, mấy đứa con thấy đầu bố Nam sáng lên và thấy có cả một bông sen vàng trên trán bố. Phan Nhật Nam có xác tín về một hiện tượng mà anh rất tin là có thật này.

Không muốn đụng tới đức tin của bạn, nhưng tôi vẫn nghĩ theo khía cạnh y khoa: đây là một ảo giác / delusional không phải là hiếm gặp nơi nhóm bệnh nhân Cựu Chiến Binh Việt Nam/ Vietnam Vets trong mấy chục năm qua mà tôi thường gặp.

Trưa 20.07, anh Phạm Phú Minh Diễn Đàn Thế Kỷ sau khi dự cuộc triển lãm tranh của Hs Nguyễn Đình Thuần từ hội trường Việt Báo về, biết tôi quen thân với Phan Nhật Nam, anh PPMinh, viết một eMail cho tôi:

Anh Vinh, 

Phòng tranh của Nguyễn Đình Thuần trưa nay có nhiều văn nhân tài tử, lâu lâu được gặp cũng vui. Tuần trước tôi gửi mail cho Nam chúc mừng quyển Mùa Hè Đỏ Lửa được dịch sang tiếng Pháp, thì nhận được trả lời rất vắn tắt của Nam nói rằng mình đang ở một chỗ rất xa. Nay gặp mới biết chỗ ấy là bệnh viện. Sau đại hội cựu học sinh Phan Chu Trinh Đà Nẵng thì đột nhiên Nam bị cứng cả người, và theo lời Nam, trái tim gần như đập không nổi nữa. Đưa vào bệnh viện cấp cứu, người ta khám hết cả người kể cả Nuclear Stress Test thì không thấy bệnh tật gì hết, mọi thứ rất tốt. Có vẻ là do một dồn nén tâm lý sao đó mà gây khó khăn cho tim. Theo tôi thấy thì Nam hoàn toàn trở lại bình thường, có cho tôi xem bức ảnh chụp trong bệnh viện có một quầng ánh sáng trên trán. 

Phan Nhật Nam có văn tài, và cũng có vài cái tật vui vui. Tôi rất quý tài năng, và có khuynh hướng quên đi phần còn lại. Hôm qua Nam nói nhiều về chị Liễu Trương với tác phẩm Albert Camus. Rất vui, chuyện nào cũng tích cực. Nếu anh có viết về Phan Nhật Nam thì nên công bố, tôi rất mong điều đó. Nam cho biết chưa nhận được bản dịch Mùa Hè Đỏ Lửa, do nhà xuất bản gửi. Như vậy hiện nay ở Mỹ chỉ có anh Vinh là có Un Été Embrasé, chắc do dịch giả gửi. Còn tôi giữa tháng Tám LH từ Pháp mới mang sách về. 

Hằng ngày tôi vẫn thường cảm thấy rất mệt, một tình trạng chưa thấy lối ra. 

PPMinh 20.07.2018

Phạm Phú Minh cũng trải qua 13 năm tù, có giai đoạn bị giam nơi trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa. Năm 1983 sau khi Phạm Phú Minh được đưa vào một trại ở miền Nam, Phan Nhật Nam đã được chuyển tới trại Thanh Cẩm.

Anh Phạm Phú Minh bị một Hội chứng Mệt Mỏi Kinh niên / Chronic Fatigue Syndrome trong nhiều năm, mà không có một chẩn đoán bệnh lý nào rõ rệt. Nếu bảo rằng, đó là triệu chứng của PTSD thì chắc chắn anh ấy phủ nhận và cả không tin.

Hình 9: trái, lá quốc kỳ VNCH lớn 21 feet; phải: chiếc bình nhựa 5 gallons xăng để sau cốp xe trên đường tới Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, trên đường All American Way, ngày 20.06.2018, Westminster.

Hình 10: Phan Nhật Nam nhập viện ngày 02.07.2018, do đau ngực / chest pain, rối loạn tim mạch và cao huyết áp. Trên tấm hình, Nam vẫn nhìn thấy có một bông Sen Vàng đang tỏa sáng trên trán, như một “huệ nhãn” mà riêng anh có được. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hình 11: trái, một đoạn thơ của Phan Nhật Nam trong Đêm Tận Thất Thanh (1997); phải: mấy dòng di bút dặn dò người quản lý chung cư Flower Park Plaza, # 812 là số phòng của Phan Nhật Nam. Cũng chung cư này, trên lầu 10 là nơi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sống những ngày tháng cuối đời. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

VẾT THƯƠNG KHÔNG CHẢY MÁU

PTSD / Post Traumatic Stress Disorder là một hội chứng rối loạn hậu chấn thương – là dạng chấn thương tâm lý, rất thường gặp nơi các cựu chiến binh, và cả thường dân do phải trải qua, chứng kiến cảnh chết chóc tàn phá ngoài chiến trận hay bị tù đầy. Phan Nhật Nam, một sĩ quan tác chiến, rồi là một phóng viên chiến tranh, và hơn thế nữa với 14 năm tù bao gồm cả bị gông cùm biệt giam, Nam tuy là kẻ sống sót / survivor như một phép lạ nhưng cơ thể đã mang đầy thương tích – với những vết thương không chảy máu [Wounds Don’t Bleed].

