Philip
Roth [1933-2018]
Lời
người dịch: Philip Roth, đại thụ của văn học Mĩ đương đại, vừa tạ thế hôm thứ
ba 22/5/2018 tại New York. Cùng với Saul Bellow và John Updike, ông làm thành
bộ-ba cột trụ nâng đỡ nền văn học Mĩ suốt nửa sau thế kỉ XX và sang cả thế kỉ
XXI. Đến nay thì cả ba đã ra đi.
Sau
Thế chiến II văn xuôi Mĩ như đi vào thời kì Phục Hưng Mới. Bước ra khỏi bóng
mát của những cây cổ thụ ở nửa đầu thế kỉ như John Dos Passos, Ernest
Hemingway, William Faulkner, Henry Miller, John Steinbeck, một thế hệ những cây
bút có thực tài, tin tưởng nhiệt tình vào sự tự do tuyệt đối trong sáng tạo và
luôn luôn trung thành với nghệ thuật, đã đem lại khí hậu mới cho văn học Mĩ và
thật sự thể hiện được tiếng nói của thời đại mình. Có thể liệt kê ra đây một số
những tên tuổi quen thuộc được cả thế giới mến mộ như John Updike, Grace Paley,
Hubert Selby, Flannery O'Connor, John Cheever, Bernard Malamud, Saul Bellow,
J.D. Salinger, J.F. Powers, Raymond Carver, Ann Beattie, Andre Dubus, Richard
Ford, Mary Gaitskill, Joyce Carol Oates, Erica Jong, Toni Morrison, Joy
Williams, Jayne Anne Phillips, Tim O'Brien, Tobias Wolff, vân vân. Danh sách
dài lắm, có lẽ kể không xiết.
Nhưng
không thể không nhắc đến Philip Roth.
Ngay
với tác phẩm đầu tay, cuốn Goodbye,
Columbus (Giã từ, Columbus) xuất bản năm 1959, Roth đã thành công rực rỡ,
và tập truyện này (gồm một truyện vừa và năm truyện ngắn) được trao tặng giải
National Book, giải thưởng văn học cao quý nhất của nước Mĩ. Nói đến giải
thưởng, người ta không khỏi chóng mặt khi đếm lại những giải thưởng ông được
trao tặng trong suốt quá trình sáng tạo. Không kể những giải nhỏ, những giải thưởng sau đây đã lọt vào tay ông:
năm lần PEN, một lần Ambassador Book, một lần Pulitzer, hai lần National Book, hai lần National
Book Critic Circle. (Điều phi lí là giải Nobel Văn chương tìm mọi cách né tránh ông.) Năm 1998, toà Bạch Ốc
vinh danh ông với Huân chương Nghệ thuật Quốc gia. Năm 2001, ông được Hàn lâm
viện Văn học & Nghệ thuật trao tặng huy chương vàng bộ môn tiểu thuyết. Năm
sau Sáng hội Văn chương Quốc gia trân trọng vinh danh ông như là người có những
đóng góp cao quý nhất vào văn học Mĩ. Năm 2005, dự án Philip Roth Toàn Tập khởi in và hoàn tất năm 2012, đây là vinh dự hiếm
hoi cho một nhà văn còn tại thế.
Philip
Roth sinh năm 1933 tại Newark, bang New Jersey, nơi ông dùng làm bối cảnh địa
lí cho rất nhiều tiểu thuyết của ông kể cả cuốn American Pastoral (Miền thôn dã Mĩ quốc) trích dịch dưới đây. Thời
trẻ ông theo học tại đại học Chicago và tốt nghiệp Thạc sĩ Anh ngữ. Năm 1955
ông bị gọi nhập ngũ nhưng chỉ ít lâu sau phải giải ngũ vì bị thương trong lúc
huấn luyện tại thao trường. Ra lính, ông học tiếp lên Tiến sĩ nhưng nửa chừng
bỏ dở và từ năm 1959 ông bắt đầu viết bài điểm phim cho tạp chí New Republic. Cũng vào năm đó, cuốn Goodbye, Columbus ra đời; tác phẩm đoạt
giải National Book, và sau đó được dựng thành phim truyện. Tuy thế, phải đợi mười
năm sau, cuốn Portnoy's Complaint (Lời
than vãn của Portnoy) mới thật sự gây tiếng vang sâu rộng và tạo phản ứng mạnh
mẽ từ giới phê bình cũng như độc giả khắp nước. Cuốn sách viết về cậu trai đang
ở tuổi dậy thì với những ám ảnh tình dục và liên hệ không mấy tốt đẹp giữa cậu
và bà mẹ Do Thái.
Do Thái,
đúng hơn đời sống người Do Thái trên đất Mĩ, chiếm phần lớn nội dung tiểu
thuyết của Roth. Không khác những nhà văn đi trước ông như Malamud và Bellow, những
nhân vật trong truyện của Roth gần gũi con người ông nhất bao giờ cũng là Do Thái,
nhưng đó là những con người Do Thái không đẹp đẽ, dễ yêu chút nào. Người đọc
thường có cảm tưởng nhìn thấy chính ông với những ám ảnh của các nhân vật trong
truyện. Bị chỉ trích, ông trả lời: “Xuất
bản một tác phẩm giống như xách chiếc va-li của mình đem vứt nơi công cộng rồi
bỏ đi. Không cách nào nhà văn có thể bảo đảm chuyện gì xảy đến cho cuốn sách
của mình khi nó được tung ra ngoài thế giới.” Càng về sau Roth càng vật vã
với vấn nạn khủng hoảng căn cước.
Từ
những năm 60, Roth dạy văn chương tại nhiều đại học khác nhau, phần lớn bên
miền Đông nước Mĩ. Năm 1972, ông xuất bản cuốn The Breast (Cái vú)—nhái theo tác phẩm Hoá thân nổi tiếng của Franz Kafka, trong đó nhân vật chính diện
David Kepesh một hôm thấy mình “hoá thân” thành cái vú đàn bà khổng lồ. Kepesh
xuất hiện lần nữa trong The Professor of
Desire (Vị Giáo sư của dục vọng) (1977) và The Dying Animal (Con thú đang chết) (2001). Thập kỉ 80 không thấy
Roth viết nhiều, chỉ có cuốn The
Counterlife (Đời sống phản) xuất bản năm 1986 là đáng kể; nhưng tình trạng
lắng đọng tạm thời đó chấm dứt ở thập kỉ 90 khi Roth ào ạt trở lại với sức sáng
tác sung mãn hơn bao giờ hết và liên tiếp giật hết giải thưởng văn học này đến
giải kia. Cuốn The Human Stain (Vết
nhơ con người) xuất bản năm 2000 được dựng thành phim do Nicole Kidman và
Anthony Hopkins thủ diễn các vai chính. Cuốn tiểu thuyết viết về quan hệ tình
ái giữa ông giáo sư già một trường đại học nhỏ với người đàn bà mù chữ làm lao
công trong trường. Những cuốn quan trọng khác là: Patrimony (Di sản tổ tiên) (1991) được giải National Book Critics
Circle; cuốn Operation Shylock (Chiến
dịch Shylock) (1993) được giải PEN/Faulkner; cuốn Sabbath's Theater (Khán trường của Sabbath) (1995) được giải
National Book. Ở tuổi tác khá cao, Roth vẫn sáng tác không ngừng, mỗi năm vẫn
đều đặn cho ra đời một cuốn sách, và trái với lẽ thông thường nơi nhiều nhà văn
khác, càng về sau tiểu thuyết ông càng có giá trị văn học, minh chứng bởi những
giải thưởng văn học ông liên tiếp nhận lãnh hằng năm. Cuốn A Plot Against America (Kế hoạch phá hoại nước Mĩ), xuất bản năm
2005, viết theo thể tiểu thuyết phản lịch sử, trong đó Charles Lindberg thay vì
Franklin Delano Roosevelt đắc cử Tổng thống năm 1932 và nước Mĩ rơi vào tình
trạng quân phiệt như Đức Quốc xã. Lịch sử trong cuốn sách là một lịch sử giả
định, và được nhiều người xem là có tính tiên tri, nó dự báo việc Donald Trump
lên làm Tổng thống nước Mĩ. Sau cuốn Indignation
(Phẫn nộ) viết năm 2008, người ta tưởng ông đã ngưng viết, nhưng năm 2010, ở
tuổi 77, ông cho xuất bản cuốn Nemesis
và đây mới là tác phẩm cuối cùng của một sự nghiệp đồ sộ trên 30 cuốn sách. Sức
sáng tác của ông bền bỉ và giá trị tác phẩm cao đến độ ngay cả những kẻ nghi
hoặc nhất cũng phải kinh ngạc. Hai lần tạp chí TIME bình chọn ông là nhà văn
lớn nhất của nuớc Mĩ.
