Tuesday, June 12, 2018

628. NGÔ THẾ VINH: ĐI TÌM BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON. MỘT TÁC PHẨM BỊ LÃNG QUÊN CỦA MAI CHỬNG Ở HẢI NGOẠI



Hình 1: Chân dung Mai Chửng, bên một tác phẩm điêu khắc.
[tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]

Để tưởng nhớ Mai Chửng, điêu khắc gia
tượng đài Bông Lúa 1970 và tượng Mầm 1974 

TỪ CỬA TRẦN ĐỀ TỚI TƯỢNG ĐÀI BÔNG LÚA

Từ con Kênh Vĩnh Tế biên giới Việt Miên tới Cửa Trần Đề, có thể nói chúng tôi đã đi gần suốt chiều dài con Sông Hậu.

"Chúng tôi đang đứng ở mút cuối con Sông Hậu, nhìn từng đợt sóng vỗ vẫn còn màu nâu nhạt của phù sa nơi cửa Trần Đề, khúc sông trải rộng để chan hoà vào biển cả; bao nhiêu cảm xúc tràn về, như một flashback, chợt nhớ lại hơn một lần qua Long Xuyên, nơi có tượng đài Bông Lúa của Mai Chửng, một cố tri và cũng là một tên tuổi lớn trong lãnh vực điêu khắc của Miền Nam". Tượng đài Bông Lúa biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp, là tác phẩm đồ sộ bằng đồng lá đã được dựng tại thị xã Long Xuyên (1970), một tỉnh lỵ Miền Tây. Một bó lúa vươn lên ngất trời được Đinh Cường thêm vào mấy chữ mô tả thực đẹp: “Phơi phới của mùa lúa con gái...” Sau 1975, cùng với chiến dịch đốt sách, tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một "điềm lành" cho tương lai nền Văn Minh Lúa Gạo và cả hậu vận của toàn vùng Sông Nước Cửu Long." (1,3) 
Hình 2: trái, Tượng đài Bông Lúa Con Gái 1970 bằng đồng lá, một tác phẩm nghệ thuật lớn của điêu khắc gia Mai Chửng; [tài liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ 1966-1975]; phải, Mai Chửng đang dựng tượng đài Bông Lúa ở Long Xuyên. [tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]

Hình 3: trái, Mai Chửng đứng bên công trình tượng đài Bông Lúa cao 18 m đang xây cất tại Long Xuyên ĐBSCL; phải, toàn cảnh pho tượng Bông Lúa tại Công viên Trưng Vương, thị xã Long Xuyên 1970. Chỉ 5 năm sau, sau 30 tháng 4, 1975 tượng đài Bông Lúa ấy đã bị cộng sản phá sập, quả không phải là một "điềm lành". [nguồn: sưu tập Dương Văn Chung, Thatsonchaudoc.com]

TỚI BỨC TƯỢNG MẦM 1973

Sau tượng đài Bông Lúa Con Gái (1970), không thể không nhắc tới một tác phẩm để đời khác của Mai Chửng, bức tượng Mầm (1973) cao 1.50 m, làm bằng cả ngàn vỏ đạn súng trường được hàn lại, biểu tượng cho sự sống vẫn vươn lên giữa tàn phá của chiến tranh và được Mai Chửng cho triển lãm năm 1974 tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental trên đường Tự Do Sài Gòn. Nhưng rồi như số phận của tượng đài Bông Lúa, sau 1975, bức tượng Mầm ấy đã bị vứt vào nhà chứa củi, hay một xó xỉnh nào đó, và số phận ra sao thì không ai được biết. (3)

Hình 4: Tượng Mầm cao 1.50 m, chất liệu bằng đồng làm bằng cả ngàn vỏ đạn hàn lại, được Mai Chửng cho triển   lãm năm 1974 tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental nổi tiếng trên đường Tự Do Sài Gòn. Sau 1975, bức tượng Mầm ấy đã bị vứt vào nhà chứa củi, hay một xó xỉnh chứa đồ phế thải nào đó, và nay số phận bức tượng ấy ra sao thì không ai được biết. [tư liệu gia đình Mai Chửng]

Sẽ bất công nếu cứ đòi hỏi tác phẩm lớn của nghệ sĩ, nhất là trong lãnh vực điêu khắc. Khó mà có một tác phẩm điêu khắc lớn như tượng đài Bông Lúa nếu không có sự bảo trợ của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín lúc đó.

NHỮNG NGƯỜI BẠN THẦM LẶNG CỦA MAI CHỬNG

Sau khi cho phổ biến bài viết số 5 "Đồng Bằng Sông Cửu Long và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại 1975-2018" vào cuối tháng 4, 2018, và cũng là bài đúc kết về chuyến khảo sát môi sinh ĐBSCL (1), và do nơi đầu bài có ghi dòng chữ: "Để tưởng nhớ Mai Chửng, điêu khắc gia tượng đài Bông Lúa 1970" tôi nhận được một số hồi âm từ những người bạn thầm lặng của Mai Chửng.