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, PTSD chưa hề là một chẩn đoán y khoa được chấp nhận một cách phổ quát. Cho tới khi đám cựu chiến binh Mỹ tham dự các cuộc viễn chinh từ Iraq, Afghanistan trở về thì ngoài số thương vong do vũ khí súng đạn, còn có hiện tượng con số tự tử gia tăng rất bất thường tới mức báo động, đưa tới nhiều cuộc nghiên cứu và kết quả PTSD được chính thức công nhận là một thực thể “chẩn đoán bệnh lý / medical diagnosis” trong gần 4 thập niên qua [từ 1980]. Đó là một hội chứng phức tạp và biến thiên qua từng cá nhân, có thể kể: sự tái trải nghiệm / re-experiencing: những cơn ác mộng, những hồi tưởng / flashbacks, những ám ảnh về chấn thương / unwanted thoughts of the traumatic events. Tất cả dẫn tới sự quá mẫn cảm / hypervigilance, dễ giận dữ / anger, dẫn tới sự né tránh / avoidance, tự cô lập / isolation, và cả hoang tưởng / paranoia.

Nhiều năm làm việc trong một bệnh viện cựu chiến binh, có thể nói đây là một trải nghiệm không phải không thường gặp. Không ít cựu chiến binh với nhiều kiêu hãnh – trong đó có Phan Nhật Nam, cho dù có tất cả triệu chứng điển hình của PTSD nhưng vẫn chối từ / denial, không muốn chấp nhận hay nhắc tới thực trạng ấy vì cho đó có thể là biểu hiện của sự yếu đuối / weakness, trong khi đó thực sự là những vết thương chiến trận / combat wounds cho dù không chảy máu, cùng với những vết thương của tra tấn và tù đày đang âm thầm tàn phá con người Phan Nhật Nam một cách toàn diện.

Bề ngoài là một tâm lý ổn định nhưng đó chỉ là kết quả của những dồn nén cảm xúc vào vùng vô thức, để rồi chỉ còn là những biểu hiện trên thân xác mà từ y khoa gọi là somatization như: các triệu chứng rối loạn tim mạch, thần kinh hay về tiêu hóa… mà không giải thích được bằng những phương pháp chẩn đoán bệnh lý thông thường, và những biểu hiện đó rõ nét hơn khi tình trạng căng thẳng / stress gia tăng.

Hình 12: trái, Phan Nhật Nam đứng nhìn xuống từ lầu 8; phải, Phan Nhật Nam và những chứng vật: một lá cờ vàng 21 ft, một bình đựng xăng 5 gallons và hai hộp quẹt gas. Nam lúc này như một robot, buông xả, không cảm xúc, anh để mặc tôi trong căn phòng chung cư của anh và rất vô thức, anh cứ tuần tự làm theo những điều tôi yêu cầu. Trong phòng Nam, ngoài trang thờ cúng gia tiên với di ảnh của Mẹ – bà chết rất trẻ ở tuổi 39 – còn có bàn thờ Phật và cả một bàn thờ Chúa, cùng với hình của Cha Trương Bửu Diệp. [photo by Ngô Thế Vinh]

RŨ BỎ KÝ ỨC: KÝ ỨC NGƯỜI

Phan Nhật Nam không thể khác được chừng nào anh chưa thoát ra khỏi vũng lầy của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, mà anh là “kẻ sống sót”.

Bất cứ ở đâu và bao giờ, với quan điểm y khoa, Phan Nhật Nam luôn luôn  là một bệnh nhân với rủi ro cao / high risk patient, sau một lần tự thiêu bất thành / unsuccessful suicide attempt, mà Nam phủ nhận chỉ muốn gọi đó là một chọn lựa hóa thân, không biết bao giờ nhưng rồi sẽ có một lần thứ hai, thứ ba… và tới một lúc nào đó, không hề là bất ngờ Nam sẽ thành công chọn được một bước ra đi cho mình, để ra khỏi Ải Trần Gian này.

Phan Nhật Nam là một khuôn mặt của cộng đồng. Với tôi anh là một người bạn, nhưng với nhãn quan của y khoa anh cũng là một người bệnh đầy rủi ro.  Tôi tôn trọng quyền riêng tư của anh nhưng vẫn muốn công khai hóa sự kiện mới đây; về phương diện tâm lý học có thể đây cũng là một bước điều trị khử nhạy / desensitization đối với những tình thế thử thách có thể đưa tới những phản ứng xúc động quá đáng hay không hợp lý, và dần dà người bệnh giải tỏa được một số những phản ứng tiêu cực và thay thế bằng sự thư giãn.

Đó như một bước phòng ngừa thứ cấp / secondary prevention thay vì đến một lúc nào đó, có thể là quá trễ để phải chứng kiến một sự đã rồi / fait accompli và chỉ còn là sự hối tiếc để viết một lời ai điếu / requiem.

Chính sự quá thản nhiên của Nam khiến tôi càng quan tâm. Tôi cũng rất cân nhắc và cả trách nhiệm với Phan Nhật Nam, khi viết về sự kiện này; cùng với một lời tạ lỗi nếu những điều viết ra khiến bạn tôi chỉ thêm nặng lòng.  

NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1963 – California 2018


Tham Khảo

1/ Súng Đạn Nào Giải Quyết Được Khổ Đau. Lưu Diệu Vân phỏng vấn nhà văn Phan Nhật Nam. Thời Báo 30.04.2018
2/ Gặp Phan Nhật Nam trên Quốc Lộ 1. Trần Vũ, Tạp Chí Hợp Lưu 10.08.2013
3/ Bút Ký Irina, Tập I. Phan Nhật Nam, tr. 86-90, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ 1992
4/ Như Phong, Gió Vẫn Thổi. Phan Nhật Nam. Tưởng Niệm Nhà Báo Như Phong. Nxb Viet Ecology Press & Người Việt Books 2016
5/ Dọc Đường Số 1. Phan Nhật Nam, Nxb Đại Ngã, Sài Gòn 1970
6/ Văn Học Miền Nam, Ký. Võ Phiến, Nxb Văn Nghệ 1999