Saturday, June 9, 2018

621. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH Chú Bê



      Tôi sinh ra và trải qua những ngày tuổi thơ ở Huế. Như vậy cũng đủ để tôi tự hào đã chia sẻ cùng Huế với tất cả những thủy chung của lòng mình. Ði xa Huế, tôi vẫn nhớ Huế. Và có lẽ cho đến bây giờ, tôi mới nhận ra tôi đã yêu Huế vô cùng. Mặc dù sau đó, Nha Trang là thành phố tôi đã lớn lên và cũng đã đi cùng nó với nhiều kỷ niệm. Ở đây tôi muốn ví Huế là tình yêu vỡ lòng, tình yêu đầu đời và cũng là thứ tình yêu lớn của một đời người. Nha Trang là tình yêu thứ hai và cũng là tình yêu cuối.
      Huế, nơi tôi ra đời là một nhà thương lớn ở bên cầu Gia Hội. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đã yêu Huế hết lòng đâu. Tôi yêu Huế có lẽ vì mùa đông ở đây buồn lê thê, buồn đứt ruột. Thành phố như chịu tang, muồi mẫn trong tiếng khóc không muốn dứt. Mưa rơi và mưa rơi suốt ngày chao ơi là da diết. Huế đúng là xứ mưa dầm dề nên không trách dân Huế của tôi ướt át . Mưa nhỏ hạt, mưa lớn hạt, mưa ngày đông, mưa tháng hạ... Mưa nhức nhối, mưa tối tăm mặt mũi... Tôi nhớ chiều chiều đi học về, tôi hay chạy lại bên mạ tôi ké bàn tay lạnh của mình vào cái lò hấp đan bằng tre, với những viên than hồng ấm áp. Buổi chiều ở Huế vẫn là những ám ảnh đeo đẳng trí nhớ tôi thật dài lâu. Tôi đã trôi qua nhiều buổi chiều nơi này nơi kia trên "quê hương nước ngọt đồng xanh" (xin sửa lại câu thơ: "quê hương anh nước mặn đồng chua" của Chính Hữu). Nhưng phải công nhận chưa có một buổi chiều nào lắng đọng và yên tĩnh như thế. Ngay cả mặt nước dưới cầu Trường Tiền "sáu vài mười hai nhịp" cũng phẳng lặng và có vẻ gì u tịch lạ lùng.
      Tôi vẫn còn giữ rất đậm hình ảnh khoảng trời nước lấp loáng từng vũng đỏ như ửng ráng hồng của con sông Hương. Từng vũng đỏ có khi lan thành từng vòng đỏ gợn trên quãng sông xanh. Như đôi mắt kỳ ảo của những người say. Ðứng dừng lại trên cầu nhìn xuống, tôi nghĩ có một sức hút vô hình nào đó vừa làm người ta ngẩn ngơ đến khựng người, vừa làm người ta muốn nhảy xuống sông ôm trăng kiểu Lý Bạch. Tôi không nói quá đâu. Có một cái gì đó tôi không diễn tả được. Bây giờ nhớ lại, tôi bỗng nghĩ như thế thôi.
      Nhớ đến Huế không phải tôi chỉ nhớ đến tô bún bò cay xè tuyệt vời của mụ Rớt, hay những ly chè bắp ngọt cả tuổi thơ tôi ở xóm Cồn. Những buổi chiều được theo ba tôi đèo qua Cồn Hến, tôi vẫn còn chưa quên màu khói cơm chiều vướng vất lũ tre trúc bên kia sông vắng. Ba tôi bảo dân tình của làng đảo này chất phác, hiền hòa, quanh năm vui với mẻ cá con sông và những buổi cơm chiều sớm sủa nhất nước. Quanh đâu đó vẳng tiếng chuông chùa thê lương và người ta bắt gặp một vài cái am hoang phế. Hình như vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp tàn tạ khói sương và cũng chính vì thế nó đã trở thành những gợi nhớ u hoài trong tôi.