Trích
đoạn Cha Con (tựa do người dịch đặt)
nằm trong phần hai của cuốn tiểu thuyết American
Pastoral (Miền thôn dã Mĩ quốc)
xuất bản lần thứ nhất năm 1997 và được trao tặng giải Pulitzer. Bối cảnh lịch
sử là thập kỉ 60 với những xáo trộn và phân hoá chưa từng thấy trong xã hội Mĩ
do tác động trực tiếp của cuộc chiến tại Việt Nam và những biến đổi sâu sắc
trong đời sống dân Mĩ – như cuộc cách mạng tình dục – đem lại. Swede Levov,
nhân vật chính trong truyện, thời niên thiếu là một lực sĩ nhiều triển vọng,
đẹp trai, được nhiều người mến mộ. Anh thuộc thế hệ Do Thái thứ ba sinh sống ở
Newark, bang New Jersey. Cha anh có nghề làm găng tay da và khi trưởng thành
Swede thừa hưởng gia tài cha mẹ để lại, trở thành chủ nhân một doanh nghiệp lớn
và trở nên giàu có. Swede lấy vợ, hoa khôi New Jersey, và sinh được mụn con. Đó
là Merry, cô gái xinh đẹp và hết sức thông minh. Anh mua đất nơi vùng thôn dã
Old Rimrock cách xa thành phố, xây nhà cho vợ con ở. Cuộc sống gia đình anh
tưởng như nơi thiên đường.
Nhưng
thiên đường sụp vỡ khi Merry năm mười sáu tuổi đặt bom phá tan cửa hàng tạp hoá
gần trường học và làm thiệt mạng một người đàn ông. Merry không phải là cô gái
hư hỏng, ngược lại ngay từ khi còn bé thơ cô đã học hành giỏi giang, cha mẹ cô
yêu thương cô hết mực và dốc lòng chăm sóc cô đến nơi đến chốn. Tuy vậy, Merry
không trở thành cô gái tiểu thư con nhà khuê các. Mầm mống của tai hoạ bắt đầu
từ khi cô có chút trí khôn, đầu óc của cô gái nhỏ không hiểu do đâu bỗng chứa
đựng toàn những tư tưởng phẫn nộ, phản loạn. Mỗi ngày phải nhìn những hình ảnh
chết chóc phi lí của cuộc chiến tranh bên Đông Dương, cô thù ghét khôn tả cuộc
chiến đó và cô đổ tội lên các lãnh tụ quốc gia nơi cô sinh trưởng. Cô phản loạn
đến độ cô nghe theo các nhóm phản chiến đi vào con đường bạo động nhằm đánh thức
lương tâm nước Mĩ. Cô không biết hay cố tình không cần biết hành vi đó của cô
đã gây đau khổ dường nào cho hai người sinh thành ra cô.
Swede
đau khổ vô cùng. Con gái anh, sau vụ đánh bom, trốn biệt và bị công an liên
bang lên án, truy tầm. Anh sống trong lo âu, sợ hãi, nhưng một hôm, năm năm sau
khi Merry bỏ trốn, qua móc nối của người đàn bà trong phong trào phản chiến,
anh tìm gặp lại Merry…
Roth
luôn luôn dành tình cảm đậm đà cho các nhân vật của mình. Đây là đặc tính của
ngòi bút ông, trích đoạn dưới đây cho thấy điều đó. Cảm xúc tuôn chảy không
ngừng, người đọc có cảm tưởng như chính ông chịu cái đau của nhân vật. Swede
gặp con gái xong, ra về trong hoảng loạn. Về nhà anh càng hoảng loạn hơn khi
nhìn vợ. Vợ anh ngoại tình với tay kiến trúc sư, người chính tay xây cất ngôi
nhà hoành tráng của vợ chồng anh, ngôi nhà bên trong thiên đường nơi miền thôn dã nước Mĩ. – Trịnh Y Thư
Chiếm
trọn góc toà nhà cao tầng tường gạch lở lói là cái bệnh viện chó mèo, bên cạnh
khu đất trống nơi bánh xe phế thải vứt bừa bãi, cỏ dại cao tận đầu người mọc vô
trật tự, hàng rào sắt lưới mắt cáo gãy đổ xiêu vẹo bên lối bộ hành nơi anh đứng
đợi con gái mình . . . cô sống ở Newark. . . bao lâu rồi. . . nơi đâu, khu xóm
nào trong thành phố này? Không, đầu óc anh không thiếu khả năng tưởng
tượng—tưởng tượng những điều kinh khiếp giờ đây với anh trở nên quá dễ dàng,
mặc dù anh vẫn không hình dung nổi làm thế nào từ Old Rimrock cô có thể xiêu
lạc về tận nơi đây. Mất rồi những ảo tưởng cho anh bám víu hòng kềm hãm mọi
kinh ngạc đang lăm le ào tới.
Nơi
cô làm việc cho thấy cô chẳng còn tin tưởng gì vào lời kêu gọi đi thay đổi lịch
sử nước Mĩ nữa. Lối thoát hoả hoạn, cái thang sắt rỉ sét của toà nhà, nếu có ai
đặt chân lên, chắc nó sẽ gãy lìa khỏi neo móc và rơi ập xuống thôi—cái thang,
nhiệm vụ của nó không phải để cứu người trong trường hợp hoả hoạn, nó treo
toòng teng nơi đó thật vô dụng như minh chứng cho nỗi cô độc mịt mùng bấu chặt
vào cuộc sống. Với anh, nó không hề hàm chứa ý nghĩa nào khác—toà nhà đó không
tượng trưng cho bất kì ý nghĩa nào. Vâng, chúng ta đang sống cô độc, sâu thăm
thẳm nỗi cô độc, và luôn luôn chờ đón trước mặt chúng ta tầng cô độc sâu hơn.
Chúng ta chẳng thể nào chối bỏ được điều đó. Không, cô độc không làm chúng ta
lạ lùng kinh ngạc, kinh ngạc như khi chúng ta nếm mùi nó. Bạn có thể dốc lòng
dạ mình ra, nhưng làm thế thì được gì, thay vì hướng nội và cô độc thì bạn
hướng ngoại và cô độc. Hỡi Merry yêu dấu ngu xuẩn, ngu xuẩn của tôi, ngu xuẩn
hơn cả người cha ngu xuẩn của con, phá sập nhà cửa dinh thự đem lại ích lợi gì
đâu. Cô độc nếu có những toà nhà và cô độc nếu không có những toà nhà. Chẳng ai
phản đối được sự cô độc—tất cả những cuộc tấn công bằng bom đạn trong lịch sử
có bao giờ gây vết trầy nhỏ nào lên nó đâu. Chất nổ tàn hại độc phá nhất của
con người cũng chẳng đụng tới nó. Hỡi đứa con dại khờ của tôi, đứng sừng sững
đầy khiếp hãi trước mặt không phải là Chủ nghĩa Cộng sản mà là nỗi cô độc
thường tình, bình nhật. Lễ Lao động con hãy đi diễn hành với bạn bè để vinh
danh nó, siêu lực của những siêu lực, sức mạnh phủ trùm lên mọi vật. Hãy đặt
hết niềm tin, hãy thờ phượng—hãy quỳ xuống phủ phục không phải trước mặt Karl
Marx, hỡi đứa con nói lắp, phẫn nộ, ngu muội của tôi, không phải Hồ Chí Minh,
không phải Mao Trạch Đông—hãy quỳ xuống và phủ phục trước mặt Chúa Cô Độc vĩ
đại!
Con
cô đơn quá, cô thường bảo anh vậy lúc cô còn là cô gái bé thơ, và anh không
hiểu cô học chữ đó từ đâu. Cô đơn. Từ ngữ thốt ra từ miệng đứa trẻ lên hai nghe
sao thê thiết. Nhưng cô biết nói quá nhiều và quá sớm, ngay từ buổi đầu cô đã
ăn nói thật dễ dàng, sắc sảo—và biết đâu đó chính là cái gì ẩn nấp đằng sau tật
nói lắp, những chữ cô thành thuộc một cách kì quái trước khi những đứa trẻ khác
biết cách phát âm tên của chính mình, một tình trạng quá tải vốn liếng từ vựng
trong đó có cả câu nói kêu rêu “Con cô đơn quá.” Cô chỉ trò chuyện được với
anh. “Bố ơi! Mình nói chuyện này đi.” Thường câu chuyện xoay quanh mẹ cô. Cô
bảo anh mẹ bình phẩm quá nhiều về quần áo, tóc tai cô. Mẹ muốn cô phải ăn mặc
như người lớn chứ không như những đứa trẻ khác. Merry thích để tóc dài như
Patti, nhưng mẹ muốn cô cắt tóc ngắn. “Chắc mẹ sẽ hài lòng vui sướng lắm nếu
con mặc đồng phục như hồi đó mẹ mặc ở trường St. Genevieve.” “Mẹ là người bảo
thủ, thế thôi. Nhưng con thích đi sắm hàng với mẹ mà.” “Đi mua sắm với mẹ con
chỉ thích lúc ăn trưa, ăn trưa vui lắm. Đôi khi chọn quần áo cũng thích. Nhưng
lúc nào mẹ cũng n-n-n-n-nói quá nhiều.” Bữa trưa ở trường học cô chẳng bao giờ
chịu ăn thức ăn mẹ cô bới cho cô đem theo. “Bánh mì kẹp thịt thấy mà ghê. Xúc xích
gan thấy mà ghê. Cá tu-na để trong túi ướt nhẹp. Món duy nhất con thích ăn là
thịt dăm bông Virginia, nhưng phải
lột vỏ bì. Con cũng thích ăn s-s-súp nóng nữa.” Nhưng khi cầm theo bình thuỷ
đựng súp đến trường, cô cứ làm vỡ bình. Nếu không tuần lễ đầu thì tuần thứ nhì.