Trước hết là từ anh Huỳnh Hữu Uỷ, một cây bút phê bình hội hoạ uy tín từ trước 1975 và sau này ở hải ngoại; anh Uỷ viết: "Anh Ngô Thế Vinh, trong bài viết số 5, anh đưa việc chính quyền cộng sản kém cỏi giật sập tượng đài Bông Lúa để hình tượng hoá và kết thúc vấn đề trong bài viết về ĐBSCL, thực là khéo và chính xác. Kết thúc một vấn đề khoa học, sinh thái, môi trường, và xã hội mà rất nghệ thuật. Và với người bạn quen biết cũ của chúng ta, Mai Chửng hẳn là cũng đang mỉm cười cám ơn anh ở một chốn xa xôi nào đó..."

Tiếp đến là nhà báo Đỗ Tiến Đức, anh Đức là nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Má Hồng, giải Văn học Nghệ thuật 1969, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh và Cao Đẳng Quốc Phòng, giữ các chức vụ Giám đốc Thông tin, Giám đốc Nha Điện ảnh thời VNCH, sáng lập Khoa Điện ảnh Đại học Minh Đức, anh cũng là đạo diễn một số tác phẩm phim ảnh. Định cư ở Mỹ từ 1979, anh Đức rất năng động trong các sinh hoạt cộng đồng, là chủ bút báo Thời Luận, bền bỉ tới nay cũng đã 33 năm. Anh Đức viết:  

"Anh Vinh thân, trong bài số 5, anh có nhắc tới Mai Chửng làm tôi bồi hồi nhớ. Tôi giao tình với Mai Chửng từ Việt Nam. Lúc Mai Chửng sang Cali, chúng tôi gặp nhau thường. Khi anh Nguyễn Huy Hân tổ chức Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ, tại Michigan, tôi rủ Mai Chửng tham gia. Nhân danh ban tổ chức, tôi xin anh Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ bảo trợ cho Mai Chửng làm bức tượng Mẹ Con. Anh Kỳ đồng ý, đưa Mai Chửng qua tôi gần hai chục ngàn đô theo nhu cầu của Mai Chửng. Mai Chửng thực hiện tượng ở San Jose. Bức tượng này còn trong garage nhà anh Nguyễn Huy Hân ở Michigan sau cuộc triển lãm trong thời gian đại hội. Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất của Mai Chửng ở hải ngoại. Tôi kể chuyện này với anh để chúng ta cùng nhớ Mai Chửng."

Qua tin tức từ anh Đỗ Tiến Đức, tôi liên lạc ngay với anh BS Nguyễn Ngọc Kỳ là đàn anh trong gia đình y khoa Sài Gòn, nguyên y sĩ trung tá không quân VNCH, anh Kỳ di tản sang Mỹ từ 1975, anh có một đời sống xã hội trải rộng nhưng lại cực kỳ khiêm cung. Mặc dù anh Kỳ có phòng mạch rất sớm ở Quận Cam, anh là một bác sĩ hy sinh bền bỉ nhất đi theo các con tàu vớt người vượt biển / boat people trong nhiều năm. Anh cũng là mạnh thường quân bảo trợ cho nhiều dự án của các sinh hoạt cộng đồng hải ngoại, anh không bao giờ nói ra và rất ít người biết đến. BS Nguyễn Ngọc Kỳ xác nhận nguồn tin của anh Đỗ Tiến Đức, anh Kỳ còn nhớ khi công trình bức tượng Mẹ và Con sắp hoàn tất anh có lên San Jose thăm Mai Chửng, trước khi bức tượng được chính Mai Chửng lái xe truck đưa sang Michigan tham dự Đại Hội. Anh Kỳ đã không muốn nhắc gì thêm về phần anh bảo trợ cho Mai Chửng thực hiện bức tượng ấy. 

Cũng theo những điều còn nhớ được của anh Đỗ Tiến Đức, thì thời gian ở Michigan chính Mai Chửng đã chọn chỗ trưng bày tượng, thực hiện hệ thống ánh sáng với một dàn đèn khiến khi nhìn tổng thể từ xa, bức tượng trông giống như một bản đồ Việt Nam sáng rỡ nhưng đến gần là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. Cũng chính Mai Chửng đã hướng dẫn anh Đức chọn góc độ đứng chụp những tấm hình mà đến nay thì chưa tìm ra được.  
...
Và như vậy, đầu mối để tìm ra bức tượng là anh Nguyễn Huy Hân hiện ở Michigan. Tôi chưa bao giờ được gặp và quen anh Hân, nhưng lại được nghe nhiều tiếng tốt về anh. Anh Hân tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh Khoá 4 trước anh Đỗ Tiến Đức. Anh Hân nổi tiếng là thanh liêm khi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Thuế Vụ thời VNCH, sống thanh bạch và vẫn đi xe đạp. Cũng được biết thêm, anh Hân là người em kết nghĩa với GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, khi ấy anh Vinh cũng ở Michigan.

Qua giới thiệu của anh Từ Mai Trần Huy Bích, khi tôi tiếp xúc với những người quen anh Hân thì được biết, hoặc từ lâu đã bị mất liên lạc, hoặc rất khó tiếp cận với anh Hân do cuộc sống "quy ẩn" của anh Hân sau này.