      Lạ thật, cứ nghĩ đến Huế là tôi khó quên những vọng âm từ quá khứ của những tiếng hò khoan ai oán ở bến Vân Lâu, những điệu Nam Bình Nam Ai rên rỉ dù tôi chỉ được nghe vỏn vẹn một lần. Những điệu hò não ruột ấy đã ăn sâu vào tưởng nhớ tôi, như lần nào duy nhất được du thuyền trên dòng Thương Bạc với người bà con từ Sài Gòn ra chơi. Huế có tiếng hò ru con buồn thúi đất như cơn mưa rả rích. Ðặc biệt vào những mùa đông nằm nghe mưa rơi lộp độp trên máng sối, đâu đó từ hàng xóm vẳng tiếng à ơi là nước mắt có thể trào ra được. Nhất là với những ai không còn mẹ.
      Không hiểu tại sao tôi lại nhắc đến Huế dài dòng vậy. Có lẽ tôi vừa phát hiện ra Huế chính là nơi dạy cho tuổi thơ tôi hậu quả đau thương của chiến tranh, mà tôi vẫn không thôi yêu Huế. Dạo đó, tôi nghe người lớn lúc nào cũng nói về chiến tranh một cách cay đắng. Còn tôi, tôi chỉ lờ mờ cảm thấy đêm sẽ bớt yên tĩnh hơn với những tiếng đại bác từ xa ùng ùng vọng về. Tôi cũng không hề hay biết có những hạng người say mê chiến tranh nhằm thỏa mãn niềm tự hào của người hùng cách mạng...
      Dạo xưa, gia đình tôi khá sung túc với ngôi nhà xinh xinh ở ngay bờ An Cựu. Quê tôi ở đó mà tôi cũng không hiểu rõ tại sao người ta bảo "sông An Cựu nắng đục, mưa trong" mới lạ chứ. Tôi chắc như bắp là hồi đó ngôi nhà tôi ở gần hồ rau muống xanh um. Sát bên hồ có căn nhà nhỏ với cây trứng cá lúc nào cũng đông lũ con nít xúm xít. Ở đó là một xóm đạo. Chỉ có duy nhất gia đình đạo Phật của tôi tự nhiên chen vào. Khi Huế bắt đầu có những cuộc biểu tình đẫm máu, hết Phật Giáo rồi Công Giáo giăng đầy những khẩu hiệu, tôi đọc rõ nét mặt u uất, khiếp sợ của ba mạ tôi từng ngày. Lâu lâu lại nghe đụng một vài trận đánh vào bót Cảnh Sát An Cựu làm đời sống rờn rợn.
      Giữa tình hình xốn xáo ấy, em ruột của ba tôi là chú Bê phải tạm gác công việc đồng áng, lo khăn áo hớt ha hớt hải lên phố.
      Chú Bê là em kế, suốt đời làm ăn lam lũ, đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn vì nhà đông con. Ba tôi chê vợ chú háu đẻ như gà, hễ ngửi mùi đàn ông là dạ chửa không kịp thở. Dù nghèo, chú Bê đi đâu ra khỏi nhà cũng tươm tất một cách cố gắng. Vợ chú thuộc loại đảm đang, ngày ngày ngược xuôi mò cua bắt ốc ra chợ bán. Con cái lớn nhỏ tự đùm bọc thương yêu nhau . Tụi nó thổi cơm, bế em rất nghề.
