Monday, June 11, 2018

627. PHẠM NGỌC LƯ 9 bài thơ



1.
TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG

Phá Tam Giang phá Tam Giang !
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm khói nước miên man

Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mành lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan
Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trừng mắt nhìn ta trách móc :
“Mười mấy năm chú mới về làng !”

Mười mấy năm ? Phải rồi, ta quên mất !
Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp câu thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu
Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn
Bước xuồng thuyền nhìn trời cao dõng dạc
Gõ mạn thuyền ngâm khúc Hành phương Nam

Hành phương Nam, hành phương Nam !
Mười mấy năm tấm cám thau vàng
Thấp cao danh lợi
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế
Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan
Mưa miền Nam, nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đỗi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng ?
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan

Chiều nay về… bên phá Tam Giang
Phía bờ Đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than ?
Chị có xót em một đời thất chí ?
Em không buồn ta ?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng !

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang !
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lời thề ngày trước
“Không công danh bất phục hoàn !”
Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước
Để trở về đứng khóc dưới hương quan !

1996


2.
CỐ LÝ HÀNH


Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

Có biết ta về không cố lý ?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?
Phải đây là cố lý ta chăng ?

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái soan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng !

Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !

1972


3.
BIÊN CƯƠNG HÀNH

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
Nhất khứ bất phục phản” là thường !

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

(tháng 5.1972)


4.
CUỐC ĐẤT MÀ CHƠI
                                     
tặng Lê văn Trung & Hạ Đình Thao

Giao vườn nộp ruộng lìa quê
Ra đi như thể trời thuê đi đày
Thân không dung nổi đất này
Lan man chi chuyện khói mây phương trời
Mấy năn đời đổi - đổi đời
Râu cùn mày cụt tả tơi chí tàn
Thú cầm biết giữ ổ hang
Cớ sao ta phải bỏ làng mất quê ?
Bao năm bấm bụng không về
Vườn xưa ruộng cũ cứ nghe mọc nhà
Người xưa “thiên hạ vi gi”

Nay thiên hạ bỏ mặc ta lưu đày
Ngâm câu vận khứ… thời lai…N

ghe đau lưỡi chuốc đang mài mồ hôi
Quê người cuốc đất mà chơi
Cơ hồ đang cuốc ruộng trời trồng mây !

   
5.
VỌNG TRI ÂM

Ngọn bút ba mươi năm
Trầm tư u mặc
Văn chương không tri âm
Chữ nghĩa cùn nhan sắc
Muốn học người xưa
Dốc một hồ trường rót về đông tây nam bắc
Đâu giai nhân mà mơ tái đắc
Đâu tâm giao mà trao tình bút mực ?
Gieo một nỗi lòng
Bốn biển thinh không
Mây trói chân trời
Gió dằn mặt đất
Mượn đỉnh núi cao trú hồn kiêu bạc
Ấp mộng ba ngàn đêm
Thơ hóa thân hoàng hạc
Vỗ cánh xuống trời Nam
Bay qua Lữ Kiều lâu
Bay về Nguyên Minh các
Ôi, con chim trần ai lưu lạc
Bâng khuâng đậu xuống đất lành !

Ly tán hơn vạn ngày
Mừng một giờ tái đắc
Dâu bể bao nhiêu năm
Vẫn uy nghi những tấm lòng son sắt
Ngọn bút từ nay không cô độc
Văn chương một thuở chung tình

Chiều hôm cố xứ
Lên núi một mình
Đọc lại đan tâm
Nhờ núi ký âm
Trông vời thương hải
Đọc tam-thập-niên-tràng-thiên-trường-đoạn
Rót một hồ trường không bao giờ cạn
Kết tinh từ ân sủng văn chương
Lòng bỗng thơm ngọn gió trầm hương…

 2004

  
6.
ĐỀ THƠ TRƯỚC MỘ THANH XUÂN

Có người bảo ta ngu
Không thèm ăn thóc nhà Chu
Bỏ về quê ăn cỏ
Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ
Dám chê rượu nhà Tần
Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quý tộc
Tuổi mới ba mươi
Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục
Lấy giẻ rách che tai
Cắm chông gai rào miệng
Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn
Trèo lên xe trâu
Lui về quê kiểng
Mài răng gặm nhấm cái thanh bần