Rồi chợt nhớ ra, tôi còn có một người bạn là BS Đặng Vũ Vương hiện cũng ở Michigan. Anh Đặng Vũ Vương là bạn làm báo sinh viên Tình Thương với tôi trong thời gian học Y khoa 1963 - 1967, anh là một trong những cây bút viết mục Quan Điểm rất sắc sảo trên tờ báo Tình Thương thuở nào. Anh Vương định cư ở Michigan từ 1980, rất năng động và từng là chủ tịch cộng đồng người Việt nơi anh định cư. Tôi phone ngay cho anh Đặng Vũ Vương và được biết anh rất quen anh Nguyễn Huy Hân và cả người anh của anh Hân là anh Nguyễn Nhật Thăng, cũng ở Michigan. Qua giới thiệu của anh Đặng Vũ Vương với anh Thăng, như một duyên khởi, tôi rất vui được biết bức tượng Mẹ và Con hiện được giữ tại nhà anh Nguyễn Nhật Thăng, thành phố Auburn Hills Michigan. 

CÓ MỘT BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON NƠI XỨ TUYẾT

Trong cùng ngày, tôi phone nói chuyện với anh Nguyễn Nhật Thăng. Anh Thăng sinh năm 1930, năm nay đã 88 tuổi nhưng giọng nói khoẻ mạnh và rất minh mẫn. Anh Thăng rất cởi mở, anh nói chuyện với tôi như với một người bạn quen lâu năm. Khi biết tôi rất quan tâm và trân quý bức tượng của Mai Chửng, trong một phút ngẫu hứng anh Thăng nói, "kể từ hôm nay bức tượng ấy là của anh Vinh." [sic]

Tôi nói với anh Thăng, bức tượng ấy sẽ không thuộc về cá nhân nào mà là sở hữu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, do tính cách lịch sử hình thành của bức tượng. Do bức tượng lớn bằng thạch cao, tôi xin anh Thăng giữ gìn sao cho không bị tổn thương tới khi tìm được một nơi chốn xứng đáng để trưng bày bức tượng như nơi một công viên văn hoá hay trong một viện bảo tàng nơi thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Anh Thăng xúc động và rất tán đồng ý kiến đó. Cũng trong đêm, Nguyễn Văn con trai anh Thăng, một chuyên viên IT đã chụp và gửi cho tôi 12 tấm hình tuyệt đẹp bức tượng Mẹ và Con với nhiều góc độ mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết số 6 này. 

Nguyễn Trung khi viết về Mai Chửng có nói tới: "một khoảng trống không nhỏ từ thập niên 80 đến đầu thập niên 90, khoảng thời gian đầu của cuộc sống bên Mỹ." (1)

Đây chính là điều mà người viết muốn bổ sung. Như đã nói ở trên, trong thời gian đó, khoảng giữa 1981-1985, Mai Chửng đã thực hiện được bức tượng Mẹ và Con với kích thước lớn để tham gia Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ. Bức tượng đó rất ít người biết đến, hầu như bị lãng quên và hiện đang được giữ nơi tư gia anh Nguyễn Nhật Thăng, thành phố Auburn Hills, Michigan như đã nói ở trên.

VÀI HÌNH ẢNH BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON CỦA MAI CHỬNG
  
Hình 5: Tượng Mẹ và Con, là tác phẩm điêu khắc có kích thước lớn đầu tiên của Mai Chửng thực hiện ở hải ngoại (San Jose, 1982). Bức tượng được triển lãm trong Đại Hội Người Việt Bắc Mỹ tại Michigan, sau đó được lưu giữ tại nhà anh Nguyễn Huy Hân, thành phố Pontiac Michigan, anh Hân là thành viên chính tổ chức Đại Hội. Bức tượng được chuyển qua nhà anh Nguyễn Nhật Thăng, anh của anh Hân, thành phố Auburn Hills, Michigan. [photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]
  
Hình 6: Hình chụp từng phần bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng;
từ trái hình con dưới chân mẹ 24"x25"x18";
hình mẹ 49"x30"x18"; hình con nơi đầu mẹ 30"x30"x20".
[photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]

Hình 7: Hình chụp từng phần bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng: hình mẹ.
[photo by Nguyễn Văn 20.05.2018, tư liệu Ngô Thế Vinh]

THÊM MỘT BỨC TƯỢNG MẸ VÀ CON Ở HẢI NGOẠI

Trong bộ sưu tập của gia đình Mai Chửng, còn thấy thêm một bức tượng Mẹ Con khác, không lớn lắm chiều cao khoảng 8-10" hoàn tất năm 1990 tại Hawaii. Nay không biết bức tượng lưu lạc nơi đâu.