      Chú tôi vốn là con người vô tâm, đặt lưng xuống là ngáy khò không chút suy nghĩ. Ba tôi bảo đại bác có ầm ầm về ngay thành phố chắc chú cũng chả bận tâm. Của không tội chú cũng có lo đó nhưng quên đó. Chú quan niệm cuộc đời chết sống có số. Mọi sự đã có ông Nam Tào trên thiên đình lo hộ cuốn sổ sinh mệnh ấy. Trời kêu ai nấy dạ, lo làm gì cho mệt xác. Vì thế trông chú tôi nhiều khi có vẻ yêu đời một cách kỳ cục. Ðời có gì đáng yêu đâu, nhất là đời trong cảnh giặc giã. Con cái lại nheo nhóc bữa đói bữa no, vậy mà chú vẫn hồn nhiên nhẫn nhục với cuộc đời. Quan niệm lạc quan quá đỗi của chú đôi khi làm ba tôi tái tê. Chuyện, đời của mình mà chú cứ giao hết cho ông Nam Tào giữ gìn. Chú làm như không ai có quyền năng cứu vớt được cho mình điều gì cả. Những ngày tháng mình đang có mặt vậy đâu còn thuộc về của mình nữa. Buông xuôi và chấp nhận làm nụ cười không lúc nào tắt trên môi chú tôi một cách dễ dãi. Nhiều khi tôi nghĩ tại sao có những người phải tự làm khổ mình với những quan niệm rắc rối về hạnh phúc. Cứ đơn giản như chú tôi, hạnh phúc chỉ thu hẹp trong phạm vi miếng cơm là yên chuyện. Mình khỏi nợ nần nhiều thứ của đời sống và đời sống cũng chẳng có dịp lên tiếng đòi nợ mình. Nói thì nói vậy chứ tôi thấy bản tính vô lo của chú tôi không phải ai cũng tập được đâu. Chú tôi phải đi qua không biết bao nhiêu thăng trầm dâu bể rồi đấy.
      Càng hiểu như vậy, tôi càng ngạc nhiên thấy chú tôi che giấu niềm đau trong xương tủy của mình thật giỏi. Ðã bảo chú tôi nghèo lắm, như vậy đáng ra cái nghèo cũng đủ làm mặt con người méo mó rồi. Ðằng này chẳng bao giờ gia đình tôi thấy chú hé răng xin xỏ hay ngỏ ý mượn tiền mượn bạc của ai. Chú có hai bộ đồ thay đổi mưa nắng để mặc ở nhà, một bộ đồ "vía" để ra đường, vậy là quá đủ. Chả là ba tôi mới khám phá ra và tặng thêm chú một hai bộ mặc ở nhà để tiện việc giặt giũ. Chú lúc nào cũng cười xuề xoà từ chối làm ba tôi sợ người nghèo thường giàu tự ái, mặc dù họ thường an phận. Thật tình không phải chú tôi tự ái gì với ông anh của mình đâu, nhưng có lẽ chú tôi vẫn cảm thấy đủ là đủ. Nếu bảo thiếu thốn thì có cả khối điều thiếu thốn ray rứt hơn nữa.
      Con người chú tôi như vậy đó. Tuy nhiên hôm nay vừa bước vào nhà, chúng tôi đã nhận ngay nét mặt khác thường với nụ cười cố tạo trông méo mó tội nghiệp của chú liền. Chú Bê đi xẹt vào nhà như cái tiêm pháo sắp nổ. Miệng chú ào ào như nước trong máy rỉ hư lâu ngày bỗng được tuôn chảy:
      - Anh ươi anh, ở nhà có răng không? Chao ui, nghe trên tỉnh ni nỏ có chỗ mô mà yên cả. Tụi nó tập kích dữ dội nơi căn cứ Mỹ ở Mỹ Thủy, rồi đồn Măng Cá Măng Kiếc gì đó và tới cả bót Cảnh Sát ngay cả An Cựu này nữa. Em lo quá, thất kinh cả hồn vía. Dưới quê em đâu đến nỗi chi.
      Nói xong một hơi, chú tôi mới bẹo má tôi một cái, cười tươi hơn. Chắc chú thấy cả nhà tôi bình an vô sự. Tôi khoe với chú:
      - Lâu lâu cháu được nghỉ học, ở nhà chơi đó chú.
      Ba tôi tiếp:
      - Ba vụ bắt bớ, biểu tình, đình công bãi thị, bãi khóa... con cái cứ tưởng là sướng lắm. Nhưng mà chú cứ ở dưới làng, lên đây làm chi cho mệt.