Lượm lặt nứa tre che căn lều nhỏ
Phên cửa phong phanh suốt ngày no gió
Người quen tâng bốc gọi mao lư
Kẻ nôm na kêu đích danh nhà cỏ
Chẳng hay ho gì cỏ với mao
Thời bất lợi voi đành làm chó
Phong tống thời lai giun đất hóa rồng
Góp nhặt chợ trời đầy hai túi chữ
Túi đựng thánh hiền kê đầu giường ngủ
Túi đựng tầm phào
Lộn tùng phèo phàm phu tục tử
Thoải mái gác chân
Lựa trong gia tài một mớ phong vân
Đem ra chợ chiều rêu rao thanh sắc
Tội cô láng giềng thật thà nháy mắt
Khổ chị góa chồng mời mọc môn khoai

Tìm trong gia phong mấy lời răn dạy
Hiểu đâu nhất thời
Đâu là vạn đại
Than ôi !

Cái khôn mới hôm qua
Hôm nay bỗng trở thành cái dại
Quay lưng với đời ư ?

Dòng đời cuồn cuộn
Biển đời lợn cợn
Bảy đục ba trong
Quay mặt với người ư ?

Mặt người sắc nhọn
Biển người sao mà ghê rợn
Đua chen hôi lợi bòn danh

Đâu dám ví mình với Đào Uyên Minh (*)
Tụng Quy khứ lai từ
Cứ ngỡ chính mình đang u hoài cảm thán
Ngộ dĩ vãng chi bất khả gián
Tri lai dã chi khả truy (**)
Hề ! Mời quá khứ nâng ly
Hề ! Mời vị lai so đũa
Ta như kẻ lỡ thời
Giỏi giang gì mà tri với ngộ
Chỉ biết hôm nay giày rơm áo cỏ
Vinh danh quân tử cố cùng ! (***)

Ba mươi năm bổng bồng bông…
Ngơ ngác quay về gia hương cố thổ
Lá tre lợp dày mái cỏ
Bão giông quằn quại mao lư
Bao nhiêu năm ta vẫn còn ngu
Sáu mươi tuổi chắc gì không càn rỡ
Dẫu đọc hết một trăm bồ chữ
Vẫn thua đau một đứa lòn trôn
Đứng giữa chợ chiều sao nhớ chị khoai môn
Bỗng thương năm xưa cô láng giềng thuần phác
Lướt thướt mây trôi
Dập dờn tóc bạc
Một mình ta !
Như bóng ma nhô lên từ đêm thiên cổ
Một mình ta lơ ngơ chôn nỗi niềm ly gia biệt thổ
Nền nhà xưa mọc lên nấm mộ
Chữ đề bia tức tưởi tím bầm :

        Ghê thay ! Thiên địa phong trần
        Nơi đây… yểu mệnh thanh-xuân-một-người !

tháng 11 - 2005

 (*)  ĐÀO TIỂM (365 – 427) tự UYÊN MINH người đời Đông Tấn, Trung Hoa. Ông làm huyện lệnh ở Bành Trạch, chán cảnh lòn cúi quan trường, than thở “ta đâu phải chỉ vì 5 đấu gạo (tức lương bổng) mà phải khom lưng ư ?”, bèn trả áo mão cho triều đình, lui về quê ẩn cư, viết bài Quy khứ lai từ để bày tỏ chí hướng. Người đương thời rất ngưỡng mộ sự cao khiết của ông, tặng ông danh hiệu Tĩnh Tiết Tiên sinh.

(**)  Hai câu nầy trích trong Quy khứ lai từ. Nghĩa : nhận ra chuyện dĩ vãng là không thể ngăn lại được, biết việc tương lai thì có thể đuổi theo.