 
Hình 8: Một bức tượng Mẹ Con khác, 
chất liệu thạch cao của Mai Chửng thực hiện ở Hawaii 1990;
nguồn kiếm sống với toàn thời gian của Mai Chửng 
ở Hawaii tới 1997 là nghề lái taxi.
[tư liệu gia đình Mai Chửng]

TIỂU SỬ MAI CHỬNG 1940 - 2001

Mai Chửng họ Nguyễn, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1940 tại Bình Định, cùng quê với hoạ sĩ Lâm Triết, nhà văn Võ Phiến; là điêu khắc gia có nhiều tác phẩm theo trường phái hiện đại. Hầu hết tác phẩm của ông đã bị cộng sản phá hủy sau biến cố 1975.

Mai Chửng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Huế với điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ từ Paris về. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1961, sau đó tiếp tục học tại Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, tốt nghiệp năm 1963. Từ 1968, Mai Chửng bắt đầu dạy ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật và năm 1974 tại Đại học Kiến trúc Sài Gòn.
Trước 1975, Mai Chửng có thời gian nhập ngũ khoá Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, làm việc tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị với cấp bậc cuối cùng là Đại uý. Sau đó, ông là sĩ quan biệt phái khi về dạy Đại học Kiến trúc. Năm 1975 ông bị bắt học tập cải tạo gần 3 năm, được thả cuối năm 1978.

CÓ MỘT NỀN VĂN HOÁ TINH KHÔI BỊ KỲ THỊ

Sau 1975, Hội Mỹ Thuật Thành Phố có tổ chức tuyển lựa mẫu Tượng Đài Chiến Thắng để dựng tại Công Trường Quốc Tế trước Bộ Tổng Tham Mưu đường vào phi trường Tân Sơn Nhất, mẫu tượng đài của Mai Chửng được giải nhất, nhưng sau đó đã không được thực hiện.

Hãy để Huỳnh Hữu Uỷ qua eMail trao đổi với người viết, nói về mẫu tượng đài đoạt giải nhất này: "Mẫu tượng đài tôi xem vào khoảng cuối năm 1978-1980, tức là lúc tôi trở về từ trại cải tạo cho đến lúc vượt biên và bị bắt đi tù lần thứ hai. Tôi còn nhớ chính Mai Chửng quay bàn xoay để tôi nhìn mẫu hình pho tượng. Pho tượng rất đơn giản mà cực kỳ quyến rũ. Ở đây mới thấy ra được một điều: cái đơn giản của một tài năng lớn không đơn giản chút nào. Và một ý tưởng đơn giản như thế, với những hình ảnh quen thuộc, nhất là với các nghệ sĩ miền Bắc, mà tại sao không ai nghĩ đến, và rồi chỉ có Mai Chửng có thể đúc kết thành một vấn đề thời đại. Có lẽ hoàn cảnh lịch sử dữ dội đã tác động thành một sức mạnh nơi Mai Chửng chăng? Hay chính đó cũng là trường hợp của tượng đài "Bông Lúa" trước đây. Ở đây cũng phải nhắc tới Diệp Minh Châu, một con người rất đặc biệt, dám chấm giải nhất cho một tên Nguỵ vừa đi tù về, hành động đó thật đáng khâm phục."

[* Diệp Minh Châu 1919 - 2003 người Bến Tre, là hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thế hệ 1940, là một tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật tạo hình VN, đi theo kháng chiến rất sớm và sau 1975 trở về Sài Gòn, là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố].  

Cũng vẫn Huỳnh Hữu Uỷ viết tiếp trong Vài Điều Về Điêu Khắc Gia Mai Chửng: "Dù mới chỉ là một mô hình phác thảo, cũng đã cho thấy một không khí rất vĩ đại và tráng lệ: pho tượng Mẹ Chiến Thắng thực hiện để tham dự một cuộc thi về tượng đài thành phố khoảng năm 79-80. Một người phụ nữ với chiếc khăn quàng cổ tung bay, mái tóc tung bay, khẩu súng trường nắm trong tay phải được giương cao, người phụ nữ ấy đứng thẳng trên mình con chim vươn mình sải cánh trải dài. Hình tượng con chim, rõ ràng là Mai Chửng đã dựa vào nét cách điệu trừu tượng con chim Lạc trên các trống đồng cổ của nền văn minh Đông Sơn, điển hình nhất là những con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ trên trống đồng Ngọc Lũ. Dựa vào hình ảnh con chim Lạc ấy, nhưng Mai Chửng đã biến đổi đi, nên con chim sải cánh rất thực, chứ không phải chỉ là một đường lượn gợi ý, và người phụ nữ đứng trên mình con chim thì chỉ là một thành phần nhỏ của pho tượng, với tỉ lệ có lẽ chỉ khoảng chừng 1/10 của pho tượng. Mới chỉ là một đồ án phác thảo, đặt trên một mặt bàn với đường kính chừng hai thước, đã làm cho người xem ngây ngất vì một hấp lực thơ mộng, hoành tráng, và rất hiện đại. Do ý kiến quyết định của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, pho tượng được chấm giải nhất nhưng rồi cuối cùng, công trình này đã không được tiến hành chỉ bởi vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ."