      Chú Bê quay sang mắng yêu tôi: "Cha mi, con gái mà lười. Mai mốt lấy dôn mần răng". Rồi tự nhiên mặt chú sầm lại như trời đang nắng bỗng cơn giông từ đâu kéo tới, xám nghịt:
      - Có ai vô phúc như mấy đứa em mi ở dưới, đứa lớn chồng ngồng cũng nỏ học được một chữ cái.
      Hóa ra chú tôi vẫn có niềm lo lắng âm thầm dành riêng cho con cái. Con người chứ có phải cây cỏ trên rừng đâu mà không biết nhói tim. Con vật cũng còn biết tỏ ra che chở cho giọt máu nó.
      Mạ tôi chêm vào:
      - Ðã bảo chú cho hai đứa lớn lên đây bác trai nó lo bớt cho mà cứ dùng dằng mãi. Thêm đũa thêm chén, có chi mô mà lo.
      Chú tôi buông thõng một câu xanh rờn:
      - Anh chị lo tản cư đi chỗ khác là vừa chứ hơi sức mô lo cho anh em tụi nó.
      Ba tôi nhăn mặt:
      - Mần chi mà phải tản cư chớ? Ở mô bây chừ mờ không có giặc giã loạn lạc. Chú này giỏi lo ghê a tề.
      Tiếng của chú Bê trầm trầm đều đều:
      - Anh không thấy ở đây đang có những dấu hiệu biến động rõ ràng răng? Phải lo sửa soạn chạy loạn chứ không có cà tửng được mô.
      Ba tôi lên giọng:
      - Chú thấy xung quanh mình có ai lục tục mô nờ?
      Chú tôi nói như một điềm gỡ:
      - Ðợi thiên hạ lục tục kéo nhau, khi nớ chắc Huế đã tan tành xí quách hết rồi. Em nói thiệt, em mà như anh, em dẫn vợ con đi chỗ khác lâu rồi. Nội ở cái xóm đạo này cũng đủ tởn. Cần lao, cần vị chi nghe bắt nhức đầu.
      Giọng ba tôi xìu xuống thấy rõ:
      - Chú tưởng đi mô cũng dễ lắm he răng?
      Chú tôi cười hăng hắc:
      - Không khó, nếu anh nghĩ không nơi mô cái nhà là nhà của ta cả.
      Ba tôi có vẻ tiếc rẻ:
      - Bậy nà, bộ chú quên căn nhà này là thừa tự của tổ tiên ta để lại răng?
      Chú Bê lắc đầu, nhỏ nhẹ:
      - Chỉ có mạng sống trời cho mới đáng quí thôi, anh nờ. Anh chị cứ đi một thời gian coi răng đã. Mọi chuyện vườn tược nhang khói ngày mô em còn sống, lâu lâu em sẽ ghé qua chăm sóc chu đáo. Em nói thiệt, hay là anh vô với thằng Thái ở Nha Trang cho có anh có em.
      Thì ra tính của chú tôi coi vậy mà thâm trầm dữ. Chú có những trăn trở lo âu của những diễn viên tài tình trên sân khấu. Suốt cuộc đời, chú bằng lòng với vai trò của vở kịch đời đưa đến. Chú sẵn sàng sống trọn vai diễn ấy, dù sau tấm màn nhung, tôi biết gã hề của gánh hát có khi sẽ giấu mặt xót xa. Chú vẫn đùa đùa với mạ tôi, khi nghe bà nhắc đến một vở kịch cải lương vừa đi xem ở rạp Hưng Ðạo về:
      - Chị tưởng mấy cô đào thương sướt mướt dữ vậy trên sân khấu, chắc đời họ cũng chứa nhiều khổ lụy bi đát lắm răng? Trời, sau buổi vãn hát, mấy nường tha hồ leo lên chiếc xe hơi bóng lộn của mấy gã nhà giàu háu sắc sẵn sàng quì bái dưới chân mình. Tội nghiệp nhất là mấy anh hề phải lo làm trò mua vui cho thiên hạ, mà lòng dạ ngổn ngang trăm mối. Ðóng tuồng xong, màn hạ xuống, khán giả ra về, em biết có nhiều anh hề gục đầu khóc. Nào tiền gạo, tiền củi, con đau, vợ đẻ năm một... chất đầy trong đầu phải lo thanh toán nợ nần. Ở đó mà cười toe toét, cười pha trò, cười lăn lộn như trên sân khấu...