Dawn mua cho cô loại bình không vỡ nhưng ngay thế cô vẫn đập nó vỡ tan như
thường. Đó là mức độ đập phá nơi con người cô.
Đi
học về, trong lúc nướng bánh với Patti, bạn cô, Merry lúc nào cũng phải đập
trứng vì Patti bảo đập trứng làm cô nhợn nhạo. Merry cho đấy là chuyện vớ vẩn,
thế là một hôm cô đập quả trứng ngay trước mặt Patti và cô gái này nôn thốc ra.
Đó là tính đập phá trong con người cô—đập bình thuỷ và đập trứng. Và vứt đi tất
cả những gì mẹ cô bắt cô đem theo lúc đến trường. Không bao giờ than phiền, chỉ
không chịu ăn. Khi Dawn bắt đầu nghi ngờ hành vi đó của con gái và hỏi cô ăn gì
trong trường, Merry có lẽ vứt thức ăn mà chẳng hề mở hộp xem có gì bên trong.
“Đôi lúc mẹ nghĩ con là đứa trẻ bất trị,” Dawn bảo cô vậy. “Không đâu. Con
không b-b-b-bất trị như thế đâu nếu mẹ đừng hỏi con ăn gì trong trường.” Điên
tiết, mẹ cô nói, “Merry, thật chẳng dễ dàng chút nào để làm nên con người con,
phải không?” “Mẹ à, con nghĩ để làm nên con người con có lẽ còn dễ dàng hơn là
lại g-g-gần con.” Với cha cô, cô tâm sự, “Con nghĩ trái cây cũng chẳng có gì
h-h-hấp dẫn nên con vứt đi luôn.” “Và cả sữa con cũng vứt.” “Bố à, sữa hết lạnh
uống sao nổi.” Nhưng dưới đáy hộp đồ ăn trưa bao giờ cũng có đồng mười xu để
mua kem, và cô chỉ ăn có thế. Không thích mù-tạt. Đó là lời than phiền khác của
cô ít năm trước khi cô bắt đầu than phiền về Tư bản chủ nghĩa. “Bố ơi, trẻ con
làm cái gì?” Cô hỏi anh. Câu trả lời là Patti. Patti ăn bánh mì kẹp thịt có
mù-tạt và phó-mát; Merry, trong những lần tâm sự trò chuyện với cha, không thể
nào hiểu nổi điều đó. Bánh mì quết phó-mát nướng chảy là cái gì Merry thích ăn
hơn cả. Phó-mát Muenster nướng cho chảy ra rồi ăn với bánh mì trắng. Ở trường
học ra, Merry rủ Patti về nhà, và bởi Merry vứt hết thức ăn trưa rồi, hai đứa trẻ
lúi húi nướng phó-mát ăn với bánh mì. Đôi khi chỉ là phó-mát nướng trên mảnh
giấy nhôm. Cô dám chắc cô có thể sống ăn độc món phó-mát nướng chảy nếu có ngày
cô phải sống như thế, cô bảo cha cô vậy. Có lẽ đó là hành vi vô trách nhiệm
nhất của đứa trẻ—sau buổi học về nhà nướng phó-mát trên giấy nhôm rồi nhồm
nhoàm ăn—cho đến khi cô ném bom phá nổ tan tành cửa hàng tạp hoá. Ngay chuyện
Patti làm cô khó chịu cô cũng chẳng bao giờ nói ra, bởi cô sợ Patti đau lòng.
“Đến nhà chơi mãi cũng có lúc p-p-p-phát chán chứ.” Nhưng với Dawn cô luôn luôn
làm ra vẻ cô muốn Patti ở chơi lâu hơn. Mẹ ơi, Patti ở lại ăn cơm tối với mình
được không? Mẹ ơi, Patti ở lại ngủ đêm chung với con được không? Mẹ ơi, Patti
đi giày bốt của con được không? Mẹ ơi, mẹ chở con và Patti xuống quê chơi đi.
Năm
lớp năm cô tặng mẹ món quà nhân Ngày Hiền Mẫu. Ở trường, các cô cậu học sinh
được hỏi làm gì cho mẹ, cô viết lên tấm vải lớn mỗi thứ sáu trong tuần cô sẽ
nấu cơm tối cho mẹ, một nghĩa cử khá rộng rãi nơi đứa trẻ lên mười nhưng cô
không quên lời hứa đó phần lớn chỉ vì cô muốn chí ít một lần trong tuần có món ziti nướng trên bàn ăn; thêm nữa, nếu
nấu ăn cô không phải dọn bàn rửa bát. Có Dawn phụ giúp, thi thoảng cô nấu món lasagna hoặc sò nhồi thịt, nhưng món ziti nướng bao giờ cũng do cô chính tay
làm lấy. Đôi ba thứ sáu có nui trộn phó-mát nhưng thường vẫn là ziti nướng. Điều quan trọng là phải canh
chừng cho phó-mát chảy ra, mặc dù quan trọng không kém mặt trên phải cứng giòn.
Anh là người có nhiệm vụ dọn dẹp bát đĩa mỗi lần cô làm món ziti, và lần nào anh cũng phải rửa ráy một
đống đồ dùng. Nhưng anh yêu thích chuyện đó. “Nấu ăn thích lắm nhưng dọn dẹp
thì chẳng vui thú tí nào,” cô tâm sự với anh, nhưng anh không thấy vậy khi
Merry nấu ăn. Anh nghe nói trên đường 49 có nhà hàng làm món ziti nướng ngon nhất New York, anh liền
đưa gia đình đến ăn ở tiệm Vincent đều đặn mỗi tháng một lần. Anh đưa vợ con
vào xem Radio City hoặc một vở nhạc kịch Broadway nào đó rồi kéo nhau vào tiệm
Vincent. Merry thích tiệm này lắm. Anh chàng chạy bàn trẻ trung tên Billy cũng
tỏ ra yêu mến cô đặc biệt vì cậu em anh chàng cũng bị tật nói lắp giống cô. Anh
ta kể cho Merry nghe về những ngôi sao TV và điện ảnh đến ăn ở tiệm. “Ghế bố em
đang ngồi kìa, thấy không? Signorina,
thấy cái ghế đó không? Tối qua Danny Thomas ngồi ngay đấy. Em biết Danny Thomas
nói gì khi có người lạ đến làm quen không?” “Kh-kh-kh-không.” “Ông ấy nói 'Hân
hạnh được gặp ông.'” Sáng thứ hai, ngày hôm sau, tại trường, cô lặp lại những
gì Billy của tiệm Vincent ở New York kể cô nghe tối hôm trước. Có đứa trẻ nào
vui sướng hơn không? Một đứa trẻ ít phá hoại hơn? Một signorina be bé được cha mẹ yêu thương hơn? Không.
*
Mụ
đàn bà da đen người to béo như con ngựa kéo xe thồ, mụ mặc quần màu vàng bó sát
đùi, chân đi giày cao gót, khập khiễng tiến đến anh, một tay mụ chìa ra mảnh
giấy nhỏ. Vết thẹo chằng chịt trên khuôn mặt mụ. Anh biết mụ đến báo tin con
gái anh đã chết. Mảnh giấy viết thế. Chữ viết của Rita Cohen trên mảnh giấy. Mụ
bảo anh: “Thưa ngài, ngài có thể chỉ đường cho tôi đến Salvation Army được không?” “Có Salvation
Army quanh đây à?” Anh hỏi lại mụ. Trông mụ chẳng có vẻ gì là đang nói sự thật.
Mụ đáp lời, “Ừm, tôi nghĩ vậy,” Mụ giơ lên mảnh giấy, “Trong này nói thế. Ngài
biết nó ở đâu không, thưa ngài.” Bất kì câu nói nào bắt đầu hay chấm dứt bằng
tiếng ngài thường có nghĩa là “Tôi muốn tiền,” và vì thế anh rút túi đưa cho mụ
xấp giấy bạc, mụ lảo đảo quành bước rồi biến dạng vào hầm cầu, nhưng sau đó anh
chẳng thấy bóng dáng ai hiện ra.