Vẫn với những dòng chữ đanh thép, trong sự tiếc nuối, Huỳnh Hữu Uỷ tiếp: "Định kiến chính trị và sự thù hằn giới tuyến đã làm đất nước mất đi một công trình nghệ thuật lớn. Nếu tượng đài này được dựng lên thì Việt Nam đã có một tượng đài chiến thắng có thể đủ lời lẽ để nói chuyện với thế giới, có thể đặt ngang với những tượng đài chiến thắng khắp nơi trên hành tinh, hòa nhập vào đời sống hiện đại mà vẫn là độc sáng của một nền văn hóa riêng biệt, với một ngôn ngữ và tâm hồn riêng bắt nguồn từ một quá khứ xa thẳm." [hết trích dẫn] (3)

Theo hoạ sĩ Trịnh Cung, có thêm một cuộc tuyển chọn lần thứ hai được tổ chức sau đó, với sự tham gia của nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng từ miền Bắc và một lần nữa mẫu tượng đài của Mai Chửng lại được bầu chọn hạng nhất, nhưng số phận của nó chẳng khác lần đầu chỉ vì Mai Chửng là một người lính của chế độ cũ. (5)

Trước bước đường cùng của sáng tạo, Mai Chửng đã cùng với gia đỉnh vượt biên đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1981 giữa lúc những người "Bên Thắng Cuộc" như đang lên đồng ồn ào làm lễ ăn mừng ngày họ đã bức tử Miền Nam. Theo lời kể lại của Nguyễn Mai Bội Nghi, con gái Mai Chửng thì:

"Ba cháu và cả nhà đã vượt biên đúng vào ngày đó. Ba cháu lái xe gắn máy cùng mấy người leaders ra bãi trước để chuẩn bị tàu bè. Mẹ và tụi cháu được xe hàng đưa xuống sau nhưng bị công an chận lại và giam giữ 3 ngày. Lúc đó cháu được 10 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in. Ba cháu không thể quay lại kiếm Mẹ và tụi cháu vì quá nguy hiểm nên đã phải lên tàu ra đi."

Rất may mắn, Mai Chửng đến được bến bờ của tự do, tới đảo Poulo Bidon và chỉ ba tháng sau anh đặt chân tới Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1981. (4)

Ban đầu Mai Chửng đến San Jose, lao động nhiều nghề để kiếm sống và rồi anh khá thành công với chiếc xe bán "fast food". Chín năm sau 1990, Mai Chửng bảo lãnh được gia đình vợ và 4 con sang định cư ở Dallas, Texas. Với gánh nặng gia đình ấy, Mai Chửng đã phải sang Hawaii sống bằng nghề lái taxi cùng với những tên tuổi khác như Nguyễn Đạt Thịnh, nguyên Chủ nhiệm báo Diều Hâu, nhà báo Phạm Hậu và người bạn trẻ Đinh Quang Anh Thái. Cho đến khi gia đình ổn định, các con anh đã ra trường, đến năm 1997 Mai Chửng mới trở về Dallas; đây là khoảng thời gian khá ngắn ngủi anh thực sự được sống với gia đình.


MAI CHỬNG MỘT CUỘC ĐỜI BƯƠN CHẢI

Trong một dịp từ Hawaii về thăm Little Saigon, trả lời Hoàng Khởi Phong, trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, Mai Chửng tâm sự: "Tôi là nhà điêu khắc, tôi nặn tượng. Suốt hơn mười năm nay [ở hải ngoại, ghi chú của người viết] thỉnh thoảng nhớ nghề tôi làm một pho tượng, không nhằm mục đích bán, không bao giờ quảng cáo nên cũng không hề có đơn đặt hàng. Tôi nặn tượng chỉ vì những thôi thúc của tiêng tôi, như vậy thì dứt khoát đó là do hứng, nhưng mà cơm áo cũng kinh hoàng lắm cho nên hứng cho dù có cũng không phải dễ dàng gì hoàn thành một tác phẩm." (2)

Mai Chửng là một điển hình cho những nghệ sĩ tài năng của Hội Hoạ Sĩ Trẻ, họ không thể kiếm sống bằng tác phẩm. Đối với giới nghệ sĩ, có hai trường hợp: nếu tốt số có thân cư thê, họ có thể rong chơi sống với nghệ thuật, chuyện cơm áo đã có những bà Tú Xương lo. Nhưng Mai Chửng thì chọn cho mình một cuộc đời bươn chải, trước 1975 điêu khắc chưa bao giờ thực sự nuôi sống anh. Ra hải ngoại từ 1981, Mai Chửng đã qua nhiều nghề để kiếm sống, bằng xe fast food ở San Jose, rồi sau đó bằng nghề lái taxi trong nhiều năm ở Hawaii, không những đủ nuôi sống bản thân mà anh còn cưu mang được toàn gia đình cho tới khi các con anh thành đạt. Nhưng bằng cái giá hy sinh quá cao đối với một tài năng như Mai Chửng. Tới thời điểm vượt qua được nợ cơm áo, thì Mai Chửng không còn trẻ nữa và sức khoẻ cũng đã suy yếu, giấc mộng lớn điêu khắc của Mai Chửng vẫn có đó nhưng khó thành.