      Nín lặng một lúc, tôi nghe tiếng ba tôi thở dài thườn thượt:
      - Úi chao, răng chú bữa ni bi quan dữ rứa? Tui mà bỏ Huế, bỏ chú đi à? Trong mấy anh em, kể đến thằng Thái út rục của nhà mình, tui biết chỉ đặt tin cậy được mình chú. Chú biết ăn biết ở, mà mụ vợ chú cũng được. Chỉ tội đông con nói hoài không nghe. Chứ chú Thái thì vô tình lắm, lại cưới phải mụ vợ không biết điều là hết chuyện. Tui đã nói với chú, đành rằng mỗi đứa con là cái lộc trời cho. Nhưng đẻ cho lắm vào trong lúc thiếu đầu hụt đuôi thì không khác gì một cái nợ. Chuyến này chú về ráng lo cho thím cai đi là vừa.
      Chú Bê lại cười xuề xoà:
      - Trời sinh voi sinh cỏ. Ðông tụi nó càng vui cửa vui nhà về sau chớ có chi mô. Bây chừ cũng có cực thiệt nhưng mai mốt mình về già lại đỡ buồn, anh à.
      Không biết lúc đó lòng ba tôi nhen nhúm những gì, chỉ biết ba tôi đã nói như một linh cảm:
      - Tui mà dọn vô Nha Trang, gia đình chú phải bỏ dưới làng lên đây để vừa trông coi nhà cửa thừa tự vừa có dịp lo cho con cái đến trường đến lớp đàng hoàng. Ở xóm này có lớp học đêm của nhóm sinh viên thiện chí mở ra cho mọi trình độ, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Tui hồi trai trẻ đã đi tứ xứ rồi, thả vô Nha Trang hay Phan Rang, Phan Rí... cũng chẳng lạ cái lạ nước. Có điều mình đã lỡ theo bước ông Nguyễn Hoàng nghe lời cụ Trạng Trình chọn Huế rồi. Không những nó là quê cha đất tổ đã đành, nó còn có những tội nghiệp chịu đựng và da diết lắm thê. Bỏ thì thương, vương thì tội là vậy.
      Chú Bê lại cười như con nít:
      - Em biểu anh đi, anh lại vác đầu em vô cái rọ. Em ngán xóm đạo ồn ồn ào ào này lắm.
      Ba quay sang mạ ra dấu:
      - Thôi, chú đi đường xa lên chắc đói bụng lắm rồi. Ðể dọn chén đọi mời chú ăn tạm cái chi chớ. Uống, uống tí trà kẻo nguội chú.
      Chú Bê bỏ điếu thuốc Cẩm Lệ đang vấn dở xuống, cầm chén trà nhâm nhi từng ngụm một:
      - Ăn uống vẫn còn tràn hông đây. Sáng sớm dậy, vợ em để sẵn một đống cơm ém trong mo cau từ tối hôm qua. Em ăn một chặp với muối sả rồi mới ra bến đi đó chớ.
      Mạ tôi nhỏm dậy:
      - Răng được. Chú ni khi mô cũng mần khách dữ. Cơm thường gặp chi ăn nấy, chứ có chuẩn bị đãi đằng cao lương mỹ vị chi mô nờ. Có nồi cá thệ kho rim với nồi canh mướp đắng dồn tôm thịt, để tôi đi vò chút gạo là xong ngay. Chú với anh Chương chịu mướp đắng lắm mà. Tụi nhỏ nhà này chỉ khèo cái nhân ở trong, còn thì bỏ đó. Lâu lâu tui mới nấu món này, người Nam gọi là trái khổ qua, vậy là chú trúng tủ rồi. Ăn, ăn hỉ. Ðừng mần khách, tui ghét lắm.