(***)  Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng nhi lạm hỷ !
          (Khổng Tử - sách  Luận Ngữ)
Người quân tử cố chịu đựng với sự khốn cùng; kẻ tiểu nhân gặp khốn cùng thì làm điều tham lạm

   
7.
SÓNG VỖ

từ khi mưa nắng đổi thay
đất trời dị biệt gió mây bất đồng
người bờ Tây - ta bờ đông
ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm
giờ này phương ấy nắng lên
ở đây ta đốt ngọn đèn soi ta
giờ này phương ấy nắng tà
ở đây thao thức tiếng gà tàn canh
nằm mơ biển ngọt dỗ dành
tỉnh ra tâm sự kết thành muối khô
từ khi Tý Ngọ khác giờ
đêm không đồng mộng đành mơ... mộng ngày
lòng ta uống gió mà say
tan ra cồn khói đảo mây chập chờn
biển sâu? ly biệt sâu hơn
muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không
mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
bờ Tây tóc rụng... bờ Đông bạc đầu!

2005


8.
HUẾ NGÀY VỀ

Ngày về - về Huế - Huế xưa
Về em xuân muộn anh vừa chớm thu

Đưa nhau ra bến sa mù
Lơ ngơ kỷ niệm chần chừ bước theo
Lòng em đẩy nhẹ mái chèo
Trôi đi… trôi với bọt bèo lòng anh
Đưa nhau qua mấy cửa thành
Màu rêu bất tuyệt còn xanh não nùng
Xưa chờ em cửa Chính Đông
Anh in vào đá nỗi lòng héo hon
Xưa tìm em cửa Hiển Nhơn
Đá câm gạch lạnh rêu mòn dấu tay…

Sao lòng nghèn nghẹn nước mây
Trôi đi… trôi với tháng ngày mù sương
Đưa nhau qua những con đường
Thâm u lá rụng cuối vườn tịch liêu
Xưa em guốc mộc khua chiều
Giấu trong tà áo ít nhiều vu vơ
Anh qua cửa Phủ đứng chờ
Chiều em về muộn rêu mờ dấu chân…

Sao lòng gợn sóng bâng khuâng
Mây trôi nước lại ngập ngừng chưa trôi
Trôi đi… bèo bọt một thời
Mái chèo tâm sự rã rời lòng nhau
Đưa anh lên ngọn giang đầu
Chia ly ngày ấy rầu rầu Huế mưa
Sông Hương no nước căng bờ
Tim anh cuồn cuộn… lững lờ tình em
Tình ơi không nặng sao chìm
Trăm năm rười rượi nằm im đáy lòng…

Rồi thôi, gió bụi mịt mùng
Cuốn em ra khỏi khuê phòng đài trang
Rồi thôi, nước mắt lỡ làng
Vùi trong vạt áo vô vàn tiếc thương !

Ngày về lặng khói im sương
Về trong Huế mới buồn buồn Huế xưa
Về em ngấn lệ chưa mờ
Về anh tay lạnh thẫn thờ nâng tay
Nhìn nhau lòng nghẹn nước mây
Hồng nhan em cạn anh đầy đa truân
Lòng như gợn sóng bâng khuâng
Chuyến đò dĩ vãng tần ngần đang trôi
Trôi vô lòng Huế… Huế ơi !

2000
  
9.
NHỚ LÀNG

Dài đêm rả rích mưa suông
Bỗng đâu dăm tiếng ễnh ương dội về …

Làng quê ? Phải tiếng làng quê
Ao khô hồ cạn não nề kêu mưa
Làng xưa ? Ôi tiếng làng xưa !
Tiếng trong tiếng đục mấy mùa nước nôi
Lòng tôi ? Bao tiếng lòng tôi !
Tiếng câm tiếng nghẹn một thời tang thương

Mấy mươi năm ở phố phường
Đêm nay nghe tiếng ễnh ương nhớ nhà
Nhớ làng vời vợi xót xa
Nhớ quê muôn dặm chắc là đang mưa
Thấm lòng bùn đọng nước chua
Ẽnh ương đâu biết … tôi vừa bật kêu

2006
PHẠM NGỌC LƯ
(1946-2017)