Mai Chửng đặt chân tới Mỹ khi anh mới 41 tuổi. Với 20 năm sống ở hải ngoại, phải nói rằng tài năng Mai Chửng đã bị rất nhiều hạn chế do không có thời gian, không có phương tiện, cho dù anh vẫn có những thôi thúc của cảm hứng sáng tạo, nhưng rồi cuối đời Mai Chửng cũng hoàn thành được một số tượng đẹp cho dù với kích thước khiêm tốn.     

NĂM 2000, NĂM THĂNG HOA CỦA MAI CHỬNG

Chỉ riêng năm 2000, một năm trước ngày anh mất, Mai Chửng đã thực hiện được một loạt tác phẩm điêu khắc bằng đất nung với một chiếc lò nung cũ mua được qua mục rao vặt; vẫn với đường nét giản dị, nhưng mạnh mẽ rất Mai Chửng với nhiều chất trí tuệ, và đẹp. Có thể kể 6 tác phẩm cuối đời của Mai Chửng gửi tới cuộc Triển lãm 2001 với Chủ đề Hồi Cố (từ 22.07 tới 07.08.2001) tại Sài Gòn:
  
Hình 9a: từ trái, (1) Người Nhạc Sĩ, 2000, Bronze 39'';
(2) Cô Gái Mèo, 2000, Bronze 13''; (3) 'Thánh Đường, 2000, Bronze 13''

Hình 9b: từ trái, (4) Chị Em, 2000, Bronze 17''; 
(5) Người Ngồi, 2000, Bronze 13''; (6)
Người Mẫu, 2000, Bronze 25''

MAI CHỬNG MỘT HOẠ SĨ

Tuy được biết tới như một điêu khắc gia, Mai Chửng còn là một hoạ sĩ tài năng. Khi nói về bản thân, Mai Chửng khẳng định: "Hoạ chỉ là nghề tay trái của tôi. Tôi vẽ tranh rất ít, và hay vẽ phụ bản cho các cuốn sách của bằng hữu. Nghề tay phải của tôi là nghề điêu khắc." (1)

Tuy vẽ rất ít, tranh sơn dầu của Mai Chửng rất nghệ thuật, trước đây Mai Chửng thích màu xám, nhưng cuối đời vào khoảng năm 2000, Mai Chửng có vẽ thêm khoảng 6-7 bức tranh sơn dầu như Thiếu nữ và Hoa Quỳnh, Ba Chị Em, Người Đàn Bà ... với màu sắc tươi tắn, chất liệu mượt mà sang trọng, và rất đẹp. Qua những bức tranh hiếm hoi mà chúng ta còn thấy được, có thể nói trong hội hoạ, Mai Chửng là một hoạ sĩ rất tài hoa, một cây cọ bậc thầy.  

Hình 10a: Thiếu nữ và Hoa Quỳnh, sơn dầu trên bố 40'' x 52'', 2000
[tư liệu gia đình Mai Chửng]

Hình 10b: trái, Ba Chị Em, sơn dầu trên bố 40'' x 52'', 2000;
phải, Người Đàn Bà, sơn dầu trên bố 40'' x 52'', 2000
[tư liệu gia đình Mai Chửng]

Tuy sức khoẻ của Mai Chửng sút kém sau phẫu thuật cắt bướu ung thư bao tử, nhưng anh vẫn không ngừng làm việc và rất hào hứng hoàn tất một số tác phẩm để tham gia cuộc triển lãm lớn vào tháng 7 năm 2001 cùng với các họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam trong và ngoài nước, tổ chức tại Gallery Vĩnh Lợi Sài Gòn. Cuộc triển lãm chủ yếu có sự tham gia của các thành viên Hội Hoạ Sĩ Trẻ như: Dương Văn Hùng, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Cù Nguyễn, Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em, Nguyễn Phước, Trịnh Cung...

Hoạ sĩ Nguyễn Phước, khuôn mặt nổi bật khác của Hội Hoạ Sĩ Trẻ, là bạn thân thiết của Mai Chửng, đã bay từ Minnesota sang Dallas, giúp Mai Chửng đóng gói vô thùng một số tượng đất nung mới nhất từ Hoa Kỳ về Việt Nam cho đúc đồng. Nguyễn Phước đã ghi lại cảm tưởng khi gặp lại cố tri Mai Chửng ở Dallas: "Khi mới biết anh bắt đầu làm việc, chỉ sau vài tháng gặp lại, tôi đã thấy vô số tượng bày chung quanh xưởng. Tượng của anh rất hoàn chỉnh và có chiều sâu. Một sức sáng tác mãnh liệt." (3)

Đưa tới tham dự cuộc Triển lãm, Mai Chửng có 6 bức tượng đồng vừa được đúc xong ở Phường Đúc Huế. Nhưng đến ngày khai mạc, Mai Chửng bất ngờ ngã bệnh. Anh đã chẳng thể đến xem các tác phẩm điêu khắc của mình cùng với các tranh tượng của bằng hữu.