      Chú Bê thành thật hơn:
      - Phiền chị quá. Chị làm tui bắt đói bụng. Chỗ anh em chị nói tui mần khách, ốt dột chi tề.
      Không ngờ đó là buổi cơm cuối cùng của chú Bê với gia đình tôi. Bữa cơm chú hồn nhiên nhai ngon lành một mình, vì cả nhà vừa ăn trưa xong. Ba mạ tôi thỉnh thoảng gắp bỏ vào chén chú vài miếng đồ ăn.
      - Gắp đồ ăn đi chớ chú. Ăn cơm trắng không hà. Ba mạ tôi thi nhau mắng yêu chú.
      Mỗi lần như vậy, tôi thấy hai mắt chú long lanh đầy vẻ cảm động. Và chú lại khỏa lấp vẻ lúng túng ấy bằng những tiếng cười rang rảng.
      Trong lúc ba tôi quên ngủ trưa chuyện vãn với chú, mạ tôi đội chiếc nón bài thơ đon đả đi nhanh ra chợ.
      Mạ tôi mua gởi cho lũ con chú nào mè xửng Song Hỉ ở cuối phố Phan Bội Châu. Nào kẹo cau trong như gương lẫn với lớp bột mỏng trắng phau. Nào kẹo đậu phụng béo ngầy ngậy những hột tròn nguyên vỏ, sánh trong lớp đường ngào hấp dẫn trải lên lớp bánh tráng giòn tan. Toàn những món ngọt ngào gợi thèm của tuổi thơ tôi. Kẹo mạch nha và kẹo gừng thuở nhỏ tôi không mấy mê thích vì dính răng và cay miệng. Có lẽ biết ý con nít nên mạ tôi đã không mua cho con chú Bê mấy thứ kẹo đó.
      Chưa hết. Mạ còn tặng thím tôi mấy xâu hột sen Huế để nấu chè ăn cho mát, và phần chú Bê một ít thuốc Cẩm Lệ hảo hạng.
      Chú tôi cám ơn rối rít và xin về ngay kẻo vợ con mong. Nhất là chú còn ra bến xe để chạy về kịp chuyến đò chiều. Cũng phải qua hai ba cửa ải nên tôi đoán chắc chú Bê hôm đó về đến nhà trời chạng vạng tối.
      Chiều hôm sau, vợ chú nhờ mấy con buôn đem cái tin khủng khiếp oan nghiệt nhất đến với ba tôi. Thoạt đầu nghe tin chú Bê đạp mìn chết ngay buổi sáng ra đồng làm việc thường nhật, ba tôi lặng người đi một giây rồi bỗng ôm mặt khóc ré lên như đứa trẻ bị giựt phăng bầu sữa mẹ. Không, tôi nghĩ chắc chắn tiếng khóc thảm thiết hơn nhiều. Một đứa trẻ dù háu ăn cách mấy, nét mặt cũng không đến nỗi sững sờ và đau khổ như vậy. Ba tôi vừa thút thít vừa kể lể trong cơn xúc động mạnh:
      - Trời ui, chết chi mà chết lẹ dữ rứa. Mới hôm qua anh em mình còn ngồi đây nói chuyện tầm phào.
      Lời nói báo trước niềm trăn trối. Lời nói hôm qua đã thuộc về quá khứ hôm nay. Hình ảnh hôm qua đã thuộc về một đời sống khác. Lúc chú Bê đến thăm và lúc chú Bê từ biệt thành kỷ niệm. Cách xa chỉ một ngày ngắn ngủi, những người thân thương của mình có thể trở thành dĩ vãng. Chú Bê rời khỏi cánh cửa của căn nhà tôi hôm qua là cắt ngang mảnh hiện tại. Trong này miếng hiện tại là khuôn mặt bùi ngùi giọt ngắn giọt dài của ba tôi, là nỗi nhớ của những người không với theo được cánh cửa đã làm thành cách ngăn ấy. Có nghĩa gì đâu, dù mới đó, rõ ràng đã thuộc về thời gian cũ.