Anh
đứng chờ bốn mươi phút và có lẽ bốn mươi phút nữa, có lẽ đến khi trời tối, tối
mịt không chừng, người đàn ông mặc trên người bộ com-lê trị giá bảy trăm đô la,
đứng dựa lưng vào cột đèn điện như gã lang thang không nhà áo quần rách rưới,
người đàn ông với nhân dáng bề ngoài cho thấy ông ta là nhân vật chỉ biết đi dự
hội họp và quan tâm đến chuyện kinh doanh, xã hội, chứ không thể là người chủ ý
ra đứng lảng vảng trên con lộ đổ nát gần trạm ga xe lửa, người đàn ông có lẽ là
kẻ giàu có từ phương xa đến ngỡ mình lạc vào khu chị em ta, và đang giả tảng
nhìn bâng quơ lên bầu trời trong lúc đầu óc đầy ắp những điều bí mật và nhịp
tim thình thịch đập (quả đúng như vậy.) Trong trường hợp Rita Cohen nói thật,
một sự thật khiếp hãi, có lẽ anh sẽ đứng canh chừng nơi đó suốt đêm cho đến khi
trời ửng sáng ngày hôm sau, với ý tưởng trong đầu anh sẽ bắt gặp Merry đi làm.
Nhưng may mắn biết bao, sau bốn mươi phút cô xuất hiện, người đàn bà dáng thanh
cao, nhưng chắc anh chẳng bao giờ nhận ra đó là con gái mình nếu anh không được
mách trước đấy chính là nơi anh sẽ tìm thấy cô.
Một
lần nữa trí tưởng tượng của anh thất bại. Anh có cảm tưởng anh không điều khiển
nổi các cơ bắp trong người anh nữa, một khả năng anh thuần thục từ năm hai
tuổi—anh không ngạc nhiên nếu mọi thứ trong người anh, kể cả máu, tung toé đổ
xuống mặt đường. Làm sao anh chiến đấu nổi. Làm sao anh đem chuyện này về nhà
đối diện khuôn mặt tinh khôi của Dawn. Những ngọn đèn điện sáng trưng của trần
nhà bếp hiện đại chẳng thể nào soi đường cho cô ra khỏi cảnh này để trở về chốn
cũ. Một nghìn tám trăm đêm buông thả cho trí tưởng tượng nổi trôi trong đầu
người cha kẻ sát nhân vẫn không thể giúp anh chuẩn bị đối đầu với cuộc sống lẩn
trốn của cô hiện tại. Không phải vì thế mà FBI vẫn không phăng ra manh mối.
Thật quá khủng khiếp cho anh chỉ cần lướt qua ý nghĩ làm thế nào cô có thể trở
thành con người như ngày hôm nay. Nhưng quay lưng lại chính con gái mình ư?
Trong sợ hãi? Còn tâm hồn cô để nâng niu yêu thương chứ. “Đời sống!” Anh tự
nhủ. “Không thể để mất con được! Đời sống của mình, của con!” Ngay lúc đó Merry
nhận ra anh, và cho dù làm được, anh không thể quay lưng bỏ chạy, bởi đã quá
trễ rồi.
Nhưng
nếu bỏ chạy, anh sẽ chạy đến cái gì đây? Đến Swede, kẻ chạy đua không biết mệt
chăng? Đến thằng cha Swede, phúc đức thay, quên bẵng hắn là ai và đầu óc trống
trơn chăng? Đến Swede Levov của ngày xửa ngày xưa . . . Anh
cũng có thể tìm đến nhờ mụ đàn bà da đen to béo mặt đầy thẹo giúp đỡ, hỏi mụ về
chính anh, “Thưa bà, bà biết tôi đang ở đâu không? Bà biết tôi đang đi đâu
không?”
Merry
trông thấy anh. Làm sao cô không thấy anh được? Làm sao cô không thấy anh ngay
cả khi anh đứng trên con đường nơi hiện hữu sự sống chứ không phải cái chết,
nơi cảnh người đua chen bừng bừng sức sống đầy mạnh mẽ chứ không phải khoảng
chân không vắng lạnh hoang tàn này? Cha cô đấy, người đàn ông điển trai thân
hình cao gần hai thước, chẳng cô gái nào có được người cha điển trai đến vậy.
Cô chạy băng qua đường, con người khiếp hãi này, và giống như đứa trẻ vô tư lự
như anh có thời cảm thấy thích thú hồi tưởng chính anh cũng vậy—cô bé gái từ
xích đu bên ngoài ngôi nhà đá chạy ùa vào—cô ôm chầm lấy anh, hai tay vòng lên
bá cổ anh. “Bố! Bố!” Tiếng cô thốt ra từ bên trong tấm mạng che kín nửa mặt
dưới—không thấy miệng và cằm cô đâu, tấm mạng chỉ là miếng giẻ rách xé ra từ
chiếc vớ ni lông cũ—cô cất tiếng gọi con người cô thù ghét thật trơn tru, không
chút gượng gạo, như bất kì đứa trẻ nào, và giống như người lâm vào thảm kịch
không biết mình là con cái nhà ai.
Cha
con cứ thế khóc mùi mẫn, người cha vững vàng, người quản chế mọi trật tự, người
không thể để bất kì dấu hiệu hỗn loạn nào xảy ra—giữ không cho hỗn loạn lại gần
là con đường đã chọn của trực giác tiến đến đích thực, điều hẳn nhiên chắc nịch
thường ngày của đời sống—và cô con gái, cô chính là sự hỗn loạn đó.
*
Cô
theo đạo Jain. Cha cô không hiểu đó
là cái gì cho đến lúc với giọng nói đều đều như lời kinh cầu—giọng nói trơn tru
có lẽ cô nói trong nhà nếu cô được chữa khỏi tật nói lắp trong lúc sống dưới sự
bảo bọc yêu thương của cha mẹ—cô bảo anh Jain
là một giáo phái nhỏ bên Ấn Độ. Anh có thể chấp nhận điều đó không khó khăn,
nhưng anh không rõ Merry sống như bây giờ bởi giáo lí bắt vậy hay do chính cô
tự đặt ra, ngay cả nếu cô quả quyết tất cả mọi sinh hoạt của cô bây giờ đều là
sự biểu hiện niềm tin tôn giáo. Cô che mặt bằng tấm mạng để tránh gây nguy hại
đến các vi sinh vật sống trong không khí. Cô không tắm rửa bởi cô tôn trọng mọi
sinh thể khác kể cả loài côn trùng. Cô không rửa ráy, cô nói, “vì rửa ráy gây
tác hại đến nước.” Cô không đi đâu lúc trời tối, ngay cả trong phòng riêng, bởi
cô sợ bàn chân cô đè bẹp làm chết sinh vật nào đó. Cô giải thích bên trong bất
cứ hình thái vật chất nào cũng có linh hồn nhốt bên trong; hình thái đời sống
càng thấp, linh hồn nhốt bên trong càng đau đớn. Con đường duy nhất để giải
thoát khỏi vật chất và đạt tới “cõi chân phúc vĩnh cửu dựa vào cuộc sống tự
túc” là con đường tiến tới một “linh hồn toàn bích.” Cô kính cẩn gọi thế. Người
ta chỉ có thể đạt tới cõi toàn bích này qua sự tu tập khổ hạnh, quên mình và
qua học thuyết ahimsa, tức bất bạo
động.
Năm
“lời nguyện” đánh máy trên mấy tấm cạc nhỏ dán trên tường bên cạnh một đống nệm
cao su cáu ghét nằm dưới sàn nhà bẩn thỉu. Đó là chỗ ngủ của cô, và bởi không
còn gì khác ngoài đống cao su trong góc phòng và đống giẻ rách—áo quần của cô—ở
góc bên kia, đó cũng là nơi cô ngồi gặm những gì lây lất nuôi sống cô. Ít lắm,
vô cùng ít, dựa vào sắc diện của cô hiện tại; trông cô như đang ở Delhi hay
Calcutta, không ai có thể tưởng tượng nổi cô chỉ cách Old Rimrock năm mươi phút
lái xe, cô là người đang chết đói không phải vì niềm tin chân thành của mình
vào đức tu khổ hạnh mà là con người cùng khốn bị mọi người khinh khi ghét bỏ,
đang lê lết đôi chân yếu đuối bước những bước đi tội nghiệp.
Căn
phòng nhỏ lắm, nhỏ ghê rợn hơn cả phòng giam nhà tù trẻ vị thành niên mà những
đêm nằm trằn trọc trên giường anh tưởng tượng có ngày vào thăm cô sau khi cô bị
bắt giữ. Từ bệnh viện chó mèo đi về phía trạm ga xe lửa đoạn rẽ sang hướng tây,
anh theo cô về phòng sau khi chui qua gầm cầu dẫn đến xa lộ McCarter, cái gầm
cầu dài không quá năm mươi thước nhưng là nơi người lái xe phải khoá cửa xe cẩn
thận mỗi lần chạy ngang. Gầm cầu tối đen, lối đi bộ bừa bãi những món vật không
ai hình dung nổi là gì lẫn lộn với bàn ghế cũ gãy nát, lon bia, chai lọ. Bảng
số xe dưới chân. Mười năm rồi không ai buồn dọn dẹp chỗ đó. Có lẽ chẳng bao
giờ. Mỗi bước chân đi anh nghe tiếng thuỷ tinh vỡ rào rạo dưới đế giày. Ngay
giữa lối đi bỗng có quầy rượu nằm chình ình. Nó ở đâu ra? Ai đem nó đến đây?