Từ Sài Gòn, em gái Mai Chửng báo tin cho gia đình bên Mỹ: anh Mai Chửng bị hôn mê nói sảng. Mai Chửng được biết bị viêm gan B mạn tính, cũng rất thường gặp ở cộng đồng người Á châu, nay đưa tới suy gan cấp tính, khiến mọi độc tố thay vì được ngăn chặn hiệu quả từ gan nay lên não, gây nên một hội chứng não-gan mà thuật ngữ chuyên môn y khoa gọi là hepatic encephalopathy khiến người bệnh mất tỉnh táo, nói lẫn và cuối cùng đưa tới hôn mê. Em gái Mai Chửng phải đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy.

Rất sớm sau đó, Mai Chửng được gia đình đưa về Mỹ, tiếp tục điều trị cấp cứu tại một bệnh viện đại học danh tiếng: Baylor University Medical Center, Dallas Texas.

Theo Nguyễn Mai Phú Nga, con gái Mai Chửng thì "bác sĩ không lạc quan cho lắm sau khi khám bệnh cho ba tôi. Căn bệnh quật ngã ba tôi là bệnh gan chứ không phải là ung thư của ông tái phát như chúng tôi từ đầu thoạt nghĩ. Căn bệnh viêm gan mà bác sĩ tin là ông đã mang trong người từ lúc lọt lòng, căn bệnh gan mà ba tôi đã được chữa trị tưởng đã lành lặn nay quay lại như một hung thần. Chị em tôi không thể nào tin ở tai mình khi được báo là cách duy nhất cứu sống ba tôi là thay gan mới." (2)

 Nhưng người bệnh Mai Chửng lại không đủ tiêu chuẩn cho một cuộc phẫu thuật thay ghép gan / liver transplant vì với tiền căn ung thư anh chưa vượt qua được ngưỡng "five years cancer survival" và tổng trạng thì rất yếu. Gia đình chỉ còn hy vọng vào phép lạ.

Và rồi, cũng giống như trường hợp Lê Đình Điểu, Nghiêu Đề - cả hai đều là bạn thân thiết của Mai Chửng, cùng vướng vào căn bệnh nan y, đến giai đoạn cuối này thì thuốc ta, thuốc tàu với rất nhiều giai thoại truyền khẩu, đã trở thành chiếc phao hy vọng. Nguyễn Mai Phú Nga viết tiếp: "Mẹ tôi bắt đầu hướng qua thuốc ta và thuốc tàu. Ai chỉ mẹ tôi thuốc gì bà cũng nghe theo với hy vọng ba tôi được chữa lành." (2)

Nhưng rồi, Mai Chửng qua đời hai tháng sau, anh mất lúc 1:20 sáng ngày 1 tháng 9 năm 2001 cũng tại Trung tâm Y khoa Baylor Dallas Texas, ở tuổi 61. (2)

Hội Họa sĩ Trẻ:

Năm 1966, Mai Chửng đã cùng nhiều họa sĩ trẻ khác thành lập Hội Họa sĩ Trẻ ở Sài Gòn. Họ là những tài năng sau này đều thành danh như: Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thành Đức, Cù Nguyễn, v.v.

Chủ tịch đầu tiên của Hội Họa sĩ Trẻ là Ngy Cao Uyên, tiếp sau là Nguyễn Trung, và thứ ba cuối cùng là Mai Chửng.

Hình 11: Sinh hoạt Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam; 
từ trái: Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề,
Mai Chửng, Hồ Thành Đức.[tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam]

Tác Phẩm:

Từ khi còn học ở Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Mai Chửng đã cùng với Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ rất trẻ mới từ Pháp về, thực hiện một quần thể tượng tôn giáo theo phong cách hiện đại nơi quảng trường nhà thờ La Vang, Quảng Trị vào đầu thập niên 60. Những pho tượng này bị hư hại trong chiến tranh, nhất là trong cuộc giao tranh lớn Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.  

Mai Chửng được biết đến như nhà điêu khắc tiên phong của Việt Nam trong việc sử dụng chất liệu kim loại như đồng, sắt trong điêu khắc.

Năm 1973, ông hoàn tất tượng Mầm, tác phẩm sau đó được ra mắt tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental, Sài Gòn. Ông thực hiện bức tượng Chị Em, đặt tại Thương xá Tam Đa. Tác phẩm của Mai Chửng được nhiều người biết tới nhất là Bông Lúa Con Gái. Bức tượng biểu hiện bông lúa tràn đầy sức sống và đang vươn lên trời xanh; tượng cao 18 m, làm bằng đồng lá, được dựng tại trung tâm thị xã Long Xuyên năm 1970. Tới năm 1975, bức tượng bị cộng sản cho nổ và phá hủy.