      Chú Bê chết. Máu thịt bầy nhầy, xác thân không còn nguyên vẹn. Trong một buổi sớm mai, trong một bình minh đẹp. Hai mắt chú nghe nói vẫn bàng hoàng mở lớn. Chú chết không nhắm mắt. Tôi đoán chắc chú Bê tự hỏi làm sao chiến tranh nỡ nhẫn tâm ngay trên những cánh đồng xanh màu hy vọng vươn lên. Làm sao máu người nông dân nhuộm đỏ từng giọt mồ hôi nhọc nhằn có thể hồi sinh được mùa lúa chín. Làm sao những giọt nước mắt của vợ con chú có thể tưới nở được những cây lúa mới đơm bông. Làm sao chỉ có chú mới gặp nỗi tình cờ oan trái đạp trái mìn nổ. Làm sao không nơi nào trên quê hương nhỏ bé này được yên cả, để những người dân hiền hòa suốt đời lam lũ như chú vẫn còn chút thật thà mộng mị "dưới quê em đâu đến nỗi chi" .
      Chú Bê chết kể như yên thắm phần chú đi, nhưng hình ảnh đang mang thai ba tháng với lũ con nheo nhóc của thím bưng mặt, lùi lại vì hoảng sợ không muốn tin rồi bổ nhào xuống trên xác chú vẫn làm người tôi run lên mỗi lần nhớ lại. Tôi thầm phục sự can đảm chịu đựng phi thường của người đàn bà ấy. Nếu là tôi, chắc tôi đã bất tỉnh chết theo chú ấy rồi.
      Thật ra thím tôi cũng đã ngất đi đó chứ. Mọi sự được lòng thương hại của bà con lối xóm xông xáo mỗi người mỗi tay. Người ta đoán chú tôi đã chết ngay sáng sớm, nhưng mãi đến quá trưa con cái đợi hoài không thấy chú về ăn cơm, thằng con lớn mới phát giác sự rủi ro ấy đầu tiên. Cả lũ con chạy ùa đi gọi thi'm, đứa lớn cõng đứa nhỏ, đứa nắm tay đứa ôm chặt mẹ chúng như sợ bị ai cướp luôn niềm trông cậy chót, đứa mếu máo, đứa lắp bắp kể rõ sự tình. Tưởng chừng thím đã có thể xỉu ngay khi nghe tin, nhưng sau đó người ta mới phải giựt tóc mai, bôi dầu cù là lên màng tang thím ở chỗ cánh đồng, nơi bên cạnh máu trên người chồng thím đã ngả màu tanh tưởi đến mời gọi lũ ruồi nhặng.
      Tội nghiệp thím tôi vì quá buồn khổ nên không giữ được núm ruột ba tháng của chú trong người. Ba tôi chôn chú Bê dưới chân núi Ngự Bình, vì muốn chú được nằm gần mộ ông nội tôi. Tôi thì thấy cảnh vật trùng điệp xung quanh gợi lên cái hữu hạn nhỏ bé của con người, và khi đứng lặng trước ngôi mộ mới đắp của chú, nhìn thẳng lên phía chân trời rực màu nắng quái lấp ló rặng cây đen, với tiếng súng nổ đâu đó lẫn trong tiếng chim chiều bơ vơ, tôi biết ba tôi muốn bày tỏ với chú Bê điều gì. Ba tôi đã không còn khóc được nữa, sau đó. Những giọt lệ khô muốn nói với người chết một lần duy nhất và trọn vẹn, ba tôi phải bỏ Huế mà đi. Như chú đã bỏ ba tôi mà đi. Như đó cũng là lời nhắn nhủ sau cùng của chú: "Chỉ có mạng sống trời cho mới đáng quí thôi, anh nờ. Anh chị cứ đi một thời gian coi răng đã... Em nói thiệt, hay là anh vô với thằng Thái ở Nha Trang cho có anh có em" .
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
(Trích truyện dài GIỌT LỆ XÉ HAI)