Wednesday, June 6, 2018

618. TRẦN HOÀI THƯ Chiếc máy HP phế thải

HP LaserJet 8000n Mono Laser Printer


Hơn nửa thế kỷ trước đây, vào năm 1965, tạp chí Văn thời  nhà văn Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn đã gióng lời kêu gọi thành lập ủy ban sưu tập tài liệu bài vở của nhà văn Triều Sơn, nhất là truyện dài Nuôi Sẹo.

Nhưng lời kêu gọi vang trong sa mạc.

Mười tám năm trước đây, sau khi nhà thơ Cao Đông Khánh qua đời (12-12-2000) trên tạp chí Văn Học tại California có đăng bài viết của Đàn Bách Kiếm  kêu gọi thân hữu và văn hữu đóng góp bài vở hầu tạp chí có thể thực hiện một số tưởng niệm nhà thơ Cao Đông Khánh, nhưng  lời kêu gọi đã không được đáp ứng.

Hai tạp chí trên là hai tạp chí có tầm cỡ. Một ở hải ngoại (Văn Học) và một ở trong nước trước 1975 (Văn). Vậy mà họ chịu thua.

Vậy mà tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã thực hiện được. Số 80 dày 328 trang với 240 trang dành cho chủ đề Cao Đông Khánh  với 22 người viết. Số 77 dành cho Triều Sơn, và tác phẩm Nuôi Sẹo…




Phép lạ chăng?

Không đâu.

Xin phép được trích lại những giòng tái bút trong bài viết “Cao Đông Khánh- thân thế ” của  Bùi Huy đăng trên Thư Quán Bản Thảo số 80. Cần nhắc Bùi Huy có bút danh là Tô Thẩm Huy. Ông cũng có bút danh là Đàn Bách Kiếm, người giữ mục “Đùa với Đường Thi” trên tạp chí Văn Học do Cao Xuân Huy làm chủ bút cách đây khá lâu:

Đã từ lâu lắm tôi muốn làm một số báo đặc biệt tưởng niệm Cao Đông Khánh.  Hồi Cao Xuân Huy còn làm chủ bút tờ Văn Học, chúng tôi đã gióng tiếng kêu gọi bài vở viết về người thi sĩ tài hoa ấy. Nhưng tuyệt không một âm vọng.  Trên tờ Phố Văn, lời kêu gọi của anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng không có kết quả.  Và như thế, giấc mơ làm số báo đặc biệt cho Khánh đã từ từ chìm vào quên lãng.  Cho đến khi Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư một sáng nọ quét con mắt viễn thám vào trời thơ hải ngoại thấy lung linh bóng dáng Cao Đông Khánh, quyết định số 80 Thư Quán Bản Thảo sẽ là số đặc biệt về Cao Đông Khánh.  Con mắt viễn thám ấy nhìn thấu thế gian, lục lọi ra cả những tài liệu, bài vở, mà có trường hợp ngay cả tác giả nó là tôi cũng không nhớ là mình đã từng viết bài ấy.  Và thế là bắt đầu một cuộc vận động liên lạc với các bạn văn cũ từng quen biết với Cao Đông Khánh.  Là người sửa bản in cho Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, tôi còn giữ trong tay độ mười quyển.  Chúng liền được theo ngả bưu điện bay đi khắp nơi.  Và lần này, một phần có lẽ vì thời gian đã chín mùi để mọi người nhìn lại Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, một phần vì tấm lòng tha thiết của hai người chủ trương Thư Quán Bản Thảo là Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, sự hưởng ứng từ mọi nơi là tràn đầy tình cảm, là “làm một số về CĐK là quý lắm” (Nguyễn Xuân Thiệp), là “CĐK xứng đáng, làm đi, moi sẽ viết bài” (Ngu Yên), là “tôi sẽ gửi những tài liệu về người bạn đặc biệt ấy” (Phạm Văn Kỳ Thanh), và là sự đồng tình đến từ cả những người chỉ đọc thơ mà chưa bao giờ gặp Khánh.  Nhưng, nếu không có sự nhiệt thành của Thư Quán Bản Thảo chắc không bao giờ có số báo đặc biệt về Cao Đông Khánh.  Chuyện in ấn đã đành, nhưng không là gì so với lòng yêu mến Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, so với lòng hăng hái, thúc dục, đôi khi đến độ căng cả giây thần kinh, của hai người điều hành TQBT.  Thay mặt cho chị Huỳnh Ngọc Anh và gia đình, và cho bạn bè của Cao Đông Khánh, tôi xin được tri ân tình cảm Thư Quán Bản Thảo đã dành cho anh, và nhất là, lòng yêu mến dành cho những câu thơ, những con chữ của Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn. (Bùi Huy)”
  
Nhà Đường thi Tô Thẩm Huy đã  nhận xét  khá đúng.

Sự thành công của một tạp chí ngoài chuyện in ấn còn có lòng yêu mến văn chương.

Nhưng mà giữa lúc chúng tôi vui mừng hân hoan với thành tựu  thì có  những “kẻ” rất khổ, rất đau.

Chúng tôi muốn nói đến hai chiếc máy HP laserjet 8000n giúp chúng tôi thực hiện niềm vui to lớn ấy.

Làm sao mà không “thấm mệt”, “quị ngã” cho được khi phải “sản xuất” những cuốn tạp chí mà  mỗi cuốn dày đến 328 trang liên miên không nghỉ suốt cả tuần lể?

Và một chiếc đã gục trên đoạn đường “ấn binh”.

Tôi đã cố cứu mà chịu thua. Giấy bị jammed. Mực bị nhòa. Bột laser bị vương vãi. Tôi đã lột trần nó ra xem từng bộ phận, dò từng mạch điện, từng cơ phận. Cả mấy trăm tờ giấy nằm vương vải trên nền. Hết ngày rồi đêm,  khom lưng, cúi mình cùng chiếc máy.  Từ cái censor, từ cái trục, con ốc… Vậy mà tôi chịu thua. Rõ ràng nó đã đến giờ hấp hối.

Vâng. Giờ ấy đã đến. Tôi tháo ra hết những gì tôi có thể tháo được,  chỉ để lại cái khung. Từ 70 lbs xuống còn chừng 20 lbs.  Đó là cách duy nhất để  tôi có thể mang chiếc máy nặng trĩu từ dưới hầm nhà lên và vất nó vào đống phế thải. Tôi vất nó không cần thương xót. Nó trở thành phế thải. Đó là một qui luật tất yếu.

Chẳng có gì để mà luyến tiếc khi nó vô dụng.

Vậy mà bây giờ tôi lại thu gom mang cái máy trở vào nhà. Ráp lắp lại những cơ phận bỏ đi. Đặt nó trên chiếc bàn gần chỗ tôi làm việc. Nó được tạm mặc vào chiếc áo cũ. Những con ốc được cất riêng dành cho một dịp nào đó.
  
Bởi vì tôi nghĩ một ngày tôi sẽ làm chiếc máy hồi sinh.

Tôi vẫn còn nghĩ là tạp chí Thư Quán Bản Thảo sẽ được nó  tiếp tục nhả ra từng trang giấy đen bóng chữ nghĩa… như nó đã từng giúp tôi thực hiện 80 số báo và hàng trăm đầu sách vừa qua…

Vâng, tôi tin vậy. Tôi vẫn còn trí não, trí tuệ, tay chân lành lặn, và trái tim vẫn còn nóng hổi mà. Tôi cố lợi dụng quà tặng của Thượng Đế.
  
TRẦN HOÀI THƯ 

New Jersey, June 2018