Hình 12: Một tuyển tập song ngữ Việt Anh 
nhan đề
 "Điêu khắc gia Mai Chửng: Cuộc Đời và Nghệ Thuật - 
Life & Work of Sculptor Mai Chửng"
do gia đình thực hiện ra mắt tháng 9 năm 2006 
nhân ngày giỗ thứ 5 của Mai Chửng.
trái: bìa 1, phải bìa 4. Phần Anh Ngữ của Thạch Hãn Lê Thọ Giáo.
[tư liệu gia đình Mai Chửng]
  
Hình 13: Tượng Mai Chửng bằng thạch cao, do Dương Văn Hùng bạn đồng môn của MC, thực hiện để tặng gia đình Mai Chửng trong dịp ra mắt sách Điêu Khắc Gia Mai Chửng: Cuộc Đời & Nghệ Thuật do VAALA tổ chức vào ngày Thứ Bảy 04.03.2006 tại phòng sinh hoạt Lê Đình Điểu, Người Việt. Một số tác phẩm sáng tạo vào những năm cuối đời của Mai Chửng, cũng được Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ triển lãm trong dịp RMS này. [tư liệu Dương Văn Hùng]

Phát biểu về nghệ thuật điêu khắc của Mai Chửng, họa sĩ Nguyễn Trung viết: “...Nghệ thuật của Mai Chửng cũng vậy, đã trải qua nhiều biến chuyển; từ những thể hiện tươi mát chất lãng mạn, cho đến những công trình đậm trí tuệ. Mỗi giai đoạn có nét đặc trưng riêng, nhưng trong đại thể vẫn có một nét chung rất dễ thấy. Đó là sự đơn giản và tính cách lớn lao của nó. Đơn giản mà không thiếu sự tinh tế. Lớn lao cho dù tác phẩm được thể hiện trong một kích thước khiêm tốn.” (2)
  
Hình 14: Gia đình Mai Chửng đoàn tụ mấy ngày cuối năm, 
Mùa Giáng Sinh 1995.
Từ phải, hàng đứng: Mai Anh, Bội Nghi, Phú Nga;
hàng ngồi: Nguyễn Vĩnh Đức và vợ chồng Mai Chửng. 
[Album gia đình Mai Chửng]

TÁC PHẨM SỞ HỮU CỦA CỘNG ĐỒNG

Một tác phẩm điêu khắc lớn cần hội đủ nhiều điều kiện, từ quan niệm ý thức tạo hình, đến chất liệu, kích thước và thêm vào một điều kiện có tính quyết định là hoàn cảnh lịch sử.

Với bức tượng Mẹ và Con của Mai Chửng, tôi không muốn đưa ra một thẩm định đó là một tác phẩm điêu khắc lớn, đó là chức năng thẩm quyền của các nhà phê bình. Nhưng hoàn cảnh lịch sử ra đời của bức tượng Mẹ và Con ở đầu thập niên 80s là vô cùng đặc biệt.

Nó xứng đáng được giữ gìn, và hiện diện ở một nơi công cộng để mọi người biết tới là đã có một bức tượng ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử như thế,
của một nghệ sĩ tài năng có tên là Mai Chửng, đại diện cho một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam bị tận cùng vùi dập, với hầu hết tác phẩm của họ bị huỷ hoại từ trong nước.

Mai Chửng, con phượng hoàng ấy đã vực dậy từ tro than, tiếp bước sáng tạo, và mỗi tác phẩm của anh ở hải ngoại xứng đáng được trân trọng, không của riêng ai mà là một sở hữu văn hoá nghệ thuật của cả một cộng đồng di dân Việt Nam trên khắp thế giới. 

Thay kết từ cho bài viết, là bài thơ Trong Vườn Tượng Mai Chửng của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, người bạn thân thiết của Mai Chửng từ Việt Nam sang tới Mỹ, anh Thiệp cũng định cư ở Texas rất gần với gia đình Mai Chửng:

trong vườn tượng mai chửng
                
                         nhớ bạn ra đi vào tháng 9

sẽ về đứng
cùng đá và cây. trong vườn tượng
rạng rỡ cười
tháng chín. chim như mây
những bầy sao trên đồng cỏ
khoảnh khắc. cùng tấu khúc ca ngợi niềm vui. của
                                                              đất và người
symphony số 9
như hoa của đá. nước mắt cây
đừng khóc. em đừng khóc
trời nổ cơn giông
cho một ngày đã qua

Nguyễn Xuân Thiệp

NGÔ THẾ VINH
California 09.06.2018
_________________ 

Tham Khảo:
1/ Ngô Thế Vinh. ĐBSCL và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại 1975-2018. http://vietecology.org/Article/Article/299
2/ Điêu khắc gia Mai Chửng, Cuộc đời và Nghệ Thuật. Life and Work of Sculptor Mai Chửng.  Do Gia đình Mai Chửng xuất bản, Dallas Texas Tháng 9, 2005.
3/ Huỳnh Hữu Uỷ. Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện Đại. Vài Điều về Điêu khắc gia Mai Chửng. VAALA xuất bản 2008, sđd, tr.425-436.
4/ Lê Vũ Phỏng vấn Mai Chửng Năm 2000 & Bạn bè Tiễn biệt. https://www.youtube.com/watch?v=YfB5wRtZiF4; uploaded by Mai Dang Jan 15, 2018.
5/ Trịnh Cung. Tưởng nhớ điêu khắc gia Mai Chửng. Giấc Mơ không thành. Người Việt, 30.08.2016 https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-dieu-khac-gia-mai-chung/