Một cái quần đàn ông. Dơ bẩn. Người đàn ông là ai? Chuyện gì xảy đến cho gã?
Swede sẽ không kinh ngạc chút nào nếu anh chợt nhìn thấy cánh tay hay ống chân
của ai đó nằm dưới đất. Một túi rác chận ngay lối đi. Màu đậm. Cột chặt. Cái gì
nằm trong túi rác? Nó to vừa để chứa xác một người chết. Và cũng có thân xác
những người sống, lẫn lộn ngập ngụa trong đống rác, những con người mặt mày
hung tợn lẩn trong bóng tối. Và bên trên thành cầu, tiếng xe lửa chạy ầm
ầm—tiếng xe lửa chạy về trạm ga nghe từ bên dưới đường sắt. Năm, sáu trăm
chuyến xe lửa mỗi ngày, ngay trên đầu.
Để
đến phòng trọ của Merry bên cạnh xa lộ McCarter, bạn phải bước qua cái gầm cầu
đó, cái gầm cầu khiếp hãi như bất kì gầm cầu xa lộ nào trên thế giới chứ không
riêng gì ở Newark này.
Cha
con đi bộ bởi cô không muốn lên xe cho anh lái. “Bố! Con chỉ đi bộ chứ không
đặt chân lên ô tô bao giờ,” thế là anh đành bỏ xe lại đại lộ Railroad cho ai đó
đến lấy trộm, và cuốc bộ mười phút đồng hồ bên cạnh cô đến phòng trọ, đi được
mươi bước suýt nữa nước mắt anh đã trào ra nếu anh không luôn tự nhắc nhở thầm,
“Đây là đời sống! Đây là đời sống cha con mình! Mình không thể để mất con,” và
nếu anh không nắm tay cô trong lúc đi xuyên qua cái gầm cầu kinh khiếp đó, “Đây
là bàn tay con mình, bàn tay Merry. Không có gì trọng đại hơn bàn tay con gái
mình.”
*
Cô
kể anh nghe những chặng đường cô trải qua.
Và
anh nghe với tâm trạng gì? Thắc mắc: Giả như có lúc trong đời sống gia đình
trước khi cô đi vào con đường lầm lỡ, lúc đó là lúc nào và ở đâu? Suy nghĩ:
Chẳng bao giờ có lúc đó, chẳng bao giờ có một Merry ngoan ngoãn vâng lời, suốt
chừng đó năm trời cô đánh lừa vợ chồng anh, cho vợ chồng anh cảm tưởng cô an
toàn nằm dưới sự bảo bọc của cha mẹ. Suy nghĩ: Vô ích thôi, mọi việc anh làm.
Chuẩn bị, tập tành, trách nhiệm; quên mình để chu toàn những điều thiết yếu,
những gì quan hệ nhất; xây dựng một cách có hệ thống, quan sát tỉ mỉ mọi vần
đề, lớn hay nhỏ; không phó mặc, không buông thả, không lười nhác; kiên trì làm
tròn mọi bổn phận, năng nổ đáp ứng mọi yêu cầu . . . danh
sách dài như Hiến pháp nước Mĩ, những tín điều của anh—và tất cả đều vô ích.
Tất cả chỉ là sự hệ thống hoá những điều vô ích. Còn lại là chính anh, kẻ bị
trói buộc bởi muôn vàn trách nhiệm.
Suy
nghĩ: Con mình không ở trong tay mình, nó chẳng bao giờ nằm trong tay mình cả.
Số phận nó nằm trong tay một thế lực khốn nạn. Cái gì hết sức là điên rồ. Tất
cả chúng ta đều thế. Người lớn không mang trọng trách này. Chính họ không ai
chịu trách nhiệm này. Có cái gì khác.
Vâng,
ở tuổi bốn muơi sáu, năm 1978, sau gần ba phần tư thế kỉ xác trẻ nít và cha mẹ
chúng bị băm vằm quăng ra bừa bãi khắp nơi, Swede mới nhận thức là tất cả chúng
ta đều nằm dưới sự kiềm toả của thứ thế lực vô cùng điên khùng đó. Ông bạn ơi,
chỉ là vấn đề thời gian thôi. Tất cả chúng ta đều chịu chung số phận!
Anh
nghe tiếng chúng cả cười, bọn Weathermen,
bọn Panthers, đoàn binh ô hợp đầy
phẫn nộ của những con người Bất Tha Hoá bạo tàn, bọn chúng gọi đích danh anh là
kẻ tội phạm và thù ghét anh cay đắng chỉ vì anh là kẻ có của. Cuối cùng Swede
nhìn ra! Chúng sung sướng đến mê say, hả hê vì huỷ hoại được cô gái cưng của
anh, đời sống riêng tư anh cũng bị chúng phá nát, rốt cuộc chúng lùa anh lọt
vào chân lí của chúng, một chân lí như chúng biết là chân lí của mỗi người đàn
ông, đàn bà, trẻ nít Việt Nam, mỗi cộng đồng da đen trong nước Mĩ, bất kì người
nào trên mặt đất bị rút rỉa bởi bọn tư bản tham lam tàn độc. Sự điên khùng
chính là lịch sử nước Mĩ! Đó là đế quốc Mĩ! Đó là Chase Manhattan và General
Motors và Standard Oil và Newark Maid Leather! Xin mời các ngươi
vào, bọn chó tư bản! Hân hoan chào mừng nhân loại nằm-dưới-sự-dày-xéo-của-nước-Mĩ!
Cô
thuật lại bảy mươi hai tiếng đồng hồ sau vụ nổ bom, cô trốn tại nhà riêng của
Sheila Salzman, người nữ bác sĩ trước đây giúp cô chữa bệnh nói lắp, ở
Morristown. Cô an toàn mò đến nhà Sheila, được bà cho vào nhà và ban ngày ẩn
náu trong phòng đợi bên cạnh văn phòng làm việc của bà còn ban đêm cô ngủ ngay
trong văn phòng. Thế là bắt đầu cuộc sống lẩn trốn của cô. Trong vòng hai tháng
trời, cô có đến mười lăm cái tên giả khác nhau và cứ bốn năm ngày lại phải di
chuyển chỗ ở. Nhưng khi đến Indianapolis, cô làm quen với một đại diện phong
trào, người này chỉ biết cô là thành phần phản chiến đang sống lẩn trốn chính
quyền. Cô ra nghĩa trang thấy trên bia mộ tên đứa bé sơ sinh sinh cùng năm với
cô, cô lấy tên đứa bé làm tên mình rồi đi xin giấy khai sinh, và từ đó cô có
cái tên khác là Mary Stoltz. Sau đó, cô còn đi xin thẻ thư viện và số An sinh Xã
hội, và bằng lái xe khi cô mười bảy tuổi. Trong gần năm trời—qua sự giới thiệu
của người đại diện—Mary Stoltz kiếm sống bằng nghề rửa chén trong nhà bếp một
viện dưỡng lão, cho đến một buổi sáng ông ta gọi điện thoại và bảo cô phải đến
gặp ông ta ngay tức khắc tại bến xe đò Greyhound. Tại bến xe, ông ta nhét vào
tay cô cái vé xe đi Chicago, bảo cô ở lại đó hai ngày rồi mua vé đi thẳng sang
Oregon—phía bắc thành phố Portland có khu trại tập thể nơi cô có thể dùng làm
nơi ẩn náu. Ông ta cho cô địa chỉ khu trại tập thể và ít tiền để mua quần áo,
thức ăn và vé xe đò, cô đến Chicago, tại đây, ngay đêm đầu tiên, cô bị hãm
hiếp. Bị bắt cóc, hãm hiếp, trấn lột. Mới mười bảy tuổi đầu.
Tại
nhà bếp một quán rượu tồi tàn dưới mặt đường và không được tử tế như nhà bếp viện
dưỡng lão, cô rửa bát kiếm tiền đi Oregon. Ở Chicago không ai trợ giúp cô và cô
cũng không dám bắt liên lạc với người trong phong trào bởi cô sợ không may có
chuyện gì sai lầm cô sẽ bị công an bắt. Ngay cả dùng điện thoại công cộng gọi
cho người đại diện phong trào ở Indianapolis cô cũng không dám. Cô bị hiếp lần
nữa (tại phòng trọ thứ tư) nhưng lần này cô không bị cướp tiền, và vì thế sau
sáu tuần lễ rửa bát cô dành dụm được ít tiền đủ để lên đường sang Oregon.
Thời
gian ở Chicago, nỗi cô độc phủ trùm, cô cảm thấy nó như dòng nước xuyên chảy
qua người cô. Không ngày nào, có hôm không giờ khắc nào cô không nghĩ đến
chuyện ra gọi điện thoại về nhà ở Old Rimrock. Nhưng lần nào cũng thế, trước
khi kịp nghĩ ngợi đến căn phòng thời thơ ấu của mình vốn có thể hoàn toàn biến
đổi con người hiện tại của cô, cô tạt vào tiệm ăn nào đó rồi ngồi tại quầy ăn,
gọi nhà bếp làm cho mình cái bánh mì kẹp thịt cùng li sữa đánh kem va-ni. Lần
nào cũng một câu nói tương tự, đoạn cô ngồi nhìn miếng thịt mỡ heo co rút trên
mặt chảo nóng, nhìn lát bánh mì nhảy lên từ lò nướng, cẩn thận rút cây tăm cắm
trên ụ bánh khi phần ăn được mang lên, vừa ăn vừa uống sữa đánh kem, đặt hết
tinh thần nhai từng cùi rau diếp nhạt thếch, cho thấm vào miệng vị béo xông
khói của miếng thịt mỡ heo chiên giòn và vị ngọt của lát cà chua mềm mại, nuốt
vào bao tử mọi thứ cùng với bánh mì quết xốt me-on-ne, kiên nhẫn cho xương quai
hàm và hàm răng làm việc, nghiền nát từng miếng trong miệng để nỗi u hoài trong
lòng dịu xuống—cô chăm chú đặt hết tinh thần vào phần ăn như đàn bò mẹ cô nuôi
chăm chỉ nhai rơm trong máng—cho cô can đảm một mình tiếp tục cất bước. Cô ăn
hết đĩa bánh và uống cạn li sữa đánh kem, lòng hồi tưởng lại chặng đường đã qua
và hình dung ra chặng đường trước mặt. Khi rời Chicago, cô khám phá ra một
điều, đó là cô không cần có một mái nhà; cô sẽ không bao giờ để tình cảm mình
chi phối phải nặng lòng lưu luyến mái ấm gia đình.
Ở
Oregon, cô dính líu đến hai vụ đặt bom.
Thay
vì ngưng tay, cô thấy tinh thần phấn chấn hơn sau vụ đánh bom gây tử vong người
đàn ông tên Fred Conlon; sau Fred Conlon, thay vì bị lương tâm đánh gục, cô rũ
sạch mọi sợ hãi vu vơ và niềm ăn năn hối hận. Nỗi kinh hoàng sau khi giết
người, dù không chủ tâm, một người vô tội, một người tốt lành như bất kì con
người tốt lành nào cô muốn gặp, không hề dạy cô bài học về điều ngăn cấm cơ bản
nhất, và dù được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, trong cơn mê loạn say sưa cô không
nhìn ra. Cái chết của người đàn ông tên Conlon chỉ làm gia tăng niềm tin tưởng
cuồng nhiệt của cô vào lí tưởng cách mạng, cô không nhụt chí dùng những phương
tiện, dù tàn bạo đến đâu chăng nữa, để tấn công vào thành trì tội ác. Chống đối
lại bất cứ thứ gì tốt đẹp trong cái nước Mĩ sa đoạ đều cao đẹp chứ không hoa
hoè như những món đồ xinh xắn cô treo trên tường phòng ngủ của cô, cô chứng
minh được như thế.
“Chính
con là người đặt bom?” Anh hỏi cô.
“Vâng,
chính con.”
“Ở
Hamlin và Oregon, cũng chính là con?”
“Vâng.”
“Ở
Oregon, có ai chết không?”
“Có.”
“Ai?”
“Người
ta.”
“Người
ta,” anh lập lại. “Bao nhiêu người chết, hả Merry?”
“Ba.”
Cô trả lời.
Tại khu
trại tập thể, đồ ăn thức uống không thiếu. Ở đó, người ta tự trồng trọt nhiều
loại thực phẩm và vì thế cô không phải đêm đêm đi mò rau cải trái cây hư thối
bên ngoài siêu thị như thời gian cô mới đặt chân đến Chicago. Cũng tại nơi đây
cô bắt đầu ngủ với người đàn bà cô yêu, bà ta là vợ anh thợ dệt. Merry học chạy
máy dệt từ anh thợ những lúc cô không bận lắp ráp bom. Lắp ráp bom trở thành
tay nghề của cô sau khi cô thành công đặt quả thứ hai và thứ ba. Cô yêu thích
sự kiên nhẫn và chuẩn xác cần thiết để nối dây nhợ từ thanh thuốc nổ vào bộ
phận nổ và từ bộ phận nổ vào cái đồng hồ báo thức Woolworth. Đây là lúc tật nói lắp của cô dần dà biến mất. Cô không
bao giờ nói lắp trong lúc làm việc với thuốc nổ.
Bỗng
xảy ra chuyện bất hoà giữa vợ chồng anh thợ dệt, hai người cãi nhau kịch liệt
và Merry phải bỏ khu trại tập thể ra đi để tìm lại sự yên ổn trong trại.
Giữa
thời gian nương náu ở Idaho, nơi cô làm việc trong những rẫy khoai, cô quyết
định trốn sang Cuba. Đêm đêm trong căn phòng khu ba-rắc của nông trại cô học
tiếng Tây Ban Nha. Sống chung đụng với những thành phần lao động trong nông
trại, cô càng cảm thấy tin tưởng hơn vào con đường mình đang theo đuổi, mặc dù
những gã nông dân uống rượu vào say sưa làm nhiều điều sằng bậy dễ sợ và cô lại
bị hiếp nhiều lần. Cô tin là sang Cuba cô có thể sống bên cạnh những công nhân
mà không phải e sợ sự bạo hành từ họ. Ở Cuba cô vẫn là Merry Levov chứ không
phải Mary Stoltz.
Tại
thời điểm này cô đi đến kết luận là sẽ chẳng bao giờ vận động được cuộc cách
mạng bên trong nước Mĩ để lật đổ mọi lực lượng kì thị, phản động và tham tàn.
Chiến tranh du kích trong thành thị là vô ích thôi khi phải đương đầu với một
siêu cường nguyên tử không hề ngần ngại dùng bất cứ biện pháp nào để bảo vệ đặc
quyền đặc lợi của nó. Bởi cô không hỗ trợ được cuộc cách mạng bên trong nội địa
nước Mĩ, hi vọng duy nhất của cô là hiến thân cho cuộc cách mạng đã mở màn. Nếu
được vậy, cuộc sống lưu vong của cô có cơ chấm dứt và giai đoạn mới thật sự bắt
đầu.
Năm
kế đó cô tập trung mọi cố gắng tìm đường xuống Cuba, tìm đến Fidel, người giải
phóng giai cấp vô sản và xoá tan mọi bất công với chủ nghĩa xã hội. Nhưng tại
Florida lần đầu cô chạm trán với công an liên bang. Tại Miami có một công viên
đầy dân tị nạn Dominica la cà. Nơi đây thật tốt cho cô tập nói tiếng Tây Ban Nha
và chẳng bao lâu cô biến thành cô giáo dạy tiếng Anh cho đám thanh thiếu niên.
Chúng mến cô lắm và gọi cô là La Farfulla,
cô gái cà lăm, cô bỏ qua, tha cho chúng trò tinh nghịch nói lắp theo cô những
chữ tiếng Anh cô dạy chúng đọc. Nhưng cô nói tiếng Tây Ban Nha khá lưu loát,
không ngọng ngịu, ngập ngừng chút nào. Thêm một lí do nữa để chạy theo cánh tay
cách mạng thế giới.
Một
hôm, Merry thuật tiếp, cô để ý thấy một gã da đen lạ mặt đi lang thang đến công
viên kín đáo quan sát cô dạy học bọn thanh thiếu niên. Cô nhận ra ngay điều này
có nghĩa là gì. Một ngàn lần trước đó cô nghĩ FBI đang theo dõi cô và một ngàn
lần cô lầm tưởng—ở Oregon, Idaho, Kentucky, Maryland, FBI theo dõi cô lúc cô
đứng bán hàng trong tiệm tạp hoá; lúc cô ngồi ăn trong tiệm ăn; lúc cô rửa bát
nơi phòng ăn tập thể; lúc cô về nhà nơi cô cư ngụ trên con phố tồi tàn; lúc cô
trốn trong thư viện nơi cô đọc báo và nghiền ngẫm tư tưởng những nhà cách mạng,
thông hiểu Marx, Marcuse, Malcolm X, và Frantz Fanon, nhà lí thuyết người Pháp
mà mỗi câu văn của ông, như bài kinh cầu trước giờ đi ngủ, đã giúp cô vững vàng
chõi dậy tương tự như li sữa đánh kem và đĩa bánh mì kẹp thịt. Phải luôn luôn ghi
nhớ người đàn bà Algeria biết được vai trò của bà vừa là “người đàn bà cô độc
ngoài đường” vừa là người, bằng bản năng, mang trên vai sứ mệnh cách mạng.
Người đàn bà Algeria không phải là gián điệp bí mật. Không hề được tập luyện,
không hề được chỉ bảo, không hề ồn ào, bà bước ra đường với ba quả lựu đạn
trong sắc tay. Bà không chủ
tâm
đóng một vai trò nào. Không có nhân vật nào để mô phỏng hay bắt chước. Mặt
khác, có sự bi kịch hoá đầy mãnh liệt, sự liền lạc giữa người đàn bà và cuộc
cách mạng. Người đàn bà Algeria chỗi dậy thẳng tiến tới mức độ của bi kịch.
Suy
nghĩ: Và cô gái New Jersey tuột dốc xuống tới trình độ xuẩn ngốc dại khờ. Cô
gái New Jersey cha mẹ gửi đi ăn học tại trường Montessori bởi cô quá giỏi
giang, cô gái New Jersey tại trường Trung học Morristown điểm hạng chỉ có A và
B—cô gái New Jersey vươn thẳng lên trình độ những trò chơi điếm nhục. Cô gái
New Jersey vươn tới trình độ của căn bệnh thác loạn thần kinh.
Khắp
nơi, tại các thành phố cô lẩn trốn, cô nghĩ cô trông thấy người của FBI theo
dõi cô—nhưng Miami mới là nơi sau cùng cô trông thấy nguy cơ hiện rõ trong lúc
cô dạy tiếng Anh cho lũ thanh thiếu niên ngoài công viên thành phố. Tuy vậy,
cách nào cô phụ lòng lũ trẻ được? Cách nào cô ngoảnh mặt quay lưng lại lũ trẻ
sinh ra đời không có gì trong tay đó? Lũ trẻ mà ngay với chúng cũng là rác rưởi
trong thế giới loài người. Hôm sau ra công viên cô lại thấy gã lang thang da
đen trẻ tuổi cầm tờ báo che mặt giả vờ nằm ngủ trên băng ghế, cô bỏ đi ngay và khi
ra tới mặt đường cô chạy thục mạng, cô chạy mãi cho đến khi cô gặp người đàn bà
mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, người đàn bà da đen to béo có con chó bên
cạnh. Bà cầm trong tay cái li nhỏ lắc lắc lên xuống miệng nói thều thào, “Mù
mắt, mù mắt, mù mắt.” Trên vỉa hè dưới chân bà là chiếc áo choàng bằng len rách
bươm, và Merry nghĩ cô có thể trốn trong chiếc áo choàng đó. Nhưng cô chẳng thể
nào cướp đại chiếc áo từ người đàn bà; thay vì thế cô hỏi người đàn bà cô có
thể giúp bà ăn xin được không, bà trả lời được, Merry hỏi bà cô có thể mượn bà
chiếc áo choàng và cặp kính đen được không, bà trả lời, “Cô gái cưng, cái gì
già cũng có thể cho cô được,” thế là Merry mình mặc chiếc áo choàng cũ kĩ dày
cộm, mắt đeo kính đen đứng dưới bầu trời nắng chang chang ở Miami tay lắc lắc
cái li xin tiền trong lúc người đàn bà van vỉ “Mù mắt, mù mắt, mù mắt.” Đêm đó
cô trốn dưới hầm cầu, nhưng ngày hôm sau khi cô mò lại chỗ bà già da đen ăn
xin, lần nữa cô trá hình trong cái áo choàng và cặp kính đen, và cuối cùng cô
vào sống chung với bà già và con chó của bà, từ đó cô trở thành người săn sóc
bà.
Đó
là thời điểm cô bắt đầu đọc sách về tôn giáo. Bunice, tên người đàn bà, hát cho
cô nghe mỗi sáng khi còn nằm trên giường nơi cô ngủ chung với bà và con chó.
Nhưng Bunice bị ung thư và qua đời, đó là thời kì u tối nhất: ở bệnh xá, khu
ung thư, nhà quàn, cô là người thân duy nhất bên cạnh bà, cô mất đi người cô
thương yêu nhất trên đời . . . cô
chưa bao giờ khổ tâm như vậy.
Thời
gian Bunice nằm trên giường chờ chết, cô tìm thấy trong thư viện một số sách vở
và sau khi đọc cô dứt khoát từ bỏ truyền thống Do-Thái-Thiên-Chúa để tìm kiếm
cho bằng được tôn chỉ đạo đức vô thượng ahimsa,
một tôn chỉ hướng thượng đời sống cùng lời nguyện sẽ không bao giờ gia hại bất
kì sinh vật nào.
Cha
cô không còn thắc mắc ở thời điểm nào đời sống cô vuột khỏi tầm tay kiểm soát
của cha mẹ, anh cũng không tiếp tục suy nghĩ tất cả những gì anh làm đều trở
nên vô ích và cô con gái anh bị khống chế bởi thế lực điên khùng nào đó. Thay
vì thế, anh nghĩ Mary Stoltz không phải là con gái anh, bởi lí do giản dị con
gái anh không thể nào chịu đựng nổi ngần đó khổ đau. Cô là đứa bé gái sống ở
Old Rimrock, được nâng niu chiều chuộng hết mực bên trong thiên đường. Không
đời nào có chuyện cô làm việc trong rẫy khoai và ngủ đêm dưới gầm cầu suốt năm
năm trời, khốn đốn trong nỗi hãi sợ bị ruồng bắt. Cô không thể ngủ với người
đàn bà mù mắt và con chó của mụ. Indianapolis, Chicago, Portland, Idaho,
Kentucky, Maryland, Florida—không bao giờ Merry có thể một mình sống tại những
nơi chốn đó, một người cô độc lang thang không cửa không nhà rửa bát kiếm ăn,
trốn tránh cảnh sát, kết bạn với những kẻ nghèo hèn trong công viên thành phố.
Và không bao giờ cô lại có ngày quay về Newark này. Không. Sáu tháng trời sống
ngay đây, đi bộ xuyên qua con đường hầm, mặt che bằng tấm mạng và cứ thế đi bộ
một mình, sáng cũng như tối, ngang bãi rác phế thải và tất cả những đồ vật bẩn
thỉu—Không! Câu chuyện không thể có thật, mục đích của nó là tiêu huỷ nhân vật
ác, kẻ đó chính là anh. Câu chuyện là bức biếm hoạ, bức biếm hoạ được thổi
phồng, và cô là diễn viên, cô gái này là kẻ chuyên nghiệp, được chúng thuê với
mục đích làm cho anh đau đớn bởi anh là cái gì hoàn toàn tương phản với chúng.
Chúng muốn kết liễu đời anh bằng câu chuyện kẻ ti tiện sống lưu vong ngay tại
vùng đất nơi gia đình cô nhiều đời thành đạt giàu có, và vì thế anh nhất quyết
không chịu tin những gì cô kể. Anh suy nghĩ trong đầu, Hãm hiếp? Bom? Miếng mồi
ngon cho bất kì thằng điên nào? Khổ ải không đủ diễn tả những gì cô trải qua.
Địa ngục mới đúng. Merry không thể nào sống sót nổi. Cô chẳng thể nào sống sót
sau khi giết chết bốn mạng người. Cô chẳng thể nào nhẫn tâm giết người vô tội
và vẫn nhơn nhơn tiếp tục sống sau đó.
Rồi
anh nhận ra cô không thể tồn tại. Bất kì sự thật là gì, bất kì chuyện gì thật
sự xảy ra cho cô, lòng quyết tâm từ bỏ cuộc sống đáng khinh khi của cha mẹ cô
đã đẩy cô xuống vực thẳm và huỷ diệt chính con người cô.
Cố nhiên
tất cả những điều này đều có thể xảy đến cho cô. Khắp nơi trên mặt đất này mỗi
ngày đều có những chuyện như vậy. Anh không hề có ý niệm người ta hành xử ra
sao.
“Cô
không phải là con gái tôi. Cô không phải là Merry.”
“Bố
nghĩ như thế cũng được. Biết đâu đó lại là điều hay nhất.”
“Meredith,
tại sao con không hỏi bố về mẹ con? Bố phải nhắc con sao? Mẹ con sinh ra ở đâu?
Khuê danh của mẹ con là gì? Tên ông ngoại con là gì?”
“Con
không muốn nói về mẹ.”
“Bởi
vì con chẳng biết gì về mẹ con cả. Hay về bố. Hay con người con đang giả dạng.
Con hãy nói về căn nhà bên bờ biển cho bố nghe. Tên cô giáo dạy con ở lớp một
là gì? Lớp hai là gì? Này, cô hãy cho tôi biết tại sao cô lại đi giả dạng làm
con gái tôi!”
“Nếu
con trả lời bố những câu hỏi đó, bố chỉ khổ tâm thêm thôi. Con không biết bố
muốn khổ đến đâu.”
“Ồ,
này cô gái trẻ tuổi, cô đừng lo lắng tôi bị khổ tâm—cô cứ trả lời những câu hỏi
của tôi. Tại sao cô giả dạng làm con gái tôi? Cô là ai? 'Rita Cohen' là ai? Hai
người rắp tâm làm chuyện gì? Con gái tôi đâu? Tôi sẽ đi thưa cảnh sát trừ phi
cô cho tôi biết tất cả sự thật và chỗ ở con gái tôi.”
“Bố,
những gì con đang làm chẳng ai có thể đi kiện cáo.”
Chế
độ luật pháp khốn nạn. Ngoài cái đạo Jain
cực kì khốn nạn còn cái luật pháp cứt đái này nữa.
“Không,”
anh bảo cô, “bây giờ thì không—bây giờ chỉ là sự khốn nạn cho tôi thôi! Nhưng
chuyện cô làm trong quá khứ thì sao!”
“Con
làm chết bốn mạng người,” cô trả lời anh, bình thản và ngây thơ như cô có lần
bảo anh, “Hồi chiều con nướng bánh đấy bố ạ.”
“Không!”
Anh hét to. Đạo Jain, luật pháp, sự
ngây thơ cực kì ngu xuẩn, tất cả sự tuyệt vọng, tất cả tách rời cô ra khỏi bốn
mạng người chết. “Không được! Không thể như thế này được! Cô không phải là
người đàn bà Algeria! Quê cô không phải là Algeria, cũng không phải Ấn Độ! Cô
là cô gái Mĩ nhà cửa ở Old Rimrock, New Jersey! Một cô gái Mĩ vô cùng, vô cùng
lầm lỡ! Bốn mạng người! Không!” Và giờ đây anh không chịu tin vào sự thật, giờ
đây anh thấy những tội lỗi cô làm phi lí hết sức và không thể nào có thật. Cô
là đứa con thừa hưởng mọi ưu đãi phúc lành và vì thế chuyện cô đi vào con đường
lầm lỡ là chuyện không bao giờ có thể xảy ra. Cả anh nữa. Chẳng bao giờ có
chuyện đứa con do chính anh sinh đẻ có thể giết chết bốn mạng người. Chẳng bao
giờ có chuyện đó bởi cô có tất cả những gì đời sống ban phát, đòi hỏi, và tất
cả những gì xảy đến cho cô từ ngày cô mở mắt chào đời không thể nào biến cô
thành kẻ giết người. Giết người? Gia đình này làm gì có chuyện đó. Không có
chuyện đó trong cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Họ Levov này chỉ bị gán cho cái tội
tày đình đó thôi. Không, cô không phải, không thể là con gái anh. “Nếu cô khoe
khoang không bao giờ nói dối, không bao giờ lấy của ai cái gì, lớn cũng như
nhỏ—tất cả những thứ vớ vẩn đó, Merry, những thứ vớ vẩn hoàn toàn vô nghĩa—tôi
xin cô hãy cho tôi biết sự thật.”
“Sự
thật giản dị lắm. Đây là sự thật. Bố phải gạt bỏ mọi dục vọng và tính ích kỉ
đi.”
“Merry!
Merry! Merry!” Anh kêu lên, và không kềm chế nổi nữa, với tất cả sức mạnh cường
tráng của người đàn ông, anh nhào lên cô trong lúc cô ngồi thu mình trên đống
cao su dơ bẩn. “Merry ơi! Đây không phải là con! Con không bao giờ nhúng tay
làm nổi những chuyện kinh khủng như vậy!” Cô không chống cự lúc anh lấy tay
giật phăng tấm mạng che mặt. Tấm mạng cắt ra từ vớ chân đàn bà, nó che cằm cô
nơi đáng lí phải là chỗ của gót chân. Thật không có gì hôi hám hơn món vật
người ta đi dưới chân và cô lấy che miệng. Mình yêu thương con, con yêu thương
mình—và kết quả nó lấy vớ chân làm khăn che mặt. “Nói! Nói ngay!” Anh ra lệnh.
Nhưng
cô không chịu nói. Anh cạy miệng cô. Anh bôi xoá lằn ranh trước đây anh không
bao giờ bước qua—không bao giờ dùng bạo lực với con cái. Nhưng giờ đây tất cả
mọi cảm thông đều bị xoá nhoà. Không còn sự cảm thông nào nữa, mặc dù anh biết
bạo lực rất phi nhân và cũng vô ích thôi, và sự cảm thông—đối thoại hợp lí giữa
đôi bên cho đến khi tìm ra điểm đồng thuận—thật cần thiết để đạt đến kết quả
lâu dài. Người cha, người không bao giờ dùng sức mạnh với con cái, người quan
niệm bạo hành là hiện thân của phá sản đạo đức, dùng ngón tay cạy miệng con gái
mình và bắt cô thè lưỡi ra. Một cái răng cửa trong miệng cô bị mất, một trong
những cái răng đẹp. Điều đó chứng minh đây không phải là Merry. Suốt chừng đó
năm đeo niềng răng, biết bao công lao giữ gìn cho hàm răng đẹp, cho lợi răng
tốt, cho nụ cười xinh—đây không thể nào là cô con gái anh.
“Nói!”
Anh lại ra lệnh cho cô, và cuối cùng mùi hôi thối từ thân thể cô xông lên mũi
anh, mùi hôi thối nhất từ một con người, hôi thối hơn bất kì con người nào
ngoại trừ đó là kẻ sống rệu rã hay xác chết rệu rã. Lạ thật, mặc dù cô bảo anh
cô không tắm rửa bao giờ bởi làm thế sẽ tác hại đến nước, trước đây ít phút anh
chẳng ngửi thấy mùi gì cả—lúc anh ôm cô ngoài đường hay khi ngồi đối diện cô
trong căn phòng tối mờ mờ—không gì ngoài cái mùi là lạ, chua chua, thum thủm
khiến anh liên tưởng đến toà nhà đẫm mùi nước tiểu lưu cữu. Nhưng mùi anh ngửi
thấy bây giờ, trong lúc bắt cô há to miệng, là mùi hôi thối của con người, một
con người điên loạn loay hoay tìm kiếm lạc thú trong đống cứt của chính mình.
Mùi hôi thối từ người cô bốc lên anh. Thật kinh tởm. Con gái anh là con người
hư thối nồng nặc mùi hư thối của cặn bã. Mùi thối từ cô là mùi thối của tất cả
những gì hữu cơ tan rữa. Nó là mùi thối của cái gì không liền lạc. Nó là mùi
thối của con người cô bây giờ. Cô có thể nhúng tay vào những chuyện kinh khiếp
đó chứ, và cô đã làm, cái tôn chỉ phải biết quý trọng đời sống là sự bỉ ổi sau
cùng.
Anh
cố tìm kiếm một cơ bắp nào bên trong anh để bít kín cổ họng, cái gì đó giúp anh
ngưng lại ngay đây, đừng đẩy anh sâu thêm nữa xuống vũng lầy nhầy nhụa, nhưng
tuyệt nhiên không có cơ bắp nào như thế. Ruột gan anh quặn thắt thức ăn chưa
kịp tiêu hoá cùng chất chua, lưỡi anh thấy lợm vì vị đắng a-xít từ bao tử xông
lên, và lúc anh hét “Cô là ai!” anh mửa thốc mửa tháo xuống mặt cô.
Trong
bóng tối nhờ nhờ của căn phòng, khi nằm đè lên cô anh biết thật rõ cô là ai. Cô
không cần mở miệng với khuôn mặt trần trụi không che đậy cho anh biết cái không
thể giải thích đã vĩnh viễn thế chỗ cái anh vẫn đinh ninh trong đầu xưa nay.
Nếu cô không mang nhãn hiệu Merry Levov trên người nữa vì hết tật nói lắp, đôi
mắt vẫn là mắt cô, không sai chạy vào đâu được. Bên trong hốc mắt sâu hoắm và
to quá khổ, đôi mắt đó là mắt anh. Dáng người cao cao là anh, đôi mắt của anh.
Toàn thể con người cô là anh. Cái răng hở thì bị nhổ hoặc bị ai đánh văng đâu
mất.
Lúc
anh lui ra cửa cô không nhìn theo mà hốt hoảng nhìn quanh căn phòng chật hẹp
như thể trong lúc điên cuồng anh đã gia hại không biết bao nhiêu vi sinh thể vô
hại sống chung với cô trong cô độc.
Bốn
mạng người. Thảo nào cô biến mất. Thảo nào anh biến mất. Đây là con gái anh, và
không ai hiểu nổi cô. Tôi là cha kẻ sát nhân này. Anh mửa lên mặt cô, khuôn mặt
ngoại trừ đôi mắt, giờ đây không có nét gì giống mặt cha hay mẹ. Tấm mạng che
mặt của cô rơi xuống, nhưng đằng sau còn có tấm mạng khác. Phải thế không?
“Đi
về nhà với bố.” Anh van cô.
“Không!
Bố đi đi. . . Đi.”
“Merry,
con bắt bố phải làm một việc vô cùng đau đớn. Con bắt bố bỏ con nơi đây. Bố vừa
tìm ra con.” Anh vẫn van xin. “Đi. Đi về nhà với bố.”
“Bố,
bố hãy để con yên.”
“Nhưng
bố phải gặp con. Bố không thể để con lại nơi đây. Bố phải gặp con.”
“Bố
gặp con rồi đấy. Bây giờ con xin bố ra khỏi nơi đây. Nếu bố còn thương con, hãy
để cho con yên.”
—Trịnh
Y Thư trích dịch từ tiểu thuyết American Pastoral, tủ sách Vintage Books, NXB
Random House, New York, 1998.